Lần nào về Ninh Lâm ăn giỗ bà ngoại tôi cũng đến uống cà phê ở cái quán nhỏ nằm đối diện nhà cậu Bảy tôi. Đó là nơi xưa kia, thời tôi còn nhỏ (trước năm 1960), ông Sáu Canh đứng hớt tóc. Tôi đã làm khách của ông nhiều lần.
Nghị, chủ quán cà phê, là cháu họ ông Sáu Canh, nhưng anh ta không biết mặt ông Sáu, bởi ông mất đã lâu… Tôi hỏi về hai người con ông Sáu, Nghị cho biết: chị Xứng, y sĩ, làm ở bệnh viện tỉnh nhiều năm, sau theo chồng về Gò Công, hiện giờ thế nào không ai rõ. Anh Sung dạy học mấy chục năm ở Đại Lãnh, Tu Bông, nay về hưu, con cháu hàng đàn… Nhanh thật, mới đó mà hơn bốn mươi năm đã trôi qua. Nay nếu hỏi những người trẻ, thanh thiếu niên trong làng, chắc chẳng ai biết ông Sáu Canh, một gương mặt đặc biệt của cái thời xa xưa, xưa như cổ tích ấy.
Làng Ninh Lâm nằm giữa thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) và Tu Bông, (Tu Bông là trung tâm buôn bán của ba xã Vạn Khánh, Vạn Long, Vạn Phước). Vị trí của làng không heo hút lắm, gần núi gần biển, có quốc lộ I và đường xe lửa băng ngang qua, nhưng trong một thời gian dài được xếp vào danh sách những làng nghèo của huyện. (Nguyên nhân chính gây ra cái nghèo: người dân chỉ biết độc canh cây lúa, và ruộng ăn nước trời, mỗi năm làm có một vụ.) Dân Ninh Lâm sống chủ yếu bằng nghề nông. Ai cũng làm ra lúa, nhưng phần lớn chỉ đủ ăn, còn thừa chút ít đem bán thì chẳng được mấy đồng, vì lúa rẻ. Quanh vùng, cả huyện, và các huyện bên cạnh cũng đều làm lúa, ít người cần gạo. Những nhà ruộng sâu trâu nái, sản xuất được lúa tấn, chở đi xa bán mới có thể dư dật, giàu sang. Ninh Lâm có sáu hộ như thế. Trong đó nổi bật ba người: ông xã Lãm, ông hương kiểm Tới, và ông Tám Hy. (Người ta quen miệng gọi hương kiểm, hương bộ… đúng ra, mấy chức danh đó đã bị xếp xó từ lâu.) Họ nổi do có trâu ruộng nhiều gấp năm, gấp mười những người khác và nhà cửa đồ sộ, quần áo bóng lộn lượt là, nhiều xe đạp, máy rađiô, máy hát dĩa. Nay có thể chúng ta coi thường những chiếc xe, các máy móc ấy, nhưng ai đã tận mắt thấy – vào những tối thứ bảy hàng tuần – ba bốn chục người tụ họp trong sân nhà ông Tám Hy, ngồi im lặng trật tự, dỏng tai nghe cải lương, mới biết đó là những tài sản đáng giá. Lớp người nghèo chẳng ai dám mơ tưởng đến chúng, bởi các vật dụng nhỏ hơn cần thiết hơn như dép guốc, quần áo còn chưa sắm đủ, sao dám ngó tới đồ xa xỉ… Tôi sống ở Ninh Lâm từ lúc ra đời đến năm mười hai tuổi. Có một đồ vật ám ảnh tôi suốt những năm đó, là cái mền. Tôi nhớ nhà ngoại tôi, nhà tôi, và tất cả bảy nhà của các cậu dì tôi đều không có mền. Ai cũng đắp chiếu. Người ta vẫn gọi vùng này là xứ gió, nằm trong khu vực ảnh hưởng của gió Tu Bông, mùa đông năm nào trời cũng “thổi” hai ba tháng. Đắp chiếu, nhiều lúc tưởng như không đắp, nó thông thống, hở đầu hở chân. Nhiều lần, nằm co quắp run rét trong chiếc chiếu cũ tôi ước: nếu có phép tiên thì trước hết mình sẽ hô để có ngay vài cái mền. Tôi không nghĩ đến xe đạp, quần áo đẹp, máy hát!
Nay làng phình to ra, gấp ba ngày trước. Nhà cửa san sát, khang trang, xe máy dập dìu. Những con đường lớn được tráng xi măng, sạch đẹp, thẳng tắp. Con đường trước quán cà phê này, hồi đó, vào mùa mưa nước dâng đầy, chúng tôi phải cởi quần vắt cổ lội bì bõm… Tôi nói với Nghị:
- Các thay đổi lớn của làng là đây – tôi chỉ cái bóng điện trên trần – và kia – tôi chỉ ra đường.
- Dạ. Nếu có điện đường nữa thì thành phố xá rồi! – Nghị cười.
- Xe máy cũng nhiều.
- Gần sáu mươi chiếc… Năm 2000 mua sắm mạnh nhất, nhờ nhiều người trúng tôm.
- Em biết không, xưa kia, trong những tháng mưa, khi qua đây chúng tôi phải cởi truồng.
- Dạ, cháu có nghe nói… Cũng mới thong thả khoảng hơn chục năm nay… Thời nào sống theo thời ấy.
- Tôi nhớ ngoại, các cậu dì tôi, và bà con quen biết trong xóm giờ đã mất, thương họ không được hưởng những ngày nhàn hạ, cùng các tiện nghi văn minh – Hình như giọng tôi đượm chút ngậm ngùi.
- Sướng quá sanh tệ, chú à. Nay một số người đâm ra mê bài bạc, đánh số đề, cá cược bóng đá. Nếu sống cần kiệm như chú bác trước kia chắc nhiều người giàu to… Gần đây ít thấy mấy anh con của chú về?
- Tụi nó bận học, tết mới được nghỉ.
- Làng này có nhiều mặt tốt, nhưng việc học thì còn yếu… Nay chỉ có hai đứa học đại học Đà Lạt, hai ở Thủy sản Nha Trang, bốn đứa cấp ba, và chừng hơn hai chục ở các cấp nhỏ… Quá mỏng. Bà con còn coi nhẹ chuyện học hành.
- Mỏng thực. Trước khổ ghê gớm mà ông Sáu Canh còn cho hai con học tận Nha Trang.
Tôi lại nhắc đến ông Sáu Canh. Tôi kể Nghị nghe về đời sống, lối sinh hoạt của dân làng trước đây 40 năm. Chuyện nào anh cũng thấy ngộ và lạ. Tôi bảo Nghị thử nhắm mắt một phút, hình dung chỗ anh đang đứng là cái quán hớt tóc vuông vắn, rộng mỗi bề hai mét, mái lợp rạ, bốn bên không che chắn gì; và giữa quán có ông Sáu Canh, người thấp bé, đen sạm, mặc quần đùi áo thun, cầm tông đơ đứng bên chiếc ghế gỗ cao…
- Chịu thua, cháu chẳng hình dung được.
Và Nghị cũng không biết những trò chơi của bọn trẻ ngày xưa: U mọi, thả diều, đá dế, chơi ô quan, đánh trỏng, bông vụ.
- Trẻ con bây giờ chỉ hát karaokê, đá banh và xem truyền hình thôi!
Tất nhiên Nghị cũng không biết những chức tước ông xã, hương bộ, hương kiểm lớn nhỏ thế nào; những người mang các chức đó oai vệ ra sao; cũng như không ngờ cả làng chỉ có sáu ngôi nhà ngói, và hầu hết dân làng ban ngày đi chân đất, chỉ đến tối mới mang guốc rửa chân đi ngủ… Hai người quen cũ ở đây tôi nhớ nhất, nghĩ đến nhiều nhất là vợ chồng ông Sáu Canh. Nhưng tôi không biết phải nói thế nào để Nghị hiểu được do đâu tôi nhớ họ.
Ông Sáu Canh gầy còm, đen trũi, chân có tật (chân trái nhỏ và ngắn hơn chân phải), nên đi đứng khó khăn. Không có ruộng đất trâu bò nên ông không bám vào cây lúa như bà con xung quanh. Ông hớt tóc và trồng rau. Cả làng chỉ mỗi mình ông hớt tóc nên thường không vắng khách; và chẳng ai trồng rau, vì đi chợ Tu Bông xa, năm cây số, ai cũng ngại… Nếu sống như mọi người, nghĩa là cho con cái học qua loa vài năm rồi ở nhà cày cuốc thì chắc ông cũng thong dong. Đằng này ông “chơi” khác đời: cho cả hai con đi học, hết trường xã, đến trường huyện, rồi vào mãi Nha Trang, nên ông đuối. Nhiều người ngạc nhiên, và… bực mình. Họ bực, chẳng rõ do họ thương hại khi thấy ông chơi ngông, làm một việc quá sức mình, hay họ đố kỵ?… Năm ấy làng Ninh Lâm có bảy người học lớp nhất (lớp cuối bậc tiểu học), trong đó chỉ có anh Sung – con ông Sáu Canh – nhà nghèo, còn những người khác đều khá giả, như con ông hương kiểm Tới, con ông Tám Hy, con ông xã Lãm. Nhưng lúc thi tốt nghiệp (ở trường thi Ninh Hòa – trường Đảng Ninh Hòa hiện nay), đậu tiểu học xong, tất cả đều nghỉ, chỉ còn Sung mò vào Nha Trang xin thi vô đệ thất. Ai cũng bảo, học thêm làm gì, dân quê là phải cày ruộng, làm sao tranh chỗ của thầy chú thành phố được. Thực ra, về mặt tiền bạc, các nhà giàu ở đây dư sức nuôi bốn, năm đứa con ăn học. Không làm nhưng khi thấy người khác làm thì ghét!… Một hôm, trong một đám cưới, ông hương kiểm Tới hỏi ông Sáu Canh:
- Nghe nói con ông vô Nha Trang học?
- Dạ, tôi cho cháu thi thử vào trường công, may đậu, nên cháu học tiếp, nếu rớt chắc phải nghỉ… học ở đó khỏi đóng tiền thầy.
- Giỏi, rất giỏi! Hao tốn ghê lắm, biết không?
- Dạ, tốn kém lắm, vợ chồng tôi cố gắng tiện tặn… chớ đậu mà bỏ uổng quá.
- Ngông, chơi cao!… Ông thu nhập được gì?… Một mớ tiền lẻ cắt tóc, mấy đồng rau!… Con mụ vợ nhà ông hom hem thế mà bắt mụ ngày nào cũng è cổ gánh cái gánh nặng chạy ra tới chợ Tu Bông… Ác đức!
- Dạ, còn kiếm được ít tiền bán heo, gà.
- Mấy con? Ông ra sân sau nhà tôi mà coi, hai chục con heo trong chuồng đấy!… Tôi thương cho ông, cứ như sống trên mây!
Trong một buổi cúng kỳ yên ở đình làng (cúng xuân định kỳ hàng năm, tháng 2 âm lịch), ông xã Lãm gọi ông Sáu Canh lại gần, hỏi:
- Đứa con nhỏ nhà chú là con gái?
- Dạ, con gái, cháu mười ba tuổi, tên Xứng.
- Nghe đâu nó học trên tỉnh?
- Dạ, cháu mới đậu vào trường trung học.
- Tài quá! Con gái mà vào tận Nha Trang học, xưa nay làng ta chưa có… nhà chú mày đứng đầu đấy!
Ông Sáu Canh gãi tai.
- Cháu nó nhỏ con, ốm yếu nên vợ chồng tôi ráng cho cháu kiếm ít chữ để sau này có cái nghề đỡ thân… tướng đó không thể nào cấy hái, gánh gồng theo kịp chị em.
- Nghề gì cái giống con gái?
- Dạ, y tá! Cháu rất thích làm y tá.
Xã Lãm ấn vai ông Sáu Canh bảo ngồi xuống. Trầm ngâm một lúc, ông ta nói:
- Như thế là trèo cao… mà đã lỡ trèo thì cố trèo cho tới ngọn, đừng tụt nửa chừng thiên hạ cười cho!
- Dạ, trời thương, đến đâu hay đó.
- Cả hai đều lên trung học, gớm thiệt!… Này, mai sau nếu may con cái đậu cao, làm lớn, chú mày được tôn lên hàng hào lão, thì liệu bọn dốt này có được ngồi cùng chiếu với chú mày không?
Hoảng quá, ông Sáu Canh chắp tay vái dài xã Lãm.
- Việc vợ chồng chú mày làm vừa ngây ngấy, vừa chương chướng, cứ như con kiến bò trong tai! Nó bò nhẹ, dò dẫm, lòng vòng, làm cho ta đau đau, nhột nhột… chẳng đau, chẳng nhột nhiều, loanh quanh một lúc rồi… nó ra. Nhưng lắm lúc ta cũng e ngại, phải nghĩ tới nó!
Ông xã Lãm nói, như nói cho mình nghe… Có bữa ông Tám Hy (người giàu nhất làng) lên huyện về. Ông mặc áo dài đen, quần trắng, mang giày tây, đeo kính lão, cầm dù, dáng sang trọng. Đi ngang quán hớt tóc thấy ông Sáu Canh tưới rau, ông Tám đứng lại nhìn một lúc, rồi hỏi:
- Mệt không?
- Dạ, mệt lắm.
- Ớn chưa?
- Dạ, ớn từ lâu ạ… nhưng phải ráng.
- Nếu hai đứa nhỏ của chú mày chẳng làm nên cơm cháo gì thì sao?
- Dạ… dạ – ông Sáu Canh ấp úng – thì số mình nó vậy, đành chịu, chớ biết sao… Công việc chính của hai người già ở nhà là kiếm tiền.
Trước khi bỏ đi, ông Tám Hy hỏi:
- Nếu có phép cầu được ước thấy, chú mày cầu gì?
- Dạ, tôi muốn khá giả được bằng độ một phần ba của ông Tám ạ!
Ông Tám Hy cười lớn.
- Chú mày mà giàu thì chắc con mụ Sáu còng của chú mày cũng được đi Nha Trang học!
Mặc cho người ta bình phẩm, xì xào, chuyện mình mình lo, vợ chồng ông Sáu Canh lầm lũi làm việc, đầu tắt mặt tối, bòn mót từng xu. Sức yếu, chân đi khập khiễng nên ông Sáu cuốc đất vụng về, đắp rò lên vồng không thẳng, gánh nước đi lặc lè, ì ạch. Tối ngày ông ở trần, chỉ mặc độc cái quần đùi, lúc ra quán cầm tông đơ thì khoác thêm chiếc áo thun. Nếu không đứng cắt tóc, hầu như lúc nào ông cũng có mặt tại đám rau. Cái nghề này không nặng bằng cày ruộng nhưng cũng chẳng dễ ăn, trong đó khâu tưới nước là món nợ lớn. Tưới sáng, tưới chiều, chai tay trầy vai, ê ẩm xương cốt!… Bà Sáu già thật nhanh, mỗi ngày một nhỏ lại, khô quắn. Ngoài thì giờ bỏ ở chợ, suốt ngày bà đi quanh trong cái tứ giác nhà bếp - chuồng heo - ao nước - đám rau. Làm vậy, nhưng vợ chồng già ăn uống kham khổ, như ăn mót; chẳng bao giờ biết mùi thịt; cá móm cá đục cá lép (những loại cá nhỏ, rẻ tiền) thì mỗi người hai con, phần ai nấy ăn; chỉ rau là nhiều, một rổ tú hụ!… Dì Tám Lắm (em ruột mẹ tôi) được bà Sáu tiết lộ một bí mật: bà đi chợ xa, gánh nặng, nhưng khuya dậy chỉ điểm tâm một chén cơm nguội với nước mắm; ngày nào cũng phơi mặt ở chợ nhưng bà chưa bao giờ nếm được miếng bánh. Nghe vậy, một bữa (nhân dịp đám giỗ), dì Tám đem qua tặng bà Sáu một gói lớn bánh ít, cốm, bánh ú. Bà Sáu chia bánh ra hai phần đều nhau, xong bà ăn sạch ngay phần của mình. Nhưng ông Sáu lại không ăn bánh. Ông nói: “Nhịn quen rồi, đã quên mùi bánh, giờ ăn, nhớ lại thêm phiền.” Để vợ vui lòng, ông đùa: “Như mấy mụ góa lâu năm ấy, các mụ có giỏi chi đâu, chẳng qua chỉ là quen, và quên… quên mất cái mùi đàn ông!” Bà Sáu nói với dì Tám Lắm: “Khổ quá nên ổng khùng!”
Có một người thấy chuyện nhà ông Sáu Canh là thường, chẳng có chi đáng nói, là bà ngoại tôi. Bà nói: “Thằng Sáu có chí, chịu khó, thì việc gì nó cũng sẽ làm được.” Ông Sáu có cảm tình với tôi, bởi tôi là học trò. Ông thương tất cả những đứa trẻ đi học… Hôm chị Xứng đậu vào đệ thất, tôi đến hớt tóc, ông Sáu hỏi:
- Mày biết gì chưa?
- Dạ, con mới nghe chị Xứng đậu.
- Đậu rồi! Hai bữa nay mừng quá bác không ăn cơm!
- Chị Xứng giỏi… Vài năm nữa con cũng sẽ đi thi như thế… ba con chịu rồi.
- Ờ, ráng lên, cố học hành… người cày cuốc đông quá, cả làng cày, cả làng bòn đất nhặt cỏ… phải có vài ba người làm thầy bà, ông này ông nọ.
Một lúc sau, ông hỏi nhỏ, như nói thầm:
- Rồi sau mày định làm gì? – Tôi muốn cười, vì thấy ông quên tôi chỉ là một thằng bé con. Nhưng tôi cũng nói thực những mong ước của mình:
- Con sẽ thi vào trường Sư phạm, để ra dạy học.
- Mày khá, cũng giống ý thằng Sung… Nghề đó không lộng lẫy nhưng thời nào cũng được quý trọng!… Ngay trước mắt đây, lũ nhỏ làng mình mới lớp năm (lớp một ngày nay) đã phải đi học xa hai, ba cây số!… Phải có đứa học làm thầy, rồi về đây dạy… Ba mày nói chắc chớ?
- Dạ chắc, má con cũng chịu… má nói trong làng không ai đẹp bằng anh Sung.
Im lặng một lúc lâu, ông Sáu nói:
- Cứ tưởng tượng ra cảnh thằng Sung ngồi học trong cái trường to lớn đó là bác sướng, quên hết lo âu túng thiếu – và ông vỗ vai tôi – Tối mai bác sẽ cúng tạ, ăn mừng. Tạ ơn ông bà cha mẹ, các đấng khuất mặt đã phù hộ con Xứng mạnh giỏi, ăn học kết quả… Sẽ cúng vào giấc xẩm, con gà và nồi chè, chỉ mời mấy người xung quanh… Bác làm gọn nhẹ, tránh phô trương, gọi là mừng thầm cũng được, vì cái chuyện đi học xa của mình nó ngang phè, lắm người không ưa… Mày qua chơi, nhớ đấy.
Vợ chồng ông Sáu Canh lặng lẽ gồng mình bước qua chuỗi tháng ngày khổ ải dằng dặc. Năm, sáu năm ấy trôi đi chậm chạp một cách kỳ dị, khó hiểu… Nhưng rồi anh Sung cũng tốt nghiệp. Anh được bổ ra dạy ở bán đảo Khải Lương. Trường mới mở, chỉ có hai phòng. Anh Sung vừa là giáo viên vừa là hiệu trưởng, một mình dạy bốn lớp, học trò lèo tèo, mỗi lớp chỉ có bảy, tám mống!
Sau đó đến lượt chị Xứng. Mấy tháng trước khi chị Xứng ra trường bà Sáu Canh gặp nạn. Một buổi trưa đi chợ về bà quẳng bừa thúng gánh ra giữa sân, chui vào buồng đắp chiếu nằm vùi. Trước đó, lúc đi giữa đường bà gặp trận mưa lớn. Thầy lang nói bà bị dính mưa mới (mưa đầu mùa) trong khi người đang yếu, bụng trống, nên cảm thương hàn nặng. Bà nằm lịm bốn ngày, lúc nóng lúc lạnh, mê sảng, rồi thiếp luôn, chết dễ dàng, không tỏ ra đau đớn lắm… Số bà Sáu xui xẻo, trồng cây chẳng được ăn trái, chưa biết đến một ngày no đủ.
Bốn năm sau tới phiên ông Sáu Canh. Ông bị một bệnh gì đấy trong gan ruột. Anh Sung tận tình chữa chạy cho cha, đưa ông đi khám ở nhiều nơi, tìm đến nhiều thầy, nhưng vẫn không qua khỏi. Ông từ trần ở tuổi 62… Chị Xứng là y sĩ xét nghiệm, làm ở bệnh viện tỉnh mấy năm, rồi lấy chồng, theo chồng về Gò Công. Vậy là còn lại mỗi một mình anh Sung. Anh được đổi về dạy tại Đại Lãnh. Mỗi tuần anh lên xe lam về thăm nhà một lần. Được ít lâu, anh cưới vợ, ở luôn ngoài đó không về nữa.
Dễ có cảm tưởng vợ chồng ông Sáu Canh giống những diễn viên đóng vai phụ trên sân khấu. Họ diễn trong một thời gian ngắn, không nổi trội, mờ nhạt, ít gây được sự chú ý của khán giả; rồi lùi vào hậu trường, mau lẹ, âm thầm. Sự có mặt của họ gần giống như những tấm phông, chùm đèn, bức màn, thuộc dạng thứ yếu,chẳng quan trọng, nhưng… cũng cần thiết! ./.