Chủ Nhật 23 tháng Mười là một ngày chớm thu se se lạnh. Chúng tôi, tôi và phu quân, vào New York xem buổi trình diễn của Đoàn Giao Hưởng Quốc Gia Việt Nam (The Vietnam National Symphony Orchestra) ở Carnegie Hall bắt đầu vào lúc hai giờ chiều. Chúng tôi biết được buổi trình diễn này là nhờ mẩu tin đăng trên trang mạng vanchuongviet.org.
Carnegie Hall là nơi trình diễn của những tài năng xuất sắc trên thế giới. Được trình diễn nơi đây là một điều rất vinh hạnh. Tôi vẫn còn nhớ đến bà Amy Chu, tác giả quyển Bản Chiến Ca của Mẹ Hổ (Battle Hymn of the Mother Tiger), đã hãnh diện vô cùng khi cô con trưởng của bà được trình diễn độc tấu dương cầm ở Carnegie Hall. Chúng tôi đến khá sớm. Buổi trình diễn khá đông người nhưng tôi hơi thất vọng vì số khán giả người Việt không nhiều. Hàng ghế trước mặt tôi có ba cậu Việt Nam cỡ tuổi đại học. Còn lại chung quanh toàn là người ngoại quốc.
Buổi trình diễn được chia thành hai màn. Màn một khởi đầu bằng buổi hợp tấu của hai bài quốc ca Mỹ và Việt. Tiếp theo là bài giao hưởng của Samuel Barber và bài Thăng Long của Đàm Linh. Trong phần trình diễn này các nữ cầm thủ mặc áo dài Việt Nam màu sắc thật rực rỡ và đài các. Nhìn các nữ cầm thủ thướt tha ra sân khấu tôi thấy thật hãnh diện là quốc gia Việt Nam có những người phụ nữ vừa tài ba vừa xinh đẹp như thế. Trên sân khấu chúng tôi đếm nhẩm có khoảng 68 người kể cả nhạc trưởng và chàng độc tấu vĩ cầm. Tuy nhiên trong bản chương trình tôi thấy bao gồm 75 người. Dàn nhạc gồm có 23 violin, 10 viola, 9 violoncello, double bass, sáo, oboe, clarinet, bassoon, horn, trumpet, trombone, tuba, timapni, và percussion.
Adagio for Strings của Samuel Barber là một bài giao hưởng nghiêm trang rất buồn. Âm thanh có lúc dịu dàng như những dòng sông xuôi ra biển có lúc thướt tha lắt lay như mành liễu đong đưa trong gió. Bản giao hưởng Thăng Long của Đàm Linh viết cho vĩ cầm tôi mới được nghe lần đầu, vì không có kiến thức về nhạc giao hưởng và chỉ được nghe một lần tôi không nhớ cảm giác khi nghe tiết tấu. Đàm Linh là nhà soạn nhạc giao hưởng nổi tiếng của Việt Nam. Ông sinh năm 1932 mất năm 2001 có công rất lớn trong việc giảng dạy cũng như đặt nền tảng trong việc trình diễn nhạc giao hưởng cổ điển Tây phương.
Ở màn hai của buổi trình diễn các nam cầm thủ vẫn mặc âu phục đen áo trắng nhưng các nữ cầm thủ đã thay áo dạ hội màu đen rất sang trọng. Nhìn những bờ vai ngà và cánh tay ngọc rải những nốt nhạc thánh thót, lòng tôi rung lên những cảm giác thật tuyệt vời, pha trộn giữa ngưỡng mộ và hạnh phúc vì được thưởng thức cái hay cái đẹp của nghệ sĩ với âm nhạc. Bài Symphony số Tám của Antonin Dvorak khá dài bao gồm bốn phân đoạn (movement). Phần mở đầu Allegro con brio (G major) rất hùng hồn với tiếng trống timpany kết hợp với cello, clarinet, viola rồi đến tiếng sáo uyển chuyển như tiếng chim. Phần hai (C minor) tuy là Adagio nhưng được tấu khá nhanh, vui, mang âm hưởng nhạc Bohemien. Phần ba phần lớn là điệu luân vũ nhịp nhàng phảng phất nét buồn. Phần cuối (G major) chuyển từ hùng tráng rộn ràng sang ngọt ngào, nhiều đoạn réo rắt, khán giả cứ để hồn cuộn theo tiếng nhạc. Đây là một những bài giao hưởng nổi tiếng nhất của Dvorak.
Cây độc tấu vĩ cầm Lê Hoài Nam được vào học ở Nhạc Viện Hà Nội từ khi anh bảy tuổi. Hiện anh đang cộng tác vớiHong Kong Sinfonietra với cương vị Second Violin Principal. Trên sân khấu trông anh mảnh khảnh và rất cao. Mái tóc cùng với dáng dấp của anh trông giống như một nhân vật trong phim anime Howl’s Moving Castle . Khi gặp anh đứng chờ xe đưa đi Boston để trình diễn đêm thứ Hai 24 tháng Mười trông anh càng trẻ và gầy hơn.
Nhạc hay, tuy nhiên tôi thú thật là tôi chỉ nao nức chờ được nghe hai bài dân ca Việt Nam và đây mới là điều thu hút tôi vào New York. Tôi có thể nghe những bài giao hưởng này, được trình diễn bởi nhiều ban giao hưởng lừng danh trên thế giới, đã được thu thành những đĩa nhạc có rất nhiều trong thư viện địa phương, nhưng không phải dễ dàng được nghe dân ca Việt Nam viết theo dạng giao hưởng. Tôi nghĩ đây cũng là lý do các khán giả ngoại quốc đến Carnegie Hall chiều Chủ Nhật này. Bên cạnh tôi là một đôi tình nhân rất trẻ trông chừng chưa đến đôi mươi người da trắng cũng chăm chú thưởng thức. Lý Hoài Nam tuy hay nhưng không gây ấn tượng mạnh trong tôi như bài hát Trống Cơm. Mở đầu bản nhạc là tiếng tay vỗ nhịp nhàng như tiếng vỗ vào trái tim nhớ nhà của người Việt tha hương, tôi cắn môi kềm tiếng nấc mà nước mắt cứ tuôn trào ra khóe mắt khi nghe “tình bằng có cái trống cơm, khen ai khéo vỗ ố mấy bông mà nên bông, ố mấy bông mà nên bông…”
Tôi say sưa uống tiếng nhạc, mở cửa lòng để đón nhận âm điệu ngọt ngào du dương, vui nhộn mà vẫn da diết thấm vào hồn làm tôi thổn thức. Trên đường về tôi say ngất với âm thanh và hình ảnh đôi con mắt ố mấy lim dim, một bầy tang tình con nhện ố mấy giăng tơ, giăng tơ ố mấy đi tìm, em nhớ thương ai…” May quá tôi không phải lái xe.
Nếu như buổi trình diễn được loan báo rộng rãi trên các mạng Việt Nam ở hải ngoại tôi nghĩ sẽ có nhiều người đi xem hơn. Hy vọng sẽ có nhiều hơn những buổi hòa nhạc với dân ca của cả ba miền trình diễn ở nước ngoài để phát huy văn hóa Việt Nam.
Ảnh: Nguyễn thị Hải Hà