Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
601
123.366.093
 
Viết khi đọc: Đạp Chân Vào Bầu Trời(1) của Nguyễn Viện
Nguyễn Hồng Nhung

Tôi vừa ngắm nhân vật TÔI của Nguyễn Viện dốc ngược đầu đi lại trong nửa câu chuyện, vừa mặc quần áo để chuẩn bị ra khỏi nhà.

Đến đoạn này:

 

Khi bị dốc ngược, tôi còn thấy gì ngoài tôi?

Đầu tôi có thể chạm đất, có thể lửng lơ đâu đó trên mặt bàn hay trên mái nhà. Tôi nghĩ, cả Chúa cũng chẳng biết sự thể ra làm sao. Khi chân của bạn không đạp lên một chỗ nào và đầu của bạn không chạm vào đâu, đó không phải cảm giác sống trong một thế giới không trọng lực. Đó không phải cảnh tượng của một phạm nhân bị tra tấn trong tù. Cũng không phải cảnh tượng của người bị treo cổ. Không bị cưỡng bức cũng không tự nguyện.

 

Gập laptop, để Nguyễn Viện lơ lửng trong đó, tôi ra phố.

Nửa tháng nay thành phố này náo loạn bởi chữ Tiền. Ai cũng cần tiền mặt. Đám buôn bán lo sốt vó vay đâu ra tiền „đánh hàng” bán vụ Noel. Dân thường ngược xuôi hớt hải đối phó với một tin sốt dẻo của nhà nước: cho phép trong hai tháng những kẻ vay tiền ngân hàng mua nhà có thể trả”một cục”, nhưng chỉ đúng trong sáu mươi ngày ,cả nghĩ cả thở cả chạy tiền và cả thà chết để trả. Vì đạo luật bất ngờ này, lộ ra  té ra quá nửa thành phố đi mua nhà trả dần. Tiền mặt- chỉ nó biến mất-còn lại chỉ tuyền người là người nhan nhản trên các phố phường.

 

Chẳng nhẽ mình cũng đi lộn ngược từ lâu như gã TÔI kia. Tôi nghĩ thầm. Đầu lộn ngược nhưng chân đi  đi xiên xiên, chênh chếch. Giống như cái bóng in trên tường lúc  đi qua cái bóng điện sát má. Không thể lộn ngược hoàn toàn được đâu Nguyễn Viện, đấy chỉ là khát vọng  mà thôi...

 

Tôi đến chỗ đám đông tụ tập trong thành phố đang hấp hối bởi lẩm bẩm quá lâu, quá mệt mỏi hai từ tiền mặt. Tiếng chuông điện thoại réo, tôi nghe: Alo, có vay hộ được không? –Không-tôi trả lời. Cả đám đông ồn ào gọi điện, chỉ tay, ra hiệu, hấp háy mắt môi, thở dài, kể lể, thừ thẫn, giải thích vào mobil, vào tai nhau, vào không khí, ngửa mặt nói lên trời, một mình…

 

Chợt nhớ Nguyễn Viện viết thế này:

Tôi rũ bỏ từng người bạn. Những người tôi vốn tin ở sự đàng hoàng và tử tế. Khi sự đàng hoàng và tử tế teo tóp lại thành sự tầm phào và a dua thì tình bạn không còn chỗ đứng. Tôi đến quán cà phê mỗi sáng với ruồi nhặng và những hình nhân. Những hình nhân thì câm nín. Ruồi nhặng thì vo ve, chúng bám trên miệng ly nước và thách thức. Làm gì nhau. Không thể làm gì. Muốn cũng không thể. Không muốn cũng không được. Không thể từ chối đám đông cho dù anh không thuộc về đám đông. Cũng không thể tự co rút như một con ốc. Đám đông là một bầu khí nhiễm độc và nó bao phủ tòan bộ cuốc sống. Nó giết người nhân danh những đức hạnh. Bạn bè là một thứ đám đông được cô đặc. Nồng độ giết người của nó làm ta ngạt thở.

Tôi lộn ngược đầu đi trong đám đông và bụi. Tôi nhìn thấy những bàn chân đầy máu.

 

Tôi bảo rồi: tôi không tin Nguyễn Viện hoàn toàn lộn đầu đi trong đám đông. Chỉ là khát vọng. Như những dòng chữ này được viết ra.

 

Tại sao?

Nguyễn Viện giương cặp mắt tròn trong trẻo như hai viên bi nhìn tôi.

 

Cách đây hai ba năm gì đó, tôi chợt phát hiện ra một cây thông tuyệt đẹp đứng ở một góc công viên. Trầm mặc, đơn độc, thẳng tắp. Tôi bước đến gần và trò chuyện với nó. Vì nó có gì giống tôi, tôi thích nó. Cây thông im lặng. Đôi khi chúng tôi ôm nhau( trong tưởng tượng lộn ngược: nghĩa là tôi choàng tay như đang ôm và thông rì rầm như đang nói). Cả hai biến thành biểu tượng ngày sống của nhau, ít nhất tôi tin thế, vì mỗi ngày tôi đều bước đến góc công viên đó và trò chuyện. Không có động tác này, chắc tôi không tồn tại từ hồi đó đến nay, nhưng một ngày  tôi không tin vào mắt mình nữa: cây thông không còn ở đấy. Nó có thể đã bị chặt, hoặc chưa từng có hoặc chỉ xuất hiện trong tâm khảm khi tôi đầu lộn ngược, lê bước xiên xiên in trên nền trời?

 

Nguyễn Viện bảo: vì đầu lộn ngược nên nhìn thấy những bàn chân đầy máu.

Không đúng. Chẳng bao giờ nhìn thấy những bàn chân, kể cả đầy máu hay không, vì những bàn chân ấy đang đi, trước ta hoặc sau ta, ta chỉ nhìn thấy bóng mình lộn ngược xiên xiên, và cứ ngỡ những gì xiên xiên cùng chiều với mình là sự thật.

Tôi trú chân dưới một mái hiên, vì trời mưa tầm tã, đêm đen kịt, không biết đi về đâu, hướng nào, nên đi hay không…Người chủ nhà bước ra, thương tình cho tôi ghé bậu cửa, ngồi nhờ trên một cái ghế. Chúng tôi trò chuyện. Khoảng thời gian đó tôi không biết đầu mình có lộn ngược và bóng hắt xiên xiên trên bầu trời hay không? Chỉ sực tỉnh khi người chủ nhà thong thả bảo tôi hãy đi ra đường đợi tiếp, ông cần khóa cửa nhà vì vợ ông sắp về, biết đâu sự hiểu nhầm của con người hay mang lại cho nhau nhiều sự cố. Cho đến tận lúc ấy, đứng ngoài đường một mình dưới mưa tầm tã, tôi cũng vẫn không nhớ nổi đầu mình đã lộn ngược lại hay chưa?

 

Nguyễn Viện bảo:

Viết là một hành trình đi tìm cái không có. Đó là lý do tại sao tôi cứ phải viết.

Tôi không tin lắm. Cái gì cũng có sẵn rồi, chỉ có điều người ta cứ ù ù cạc cạc khi gọi đích danh tên nó.

Hôm qua tôi viết lại một trạng thái NGÀY của tôi, trong sự âm thầm đầy gặm nhấm của một lương tri và xúc cảm tôi cho là tỉnh táo. Tôi quăng nó lên web. Gọi bạn bè xa gần mang bia ra nhấp nháp cho đỡ thiếu vắng hình bóng một cái đầu lộn ngược, chân bước xiên xiên nghiêng nghiêng trên nền trời…

Chẳng dè một thằng bạn, trước đó đang chúi mũi giữa đám đông lẩm bẩm thì thào hai từ tiền mặt, bản thân nó ước hóa thành tiền mặt còn lâu hơn lũ lố nhố đợi chờ điều tuyệt diệu rơi từ trời xuống kia, chán chường, nó vào net đọc vớ vẩn, và gặp tôi.

Cơn điên thiếu tiền mặt khiến nó buồn nôn và giận dữ…Chắc thế!

 

Chắc giống như lúc Nguyễn Viện viết:

Con mắt cá ngừ nằm trong chén. Nó nhìn đại dương và nhìn tôi. Nó nhìn miếng nước trong chén đặc quẹo. Nó nhìn chính nó. Tôi bỗng dưng muốn móc mắt nó. Thì nó đã bị móc nằm trong chén. Tôi muốn bịt kín cái nhìn. Thì nó đã nhìn vào trong. Tôi muốn xóa bỏ mọi thực tại. Thì cứ nhai nó đi. Tôi muốn tống khứ nó. Thì hãy đổ cho mèo.

 

Cô Hai nói, “anh ăn ngon miệng nhé”. Hãy dốc ngược tôi đi. Tôi đọc được lời thì thầm trên bàn tay cô Hai, “không thể vừa ăn vừa ói. Anh vừa phải thôi”. Tôi cần phải biết điều à? Tại sao. “Chẳng có lý do gì cả. Anh phải chấp nhận như em là thế”. Tôi nhìn bàn tay cô Hai đặt trên bàn. Thế giới đang toàn cầu hóa. Sẽ không có biên giới cho bất cứ vấn đề gì. Anh phải sống như anh viết, một thứ liên văn bản. Tôi bảo toàn cầu hóa không phải là dị dạng. Em không dị dạng, em là em hơn bao giờ hết. Vậy thì chúng ta có thể bay lên không? Bay thế quái nào được khi chúng ta đang đi bằng bốn chân. Tôi bắt đầu nhai và tôi tự nhủ, không thể vừa ăn vừa ói.

 

Thằng bạn tôi nổi cơn điên, không hiểu vì  thiếu tiền mặt hay vì trạng thái”thiếu vắng” tôi viết trong bài?(2) chỉ biết rằng nó điên, nó văng lên phím bấm những lời điên tiết: sến! sến quá đi mất. Nhục! không biết nhục à? hãy ngẩng cao đầu lên!

 

Đầu lộn ngược làm sao mà ngẩng cao lên được nhỉ? Có thể ngẩng cao nếu đôi chân quặp chặt vào đâu đó, như kẻ làm xiếc đu dây chẳng hạn.

 

Đầu lộn ngược, bước xiên xiên nghiêng nghiêng trên nền trời chỉ đủ tả một hành động như Nguyễn Viện mà thôi:

Cô Hai nói, “nếu anh không chổng ngược và tự trút bỏ mình, anh sẽ không biết thế giới thật sự như thế nào”. Đấy là câu nói cuối cùng khi chúng tôi xa nhau vì cô đã không hề biết tôi lúc nào cũng bị dốc ngược. Và thế giới tôi nhìn thấy hẳn không bao giờ giống cô.

  1. Đạp chân vào bầu trời của Nguyễn Viện:

 

1.12.2010. Tôi luôn có cảm giác bị dốc ngược bởi một ai đó. Những cơn nhộn nhạo của phèo phổi lục phủ ngũ tạng nôn nao trút xuống và tuột ra khỏi người tôi. Như thể có một sự khác biệt giữa tôi và cái tôi chứa đựng. Như thể bị truy bức. Như thể tôi buộc phải phủ nhận giữa một trong hai cái không phải tôi và cái tôi. Như thể có một sự thật và một sự giả dối.

Tôi không biết kẻ hành hạ mình đó là ai, hay một thế lực nào. Nhưng tôi luôn cảm nhận được ở xung quanh một bầu khí nghi kị và hủy diệt, ngay cả khi cô Hai hỏi tôi “anh không yêu em thật đâu, phải không?” thì đó cũng là cách nắm hai chân tôi dốc ngược. Hoặc một “bạn” nào đó đùa cợt “cứ để cho đồng chí KK nắm quyền tuyệt đối một ngày, đâu sẽ vào đấy”, thì cái “đâu vào đấy” có phải lý tưởng không?

Nếu mọi sự “đâu vào đấy”, thế giới này ra làm sao?

Nhưng “đâu vào đấy” là cái gì?

Điều tưởng chừng vớ vẩn này cũng dốc ngược tôi.

Khi bị dốc ngược, tôi còn thấy gì ngoài tôi?

Đầu tôi có thể chạm đất, có thể lửng lơ đâu đó trên mặt bàn hay trên mái nhà. Tôi nghĩ, cả Chúa cũng chẳng biết sự thể ra làm sao. Khi chân của bạn không đạp lên một chỗ nào và đầu của bạn không chạm vào đâu, đó không phải cảm giác sống trong một thế giới không trọng lực. Đó không phải cảnh tượng của một phạm nhân bị tra tấn trong tù. Cũng không phải cảnh tượng của người bị treo cổ. Không bị cưỡng bức cũng không tự nguyện.

 

Một lúc khác trong ngày 1.12.2010. Cô Hai nói “em không thể tiếp tục sống trong tình trạng này”. Một cảm giác vừa có vừa không có. Tôi nói “anh không muốn nhìn thấy em trở nên xoàng xĩnh giữa đám ruồi muỗi xung quanh”. Cô Hai bảo “không một ai xứng đáng với em, kể cả anh”. Tất nhiên, đấy là lý do tôi ra đi. Và tôi đã đi bằng một cái đầu lộn ngược. Không xăm soi.

 

27.11.2010. Cô Hai nói “cái đầu của anh lúc nào cũng để ở đâu đấy”. Cô không biết cái đầu tôi lúc nào cũng lộn ngược. Tôi nghe những điều cô nói không phải bằng tai, mà bằng đôi mắt nhìn ngược. Bởi vậy, tôi luôn hiểu những điều cô nói theo một cách khác. Điều đó giúp tôi nhìn thấy những điều cô không nói ra. Tôi không chắc những điều tôi nhìn thấy đó là bản chất của cô hay chỉ là cái cô hướng tới. Đó cũng chính là lý do khiến cô thường bảo tôi “anh nói gì đi KK”. Quả thật rất khó để nói về cái trong suốt. Tôi luôn nhìn thấy cô Hai trong suốt. Ở bên cô, tôi không muốn nói bất cứ chuyện gì, ngoài chuyện giữa cô và tôi. Và thế, tôi thường im lặng. Cô Hai không biết tôi quá đầy cũng như cô, nhưng tôi đã biết kìm nén nó lại thay vì để tràn ra như cô, mặc dù, với một cái đầu lộn ngược rất dễ bị ói.

Ói là một cách phản ứng tích cực nhất với cuộc sống này. Thế nhưng, tôi chưa bao giờ ói được. Sự tích tụ các thứ gây dị ứng trong tôi biến thành sự khinh bỉ. Bằng sự im lặng, tôi vừa giống như kẻ chầu rìa cuộc sống, vừa phủ nhận nó một cách triệt để nhất. Bởi sự thể đơn giản là tôi không thể đi ra khỏi cuộc đời này. Tôi trở thành kẻ luôn luôn muốn ói. Và nuốt lại nó vào trong linh hồn mình. Cô Hai nói “em yêu anh nhất trần đời”.

 

25.11.2010. Không có cô Hai, tôi không thể sống được. Cô Hai biết điều đó nên cô Hai chưa bỏ tôi. Cô thường hỏi tôi “em có xinh không?” Tôi bảo “em là kẻ giết người”. Chắc chắn sẽ đến lúc tôi bị giết. Vinh quang của cái chết là gì? Tôi sẽ không bảo đó là sự tái tạo. Mà tôi sẽ nói đó là cách xác nhận sự vô nghĩa. Nhưng nếu em giết tôi sẽ là giết sự vô nghĩa. Tôi thích sự vô nghĩa, bởi chỉ có sự vô nghĩa mới làm cho cuộc sống này đáng sống. Cô bảo “có phải anh muốn em hôn anh không?”

Cái đầu tôi lộn ngược.

 

20.10.2011. Tôi không đến dự lễ tốt nghiệp đại học của cô Hai, bởi tôi không còn được xem là có bất kỳ mối quan hệ nào với cô. Mặc dù thế, tôi vẫn coi những sự kiện của cuộc đời cô cũng là những sự kiện của cuộc đời mình. Tôi được biết ngay sau đó cô đã đi làm copywriter cho một công ty quảng cáo và tổ chức sự kiện. Và chỉ 3 năm sau, cô mở một công ty riêng dưới sự bảo trợ tài chính của một người đàn ông yêu cô. Sau một năm, công ty Neo M. do cô làm tổng giám đốc đã bắt đầu có lãi. Rất nhiều người tò mò hỏi cô, “M” nghĩa là gì trong chữ “Neo M.”. Cô chỉ cười, bảo “hiểu sao cũng được”. Tôi thích gán cho “M” một trong hai nghĩa, “money” hoặc “em”. Nhưng thật ra, tôi rất muốn nói với cô Hai rằng “em là tiền”. Tôi cũng biết chắc chắn cô Hai sẽ trả lời “em không quan tâm”.

 

20.10.2014. Tình trạng mưa bão liên miên đã làm cho các tỉnh miền trung bị ngập lụt nghiêm trọng. Số người bị chết lên tới hàng trăm và số tài sản bị thiệt hại lên tới hàng tỉ đô la. Công ty Neo M. tổ chức một chương trình văn nghệ để gây quỹ cứu trợ. Cô thu được 5 tỉ đồng, trong khi chi phí chưa tới 1 tỉ. Tôi không biết số tiền được gởi tới cho các nạn nhân bão lụt là bao nhiêu. Tuy nhiên, có thể coi đó là một thành công đầu tiên của cô, về cả hai phương diện quảng bá thương hiệu công ty và tài chính. Điều quan trọng nhất, cô đã mở rộng được các mối quan hệ thiết yếu cho công việc làm ăn cũng như uy tín của cô.

Tôi vẫn là người đứng ngoài cuộc đời cô.

 

Tháng 2.2015. Cô Hai mở một chi nhánh tại Đà Nẵng. Cô nhờ tôi giới thiệu vài nhân vật mà cô cần. Tôi đã liên lạc giúp cô. Đó cũng là thời gian tôi rơi vào một cơn khủng hoảng kỳ dị nhất. Tôi cũng không thật sự biết có phải do hệ quả của tình trạng luôn bị dốc ngược không. Tôi mất khái niệm về thời gian. Mặc dù, ngay từ thời điểm năm 2004, tôi đã thường viết những truyện mà thời gian bị xáo trộn tính tuần tự của nó, như câu chuyện tôi đang viết đây, vào năm 2010. Nhưng đến năm 2015, nghĩa là thời tương lai tôi, thời gian đã trở thành một nỗi ám ảnh, một cơn bệnh khắc khoải, nó xé tôi ra từng mảnh và vất vào cái vô định của nó. Hay tất cả thời gian chỉ là một, không quá khứ, không hiện tại, không tương lai. Tôi không còn khái niệm tuyến tính. Nhưng nó cũng không thể là đồng hiện, vì nó không thực sự đồng hiện như một thực tại, hay như một ý tưởng. Nó là một thể tính hơn là một khả tính. Bởi thế, đây thật sự là một khủng hoảng. Và tôi biết không một giải pháp nào, một ơn cứu rỗi nào có thể giúp được tôi thoát khỏi sự dồn nén và bằm nát kia ngoài cách đi Đà Nẵng và gặp cho bằng được cô Hai. Vì tôi biết với tôi, cô Hai là khởi nguồn và kết thúc cho mọi việc trong đời tôi. Chính cô Hai cũng từng nói “em được sinh ra để phục vụ tất cả mọi nhu cầu của anh và để hoàn tất anh”.

Tôi đi Đà Nẵng trên một chuyến xe có giường nằm.

 

Đã 5 năm tôi không gặp cô Hai. Bây giờ cô đã thật sự là một người trưởng thành hay chưa, tôi không hề biết, ngoài những thành công của cô trong công việc. Trong suốt những ngày qua, tôi luôn bị thúc đẩy bởi nỗi khao khát muốn gặp cô, được ôm cô vào lòng. Chỉ có như thế, tôi mới hy vọng tìm được sự bình an.

 

Tôi gọi điện cho cô báo tôi đang ở Đà Nẵng. Cô nói sẽ đến đón tôi vào lúc 6 giờ chiều để đi ăn cơm.

Tôi ngồi chờ cô ở sảnh. Và tôi đã nhìn thấy cô từ ngoài cửa bước vào. Khuôn mặt cô đã dày dạn hơn, nhưng nụ cười vẫn hóm hỉnh như xưa. Chúng tôi ôm nhau. Cô nói bên tai tôi “anh vẫn là một thực tại duy nhất không quá khứ, không tương lai”, như thể lúc nào cô cũng nhìn thấy thấu suốt tôi. Tôi xiết nhẹ lưng cô và cảm nhận được thân thể và linh hồn cô như tôi vẫn lưu giữ.

Cô bảo ở đây có một resort rất vắng, chúng ta sẽ đến đó. Anh sẽ kịp nhìn thấy sự hoang dã của nó trước khi trời tối.

 

Chúng tôi ngồi nhìn ra biển. Có một cô gái ngồi một mình buông thả hai chân trên đầu cầu chỗ người ta câu cá. Tôi nói “một hình ảnh của em năm nào”. Cô bảo, “không, đấy vẫn là em hôm nay. Em cô độc”. Thân thể tôi lại bị dốc ngược. Tôi vội nắm lấy cánh tay cô như thể tôi sẽ ngã. Cô bảo “anh vẫn yếu đuối như xưa”. Tôi nói, “không, đấy là một trạng huống vật lý không phải tinh thần”. Cô bảo, “em cũng hy vọng vậy. Em nhìn thấy anh không khỏe”. Tôi đã không thành thật khi nói rằng mình mạnh mẽ. Tôi nói “có lẽ thế”. Và thêm “anh chỉ là thực tại khi có em bên cạnh”. Cô nói, “không có em, anh vẫn sống”. Tôi bảo, “thật ra, cái anh sống đến nay không có thật. Nó chỉ là hồi quang của một thế giới khác”. Cô bảo, “anh chỉ là anh khi đi ra khỏi thế giới này”. Tôi chưa bao giờ nói cho cô biết tôi luôn bị dốc ngược. Có thể cô đã nhìn thấy cách tôi đi ra khỏi thế giới này là tự dốc ngược mình. Tôi nói “ở nơi nào có em, nơi ấy là thế giới nhưng nó lại bị từ chối bởi chính em”. Cô bảo “anh cũng biết đó chỉ là cách em bảo toàn mình”. Tôi cười, “anh thấy vui khi em không có gì thay đổi”. Cô bổ sung, “cái cần thay đổi là thế giới”. Tôi luôn cảm nhận được khi bên nhau, chúng tôi trở thành một thực tại riêng biệt. Và nó xóa bỏ tất cả những gì còn lại của thế giới, cho dù chúng tôi ở hai tư thế khác nhau.

 

Tôi không hỏi cô Hai về người đàn ông của cô, bởi vì tôi biết không có bất cứ người đàn ông nào trong cô. Cô có một số nhu cầu nào đó và đàn ông chỉ là một phương tiện để cô giải quyết những nhu cầu đó. Bởi thế, cũng không có cái gọi là tình yêu trong cô. Mối quan hệ giữa tôi và cô, vì vậy, nó chỉ là phần nổi của cái thế giới mà cô quyết tâm từ bỏ. Và sự từ bỏ chính nó lại trở thành một yếu tố căn bản của thực thể cô. Nó quyết định toàn bộ cách cô hiện diện và ứng xử với thế giới. Tôi là một nhân chứng của cô. Đó cũng là cách cô dốc ngược tôi và buộc tôi trở nên trần trụi cùng với cô.

 

Chúng tôi ăn đơn giản, hai con mắt cá ngừ đại dương hấp cách thủy và một cái lẩu cá khoai. Cô hỏi, “anh muốn buổi tối chúng ta sẽ làm gì?” Tôi nói, “anh muốn nghe tiếng sóng”. Cô cười, “vẫn là cái thú mất phương hướng vô sở trụ của anh”. Chúng tôi tìm hai chiếc ghế bố của một quán cà phê gần đó. Tôi nằm nhắm mắt nghe tiếng sóng lẫn trong tiếng cô thỉnh thoảng nói một điều gì đó. Một cuộc đối thoại không dành cho người nghe. Nhưng cô biết tôi đang bị quay vòng trong một âm vực rộng và sức ly tâm của nó làm cho tôi có cảm giác vừa bị níu kéo vừa mất tông tích. Đã có lần tôi nói đó là một cảm thức về mối quan hệ không thể xác định giữa tôi và cô.

 

Tuy nhiên, đêm đó cô đã về khách sạn ngủ chung với tôi.

Buổi sáng, trong lúc tôi còn nằm trên giường, cô đã rời phòng. “Em phải đi công việc”, cô nói. Cô không hôn tôi.

 

31.1.2010. Quán cà phê vắng khách. Cô ngồi một mình với 21 ngọn nến lung linh cắm vòng quanh chiếc bàn tròn. Khi bản nhạc chúc mừng sinh nhật được hai tay nhạc công piano và violon tấu lên cũng là lúc cô thổi tắt 21 ngọn nến đó. Đồng thời, tất cả các ngọn đèn trong quán cũng được tắt theo. Trong vòng vài phút, cái khoảnh khắc hân hoan để chào đón một con người được sinh ra cũng là khoảnh khắc tưởng niệm cho cái chết của chính con người đó.

 

Tôi không thể nào cưỡng chống được ý muốn ngồi với cô. Tôi bước đến bàn cô khi đèn trong quán đã bật sáng lại. “Cho phép tôi ngồi chung bàn nhé. Nếu cô không thích nói chuyện, tôi sẽ im lặng”, tôi nói. Cô chỉ nhìn tôi không nói gì. Tôi ngồi xuống và tôi nghĩ không phải cô lập dị, mà đơn giản là cô muốn chết. Tôi nói, “xin chúc mừng sinh nhật. Và tôi hi vọng được tiếp tục chúc mừng sinh nhật cô trong những năm tới”. Cô nói, “không có lần thứ hai cho ông đâu”. Tôi bảo, “thật không may cho tôi”. Cô nói, “không liên quan gì đến ông”. Tôi bảo, “không có một con người đang sống nào lại không liên quan đến người khác”. Cô nói, “ông muốn giảng đạo à?”. Tôi bảo, “không, chỉ vì tôi nghĩ cô sẽ còn những ngày mừng sinh nhật khác, trong rất nhiều năm tới”. Cô nói, “tôi đã bảo ông không có cơ hội đó. Tôi không sống đến ngày mai”. Tôi bảo, “cô còn quá trẻ”. Cô nói, “vấn đề không phải già hay trẻ, mà điều quan trọng là tôi cảm thấy như thế là đủ”. Tôi bảo, “thật tuyệt. Tôi lại chưa bao giờ cảm thấy đủ trong bất cứ chuyện gì, hay toàn bộ cuộc đời tôi”. Cô nói, “thế thì ông nên chết đi”. Tôi cười, “biết đủ cũng chết, không biết đủ cũng nên chết, cô cho tôi chết chung nhé”. Đến lượt cô bật cười, “ông thật vớ vẩn”. Tôi nói, “theo tôi, vớ vẩn là một trong những điều cốt lõi nhất của con người. Cô có thể chỉ cho tôi một người không vớ vẩn không?” Cô hỏi, “ông nghĩ tôi cũng vớ vẩn?” Tôi bảo, “tôi không định nói thế, tôi chỉ biện minh cho tôi và biện minh cho cuộc sống này”. Tôi nói tiếp, “sinh nhật của cô thật ấn tượng”. Cô bảo, “tôi tưởng ông nghĩ tôi vừa làm một chuyện vớ vẩn”. Tôi nói, “việc này thì không. Tôi cho rằng, thật hiếm người nghĩ được mình đủ như cô. Tại sao cô lại muốn từ chối những điều mà cuộc sống vẫn còn có thể mang đến cho cô?”. Cô bảo, “tôi không cảm thấy cần thiết. Thêm hay bớt đi điều gì với tôi thật không quan trọng”. Tôi hỏi, “điều gì mới quan trọng với cô?” Cô bảo, “chẳng có điều gì quan trọng”. Tôi nói, “có thể vừa có một biến cố gì đến với cô”. Cô bảo, “ông nhìn vấn đề một cách bình dân quá. Tôi tưởng ông phải khá hơn thế”. Tôi cười, “tại cô đánh giá tôi hơi cao. Tôi chỉ đủ tầm để nói rằng, nếu không có bất kỳ một biến cố nào, hiểu như một cú sốc với cô, thì tôi muốn được gọi cô là sư phụ”. Cô nói, “ông biết bọn con nít học cùng lớp với tôi chúng hiểu chữ “sư phụ” như thế nào không?” Tôi cười, “tôi không hiểu theo cách của bọn ấy. Tôi dùng từ theo đúng tự điển”. Cô lại cười, “hóa ra ông cũng là người có học”. Tôi cũng cười, “vừa đủ để biết đọc”. Cô hỏi, “ông thường đọc gì?” Tôi nói, “tôi đọc trên những khuôn mặt lướt qua tôi mỗi ngày và tôi thấy rằng con người là một sinh vật vớ vẩn nhất mà tạo hóa có thể đã tạo ra”. Cô nói, “ông bị cái vớ vẩn nó ám rồi”. Tôi tỏ ra hớn hở, “bây giờ tôi lại thấy mình may mắn”. Cô hỏi, “chuyện gì?” Tôi cười, “được giống như cô, chẳng có gì đáng quan trọng, phải không?” Cô ngập ngừng, “có thể”.

Cô bất ngờ kêu tính tiền và ra về, như chưa hề có sự hiện diện của tôi.

 

29.2.2010. Tôi đã đến quán cà phê đó mỗi tối để hy vọng gặp lại cô. Đúng ngày cuối tháng mới thấy cô xuất hiện trở lại. Tôi đã đứng lên để đón cô. Cô bình thản ngồi xuống chung bàn với tôi. Cô hỏi, “không phải là tình cờ phải không?” Tôi đáp, “ừ, ngày nào tôi cũng đến đây chờ cô, sau lần gặp trước”. Cô nói, “ông hơi xa xỉ”. Tôi cười, “tôi đã nói với cô là tôi chưa bao giờ cảm thấy đủ trong bất cứ chuyện gì”. Cô nói, “ông lì lợm”. Tôi cười, “dẫu sao tôi cũng đã được đền đáp”. Cô nói, “ông đừng vội mừng”. Tôi bảo, “dù thế nào, gặp lại cô là vui rồi”. Cô nói, “ông coi mọi thứ là vớ vẩn cơ mà?” Tôi bảo, “đúng vậy và cô đã làm tôi thay đổi. Một tháng liền ngồi ở đây, tôi khám phá ra rằng sự vớ vẩn của mình thật có ý nghĩa”. Cô không nói gì. Tôi tiếp, “đó là sự thử thách của lòng kiên nhẫn”. Cô nói một cách lạnh băng, “ông hơi bị rảnh”. Tôi cười, “quả là tôi có rảnh, nhưng tôi thấy nó không uổng phí, kể cả nếu không bao giờ tôi gặp lại cô. Ít ra, tôi cũng biết mình đang làm gì”. Cô nói, “hình như ông chỉ có mỗi việc đi tán gái”. Tôi nói, “thật ra, còn một việc nữa. Đó là biến cái tầm phào thành quan trọng. Và biến cái quan trọng thành vớ vẩn”. Cô nói, “tôi không muốn là trò đùa của ông”. Tôi nói, “tôi chẳng muốn đùa tí nào khi ngồi ở đây một tháng”. Cô hỏi, “ông kể công với tôi làm gì?” Tôi nói, “chỉ muốn để cô biết rằng đôi khi sự vớ vẩn lại rất quan trọng”. Cô nói, “ông quen tôi sẽ mệt đấy”. Tôi nói, “tôi sẽ coi điều ấy là vinh dự”. Cô nói, “ông thật cải lương”. Tôi nói, “chúng ta đang đánh mất cái cao quí nhất trong tâm hồn khi phỉ báng sự chân thật”. Cô nói, “câu này đã nâng tầm ông lên đẳng cấp quốc tế của tính bình dân”. Tôi cười, “cô quá khen”. Cô có vẻ bực bội. Tôi nói, “tôi nghĩ rằng cô đang muốn nói cô muốn ói. Tôi thích nghe điều ấy hơn”. Cô hỏi, “đây là cái trò gì vậy?” Tôi nhìn cô, “cô không thấy rằng tôi cũng đang muốn chết như cô à?” Cô hỏi, “tại sao ông muốn chết?” Tôi đáp, “vì tôi không làm được cho cô cười”. Cô nói, “ông là đồ khỉ gió”.

 

Tôi không nói gì nữa. Cô không biết rằng, tôi muốn chết thật sự. Tất nhiên không phải lý do như tôi nói với cô. Cô cũng không biết rằng, tôi đang làm chuyện vớ vẩn để chống lại sự vớ vẩn. Có điều gì đó không bình thường nơi cô, tôi muốn lao vào. Và cũng như cô, tôi nghĩ, có thể cô cũng cảm thấy một điều gì đó không bình thường nơi tôi. Đó không phải là một cơn điên.

Một cơn cám dỗ tự hủy.

 

Cô hỏi, “sao ông không nói gì nữa? Mích lòng à?” Tôi nói, “không, cô làm tôi vui. Cô không giống những người khác”. Cô nói, “tôi không quan tâm mình có giống hay khác người khác không”. Tôi nói, “điều đó làm cô thật hấp dẫn. Và tôi đã không thể cưỡng lại ước muốn được làm quen với cô”. Cô nói, “tôi cho phép”.

 

 

Tháng 2.2015. Những ngày ở Đà Nẵng, tôi một mình ra biển nằm nghe sóng và để tự cho mình đánh mất nhận thức về nơi chốn như thể đang ở giữa trùng khơi không tăm tích. Tôi thích cảm giác của một vật không bám vào chỗ nào. Một mình với chính mình và không gì cả. Cho dù tôi vẫn chờ đợi cô Hai quay lại khách sạn vào buổi tối. Tôi giữ lại cảm giác chỉ còn một mình khi bên cô. Tôi muốn dành cho cô một tôi không quá khứ không hiện tại không tương lai. Một tôi không gì cả và một tôi vô biên. Và tôi cũng muốn thụ hưởng cô như thế.

Những ngày ấy thật ngắn ngủi.

 

Một ngày đẹp trời 2014. Hắn nói với cô Hai, “em bỏ chỗ làm đó đi. Anh bỏ vốn cho em làm công ty riêng”. Hắn vốn là giám đốc của một công ty đối tác với công ty cô Hai đang làm. Hắn biết rõ khả năng của cô và hắn cũng biết rõ tình cảm của mình dành cho cô sẽ đi đến đâu, bởi hắn là nhà đầu tư. Cô Hai trở thành tổng giám đốc của công ty Neo M. Khách hàng đầu tiên và bền vững nhất của Neo M. chính là công ty của hắn. Cũng hắn, đã giúp cô có thêm nhiều đối tác làm ăn khác. Và những mối quan hệ xã hội của hắn cũng là của cô khi cô luôn xuất hiện bên hắn trong các cuộc gặp gỡ trên bàn nhậu hay tại các cuộc giao tế, lễ nghi khác.

Hắn là chủ tịch hội đồng quản trị công ty của cô. Nói một cách khác, cô là của hắn. Cho dù cô tự cho rằng cô có khả năng xỏ mũi hắn.

 

Những ngày xấu trời khác 2014. Tôi rũ bỏ từng người bạn. Những người tôi vốn tin ở sự đàng hoàng và tử tế. Khi sự đàng hoàng và tử tế teo tóp lại thành sự tầm phào và a dua thì tình bạn không còn chỗ đứng. Tôi đến quán cà phê mỗi sáng với ruồi nhặng và những hình nhân. Những hình nhân thì câm nín. Ruồi nhặng thì vo ve, chúng bám trên miệng ly nước và thách thức. Làm gì nhau. Không thể làm gì. Muốn cũng không thể. Không muốn cũng không được. Không thể từ chối đám đông cho dù anh không thuộc về đám đông. Cũng không thể tự co rút như một con ốc. Đám đông là một bầu khí nhiễm độc và nó bao phủ tòan bộ cuốc sống. Nó giết người nhân danh những đức hạnh. Bạn bè là một thứ đám đông được cô đặc. Nồng độ giết người của nó làm ta ngạt thở.

Tôi lộn ngược đầu đi trong đám đông và bụi. Tôi nhìn thấy những bàn chân đầy máu.

 

Tháng 2.2015. Ngày cuối cùng ở Đà Nẵng, cô Hai mời tôi đi ăn tối chung với hắn. Bắt tay hắn xong, tôi nói: “Tôi muốn giết ông”. Hắn tỉnh queo: “Nếu anh giết được cứ giết”. Hắn nói tiếp: “Tôi tưởng anh đã chết”. Tôi nói, “đúng vậy, tôi không thể bóp cổ ông khi tôi chỉ là một con ma hư ảo”. Cô Hai xen vào, “cả hai anh đều là những con ma, chính em mới là người bị giết bởi sự hư ảo của các anh. Một cách nào đó em cũng đã là ma. Chúng ta nên chào mừng sự kiện đặc biệt này”. Nhưng tôi không thể “dzô” 100% được. Cô Hai là một quả đắng. Hắn là đồ chết tiệt. Tôi nói, “tôi chào nhưng không mừng”. Hắn cười, “vậy thì 50%”. Tôi dằn 50% xuống bụng. Cô Hai nói, “OK, chẳng có gì tuyệt đối”.

Con mắt cá ngừ nằm trong chén. Nó nhìn đại dương và nhìn tôi. Nó nhìn miếng nước trong chén đặc quẹo. Nó nhìn chính nó. Tôi bỗng dưng muốn móc mắt nó. Thì nó đã bị móc nằm trong chén. Tôi muốn bịt kín cái nhìn. Thì nó đã nhìn vào trong. Tôi muốn xóa bỏ mọi thực tại. Thì cứ nhai nó đi. Tôi muốn tống khứ nó. Thì hãy đổ cho mèo.

Cô Hai nói, “anh ăn ngon miệng nhé”. Hãy dốc ngược tôi đi. Tôi đọc được lời thì thầm trên bàn tay cô Hai, “không thể vừa ăn vừa ói. Anh vừa phải thôi”. Tôi cần phải biết điều à? Tại sao. “Chẳng có lý do gì cả. Anh phải chấp nhận như em là thế”. Tôi nhìn bàn tay cô Hai đặt trên bàn. Thế giới đang toàn cầu hóa. Sẽ không có biên giới cho bất cứ vấn đề gì. Anh phải sống như anh viết, một thứ liên văn bản. Tôi bảo toàn cầu hóa không phải là dị dạng. Em không dị dạng, em là em hơn bao giờ hết. Vậy thì chúng ta có thể bay lên không? Bay thế quái nào được khi chúng ta đang đi bằng bốn chân. Tôi bắt đầu nhai và tôi tự nhủ, không thể vừa ăn vừa ói.

 

Tháng 6.2010. Bầu trời phủ một lớp sữa trắng. Cô Hai nói, “sao đàn ông nào cũng chỉ thích ngủ với em”. Tôi cười, “tại em làm cho người ta muốn ngủ”. Cô Hai nói, “thật ra em luôn luôn buồn ngủ, sự buồn ngủ cũng có thể gây ngộ nhận. Nó là một sự hấp dẫn khác chăng?”. Tôi nói, “em đâu phải là người ơ hờ, em muốn chứng tỏ cái quyền lực đàn bà của em. Và đó là điều đàn ông chờ đợi. Họ sẵn sàng chịu khuất phục. Sự tùng phục của đàn ông đối với đàn bà là một vinh quang. Đó là kiểu chiến thắng của họ”. Cô Hai nói, “em chỉ làm những gì em muốn, em khinh bỉ đàn ông”. Tôi nói, “chẳng sao, được ngủ với em là họ vui rồi”.

 

Tháng 7.2010. Cô Hai nhắn tin cho tôi, “em cắt điện thoại. Không muốn gặp ai”. Tôi cũng không gọi thử cho cô để xem cô có cắt điện thoại thật hay không. Suốt thời gian một tháng, tôi chỉ đọc được một cuốn sách. Cảm giác bị bỏ rơi hoang mang như một đứa bé đi lạc. Tôi không muốn mình bị thất lạc trong những cám dỗ khác nên đóng cửa nằm lì trong nhà. Nhưng tôi cũng không muốn tự hành hạ mình bằng sự khổ hạnh và cô độc, tôi tập đi ngược đầu bằng cách chống hai tay xuống đất. Cũng không khó lắm để làm chuyện đó. Và tôi đã đi bằng tay trong ngôi nhà của mình suốt một tháng, cho đến khi cô nhắn tin lại cho tôi: “Anh không nhớ em”.

Tôi biết trong khoảng thời gian vắng lặng đó, cô ngủ với một người đàn ông khác.

 

Tháng 3.2013. Hắn hỏi cô Hai, “tại sao em cắt điện thoại?” Cô nói, “đơn giản vì em không muốn gặp ai”. Hắn hỏi, “kể cả anh?”. Cô đáp, “dạ”. Hắn nói, “anh không tin em không muốn gặp ai”. Cô nói, “tùy anh”. Hắn hỏi, “em có yêu anh không?”. Cô nói, “có, nhưng điều đó không có nghĩa anh có quyền kiểm soát em”. Hắn hỏi, “em làm gì trong thời gian qua?”. Cô nói, “em đi làm, đi chơi và ngủ”. Hắn hỏi, “có một người đàn ông khác?” Cô đáp, “có”. Hắn nói, “chúng ta chia tay”. Cô bảo, “tùy anh”.

Tuy thế, hắn vẫn nằm ôm cô.

 

Tháng 12.2010. Viết là một hành trình đi tìm cái không có. Đó là lý do tại sao tôi cứ phải viết. Cô Hai ngồi trước ly cà phê sữa và múc những cục nước đá nhỏ bỏ vào miệng, cô biết tôi đang nghĩ về cô. Cô nói, “anh không thể truy tìm được em”. Tôi nói, “vấn đề không phải ở chỗ kết quả như thế nào, mà chính là việc đi tìm”. Cô nói, “anh sẽ không tìm thấy em vì em không phải là cái tối hậu của anh, em chỉ là phương tiện. Đó cũng là một lý do em xa anh”.

 

Tháng 3.2013. Cô Hai nói với hắn, “kể chuyện gì cho em nghe đi”. Hắn nói, “anh vào Đảng từ năm 2010. Có lẽ đó là giai đoạn khó khăn nhất đối với anh. Chắc em cũng biết, đến lúc đó chẳng còn ai tin vào lý tưởng của Đảng. Chẳng những thế, Đảng đã trở thành một thứ chuyện khôi hài. Thế mà, anh vẫn quyết định vào Đảng. Một chọn lựa quyền lực. Cũng là một chọn lựa vô đạo đức nhất mà anh đã từng làm”. Cô cười, “anh đừng nói vì thế mà việc gì anh cũng có thể làm”. Hắn nói, “cũng gần như vậy, anh có thể chấp nhận mọi thứ để có cái anh muốn, như em”. Cô khó chịu, “không so sánh chuyện đó với em”. Hắn nói, “anh không so sánh em với bất cứ cái gì, nhưng anh sẽ không bao giờ để mất em”. Cô hỏi, “còn việc anh trở nên giàu có?” Hắn nói, “cũng đơn giản. Anh đi theo những người có quyền và giàu có hơn. Một kiểu theo voi ăn bã mía”. Cô Hai bình, “bã mía cũng thơm nhỉ”. Hắn nói, “ừ, đôi khi choáng”.

 

Tháng 4.2014. Hắn nói, “em đi Mỹ với anh nhé”. Cô hỏi, “đi bao lâu?” Hắn nói, “một tuần cho công việc, một tuần đi chơi”. Cô nói, “em phải đi làm”. Hắn nói, “chuyện đó để anh giải quyết”. Cô hỏi, “như thế nào?” Hắn nói, “em có thể bỏ việc về làm cho anh, nếu không muốn anh mở công ty riêng cho em”. Cô nói, “chuyện đó tính sau, để em xin nghỉ phép”.

Cô đi Mỹ với hắn. Trong một lần ghé thăm đại học Harvard, cô nói: “Em muốn học thêm quá”. Hắn nói, “chuyện nhỏ”. Tuy thế, khi trở về, cô quyết định làm giàu.

 

Tháng 5.2014. Công ty Neo M. không phải đầu tư bao nhiêu, chủ yếu làm dịch vụ, nhưng vốn điều lệ được đăng ký để cô Hai đủ tiêu chuẩn làm tổng giám đốc. Công ty chỉ có ba cổ đông, gồm hắn, một sếp lớn hơn của hắn và cô. Hắn tặng cô 20% giá trị vốn đóng góp. Công việc không mấy khó khăn với cô. Cái khó khăn nhất là khách hàng thì đã có hắn lo. Hắn bảo, “em cứ tưởng tượng một ví dụ, nhà nước này một năm xài bao nhiêu giấy, và in bao nhiêu chữ trên những thứ giấy đó. Một việc rất nhỏ, nhưng tiền thì không nhỏ. Vấn đề là biết chỗ nào có thể chen chân vào được và bằng cách nào”. Việc điều hành và sự khôn khéo của cô đã giúp cho công ty nhanh chóng phát triển. Cô hoàn toàn nhận thức được một cách đúng nhất sức mạnh của mình.

 

Tháng 12.2010. Đã có một buổi chiều im lặng ở bên cô. Cô nói, “em không chịu nổi sự im lặng của anh”. Tôi nói, “cái cảm giác mất em đã làm anh trở nên trống rỗng”. Cô bảo, “ở nhà, em đã phải đối diện với sự cô độc. Gặp anh, em còn cảm thấy cô độc hơn”. Tôi nói, “chúng ta đang sống ở hai thế giới khác nhau”. Rồi tiếp tục im lặng.

Đột nhiên cô nói, “em muốn ăn bắp”. Tôi nói, “anh không biết chắc có chỗ nào bán. Mình đi lòng vòng may ra gặp”.

Chúng tôi rời khỏi quán cà phê.

Có vài người bán bắp nướng trên xe đạp chung quanh hồ Con Rùa. Tôi mua hai trái. Cô nói “đừng bỏ mỡ hành”. Cầm hai trái bắp, tôi chở cô chạy tiếp. Chiều đang xuống. Trời cuối năm đổ sương mù. Khi ra đến bờ sông, tôi hỏi: “Em có muốn đứng lại đây ăn bắp không, hay mang về nhà?” Cô nói, “sao cũng được”. Tôi tiếp tục lái xe. Gần hết bờ sông, cô nói, “mình đứng lại đi”. Chúng tôi ăn bắp trên một bờ đá.

Tôi nói, “có lẽ tốt nhất là một cuộc chia tay không tuyên bố. Khi nào cảm thấy chịu không nổi thì gọi”. Cô nói, “dạ. Em không muốn anh buồn”. Tôi nói, “cũng khó để mà không buồn, nhưng anh sẽ cố gắng chịu đựng”. Cô nói, “rồi anh sẽ quen một người khác”. Tôi nói, “anh không cảm thấy cần thiết nữa”.

Tôi đưa cô về nhà trước lúc cô muốn.

 

Tháng 12.2011. Tôi vẫn theo dõi cuộc sống hàng ngày của cô trên blog. Tôi không thể tách khỏi cô như một thế giới khác. Thế là đã một năm không gặp cô. Cô đã ra trường và đi làm, một công việc như tôi đã từng làm. Tôi đọc những bài cô viết. Không có tôi trong đó. Không có những kỷ niệm. Không có bất cứ điều gì liên quan đến tôi. Và cô vẫn là cái tôi không bao giờ tìm thấy.

 

Tháng 3.2010. Ngày sinh nhật tôi, cô Hai đã đến và mừng tặng bằng chính thân xác cô. Một món quà có ý nghĩa, nhưng tôi không thể khẳng định đó là tình yêu. Cô nói, “em đã là đàn bà. Anh không sợ phải trách nhiệm”. Tôi nói, “anh có trách nhiệm của anh và anh không quan tâm ai là người trước hay sau anh”. Cô nói, “đời em, để em trách nhiệm, không cần bất cứ ai trách nhiệm thay em”. Cô cho tôi một khái niệm về cuộc sống, “em chỉ làm những điều em thích, cho chính em”. Đừng bận tâm về cô hay bất cứ thứ gì thuộc về cô. Bởi những gì cô làm, không dành cho một ai. Nhưng đôi khi, tôi nhận ra những điều cô làm cho cô cũng là cho tôi, mặc dù sau đó cô luôn phủ nhận. Cô không muốn mình trở nên yếu đuối, kể cả trong sự hủy diệt.

 

Tháng 7.2010. Suốt bốn tháng, ngày nào cũng làm tình. Cô nói, “em cần phải cắt đứt khỏi thành phố này và xa anh một thời gian. Em không muốn anh trở thành thói quen của em”. Cô đi xuyên Việt và yêu cầu tôi không liên lạc. Cô đã dừng ở Huế một tuần, cô viết trên blog: “Huế không phải là nơi để khám phá mà để chết. Nhưng tôi không muốn chết ở đây với những con người cũ kỹ và sự ngừng đọng của thời gian. Người con trai Huế nói với tôi, anh ta đã vượt qua thời gian để yêu tôi. Tôi hỏi “vượt bằng cách nào?”, anh ta nói bằng cách trở thành hậu hiện đại. Tôi cười bằng lỗ đít và đạp anh ta ra khỏi phòng”.

 

Những ngày ở Hà Nội cô viết: “Một cái lẩu thập cẩm đương đại nhưng lại có mùi thắng cố đồng hành với món gà rán KFC, rượu vang và nhạc rock. Đó là người đàn ông làm thơ và hỏi tôi có thích đọc thơ không. Tôi nói tôi không thích đọc thơ, tôi chỉ thích đếm tiền, tuy nhiên tôi biết tên anh. Dường như điều đó đủ làm anh ta hài lòng. Ít ra, tôi cũng đã có những ngày khá thoải mái ở Hà Nội với anh ta và bạn của anh ta, những đêm ăn nhậu không bến bờ. Nhưng tôi chẳng thể nào ngủ được với bọn thiên tài rỗng tuếch ấy. Tôi thà thủ dâm trong khách sạn với cái vòi nước”.

 

Cô lại trở thành chính cô, khi ở Sapa. “Em muốn viết những dòng này cho anh, vì em biết anh sẽ đọc. Không hiểu sao em thích nó đến thế. Có thể vì nó đã làm cho sự cô đơn của em trở nên toàn vẹn hơn. Sâu thẳm hơn. Khủng khiếp hơn. Khi đối diện với sự hoang dã của núi rừng của những con người bản địa của thú vật và mùi phân của nó, em cảm thấy mình bị đồng hóa, đồng thời bao trùm lên chúng, như thể em đã là không khí ở nơi này, mà cái ý thức về bản thân lại quá minh bạch như một lưỡi dao cứa vào cổ. Anh không thể tưởng tượng được em đã muốn cứa cổ như thế nào. Em muốn máu mình chảy ra và tuôn xuống như thác. Em muốn dốc ngược mình xuống. Chính điều này đã làm em nhớ anh. Người đàn ông đã biết dốc ngược mình để sống cạn láng cái hiện sinh ngờ vực và nông nổi này. Em ước gì có anh bây giờ. Nhưng anh đừng gọi cho em. Cũng đừng tìm cách gặp em. Em dốc ngược em để cho chính em được tuột ra và hiện thân tinh khiết cùng với đất trời này, mùi cây cỏ này, sương mù này… Đây là thứ sạch sẽ không phải như anh vẫn nói với em, một thứ sạch sẽ được gột rửa, mà là sự sạch sẽ nguyên thủy với một mùi vị riêng biệt của nó. Nó làm cho em đậm đặc và rộng lớn hơn bao giờ hết. Nó cũng làm cho em nhỏ bé và đớn đau hơn bao giờ hết. Một cái miết tay của anh cũng có thể làm cho em chết. Em thật sự muốn chết. Anh chưa bao giờ biết đến cái đớn đau của em trong thế giới này, vì anh chưa bao giờ với tới em. Sự ngưỡng vọng mà anh dành cho em không đủ. Anh không biết đến cái ước muốn hủy diệt của em. Mà anh cũng không có khả năng hủy diệt em. Nỗi cô đơn của em chỉ có thể giải quyết trên tấm ván phóng dao. Nhưng tấm ván phóng dao của em chỉ còn là chiếc giường trong phòng khách sạn. Và kẻ phóng dao đã mất tích. Giờ đây, nỗi cô đơn của em trở nên trần trụi và trơ trẽn. Em càng muốn chết. Nó nằm ngoài anh, vì thế em không muốn anh liên lạc”.

 

Tháng 31.1.2013. Mừng sinh nhật cô Hai, hắn nói: “Em có thể chọn bất cứ nhà hàng nào em muốn, một chỗ cao nhất hoặc một chỗ sâu nhất trong thành phố này”. Cô nói, “em chỉ muốn đến một nơi bằng phẳng nhất”. Hắn nói, “Ok. Chúng ta sẽ ngồi trên sông. Em có thể mời thêm bất cứ ai em muốn”. Cô bảo, “em không mời ai cả”.

 

Hắn thuê nguyên một chiếc du thuyền, một đầu bếp nhà hàng và một nhóm nhạc tứ tấu đàn dây. Sự trọng thị bất ngờ mà hắn dành cho cô thật quá cảm động. Khi cô bước lên thuyền, âm nhạc đã tụng ca cô cùng với hoa dưới chân và ánh sáng của các ngôi sao lấp lánh trên bầu trời. Hắn nói, “chúng ta có thể say và ở suốt đêm trên chiếc thuyền này”. Cô cười thật tươi, “cám ơn anh”.

 

Đêm đó, cô đã uống rất nhiều. Cô nói, “đã có lần em muốn chết trong đêm sinh nhật”. Hắn bảo, “anh sẽ không bao giờ để em muốn chết nữa”. Cô cười, “em không chết vì những điều như anh nghĩ đâu”. Hắn nói, “dù bất cứ lý do gì, chết không phải là giải pháp hay nhất”. Cô nói, “chết với em không phải là một giải pháp. Anh sẽ không hiểu được điều đó khi anh coi sự thành công là mục đích của cuộc sống”.

 

Và cô đã say. Khi tỉnh dậy, cô thấy trời vẫn còn mờ tối. Ban nhạc vẫn còn đó với những âm thanh như từ một thế giới khác. Hắn ngồi trên ghế bố hút thuốc. Cô hỏi, “em ngủ có lâu không?” Hắn nói, “khỏang 3 tiếng”. Cô nói, “em muốn uống nữa”. Hắn hỏi, “đây là cách chết của em à?” Cô nói, “không. Em đang sống”.

 

Cô nghĩ đến lúc phải làm tình và cô không muốn làm tình với hắn trong sự tỉnh táo của ý thức. Hắn không phải là sự lựa chọn của cô trong những trường hợp như thế này. Tuy nhiên, một kẻ săn mồi thừa kinh nghiệm như hắn biết lúc nào nên ăn thịt con mồi là tốt nhất. Và đó cũng là cách hắn không để cô muốn chết.

 

3.2.2013. Sinh nhật hắn. Cô được mời đến một trong những căn nhà của hắn để ăn một bữa cơm đạm bạc như thường ngày. Không nến. Không bánh. Không nhạc. Không rượu. Không bạn bè. Hắn nói, “hôm nay là ngày anh được sinh ra bởi cha mẹ anh. Và anh muốn được ghi dấu một lần nữa như sự tái sinh, bởi em”. Cô đã ở lại với hắn trọn một ngày và đêm. Và cô đã phục vụ hắn như phải thế.

Một cách nào đó, cô chính thức thuộc về hắn, như hắn nghĩ. Như những người xung quanh hắn nghĩ.

 

Tháng 8.2015. Hắn bị bắt trong một nhóm bị cho là thao túng thị trường chứng khoán và địa ốc được thông tin trên tất cả các báo. Cô Hai cũng bị triệu tập với cáo buộc nghi ngờ là cơ sở rửa tiền của hắn. Tuy nhiên, cô Hai đã chứng minh được công ty của cô chỉ làm dịch vụ ăn công và không có bất kỳ chứng cớ nào buộc tội cô đã lợi dụng sự quen biết hay hối lộ quan chức chính quyền để thực hiện các dịch vụ của mình. Cũng chỉ chưa đến một tháng, hắn đã ra khỏi trại tạm giam. Người ta không thể xác định được giữa các mối quan hệ và các nguồn thông tin như thế nào là bất hợp pháp hay không. Và hắn cũng như cô tiếp tục làm giàu.

 

31.1.2016. Một năm cô có rất nhiều sinh nhật. Nhưng hôm nay là ngày sinh nhật mà cô dành cho riêng tôi tại căn hộ mới mua của cô. Cô nói, “lâu rồi, không gặp anh. Nhưng em chưa bao giờ cảm thấy mất anh”. Tôi cười, “đây là điều an ủi chăng?” Cô nói, “không, em không bao giờ an ủi ai. Với anh, lại càng không. Anh biết điều đó mà”. Tôi nói, “ừ, em chỉ thích sự vùi dập”. Cô bảo, “và anh sẽ được nếm mùi vùi dập của em lần nữa”. Tôi cười nâng ly rượu, “em cứ tự nhiên”. Cô nói, “cả đời anh không uống rượu, phải không? Hôm nay, em cũng không bắt anh phải uống, nhưng anh phải say bằng bất cứ kiểu gì tuỳ anh. Em muốn anh trở nên hoang dại. Đừng ra vẻ trọng thị với em”. Tôi nói, “em lại giết người”, rồi tôi cầm con dao cứa vào cổ tay. Khi máu bắt đầu chảy, cô cầm tay tôi đưa vào miệng mút. Cũng chính cô, bịt máu tôi lại bằng miệng cô. Sau đó, cô hôn khắp người tôi.

 

Tháng 12.2010. Tôi vẫn nghĩ tình yêu của cô Hai và tôi đã không còn từ những ngày chán nản này. Càng nói chuyện, chúng tôi càng cảm thấy xa nhau. Cô luôn đào sâu vào những điều cô gán ghép cho tôi, chẳng hạn tôi không có tình yêu mà chỉ có tình dục, hoặc tôi không chia sẻ gì được với nỗi đau ung mủ dưới làn da của cô. Tôi nói, tình dục của tôi chỉ là cách đi ra khỏi thế giới này, vì thế tình dục vừa như một phương tiện vừa như tối thượng. Cô nói tôi khinh thường đàn bà. Nhưng tôi nghĩ chẳng ai yêu và kính trọng đàn bà hơn tôi, vì đàn bà chính là dưỡng chất trần gian và sự vinh quang của tôi. Cô giản lược con người tôi thành nhu cầu và biểu kiến cho một hình tượng độc đoán.

 

31.1.2016. Khi hôn lại cô, tôi biết đó không phải là dư vị của những ngày cuồng nhiệt cũ. Tôi đọc ra được một cơn hối hả mới trên da thịt dường như cũng tinh khôi của cô. Như một miền đất chưa được khám phá, tôi nhìn thấy chính tôi rạn vỡ dưới bước chân cô. Nhưng nó không phải một cuộc phiêu lưu hay khám phá mới, mà là một tầng sâu khác của cảm xúc và ý thức được khai quật. Nó làm cho chúng tôi trở nên phong phú và mãnh liệt hơn. Càng đi sâu xuống, chúng tôi càng đến gần hơn cái bản thể duy nhất của sự sống. Và tôi nghĩ, không còn gì có thể chia lìa chúng tôi được nữa. Khi cảm xúc chạm đáy, cô bật thốt, “anh là ông chủ của con”.

 

 

 

31.12.2010. Cô Hai nói, “nếu anh không chổng ngược và tự trút bỏ mình, anh sẽ không biết thế giới thật sự như thế nào”. Đấy là câu nói cuối cùng khi chúng tôi xa nhau vì cô đã không hề biết tôi lúc nào cũng bị dốc ngược. Và thế giới tôi nhìn thấy hẳn không bao giờ giống cô.

19.12.2010

 

2.  SỐNG của Nguyễn Hồng Nhung:

Người lái xe cúi lom khom chuyển chiếc va li vào thùng xe, khi tôi và Thủy từ biệt nhau. Bọn con gái Hà nội có thói quen không thích bộc lộ tình cảm, chúng bộc lộ bằng cách dấu nó đi. Hai đứa cười cười, nhìn nhau, đứng cạnh nhau nhưng đưa tay lên ngang mắt vẫy vẫy. Rồi Thủy lên xe, tôi xuống metro ra bờ sông Đanuyp.

 

Một cảm giác quen thuộc ập đến: thiếu vắng.

Tôi biết tên cảm giác này. Trước kia, khi chưa gọi đích danh, cảm giác này thường làm tôi buồn vẩn vơ, hoặc đau xót, thậm chí có lúc còn khụy xuống, như một kẻ ốm vờ. Thuở đó ta còn trẻ, chưa hiểu hết sự đời? hay chưa có óc khái quát như bây giờ? Không đúng lắm. Có thể ta sẽ già đi như rất nhiều người, thận trọng thờ ơ và tưởng mình đã rất từng trải như nhiều người, mà vẫn không biết gọi đích danh trạng thái này.

 

Thiếu vắng-trước kia tôi cứ tưởng đây là trạng thái của một kẻ lưu vong, nghĩa là sống trên đất một người khác, thiếu cái phần người ta gọi là”hồn quê hương”. Nhưng nhiều lần, quay về quê cha đất tổ thăm viếng, tôi lại  phảng phất nhớ thương cái gọi là”đất người” trong tâm khảm. Nghĩa là sao vậy? đành tạm cho rằng: thiếu vắng là thứ tình cảm thiếu hụt một cái gì rất thân thiết, ta đã quen thuộc, đã biết nó từ lâu. Nhưng chưa đủ.

 

Năm tháng trôi qua, tôi trầm ngâm bổ sung thêm tri thức cảm nhận của mình vào cụm từ thiếu vắng này. Đấy là trạng thái của một kẻ thiếu bạn. Bạn tâm sự, bạn chuyện trò, bạn trao đổi, bạn hòa hợp, bạn cùng một sở thích, bạn cùng một dạng năng lượng hoạt động, bạn cùng đam mê, sở thích, và…tóm lại: một kẻ biết gây hưng phấn cho mình.

 

Theo nghĩa này, có thể đặt tên khác cho trạng thái thiếu vắng: thiếu tri kỷ. Tôi bùi ngùi nhận ra: dù sống ở bất kỳ xứ sở nào, thiếu tri kỷ vẫn là một trạng thái thiếu vắng dai dẳng nhất của tôi. À ra thế! Đây là lời giải thích cho sự lựa chọn cuối cùng của mình: đơn độc. Thà đơn độc còn hơn. Để nhấm nháp thiếu vắng tri kỷ.

 

Thủy đi rồi, mang theo một phần chia xẻ sống của tôi. Dù chỉ trong vài ngày. Trong vài ngày cái lối nói, lối tỏ tường vấn đề, lối suy nghĩ, điệu cười, cách so sánh, kiểu bông đùa của mấy đứa con gái Hà nội khi gặp nhau ríu rít đã đi khuất. Nắng tràn ngập trên mặt nước long lanh Đanuyp, nắng rải lăn tăn trên tóc đứa con gái Hà nội ở lại lặng thinh bên bờ sông suy nghĩ, nắng gió rượt đuổi nhau trên các vòm cây, chắc đang gợi niềm thơ thẩn mông lung trong đầu đứa con gái Hà nội khác ngồi trên xe buýt.

 

Đây là trạng thái: ôi, sao cứ xa, xa mãi…

đây là vơ vẩn của gió hồ Tây lang thang trên đường Thanh niên khi lũ bạn gái sánh vai nhau đi giữa lòng đường nói cười chí chóe, hay chỉ là trạng thái câm lặng im lìm một mình”ta với ta” lững thững bên dòng Đanuyp ngắm hoàng hôn? Có thể biết được hay không bạn hỡi, khi nào ta ở trong bạn và khi nào bạn ở trong ta? Con người ơi, mi đành chọn tư thế thiền định chỉ vì muốn luôn luôn gặp đúng người tri kỷ?

 

Thiếu vắng- giờ đây tôi biết, mình cần bổ sung thêm ý nghĩa gì vào từ ngữ quen thuộc này: đấy là một trạng thái khao khát sống.

 

Mọi giá cần phải sống, trả giá thế nào cũng được, miễn là sống. Trong không gian ấm áp này, trong cơ thể mềm mại uyển chuyển này. Để cảm thấy và nhận ra. Nhận ra sự phong phú của chính mình-của bạn, qua bạn, cùng với bạn, một sinh linh sống. Để làm gì cơ chứ? Để so sánh. So sánh sống và chết.

 

Tôi nghĩ rằng tôi đã trải qua những cảm nhận kinh nghiệm ít người biết: CÁI CHẾT là gì. Không phải tôi chết. Đời sống quý báu chính vì tôi không cần chết để biết chết là gì, mà vẫn biết cảm giác ĐÃ CHẾT. Biết từ người sống bên cạnh mình. Nếu một ngày, cái đầu của một người thân bạn đang ôm trong tay bỗng ngoẹo sang một bên, thả lỏng, đôi mắt trước đó vừa nhìn bạn khép lại, không bao giờ mở ra nữa, tất cả chỉ còn là bất động, lúc đó bạn sẽ biết cái chết là gì.

 

Là từ  sau cái ngày một người quen không bao giờ quay lại, mọi hình dung và cảm giác sống của bạn  không bao giờ như cũ nữa. Bạn sẽ không bao giờ BIẾT cười mà lòng dâng trào hạnh phúc như trước kia, bạn vẫn cười nhưng lòng bạn lặng thinh và thiếu vắng, không phải thiếu vắng một người nào đó mà thiếu vắng một cảm giác vô tư lự, chưa biết đến một cái gì đó.

 

Đúng thế, ôi cuộc sống, ta ĐÃ TỪNG chưa biết sống là gì, yêu là gì, đau khổ là gì chịu đựng là gì! Cũng như hôm nay-PHÚT NÀY- ta CHƯA biết tuổi già là gì, đau bệnh lão là gì, cho dù ta đã NẾM trước mùi vị vĩnh biệt của sự SỐNG dừng lại, mùi vị của CHẾT.

 

Thủy lên xe buýt và đi tiếp đến một quốc gia khác, tôi ở lại thành phố, mọi việc nơi này, trong cuộc sống hàng ngày của tôi sẽ lại tiếp tục như trước khi Thủy đến đây thăm tôi, tôi biết. Năm tháng đã giúp tôi nhận ra cảm giác của mình, đặt tên chính xác cho nó, và vì thế tôi không buồn, hẫng hụt như trước nữa. Đây có lẽ là phần thưởng duy nhất cho một kiếp sống người.

 

Chỉ có điều: dường như chữ đối với tôi không còn quá nhiều trọng lượng như trước nữa. Chữ vẫn là một công cụ giãi bày. Tôi không muốn giãi bày tiếp.

 

Tôi muốn đặt sự vật lên trước mặt mọi người như là nó: đây là màu trắng-nỗi lòng yên tĩnh của tôi. Đây là màu úa, màu của mùa thu-đã mang đi vài ba ngày vội vã của hai đứa con gái Hà nội ríu rít gặp nhau. Đây là màu ghi ngọc-màu của mấy buổi tối ngồi ăn bên nhau trên phố và kể lể tâm tình chuyện yêu đương da diết của nhau cho nhau. Còn đây là màu hổ phách vàng óng, Thủy mua một mặt đá thật lớn và đẹp rực rỡ để nhớ đến nhựa thông châu Âu. Còn đây nữa, màu xanh biếc êm ả của Danuyp, bên những đường viền vàng suộm sã, đỏ ối, nhợt nhạt xanh mờ, trộn nâu của những bụi cây um tùm đôi bờ, khi hai đứa đứng trên triền đê chỉ tay xa xa : Levintan.

Thượng đế ơi, làm sao để biết vẽ?  (.2011.09.30.)

 

( Budapest.2011.10.06)

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 2844
Ngày đăng: 21.10.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quán Văn ra mắt văn học nghệ thuật số 001 ngày 15-10-2011. - Nhiều Tác Giả
Hợp chất hữu cơ tạo nên Hiến pháp Mỹ - Lê Hải*
Một thoáng Việt Nam giữa lòng châu Âu - Lê Hải*
Lục bát Phạm Xuân Trường - Đặng Văn Sinh
Câu Chuyện Củ Những Cánh Lá - Hào Vũ
Cuộc Trải Nghiệm Của Hành Trình Cách Viết, Cách Đọc Mới. - Trần Hữu Dũng
Thưa Ông An Chi, Mày Ngài Là Hàng Nội! - Hà văn Thùy
Giới thiệu sách: Giải thích Ý thức - Lê Hải*
Đã đến lúc Việt Nam phải lựa chọn - Lê Ngọc Thống
Lễ hội tôn vinh thơ hay lễ hội diệt thơ? - Hoàng Xuân Hoạ
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)