Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.210
123.152.005
 
Bài phát biểu của tổng thống Barack Obama nhân dịp năm học mới (2009-2010) /năm học mới (2010-2011) /năm học mới (2011-2012)
Phạm Nguyên Trường

Bài phát biểu của tổng thống Barack Obama năm học mới (2009-2010)

 

Phạm Nguyên Trường dịch

Nguồn: http://www.huffingtonpost.com/2009/09/07/obama-speech-to-schoolchi_n_278763.html

 

Xin chào tất cả - công việc của mọi người hôm nay thế nào? Tôi có mặt ở đây để nói chuyện với các học sinh trường phổ thông trung học Wakefield ở Arlington, bang Virginia. Chúng ta có những học sinh đến từ mọi miền đất nước, từ mẫu giáo đến lớp mười hai. Tôi vui mừng vì hôm nay tất cả các bạn đã có cơ hội tham gia cùng chúng tôi.


Tôi biết rằng đối với nhiều người trong số các bạn thì hôm nay là ngày đầu tiên đến trường. Đối với các bạn mới vào mẫu giáo hay các bạn bắt đầu vào trường trung học cơ sở hay trung học phổ thông thì hôm nay cũng là ngày đầu tiên đến trường mới vì vậy mà các bạn có hơi hồi hộp cũng là điều dễ hiểu. Tôi mường tượng rằng ở đây có một số bạn lớn tuổi hơn, lúc này các bạn đó đang cảm thấy vui, chỉ còn một năm học nữa thôi. Nhưng dù học lớp nào thì một số người có thể vẫn muốn mùa hè kéo dài thêm và sáng nay các bạn có thể ngủ nướng thêm một tí.

 

Tôi biết cảm giác đó. Khi tôi còn bé, gia đình tôi đã sống mấy năm ở Indonesia, mẹ tôi không có tiền cho tôi theo học trường nơi mà các trẻ em Mĩ đều học. Cho nên mẹ tôi quyết định tự mình dạy thêm cho tôi, vào lúc 4 giờ 30 phút sáng, từ thứ hai đến thứ sáu.

 
Bây giờ tôi cũng chẳng thích dậy sớm đến như thế. Nhiều khi tôi ngủ gục ngay cạnh bàn ăn. Nhưng mỗi lần tôi phàn nàn thì mẹ tôi lại nhìn tôi và nói: “Đây cũng có phải là buổi đi cắm trại của mẹ đâu”.

 

Cho nên tôi biết rằng một số bạn đang tự điều chỉnh cho phù hợp với việc quay lại trường học. Nhưng hôm nay tôi đến đây vì có một số việc quan trọng muốn bàn với các bạn. Tôi đến đây vì tôi muốn nói chuyện với các bạn về việc học tập của các bạn và những kì vọng của chúng tôi dành cho tất cả các bạn trong năm học mới này.

 

Tôi đã nói nhiều về giáo dục rồi. Và tôi cũng đã nói nhiều về trách nhiệm rồi.


Tôi đã nói về trách nhiệm của các thày giáo trong việc cổ vũ các bạn, thúc đẩy các bạn học tập.

 
Tôi đã nói về trách nhiệm của cha mẹ các bạn, làm sao để các bạn nắm được bài, làm bài tập và không để các bạn ngồi suốt ngày trước màn hình TV hay Xbox rồi.


Tôi đã nói nhiều về trách nhiệm của chính phủ trong việc đặt ra các tiêu chuẩn cao, trợ giúp các thày cô giáo và hiệu trưởng, cải thiện tình hình các trường học nếu các học sinh ở đó không có những cơ hội tương xứng với khả năng của họ.

 

Nhưng suy cho cùng, dù chúng ta có thể có những thày cô giáo tận tụy nhất, những bậc phụ huynh nhiệt tình giúp đỡ nhất và những trường học tốt nhất thế giới thì cũng chẳng có ý nghĩa gì trừ phi tất cả các bạn hoàn thành trách nhiệm của mình. Trừ phi các bạn đi học đầy đủ, chú ý nghe thày giáo giảng, vâng lời cha mẹ, ông bà và những người lớn khác và làm việc chăm chỉ.

Và đấy chính là điều hôm nay tôi muốn tập trung làm rõ: trách nhiệm của từng người đối với việc học tập của mình. Tôi muốn bắt đầu bằng trách nhiệm của các bạn đối với chính bản thân mình.


Mỗi người trong các bạn đều giỏi một việc gì đó. Mỗi người trong các bạn đều có một cái gì đó để giới thiệu với xã hội. Và trách nhiệm của các bạn đối với bản thân là phát hiện ra cái đó. Đấy chính là cơ hội mà nền giáo dục có thể cung cấp cho các bạn.

 

Các bạn có thể là một tác giả có tài – thậm chí tài đến mức có thể viết được sách hay báo – nhưng trước khi viết bài luận cho môn tiếng Anh, có thể các bạn không biết điều đó. Các bạn có thể là một nhà cải cách hay phát minh có tài – thậm chí tài đến mức có thể khám ra một loại iPhone mới hay thuốc chữa bệnh hoặc thuốc kháng sinh mới - nhưng trước khi làm dự án cho môn khoa học, có thể các bạn không biết điều đó. Các bạn có thể trở thành thị trưởng hoặc thượng nghị sĩ, nhưng trước khi tham gia ban lãnh đạo hội học sinh hay nhóm thảo luận, có thể bạn không biết điều đó.

 

Dù bạn muốn làm gì với cuộc đời mình thì tôi cũng cam đoan rằng bạn phải học rồi mới làm được. Bạn muốn trở thành bác sĩ, hay giáo viên hay sĩ quan cảnh sát? Bạn muốn trở thành hộ lí hay kiến trúc sư, luật sư hay quân nhân? Dù nghể nghiệp nào thì bạn cũng sẽ cần một nền học vấn tốt. Bạn không thể bỏ học giữa chừng rồi nhảy ngay vào một công việc tốt được. Bạn phải làm việc, phải rèn luyện và phải học thì mới có công việc tốt được.

 

Và đấy không chỉ là điều quan trọng đối với cuộc đời của các bạn, đối với tương lai của các bạn. Kết quả học tập của các bạn quyết định chính tương lai của đất nước này. Những điều các bạn học trong nhà trường ngày hôm nay sẽ quyết định việc liệu dân tộc chúng ta có đương đầu được với những thách thức to lớn nhất trong tương lai hay là không.

 

Các bạn cần kiến thức và kĩ năng giải quyết vấn đề mà các bạn học được trong môn khoa học và toán học để chữa trị những căn bệnh như là ung thư hay AIDS, và triển khai những ngành công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng và bảo vệ môi trường. Các bạn cần hiểu biết thấu đáo các sự vật và kĩ năng tư duy theo tinh thần phê phán mà các bạn học được trong môn sử học và các môn khoa học xã hội để chống lại tình trạng đói nghèo và vô gia cư, tội ác và kì thị, và làm cho dân tộc chúng ta trở thành một dân tộc ngày càng công bằng hơn, ngày càng tự do hơn. Các bạn cần tinh thần sáng tạo và sự khéo léo mà các bạn tiếp thu được trong tất cả các môn học để có thể lập nên những công ty mới, những công ty sẽ cung cấp nhiều chỗ làm việc mới và làm cho nền kinh tế của chúng ta ngày một lớn mạnh thêm.

 

Chúng ta cần từng người trong số các bạn phát triển tài năng, sự khéo léo và trí tuệ để các bạn có thể giúp giải quyết những vấn đề khó khăn nhất hiện nay. Nếu các bạn không làm như thế - nếu các bạn không cộng tác với trường học là các bạn không cộng tác với chính mình, không cộng tác với đất nước mình.

 

Tôi biết là học giỏi không phải lúc nào cũng là công việc dễ dàng. Tôi biết là lúc này nhiều người trong số các bạn đang gặp phải khó khăn trong cuộc sống làm cho các bạn khó tập trung cho việc học tập.

 

Tôi biết điều đó. Tôi biết điều đó nghĩa là thế nào. Cha tôi đã gia đình khi tôi mới lên hai và tôi được một bà mẹ đơn thân nuôi dạy, bà phải chiến đấu liên tục thì mới đủ tiền thanh toán các hóa đơn mua hàng, bà không có khả năng cho chúng tôi những thứ mà những đứa trẻ khác vẫn có. Có những lúc tôi cảm thấy thèm có một người cha. Đấy là những lúc tôi cảm thấy cô đơn và thấy mình không phù hợp với cuộc đời.

 

Cho nên không phải lúc nào tôi cũng tập trung học tập như đáng lẽ phải thế. Tôi đã làm những việc mà tôi không cảm thấy hãnh diện và gặp nhiều rắc rối không đáng có. Và cuộc đời tôi có thể đã rẽ theo hướng tồi tệ hơn.

 

Nhưng tôi đã gặp may. Nhiều cơ hội đã quay trở lại với tôi và tôi đã có cơ hội vào đại học, vào trường luật và theo đuổi những giấc mơ của mình. Vợ tôi, đệ nhất phu nhân Michelle Obama, cũng có tiểu sử tương tự như thế. Cả bố mẹ bà đều không được học đại học và họ cũng chẳng giàu có gì. Nhưng họ đã làm việc cần cù và bà cũng làm việc cần cù cho nên bà có thể theo học những trường tốt nhất trên đất nước này

 

Một số bạn có thể không được thuận lợi như thế. Có thể bạn không có những vị phụ huynh, những người có thể nâng đỡ bạn khi cần. Có thể gia đình bạn có người bị mất việc và không có đủ tiền để đi đây đi đó. Có thể bạn đang sống trong khu vực mà bạn cảm thấy là không được an toàn hay có những người bạn đang ép buộc bạn làm những việc mà bạn cho là không đúng đắn.

Nhưng suy cho cùng thì những hoàn cảnh trong cuộc đời bạn – ngoại hình của bạn, nơi bạn sinh ra, số tiền bạn có, công việc bạn phải làm ở nhà – không phải là lí do để không làm bài tập về nhà hay có thái độ xấu. Đấy không phải là lí do để cãi lại thày giáo, trốn học hay là bỏ học. Đấy không phải lá lí do để không thử làm một số việc.

 

Vị trí của bạn hiện nay không thể quyết định được vị trí của bạn trong tương lai. Không ai quyết định được số phận của bạn. Ở nước Mĩ này, bạn tự quyết định số phận của mình. Bạn tự tạo ra tương lai của mình.

 

Đấy chính là điều những người thanh niên như bạn đang làm mỗi ngày, trên khắp nước Mĩ này.

Những thanh niên, tương tự như Jazmin Perez, từ Roma, bang Texas. Ngày đầu đến trường Jazmin không nói được tiếng Anh. Ở thành phố quê hương cô chẳng có mấy người vào được đại học, cả bố mẹ cô đều không được học đại học. Nhưng cô đã chăm chỉ làm việc, cô nhận được bằng tốt nghiệp loại ưu và được học bổng của Trường đại học tổng hợp Brown, và bây giờ cô đang học cao học, chuyên về sức khỏe cộng đồng, để trở thành tiến sĩ Jazmin Perez.


Tôi đang nghĩ đến Andoni Schultz, từ Los Altos, bang California, một người đã phải chiến đấu với bệnh ung thư não từ năm lên ba tuổi. Cậu đã phải chữa trị đủ kiểu, cả phẫu thuật nữa, ảnh hưởng đến trí nhớ của cậu, cho nên cậu phải mất rất nhiều thời gian – hàng trăm giờ - để làm bài tập. Nhưng không bao giờ cậu chịu tụt hậu và mùa thu này cậu sẽ thi vào đại học.

 

Rồi còn Shantell Steve, từ thành phố quê hương Chicago, bang Illinois của tôi. Ngay cả khi bị đẩy từ nhà nuôi dạy trẻ có hoàn cảnh khó khăn này sang nhà nuôi dậy trẻ khác, trong những khu vực lộn xộn nhất, cô ấy vẫn tìm được công việc ở một trung tâm chăm sóc sức khỏe địa phương, cô đã khởi động một chương trình nhằm bảo vệ thanh thiếu niên khỏi các băng đảng, và cô đang cố gắng nhằm vượt qua kì tốt nghiệp phổ thông với bằng giỏi rồi vào đại học.

 

Jazmin, Andoni và Shantell là những người không khác gì các bạn. Tương tự như các bạn, họ đã phải đối mặt với những thách thức trong cuộc sống. Nhưng họ không chịu đầu hàng. Họ chịu trách nhiệm trước việc học tập của họ và tự đặt ra mục tiêu cho mình. Tôi hi vọng rằng tất cả các bạn đều làm như thế.

 

Đấy là lí do vì sao hôm nay tôi kêu gọi từng người hãy đặt ra mục tiêu học tập của mình – và làm tất cả mọi việc để đạt mục tiêu đó. Mục tiêu của các bạn có thể đơn giản chỉ là làm tất cả các bài tập về nhà, trên lớp chú ý nghe giảng hay dành thời gian đọc sách mỗi ngày. Có thể bạn sẽ quyết định tham gia vào một hoạt động ngoại khóa nào đó hoặc tham gia hoạt động tình nguyện trong cộng đồng của bạn. Có thể bạn sẽ bảo vệ những đứa trẻ -do hoàn cảnh xuất thân hoặc do ngoại hình của chúng mà bị người ta chọc ghẹo hoặc bắt nạt, vì các bạn tin, cũng như tôi tin, rằng tất cả trẻ em đều xứng đáng được hưởng một môi trường an toàn để chúng có thể học tập. Có thể bạn sẽ quyết định quan tâm đến mình hơn để bạn có đủ sức học tập nhiều hơn. Và bên cạnh những việc đó, tôi hi vọng rằng tất cả các bạn đều thường xuyên rửa tay, để chúng ta có thể tránh cho người dân bệnh cảm cúm trong mùa thu và mùa đông này.


Dù bạn quyết định làm gì thì tôi cũng muốn bạn để hết tâm trí vào việc đó. Tôi muốn bạn thực sự làm việc ở đó.

 

Tôi biết rằng đôi khi bạn xem TV và nghĩ rằng mình có thể thành công hoặc giàu có mà chẳng cần phải vất vả gì hết – rằng tấm vé dẫn tới thành công là nhảy rap hay chơi bóng rổ hoặc trở thành ngôi sao màn bạc, khi cơ hội tới, bạn sẽ không trở thành bất kì người nào trong số đó.

Nhưng sự thật là thành công là khó. Bạn sẽ không yêu tất cả các môn mà bạn đang học. Bạn không tâm đầu ý hợp với tất cả các thày cô giáo. Không phải bài tập về nhà nào cũng có liên quan với cuộc sống của bạn ngay trong lúc này. Và chắn chắn là bạn không thành công với mọi thứ ngay trong lần thử đầu tiên.

 

Không sao hết. Một số người thành công nhất trên thế giới lại là những người từng gặp nhiều thất bại nhất. Tập một cuốn Harry Potter của JK Rowling đã bị từ chối đến 12 lần, cuối cùng nó đã được xuất bản. Michael Jordan từng bị đuổi khỏi đội bóng rổ của trường trung học và anh đã lỡ hàng trăm trận đấu, trong sự nghiệp của mình anh đã đánh hỏng hàng ngàn lần. Nhưng có lần anh đã nói: “Trong cuộc đời mình, tôi đã thất bại nhiều lần, nhiều lần, nhiều lần nữa. Và đấy là lí do vì sao tôi thành công”.

 

Những người này đã thành công vì họ hiểu rằng bạn không được để cho thất bại kìm hãm bạn – bạn phải để nó dạy bạn. Bạn phải để nó chỉ cho bạn thấy lần sau phải làm cái gì để nó khác với lần trước. Nếu bạn gặp rắc rối thì điều đó không có nghĩa là bạn là người gây ra rắc rối, điều đó chỉ có nghĩa là bạn phải cố gắng hơn để cư xử cho đáng hoàng mà thôi. Nếu bạn nhận được điềm kém thì điều đó không có nghĩa là bạn dốt mà chỉ có nghĩa là bạn phải học nhiều hơn mà thôi.

 

Không có ai vừa sinh ra là đã giỏi ngay mọi thứ, bạn sẽ giỏi nhờ làm việc chăm chỉ. Bạn không thể là vận động viên đại diện cho trường ngay khi vừa bắt tay vao tập luyện môn thể thao mới. Bạn không thể được mọi người chú ý ngay khi bạn bắt đầu tập hát. Bạn phải luyện tập. Bài tập ở nhà thì cũng thế. Bạn có thể phải giải bài tập toán mấy lần rồi mới làm đúng được, hoặc bạn phải đọc một bài nào đó mấy lần rồi mới hiểu được, hoặc phải viết nháp mấy lần rồi mới mang nộp được.

 

Đừng ngại đặt câu hỏi. Đừng ngại nhờ người khác giúp, khi cần. Hãy làm như thế mỗi ngày. Nhờ người khác giúp không phải là biểu hiện của sự yếu đuối, đấy là biểu hiện của sức mạnh. Nó chứng tỏ rằng bạn đủ dũng khí để công nhận là bạn không biết một cái gì đó và học một cái gì đó mới mẻ. Cho nên hãy tìm lấy một người lớn tuổi mà bạn tin cậy, đấy có thể là cha mẹ ông bà bạn, là thày giáo, huấn luyện viên hay người giám hộ của bạn, để nhờ họ giúp đỡ sao cho bạn có thể đi đúng hướng tới mục tiêu của bạn.

 

Và ngay cả khi bạn đang vật lộn, ngay cả khi bạn đã nản chí và bạn cảm thấy là người ta đã bỏ rơi bạn thì bạn cũng không bao giờ được đầu hàng. Bởi vì khi bạn đầu hàng thì cũng là lúc bạn bỏ rơi đất nước của mình.

 

Nước Mĩ không phải là câu chuyện về những người bỏ đi khi gặp khó khăn. Đấy là câu chuyện về những người tiếp tục tiến lên, những người còn cố gắng hơn, những người yêu đất nước mình đến mức có thể làm bất kì việc gì nằm trong khả năng cao nhất của họ.

 

Đấy là câu chuyện về những người học sinh mà cách đây 250 năm đã từng ngồi ngay chỗ bạn ngồi hôm nay, những người đã đứng lên làm cách mạng và tạo dựng lên đất nước này. Đấy là câu chuyện về những người học sinh cách đây 75 năm đã từng ngồi ngay chỗ bạn ngồi hôm nay, những người đã vượt qua được cuộc Đại khủng hoảng và giành chiến thắng trong Thế chiến II, những người đã đấu tranh cho nhân quyền và đưa được người lên mặt trăng. Đấy là câu chuyện về những người học sinh cách đây 20 năm đã ngồi ngay chỗ bạn ngồi hôm nay, những người đã sáng lập ra Google, Twitter và Facebook và làm thay đổi cách thức giao tiếp của chúng ta.

 

Cho nên hôm nay tôi muốn hỏi các bạn: các bạn sẽ đóng góp được gì trong tương lai? Các bạn sẽ giải quyết những vấn đề gì? Các bạn sẽ phát minh được những gì? Vị tổng thống sau hai mươi năm hay năm mươi năm hoặc một trăm năm nữa, thí dụ thế, sẽ có thể nói gì về những việc mà các bạn đã làm cho đất nước này?

 

Gia đình các bạn, các thày giáo của các bạn và tôi đang làm tất cả những gì chúng tôi có thể làm để bảo đảm rằng các bạn sẽ có nền học vấn cần thiết để có thể trả lời những câu hỏi đó. Tôi đang làm việc tích cực để nâng cấp trường lớp của các bạn, để có sách và dụng cụ học tập và máy tính mà các bạn cần cho việc học tập. Nhưng các bạn cũng phải làm phần việc của mình. Tôi hi vọng rằng các bạn sẽ dành hết nỗ lực cho những việc bạn làm. Tôi hi vọng rằng mỗi bạn đều sẽ làm được một việc vĩ đại. Cho nên hãy đừng để chúng tôi thất vọng – đừng để gia đình, đất nước hay chính bạn thất vọng. Hãy làm cho chúng tôi được tự hào. Tôi biết các bạn có thể làm được điều đó.

 

Xin cám ơn, xin Chúa phù hộ cho các bạn, xin Chúa phù hộ cho nước Mĩ.

 

 

Bài phát biểu của tổng thống Barack Obama nhân dịp năm học mới (2010-2011)

Ngày 14 tháng 9 năm 2010

 

Phạm Nguyên Trường dịch

Nguồn:

http://www.whitehouse.gov/the-press-office/2010/09/13/remarks-president-barack-obama-prepared-delivery-back-school-speech

 

 

Xin chào Philadelphia! Thật là tuyệt vời. Tôi ở đây để chào mừng tất cả các bạn và chào mừng học sinh trên toàn nước Mĩ trở lại trường học – và tôi nghĩ là để làm việc này thì không có nơi nào tốt hơn là Masterman. Các bạn là một trong những trường tốt nhất ở Philadelphia – là trường đi đầu trong việc giúp đỡ học sinh để họ có thể theo kịp được bài học trong lớp. Tuần vừa qua, do những thành tích của mình, các bạn được công nhận là trường National Blue Ribbon School. Đấy là lời chứng cho tất cả mọi người có mặt ở đây – cả học sinh lẫn phụ huynh, cả các thày cô giáo lẫn những người lãnh đạo nhà trường. Và đây là trường xuất sắc, tôi tin là các cộng đồng trên khắp nước Mĩ sẽ làm theo.

 

Cách đây vài tuần bà Michelle và tôi đã sửa soạn cho Sasha và Malia tựu trường. Tôi đoán là nhiều người trong các bạn cũng có cảm giác như hai cô con gái tôi. Các bạn cảm thấy hơi buồn bì mua hè đang trôi qua, nhưng các bạn cũng cảm thấy phấn khích trước những cơ hội của năm học mới. Cơ hội có những người bạn mới và củng cố tình bạn đã có sẵn. Cơ hội tham gia câu lạc bộ trong trường và lập ra các đội thể thao. Cơ hội trở thành người học trò giỏi hơn và tốt hơn và làm cho gia đình các bạn có thể tự hào.

 

Nhưng tôi biết rằng một số bạn có thể lo lắng về sự khởi đầu của năm học mới. Có thể bạn vừa nhảy từ trường phổ thông cơ sở lên trường trung học cơ sở hay từ trường trung học cơ sở lên trường trung học phổ thông và lo lắng không biết nó sẽ như thế nào. Có thể bạn vừa mới bước chân vào một ngôi trường mới và không biết mình có thích nó không. Có thể bạn là người học lớp trên và cảm thấy lo lắng về quá trình học tập, và không biết mình nên thi vào trường nào và có đủ sức theo không.

 

Và ngoài tất cả những lo lắng đấy ra thì tôi biết là nhiều người trong số các bạn còn cảm thấy sự căng thẳng của giai đoạn khó khăn này. Các bạn biết những chuyện đang được nói tới trong các chương trình thời sự và cuộc sống của chính gia đình các bạn. Các bạn đã đọc về cuộc chiến ở Afghanistan. Các bạn đã nghe nói về cuộc suy thoái mà chúng ta đang trải qua. Các bạn thấy điều đó trên nét mặt cha mẹ mình và cảm nhận được nó trong giọng nói của họ.

 

Nhiều người trong các bạn phải hành động như những người già dặn hơn tuổi của mình, phải mạnh mẽ hơn để bảo vệ gia đình mình trong khi anh hay chị của bạn đang phục vụ ở hải ngoại, phải trông em trong khi mẹ bạn đi làm ca hai hay phải làm việc bán thời gian khi cha bạn thất nghiệp.

 

Có nhiều việc phải giải quyết, nhiều hơn là đáng lẽ bạn phải làm. Và đôi khi nó làm cho bạn phải tự hỏi tương lai của mình sẽ như thế nào, liệu bạn có tiếp tục theo học được hay không, liệu bạn có phải hạ bớt tham vọng, và điều chỉnh lại mơ ước của mình hay không. Nhưng tôi đến Masterman để nói với bạn rằng ngoài bạn ra, sẽ chẳng có ai có thể quyết định được số phận của bạn. Tương lai của bạn nằm trong tay bạn. Bạn tạo ra chính cuộc sống của mình. Và không có gì – hoàn toàn không có gì – nằm ngoài tầm với của bạn. Miễn là bạn còn muốn ước mơ. Miễn là bạn còn tiếp tục tập trung vào việc học tập.

 

Phần sau này là cực kì thiết yếu bởi vì học vấn chưa bao giờ lại quan trọng đến như thế. Tôi tin chắc rằng trong vài tháng tới có lúc các bạn sẽ phải thức khuya để làm cho xong bài tập, mãi vẫn không chui ra được khỏi giường trong một buổi sáng mưa tầm tã và tự hỏi là có đáng phải làm thế hay không. Tôi xin nói với bạn rằng không được đặt vấn đề như thế. Không có gì có thể gây ảnh hưởng tới thành công của bạn hơn là học vấn.

 

Càng ngày những cơ hội mở ra trước mắt bạn càng phụ thuộc vào thời gian theo học của bạn. Nói cách khác, bạn càng học nhiều thì bạn càng tiến xa hơn trên đường đời. Đồng thời, trong khi các nước khác đang cạnh tranh với chúng ta quyết liệt hơn trước đây, trong khi các học sinh trên toàn thế giới đang làm việc tích cực hơn trước đây và học tốt hơn trước đây thì thành tích của bạn trong trường học cũng sẽ góp phần quyết định thành công của nước Mĩ trong thế kỉ XXI.

 

Cho nên các bạn phải có trách nhiệm với chính mình, và nước Mĩ có trách nhiệm bảo đảm là bạn sẽ nhận được một nền học vấn tốt nhất có thể. Và việc bảo đảm để bạn có một nền học vấn như thế buộc tất cả chúng ta phải nắm tay nhau cùng làm việc.

 

Điều đó động chạm đến tất cả chúng tôi ở trong chính phủ - từ Harrisburg đến Washington – phải làm công việc của mình để chuẩn bị cho các học sinh, tất cả học sinh, gặt hái được thành tích, trong nhà trường phổ thông, trong trường đại học và trong nghề nghiệp nữa. Nó sẽ động chạm đến những thày hiệu trưởng, các thày cô giáo, tương tự như các thày cô ở trường Masterman này; những thày cô giáo làm hết sức mình vì học sinh của mình. Và nó cũng sẽ động chạm đến các vị phụ huynh, những người hết lòng vì sự học tập của các bạn.

 

Đấy là những điều chúng tôi phải làm cho các bạn. Đấy là trách nhiệm của chúng tôi. Đấy là công việc của chúng tôi. Nhưng đây là công việc của các bạn. Đến trường đúng giờ. Trong lớp chú ý nghe giảng. Làm bài tập về nhà. Chuẩn bị cho các kì thi. Đừng dính vào những chuyện rắc rối. Đấy là kỉ luật và nghị lực – là làm việc chuyên cần – cực kì cần thiết nếu muốn thành công.

 

Tôi biết vì không phải lúc nào tôi cũng làm được như thế. Khi còn trẻ không phải lúc nào tôi cũng là học trò giỏi nhất; tôi đã mắc một số khuyết điểm. Tôi vẫn còn nhớ câu chuyện với mẹ tôi khi tôi học trường phổ thông trung học, khi tôi khoảng tuổi của một số bạn ở đây hôm nay. Chúng tôi nói về việc điểm của tôi cứ thấp dần, vì sao tôi lại không chuẩn bị cho kì thi đại học, tại sao tôi lại hành động – như mẹ tôi nói là “được chăng hay chớ”. Câu chuyện này tôi ngờ rằng nghe có vẻ quen đối với một số bạn và một số vị phụ huynh đang có mặt ở đây hôm nay.

 

Tôi cho rằng thái độ của tôi cũng là thái độ của tất cả các thanh thiếu niên trong những cuộc nói chuyện kiểu đó. Tôi không cần nghe tất cả những chuyện đó. Cho nên tôi bắt đầu nói như thế và bà ngắt lời tôi ngay lập tức. Con không thể ngồi xuống và nhìn lại mình hay sao, bà nói như thế. Bà bảo rằng tôi có thể vào học bất cứ trường nào trên đất nước này, nếu tôi gắng thêm một chút. Sau đó bà nghiêm khắc nhìn tôi và nói thêm: “Hãy nhớ điều đó nghĩa là gì? Cố gắng?”

 

Điều mẹ nói có làm tôi hơi choáng váng. Nhưng cuối cùng thì những lời của bà đã có tác dụng. Tôi học hành nghiêm túc hơn. Tôi đã cố gắng. Tôi bắt đầu chú ý đến điểm số - và tương lai của tôi – đã được cải thiện. Và tôi biết rằng lao động chuyên cần có thể tạo ra sự khác biệt cho tôi thì nó cũng có thể tạo ra sự khác biệt cho các bạn nữa.

 

Tôi biết rằng một số bạn có thể hoài nghi chuyện này. Bạn có thể tự nhủ là một số người chắc chắn là giỏi hơn bạn về một số môn nào đó. Và đúng là mỗi người chúng ta đều có những tài năng và thiên phú riêng của mình, chúng ta cần phát hiện và chăm sóc chúng. Nhưng chính vì bạn không phải là người làm tốt nhất một việc gì đó ngày hôm nay thì điều đó cũng không có nghĩa là bạn không thể trở thành người như thế vào ngày mai. Thậm chí nếu bạn không nghĩ rằng mình là người giỏi toán hay giỏi khoa học thì bạn vẫn có thể trở thành người xuất sắc trong những môn này nếu bạn cố gắng. Và bạn có thể phát hiện ra rằng mình có những tài năng mà bạn không hề mơ tới.

 

Như các bạn đã thấy, xuất sắc trong học tập và trong cuộc sống chủ yếu không phải là do thông minh hơn người khác. Đấy chỉ là do làm việc chăm chỉ hơn người khác mà thôi. Đừng có lảng tránh những thách thức mới – hãy đi tìm chúng, hãy bước ra khỏi khu vực mà bạn cảm thấy thoải mái, đừng ngại nhờ người khác giúp đỡ, các thày cô giáo và gia đình sẵn sàng hướng dẫn bạn. Đừng có nản chí hay bỏ cuộc nếu bạn không làm tốt một việc gì đó – hãy thử một lần nữa và hãy học từ chính sai lầm của bạn. Đừng sợ nếu bạn bè của bạn làm tốt, hãy tự hào về họ và xét xem bạn có thể rút ra được bài học gì từ những việc làm thành công của họ.

 

Đấy là nền văn hóa của sự vượt trội mà các bạn đang cổ vũ ở trường Masterman này; và đấy cũng là hình thức vượt trội mà chúng ta cần khuyến khích trong tất cả các trường học ở Mĩ. Đấy là lí do vì sao hôm nay tôi tuyên bố cuộc thi Thách thức lần thứ hai. Nếu trường các bạn là người chiến thắng; nếu các bạn cho chúng tôi thấy các thày giáo, học sinh và phụ huynh đang làm việc cùng nhau để chuẩn bị cho con em vào đại học và nghề nghiệp như thế nào; nếu các bạn cho chúng tôi thấy các bạn đang đền đáp lại cộng đồng của mình và đất nước của chúng ta như thế nào thì tôi sẽ đến chúc mừng các bạn và nói chuyện tại lễ phát phần thưởng của các bạn.

 

Nhưng sự thật là học tập không chỉ nhắm vào trường đại học tốt hay công việc tốt sau khi ra trường. Đấy là tạo điều kiện cho tất cả mọi người và từng người một cơ hội thực hiện lời hứa của chúng ta: trở thành người hữu ích nhất mà ta có thể. Và một phần của điều đó có nghĩa là cư xử với người khác như là mình muốn họ đối xử với mình –  tử tế và tôn trọng họ.

 

Tôi biết rằng không phải lúc nào cũng được như thế. Nhất là ở các trường trung học cơ sở và phổ thông trung học. Tuổi mới lớn là giai đoạn khó khăn. Đấy là giai đoạn mà ta phải vật lộn với nhiều thứ. Khi tôi bằng tuổi các bạn tôi phải vật lộn với những câu hỏi: tôi là ai, là con của người mẹ da trắng và bố da đen có nghĩa là như thế nào, và những câu hỏi về việc không có người cha trong cuộc đời mình nữa. Một số bạn có thể đang giải quyết những câu hỏi của mình ngay trong lúc này và tìm thấy điều làm cho bạn trở thành khác biệt.

 

Tôi biết rằng giải quyết những chuyện đó thậm chí càng khó hơn nữa khi trong lớp của bạn có những kẻ đầu bò đầu bướu, những kẻ tìm cách lợi dụng những sự khác biệt đó để chế giễu hoặc đưa bạn ra làm trò cười; làm cho bạn cảm thấy mình là người chẳng ra gì. Ở một số nơi vấn đề còn nghiêm trọng hơn. Có những khu vực ở thành phố Chicago quê hương tôi, trẻ con còn đánh nhau nữa. Ở Philly này cũng có hiện tượng như thế.

 

Cho nên điều tôi muốn nói với các bạn hôm nay – điều tôi muốn tất cả các bạn mang theo từ bài nói chuyện của tôi là cuộc đời rất đáng quí mà một phần vẻ đẹp của cuộc sống lại nằm ở sự đa dạng của nó. Không việc gì phải ngượng vì những thứ làm chúng ta khác biệt với người khác. Chúng ta phải tự hào vì chúng. Vì những thứ làm chúng ta khác biệt với người khác cũng chính là những thứ làm nên chúng ta. Sức mạnh cũng như đặc điểm của đất nước chúng ta luôn luôn xuất phát từ khả năng nhận ra chính con người mình trong tha nhân, dù chúng ta là ai, dù chúng ta từ đâu tới, dù chúng ta trông như thế nào, hoặc chúng ta có hoặc không có khả năng gì thì cũng cũng thế.

 

Tôi nhớ lại ý tưởng đó khi đọc bức thư của cô bé Tamerria Robinson, 11 tuổi, ở bang Georgia. Cô bé kể cho tôi nghe cô làm việc chăm chỉ như thế nào, cô kể về tất cả những việc mà cô cùng với người anh trai đã làm cho cộng đồng. Và cô viết như thế này: “Tôi cố gắng thực hiện ước mơ của mình và giúp những người khác thực hiện ước mơ của họ. Thế giới cần phải hoạt động như thế”.

 

Tôi đồng ý với Tamerria. Thế giới phải hoạt động như thế. Vâng, chúng ta phải tích cực làm việc. Vâng, chúng ta phải có trách nhiệm với việc học tập của mình. Nhưng điều làm nên chúng ta ở đây, trên đất nước này, là chúng ta không chỉ thực hiện ước mơ của mình mà chúng ta còn giúp người khác thực hiện ước mơ của họ nữa. Đây là đất nước cung cấp cho tất cả những người con gái, con trai của nó cơ hội như nhau. Cơ hội tạo làm được nhiều việc nhất trong cuộc đời của mình. Cơ hội hoàn thành những tiềm năng mà Thượng đế đã ban cho họ.

 

Và tôi tuyệt đối tin tưởng rằng nếu tất cả các học sinh của chúng ta - ở Masterman này và trên khắp nước Mĩ – tiếp tục làm phần việc của họ, nếu các bạn tiếp tục chiến đấu cho ước mơ của mình và nếu tất cả chúng tôi đều giúp đỡ để bạn đạt được ước mơ của mình, thì bạn không chỉ thành công trong năm học này và trong phần còn lại của cuộc đời mình mà nước Mĩ cũng sẽ thành công trong thế kỉ XXI nữa.

 

Xin cám ơn các bạn, xin Chúa phù hộ các bạn, xin Chúa phù hộ nước Mĩ.

 

 

Bài phát biểu của tổng thống Barack Obama nhân dịp năm học mới (2011-2012)

 

Phạm Nguyên Trường dịch

 

Lời người dịch: Từ ba năm nay, trước thềm mỗi năm học mới tổng thống Obama đều đến thăm một trường trung học và có bài nói chuyện với học sinh. Năm nay ông đến trường phổ thông trung học mang tên Benjamin Banneker ở Washington, D.C. Người dịch đưa vào phần phụ lục hai bức thư gửi học sinh nhân dịp năm học mới (2010 – 2011 và 2011- 2012) của hai ông chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội chủ nghĩa Việt Nam để thấy thuật ngữ “lưỡi gỗ” thực sự có nghĩa như thế nào.

 

Xin cám ơn. (Vỗ tay). Xin cám ơn rất nhiều. Xin mời các vị an tọa. Xin cám ơn chủ tịch (ý nói cô Donae, có lẽ là chủ tịch hội học sinh -ND), đây là bài giới thiệu rất hay. (Cười). Chúng ta rất tự hào về Donae vì cô đã có một bài giới thiệu rất hay về trường học này.


Ngoài ta, tôi muốn cám ơn bà hiệu trưởng nổi tiếng của các cháu, bà đã làm việc ở đây 20 năm – ban đầu là cô giáo và bây giờ là một hiệu trưởng nổi tiếng – đấy là bà Anita Berger. Xin một tràng pháo tay nồng nhiệt để chúc mừng bà. (Vỗ tay). Tôi cũng muốn cám ơn ông Gray, thị trưởng Washington, D.C. cũng có mặt ở đây. Xin một tràng pháo tay nồng nhiệt để chào mừng ông. (Vỗ tay). Và tôi muốn được cám ơn người sẽ đi vào lịch sử như là một trong những vị bộ trưởng giáo dục tuyệt vời nhất của chúng ta, đấy là ông Arne Duncan, cũng có mặt ở đây. (Vỗ tay).

 

Tôi rất vui mừng được có mặt tại trường phổ thông trung học Benjamin Banneker, một trong những trường phổ thông trung học tốt nhất, không chỉ của Washington D.C mà còn trên phạm vi toàn quốc nữa. Học sinh cũng đến từ mọi miền đất nước. Vì vậy mà tôi muốn chúc mừng tất cả các cháu nhân dịp năm học mới mặc dù tôi biết rằng nhiều cháu đã tựu trường một thời gian rồi. Tôi biết rằng ở Banneker các cháu đã tựu trường được vài tuần rồi. Bởi vậy mọi thứ đều dần dần ổn định, giống như tất cả những người bạn cùng trang lứa với các cháu trên tất cả các địa phương trong nước. Kì thể thao mùa thu đã được khởi động. Những buổi biểu diễn âm nhạc và diễu hành cũng sắp bắt đầu, tôi tin là như thế. Những bài kiểm tra và những dự án lớn đầu tiên cũng có thể sẽ diễn ra trong nay mai.

 

Tôi biết rằng các cháu còn có nhiều hoạt động ở bên ngoài trường học. Bạn bè của các cháu có thể cũng thay đổi ít nhiều. Những vấn đề trước đây thường bị bó hẹp trong những sảnh đường hoặc phòng thay đồ tập thể thao hiện đang tìm đường vào Facebook và Twitter. (Cười). Một số gia đình của các cháu chắc cũng cảm thấy sự khó khăn của nền kinh tế. Nhiều cháu cũng đã biết, chúng ta đang phải trải qua một trong những giai đoạn kinh tế khó khăn nhất trong cuộc đời của chúng ta – trong cuộc đời của tôi. Các cháu đang còn trẻ. Và kết quả là các cháu có thể phải làm thêm sau giờ học để giúp đỡ gia đình hoặc có thể phải trông em khi bố hoặc mẹ các cháu đi làm thêm.

 

Nghĩa là các cháu có nhiều việc phải làm. Các cháu trưởng thành nhanh hơn và tương tác với một thế giới rộng lớn hơn theo cách mà các thế hệ những người có tuổi như tôi, thành thật mà nói, đã không phải làm. Bởi vậy, ngày hôm nay, tôi không muốn sắm vai một người trưởng thành đứng lên và rao giảng như thể các cháu chỉ là trẻ con - bởi vì các cháu không còn là trẻ con nữa. Các cháu là tương lai của đất nước này. Các cháu là những nhà lãnh đạo trẻ. Và đất nước của chúng ta thụt lùi hay tiến lên phụ thuộc một phần lớn vào các cháu. Vì vậy tôi muốn nói với các cháu một chút về trách nhiệm đó.

 

Rõ ràng là trách nhiệm đó bắt đầu bằng việc trở thành học trò giỏi nhất theo khả năng của các cháu. Điều đó không có nghĩa là các cháu phải có điểm số cao nhất trong mọi bài tập. Điều đó không có nghĩa là lúc nào chúng cháu cũng là học sinh suất sắc (dịch thoát ý thuật ngữ straight A’s - ND), dù đó không phải là một mục đích tồi. Điều đó có nghĩa là các cháu phải cố gắng. Các cháu phải quyết tâm và kiên nhẫn. Điều đó có nghĩa là các cháu phải làm việc chăm chỉ như thể các cháu biết phải làm việc như thế nào. Và điều đó có nghĩa là đôi  khi các cháu phải liều lĩnh. Các cháu không nên né tránh những môn học mà các cháu thấy khó vì sợ rằng không thể giành được điểm tốt, nếu đó là môn học mà các cháu nghĩ là sẽ cần đối với việc chuẩn bị cho tương lai của các cháu. Các cháu phải biết ngạc nhiên. Phải biết chất vấn. Phải khám phá. Và đôi khi các cháu phải vượt ra ngoài các khuôn sáo cũ.

 

Đấy chính là mục đích của trường học: khám phá những niềm đam mê mới, học những kĩ năng mới, sử dụng thời gian quý giá này để chuẩn bị cho bản thân và rèn luyện những kĩ năng mà các cháu cần để theo đuổi sự nghiệp mà các cháu thích. Và đó là lí do tại sao khi còn là một học sinh các cháu có thể thăm dò những khả năng rất khác nhau. Giờ này các cháu có thể trở thành một họa sĩ; giờ sau, cháu là một nhà văn; giờ sau nữa, là một nhà khoa học, một nhà sử học hay một người thợ mộc. Đây là khoảng thời gian để các cháu  tìm kiếm những mối quan tâm mới và kiểm tra những ý tưởng mới. Và càng tìm kiếm nhiều các cháu càng sớm tìm ra những điều làm cho các cháu trở nên sống động, những điều làm các cháu đứng ngồi không yên, làm các cháu phấn khích – tìm ra nghề nghiệp mà cháu muốn theo đuổi.

 

Bây giờ, nếu các cháu hứa không nói với ai thì tôi sẽ kể cho các cháu nghe một bí mật: khi còn học phổ thông, cũng như trung học, không phải lúc nào tôi cũng là học sinh giỏi nhất theo khả năng của mình. Không phải môn nào tôi cũng thích. Không phải lúc nào tôi cũng chú tâm vào học hành như đáng lẽ phải thế. Tôi nhớ khi tôi học lớp tám, tôi phải học một môn gọi là đức dục. Đức dục là về những điều đúng sai, nhưng nếu các cháu hỏi tôi lúc học lớp 8 tôi thích môn gì thì tôi sẽ trả lời là bóng rổ. Tôi không nghĩ đức dục lại nằm trong danh mục những môn học yêu thích của tôi.
 

Nhưng đây mới là điều thú vị. Sau đó, lúc nào tôi cũng nhớ cái môn đức dục này. Tôi vẫn nhớ cách nó khiến tôi phải suy nghĩ. Tôi vẫn nhớ khi bị hỏi những câu đại loại như: Trong cuộc sống, cái gì là quan trọng? Hoặc như thế nào là coi trọng nhân phẩm và tôn trọng người khác? Sống trong một quốc gia đa sắc tộc - nơi không phải ai cũng trông giống như các cháu, suy nghĩ giống cháu hoặc xuất thân từ những vùng lân cận với các cháu – nghĩa là thế nào? Chúng ta tìm cách sống chung với mọi người như thế nào?

 
Mỗi một câu hỏi như thế lại dẫn tới những câu hỏi mới. Và không phải lúc nào tôi cũng trả lời đúng, nhưng những cuộc thảo luận và quá trình khám phá đó là những gì còn lại mãi. Hôm nay tôi vẫn còn nhớ những chuyện đó. Mỗi ngày tôi đều nghĩ về những vấn đề đó khi tôi tìm cách lãnh đạo đất nước này. Tôi vẫn hỏi những câu hỏi tương tự về việc chúng ta, một quốc gia đa sắc tộc, phải chung sống với nhau như thế nào để giành lấy những điều chúng ta cần phải giành? Làm thế nào để bảo đảm rằng mỗi người đều được đối xử với sự tôn trọng và nhân phẩm? Chúng ta phải có những trách nhiệm gì đối với những người kém may mắn hơn chúng ta? Làm sao để tất cả đồng bào của chúng ta đều là con em một nhà của nước Mĩ?


Đó là tất cả những câu hỏi bắt nguồn từ môn học hồi lớp tám đó của tôi. Và xin nói một điều như thế này: ngay cả tới bây giờ, không phải lúc nào tôi cũng biết được những câu trả lời cho tất cả những câu hỏi đó. Nhưng, nếu lúc đó tôi bỏ môn học nghe có vẻ chán ngắt này thì chắc hẳn là tôi đã bỏ lỡ một điều gì đó, đã lỡ chính cái điều không chỉ đã làm tôi vui mà còn rất có ích trong phần còn lại của cuộc đời mình.


Vì vậy, trách nhiệm của các cháu là phải thử. Chấp nhận rủi ro. Thử nghiệm những điều mới mẻ. Làm việc chăm chỉ. Đừng thất vọng nếu các cháu không giỏi ngay lập tức. Các cháu không thể giỏi mọi thứ ngay lập tức được. Đó chính là lí do tại sao cháu phải đi học. Tuy nhiên, vấn đề là các cháu cần tiếp tục mở rộng những chân trời và ý thức được khả năng của mình. Đây chính là lúc các cháu làm điều đó. Hơn nữa, đấy cũng chính là những điều khiến trường học thêm thú vị.

Trong tương lai, điều đó sẽ trở thành những phẩm chất giúp các cháu thành công, và đồng thời, cũng là những phẩm chất sẽ đưa các cháu tới việc phát minh ra một thiết bị làm cho iPad trông chẳng khác gì một phiến đá. Hoặc nó sẽ giúp các cháu tìm ra cách thức sử dụng nắng và gió để cung cấp năng lượng cho thành phố và đem đến cho chúng ta những nguồn năng lượng mới, ít ô nhiễm hơn. Hoặc các cháu sẽ viết cuốn tiểu thuyết vĩ đại tiếp theo của nước Mĩ.


Để làm hầu như bất kì việc gì trong số những công việc tôi vừa nói, các cháu không chỉ cần học hết phổ thông – và tôi biết là tôi có lí, tôi đang đứng cạnh bà hiệu trưởng Berger ở đây  – các cháu không chỉ phải học hết phổ thông mà còn phải tiếp tục học lên cao nữa, sau khi rời khỏi ngôi trường này. Các cháu không chỉ phải tốt nghiệp, mà các cháu phải tiếp tục học sau khi đã ra trường.

 

Và với nhiều người trong số các cháu, điều đó có nghĩa là học bốn năm đại học. Tôi vừa nói chuyện với Donae, cô ấy muốn trở thành kiến trúc sư. Hiện tại, cô đang thực tập tại một công ty kiến trúc, và cô đã chấm được trường cô sẽ theo học rồi. Đối với một vài người khác, đó có thể là một trường cao đẳng cộng đồng, một chứng chỉ nghề hoặc một khóa đào tạo. Nhưng vấn đề là hơn 60 % công việc trong thập kỉ tới sẽ đòi hỏi nhiều hơn là bằng tốt nghiệp phổ thông – hơn 60 %. Đó chính là thế giới mà các cháu sắp bước chân vào.

 

Vì vậy, tôi muốn tất cả các cháu sẽ đặt ra mục tiêu cho mình là tiếp tục học tập sau khi đã ra trường. Và nều điều đó đối với các cháu có nghĩa là trường đại học, thì vào trường thôi cũng chưa đủ. Các cháu còn phải tốt nghiệp. Một trong những thử thách lớn nhất mà chúng ta gặp lúc này là có quá nhiều thanh niên ghi danh vào các trường đại học nhưng cuối cùng lại không tốt nghiệp và hệ quả là đất nước của chúng ta, đất nước đã từng có tỉ lệ những thanh niên có bằng đại học cao nhất thế giới, hiện tại đang tụt xuống vị trí thứ 16. Tôi không thích vị trí số 16. Tôi thích là số một. Nhưng thế cũng chưa đủ. Chúng ta phải làm sao để đảm bảo rằng thế hệ của các cháu sẽ đưa đất nước này trở lại vị trí đứng đầu về số lượng những người tốt nghiệp đại học, tính theo đầu người, so với bất kì nước nào khác trên trái đất này.

 
Nếu chúng ta làm được điều đó, các cháu sẽ có một tương lai tươi sáng hơn. Và nước Mĩ cũng vậy. Chúng ta có thể đảm bảo rằng những phát minh mới nhất và những đột phá mới nhất sẽ diễn ra ở đây, ở nước Mĩ này. Điều đó cũng có nghĩa là công việc tốt hơn, cuộc sống đầy đủ hơn và nhiều cơ hội hơn, không chỉ cho các cháu, mà còn cho con cháu của các cháu nữa.


Bởi vậy tôi không muốn ai đó đang nghe ở đây ngày hôm nay nghĩ rằng tốt  nghiệp phổ  thông là các cháu đã hoàn thành trách nhiệm rồi. Các cháu vẫn chưa hoàn thành. Trên thực tế, những điều đang diễn ra trong nền kinh tế ngày hôm nay đòi hỏi chúng ta phải học tập suốt đời. Các cháu phải tiếp tục nâng cao những kĩ năng và tìm ra những cách làm việc mới. Kể cả khi các cháu không vào được đại học, kể cả khi các cháu không được học bốn năm trong trường đại học, các cháu vẫn sẽ phải nỗ lực học tập sau khi rời trường phổ thông. Các cháu sẽ phải bắt đầu kì vọng những điều lớn lao từ chính bản thân ngay từ bây giờ.

 

Tôi biết rằng điều này có thể làm các cháu sợ. Một vài người trong số các cháu băn khoăn làm sao các cháu có thể trả nổi tiền học phí đại học, hoặc vẫn chưa biết các cháu muốn làm gì với chính cuộc đời của mình. Không sao hết. Không ai nghĩ rằng tại thời điểm này các cháu đã có kế hoạch cho toàn bộ cuộc đời mình. Và chúng tôi không nghĩ rằng các cháu phải làm việc đó một mình. Trước hết, các cháu có những ông bố bà mẹ tuyệt vời, họ là những người yêu thương các cháu vô cùng và muốn các cháu có nhiều cơ hội hơn họ - nhân tiện, điều đó có nghĩa là đừng khiến họ phiền lòng khi họ yêu cầu các cháu ngừng chơi game, tắt tivi và làm bài tập về nhà. Các cháu cần phải lắng nghe họ. Tôi nói điều này từ kinh nghiệm của chính mình, bởi vì đó cũng là những điều tôi thường nói với Malia và Sasha (hai cô con gái của tổng thống Obama -ND). Đừng nổi cáu vì điều đó, tất cả chúng tôi đều suy nghĩ về tương lai của các cháu.


Các cháu còn có đồng bào trên khắp đất nước này – trong có có tôi và Arne, cũng như mọi người ở mọi cấp của chính phủ - những người đang làm việc vì các cháu. Chúng tôi đang tiến hành từng bước trong khả năng của mình để bảo đảm rằng các cháu được hưởng một hệ thống giáo dục xứng đáng với tiềm năng của các cháu. Chúng tôi đang làm việc để bảo đảm rằng các cháu sẽ có những trường đại học hiện đại nhất với những phương tiện học tập tiên tiến nhất. Chúng tôi bảo đảm rằng các cháu có đủ sức thanh toán và có thể theo học được trong những trường cao đẳng và đại học trên đất nước này.  Chúng tôi đang làm việc để có được những lớp học tốt nhất – giáo viên cũng tốt nhất, để họ có thể giúp các cháu chuẩn bị cho việc học ở đại học và một nghề nghiệp trong tương lai.


Nhân đây, xin được nói đôi điều về giáo viên. Ngày nay, giáo viên là những người phải lao động vất vả hơn bất kì ai. (Vỗ tay). Dù các cháu đi đến một trường học lớn hay nhỏ, dù các cháu theo học một trường công hay trường tư – thày, cô giáo của các cháu đều không có ngày nghỉ cuối tuần; họ thường dậy từ sáng sớm, suốt ngày phải lên lớp và tham gia các hoạt động ngoại khóa. Và sau đó, họ trở về nhà, ăn tối, rồi tiếp tục làm việc cho tới khuya, chấm bài cho các cháu, chữa cú pháp cho các cháu và kiểm tra xem các cháu đã tìm ra công thức đại số chính xác hay chưa.
 

Và họ không làm việc đó vì một chức vụ cao sang nào đó. Họ không, chắc chắn họ không làm việc đó vì đồng lương cao. Họ làm vì các cháu. Họ làm bởi vì không gì làm họ hài lòng hơn là nhìn thấy các cháu học tập. Họ sống vì những khoảnh khắc khi các cháu thành công; khi các cháu làm họ ngạc nhiên bằng trí tuệ hoặc bằng vốn từ vựng của mình, hoặc khi họ nhìn thấy con người tương lai của các cháu. Họ tự hào vì các cháu. Và họ nói, tôi đã từng làm việc để chàng trai hay cô gái tuyệt vời này có được thành công. Họ tin rằng các cháu sẽ trở thành những công dân và những nhà lãnh đạo sẽ dẫn dắt đất nước này đi tới tương lai. Họ biết rằng các cháu là tương lai của tất cả chúng ta. Vì vậy mà các thày cô giáo của các cháu đang truyền đạt cho các cháu tất cả những hiểu biết của họ, và họ không hề đơn độc. 


Nhưng, tôi muốn nhấn mạnh điều này: Với tất cả những thách thức mà đất nước chúng ta đang gặp hiện nay, chúng tôi không chỉ cần các cháu cho tương lai, chúng tôi thực sự cần các cháu ngay lúc này. Nước Mĩ cần lòng đam mê và ý tưởng của tuổi trẻ. Chúng tôi cần lòng nhiệt tình của các cháu ngay từ bây giờ. Tôi biết là các cháu đáp ứng được vì tôi đã nhìn thấy nó. Không có gì làm tôi hứng thú hơn là biết rằng thanh niên trên khắp đất nước này đang tạo ra dấu ấn riêng của họ. Họ không chờ đợi. Họ đang tạo ra sự khác biệt ngay từ bây giờ.

 

Đó là những học sinh như Will Kim ở Fremont, California, người đã thành lập một tổ chức phi lợi nhuận để cung cấp những khoản vay cho sinh viên từ những trường dành cho học sinh nghèo, nhưng muốn khởi sự việc làm ăn riêng của mình. Hãy cùng suy nghĩ về điều này. Cậu ấy đã cho những học sinh khác vay. Cậu ấy đã xây dựng một tổ chức phi lợi nhuận. Cậu ấy kiếm tiền để làm công việc mà cậu ấy yêu thích – thông qua những giải đấu bóng ném và trò chơi cướp cờ. Cậu ấy là người sáng tạo. Cậu đã thực hiện một sáng kiến. Và bây giờ cậu ấy đang giúp đỡ những thanh niên khác để họ có thể theo học những gì họ cần.


Một thanh niên khác là Jake Bernstein, 17 tuổi, xuất thân trong một gia đình quân nhân ở St. Louis, đã cùng với chị gái tạo ra một trang web giúp thanh niên cơ hội phục vụ cộng đồng. Và họ đã tổ chức những hội chợ tình nguyện và thiết lập một sơ sở dữ liệu trực tuyến, giúp đỡ hàng ngàn gia đình tìm kiếm những cơ hội trở thành tình nguyện viên, từ việc sửa sang những con đường mòn cho tới việc phục vụ tại những bệnh viện địa phương.


Và năm ngoái tôi đã gặp một cô gái trẻ tên là Amy Chyao đến từ Richardson, Texas. Cô ấy 16 tuổi, cùng tuổi với một số cháu ở đây. Trong suốt mùa hè, tôi nghĩ vì có người trong gia đình cô ấy đã mắc bệnh nên cô đã quyết định sẽ quan tâm tới việc nghiên cứu về bệnh ung thư. Nhưng Amy Chyao lại chưa học hóa học nên cô ấy đã tự học môn này trong suốt mùa hè. Sau đó, cô đã áp dụng những điều đã học được và khám phá ra một quá trình mang tính đột phá là sử dụng ánh sáng để tiêu diệt các tế bào ung thư. Mười sáu tuổi. Không thể tin được. Một số bác sĩ và nhà nghiên cứu đã tiếp xúc với cô sấy, họ muốn làm việc cùng với cô để giúp cô khai thác khám phá này.


Điều này chứng tỏ rằng các cháu không cần phải chờ đợi, có thể tạo ra khác biệt ngay từ bây giờ. Nghĩa vụ đầu tiên của các cháu là học cho giỏi. Nghĩa vụ đầu tiên của các cháu là phải bảo đảm rằng các cháu đang chuẩn bị cho đại học và nghề nghiệp của chính các cháu. Nhưng các cháu có thể bắt đầu tạo ra dấu ấn của mình ngay từ bây giờ. Nhiều khi thanh niên lại có những ý tưởng hay hơn là những người có tuổi chúng tôi. Chúng tôi cần các cháu thể hiện những ý tưởng đó, cả bên trong lẫn bên ngoài lớp học.


Khi tôi gặp gỡ những thanh niên như các cháu, khi tôi ngồi nói chuyện với Donae, tôi không nghi ngờ gì rằng những ngày tốt đẹp nhất của nước Mĩ vẫn đang ở phía trước, vì tôi biết tiềm năng của các cháu. Chẳng bao lâu nữa các cháu sẽ trở thành những người đứng đầu các doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo chính phủ của chúng ta. Các cháu sẽ trở thành những người đảm bảo rằng thế hệ tiếp theo sẽ nhận được những điều họ cần để thành công. Các cháu sẽ trở thành những người làm nên các trang sử mới. Và tất cả đều được bắt đầu ngay bây giờ - bắt đầu ngay trong năm nay.


Cho nên tôi muốn tất cả các cháu, những người đang nghe, cũng như tất cả những người đang có mặt ở Banneker, tôi muốn các cháu làm được nhiều việc nhất trong năm học mới này. Tôi muốn các cháu nghĩ về thời gian này như là khoảng thời gian mà trong đó cháu tiếp nhận thông tin và kĩ năng, các cháu thử nghiệm những điều mới mẻ, các cháu thực hành và ao ước - tất cả những điều mà các cháu sẽ cần để làm nên những điều vĩ đại sau khi các cháu ra trường.

 

Đất nước của các cháu phụ thuộc vào chính các cháu. Vì vậy hãy ngẩng cao đầu lên. Chúc các cháu có một năm học tuyệt vời. Xin cùng bắt tay làm việc.


Xin cảm ơn các cháu. Chúa phù hộ cho các cháu, Chúa phù hộ cho nước Mĩ. (Vỗ tay).

 

Phụ lục 1.

 

Chủ tịch nước gửi thư chúc mừng nhân dịp khai giảng năm học mới (2011-2012)

Viettinnhanh - Nhân dịp khai giảng năm học mới 2011-2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có thư gửi các thầy, cô giáo, cán bộ công nhân viên chức ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và học sinh, sinh viên cả nước.

Toàn văn như sau:

 

"Các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên thân mến,

 

Nhân dịp khai giảng năm học mới 2011-2012 và ngày “Toàn dân đưa trẻ tới trường”, tôi thân ái gửi tới các thế hệ nhà giáo, cán bộ, công chức, viên chức, ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên trong cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

 

Năm học 2010-2011, ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng, tiến bộ. Quy mô và mạng lưới giáo dục tiếp tục được mở rộng; chất lượng giáo dục ở các cấp học được nâng lên; giáo dục đạo đức, pháp luật, lý tưởng sống cho học sinh, sinh viên được chú trọng; công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đạt kết quả tốt; cơ sở vật chất của nhà trường được tăng cường.

 

Tôi nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực cố gắng và những kết quả của ngành giáo dục, nhất là các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, các thầy giáo, cô giáo tâm huyết, tận tụy với công việc, các em học sinh nghèo, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đã vượt khó vươn lên trong học tập.

Năm học 2011-2012, có ý nghĩa rất quan trọng, là năm học đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

 

Để thực hiện tốt sứ mệnh “nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam,” cùng với sự góp sức của toàn xã hội, ngành giáo dục cần đổi mới căn bản, toàn diện, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học ở tất cả các cấp, bậc học; đẩy mạnh thi đua “dạy tốt, học tốt;” nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục lịch sử, đạo đức lối sống, ý thức trách nhiệm xã hội, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội; huy động các nguồn lực tăng cường đầu tư phát triển giáo dục, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với học sinh sinh viên giỏi, nghèo, khuyết tật, con em gia đình có công với cách mạng, dân tộc thiểu số, giáo viên công tác ở vùng khó khăn.

 

Tôi mong muốn và tin tưởng các em học sinh, sinh viên phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc ta, nỗ lực phấn đấu vươn lên, rèn luyện tốt, đạt nhiều thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học.

Tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể và toàn xã hội tiếp tục quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người,” tạo mọi điều kiện thuận lợi để con em chúng ta được học tập, rèn luyện đạt kết quả tốt.

 

Chúc các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục và toàn thể các em học sinh, sinh viên đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong năm học mới. Chúc sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thân ái".

 

Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam

Trương Tấn Sang

 

Phụ lục 2.

Nhân dịp khai giảng năm học mới 2010-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi thư chúc mừng đến các thày giáo, cô giáo, cán bộ viên chức ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên cả nước.


Báo GD&TĐ Online xin trân trọng giới thiệu toàn văn bức thư của Chủ tịch nước:

THƯ GỬI


Các thày, giáo, cô giáo, cán bộ viên chức ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên cả nước nhân dịp khai giảng năm học mới 2010-2011


Nhân ngày khai giảng năm học mới và ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, tôi thân ái gửi tới các thế hệ nhà giáo, cán bộ, công nhân viên chức ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên trong cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất.


Năm học 2009-2010, toàn ngành Giáo dục đã có nhiều cố gắng đạt được những thành tựu quan trọng. Hệ thống, quy mô, mạng lưới giáo dục đào tạo tiếp tục được mở rộng. Chất lượng và hiệu quả giáo dục đã có tiến bộ. Việc giáo dục đạo đức, pháp luật, lý tưởng và ý chí để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho học sinh, sinh viên được chú trọng. Chương trình kiên cố hóa trường lớp và hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư. Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục, tất cả các tỉnh, thành phố đều đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở và cơ bản phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn trình độ đào tạo ở các cấp học đều tăng. Nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã huy động được các lực lượng xã hội cùng chung tay thực hiện giáo dục toàn diện cho học sinh... Tôi nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực và những thành tựu của ngành giáo dục, đặc biệt là các tập thể, cá nhân đi đầu trong các cuộc vận động và các phong trào thi đua của ngành, các nhà giáo đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.


Năm học mới 2010-2011, đây là năm học đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, ngành Giáo dục và Đào tạo phải quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục với những giải pháp mạnh mẽ. Toàn ngành cần tập trung nguồn lực để triển khai các đề án phát triển giáo dục đã được Chính phủ phê duyệt, quan tâm hơn nữa đến các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào còn nhiều khó khăn...


Các em học sinh, sinh viên yêu quý,


Vừa qua, chúng ta vô cùng tự hào đón tin vui: Giáo sư Ngô Bảo Châu, người Việt Nam đầu tiên được vinh danh và nhận giải thưởng Fields, giải thưởng cao quý nhất giành cho những nhà toán học đạt thành tựu kiệt xuất trên thế giới. Tôi mong các em học sinh, sinh viên hay noi theo các tấm gương học giỏi, rèn luyện tốt, đặc biệt là của Giáo sư Ngô Bảo Châu, vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao của khoa học, góp phần phụng sự đất nước và làm rạng danh dân tộc Việt Nam.


Tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội và toàn thể nhân dân tiếp tục quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người”, tạo điều kiện tốt hơn, đầy đủ hơn cho việc học tập, rèn luyện và phấn đấu của con em chúng ta.


Chúc các thày, cô giáo, cán bộ, công nhân viên chức ngành giáo dục và toàn thể các em học sinh, sinh viên đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong học mới.

 

Thân ái!

Nguyễn Minh Triết

Phạm Nguyên Trường
Số lần đọc: 2063
Ngày đăng: 19.10.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Báo Sankei phỏng vấn ông trùm băng Yamaguchi - Nguyễn Quốc Vương
Vụ giết hại nhà báo Nga một cách hung bạo: Những tình tiết mới nổi lên trong vụ giết nhà báo Politkovskaya - Hiếu Tân
Gặp ông Mao mới - Hiếu Tân
10 con kỳ lân hàng đầu trong chính sách Trung Hoa. - Hiếu Tân
Trung hoa vẫn còn phải học nhiều từ Nhật Bản - Hiếu Tân
Tốt cho Putin, Xấu cho nước Nga - Hiếu Tân
Cuộc trở lại của những người Islamists - Hiếu Tân
Báo chí phương Tây bình luận về việc Putin tranh cử tổng thống: Putin hạ lệnh bầu Putin - Phạm Nguyên Trường
Tại sao các nhà nghiên cứu về Trung Đông không thấy trước Mùa Xuân Ả-rập - Trần Ngọc Cư
Sự sụp đổ gần kề của Trung Hoa - Hiếu Tân
Cùng một tác giả
Một vụ ám sát hụt (truyện ngắn)
Thiên tài (truyện ngắn)
Người (truyện ngắn)
Chết treo (truyện ngắn)
Bắc Phi, tiếp sau là gì? (nhìn ra thế giới)
Vì sao Gaddafi phải ra đi? (nhìn ra thế giới)
Bàn về chủ quyền quốc gia (nhìn ra thế giới)
Tầng lớp trí thức là gì? (nhìn ra thế giới)
Giờ hoàng đạo của NATO (nhìn ra thế giới)
Mùa xuân Miến Điện (nhìn ra thế giới)