Bruce Gilley, Nationalinterest, 28/9/2011
http://nationalinterest.org/commentary/meet-the-new-mao-5953
Bruce Gilley là một phó giáo sư khoa học chính trị tại Trường Mark O. Hatfield của Đại học Quốc gia Portland và là tác giả của Quyền Cai trị: Các nước giành được và đánh mất Tính Hợp pháp như thế nào?
Đã đến lúc phải thừa nhận rằng lãnh tụ đang được chờ đợi của Trung Hoa, Tập Cận Bình, không phải ôn hòa như mọi người vẫn tưởng. Thực tế, những bằng chứng từ trong quá khứ của ông cho thấy Tập sắp sửa lái Trung Hoa theo hướng hiếu chiến hơn, cả trong nước lẫn quốc tế. Khi thời gian ông nhậm chức đến gần, Tập tỏ những dấu hiệu là một nhà dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi trong chính sách ngoại giao và có thiên hướng sử dụng các hành động cảnh sát để giải quyết các vụ va chạm trong nước. Bởi vậy, sự thăng tiến của ông cho thấy một cuộc đấu tranh lâu dài giữa những người Mao-it và những người cải cách, có nghĩa là "thời kỳ cải cách" của Trung Hoa đang kết thúc. Thay thế thời kỳ này có thể là một cái gì đó giống hơn với những cuộc đấu tranh đặc trưng của những năm đầu của nước Cộng hòa Nhân dân, khi những người xã hội cấp tiến tin tưởng vào lý thuyết Mac-xit về giải phóng xã hội đấu tranh chống những người dân tộc chủ nghĩa chống Nhật (và chống Mỹ) là những người bị lôi cuốn nhiều hơn bởi lý thuyết của Lenin về kiểm soát chính trị. Tập rõ ràng là đứng về phe thứ hai, ủng hộ áp đặt trật tự và quyền lực lên tiến trình xã hội, và ông có thể dẫn dắt Trung Hoa đi theo một hướng rất khó chịu.
Chính sách đối ngoại là nơi mà các lãnh đạo mới của Trung Hoa nhắm tới để nhanh chóng ghi dấu ấn của mình, so với một số ít người hơn gắn bó với các vấn đề trong nước. Như vậy đây cũng là một thời kỳ mà câu hỏi ai sẽ là người nắm quyền chính ở Bắc Kinh thật sự là vấn đề, và môn mỹ thuật Bắc Kinh học vẫn còn quan trọng. Phó tổng thống Joe Biden từ một cuộc viếng thăm hồi tháng Tám trở về ca ngợi Tập là "mạnh mẽ" và "thực tế." Biden có lẽ đúng. Nhưng cái mạnh và cái thực tế của Tập không nhất thiết tiên báo điều tốt lành cho những ai đang sợ sự trỗi dậy của Trung Hoa.
Lần đầu tiên cái mặt tối "mạnh" của Tập hiện ra công khai là vào năm 2009 khi trong một chuyến thăm Mexico, ông nói với những người Hoa ở đó, "Những kẻ nước ngoài no béo không có việc gì để làm hơn là chỉ ngón tay vào Trung Hoa. Nhưng Trung Hoa không xuất khẩu cách mạng, chúng ta không xuất khẩu đói nghèo, và chúng ta không can thiệp vào công việc của người khác. Vậy [họ] thì than phiền [chúng ta] về nỗi gì?"
"Ba không" của tập, như được biết, đã được những người dân tộc chủ nghĩa trong nước hoan hô nhiệt liệt, trong đó có những tác giả của cuốn sách châm biếm cay độc năm 1996 Trung Hoa có thể nói không.
Những người dân tộc chủ nghĩa biểu lộ hy vọng rằng Tập sẽ là lãnh đạo đầu tiên sau Mao quyết tâm đứng lên đối diện với phương Tây. Vào đầu tháng Chín, Tập nói với các học viên Trường Đảng Trung ương, học viện đào tạo những 'tinh hoa' của đảng ở Bắc Kinh rằng "hai mục tiêu tối quan trọng – cuộc đấu tranh cho cả độc lập dân tộc và giải phóng nhân dân, tức là nói thực hiện nước mạnh và dân giàu – luôn luôn liên hệ mật thiết với nhau. Cái trước luôn luôn là cơ sở của cái sau."
Nói về trong nước, cũng vẫn phong cách người hùng ấy rõ ràng trong việc Tập ủng hộ nhiệm kỳ "vỡ đầu" của Bạc Hylai ở Trùng Khánh. Một ông vua con khác cũng chắc chắn sẽ vào Thường vụ Bộ chính trị năm 2012, Bạc quét sạch tội phạm có tổ chức trong thành phố bằng một nhát quét bừa vào năm 2009 không thèm đếm xỉa gì đến thủ tục tố tụng thích đáng. Đến thăm thành phố đó vào năm 2010 Tập thổ lộ rằng "cuộc đấu tranh quyết liệt [dựng tóc gáy] chống các băng đảng Tam hoàng và đào tận gốc trốc tận rễ bọn tội phạm xấu xa" là "hợp lòng dân một cách sâu sắc" và khen ngợi bộ máy an ninh địa phương về "dẫn đầu" trong việc giải quyết tận gốc vấn đề này. Việc ông cổ vũ "mô hình Trùng Khánh" đôi khi được người ta hiểu như một sự quay trở lại chủ nghĩa Mao. Thật ra tốt hơn nên nhìn nó như sự quay trở lại nhà nước cảnh sát dân tộc chủ nghĩa, giống Tưởng Giới-Thạch nhiều hơn là Mao Trạchđông.
Vào giữa tháng Bảy, Tập được cử đến Lhasa để chủ trì "lễ kỉ niệm" lần thứ sáu mươi cuộc "giải phóng" Tây Tạng. Trái ngược hoàn toàn với các chính sách hòa giải và nhân đạo của cựu lãnh đạo đảng Hồ Diệubang, người đã đến thăm Tây Tạng vào năm 1980 dánh dấu cơ hội cuối cùng thật sự hòa giải với địa phương này, cuộc thăm viếng của Tập là một đợt học tập thống trị. Sự hiện diện của công an và mật vụ tràn ngập thành phố và chẳng có lấy một mống người Tây Tạng nào trên lễ đài chính thức. Thành phố bị khóa kín hoàn toàn, Tập được hộ tống bảo vệ bởi nhân viên an ninh và quân đội bất cứ nơi nào ông ta đi qua. Theo các báo cáo của truyền thông Trung Hoa thậm chí ông mang theo cả nước uống, đồ ăn và đồ tắm riêng của mình, vì sợ bị đầu độc. Tập không có ý định gặp gỡ giao tiếp với bất cứ người dân thường Tây Tạng nào, trái lại, đã đọc một bài diễn văn cứng rắn dài bảy mươi phút công kích Đạt lai Lạt ma và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiện diện quy mô lớn của quân đội tại địa phương này.
Cái gì ẩn đằng sau ông Tập "sắt máu" này? Óc xét đoán thông thường cho ta hiểu rằng người con của một đảng viên ôn hòa của đảng Cộng sản Trung Hoa – Tập Trọng Huân, người đã chịu đau khổ dưới thời Mao – Tập là một nhà cải cách. Thật ra, sự nghiệp của ông trong các tỉnh ven biển phía Nam chứng tỏ rằng ông là ông thiết tha với cải cách kinh tế và hiệu quả của chính quyền. nhưng thời kỳ cải cách đã chấm dứt, và những cuộc tranh luận đó đã qua rồi. Cuộc tranh luận bây giờ là giữa những người Mác xít cấp tiến, nhiều người trong số họ giành được địa vị trong các tổ chức đảng và tại các vùng nghèo khó sâu trong nội địa, và những người Lêninit dân tộc chủ nghĩa, nhiều người trong số họ, giống như Tập, kinh qua các cương vị kỹ trị trong chính quyền, thường tại những vùng ven biển giàu có. Những người Mác xít cấp tiến quan tâm nhất đến công bằng xã hội và tư tưởng hệ của đảng, trong khi những người Lêninit dân tộc chủ nghĩa quan tâm nhất đến chính quyền nhà nước và kỷ luật đảng. Tập rõ ràng rơi vào nhóm thứ hai. Ông ít quan tâm đến những vấn đề "xã hội hài hòa", "phát triển lấy dân làm gốc" và "phát triển khoa học" đã thu hút sự chú ý của hai người Mác xít cấp tiến đã nắm quyền từ năm 2002 (Hồ Cẩmđào và Ôn Giabảo) Ngược lại, ông tập trung vào sức mạnh của chính quyền nhà nước, áp dụng cả cho đối nội và đối ngoại.
Đối với Hoa Kỳ, trong khi thiện chí kiểu Biden thích hợp ở bình diện ngoại giao, thì các nhà lập chính sách ngoại giao cần xem xét khả năng đang tăng lên của một chính sách ngoại giao đối đầu nhiều hơn dưới thời Tập Cậnbình.