Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.148.498
 
Mùa xuân Miến Điện
Phạm Nguyên Trường

Jim Della-Giacoma (Foreign Policy – Mĩ, 13/10/2011) – Phạm Nguyên Trường dịch

Nguồn: The Burma Spring

 

Đây là những ngày sôi động cho những ai đã từng mỏi mòn chờ đợi những đổi thay ở Miến Điện. Chính phủ, được thành lập trên cơ sở một cuộc bầu cử vờ vịt, trong đó nhóm quân sự nắm quyền cởi bỏ quân phục và khoác lên mình bộ đồ dân sự đã đưa ra chương trình cải cách đầy tham vọng và có vẻ như họ sẽ kiên trì theo đuổi nó. Sau 20 năm vắng bóng quốc hội và các tiến trình dân chủ, những nhà lãnh đạo mới của đất nước này đang chứng tỏ rằng họ không thể chấp nhận tình trạng hiện thời và đang thay đổi đường lối cai trị một cách nhanh chóng đến mức có thể làm người ta ngạc nhiên. Các chính khách phương Tây nên ngồi lại và để tâm đến những sự thay đổi này – và quan trọng nhất là: đáp ứng.


Quyết định rõ ràng của chính phủ mới trong tuần này về thái độ của họ đối với các tù nhân lương tâm ở Miến Điện là một tín hiệu quan trọng về những cố gắng của họ nhằm tiến hành hòa giải nội bộ trong cái đất nước vốn bị chia rẽ này. Ngày 12 tháng 10, họ đã phóng thích hơn 6.359 tù nhân, như là một phần của lệnh đại xá, lần đầu tiên được nhắc tới trong một đề nghị có tính lịch sử của quốc hội, thúc giục tổng thống xem xét một lệnh đại xá như thế. Trong khi chưa xác định được chính xác con số tù nhân vừa được phóng thích thì Tổ chức ân xá quốc tế (Amnesty International) nói rằng chính phủ đã phóng thích ít nhất là 120 trong tổng số 2.000 chính trị phạm.


Mặc dù số liệu chính xác có thể gây tranh cãi, nhưng chất lượng cũng có ý nghĩa chẳng kém gì số lượng. Mặc dù không nổi tiếng bằng bà Aung San Suu Kyi – giải thưởng Nobel hòa bình – nhưng một số người bất đồng nổi bật, thí dụ như Ashin Gambira, thành viên Liên đoàn sư sãi toàn Miến, người lãnh đạo những vụ phản đối hồi năm 2007; Zarganar, diễn viên hài và là nhà hoạt động xã hội, người đã lên tiếng phê phán chính phủ trong việc khắc phục hậu quả cơn bão Nargis; và nhân vật người thiểu số nổi bật tên là Hso Ten, từng cầm đầu đạo quân miền Bắc của Quân đội quốc gia Shan, cũng nằm trong số những người được phóng thích lần này.

 

Sự kiện là việc phóng thích tù nhân được thực hiện thông qua những định chế mới là tổng thống, quốc hội và hội đồng nhân quyền non trẻ tạo cho nó cơ sở pháp lí vô tiền khoáng hậu, làm cho nó khó có thể đảo ngược được. Cả những nhóm quân nhân cũng ủng hộ thông qua nghị quyết ân xá của quốc hội. Điều đó chứng tỏ rằng lực lượng vũ trang công khai ủng hộ bước đi đó, đấy là hiện tượng chưa từng xảy ra trước đây. Những người đối lập Miến Điện tin rằng đây chỉ là giai đoạn đầu trong cả quá trình phóng thích tù nhân nhiều giai đoạn, có khả năng là tuần sau sẽ có hai nhóm nữa được phóng thích.


Phóng thích tù nhân không thể được coi là hiện tượng đơn độc. Trong mấy tháng gần đây tổng thống Thein Sein đã tiếp xúc với những người chỉ trích nổi bật, trong đó có bà Aung San Suu Kyi. Ông cũng tiến hành đàm phán với các nhóm dân tộc thiểu số có vũ trang, kí kết thỏa ước hòa bình tạm thời với người Wa và người Mongla; tương tự như các nhóm khác, hai nhóm này đã từng chiến đấu suốt 60 năm qua. Việc kiểm soát quyền tự do ngôn luận và quyền thành lập tổ chức đã được nới lỏng. Miến Điện đang nhắm đến chiếc ghế chủ tịch ASEAN vào năm 2014. Điều đó đòi hỏi những bước đi quyết liệt hơn nữa nhằm thay đổi quan niệm cũ và hội nhập sâu hơn nữa với các nước láng giềng.


Một số người chỉ trích nghi ngờ vào sự thành tâm của chính phủ. Nhưng kể từ khi Nhóm khủng hoảng quốc tế (International Crisis Group) đưa ra báo cáo Miến  Điện: Cuộc cải cách lớn đang được thực hiện (Myanmar: Major Reform Underway) vào ngày 29 tháng 9, báo trước những thay đổi còn lớn hơn về chính trị, kinh tế và quyền con người thì những hành động mang tính tích cực tiếp liền sau đó đã vượt qua mọi kì vọng của chúng ta. Trong đó có quyết định tạm hoãn xây đập thủy điện Myitsone – đầy tranh cãi - do Trung Quốc tài trợ - nếu được xây dựng, đạp nước này sẽ nhấn chìm vùng đất của người Kachin và tạo ra một thảm họa về môi trường đối với những người sống dưới hạ lưu sông Irrawaddy. Tất cả những động thái như thế phải được xem xét trong bối cảnh dường như đất nước này đã quyết định bước ra khỏi tình trạng cô lập kéo dài đã hàng thập kỉ qua.


Nhiều du khách gần đây cũng nhận thấy tình trạng tương tự, chiếu khán được cấp một cách dễ dàng hơn rất nhiều, thậm chí ngay cả các phương tiện truyền thông đại chúng từng phải lưu vong cũng được cấp chiếu khán. “Khi đi ra tôi cứ nghĩ rằng họ đang chuyển động quá nhanh. Tôi không bao giờ nghĩ là có thể nói như thế về Miến Điện”, thứ trưởng ngoại giao Na Uy, Espen Barth Eide, sau khi tới thăm Miến Điện trong tuần này, đã nói với tờ Financial Times như thế. Ông thông báo về việc bỏ lệnh cấm các websites, và tuyên bố của người đứng đầu cơ quan kiểm duyệt rằng tất cả những hình thức kiểm duyệt đều sẽ bị xem xét lại, các buổi thảo luận tại quốc hội sẽ được truyền hình trực tiếp, công tác tuyên truyền cũng sẽ hạ giọng và những lời tuyên bố có tính chất xây dựng của bà Aung San Suu Kyi sau khi bà gặp tổng thống vào ngày 19 tháng 8 vừa qua.


Đây là những thay đổi thực sự chứ không phải lời nói suông. Và những thay đổi này có thể tạo ra ảnh hưởng đối với hoạt động chính trị ở trong nước, tạo ra môi trường rộng mở hơn và động lực lớn hơn cho những thay đổi tiếp theo. Nhưng đây chỉ là bước đầu trên con đường dài trước mặt và không có gì bản đảm là cải cách sẽ thành công. Có rất nhiều thách thức cần phải giải quyết, trong đó có nhiệm vụ khó khăn là khắc phục sự chia rẽ sâu sắc giữa các sắc tộc và di sản của hàng chục năm xung đột vũ trang, chế ngự sự tàn bạo của lực lượng vũ trang, phóng thích tất cả chính trị phạm, khôi phục hoàn toàn những quyền tự do dân sự căn bản và thực sự cho phép các phương tiện  truyển thông đại chúng tự do hoạt động.


Nhưng cuối cùng thì ta vẫn có lí do để lạc quan. Thông điệp từ việc phóng thích tù nhân là tiêu chuẩn cơ bản mà nhiều người ở phương Tây đòi hỏi đã được thực hiện rồi. Những người hoài nghi trong cộng đồng quốc tế phải thừa nhận và ủng hộ sự thay đổi chính sách đầy kịch tính như thế bằng cách cho phép các định chế như Quĩ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới cung cấp cho nước này nhiều lời chỉ dẫn hơn nữa và tìm ra những cách thức tương tác mới, trực tiếp với chính phủ, quốc hội và ủy ban quyền con người vừa mới hình thành. Ghi nhận những thay đổi tích cực nhưng lại chờ đợi cho đến khi có những thay đổi tiếp theo rồi mới đối thoại sẽ là sai lầm.

Phóng thích tù nhân là một bước tiến thực sự và phải tạo ra sự đáp ứng tích cực của phương Tây – để cho chính phủ Miến Điện thấy rằng phương Tây có thái độ nghiêm túc đối với sự tham gia của mình. Trước hết, những rào cản về viện trợ và hướng dẫn phải được rỡ bỏ. Không làm được như thế hay chuyển mục tiêu bằng cách đưa ra những đòi hỏi mới thay cho những đòi hỏi cũ có thể làm mất niềm tin vào các chính sách đó và làm giảm bớt ảnh hưởng vốn đã yếu của phương Tây đối với đất nước này. Đây là lúc cần phải giúp các nhà cải cách Miến Điện chứ không phải là lúc đưa thêm cho họ những bài giảng mới.

 

Phạm Nguyên Trường
Số lần đọc: 1728
Ngày đăng: 21.10.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trung Quốc: Bá quyền về sông nước - Phạm Nguyên Trường
Bài phát biểu của tổng thống Barack Obama nhân dịp năm học mới (2009-2010) /năm học mới (2010-2011) /năm học mới (2011-2012) - Phạm Nguyên Trường
Báo Sankei phỏng vấn ông trùm băng Yamaguchi - Nguyễn Quốc Vương
Vụ giết hại nhà báo Nga một cách hung bạo: Những tình tiết mới nổi lên trong vụ giết nhà báo Politkovskaya - Hiếu Tân
Gặp ông Mao mới - Hiếu Tân
10 con kỳ lân hàng đầu trong chính sách Trung Hoa. - Hiếu Tân
Trung hoa vẫn còn phải học nhiều từ Nhật Bản - Hiếu Tân
Tốt cho Putin, Xấu cho nước Nga - Hiếu Tân
Cuộc trở lại của những người Islamists - Hiếu Tân
Báo chí phương Tây bình luận về việc Putin tranh cử tổng thống: Putin hạ lệnh bầu Putin - Phạm Nguyên Trường
Cùng một tác giả
Một vụ ám sát hụt (truyện ngắn)
Thiên tài (truyện ngắn)
Người (truyện ngắn)
Chết treo (truyện ngắn)
Bắc Phi, tiếp sau là gì? (nhìn ra thế giới)
Vì sao Gaddafi phải ra đi? (nhìn ra thế giới)
Bàn về chủ quyền quốc gia (nhìn ra thế giới)
Tầng lớp trí thức là gì? (nhìn ra thế giới)
Giờ hoàng đạo của NATO (nhìn ra thế giới)
Mùa xuân Miến Điện (nhìn ra thế giới)