Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
680
123.237.897
 
Gió đưa
Lê Văn Thiện

Hai cây nến đỏ cắm trong hai cái dĩa tỏa ngọn lửa sáng, vàng trang nghiêm.

Người ta gói bà Tiêu trong mấy chiếc chiếu, buộc rịt kỹ càng, đặt trên giường tre. Chỉ vì gói như vậy, không được một cái hòm có mặt ván thẳng thóm, nên không có chỗ để cắm một hàng nến dài. Cái gói, như một cái bánh lá lớn, dị hợm, nhưng không đem lại cho gian nhà một hình ảnh lạnh lẽo, cũng không làm cho người ngoài ngại lúc nhìn lâu, như khi phải nhìn cái hòm bọc giấy đỏ ởn. Bà già lúc sống chẳng được ai nể vì, bây giờ chết cũng vậy.

 

Ông San la thằng con nhỏ, bảo chạy về nhà lấy thêm vài cái ly và gói trà. Thằng nhỏ hỏi đi hỏi lại, nhà hết ly uống trà, chỉ còn ly cối. “Ly gì cũng được, cối cũng được”. Ông San ở gần nhà người chết nhất, đương nhiên thành người trông coi vụ đám. Dù chối cũng không xong, thôi lo giùm cho chị ta mát mẻ cái thân, mình lấy phước cho con. Thầy hai Đưa, lúc sáng, chịu khó chống gậy tới, lật sách ra dò coi mấy điều, cũng để làm phước. Thầy nói bốn giờ đưa đi thì tốt. Nhưng mấy người ngồi bên vội góp ý kiến, đến bốn giờ sợ mưa gió lẹp nhẹp khổ cực. Thầy hai liền chọn cho giờ tốt thứ nhì, là một giờ. “Thôi thì một giờ đem chôn vậy. Giờ này cũng khá lắm”. Thầy ăn một miếng bánh, rồi cắp sách đi về. Một giờ chiều nhiệm vụ ông San chấm dứt. Ông San tự nhận là mình bị thiệt thòi. Lúc “nó” sống định nhờ đến nó một chút là tiền bạc phải trao tay ngay, không thiếu một cắc, nó đâu chịu nghĩ đến lúc như thế này. Đang không phải đưa vai ra gánh. Người ta lại đều nói chính như vậy là phải, hợp lý, tốt, nhân đức. Con mẹ sống đến bạc đầu, mấy mươi năm dài, nay nằm xuống chỉ để lại mớ quần áo rách, cố nhìn vào nhà thật lâu nhưng ai cũng đều lắc đầu, không thể hiểu những cái gì có thể gọi là cái mà con mẻ để lại cho đời. Người ta đến thăm chẳng bao nhiêu, nhưng ông San cũng đã tốn hơn một thùng bánh khô, chục ấm nước trà.

Anh Dạ nói:

- Rồi cũng xong. Đám lớn hòm hiếc cờ xí, trống mõ rồi cũng vậy, vài hôm là rữa nhão, thúi om. Chỉ lợi đám người sống, gặp đám to, kéo đến làm một bụng cơm, xôi, heo bò.

Không ai nói gì, để mặc Dạ nói vòng vo đám nhỏ đám to:

- Sau này, tôi bảo lũ con tôi cũng làm gọn như thế này cho tôi… Bỏ phức luôn đèn cầy với nhang trầm kia đi.

-Thật chăng? Anh nói thấy ghê! Ông Dấu hỏi.

 

Thằng Lào ôm vô một chồng ly, có hai cái ly lớn. Nó kể công với cha: “Con chạy mấy nhà mới được bao nhiêu đây đó”. Ông Sáu khen: “Giỏi”. Chú sáu Thơ đón bình trà từ tay người đàn bà đem lên, rót đầy hàng ly để ngửa. Cạnh cụm chuối bên sân, dựng mấy tấm tranh cũ làm bếp, một anh chen vô ngồi bên đám đàn bà kể chuyện bậy. Chị ẵm đứa con nhỏ cười gần muốn quẳng con xuống đất. Các bà kia cũng vậy, bà thì đập vai anh chàng, bà khác cười sùi bọt trầu ra mép. Anh thanh niên kể: “Có anh Tàu giàu có mang về nhà một đám đàn bà con gái đẹp. Anh ta rao cho tất cả mọi người trong phố đến xem khỏi mất tiền. Xem các cô này không ăn bận gì cả. Đúng rồi, trên hai chục người trần truồng, nhêm nhếch. Người ta coi đông ác, dĩ nhiên. Rồi, mấy ngày sau đó sự gì xảy ra, các chị biết không. À, các anh thanh niên thì buồn rầu, bỏ cả học hành, bứt tóc, cắn môi, có khi lại còn khóc rinh rích. Các cha có vợ con thì đau ốm, ạ… lại nôn mửa, lại bỏ vợ, đi lang thang ngoài đường. Các cụ già thì khác nữa, các cụ không khóc, nhưng cũng không vui, chỉ trừ một hai lúc bất chợt vỗ bụng ngước lên nhìn trời cười khanh khách. Vậy đó, kỳ lạ lắm. Còn nữa, có cả mấy cô thiếu nữ nữa chớ. Các cô này coi xong về nhà bỗng đổi tính, cô nào cũng thích trầm ngâm, ít nói, rồi lén lút cởi banh đồ soi gương suốt ngày, xong đi tắm… ừ, tắm rửa đấy, ngày tắm luôn bảy tám lượt!”. Anh cười hinh hích, chị đàn bà ẵm con cười đã còn kêu: “Gớm, nói nghe gớm!”.

 

Ông San kéo thêm hai tấm vải bố, trải lấp chỗ còn trống trên mái rạp. Cái rạp lênh khênh, mấy cây cột to bằng cổ chân đứa nhỏ năm tuổi, tưởng muốn chịu không nổi sức nặng hai tấm bố. Hai Hàng nói với giọng buồn:

- Cũng tội, nếu đám con chị có mặt ở đây chừng một đứa thôi thì cũng đỡ.

- Sống chúng nó không thèm nhìn, còn mong chi. Với lại, chúng về cũng vậy thôi, đỡ cái gì! Ông Dấu nói, không nhìn hai Hàng lại nhìn anh Dạ. Dạ nói, như đếm từng tiếng:

- Tôi đã nói, chết là chết. Chết trên giường nệm, chết trong ruộng bùn đều là chết. Không ai bảo người chết trên giường nệm kia là người đang sống. Cái đáng nói là sự sống, được sống… Được bà con đến đông đủ thế này quý rồi. Thêm nữa, người chết đâu còn nệ kiểu cách, cái dáng bề ngoài, sạch hay không là ở trong bụng mình.

Anh nói ngon say. Mấy chị đàn bà bên bếp quay lại nghe chấm. Họ lại muốn gài nhau. Ít khi thấy chỗ nào đã có mặt phe chú Hàng lại có mặt phe anh Dạ. Nếu ngồi chung một bàn, dù cố kềm giữ, cũng khó được êm xuôi. Năm trước, trong cuộc họp làng, một trận tranh luận đã bùng nổ dữ dằn. Ai cũng biết sau lưng anh Dạ còn mấy chục nhà hậu thuẫn. Sau hai Hàng còn có một lực lượng mạnh mà chú đã lôi kéo được trong những năm đứng đầu làng. Mấy chục cái miệng đều sẵn sàng lao ra, cho nên đình làng hôm ấy muốn tốc ngói. Thôn trưởng hai Hàng bị buộc tội đã nuốt của bà con mấy trăm bao xi măng, đáng lẽ để xây đập nước. Nuốt luôn đống cọc sắt, lẽ ra phải để làm trụ rào công. Và cả tôn dành cho ngôi trường của lũ trẻ. Mấy tuần sau một cuộc bầu cử nhỏ, nhanh chóng đã diễn ra, đưa hai Hàng xuống thấp, nâng anh Dạ lên ngồi cái ghế cao trước sân đình, đặt dưới lá cờ trong các cuộc họp, vẻ vang như vị tướng anh hùng ở biên ải mới về.

 

Ông Dấu gật gù:

- Chết, cũng như sống, chẳng biết thế nào là đủ… hai Dạ mày lúc nào nói nghe cũng được! Xây mồ to lớn, bia đá, tường bao quanh, hay chỉ một vốc đất nhỏ, ngang hàng cái mả một con heo… A, mà này! Có ai hàng năm đều nhớ đi tảo mộ, chăm sóc một cái mả của ông cố nội của ông nội mình không.

- Tôi đã thấy bao nhiêu người chết không kể xiết, bao kiểu chết, tận mắt. Có người chết ngay dưới chân tôi, chết ngã vào lưng tôi, gục trong hóc đá, chết như ngồi rình trong bụi rậm! Lời anh Dạ.

Chú Hàng nhếch mép định cười:

- Anh lại thấy ở Quảng Nam, trên các núi cao, trong mật khu rất ghê gớm?

Chú mỉa mai. Nhưng anh Dạ giả lơ. Anh nhìn ngay ông Dấu:

- Phải nhìn thấy quá nhiều những cảnh như thế, con người ta tự nhiên đổi tính, mình đổi tính mà chính mình không biết. Ráng giữ cho lòng bình thản. Bình thản, không nói là thanh cao… Chẳng được như nhà tu thì cũng đừng thành cường khấu đạo tặc.

- Thành tướng cướp được chớ?

- Tướng cướp ngon lành? Được, được lắm chớ. Cướp con con như ăn cắp là thứ mạt hạng, xấu xa. Nhưng, nếu khá làm tướng một đám đông đàng hoàng, hùng dũng thì đó là một thành công, một điều mơ ước của nam nhi, nên mơ lắm.

 

Dạ có cái máu để kiêu hãnh, là tuổi trẻ, sự ngay thẳng, dám làm, và những năm mặc áo lính chiến đấu chỉ mới trở thành quá khứ gần hai năm nay. Hai Hàng cũng có các điểm để chú hãnh diện. Dù sao trên mười lăm năm liên tiếp làng này đã nằm trong tay gia đình chú, mọi người đều từng phải nhìn vào nhà chú như một nơi đầy phước đức, chuyên sinh ra những người mà trong hai bàn tay đã in sẵn dấu hiệu của kẻ hướng dẫn, khác hẳn đám dân làng chung quanh thấp kém. Xưa kia ông nội chú từng làm chánh tổng. Cha của chú nắm chức lý trưởng làng này khi ông mới chưa đầy bốn mươi. Sau đến lượt người anh cả chú. Anh này chán mới buông cho rơi xuống tay chú. Cái chức lý trưởng, sao nó chỉ chịu rơi vào tay các người họ Đỗ Đình! Chẳng ai chen, chẳng ai dám nghĩ đến sự tranh giành. Đâu như ngày nay, thời thế xoay vần, dơ bẩn, nhỏ nhen, sinh ra toàn một lớp người xấu xa. Đến như tên Cầm, quanh năm giục đầu trong núi chuyên đốt than bán cho đàn bà đẻ, vậy mà hôm bầu thôn trưởng nó còn dám cười ngạo mạn: “Phen này cho ông hết vênh váo… tạt một gáo nước mắm vào mặt nó bà con. Một miếng phiếu là một gáo mắm đó”. Nó cười hì hị, cười cả buổi. Thứ mặt khỉ dọc đó lại trở chứng cười cợt thì chẳng ai dám ngó. Ai không ăn? Thời buổi này ai dám nói ta đây không biết ăn. Ăn lớn, hay ăn nhỏ. Ăn kín hay ăn dại. Tuyệt đối không có chuyện không ăn. Mọi người đều biết. Không dơ dáy một cách trân tráo thì giặc đã bớt nhiều, nếu không yên.

 

Hai Hàng hắt đổ miếng nước trà cặn trong ly, bỏ cái ly cộp xuống bàn. Thằng Lào đốt ba cây nhang mới cắm vào tô gạo. Nó liếc nhìn bọc chiếu. Nếu lúc này đột nhiên cái bọc động đậy thì chắc nó không kịp chạy ra khỏi cửa, dám ngã chết ngay chỗ này. Một tốp thanh niên và hai thằng bé đến. Một người mang một máy thu thanh, máy đang nói lớn về các trận đánh, các chiến thắng. Thằng bé đi chót cầm bao nến và bó nhang.

 

Ông San hỏi anh thanh niên vừa sà vào chộp môt ly trà:

- Có gì lạ chăng,chú mày? Lâu quá mới gặp chú.

- Đâu có gì bác – Anh chàng cười – Ngày nào cũng giống nhau.

- Thế cái vụ cưới chồng bà chị vợ  mày?

- Tốt đẹp… Giờ này bà ấy chắc nằm trên giường.

 

Ông San chặc lưỡi tỏ ý tiếc, sao người thanh niên lại để cho cô chị vợ lấy chồng! Anh này, mới mấy tháng trước, đã cưới luôn cô em vợ. Sự kiện ly kỳ, được nhiều người bàn tán không phải ở chỗ cô nhỏ này trẻ con, và xinh đẹp. Cô nhỏ, đặc biệt được nhà cho học hành khá lâu, gần biến thành dân tỉnh ở luôn trên tỉnh, bất ngờ nay nhảy về quê, lấy ngay ông anh rể. Cả nhà đều dốt nát, chàng anh rể thì chưa hề biết cắp sách đến trường. Đôi người xầm xì, cho rằng, chắc chàng anh rể chỉ là một tấm phên che mắt thiên hạ, một vật hy sinh. Cô nhỏ chắc đã mang về một bụng nợ của dân trên tỉnh…

        

Ông Dấu hỏi:

- Chị em nó khác nhau thế nào, Hai?

- Thì con chị nhăn nheo vì cố cựu rồi. Còn con em ngon lành, thẳng thóm. Sáu Thơ nói và cười khoái trá.

- Gặp mấy bác là mấy bác chọc, khổ quá đi.

- Có gì ngại em, chỗ đàn ông với nhau cả. Nào, chú em cứ nói thiệt, hai đứa nó đứa ngon đứa dở ở điểm nào?

- Như nhau, hai đứa đều ngon.

Cả bàn cười rân. Ông San đưa ra thêm một dĩa bánh. Máy thu thanh được vặn khá lớn, giọng một cô bé tám chín tuổi hát như mèo kêu.

- Anh hai, anh có công thì thế nào chị Tiêu cũng phò hộ anh.

Ông San lắc đầu, đáp câu nói sáu Thơ:

- Sống bà ấy làm chảy máu mắt không ra tiền, anh tin giờ bả giàu sao. Nếu biết chết sẽ giàu thì có hàng triệu người muốn chết. Không tiền lấy gì bả phù hộ cho tôi.

Một anh trẻ mới đến hỏi:

- Dì Tiêu có nói gì trước khi chết không.

- Chỉ ông thần giữ cửa mới biết bả có nói chi chăng. Lúc thằng Lào mở cửa vô thì cái xác đã cứng ngắt; bả thành cái xác có lẽ từ sáng hôm qua. Bộ mày tưởng bà Tiêu muốn chết lúc nào là chết sao, nếu làm như ý mình được chắc bà ta không chịu nằm trong một xó buồn như thế này, và bà muốn chết từ lâu lắm rồi, từ các ngày phải ăn cháo.

 

Ngoài bếp, người thanh niên lại kể một chuyện mới. Anh ta hỏi câu gì đó, các chị khán giả đều lắc đầu. Anh nói một đoạn lại ngừng để hỏi. Các chị lắc đầu mạnh. Anh ta nói tiếp, hươ tay, trợn mắt. Rồi, bỗng đám đàn bà vùng ra cười, cười ằng ặc, ngon lành. Có chị còn kêu: “Ối, trời ơi!! Ối ông trời ơi…”. Anh Dạ dòm đồng hồ.

- Còn sớm, ông thôn trưởng

- Được rồi, chuẩn bị là vừa.

- Ông không phải lo. Bọn tôi bợ gọn, từ đây chạy năm phút sau có thể tới thảy xuống lỗ. Một anh mau mắn nói cười một mình. Ông Dấu săm soi cây đuốc. Ông hỏi lớn đám trẻ ai muốn cầm đuốc, đi đầu.

 

Cái sợ len thấm vào người Lào lúc nãy, khi cây chổi dựng trước thềm bỗng nhiên ngã độp xuống sân đất. Đêm yên lặng nên một tiếng động như thế nghe như lớn vang, bốn đứa đều giật mình. Lào cảm thấy mình cứ muốn quay đầu nhìn ra cửa, nhưng nó cố làm gan, nó mà yếu thì ba thằng nhỏ chắc chắn sẽ đâm hoảng.

 

Bài vị trên bàn thờ bà Tiêu đỏ tươi trông lẻ loi cách biệt với mấy cái chén úp, tô nhang và cây đèn. Cái bàn giữa nhà, làm bàn thờ, chỉ được bày ra mấy món này. Lào tự hỏi vài hôm nữa anh em nó không đến ngủ thì cái nhà sẽ ra sao? Chắc buồn lắm, và lạnh lẽo. Ai thắp nhang. Người mới chết không được nhang khói chắc linh hồn nó vật vờ, buồn đau. Bà Tiêu có hiện về ngồi khóc chăng? Cố nhiên bà rất buồn, ba đứa con gái không về, nhà sẽ đóng cửa suốt năm, ngay đến gà chó cũng chẳng còn một con, nên bà sẽ khóc. Lào nghe ba nó bàn với những người lớn sẽ phá bỏ cái nhà này, nhà không người lâu sợ lũ yêu tinh hay về ở…

 

Lào ăn của em nó hai viên kẹo, ăn của Chuân ba viên, Chuân thua gần hết. Thằng cháy túi ngồi chống cằm, ngáp:

- Buồn quá há.

- Buồn quỷ gì.

Lào cho nó nhúm kẹo. Ăn một viên, nó bỏ vào sòng mấy viên còn lại. Lại thua trớt. Chuân được khá nhiều, nó liền kêu mỏi lưng, đòi ngủ. Lào dẹp bài, thật ra nó cũng chẳng thích mấy, chơi mà đầu óc nó nghĩ chuyện đâu đâu.

 

Bốn đứa trải chiếu nằm dưới đất. Chõng tre mới lúc trưa còn đặt cái bị xác, giờ mướn tiền Lào cũng chẳng dám leo lên. Em Lào ngủ ngay. Còn ba đứa nằm nói chuyện, đàng hoàng như người lớn. Chuân bảo nó thích hết đánh nhau để ban đêm tha hồ đi chơi muốn về giờ nào cũng được. Thời bình bao giờ cũng đẹp. Chuân biết cái thời bình này trong các bài tập đọc sách quốc văn. Trong ấy tả ban đêm trăng sáng trai gái giã gạo, hát hò đến gà gáy sáng. Chuân cũng thích được đi xe lửa ban đêm. Đi thật xa, như ra Huế, lên Đà Lạt, đi xa thì chắc được đi thâm vào đêm. Hình như, lâu lắm, nằm sâu trong trí nhớ, nó thấy một đoàn tàu dài đèn điện sáng trưng chạy vun vút băng xẹt qua vũng tối giữa cánh đồng, thật nhanh, thật đẹp. Xe không nhìn đêm mà cũng bay

được như chim bay trên trời rộng. Khác với mấy đoàn tàu ban ngày, chậm chạp, đen đủi vừa chạy vừa phun khói từng cuộn quánh đen và lại hay rít còi lanh lảnh, giống kẻ điên thường cười hoài. Nay đường sắt hư hết, nhiều chỗ bọn nhỏ bắt dế moi lên từng đống đá cao bỏ lấp nghẽn đường rầy. Cây dại, cỏ, bồn bồn mọc ngay giữa đường, chen lấn với đá. Con tàu, những cuộn khói, tiếng còi rít đã lui về “hôm qua”, mất tăm. Con đường sắt còn đây, nhưng cũng biến thành một thứ hôm qua. Đường sắt vô dụng, có lúc lâu lắm nhiều người quên mất nó. Nhưng nó vẫn chịu nằm yên một chỗ, như để sẵn sàng nói với mọi người rằng đã lâu rồi đó, chưa thấy thanh bình…

 

Lào nói nó thích hết giặc giã để lúc đi xe đò khỏi phải hồi hộp. Mỗi đứa thích nhiều thứ, các ý thích đều khác nhau, và đều giống nhau. Nói môt lúc chúng nó ngủ thiếp. Lào không quên vặn to ngọn đèn, để “sáng nhiều, ngủ không giật mình”.

 

Gà gáy một lần, bỗng nhiên nhà bà Tiêu phát cháy Ông Sa chạy đến trước tiên. Ông hô mọi người giựt tranh, tưới nước, tông cửa để kéo lũ nhỏ ra. Lửa ôm trọ căn nhà nhỏ, ngọn táp cao khỏi nóc. May, trời không nhả ra mảnh gió nào. Ông San kêu trời, vò đầu. Đám đàn ông phóng vào, rồi chạy vút ra. Lửa bạt phần phật. Tiếng la quát to rối quấn vào nhau. Đứng xa nhìn, đám cháy như một cuộc nhảy lửa của trại hè lớn, đông vui, của một đám người hung bạo.   

                          

(Cô Tô, Tri Tôn) .

 

Lê Văn Thiện
Số lần đọc: 1848
Ngày đăng: 20.10.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cũng Đành - Dương Nghiễm Mậu
Hoa Núi Biên Thùy - Vương Hà
Nam Hải Đại Tướng Quân - Nguyễn Thanh Sơn
Diễn Viên - Lê Văn Thiện
Cảm Giác - Trần Minh Nguyệt
Cà Phê Sân Bay - Lê Nguyệt Minh
Chuyện xảy ra ở bệnh viện - Trương Văn Dân
Chuyện Tình Nghe Kể - Mang Viên Long
Thằng Tít-rằn - Từ Sâm
Âm Bản Chiến Tranh - Xuân Tuynh
Cùng một tác giả
Biển cũ (truyện ngắn)
Nó nằm trong túi áo (truyện ngắn)
Ngày đó (truyện ngắn)
Cực lạc (truyện ngắn)
Ao buồn (truyện ngắn)
Mây Khói Lên Trời (truyện ngắn)
Chết đường (truyện ngắn)
Như Nguyệt (truyện ngắn)
Cho Kẻ Khuất Mặt (truyện ngắn)
Nói Trong Đêm (truyện ngắn)
Mộng (truyện ngắn)
Ngoại Lệ (truyện ngắn)
Chợ Tối (truyện ngắn)
Quá đã (truyện ngắn)
Âm Thầm (truyện ngắn)
Chiếc phao (truyện ngắn)
Ánh Sáng Trước Mặt (truyện ngắn)
Chuyện Tình (truyện ngắn)
Có Miền Sông Nước (truyện ngắn)
Như Là Vô Định (truyện ngắn)
Chuyện Vườn Đào (truyện ngắn)
Róc Rách Suối Ngầm (truyện ngắn)
Cổ tích mới (truyện ngắn)
Người đi (truyện ngắn)
Lơ mơ Ngọ (truyện ngắn)
Kỷ Niệm (truyện ngắn)
Một lối tiện lợi (truyện ngắn)
Chờ Mong Mòn Mỏi (truyện ngắn)
Nắng Quái (truyện ngắn)
Kêu ai (truyện ngắn)
Quán vắng (truyện ngắn)
Mưa Chết (truyện ngắn)
Mưa Lạ (truyện ngắn)
Bàn Tay Ấm Áp (truyện ngắn)
Diễn Viên (truyện ngắn)
Gió đưa (truyện ngắn)
Buồn Một Mình (truyện ngắn)
Chia Tay (truyện ngắn)
Quế (truyện ngắn)
Ôm Đĩ Mất Tiền (truyện ngắn)
Đẹp Và Ảo (truyện ngắn)
Tình Quê Xa Khuất (truyện ngắn)
Thư Giãn (tạp văn)
Mần Ăn (truyện ngắn)
Quả Bóng (truyện ngắn)
Giàu Nghèo Ngổn Ngang (truyện ngắn)