Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.259
123.156.006
 
Festival Huế 2006: Một Huế xưa huyền ảo
Bùi Ngọc Long

Đêm Hoàng cung

Lần đầu tiên, không gian văn hóa của Hoàng cung về đêm sẽ được tái hiện qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật và lễ hội lung linh huyền thoại. Đạo diễn Lê Quý Dương, tác giả chính của lễ hội Đêm Hoàng cung, cho biết: "Tiền đề triết học của kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật và đời sống của hoàng cung Huế được xây dựng và áp dụng theo nguyên tắc dịch học phương Đông. Cung đình Huế và triều đại nhà Nguyễn đã trở thành một huyền thoại mang tính lịch sử gắn với di tích cố đô. Huyền thoại này đang dần chìm vào quên lãng nên cần được bảo tồn và giới thiệu một cách phù hợp".

Cấu trúc của chương trình được diễn ra trên toàn bộ khuôn viên của Hoàng cung xưa với hai chương trình Động và Tĩnh. Chương trình Động: Tái hiện các đoàn cấm vệ quân đi tuần quanh Hoàng thành, các đoàn kiệu rước với lọng và đèn của quý bà, cung tần mỹ nữ đi bên cửa Chương Đức và quý ông, vương tước, quan lại đi bên cửa Hiển Nhơn.

Chương trình Tĩnh được bố trí thành 3 trục chính: Trục Trung đạo: Ngọ Môn, cầu Trung đạo, sân Đại triều, điện Thái Hòa, đại Cung Môn, điện Cần Chánh, Tả Hữu vu, nền điện Càn Thành, nền điện Khuôn Thái, Lục viện, trước nền điện Kiến Trung. Trục bên cửa Chương Đức: Từ Hiển Lâm Các - Thế Miếu - Hưng Miếu - điện Phụng Tiên - cung Diên Thọ, cung Trường Sanh. Trục bên cửa Hiển Nhơn: Thái Miếu - Triệu Miếu, phủ Nội vụ, Duyệt Thị Đường, Thái Bình Lâu, vườn Cơ Hạ.

Du khách sẽ được chứng kiến các sinh hoạt của quan binh, voi ngựa, thái giám, cung nữ và đời sống cung đình; các hoạt động văn hóa nghệ thuật cung đình như: nhã nhạc, múa cung đình, tuồng, ca Huế và một số loại hình nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam sẽ được đưa về đúng với không gian diễn xướng nguyên thủy; các trò tiêu khiển cung đình của giới quý tộc xưa qua các trò chơi: đầu hồ, thả thơ đố chữ, đề thơ trên lồng đèn, viết thư pháp...; nghệ thuật ẩm thực đa dạng của chốn cung đình: uống rượu thưởng hoa, uống trà thưởng thức bánh Huế và dạ nhạc tiệc... Ngoài ra, một số ấn tượng nghệ thuật về sinh hoạt của chốn cung đình Huế xưa cũng sẽ được tái tạo qua các chương trình giới thiệu: phim tư liệu, kỹ thuật video, slide projection và trưng bày triển lãm... Du khách tham gia Đêm Hoàng cung sẽ có cảm giác như đang bước vào một không gian của quá khứ vàng son, diễm lệ của một vương triều Nguyễn xưa.

Lễ hội Truyền lô - Vinh quy bái tổ

Truyền lô là một lễ hội cung đình được tổ chức 3 năm một lần để xướng danh các tân khoa tiến sĩ thi đỗ tại các cuộc thi Đình. Chương trình diễn ra vào buổi sáng, các quan lại, binh lính, đội lễ nhạc, các tân Tiến sĩ cùng quan khảo thí xếp hàng chờ đám rước vua cùng Hoàng Bảng (bảng vàng đề danh các tiến sĩ) đến Ngọ Môn. Tại lầu Ngọ Môn, lễ Truyền lô được tái hiện, sau khi mọi người đã đứng đúng vào vị trí thứ tự của mình. Quan khảo thí dâng biểu trình bày kết quả kỳ thi, quan Kinh dẫn đưa các tân tiến sĩ quỳ bái trước Ngọ Môn rồi lui về bên trái. Quan Bộ Lễ tâu xin làm lễ Tuyền lô và tuyên đọc sức tứ (sắc phong của vua) ban học vị cho các tân tiến sĩ. Các tân tiến sĩ từng người một nghe xướng danh và đến làm lễ tạ ơn. Nghi lễ truyền lô kết thúc, vua và xa giá trở về nội cung và đám rước Kim bảng đề danh được bắt đầu với lễ nhạc cờ lọng, quan viên, binh lính... từ Ngọ Môn thẳng ra Phu Văn Lâu để tổ chức niêm yết bảng vàng.

Sau lễ niêm yết bảng vàng, đám rước tiếp tục di chuyển về cửa Thể Nhơn, thẳng đến cửa Hiển Nhơn về Duyệt Thị Đường để làm lễ nhận ân tứ vinh quy, cưỡi ngựa thưởng hoa. Lễ rước Vinh quy bái tổ sẽ được tổ chức dưới hình thức lễ hội dân gian, diễn xướng văn hóa, văn nghệ... gồm đoàn hộ tống tân tiến sĩ về làng vinh quy bái tổ. Đoàn quan viên, bô lão, dân làng rước tân khoa tiến sĩ về nguyên quán từ cửa Hiển Nhơn về đình làng Dương Nỗ (xã Phú Dương, huyện Phú Vang). Tại đây sẽ diễn ra các hoạt động mừng đón tân tiến sĩ, làm lễ bái tổ, tạ ơn làng xóm, các bậc bô bão... Dự kiến sẽ có tổng cộng 267 diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên tham gia lễ hội này để tái hiện lại không gian văn hóa mang nội dung tuyên dương người hiền tài, hiếu học của nước.

Ngoài hai lễ hội Đêm Hoàng cung và Truyền lô - Vinh quy bái tổ, lần đầu tiên được phục dựng, Lễ hội Nam Giao cũng sẽ được tái hiện toàn bộ 3 phần: Lễ xuất cung đến Đàn Nam Giao, Lễ tế giao và Lễ hồi cung hoành tráng và đặc sắc.

 

Miền đất huyền ảo

Một trong những nét văn hóa độc đáo nhất của "Miền đất huyền ảo" là không gian văn hóa cồng chiêng, một di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu thứ hai của Việt Nam vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, tháng 3/2006. Lần đầu tiên không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, sẽ được giới thiệu tại Festival Huế 2006, bằng cách phục dựng gần như trung thực tất cả các yếu tố "không gian" văn hóa, môi trường diễn xướng của cồng chiêng Tây Nguyên và lễ hội. Địa điểm để tổ chức chương trình này là đồi thông Thiên An thơ mộng của Huế, phục hiện nguyên bản một bản làng Ê-đê với những ngôi nhà dài truyền thống, ghế kpan, cột lễ mừng mùa M'Nông, cột lễ đâm trâu bản Đôn (Đắk Lắk), cột Gơng Drai Ê-đê, 4 dàn chiêng cổ, trống da voi, ché rượu cần và các nhạc cụ gõ truyền thống của đồng bào Tây Nguyên. Các nghệ nhân tham gia lễ hội sẽ được mời từ buôn Kõ Siêr, nhóm nghệ nhân huyện Lăk, nhóm múa dân gian M'nông và Ê-đê khoảng 36 người, nhóm Gru Bản Đôn do nghệ nhân nổi tiếng Ama Công chỉ huy gồm 7 người và đội voi 6 con của Trung tâm du lịch sinh thái Bản Đôn.

Đêm khai mạc mang tên Lễ hội lửa được tổ chức ngay trước nhà dài với các chương trình diễn xướng cồng chiêng, đàn đá, diễn tấu Tưng gơr (nhạc cụ truyền thống được làm từ ống nứa), múa lửa. Đặc biệt lần đầu tiên du khách sẽ được chứng kiến dàn chiêng đồng, chiêng tre với những âm thanh độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Bên cạnh lễ hội lửa với không gian văn hóa cồng chiêng được phục dựng gần như nguyên bản, lần đầu tiên du khách tham dự festival cũng sẽ được thưởng thức lễ hội săn voi sôi động, kịch tính và hấp dẫn.

Bên cạnh các lễ hội lần đầu tiên được phục dựng, tái hiện, trong suốt thời gian diễn ra festival, Huế sẽ trở thành "sàn diễn" hoành tráng của lễ hội văn hóa nghệ thuật của các loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ, trang phục truyền thống, thời trang, ẩm thực... đặc sắc và hấp dẫn từ khu vực kinh thành, lăng tẩm cổ kính đến các quảng trường, nhà văn hóa, các làng quê của Thừa Thiên- Huế.

 

Các chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Festival Huế 2006

 

* Tìm gió của ban nhạc Mezcal Jazz Unit. Các nhạc công trình diễn gồm Trần Mạnh Tuấn, Hồ Nga, Nguyễn Ánh Tân, Nguyễn Thu Thủy, Christophee Azema, Emmanuel de Gouvello, Pierre Diaz, Lionel Martinez và Thomas Carbou.

* Vòng cát của Nhà hát Monte Charge (Pháp) phối hợp với Nhà hát tuồng Việt Nam do đạo diễn người Pháp Alain Destandau thực hiện.

* Ea Sola: Ký ức - Hạn hán và cơn mưa vol.2: Vở múa với đề tài chiến tranh, chất vấn giới trẻ trước những cuộc chiến mà họ thấy trên thế giới: đâu là trách nhiệm, sự khát khao không bạo lực và nhận thức công lao to lớn của những người đã cống hiến để dành lại hòa bình.

* Đoàn Wellspring enviromental arts and design - Úc với một chuỗi tác phẩm ba chiều có màu sắc rực rỡ trên nước, cách điệu hóa hình ảnh con rồng và hoa sen trên sông Hương.

* Vòng đời của Đoàn nghệ thuật Matilda Leyser (Hội đồng Anh). Chương trình của đoàn Matilda Leyser. Lifeline (Vòng đời) là một vở diễn kết hợp giữa nghệ thuật múa và kỹ xảo xiếc trên dây đầy ngoạn mục. Nghệ sĩ múa tài hoa Daniel Weaver sẽ bộc lộ những sắc thái đa dạng của dòng đời muôn mặt bằng một phong cách diễn mới lạ, lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam.

 

Đoạn ngũ đao hồi cung trong lễ hội Nam Giao. Ảnh: Phạm Văn Tý

 

Bùi Ngọc Long
Số lần đọc: 3962
Ngày đăng: 28.05.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những bài viết liên quan đến trang Sông Cửu Long: “Văn nghệ Sông Cửu Long” - đứa con cần “giá thú” - Hoài Hương
Những bài viết liên quan đến trang Sông Cửu Long:Trang web - Ngô Thị Kim Cúc
Tham luận bàn tròn văn xuôi đồng bằng sông Cửu long - Tiền Giang 10-9-200 : ” Không trói buộc văn học vào những cuốn sách” - Trần Quốc Toàn
Văn xuôi ĐBSCL : - Trần Minh Trường
Bàn tròn văn xuôi ĐBSCL lần thứ I - Trần Minh Trường
NHÀ THƠ HỮU THỈNH & “BÀN TRÒN VĂN XUÔI ĐBSCL LẦN THỨ I” : ĐBSCL khó khăn nhất, xa nhất, làm được nhiều nhất! - Giáp Nguyễn
Văn xuôi ĐBSCL- Tính chuyên nghiệp chưa cao - C.Thành
Cùng một tác giả