(Ghi nhanh)
Tặng Jacques Ng.
Bốn giờ sáng gọi taxi đưa ra ga Eurostar Luân Đôn để lên chuyến tàu đầu tiên đi Paris,
khởi hành lúc sáu giờ. Nhà ga rộng lớn, hiện đại chẳng khác gì một phi trường. Cũng phải làm các thủ tục an ninh: bỏ giày, điện thoại, áo khoác, xách tay, và những thứ lỉnh kỉnh khác như chìa khóa, nịt, đồng hồ….cho qua máy. Rồi điền giấy khai hải quan…Vé lên tàu có ghi số toa, số ghế. Tàu sẽ dừng đúng số toa của mình, đầu mỗi toa có nhiều ngăn để hành lý. Tàu chạy với vận tốc 360 km / giờ, lúc qua biển Manche, mình chỉ nhận biết tàu bắt đầu vào hầm và ra khỏi hầm, với thời gian hai mươi ba phút. Đường hầm dài hơn 50 km, kể từ ngày khai trương vào năm 1994, Luân Đôn và Paris không còn bị chia cắt bởi biển, chỉ có hơn hai tiếng đồng hồ để qua lại.
Đến Paris gare du Nord đúng 9 giờ 20. Đi hai đoạn metro ngắn là tới khách sạn đã đặt phòng trước. Vì ở Paris chỉ có hai ngày, nên phải lên lịch ngay đi thăm một số nơi.
Tôi thầm cám ơn các website văn học, vì nhờ đó mà Jacques đã đọc và lần mò hỏi ra địa chỉ email của tôi. Tên Việt của Jacques là Thạch. Thạch, con nuôi của người cô họ.
Lúc tôi trưởng thành, Thạch còn nhỏ lắm. Tôi thương Thạch vì cứ nghĩ đến nỗi buồn thiếu vắng tình thương của cha mẹ ruột. Tôi không nhớ những lần đi chơi với Thạch đã cư xử, đã nói ra với nó những gì. Chỉ biết lần cuối cùng gặp nhau vội vã ở Nha Trang vào giữa tháng 4 năm 1975, thời điểm những ngày tàn cuộc nội chiến. Rồi thời gian dài sống lăn lóc trong sa mù thời cuộc, như bầy gà bươi móc mỗi ngày để kiếm sống, ngụp lặn trong cái u tối đói nghèo, ngu dốt; còn chút ánh sáng nào đâu để soi rọi ký ức mình….
Cho đến một ngày đầu năm nay, tôi nhận email của Thạch, chỉ mấy giòng ngắn ngủi luộm thuộm thiếu dấu thiếu chữ, nếu là anh của email này thì trả lời em ngay. Tôi trả lời Thạch. Những thư tiếp theo, Thạch cho biết lần cuối em gặp anh đến nay đã 36 năm rồi! Và Em đang sống ở Paris.
Khi biết tôi sẽ ghé Paris, Thạch vui lắm. Thạch hẹn gặp tôi ngay buổi trưa đầu tiên ở khách sạn. Rât đúng giờ, Thạch đến. Thay vì mừng rỡ, vồ vập, tôi đứng lặng người nhìn Thạch. Trước tôi là một người Pháp già, lưng hơi còm, mái tóc muối tiêu, tên là Jacques.
Ôi, Thạch của ngày nào đây, chỉ còn nét mặt và giọng nói là không thay đổi. Jacques cười, ông chủ khách sạn tưởng em là người Pháp nên nói toàn tiếng Tây! Thì em là người Pháp rồi còn gì, đã sống ở Paris 28 năm!
Chúng tôi ăn trưa Phở 14. Thạch nói phở này ngon nhất Paris đó anh. Trong lúc ăn, Thạch lên chương trình đưa tôi đi chơi một số nơi. Paris với hệ thống metro chằng chịt, mà Thạch thuộc nó như trong lòng bàn tay. Vì thời gian hạn hẹp, chúng tôi không thể đi sâu vào mỗi nơi. Như khi phải đứng từ xa mới có thể nhìn hết đươc Viện bảo tàng Louvre, chứ đừng nói vào dược bên trong, phải mất ít ra vài tuần đến cả tháng mới thăm hết được. Louvre, công viên Tuilerie, quảng trường La Concorde, Khải Hoàn Môn nằm trên một trục thẳng. Cảnh vật suốt dọc các công trình rất đẹp và nhiều nơi ghi dấu lịch sử. Vườn Tuilerie, đang là mùa thu, lá vàng rơi đầy mặt đất. Đại lộ Champs Elysees có tiếng đep nhất thế giới, rất đông du khách đi bộ. Cái lạnh chớm thu nằm sau những chiếc khăn quàng của phụ nữ, rơi hững hờ trước ngực.
Giờ cao điểm ở các trạm metro, cứ hai phút có một chuyến đến, mọi người đứng chen nhau, không một biểu lộ khó chịu, cảnh đó rất bình thường trong sinh hoạt hằng ngày. Để đến một nơi, đôi khi phải đổi tàu nhiều lần, phải đi thang máy hoặc leo bậc cấp lên trạm metro phía trên, hay xuống trạm metro phía dưới. Có những đường tàu nằm sâu hai, ba trăm mét dưới lòng đất.
Ảnh 1 : Một phần vbt Louvre.
Ảnh 2 : Công viên Tuilerie.
Anh 3 : Đại lộ Champs Elysees.
Ảnh 4 : Khải Hoàn Môn.
(Còn tiếp 1 kỳ)