NVTPHCM- “Ông Thuỳ khẳng định “mày ngài là hàng nội”. Nhưng dù nó có là hàng nội hay đồ ngoại thì người phản bác cũng phải là người có kiến thức chuyên môn đầy đủ và chắc chắn liên quan đến vấn đề thì mới đủ tư cách để bàn bạc. Đằng này… Người ta nói ba anh thợ giày bằng một ông Gia Cát còn ông Thuỳ, không biết bằng được một anh thợ giày hay chưa nhưng lại đóng quá nhiều giày.”
Chúng tôi hân hạnh được biết ông Hà Văn Thuỳ, người tự xưng là nhà sinh học bỏ nghề, đã quan tâm đến câu cuối cùng trong bài “Lời phúc đáp muộn màng kính gửi GS Nguyễn Huệ Chi” của chúng tôi, đăng trên tờ Đương Thời 34 (tháng 8.2011). Câu đó là: “Ta chỉ cần biết rằng đây là trường hợp Nguyễn Du sao phỏng từ danh ngữ nga mi của tiếng Hán, mà trong thứ tiếng này thì đây là một cách diễn đạt nhằm nói lên vẻ đẹp của đôi lông mày. Nói cho rạch ròi ra, mày ngài chỉ là một lối nói ngoại nhập, ngẫu nhiên trùng về hình thức với các cấu trúc như bụng cóc, lưng tôm, mắt ếch, v.v., đã được Cao Xuân Hạo phân tích mà thôi.” Kết luận này làm cho ông Hà Văn Thuỳ không hài lòng nên ông đã có một bài lên lớp cho chúng tôi nhan đề “Thưa ông An Chi, mày ngài là hàng nội”, đăng trên Vanchuongviet.org ngày 14.9.2011.
Xin phân trần một chuyện trước khi trả lời ông Hà Văn Thuỳ. Cuối tháng 5.2006, ông Thuỳ có công bố bài “Lịch sử bị nhìn lộn ngược: Đôi điều thưa lại cùng Giáo sư Nguyễn Huệ Chi”. Cái lối nói “lộn đít lên đầu” trong bài của ông Thuỳ đã làm cho vị Giáo sư nhã nhặn bị sốc. Giáo sư có hỏi chúng tôi qua điện thoại để biết Hà Văn Thuỳ là ai thì chúng tôi đã trả lời rằng nghe đâu là người gốc Thái Bình, có làm việc tại Hội Văn nghệ Kiên Giang. Chúng tôi trao đổi vài ý kiến ngắn với nhau, rồi trước sự lưỡng lự của GS Huệ Chi, chúng tôi có gợi ý rằng đối với loại bài và giọng văn như thế thì không thèm trả lời là thượng sách. GS Huệ Chi đã im lặng, tự tại còn bây giờ thì, vì những lý do tế nhị, chúng tôi lại thực hiện hạ sách nên phải xin lỗi GS Nguyễn Huệ Chi.
Ông Thuỳ khẳng định “mày ngài là hàng nội”. Nhưng dù nó có là hàng nội hay đồ ngoại thì người phản bác cũng phải là người có kiến thức chuyên môn đầy đủ và chắc chắn liên quan đến vấn đề thì mới đủ tư cách để bàn bạc. Đằng này… Người ta nói ba anh thợ giày bằng một ông Gia Cát còn ông Thuỳ, không biết bằng được một anh thợ giày hay chưa nhưng lại đóng quá nhiều giày. Ông khệnh khạng khoe:
“Với hơn trăm bài viết và ba cuốn sách: Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt (2007), Hành trình tìm lại cội nguồn (2008) vả Tìm cội nguồn qua di truyền học (2011), tôi đã phục dựng lâu đài nguy nga, kỳ vĩ của cội nguồn cùng văn hóa Việt suốt trong 70000 năm qua, bị vùi lấp, chiếm đoạt và đánh tráo. Trong đó, tôi đưa ra ý tưởng quan trọng: Tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa.”
Rồi ông phàn nàn:
“Tôi rất mong các vị thức giả trong, ngoài nước có ý kiến phê bình để có dịp học hỏi thêm. Tôi cũng gửi thư tới các vị Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học và Viện Nghiên cứu Hán Nôm thưa rằng, xin các vị xem xét, nếu điều tôi nói là đúng thì các vị ủng hộ và công bố rộng rãi cho dân bớt u mê theo những dẫn dắt lầm lạc lúc trước, còn nếu tôi sai, cũng xin được phê bình rồi để dân bớt ngộ nhận, hoang mang. Nhưng rất tiếc là thư của tôi rơi vào khoảng không im lặng!”
Những tưởng ông Thuỳ thông minh, không ngờ ông không đủ tư duy tối giản để hiểu rằng ai thừa thì giờ mà đọc những thứ ấy của ông vì nó đâu có phải là khoa học. Nhưng ông thì tự tin một cách lố bịch nên còn viết:
“Tôi cũng thưa với Giáo sư đáng kính (Nguyễn Huệ Chi – AC) là khi ông cho rằng nghề tằm tơ từTrung Hoa nhập vào Việt Nam là đã nhìn lịch sử lộn ngược! Có lẽ lúc đầu quá bất ngờ với những lời nghịch nhĩ ấy, nhưng chắc bây giờ Giáo sư sẽ tin sau khi đọc chuyên luận “Tiếng Việt chủ thể tạo nên ngôn ngữ Hán” trong cuốn Hành trình tìm lại cội nguồn, tôi gửi tặng.”
Ông Thuỳ cứ sảng khoái một cách khù khờ mà ngỡ như thế chứ lúc 15 giờ 30 ngày 15.9.2011, chúng tôi đã gọi điện thoại cho GS Nguyễn Huệ Chi để hỏi ý kiến của ông về quyển sách ông Thuỳ gửi tặng thì Giáo sư cười khà khà mà nói rằng mình chưa đọc và cũng chẳng nhớ đã để nó ở đâu.
Người làm ngữ học nghiêm túc ai mà chấp nhận được cái kiểu lập luận như của ông Thuỳ:
“Bàn cổ (盘古– bù quỏ) chẳng phải là ông Bàn Cổ nào hết mà chỉ là quả bầu tiếng Việt bị đọc trại đi. Chẳng hề có thôn Trữ La nào cả mà cái làng quê cùa Tây Thi chỉ là thôn Trái, thôn Tả bị đọc trại. Phục Hy (Pù Hí) là quả bí. Phải chăng Phục Hy vốn là người Việt có tên Bí? Càn Khôn 乾坤 nguyên là “cành khoanh” tiếng Việt với ký hiệu cành 一(dương), khoanh O (âm). Ngày nay người Triều Châu, Quảng Đông vẫn nói cành, khoanh…
Chữ bôn trong sách Thuyết văn giải tự:
譒也。从言番聲。《商書》曰: “王譒告之.” 補過切 Boa dã. Tùng ngôn bàn thanh. (Thương thư) viết: “Vương bôn cáo chi”. Bổ qua thiết, là “Bổ-ua = bua”.
Bua là phiên âm do người đời sau soạn lại. Nguyên văn của “Thuyết văn” là “ngôn-bàn thanh 言番聲” = Bôn.
Ngày nay người Triều Châu vẫn gọi bàn chân là kha-bóa (Kha là kẳng/cẳng, Boa là bôn/bàn, bàn tay, bàn chân).”
Trở lên là một mẩu lập luận của ông Hà Văn Thuỳ mà chúng tôi trích nêu để bạn đọc thấy được tại sao các vị Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học và Viện Nghiên cứu Hán Nôm (hoặc cán bộ, chuyên gia của họ) không chịu mất công đọc những thứ đó. Họ mà chịu nghe theo lời ông để “ủng hộ và công bố rộng rãi cho dân bớt u mê theo những dẫn dắt lầm lạc lúc trước” thì chính họ sẽ bị những người không u mê cười chê. Họ đâu có dại, mà cũng chẳng rảnh việc. Ông Thuỳ đã làm chuyện giả tưởng chứ đâu có phải làm khoa học. Toàn bộ những gì ông viết thì cũng cùng một “model” với những gì chúng tôi đã dẫn, nên chỉ thích hợp với kiểu “bốc” của ông đồng bà cốt mà thôi.
Ông định dạy đời và dạy các nhà ngữ học mà lại dạy sai cả đến những điều sơ đẳng khi ông viết: “Người Mãn Thanh cai trị Trung Quốc đã cải biến theo cách đọc của người Mãn thành tiếng Bắc Kinh ngày nay. Người phương Tây gọi là Mandarin do xuất xứ từ chữ Man-da (Mãn đại).”
Nhưng mandarin đâu có phải “do xuất xứ từ chữ Man-da (Mãn đại)”. Mandarin là quan còn Mandarin (language) là tiếng Quan thoại. Tiếng Quan thoại là tiếng lấy phong cách nói của quan lại ở triều đình làm chuẩn, bây giờ là tiếng Bắc Kinh, được lấy làm tiếng phổ thông cho toàn Trung Quốc. Chính vì vậy nên trong The Chinese Language Today (Hutchinson University Library, London, 1968, p.20), Paul Kratochvil mới viết “guānhuà ‘officials language’, also known as Mandarin.” (Quan thoại (ngôn ngữ [của] quan lại), cũng gọi là Mandarin.”
Cái phần kiến thức tối thiểu về ngôn ngữ của ông Thuỳ đã lệt bệt mà cái phần ông đi vào quan hệ cá nhân của người khác, nhất là với người quá cố thì lại càng lèm nhèm hơn. Ông viết:
“Có lần Giáo sư Cao Xuân Hạo kể: “Ông Vượng (Trần Quốc) nói với tôi rằng, biết Huệ Thiên nói bậy mà không có cách nào phản bác ông ta được!” Đúng là ở thế kỷ trước, khi mà chủ nghĩa Hoa tâm thống trị, hiểu biết về cội nguồn và văn hóa dân tộc còn mù mờ, việc bài bác ông An Chi là điều bất khả.”
Ông Hạo và ông Vượng, cả hai vị đều đã quá cố còn lời kể của ông Thuỳ thì lại không trung thực. Cứ theo lời kể thì hiển nhiên là ông Hạo hoàn toàn tán thành lời nhận xét của ông Vượng. Hoàn toàn không đúng sự thật. Chắc ông Thuỳ không biết mối quan hệ giữa ông Hạo với ông Huệ Thiên mật thiết và sâu sắc đến mức nào. Chứ nếu biết, thì ông phải biết xấu hổ vì đã lợi dụng uy tín lớn lao của ông Hạo để hạ uy tín của ông Huệ Thiên, người gọi ông Hạo bằng Cậu.
Ông lại còn dùng cả cái ngón hèn hạ nhất là quy kết về chính trị – dù cho ông có trau chuốt và nguỵ trang đến mấy thì vẫn là cứ là quy kết – cá nhân người mà ông phản biện khi ông viết:
“Vì sao ông An Chi cố trì bám kiến thức không chỉ sai lầm mà còn xúc phạm dân tộc như vậy? Không nghĩ ông là “tay sai” hay “ăn phải bả” của ai nhưng quả tình tôi không hiểu nổi, vì lẽ gì mà ông nhiệt thành bênh thiên triều đến thế?!” Rồi ông Thuỳ khuyên: “Mong ông An Chi sớm nhận ra điều này để khi nhắm mắt xuôi tay khỏi phải ân hận!”
Ông An Chi xin thưa với ông Hà Văn Thuỳ rằng ông ta sẽ ôm cái nghĩa của hai chữ mày ngài xuống tuyền đài mà không để nó tan đi cho dù quỷ sứ có quẳng ông ta vào vạc dầu chảo lửa. Dù chúng có cho ăn cháo lú thì An Chi cũng quyết nhớ lấy một điều: Mày ngài chỉ là một lối nói ngoại nhập. Còn nếu ông Thuỳ muốn biết thái độ và lập trường của ông An Chi đối với “thiên triều” như thế nào thì đây: Trên Năng Lượng Mới số 28, mới đây thôi, ngày 16.6.2011, trong bài “Tàu và thâm như Tàu”, ông ta đã viết:
“Ấy khi cần thâm thì rất hiểm nhưng khi cần ra mặt tác oai tác quái thì vô cùng trắng trợn, như trong chuyện đường lưỡi bò và mới nhất là chuyện tàu Hải giám của chúng cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 ngay trong lãnh hải Việt Nam. Trong các cuộc hội nghị thì chúng lên giọng quân tử nhưng trong thực tế thì chúng hành xử đâu có khác gì bọn cướp biển Somalia (Trên báo, câu này đã bị người biên tập lược bỏ). Người Việt Nam có lạ gì cái kiểu quân tử Tàu. Quân tử Tàu chỉ là nguỵ quân tử mà thôi!”
Còn trên tờ Đương Thời số 26-27 Xuân Tân Mão (1.2011), nói về Đặng Tiểu Bình, ông ta đã viết:
“Đặng chẳng đã chủ trương “dạy cho Việt Nam một bài học” hồi 1979 là gì? Và vờn chuột sinh viên bằng “thản khắc” (xe tăng) cũng là chủ trương của mèo nhà họ Đặng đấy. Cái ý “mèo bắt chuột” của Đặng là một ẩn dụ đầy mưu mẹo, mánh mung. Cho nên, đối với ta thì, bất kể đen hay trắng, hễ đối thủ/đối tác là mèo thì ta phải luôn luôn cảnh giác.”
Đấy, ông An Chi đã “làm tay sai” và “ăn phải bả” của bọn Tàu như thế đấy, ông Thuỳ! Trong giới học thuật Việt Nam, có một cái thói xỏ lá và hèn mạt là hễ làm khoa học mà thua kém người khác thì sinh ra ganh tị rồi quy kết chính trị để làm hại người ta về uy tín và sinh mệnh chính trị. Trước đây, trên Thế Giới Mới số 470 (7.1.2002), ông An Chi cũng từng bị ông Bùi Thiết xài cái mánh của ông Hà Văn Thuỳ mà quy kết ông ta đã “cho quả bóng Việt vào lưới Hán” vì “Hán hoá rất nhiều từ thuần Việt”. Của đáng tội, và nói hơi cường điệu một chút, nếu 100% từ vựng của tiếng Việt đều gốc Hán thì cũng không ảnh hưởng gì đến thể chất và sức khoẻ của nó cả. Tiếng Pháp hiện đại là một ngôn ngữ Roman (anh chị em với tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Rumani) chứ đâu có còn là tiếng Gaulois mà tổ tiên họ đã nói, vì thứ tiếng này đã bị thứ tiếng kia thay thế… 100%. Các ông sẽ nói rằng thế thì về tinh thần dân tộc, họ thua xa chúng ta còn tinh thần quật khởi của họ thì… thấp như ngọn cỏ. Vâng, thì cứ cho là thế. Nhưng, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) năm 2008 thì tổng sản phẩm quốc nội theo đầu người của họ (tính bằng USD) là 29.316 (đứng thứ 20/179) còn của ta là… 3.025 (đứng thứ 123/179). Về kinh tế thì như thế còn về văn học, mà phương tiện diễn đạt là ngôn ngữ, thì họ có nào là – chỉ kể riêng những tên tuổi lớn của thế kỷ XIX – : Balzac (Honoré de), Baudelaire (Charles), Chateaubriand (François-René), Daudet (Alphonse), Dumas (Alexandre), Dumas (Alexandre Fils), Flaubert (Gustave), Gautier (Theophile), Hugo (Victor), Lamartine (Alphonse de), Loti (Pierre), Maupassant (Guy de), Musset (Alfred de), Rimbaud (Arthur), Stendhal, Verlaine (Paul), Vigny (Alfred de), Zola (Emile), v.v., đủ (hay là thừa?) để xếp hàng dọc bên cạnh hàng dọc những Bùi Hữu Nghĩa, Cao Bá Nhạ, Cao Bá Quát, Lê Ngô Cát, Lý Văn Phức, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đình Chiểu, Phạm Đình Toái, Phạm Thái, v.v., của ta. Ấy là vì sợ ông Thuỳ phán mình “làm tay sai” và “ăn phải bả” của thực dân Pháp nên chúng tôi còn chưa dám nói thẳng ra là của nó còn phong phú hơn của ta nhiều nhiều lắm!
Vậy xin ông chớ đem chuyện “làm tay sai” và “ăn phải bả” ra đây mà hù doạ người khác trong khi chính mình thì chẳng có nguyên tắc và phương pháp gì hết. Đây, với GS Nguyễn Huệ Chi, ông Thuỳ đã viết một cách kênh kiệu và tự hào:
“Trong bài “Lịch sử bị nhìn lộn ngược…”, tôi viết đại ý rằng: Nguyễn Du muợn chữ mày ngài không phải từ Tam Quốc chí mà từ ca dao, tục ngữ của bà nội, hậu duệ những người trồng dâu chăn tằm vạn năm trước, từng mang rìu đá rồi giống kê, giống lúa, giống gà giống chó cùng nghề tằm tơ lên xây dựng kinh tế nông nghiệp trên đất Việt cổ mà bây giờ là Trung Hoa. Chính những người nông dân Việt này đã sáng tạo ra chữ mày ngài rồi đưa lên phía bắc.”
Ở đây, trước nhất là ông Thuỳ đã không phân biệt đươc Tam Quốc chí với Tam Quốc diễn nghĩa. Vậy xin chép Wikipedia (văn bản cho đến chiều ngày 17.9.2011) cho ông được biết:
“Tam Quốc chí là một sử liệu chính thức và có căn cứ về thời đại Tam Quốc của Trung Quốc từ năm 189 đến năm 280, do Trần Thọ 陈寿 biên soạn vào thế kỉ thứ III. Tác phẩm này hình thành từ các mẩu chuyện nhỏ kể về các nước Ngụy, Thục và Ngô của thời đại này, đồng thời là nền tảng cho cuốn tiểu thuyết lịch sử rất phổ biến là Tam quốc diễn nghĩa được viết vào thế kỷ XIV.”
Hai tác phẩm ra đời cách nhau đến 11 thế kỷ; GS Nguyễn Huệ Chi có bao giờ nói đến Tam Quốc chí. Nhưng quan trọng và tế nhị hơn là chuyện ông Thuỳ đã chơi trò trộn hai lĩnh vực khác nhau làm một theo kiểu “2 in 1”, “3 in 1” của dầu gội đầu – mà dĩ nhiên là ông không hề hay biết. Thì cứ cho rằng hai chữ mày ngài của ông là do những người nông dân Việt đưa lên phía Bắc. Cứ cho là như thế, nhưng đây chỉ là câu chuyện từ nguyên xa vời vợi của ông còn giữa GS Nguyễn Huệ Chi với chúng tôi thì lại là câu chuyên văn chương thời nay. Vì thế cho nên chúng tôi mới đặt hai tiếng mày ngài của ông Thuỳ vào cái cấu trúc chặt chẻ của Truyện Kiều đề mổ xẻ. Mà trong điều kiện này thì nó là của “thiên triều” đấy, ông ạ! Vâng, của Thanh Tâm Tài Nhân vì nó đã là lời nói (parole) uyển chuyển chứ không còn là ngôn ngữ (langue) trong cái khung từ vựng cứng đờ, cứng đơ của nó nữa. Ở đây, mày ngài là một thành tố cú pháp-ngữ nghĩa của câu Kiều thứ 2167:
Râu hùm, hàm én, mày ngài
trong đó có cả “tồng pào” của nó là râu hùm, hàm én, mà chẳng có bà nội bà ngoại (“hậu duệ của những người trồng dâu”) nào biết là cái gì đâu. Vì nó được made in China, ông ạ! Nói vuốt râu hùm thì các cụ bà hiểu liền – vì tuy cũng ngoại nhập ( ← loát hổ tu 捋虎鬚) nhưng đây lại là một ngữ vị từ cố định thông dụng trong tiếng Việt – chứ hỏi các cụ râu hùm oai phong lẫm liệt ở chỗ nào thì các cụ phải chịu thua và trả lời rằng mình chỉ biết có râu của các cụ ông mà thôi! Tại sao? Vì nó là sản phẩm ngoại nhập, chỉ được dùng trong Truyện Kiều, mà ngay cả các nhà nghiên cứu cũng chẳng giảng được nó oai phong lẫm liệt ra làm sao. Còn chúng tôi thì đã viết như sau (tuy có lẽ ông đã đọc rồi nhưng vẫn mạn phép chép lại để bạn đọc khác tham khảo) trên Đương Thời 34 (8.2011):
“Ngay trong cùng một câu Kiều với mày ngài thì râu hùm và hàm én cũng đều chỉ là những hình thức sao phỏng mà thôi. Tài kể chuyện và kỹ xảo dùng từ của Nguyễn Du đã buộc nhiều người phải suy nghĩ nát óc xem râu hùm, chẳng hạn, thì oai ở chỗ nào… mà hình như vẫn không thấy ai giảng cho ra lẽ. Cứ nói cho khách quan thì chẳng qua nó cũng cùng một “mẫu mã” với râu mèo mà thôi. Chẳng qua nó “ăn theo” cái diện mạo tổng quát của con hổ, với cặp mắt có tác dụng thôi miên (hổ thị đam đam), cái mõm với bốn cái răng nanh to chắc và sắc nhọn, cái đầu với ba màu lông đen, trắng và da bò tạo thành những hoa văn gần như những vòng tròn đồng tâm, cộng với đám lông nhung trắng xù ra chung quanh làm cho vẻ mặt càng thêm dữ dằn, v. v.. Chứ riêng râu của nó thì …”
…Thì chẳng ai biết nó oai phong lẫm liệt ra làm sao!
Ông Thuỳ lúc nào cũng cao ngạo, kênh kiệu mà không biết mình hầu như luôn luôn sai ở những chuyện đơn giản, sơ đẳng. Đây, ông đã kết luận:
“Thực tế cho thấy những cuốn từ điển tiếng Hoa vĩ đại nhất cũng chỉ là bã, là biến thái của tiếng Việt từ vạn năm trước! Công việc bây giờ là đem ngôn ngữ của dân gian Triều Châu, Quảng Đông, Vân Nam, Đài Loan, Việt Nam… đối chiếu với những cuốn từ điển Việt cổ xưa nhất là giáp cốt văn, kim văn, Thuyết văn giải tự, tìm lại tiếng Việt cội nguồn để làm ra cuốn Bách Việt đại từ điển.”
Ở đây thì chính ông Thuỳ đã “lộn đít lên đầu” khi khẳng định rằng giáp cốt văn, kim văn, Thuyết văn giải tự là “những cuốn từ điển Việt cổ xưa nhất”. Chẳng cần “xét nghiệm AND” của ngôn ngữ thì ai ai có kiến thức về ngữ học nói chung và về Hán Nôm nói riêng cũng biết rằng đây là chữ Tàu và sách Tàu. Cứ tạm chấp nhận một điều cực kỳ phi lý là tiếng Hán thoát thai từ tiếng Việt thì đến thời giáp cốt văn, kim văn và Thuyết văn giải tự, nó đã là Tàu. Còn cái ý định về Bách Việt đại từ điển của ông Hà Văn Thuỳ thì lại làm chúng tôi nhớ đến lời ông Cao Xuân Hạo nói về chứng vĩ cuồng, nên xin chép đôi dòng tặng ông thay lời kết luận:
“Ở nước ta có một vài nhà khoa học hình như (AC nhấn mạnh) rất giỏi trong lĩnh vực của mình, nhưng từ đó lại tưởng rằng mình có thể phán truyền chân lý trong những lĩnh vực mà mình chưa từng được học giờ nào, và từ đó cho ra hết nhận định này đến nhận định khác cho thấy những lỗ hổng khổng lồ mà bất kỳ ai có chút học thức chuyên ngành cũng phải lấy làm xấu hổ. Thái độ này có thể thấy rõ hơn cả đối với những ngành mà có người cho là không cần học cũng biết, đặc biệt là ngôn ngữ học và văn học.” (Tiếng Việt, văn Việt, người Việt, in lần thứ 3, Nxb Trẻ, 2003, tr.360-61).
Chúng tôi chỉ tiếc là chưa biết được trong lĩnh vực chính thức của mình thì nhà sinh học bỏ nghề đã giỏi đến đâu. Chứ về ngữ văn thì chắc chắn ông là một phần ba ông Gia Cát.
Theo Đương Thời số 36/2011
http://nhavantphcm.com.vn/doc-duong-van-hoc/an-chi-voi-mot-phan-ba-ong-gia-cat.html