Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.181
123.149.996
 
Đêm Cà Mau /Trời Bữa Ấy /Tù Và /Cám Ơn
Võ Chân Cửu

Đêm Cà Mau

 

Tưởng tượng có người nhận ra anh

Giữa một chốn ồn ào xa lạ

Lời hoa mỹ giăng màn đêm óng ả

Vẫn không ngăn gió cuốn trước tia nhìn

 

Có nghĩa là - như hiển hiện trong đêm

"Anh có phải…" lời bên tai thầm thĩ

Đêm trần trụi như không hề che đậy

Trái tim ta như sống dậy …lâu rồi

 

Tôi đã đi nơi cuối đất cùng trời

Để tìm gặp - tưởng chừng như có thể

Một tiếng gọi vang lên trong lặng lẽ

Một nét nhìn như tự cõi hư vô

 

Em là ai - tôi không biết từ đâu

Một thoáng hiện rồi đi, tan biến mãi

Cho trĩu nặng lòng tôi khi nhớ lại

Đêm Cà Mau đêm Cà Mau đêm rất lâu.

 

( 1988 )

 

 

Trời Bữa Ấy

 

Trời bữa ấy mây trôi từng đợt

Từng đợt mây từng đợt nắng sương mù

Gió lay cửa, hoa quỳ vàng bất chợt

Thược dược hồng trong tiếng nhạc thiên thu

 

Em ở xa, anh muốn nói bao điều

Đột ngột nắng, đột ngột trăng mờ nhạt

Đột ngột những hoa kèn trổi khúc

Giấc mơ tan, đột ngột dáng em về.

 

( 1988 )

 

 

Tù Và

 

Tiếng tù và năm xưa

Theo em về núi thẳm

Bàn tay nào đong đưa

Trên chiếc nôi ngày tháng

 

Tôi nhìn theo bóng ráng

Vừa lượn xuống chân trời

Thấy em tự bao đời

Với bầy trâu trong khói

 

Hôm qua trâu rống gọi

Tiếng vang xuống ruộng đồng

Rụng lá tre vàng mục

Vương muôn dây đàn chùng

 

Hôm kia tôi khăn gói

Theo bóng trăng lên đường

Cửa nhà xưa trao gởi

Cho bóng mây giữ chừng

 

Bầy trâu giờ rong chơi

Người em vành nón cũ

Che khuất cả mặt trời

Hiện nơi nào trong núi

 

Khi mặt trời tắt rụi

Lay lắt bóng tro tàn

Là em cũng đang tan

Hiện nguyên hình cát bụi

 

Tiếng tù và vẫn thổi.

 

( 1974 )

 

 

Cám Ơn

 

Anh làm thơ cảm ơn em

Cảm ơn cái dáng dịu hiền em đi

Cảm ơn đôi mắt thầm thì

Cảm ơn mái tóc đôi mi biết buồn

Cảm ơn đôi vú em tròn

Để đêm trái đỏ chín vườn chiêm bao.

 

( 1984 )

 

Võ Phiến bảo trong tâm hồn một số văn thi nhân Bình Ðịnh có nét “u huyền” khó hiểu. Ông “mời họ ra cho ai nấy thử tìm hiểu”. “Họ” đều đã nổi tiếng, trừ một người, người trẻ nhất. Vì trẻ, người ấy thuộc vào “Văn Học Miền Nam”(1). Ðây lời mời nhà thơ Võ Chân Cửu...

(Thu Tứ)

(1) Nhan đề bộ sách nhận định về văn học Miền Nam của Võ Phiến.

 

Thơ Võ Chân Cửu



Hoài Thanh nhân đọc Yến Lan nhận thấy các nhà thơ Bình Ðịnh (Yến Lan là người Bình Ðịnh) thường bị vầng trăng ám ảnh.

Quả cái vầng trăng ở bến My Lăng nọ là một kỳ bí. Trăng ấy gây bất an, gây đến sợ hãi. Không riêng trăng My Lăng mà thôi. Từ trăng của Yến Lan, trăng động Chua Me ở Sa Kỳ hay trăng đầy miệng của Hàn Mặc Tử, “trăng ma lầu Việt” của Quách Tấn, cho đến những “trăng ghì trăng riết cả làn da” của Chế Lan Viên..., tất cả đều là thứ trăng quái đản, làm ta rợn cả người.

Nhưng bảo rằng ở Bình Ðịnh chỉ có cái trăng là đáng khiếp, không đúng. Có trăng, lại có ma: ma lầu Việt, ma Hời, và yêu tinh, và quỉ quái... Và cả những khi không có ma quỉ gì ráo, chỉ có mấy chiếc lá rơi, thi nhân Bình Ðịnh cũng dựng nên cảnh hãi hùng:

“... Ai đổi đầu lâu trong nấm mộ
Tiếng khua vang rạn khớp đầu ta?
Có ai rên rỉ ngoài thôn lạnh
Như tiếng xương người rên rỉ khô?
Mơ rồi! Mơ rồi! ta mơ rồi!
Xạc xào chỉ có lá vàng rơi
Quanh mình bóng tối mênh mang cả
Thấp thoáng đôi hồi lửa đóm soi.”

(Mơ Trăng - Chế Lan Viên)

Chỉ có sao in đáy giếng, thi nhân Bình Ðịnh cũng ghê người:

“Sao ở đâu mọc lên trong đáy giếng
Lạnh như hồn u tối vạn yêu ma?”

(Ta - Chế Lan Viên)

Chỉ có đám mây in hình xuống dòng nước, thi nhân Bình Ðịnh trông thấy cũng làm ta nổi da gà:

“Mây chết đuối ở dòng sông vắng lặng
Trôi thây về xa tận cõi vô biên.”

(Thơ Ðiên - Hàn Mặc Tử)

Vậy đó. Cho nên sau này có những người lấy làm nghĩ ngợi về cái con người ở vùng đất này. Vâng, cái lạ lùng là của người, chứ không phải của trăng của ma. Không phải riêng trăng có sức ám ảnh như ông Hoài Thanh đã nói, mà cái gì cũng ám ảnh được người Bình Ðịnh: cái lá, cái sao, đám mây v.v. Mọi thứ, kể từ những thứ hiền lành nhất.

(...)

Võ Chân Cửu (...)

Này xem: Xa làng lâu ngày, một hôm trở về ông thấy núi thấy mây ở quê mình:

“Bỗng nhiên lạnh cả hồn tôi
Khi trông thấy dáng núi ngồi co ro
................................................
Mười năm làng cũ không về
Ðăm đăm mây trắng lê thê mái đầu.”

(Ðăm Ðăm Mây Trắng)

Trên đất nước này, bạn có từng bắt gặp cái núi ở nơi nào nó ngồi như vậy không? Bạn ngờ rằng thứ núi co ro đáng hãi nọ ngẫu nhiên là đặc cảnh địa phương chăng? Không phải vậy đâu. Không cần nhìn cảnh làng mình Võ Chân Cửu mới thấy ra vậy; ngay lúc đi giữa thành phố Sài Gòn ông cũng thấy những cái khó có người thấy:

“Ngã ba ngã bảy xe đi khuất
Cơ khí xen cùng nhịp gió mưa
Tiếng ma thiên cổ vong u uất
Vắng lặng buồn xo suốt bốn mùa.”

(Sài Gòn)

Những mây lê thê, những ma thiên cổ nọ là ở trong hồn người, không ở ngoài cảnh vật. Trong tâm hồn chàng thi sĩ trẻ tuổi người Bình Ðịnh cách xa trường thơ “loạn” một thế hệ, vẫn cứ còn chất chứa đầy những “hư huyền, âm u”.

Cái gì đã phủ xuống cuộc sống tâm linh của nơi này màn u huyền ấy? Tôi không hiểu nổi đâu, không dám lạm bàn tới đâu. Có lúc tôi thấy quanh mình toàn thị những bà con chất phác thàn hậu. Có lúc khác lại đối diện với những con người quằn quại dị thường. Biết nói sao, ngoài việc mời họ ra cho ai nấy thử tìm hiểu, suy nghĩ?


1 - 1993

(In trong bộ Văn học Miền Nam, phần Thơ)



 

Võ Chân Cửu
Số lần đọc: 1704
Ngày đăng: 13.10.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gõ vài câu thăm Bắc Phong / Khi hay tin Nguyễn Hoà vcv đau…/ Bài tặng người ở trên đồi Thiên An /Từ khoảng không trắng /Gió đứng, tháng mười sắp đến ngày giỗ Me - Đinh Cường
Hồi Sinh - Trần Văn Sơn
Tự hỏi - Nguyễn Thành Nhân
bài tháng mười cho em - Nguyễn Giúp
sao - Hoàng Xuân Sơn
Thạch hãn - Trần Hồ Thúy Hằng
Không Không - Vũ Trọng Quang
Nhũng Dấu Lặng Bật Khóc /Mẹ Quê Ơi! - Nguyễn Tam Phù Sa
Nhớ Sơn hay qua kêu lúc 3 giờ sáng…/ Croquis II tặng Chân Phương / - Đinh Cường
Vĩnh biệt nhà thơ Chim Trắng - Huy Dung