Một dòng chảy thầm lặng
Nhìn tổng quát, lĩnh vực hoạt động văn học nói chung, và riêng về văn xuôi ở ĐBSCL đã phát triển liên tục, hết sức tự nhiên, khi sôi động, lúc lặng lẽ, với một đội ngũ sáng tác văn học thuộc nhiều thế hệ cầm bút đã mang lại nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Đất trẻ, đất mới, với điều kiện địa lý đậm nét đặc thù đã có được, về văn xuôi, những ấn tượng tốt. Nhà văn Nguyễn Thanh - Phó Ban liên lạc Hội Nhà văn Việt Nam tại ĐBSCL, đã nêu khá đầy đủ một tiến trình
phát triển văn học từ trước Cách mạng tháng 8 đến nay trong báo cáo "Văn xuôi ĐBSCL phát triển lên một bước đáng ghi nhận". Theo ông, kể từ sau phóng sự Đồng quê của Phi Vân, Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, Hương rừng Cà Mau, hai cõi U Minh của Sơn Nam, những tên tuổi như Trang Thế Hy, Lê Vĩnh Hòa, Anh Động, Lê Chí, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Bá, Minh Thùy… với nhiều tác phẩm văn xuôi, thơ… đã in đậm dấu ấn một thời đất "lục tỉnh" trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Có thể khẳng định rõ ràng rằng, văn xuôi yêu nước của thế hệ các nhà văn trưởng thành trong 2 cuộc kháng chiến đã góp phần tạo dựng được diện mạo chững chạc của nền văn học Cách mạng Việt Nam . Họ là lực lượng nòng cốt, là hạt nhân tập hợp và dẫn dắt đội ngũ tác giả trẻ hình thành từ sau ngày giải phóng đến nay.
Trên chặng đường hơn 20 năm qua, lực lượng hoạt động văn học ở ĐBSCL đã phát triển đáng kể về số lượng lẫn chất lượng. ĐBSCL hiện có 12 Hội VHNT với 12 tạp chí xuất bản hằng tháng hoặc hằng quý, đã quy tụ và tập hợp đông đảo các cây bút sáng tác. Riêng sự hiện diện của 29 Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam trong khu vực cũng đủ nói lên bước phát triển mới so với thời kỳ lèo tèo trước kia. Về văn xuôi, những tên tuổi như Ngô Khắc Tài, Nguyễn Trọng Tín, Phạm Trung Khâu, Nguyễn Lập Em, Hồ Tĩnh Tâm, Anh Đào, Nguyên Tùng, Vũ Hồng, Đặng Tấn Đức, Phan Trung Nghĩa, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Thị Diệp Mai … đã tạo dựng một diện mạo mới, sôi nổi và quyết liệt, trên cái nền văn học thầm lặng mà sôi động của miền châu thổ Cửu Long này. Có thể thấy, thông qua những tác phẩm của họ, nhiều chủ đề, đề tài nóng bỏng trên các lĩnh vực kinh tế- văn hóa- xã hội với bao điều mới lạ như chuyển dịch con tôm, cây lúa ở bán đảo Cà Mau, chuyện "sống chung với lũ" ở đầu nguồn châu thổ, những nhân tố mới, những âu lo về tệ nạn xã hội, hình tượng người nông dân trong thời kỳ mới … đã được phản ánh, chuyển tải. Họ đã tích lũy vốn sống, đứng vững trong quá trình đổi mới đất nước, làm ra nhiều tác phẩm được dư luận và xã hội đánh giá cao.
Ít tiểu thuyết, vắng phê bình, và những khiếm khuyết…
Tại bàn tròn, nhiều vấn đề cốt lõi của văn học ĐBSCL, nhất là văn xuôi, đã được các tham luận mổ xẻ thấu đáo. Tựu trung, câu hỏi đặt ra gay gắt từ cuộc sống là: vì sao ĐBSCL ít có truyện ngắn hay và ít có tiểu thuyết? Thêm vào đó, mảng lý luận phê bình gần như trống vắng, và báo động về lực lượng kế thừa. Về tiểu thuyết, theo nhà văn Anh Đào, có nhà văn đã in được vài mươi cuốn tiểu thuyết, nhưng để tìm ra một cuốn mới gây được tiếng vang thì quả thật, là chưa thấy. Một thông tin khác gây sốc: cuộc thi tiểu thuyết của Tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam nhận được 182 tác phẩm, nhưng rất ít cuốn đi thẳng vào những vấn đề hiện nay của đời sống. Việc ít có tác phẩm hay thật tỷ lệ nghịch với việc mỗi tỉnh đều có một hội VHNT và cộng tất cả các hội viên văn học lại. Nhà thơ Lê Tân trầm ngâm hơn: Chúng ta bước ra khỏi cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại đã hơn 20 năm, thời gian chưa phải là dài, nhưng cũng không ngắn nữa, có biết bao thăng trầm, biến đổi, mâu thuẫn xã hội, thế mà bút ký, truyện ngắn và tiểu thuyết - 3 thể loại cốt yếu của văn xuôi- không phát triển mạnh, đồng đều là điều thật đáng buồn.
Có thể khẳng định: Tình yêu văn chương và niềm đam mê sáng tác là có thật ở vùng đất này. Thế nhưng, số lượng tâm huyết với cây bút văn xuôi hư cấu ngày một ít đi. Ngay cả những cây bút thành công, tác phẩm vẫn còn rất nhẹ và mỏng. Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Thị Diệp Mai là một ví dụ. Và những người như họ cũng chưa đủ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều lý do, nguyên nhân lý giải thực trạng trên cũng được nêu ra. . Nhận định chung của các nhà văn là, nhiều năm nay, chất lượng văn xuôi hư cấu ở ĐBSCL chỉ ở mức làng nhàng. Tác phẩm thường sa vào kể lể, miêu tả mà thiếu sức gợi cảm, thừa ngô nghê mà thiếu tự nhiên. Nguyên Tùng thốt lên: "Có cảm giác là người viết chúng ta đã bị đóng đinh trong cách nghĩ: đã là người ĐBSCL thì lúc nào cũng phải nhậu, say quắc cần câu, nói năng bạt mạng, dở dở ương ương. Thêm vào đó, nhiều tác phẩm thừa tả thực mà thiếu tưởng tượng, dễ gây cho người đọc cảm giác: "Đó là câu chuyện có thật".
Ở một góc cạnh khác, Nguyễn Thị Diệp Mai khẳng định chắc nịch: "Chúng tôi mê viết văn nhưng không thể sống bằng nghề viết văn!". Theo chị, giới viết văn trẻ bị chuyện mưu sinh làm nặng gánh, không thể sống bằng nghề văn được thì tốt nhất là viết chơi theo kiểu tài tử, dù cho các bậc đàn anh của nền văn học có kêu ca giới trẻ viết văn thiếu tính chuyên nghiệp cũng đành chịu. Suy nghĩ này có lẽ không riêng gì của Nguyễn Thị Diệp Mai. Diều khẳng định này có thể coi là thực dụng, song, là một thực tế đáng buồn của các nhà văn hiện nay: xuất bản tác phẩm khó, nhuận bút thấp, các tác phẩm có giá trị bị trộn lẫn với những tác phẩm kém… Tuy nhiên, phải hiểu rằng tính chuyên nghiệp của người viết không phải là việc suốt ngày chỉ viết văn và chỉ làm mỗi nghề viết văn. Tính chuyên nghiệp ở đây là trình độ độ tác phẩm và phương pháp sáng tác.
Văn học ĐBSCL, một thời gian dài, đã có những thành công nhất định, và, còn có thể chờ đợi và hy vọng. Văn học ĐBSCL cũng tránh né được sự tự rút lui vào bản thân, thở than, hiu hắt, nhưng chưa mở rộng cường độ và mở rộng đề tài. Trên một thực tế năng động, có rất nhiều chuyển động và biến đổi lớn lao ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung mà thiếu những tác phẩm mang hơi thở thời đại là điều những người viết văn trong khu vực cần phải suy nghĩ về sự nhập cuộc, dấn thân và trách nhiệm của mình với xã hội.
Làm việc suốt một ngày, rất nghiêm túc và đúng giờ, với gần 30 tham luận và ý kiến tập trung mổ xẻ nhiều góc cạnh của văn xuôi ĐBSCL, có thể nói, bàn tròn văn xuôi ĐBSCL lầm thứ I là cuộc gặp gỡ thú vị và có trách nhiệm của những người làm công tác văn học ở ĐBSCL. Làm gì để văn học ĐBSCL nói chung và văn xuôi nói riêng chuyển mình trước hiện thực lớn lao của đời sống? Đó là câu hỏi đặt ra từ bàn tròn cho mỗi nhà văn mà chính họ phải tự trả lời.