Raffaello Pantucc và Alexandros Petersen (The New York Times, 17/10/2011) – Phạm Nguyên Trường dịch
Nguồn: Russia's Eastern Anxieties
Raffaello Pantucci là giáo sư thỉnh giảng tại Viện hàn lâm khoa học xã hội Thượng Hải. Alexandros Petersen là cố vấn tại Woodrow Wilson International Center for Scholars in
Washington.
Bắc kinh – Tình hình giao thông xung quanh quảng trường Thiên An Môn trong tuần qua – khi tổng thống Vladimir Putin tới thành phố này nhằm củng cố mối quan hệ dường như đang đơm hoa kết trái giữa hai nước Nga Hoa - còn tệ hại hơn mọi khi. Hàng loạt thỏa thuận giữa các công ty quốc doanh hai nước đã được kí kết, còn Trung Quốc thì tuyên bố về đóng góp quan trọng vào một quĩ đầu tư trực tiếp mới được thành lập ở Nga.
Trong bầu không khí thân mật như thế người ta vẫn cảm mối lo ngấm ngầm của Nga về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với khu vực Liên Xô cũ và đặc biệt là ở vùng Trung Á.
Ngay trước chuyến thăm tới Bắc Kinh, Putin đã tuyên bố ý định thành lập một Liên minh Á-Âu mới, liên mình này sẽ gắn kết một số nước thuộc Liên Xô cũ vào quĩ đạo của Nga. Ở Brussels người ta liền vò đầu bứt tai. Trong giai đoạn suy yếu của khối E.U. như hiện nay, Liên minh Á-Âu được coi là đối trọng với các định chế của phương Tây.
Lo lắng như thế nói chung là không có cơ sở . Trong khi tổ chức mới này rõ ràng là một cố gắng của Nga nhằm tái khẳng định uy quyền đối với những lãnh địa cũ, trên thực tế nó nhằm vào phía Đông chứ không phải phía Tây. Nga lo lắng về ảnh hưởng đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại sân sau của họ hơn bất kì hành động nào của phương Tây.
Mối lo lớn nhất của Nga là sự phát triển, tuy chậm nhưng liên tục, của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (S.C.O.), khởi kì thủy được dựng lên trong giai đoạn hậu chiến tranh lạnh nhằm xác định đường biên giới giữa năm thành viên của nó: Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan (sau này có thêm Uzbekistan nữa).
Nhưng trong 10 năm gần đây S.C.O. đã trở thành một thí dụ thú vị nhất và cũng có thể là thí dụ quan trọng nhất của nền ngoại giao Trung Quốc. Có lần một học giả Trung Quốc đã nói với chúng tôi ở Bắc Kinh rằng tổ chức này đã không còn tập trung vào vấn đề an ninh khu vực nữa mà chuyển sang sự phát triển của khu vực – rất phù hợp với quyền lợi của Trung Quốc cũng như các nước Trung Á.
Trong khi về danh nghĩa Nga là một thành viên bình đẳng, nhưng nước này lại cảm thấy như một đàn em trong S.C.O. Có thời từng là một trong hai cực của thế giới, hiện Nga đang được coi là nằm trong số những nước đang phát triển – không phải là tồi, nhưng rõ ràng là đã thụt lùi so với vị trí trước đây trong những vấn đề quốc tế.
Moskva cố gắng đương đầu với vấn đề đó bằng cách giữ những mối liên hệ và uy quyền với các nước cộng hòa Xô Viết cũ. Những nước cộng hòa Xô Viết cũ ở châu Âu đã hợp nhất vào E.U, nhưng các nước ở khu vực Á-Âu vẫn nằm trong vùng ảnh hưởng của Điện Cẩm Linh, bị trói buộc bởi một loạt các tổ chức như Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể, Cộng đồng các quốc gia độc lập và Cộng đồng kinh tế Á-Âu.
Ban đầu, khi mới thành lập S.C.O. bị Nga lờ đi, nhưng nó đã phát triển liên tục và trở thành một tác nhân ngày càng quan trọng, một công cụ để Trung Quốc đưa Trung Á tiến lên.
Trung Quốc cố gắng lái S.C.O. từ tổ chức tập trung vào lĩnh vực an ninh thành một khối kinh tế, với nhận thức rằng khu vực thịnh vượng và ổn định ở Trung Á sẽ có tác dụng tích cực đối với tỉnh Tân Cương còn lạc hậu của Trung Quốc.
Sử dụng túi bạc rủng rỉnh để rót tiền vào những quốc gia nghèo túng và bị cô lập ở vùng Trung Á, Trung Quốc đã kiếm cho mình các hợp đồng trong lĩnh vực năng lượng, làm trong những nhà máy thủy điện và giúp xây dựng cơ sở hạ tầng, từ đường xá cho tới hệ thống thông tin liên lạc.
Nhưng Trung Quốc còn đi xa hơn lĩnh vực kinh tế thuần túy, họ đang phát triển một chiến lược tổng thể nhằm đưa sức mạnh mềm vào trong khu vực. Trung Quốc đã thành lập những Viện Khổng Tử để dạy tiếng Hoa trong tất cả các nước vùng Trung Á, ngoại trừ Turkmenistan, và giúp xây dựng Trường đại học tổng hợp S.C.O., liên kết 50 trường đại học tổng hợp trên khắp Trung Quốc và khu vực Á-Âu.
Kế hoạch biến S.C.O. thành môt thực thể văn hóa, cùng với kế hoạch tập trung vào lĩnh vực an ninh và kinh tế, mới chỉ là những bước đầu, nhưng đã có một số bằng chứng của sự thành công. Càng ngày người ta càng thấy có nhiều sinh viên Trung Á trong các trường đại học của Trung Quốc và báo cáo từ các Viện Khổng Tử trong khu vực cho thấy là con em những gia đình khác giả đang cố gắng học tiếng Quan Thoại
Đây có thể là mối đe dọa lớn nhất đối với di sản đầy sức mạnh của Nga trong khu vực. Moskva không có tiền cho nên họ đã cho phép Trung Quốc đầu tư vào khu vực, với điều kiện là Nga vẫn giữ được thế thương phong về văn hóa. Nhưng chuyện này bắt đầu thay đổi. Cố gắng của Putin về việc thành lập Liên minh Á-Âu dường như là một đòn tập hậu nhằm ngăn chặn dòng thác quyền lực của Trung Quốc đang đổ vào sân sau của nước Nga.