Tác phẩm [Khoa học mới] La scienza nuova (Principi di Scienza Nuova d'intorno alla Comune Natura delle Nazioni) của giáo sư người Ý Giambattisty Vico (1668-1744) không chỉ là điểm sáng quan trọng trong hệ thống triết học Khai sáng của Pháp mà còn được coi là viên gạch đầu tiên cho các ngành nghiên cứu văn hóa, như nhân học văn hóa (cultural anthropology) và nhất là lịch sử văn hóa (history of culture). Cách đặt vấn đề về văn hóa của ông cũng gần giống với cách dịch khái niệm này sang tiếng Hán và vào tiếng Việt: avant la letter. Cách nhìn lịch sử của ông cũng khá đặc biệt, coi sự thật là sự kiện, tức là cũng được tạo ra - verum esse ipsum factum
Khác với các triết gia thời bấy giờ, cổ xúy lý tính (rationalism) trong tư duy, Vico luôn thiên về tôn giáo, tìm đến cảm nhận và linh tính. Trong lúc người ta phân định thế giới con người qua những mô hình hình học thì ông cho rằng những gì chi phối các qui luật xã hội thực tế hơn những điểm, đường thẳng, hay mặt phẳng và hình thể, tức là những khái niệm trừu tượng trong hình học. Bằng cách đó chúng ta mới tiếp xúc được với thế giới thực tại mà con người đang tham gia. Giữa lúc toán học và các ngành tự nhiên đang phát triển và ảnh hưởng rộng rãi, Vico lại muốn đặt hiểu biết của con người lên cao hơn, đòi hỏi con người phải có hiểu biết riêng, chứ không đơn giản là kiến thức về cơ chế hoạt động của thế giới bên ngoài. Khi đó con người được coi là đã làm công việc mà trước đây chỉ có Chúa mới có khả năng, và còn hơn vậy. Chúa chỉ biết những gì đã tạo ra là tự nhiên, còn thế giới của các dân tộc là do con người tạo ra, cho nên nằm trong khả năng hiểu biết của con người.
Vì lẽ đó tác giả của công trình tư tưởng La scienza nuova không quan tâm đến mối quan hệ nhân quả giữa con người với tự nhiên, mà chú ý đến những gì khiến con người khác biệt với tự nhiên. Khi đó có thể thấy chính việc con người tham gia vào quá trình lịch sử đã tạo ra cơ hội đặc biệt về nhận biết, nhờ là một nhân tố sáng tạo. Kiến thức lịch sử ở đây chính là kiến thức về con người, chính mình đã sáng tạo và đồng thời nhận biết sự sáng tạo đó. Theo Vico, con người là một thực tại xã hội, và quan trọng hơn, là một thực tại lịch sử. Khi đó khái niệm con người không thể tách rời khỏi quá trình phát triển tự nhiên, cùng lúc về vật chất, đạo đức, tri thức, lòng tin, lẫn xã hội, chính trị và nghệ thuật. Bản chất con người chỉ có thể hiểu được trong mối quan hệ đã được phân loại với những người ở thế giới bên ngoài và những người khác. Và quan trọng nhất, là con người khác biệt hẳn với những qui luật tự nhiên vì chịu ảnh hưởng từ việc tham gia trong nhóm xã hội. Cảm giác lệ thuộc vào nhóm cũng cần thiết và mang tính quyết định trong cuộc sống con người cũng giống như là nhu cầu ăn, ở hay sáng tạo, như là cảm giác thèm muốn và ngượng ngùng, hay tìm kiếm quyền lực và sự thật, và tất cả những cảm giác đã tạo ra con người như là con người đó.
Bởi vì là các nhóm khác nhau, cho nên mỗi dân tộc có một đặc điểm riêng và đi theo con đường riêng, với nhịp độ không đều nhau và những con đường không tương tự như nhau. Và đó là cách nhìn lịch sử theo con đường mà Giambattisty Vico đã mở ra: lịch sử của văn hóa nhân loại.