Khởi đầu cho cuộc tấn công Libya là sự xuất hiện của máy bay Pháp, tiếp đó là sự hiện diện gần như đồng thời của Anh. Song, thực tế, vai trò lãnh đạo có vẻ không phải là Anh, Pháp.
Anh, Pháp dẫn đầu trong cuộc chiến này? Thoạt nhìn, có vẻ như vậy khi các diễn biến gần như đều chứng tỏ điều đó. 90 phút sau bài phát biểu của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, máy bay Pháp xuất kích và tiếp theo là Anh. Tuy nhiên, Mỹ vẫn giữ một vai trò lãnh đạo.
Một quân đội Mỹ lo lắng, vốn bị dàn mỏng bởi gần một thập niên chiến tranh, hầu như không muốn đi đầu trong một cuộc tấn công khác của liên minh nhằm vào một nước Ả rập khác.
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi tàu chiến và tàu ngầm Mỹ khởi động việc bắn ra một loạt tên lửa Tomahawk nhằm vào Libya, một câu hỏi lớn được đặt ra tại Lầu Năm Góc rằng liệu Mỹ vẫn tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo và tới khi nào Washington mới trao lại quyền cho một nước đồng minh.
Đúng vậy, máy bay chiến đấu Pháp đã xuất kích trước và tấn công Libya đầu tiên. Trên thực tế, quân Anh cũng tham gia và một tàu ngầm Anh đã cùng Mỹ bắn tên lửa hành trình vào bờ biển Libya.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc thừa nhận rằng cuộc tấn công nhằm vào Libya, chiến dịch quân sự can thiệp vào thế giới Ả rập lớn nhất kể từ cuộc chiến Iraq năm 2003, vẫn do Mỹ khởi xướng.
"Chúng ta vẫn đi đầu trong các chiến dịch của liên quân, nơi Mỹ - dưới sự chỉ huy của Tướng Ham ở Bộ chỉ huy châu Phi, chịu trách nhiệm. Tướng Ham vẫn là người chỉ huy ở giai đoạn này", phó đô đốc Bill Gortney cho hay.
Tuy nhiên, tướng Gortney vẫn thận trọng khi nói "trong vài ngày tới đây, chúng ta sẽ chuyển giao cho một bộ phận chỉ huy liên quân". Cho tới thời điểm này, liên quân gồm Anh, Italia, Pháp và Canada. Qatar và một số nước Ả rập khác cũng tuyên bố sẽ tham gia cuộc chiến.
Chiến dịch tấn công Libya không phải là một lựa chọn của Mỹ. Nước này đã phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn ở Afghanistan, đang đuối sức ở Iraq và tham gia chiến dịch cứu hộ khổng lồ ở Nhật. Các nước Ả rập ở Bắc Phi và vùng Vịnh cũng đang đối mặt với bất ổn chưa từng có.
Tổng thống Mỹ Obama, từ Brazil, nhấn mạnh, quân Mỹ tập trung vào sứ mệnh đầu cuối để bảo vệ dân thường Libya và việc cho phép thiết lập khu vực cấm bay là nhằm ngăn chặn lãnh đạo Libya Gaddafi khỏi giết hại dân thường trong lúc cố đè bẹp lực lượng nổi dậy. Tuy nhiên, khu vực cấm bay sẽ do các đối tác quốc tế của Mỹ thực thi. Quân bộ binh Mỹ sẽ không tiến vào Libya, Obama khẳng định.
Quan chức Mỹ cho biết, vai trò lãnh đạo ban đầu thường tạo ấn tượng, dựa trên khả năng vô hiệu hóa hệ thống phòng không Libya của quân đội được vũ trang hiện đại nhất. Khả năng này đã được chứng tỏ bằng việc tấn công các mục tiêu của Libya từ những con tàu đậu ở Địa trung hải.
Một số tên lửa Tomahawk dùng trong vụ tấn công Libya rạng sáng nay hiện đại hơn nhiều mức cần thiết để chọc thủng hệ thống phòng thủ của Gaddafi, gồm cả khả năng đi "lang thang" trong không trung trước khi được hướng vào mục tiêu cuối cùng. Khả năng này không được sử dụng trong cuộc tấn công Libya. "Trong sứ mệnh đặc biệt này, chúng tôi sử dụng tên lửa mới", Gortney cho hay. Không lâu sau đó, quân đội Mỹ dự định triển khai máy bay hiện đại - Global Hawk để cung cấp hình ảnh chiến trường.
Tướng về hưu James Dubik, cựu chỉ huy hàng đầu của Mỹ tại Iraq, tỏ ra hoài nghi về sứ mệnh nhưng thừa nhận Mỹ có một số khả năng quan trọng đối với cuộc chiến. "Mỹ có một số khả năng độc nhất vô nhị - thăm dò và thu thập thông tin tình báo, chống radar, và dĩ nhiên Mỹ là nước đi đầu thế giới nói về tên lửa Tomahawk".
Cho tới giờ, tướng Dubik đặt ra câu hỏi, liệu khu vực cấm bay có thực sự bảo vệ được dân thường Libya. Thế còn lực lượng dân quân của Gaddafi - một câu hỏi đang được nhiều người ở Washington đặt ra.