“Bộ tứ bình” gồm 4 truyện ngắn :
- Đêm của người trinh nữ
- Phá thế độc canh
- Trái rụng.
- Một mình ôm kỷ niệm
Đôi chân mỏi nhừ, cặp mắt Trinh đã nặng, nàng buồn ngủ ghê lắm. Mấy người khách vẫn ngồi lì trong quán, chưa đóng cửa đi ngủ, có lẽ đã quá mười giờ, nàng đoán thế. Trong số này có anh Tình, anh tới quán từ tám giờ tối, anh đi một mình, lúc đầu anh gọi cốc nước chanh. Anh uống thong thả từng hớp một, hết cốc nước thì cũng hết một tiếng đồng hồ. Anh ngồi trầm ngầm một lúc, thấy chướng qúa nên gọi thêm ly cà phê đá, uống xong lại mất thêm một giờ nữa. Cuối cùng anh ta gọi một xị rượu.
Lúc này quán đã vắng khách. Mỗi lần Trinh đến gần, anh nhìn cô, ánh mắt là một lời van lơn. Khi anh kêu cà phê, nước chanh, những món hàng rẻ tiền. Trinh mang đến rồi bỏ đi ngay. Khi anh gọi xị rượu với nem chả cái phiếu tính tiền đã lên kha khá thì Trinh ghé lại ngồi với anh. Anh chỉ đợi có thế. Anh bắt đầu nói chuyện thơ.
Trinh biết anh Tình là thủ kho hợp tác xã. Đã có lần Trinh đến kho, thấy anh cắm cúi làm việc. Mặt mày khó đăm đăm. Nhìn lên, Trinh thấy có tờ báo tường, để giết thì giờ Trinh đứng xem. Có một bài thơ, nhan đề “Mùa lúa mới” dưới ký tên Trần Tình. Bây giờ Trinh đang khổ vì bài thơ này và nhiều bài thơ khác. Anh Tình đọc hết bài thơ này đến bài thơ khác cho Trinh nghe. Anh làm thủ kho, ngoài cái kho vật tư nông nghiệp mà nhiều hơn cả là chỗ chứ phân hữu cơ. Phân hữu cơ thường là phân xanh phân chuồng, không ai chứa trong kho nhưng vùng này trồng nhiều lê guym, thường dùng xác mắm là xương cá đã lấy hết thịt trong việc làm nước mắm cũng gọi là phân hữu cơ. Phân xác mắm, ướt át hôi hám, đựng trong bao nhưng vẫn để chảy ra ngoài dòng nước đen. Sống suốt ngày trong bầu không khí ô nhiễm ấy anh đã quen nên vẫn phóng bút làm thơ được. Trinh là người mới đến nên rất khó chịu. Trinh thấy người thủ kho này, ngoài mấy bao xác mắm, anh ta còn có cả một kho thơ đồ sộ. Đứng quan sát anh làm việc một lúc Trinh thấy Tình tỏ ra là một cán bộ nghiêm khắc và rất nguyên tắc về việc xuất vật tư, về thơ anh lại xuất kho một cách vô nguyên tắc, vô cùng hào phóng, thoải mái.
Ngồi nghe nhà thơ nói chuyện một lúc Trinh thấy hết chịu nổi. Nàng còn phải dọn dẹp, quét nhà cửa, ngủ một giấc để còn sức ngày mai mở cửa hàng. Trinh là chủ một quán cà phê ở trước cửa huyện. Nói là quán cà phê nhưng Trinh bán đủ thứ, rượu, đồ nhậu. Trinh là chủ và còn là người giúp việc cho mình, cô không thuê mướn ai. Trinh ba mươi hai tuổi, chồng chết, để lại đứa con trai mười hai tuổi học lớp bảy. Nàng đang cư ngụ trong căn nhà của bên gia đình chồng. Cha mẹ chồng để cho nàng ở buôn bán nuôi con. Trinh có nhan sắc. Nếu thi hoa hậu chắc nàng chiếm được vương niệm. Nàng hấp dẫn bọn đàn ông từ lão sồn sồn tới bọn choai choai tại cái huyện lỵ này.
Anh Tình, ngồi coi kho, rổi rãi cảm hứng viết ra không biết bao nhiêu bài thơ tình tặng cho nàng chủ quán goá phụ. Hôm nay nhờ xị rượu gạo nước nhất nguyên chất nó giúp cho hồn thơ anh thêm tung cánh bay cao. Nó giúp cho anh thêm can đảm để đưa ra lời đề nghị sau cùng: Rằng, đêm nay cho anh ngủ lại!
Khi nghe anh nói, Trinh im lặng, cô đứng dậy đi ra sau. Anh Tình tưởng nàng đồng ý, ngâm nga vài câu thơ cảm tác ngay trong giây phút cực kỳ hứng khởi này. Trinh đi vô phòng, chỉ khép hờ cửa lại. Nàng cởi bộ đồ xoa bóng ra, mặc cái quần lãnh đen, khoác áo sơ mi trắng vào. Nàng quơ cái lược chải vài ba cái lên mớ tóc ngắn như tóc con trai, rồi vội vàng bước ra. Mọi sự trong chớp mắt. Thật là một kỷ luc trong việc thay đổi xiêm y! Trinh đi quanh mấy bàn, lấy thêm cục nước đá. Xị rượu, trái chanh..rồi tới bàn anh Tình. Anh khấp khởi mừng thầm, nhắc lại đề nghị, Trinh nói:
- Bữa nay em kẹt rồi!
- Kẹt gì?
- Bộ không thấy em mặc quần đen sao?
Tội nghiệp nhà thơ. Mãi mộng mơ nên một sự thay trắng đổi đen như thế mà không hề biết. Giờ đây sự thực đen tối làm cho hồn thơ anh đang ở cao vút chín tầng mây bị sức hút trái đất rơi ập xuống. Tội nghiệp! Ngọn lửa trong hồn anh cũng tắt ngấm theo cái màu đen u ám đó! Anh đứng lên trả tiền, đi về. Trinh mừng, nhủ thầm: thằng cha này dai như giẻ rách. Không có cách này hắn ngồi tới sáng!
*
Trinh dọn dẹp, đóng cửa quán, lên giường nằm đúng mười hai giờ khuya. Trinh vừa chợp mắt thì có tiếng gõ cửa. Tiếng gõ rụt rè nhưng trong đêm khuya nghe rất rõ. Tiếng gõ cửa gồm hai tiếng nhặt một tiếng khoan là ám hiệu quen thuộc của tay Mười Dư ở xóm trên. Lão này có lò ép bún, nuôi mười hai con heo nái, mỗi năm thu… lão luôn luôn nhấn mạnh cái tiềm năng kinh tế mười hai con heo nái, nấu rượu…giữa lão Mười Dư và Trinh là một liên minh trời sinh. Lão nấu rượu nàng bán rượu. Mười Dư trưa nào cũng lén chờ mụ vợ ru thằng cháu nội trên võng. Cháu chưa ngủ nội đã ngủ, lão rót lít rượu gạo nước nhất giấu trong người đem đến tặng người yêu. Trinh pha lít rượu với hai trái dừa xiêm thành ra ba lít rượu bán cho dân nhậu.
Đêm nay, anh Mười đến, người ân nghĩa không thể từ chối một cách sỗ sàng được. Lão lại gõ cửa, lần sau to hơn lần trước. Trinh giả vờ ngủ nhưng lão này dai quá, gõ không xong lão gọi:
- Trinh ơi! Em Hai ơi! Dậy đi!
Trinh sợ hàng xóm nghe, nàng ngồi bật dậy đưa chân tìm dép. Nghe có tiếng dép lê trong nhà Mười Dư rất mừng. Trinh tới bên cửa, không mở cửa và mở đèn, hỏi vọng ra:
- Anh Mươì đó hả?
- Ừ, mở cho tui vô!
- Không được!
- Sao?
- Thằng Lắm nó chưa ngủ…
Thằng Lắm là con Trinh. Sự thực thằng bé đã ngủ từ hổi bảy giờ tối. Trinh tiếp:
- Nó đau răng khóc cả đêm, mới cho uống mấy viên APC. Nó mà còn thức thì không được. Nó biết chuyện mét bên nội lấy lại cái nhà này thì nguy to!
Ngoài cửa yên lặng, Trinh mừng thầm. Mười Dư nghĩ: người ta tin ra ngõ gặp đàn bà thì xui, thiệt đúng. Lúc mới ra cửa gặp con mụ bánh canh gánh cái gánh không trở về, quả nhiên tới gặp thằng nhỏ đau răng. Sao không đau lúc khác? Lão bước xuống sân, chân lạo xạo trong sỏi. Bên trong vọng ra tiếng an ủi rất dễ thương của Trinh: “Thôi chịu phiền, để khi khác đi anh Mười…”
Trinh vô nhà, leo lên giường, thầm nghĩ: không biết có được yên thân không? Mấy con muỗi vo ve, Trinh tốc mùng lên, lấy tờ báo cũ quơ đuổi, bỏ mùng xuống, lại nghe tiếng muỗi vo ve, nàng nghĩ, thôi mặc kệ. Vừa nghĩ tới đó thì lại có tiếng gõ cửa. Lần này tiếng gõ một chậm hai nhanh. Trong cơn chập chờn Trinh cũng biết kẻ nào đến tìm mình. Đây là ám hiệu của anh Khanh, cán bộ, anh có tám con, trai có gái có, lại được cử làm trưởng ban kế hoạch hoá gia đình. Người đầu tiên anh vận động là vợ, chị ta nói: “Tui triệt ông cũng triệt, để một mình ông lôi thôi hả?” Anh nói “Triệt một người thôi, triệt chi cả hai?”. Anh nghe bọn thanh niên nói triệt rồi thằng đàn ông giống con gà trống thiến, chỉ được cái tốt mã, hết cả máu hiếu chiến của con trống, suốt ngày lúc thúc kiếm ăn trong vườn. Lần này anh nói láo với vợ: “Ừ, triệt thì triệt!”Trinh đứng trong nhà hỏi vọng ra:
- Khanh phải không?
- Ừ, anh đây, mở cửa tôi vô tí coi.
- Làm cán bộ mà chẳng biết chi cả...
- Biết gì?
- Đêm nay công an đi kiểm tra hành chính.
- Sao em biết?
- Anh không nghe chó sủa xóm trên xóm dưới đó sao? Phía bờ sông thấy ánh đèn pin lắp ló đó!
Trinh nói láo, nàng đứng trong nhà làm sao thấy ánh đèn pin bên ngoài. Nhưng vì quýnh quá, Khanh không nhận ra điều vô lý ấy, vội vàng bỏ đi, chỉ kịp hẹn: “Thôi mai nhé?”. Trinh ừ hữ cho qua chuyện. Ấy cũng chỉ là kế hoãn binh, mai sẽ có lý do khác để từ chối. Đêm của mình dài thực..
Trinh chưa kịp lên giường lại có tiếng gõ cửa rụt rè. Trinh hỏi: “Ai?”
- “Long Thuỷ lợi” đây!
Xã tuy nhỏ nhưng có tới hai anh cùng tên Long. Một “Long Thuỷ lợi”, giữ cái trạm bơm nước nhỏ và một là : “Long Thương nghiệp”. Hắn là trưởng cửa hàng, gọi thế cho oai. Chứ cái gọi là cửa hàng bách hoá đó chỉ có mấy chai nước mắm, mấy cái chổi đót, nhưng ai muốn mua cũng không đơn giản, phải có cái phiếu hai ba con dấu và chữ ký. Hai con rồng này lại chẳng ưa nhau. Tại quán Sáu Liễu đã có lần Long “Thuỷ Lợi” đòi tát Long “Thương nghiệp” nói xấu long “Thuỷ lợi” đi chơi đêm suýt mất máy bơm nước, phải làm tám bản kiểm điểm. Có lần họ đã choảng nhau vì Long “Thuỷ lợi” chê Long “Thương nghiệp” hôi hám quá! Đi hội chẳng ai dám ngồi gần. Long “Thuỷ Lợi” ngầm khinh Long “Thương nghiệp” nên đêm nay đến nhà Trinh anh phải xưng tên đầy đủ và thêm cả cái “hậu tố”. Trinh chưa thấy lý do gì để từ chối người khách không mời thứ tư này. Song đầu óc nàng “trinh nữ” vốn rất nhanh nhạy đối phó với những vấn đề tương tự kiểu này. Chẳng cần “kích chuột” bộ nhớ trong đầu nàng liền đưa ra giải pháp. Trinh quơ vội ve dầu gió trên đầu tủ, nhỏ vài giọt vào tay xoa xoa mấy lần. Trong đêm khuya vắng mùi dầu lan toả rất nhanh. Trinh than:
- Từ chiều tới giờ em trúng gió toàn thân đau nhức, hai vai không gánh gồng gì mà mỏi nhừ, cổ cũng đau nữa, nuốt nước bọt thấy rất đau. Em ra chợ đầu cầu mua mấy viên bi (bipénicilin)uống rồi, chưa thấy đỡ tí gì.
Long “Thuỷ lợi” nghe mùi dầu gió, thấy thương, nói:
- Tội nghiệp em Hai! Mai anh tới y sĩ Bảy, nhờ xem bệnh cho em, tới bệnh xá lấy thuốc, đừng mua thuốc tây ở chợ, coi chừng thuốc dỏm.
Long “thuỷ lợi”bỏ đi. Khi đi qua nhà mụ Bốn Hoà đầu óc anh đang nghĩ đâu đâu bỗng con chó xô ra sửa làm anh giật mình rủa thầm: “Mẹ cha mày. Bọn câu chó ở đâu không kéo cổ đi cho rồi!”
Trinh tính leo lên giường, chợt con gà cồ nhà bác Bá cất tiếng gáy. Mấy con gà trong xóm bắt chước gáy theo. Tiếng gà sôi lên khắp xóm trên xóm dưới. Trinh nhủ thầm: “Sáng rồi còn ngủ ngáy gì nữa. Thôi dậy nhen lò than nấu nước sôi chế cà phê bán cho bọn đi xe sớm”.
Bên kia hàng rào, bác Bá cũng vừa xô chiếc cửa gỗ lớn lâu ngày không tra dầu bản lề nên nó kêu cót két chói tai. Bác nhìn qua sân nhà Trinh, thấy nàng ngồi quạt lò than, bác nói: “Tội nghiệp, thức cả đêm sáng phải dậy sớm làm lụng nuôi con thật cực. Người sao sung sướng quá, người sao khổ thế này...đêm của người ghê gớm thât!...”
“Phá thế độc Canh”
Chưa khuya nhưng trong phòng họp đã có tiếng ngáp. Hình như ngáp là bệnh hay lây nên một người ngáp, nhiều người chung quanh ngáp theo. Có người chẳng cần giữ gìn ngoác miệng ngáp một cái rõ to, thoải mái. Ở cái xã Cận Sơn ny chính quyền họp dân liên miên, hết quán triệt này, phát động nọ, ra quân rầm rộ kia. Bây giờ người ta dùng từ ngữ nghe rất hay ho. Có nhiều việc buồn thấy mồ lại được khoác cho cái tên nghe rất mỹ mìu hay ho : “Mở hội giao lương”. Nghĩa là xúc lúa nhà đem đóng thuế. Hay viết biểu ngữ vải trắng chữ đỏ với ý nghĩa hồ hỡi phấn khởi báo tin vui : Xã nhà có hai mươi thanh niên trúng tuyển… Đừng tưởng bở đậu cái bằng tú tài cử nhân gì mà trúng tuyển… Nghĩa vụ quân sự !
Hôm nay người dân mỏi mệt sớm cũng chỉ vì suốt cả mấy giờ họ bị tra tấn bởi diễn giả quen thuộc này. Lão ta nói cái giọng tro trẹ của người Thanh, Nghệ không quen tai với dân chúng miền này, và đề tài lại cũng không hấp dẫn. Diễn giả là lão Sáu Tấn, chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, có đứa con trai đặt tên là Bộ. Ý nghĩa là cha con đều tấn bộ ! Đề tài buổi nói chuyện là : Phá thế độc canh.
Tội nghiệp, thực ra lão Tấn cũng chẳng muốn hành dân, và lão cũng chẳng thích thú gì buổi nói chuyện đêm nay, chỉ vì nghị quyết đảng phải quán triệt kịp thời cho dân chủ trương mới mẻ này vào đầu mùa vụ. Đứng trên bục giảng, miệng thì nói:”…đây là một chủ trương đúng đắn dựa trên cơ sở khoa học kỉ thuật, nhân dân xã ta cần quán triệt sâu sắc…” Đầu óc lão lại nghĩ chuyện khác. Đã chín giờ tối, chắc em Trinh đã đóng cửa và dọn dẹp quán xong. Con nhỏ dạn hết sảy. Mùa hè ban đêm thường ra cái giếng cạn phía sau nhà cạnh bụi tre gai rậm rạp tắm truồng. Con nhỏ chẳng sợ sệt ma quỉ rắn rết chi cả, trong bụi tre gai thỉnh thoảng có tiếng sột soạt của chuột hay có khi bọn du kích rình mò coi trộm, con nhỏ cũng chẳng ngán. Trinh chỉ sợ mái tóc xù bung, mốt mới nhất bị ướt thì hỏng. Nàng lấy cái khăn trùm đầu, túm tóc cuốn lên cao cột lại bằng sợi dây thun. Lão Tấn đang hô hào phá thế độc canh đầu óc lại tưởng tượng ra cái cảnh thú vị sau đây: Giờ này trời lành lạnh, trở về, mở cái mùng chui vô, ôm em là nhất. Mình chỉ ở lại đó chừng nửa tiếng rồi về, con mụ vợ già ở nhà không nghi mà có hạch hỏi thì nói, họp dân xong còn phải ở lại thống nhất với ban chủ nhiệm, bên đảng uỷ mấy vấn đề…
Lão kết thúc buổi nói chuyện. Trong khi thính giả chưa ai vỗ tay thì lão lai đưa đôi bàn tay thô, to và dày lên trước cái micrô vỗ bôm bốp tự khen mình mấy cái. Bên dứơi vài tiếng vỗ tay phụ hoạ theo. Thính giả vỗ tay vì vừa được thóat nợ, thực tình họ đi cho có mặt, khỏi bị trừ công điểm, chẳng ai chịu nghe lời nào.
Sáu Tấn đạp chiếc xe hiệu phượng hoàng nặng như cái cùm, cũng là niềm kiêu hãnh của lão vì trong xã không có chiếc thứ hai. Tới quán, đúng như Tấn dự kiến. Trinh đã đóng cửa quán, dọn dẹp và cũng vừa tắm xong. Hôm nay nàng đi chợ đầu cầu mua được cục xà phòng tắm hiệu Zest. Nàng đi ngang qua, cuốn theo làn hương xà phòng thơm. Sáu Tấn nghĩ : Cái mùi “Tư bản”này ác thực. Nó đánh thức mọi giác quan, ai mà chịu nổi ?Trinh là chủ quán cà phê sáng bán đồ nhậu buổi chiều. Nàng còn là đầu mối tập trung của bọn, mà chữ nghĩa thời đại gọi là “ con phe”, mua bán hàng hoá phân phối. Nguồn hàng của nàng là ngài chủ nhiệm hợp tác xã mua bán xã Cận Sơn. Vậy thì liên minh giữa nàng trinh nữ và lão Sáu Tấn là liên minh trời sinh không thể tách ra được.
Thấy mặt anh Sáu, Trinh làm bộ trách:
- Sao giờ nay mới mò tới ?
- Anh bận “ phát” ở hội trường xã, vừa xong đạp xe đến đây ngay.
Trinh làm bộ quan tâm đến công việc của anh Sáu, hỏi:
- Bữa nay anh nói gì mà lâu vậy?
- Phá thế độc canh !
- Phá thế độc canh là cái gì rứa anh Sáu?
Lai một lần nữa anh Sáu phải quán triệt cho thính giả duy nhất này nghe. “Không chịu đi họp hành gì cả, làm sao tiến bộ cho được? Phá thế độc canh là ruộng đất không nên cứ giống gì trồng một thứ, đất nghèo đi ma phải luân canh, thay đổi giống luôn. Mùa này trồng cây nầy, mùa sau trồng cây khác…” Trinh “hứ” một tiếng, nói:
- Có chừng đó mà nói cả buổi, bắt dân ngồi họp, mấy ông già bà già mỏi lưng, nhức đầu, đau mình đau may, chịu không thấu. Mấy chị phụ nư, thanh niên buồn ngủ ngáp sái quai hàm. Hành dân chi, tội nghiệp !
Nói xong câu đó thì đây mới là vấn đề của nàng:
- Bốn Hoà cần ba bao urê Trung quốc, con mụ Soa đòi có bao nhiêu thuốc trừ sâu Basuđin sỉ hết. Con Lan bán vải hỏi trong kho còn hàng đen may quần phụ nữ giao cho nó, giá sao cũng được...Sáu Tấn nói cho được việc:
- Để mai tính, giờ ngủ cái đã.
Trinh hoảng hồn:
- Bộ anh tính ngủ lại sao?
- Ư
- Kẹt chết
Tấn hỏi:
- Kẹt chuyện gì?
Trinh nghĩ, phải chi biết trước đêm nay lão mò tới thì mình đã chuẩn bị cho ngón nghề cũ là lấy cái quần đen “xoa xuýt bóng” mặc vào, nói “bị “ treo cờ, làm kế hoãn binh. Bây giờ phai nói trớ :
- Bả thấy anh đi suốt đêm không về, bả tới đây quậy thì chết em. Tội nghiệp cho em anh Sáu.
Tấn cười, nói:
- Nói giỡn đó, chừng nửa tiếng thì về.
Trinh vén tấm màn cửa phòng cả năm chưa giặc hôi hám đi vào. Chủ nhiệm theo sau. Hai người mới leo lên giường, có tiếng người đứng ngoài kêu:
- Bà chủ quán ơi, Trinh ơi, mở cửa bán cho xị rượu gạo nước nhất !
Trinh nghe tiếng biết là tiếng anh Tình, nhà thơ của xã đồng thời làm thủ kho. Trinh trách nho nhỏ với Sáu Tấn: “Đó, thấy chưa? Đã nói rồi mà…” Tấn hỏi, nói gì ? Trinh, Còn nói gì nữa? Sáu Tấn nói:
- Làm thinh, giả bộ ngủ.
Bên ngoài vẫn có tiếng gõ cửa và tiếng anh Tình goi. Trinh nói với Sáu Tấn:“ Giả bộ ngủ không được đâu, hắn kêu suốt đêm, mang tiếng với hàng xóm láng giềng chết. Anh cứ ở trong này đừng ló mặt ra, có động, em ra dấu thì…” Trinh không nói, chỉ tay xuống dưới gầm giường.
Nàng ra ngoài , giả vờ hỏi:
- Ai đó?
- Còn ai nữa. Mở cửa cho anh vào, Tình đây. Nhớ em quá, không ngủ được, anh mới làm xong bài thơ đem tới quán đọc cho em nghe đây.
Trinh:
- Xạo hoài, anh mà nhớ ai. Thôi về đi, mai tới đọc thơ cho em cũng được.
Tình nhất định không chịu về. Trinh phải mở cửa cho Tình vào. Tình đến ngồi vào chiếc bàn cũ và chiếc ghế cũ anh thường ngồi. Trinh rót nửa xị rượu pha thêm nước lã thành một xị đem tới. Tình rót rượu ra uống từng hớp một và bắt đầu ngâm thơ. Chàng chẳng chú ý gì đến cốc rượu pha nước giếng nhạt thếch. Trinh đến ngồi, chống cằm làm bộ nghe thơ, sau đứng lên bỏ đi ra nhà sau. Trong phòng chủ nhiệm Tấn rủa thầm:“ Thằng mac dịch, thơ thẩn gì, thủ kho mà đêm khuya còn bỏ đi chơi, mai bắt làm bản kiểm điểm !” Trinh lại đến giở giọng năn nỉ:
- Thôi anh về đi, khuya rồi, em buồn ngủ quá.
Rồi nàng giở giọng ngọt ngào:
- Về đi mà anh cưng !
Tình đứng lên, tần ngần một lúc rồi buồn bã ra về. Tới sân còn nghe văng vẳng tiếng ngâm thơ:“ Em ơi lửa tắt bình khô rượu. Đời vắng em rồi say với ai?” Trinh lầm bầm nghe cũng thành thơ : Uống hết thì khô chớ trách ai ? Trong phòng Sáu Tấn lại rủa: Mụ nội mày, rượu mà không khô chắc mày ngồi tới sáng !
Trinh vào phòng thấy ông chủ nhiệm ngồi chóc ngóc chân giường, chỉ chờ có động thì chui xuống. Chưa kịp làm gì, hai người lại nghe có tiếng goi cửa:
- Mở cửa tui vô chút coi!
Tiếng lão Mười Dư năn nỉ:
- Anh đem tới cho em năm lít rượu gạo nước nhất đây…
Trinh vừa chớm bước chân xuống giường, Sáu Tấn níu lại. Trinh doạ. Lão này mà không cho hắn vô hắn phá cửa. Sáu Tấn đành buông tay cho Trinh ra tiếp khách. Nàng thầm tính, năm lít nước nhất pha thêm năm kít nước lã thành mười lít, mỗi lít 10 ngàn vị chi trăm ngàn chớ ít chi ? Trong khi đó chủ nhiệm tự đặt mình vào thế báo động đỏ, nghĩ, bọn đàn ông sồn sồn bê bối hết chỗ nói. Thằng nào cũng trốn vợ theo gái. Thiệt tình !...
Chừng nửa giờ sau nghe tiếng đóng cửa và tiếng Trinh : Về nghe anh Mười. Sáu Tấn mừng thầm. Trinh vén màn đi vào lên giường. Sáu Tấn lần mở được hai hạt nút thì lại xảy ra sự cố. Anh chàng Khanh mò tới. Tay này nói toàn chuyện tào lao với lại đem chuyện công, chuyện bí mật của cơ quan ra nói. Sáu Tấn nghe được, nghĩ, bữa nào họp giao ban toàn huyện sẽ phê bình hắn. Sau lại nghĩ, hắn chối thì mình làm sao mà cãi? Chẳng lẽ nói đêm ấy mình ở trong phòng với gái? Khanh tới chừng nửa giờ thì đi. Tiếp theo là “Long thuỷ lợi” vào. Sáu Tấn nghĩ, thuỷ lợi thuỷ hại gì mấy thằng này, nửa đêm không ở giữ cái may bôm 20 sức ngựa để mất, công an gông đầu.
Chủ nhiệm Sáu Tấn vừa mệt vừa buồn ngủ đã nghe tiếng gà sôi lên đầu xóm. Nhìn qua khe liếp thấy màu trời hừng đông. Lão ta sè sẹ ngồi dật leo xuống giường rón rén dẫn chiếc xe đạp phuợng hoàng dẫn ra phía sau, leo lên đạp về.
Mới ló đầu vô, con vợ già chửi:
- Đi đâu mà giờ này mới vác mặt về ?
Sáu Tấn nói láo:
- Bậy nà, cứ lúc nào cũng nghi ngờ. Tối qua tui theo xe của uỷ ban về tỉnh tiển chân ông Ba về trung ương nhận công tác mới. Ở đời ăn ở phải cho có cái tình, có thuỷ có chung. Với lại biết đâu nay mai ổng lại về công tác ở tỉnh nhà. Lỡ có chuyện gì mình chòn có chỗ mà nhờ…
Mụ vợ không tin :
- Đi cả đêm. Sáng về còn nói láo. Ngó thấy áo quần mặt mũi giống như cái đồ trôi sông lạc chợ thì biết đêm qua làm gì ở đâu rồi.
Sáu Tấn làm thinh, chịu thua, không cãi. Hắn ta ra sau rửa mặt cho tỉnh ngủ, nghĩ xui thật gặp toàn chuyện bực mình. Bỗng lão chợt giật thót. Hay là cái bọn kia lập mưu xa luân chiến toan phá thế độc canh của mình bấy lâu nay ?!!!
Trái Rụng
Vấn đề cua Tình lúc này không phải làm thơ nữa. Sau một năm tám tháng mười mấy ngày ngồi ở cái bàn sặc mùi thuốc trừ sâu hiệu Mytox trong kho vật tư nông nghiệp anh đã sản sinh hàng trăm bài thơ tình, những bài thơ công phu kho nhọc dài lê thê tưởng đâu chẳng có kết quả ai ngờ đã động tới con tim nằm sau cái xú chiêng màu hồng của nàng trinh nữ. Trinh đã chịu đi với anh. Tin này làm cho đầu óc người thủ kho không tập trung được. Sáng thứ sáu, sau khi ngồi xuất phân cho mấy nông dân anh tính lộn của con mụ Soa mười mấy ngàn, nhưng con mụ này cũng chẳng biết. Tâm trí anh lúc này chỉ xoay quanh câu hỏi : Đi đâu? Trước đây trong số thơ anh làm có một bài lấy nhan đề là “ Trái rụng”. Trái rụng là một bài thơ tình hoàn toàn thanh cao trong sạch giữa hai con tim yêu đương trò chuyện với nhau. Trong ý thơ anh có nói rằng: Anh sẽ không bao giờ đòi hỏi nàng thơ phải dâng hiến cho anh cái gì cả. Nhưng nếu có sự kêu gào của thể xác thì anh ví nàng như trái cây, khi trái chín vàng cứ rụng vào lòng anh, lúc đó anh sẽ hứng lấy một cách nhẹ nhàng êm ái. Bây giờ đã tới thời kỳ trái chín vàng sắp rụng rồi nhưng không biết lấy gì hứng đây? Vậy cái vấn đề bức xuc hiện tại là địa điểm . Hay gọi theo từ kinh doanh là cái “mặt bằng”
Ở xã Cận sơn, hiện tại vấn đề này là nan giải. Không có quán trọ, phòng ngủ , khách sạn. Từ ngày điện hoá nông thôn thì vấn đề lại trở nên khó hơn. Nhà quê gì mà tối lại bờ bụi sáng trưng rất khó cho đoạn cuối của những cuộc tình.
Trước đây vấn đề địa điểm không đặt ra vì Trinh có nhà riêng. Trên chiếc giường vạt tre trải chiếu rộng một thước hai, bên dưới đầy bụi bậm, váng nhện, cả năm không được cái chổi động đến đã diễn ra bao nhiêu là cuộc tình. Nay thì chỗ này không thể dùng làm bãi chiến trường được rồi. Hơn một năm rưỡi nay tình thế đã thay đổi. Sự đổi thay bất lợi về hướng người trinh nữ. Cái quán không tên, sáng cà phê chiều nhậu của nàng gần đây đã hoá thành nơi tập trung của mấy người đàn ông. Đêm về kẻ tới người lui tấp nập làm cho mấy mụ vợ ở nhà nổi khùng. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa, ở cái xã Cận Sơn mỗi bề có một cây số rưỡi này nhỏ như bàn tay. Nói như thằng cha Tư Bắp Sú, có nghề liệm người chết thì “Nói ở đầu xóm, cuối xóm nghe”. Cho nên tai tiếng đã tới tai bên nội thằng Lắm. Cha thằng Lắm chồng trước của Trinh đã chết nhưng họ hàng còn đông lắm. Lâu nay họ để cho Trinh ở cái nhà tôn vách ván mỗi bề bốn mét làm kế sinh nhai nuôi con thờ chồng, nhưng gần đây tai tiếng nàng “trinh nữ” tràn lan. Ông Cả bà Cả, nội của thằng Lắm lúc đầu tính lấy lại cái nhà, sau lại nghĩ: Lấy nhà thế nào Trinh cũng đem thằng Lắm về trả cho họ rồi tha hồ bay nhảy. Với lại thằng Lắm hoang đàng ngỗ nghịch, hai ông bà già làm sao trông coi nó cho nổi? Vậy cái phương án lấy lại nhà để đối phó với nàng trinh nữ không phải là tối ưu. Sau này ông bà cả bàn và thống nhất sẽ cho chú Sáu Ổi tới ở chung. Chú Ổi là em kế cha thằng Lắm. Ông anh tên Thơm, cậu em tên Ổi. Ông chú này sẽ là vị đại sứ đặc mệnh toàn quyền đại diện bên nội tới để kềm hãm tốc độ rơi của cô con dâu. Bởi thế mà giờ đây vấn đề địa điểm đối với anh Tình rất là bức xúc. Trái đã vàng chỉ chực anh đưa tay ra, thế mà cho đến ba giờ chiều nay vẫn chưa có cách gì.
Anh nghĩ: Hay là ra đám mía phía sau chuồng heo nái của lão Mười Dư? Chỉ cần một tấm ni lông trải xuống đất cũng đủ tạo nên cõi thiên đường! Tấm ni lông thì anh đã có. Anh sẽ mượn đỡ cái khăn bàn thường mỗi khi hội nghị mới dùng trải lên bàn chủ toạ. Tấm nhựa có in hình hoa vàng nhuỵ đỏ trên nền kẻ ô vuông trông xa xa rất đẹp mà lại sang. Theo thầy Sáu Đậu có sách Thọ Mai thì con người, con vật, thậm chí đồ vật cũng đều có số. Cái số của tấm khăn bàn này là số sướng, số làm to, số sang. Mỗi lần hội nghị nó đều ngự ở trên cao nhìn xuống bên dưới lũ quần chúng lúc nhúc. Tình gấp tấm ni lông làm tám cho vào bụng gài nút áo lại chẳng ai trông thấy. Anh dẫn Trinh chui vào đám mía. Lúc đó trời gần chạng vạng. Hai người đi cố tránh chạm vào lá mía tươi. Người trinh nữ chẳng biết sợ ma quỉ là gì chỉ sợ bị lá mía cứa vào người và làm hư mái tóc xù bung uốn rất công phu tốn kém của nàng. Đám mía lúc đó mới được sáu tháng tuổi, cao quá đầu người, nhưng chưa được rậm rạp kín đáo cho lắm. Tình trải tấm khăn ra. Lúc đầu nghe ý kiến về việc chọn địa điểm cũng như thấy tấm khăn bàn Trinh không mấy ưng ý, nhưng nàng nghĩ: Thây kệ! Chừng năm mười phút xong về nhà tắm rửa rồi lên bán. Giao quán cho thằng Lắm với chú Ổi lỡ tụi du kích kéo tới uống chịu ghi sổ thì kẹt.
Cùng trong khung cảnh đó thì nhà thơ lại khác. Cảnh vật khá nên thơ. Lá mía xanh như ngọc có thua chi lá trúc thôn Vỹ Dạ che ngang khuôn mặt có thể tạm coi là chữ điềncủa Trinh, giống với thơ Hàn Mạc Tử quá! Buổi chiều mây trên trời tha thướt như tơ lụa, gió trong lá nghe như tiếng suối reo. Mây con chim mía chao đảo chuyện trò tíu tít. Một vài tổ chim làm rất công phu treo trên ngọn mía đong đưa theo gió. Tình vòng tay qua vai Trinh, trong giây phút cực kỳ cảm khoái mà anh chờ đợi bấy lâu nay trong thoang thoảng mùi nước hoa trộn với cái múi mái tóc chua không gội của nàng trinh nữ, anh cất tiếng ngâm :
Chào hạnh phúc xanh như lá mới
Xanh tiếng chim xanh cả lời thơ…
Trinh hối :
- Mau đi mà về, sợ tụi nó uống chịu ghi sổ hết vốn.
Đầu óc theo chủ nghĩa thực dụng của nàng trinh nữ không làm cho anh mất đi thi hứng. Anh ngâm tiếp :
Ôi màu xanh là một bất ngờ!
Trinh nằm xuống, tự tay nàng mở hàng nút áo ở ngực bày cái xú chiêng màu hồng với mấy tờ giấy bạc nhét ở trong. Vừa lúc đó có tiếng lá mía khô xào xạc. Tiếng chân vội vàng chạy thình thịch. Trinh nói nhỏ :
- Nằm yên có người !
Tới lúc này hồn thơ anh tình mới chịu rời bỏ anh. Anh cuốn quít hỏi :
- Chạy?
- Không, nằm yên nghe thử cái gì đã.
Nàng trinh nữ phán đoán rất đúng. Sau đó có tiếng ụt ịt rồi một con heo nái lưng oằn, hàng vú quệt đất đang ủi tìm cái gì đó ở gốc mía. Trinh rủa :
- Mẹ cha mầy làm người ta hết hồn!
Trinh cởi tiếp xú chiêng, xấp tiền rơi ra, nàng lận lưng quần. Đúng lúc đó lại có tiếng ụt ịt. Nhưng lần này không phải tiếng heo mà là tiếng giả heo. Tiếng của lão Mười Dư. Lão này đi nhậu về đếm trong chuồng thấy thiếu con ni. Trinh hối gấp :
- Mặc nhanh vô, chuồn đi, mỗi đứa một ngả, gặp lão thì nói đau bụng đi cầu.
Người trinh nữ rất nhanh nhạy ứng xử kịp thời chính xác trong những hoàn cảnh khó khăn kiểu này. Còn nhà thơ thì luống cuống lật đật thế nào mà cho cả hai chân vào một ống quần. Cũng may lão Mười Dư chuyển hướng khác. Hai người rút êm. Thế là buổi chièu hôm đó trái vẫn chưa rụng được.
Tối hôm sau anh tình rủ Trinh vào ngôi trường phổ thông cơ sở của xã. Ngôi trường này là một căn nhà hoang, chẳng có cửa ngõ gì cả, ban đêm là giang sơn của chuột và tắc kè. Anh Tình tính kê mấy cái bàn học sinh lại thì cũng tạm được. Khổ nỗi mấy cái bàn long đinh, cai cao cái thấp xếp lại thì gập ghềnh không thể gọi là cái mặt bằng cho được. Nhưng trinh thì chịu. Nàng nói: “Kệ cha nó!”, Trinh muốn cho mau xong. Nàng chỉ sợ bỏ quán lâu người đến uống chịu. Cũng vừa lúc trái sắp rụng thì lại xảy ra sự cố. Trục trặc trái không rụng được cũng tại thằng cha Sáu Tấn chủ nhiệm. Chiều hôm đó lão này bị mụ vợ chửi vì cái tội đi suốt đêm không về. Con mụ này nói dai như đĩa lại có cái tật mỗi lần chửi bat chồng phải ngồi nghe không được bỏ đi. Đi thì phải có lý do quan trọng. Lão Tấn nghĩ phải có cái cớ gì để ra khỏi nhà đây. Lão sai đứa con đi kêu Long thuỷ lợi tới vận động xã viên đến hội trường họp khẩn . Buổi họp dân đột xuất này là cái lý do cho lão ra khỏi nhà đi chơi. Dân tới đông hội trường thiếu chỗ ngồi. Thế là Long thuỷ Lợi thống lĩnh tám thằng du kích đi tới trường khiêng ghế. Tụi này vừa đi, nói chuyện và chửi thề. Cặp uyên ương vừa sắp dìu nhau bay vào đám mây hạnh phúc thì hoảng hồn chuồn ngõ sau. Một lần nữa trái vẫn chưa rụng.
Sau hai lần thất bại , Tình than :“ Trời ơi, lú lẫn quá, đầu óc để đi đâu, tại sao lại không đem vào cái kho phân hữu cơ?” Đợt này anhTình mới lãnh lô phân hữu cơ về phân phối cho dân trồng thuốc lá. Gọi cho oai là phân hữu cơ chứ thực chất đây là mấy bao xác mắm ướt nhem, hôi rình! Nhưng mà tình yêu khi đã chín nẫu rồi thì chỗ nào lại chẳng thể hoá thiên đường? Và thế là Trinh cùng với Tình đi vào kho phân. Anh vững tin đây là giang sơn của mình anh có quyền tự tung tự tác. Anh chỉ có chút ái ngại, nền kho dơ quá, hôi hám quá, nhưng cuối cùng tấm khăn bàn vẫn hoàn thành trách nhiệm của nó. Tuy có hôi hám nhưng dù sao nền nhà cũng không lồi lõm dấu chân trâu như trong đám mía. Khúc khai từ vừa xong, Tình bắt tay vào tấu khúc thì có tiếng gọi văng vẳng:
- Tình ơi! Đồng chí Tình ơi !
Tiếp đó là tiếng càu nhàu:
- Cán bộ gì mà trong giờ hành chính đóng cửa kho bỏ đi chơi.
Trinh nói :
- Kệ cha nó, kêu riết không thấy nó bỏ đi.
Tình nói :
- Không được giọng chủ tịch xã, ổng rền chết!
Thế là mộng vu sơn đổ vỡ vào phút cuối. Một lần nữa chàng có thêm sáng kiến. Dẫn nàng trinh nữ vào miếu thổ thần. Chỗ này linh lắm ban đêm chẳng ai dám mò tới, thực là một chốn lý tưởng cho hai kẻ yêu nhau. Hai người mon men tới gần miếu. Bỗng họ nghe trong miếu có tiếng rên rỉ ghê rợn. Hai người còn đang phân vân thì tiếp đến lại có tiếng cười rúc rích. Tình nghĩ: Thôi đích thị lại có cặp nào vào đây rồi. Những tư tưởng lớn thường gặp nhau. Nhà thơ lấy hòn đá ném lên mái có hai bóng đen chạy vụt ra. Cái kiểu chạy chân thấp chân cao đúng là tay Khanh thư ký hội đồng.
Chú Ổi em chồng trước của Trinh, vị sứ thần của họ nội, một chiến sĩ biên phòng, một vị giám quan đại thần kiêm chức xã đội phó du kích vừa ngộ nạn. Ngay giữa mùa chiến dịch ra quân rầm rộ “triển khai” công tác làm hố xí hai ngăn thì vị phó chỉ huy này thống lĩnh du kích đi bắt trộm gà về náu cháo liên hoan cho có thêm khí thế. Trong khi nuốt vội vàng chú Ổi hóc xương. Người ta doạ “nhất hóc xương gà, nhì sa cành khế” làm cho chú sợ mất mạng phải đi về bênh viện huyện gắp cái xương oan nghiệt. Biết được tai nạn này Tình và Trinh rất vui sướng, ít nhất họ cũng được tự do một vài ngày.
Lúc chiều Tình đến quán, anh vẫn ngồi chiếc bàn cũ lấy giấy bút ra làm thơ. Anh thường tự hào nói rằng:“Ngồi giữa chợ mà làm thơ mới tài! Ngồi trong quán nhậu làm thơ còn tài hơn”. Ay thế mà ngọn bút của Tình vẫn cứ rung động để cho những vần thơ tuôn trào lai láng. Trinh mỗi lần đi ngang qua đều nhìn anh, cái nhìn như một hồi còi thôi thúc xông trận.
Hình như qua nhiều lần thử thách gian nan lần này ông trời thương cho đôi trẻ yêu đương mà chẳng có cái địa điểm. Mọi việc diễn ra đêm nay hoàn toàn thuận lợi. Quán hàng rất ít khách, mới tám giờ rưỡi Trinh đã đóng cửa quán. Trinh dọn dẹp đi tắm xong vô giường lúc chín giờ. Giờ này thằng Lắm đã ngủ say. Trinh vào phòng, tình vào theo. Khúc dạo đầu diễn ra khá suôn sẻ thì lại có tiếng của chú Ổi. Trinh hỏi vọng ra :
- Họ gắp xương ra rồi hả ? Nam lại bệnh viện vài ngày cho người ta theo dõi đi !
- Không, xe chạy mới tới cầu Lùng thì gặp con Lan. Con Lan bán vải trả góp ở chợ đó. Con này đẻ ngược, nó lấy tay cào cổ tôi mấy cái thì xương văng ra. Nó nói chó với heo hóc xương nó cào còn ra huống chi là người. Thiệt là bàn tay vàng. Con nhỏ dễ thương lắm.
Trinh nghe được tin này thì đánh giá ngay cái tính tích cực của nó. Chú Ổi nhà ta mê con Lan, chú mà mê gái thì sẽ lơ là công tác giám sát. Trinh nói cho Tình nghe, Tình tán đồng, thế nào cũng có chỗ để cho trái rụng.
Và trái đã rụng thật. Thực tế không đẹp như thơ của anh tình nhưng rõ ràng là nó đã rụng. Nó rụng cạnh lu nước, dưới gốc khế, một bên cái hũ nước cơm chua lòm cả tuần nay chưa có ai tới xách. Trái rụng đúng vào cái chỗ mà mấy thằng cha nhậu bia lên men bí qua thường ra đó mà xổ!
Một Mình Ôm Kỷ Niệm
“ Ôi ngày vui chóng qua !”( Lời của một bài hát)
Khó ngủ quá ! Đã mười hai giờ khuya, không còn tiếng người , tiếng xe cộ, tiếng chó sủa, Trinh vẫn không làm sao chợp mắt được. Đầu óc rối tung. Nàng lên giường từ lâu, thao thức trằn trọc mãi. Sư cô bên chùa Hải An ni tự có dạy cho cô cái “thuật làm cho đầu óc trống rỗng”, gọi là vô ưu trong lúc tham thiền nhập định. Thuật này mới nghe qua tưởng dễ, ai ngờ khó quá. Đầu óc như cái cốc rỗng, lúc nào không khí cũng tràn vào, đẩy ra không được, làm trống rỗng không xong. Cái gọi là”Tạp niệm” là những ý nghĩ không đâu, vớ vẩn, cứ như không khí ở trong lọ, đẩy cái này ra cái khác chun vào lấp đầy ngay. Những lúc như thế này thuốc ngủ cần thiết biết bao nhiêu. Ở đất Cận Sơn quê mùa chỉ có cô y tá Lan, trưởng trạm y tế xã, chuyên đặt vòng với cắt ống dẫn tinh may ra có, một mình cô gái mười tám cái xuân xanh này bàn tay xinh xắn , mười móng tay tỉa tót nắn nót mỗi tuần đổi một màu sơn, cầm cái kéo lưỡi ngắn giống cái kềm mỏ két của bọn thợ điện, đã cắt đứt bao nhiêu ống dẫn tinh, những “sợi dây oan nghiệt” của bọn đàn ông rậm rật trong làng. Nhưng giờ này kêu cửa chưa chắc cô ta đã mở. Trinh cố gắng chống chọi lại sự dằn vặt, cô lặp đi lặp lại mãi điệp khúc :“ Thôi ngủ đi…ngủ đi… ngủ đi….mai tính!”
Bên hàng xóm, nhà Tám Soan còn thức, chắc đang có cuộc nhậu. Sao hôm nay dân nhậu lại tỏ ra lịch sự không la hét nói cười ồn ào như mọi khi. Họ mở băng cát-xét nghe nhạc. Sau khi nhiều người giành lấy cái micro hát Karaoke, mỗi người một giọng, và hầu hết không biết nhạc nên vừa hát vừa sáng tác, một đám Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Phú Quang... Bọ này đã chán. Họ liền chọn băng nhạc vàng, cũ lời ai oán do ca sĩ nào đó cất lên giọng ca não nuột bài “ Một mình ôm kỉ niệm”. Ở gần bọn nhậu này, ngày nào Trinh cũng được nghe bài ấy song cô không để y, cô ghét nó. Thế nhưng đêm nay, một đêm không ngủ, nằm yên lắng nghe lời bài ca, thấy rất hay và thấy tác giả bản nhạc như “ đi guốc” trong quả tim cô, nghe sao nó giống cuộc đời mình thế này?
Cuộc vui náo nhiệt, ban đầu nhiều người tham gia, tàn cuộc chơi chỉ còn một mình nàng ôm lấy kỉ niệm, một kỉ niệm nặng nề. Trinh mủi lòng, nước mắt lưng tròng. Nước mắt đầy lên, như con sâu xanh bò nhồn nhột qua go má cao mà bọn đàn bà trong xóm ganh tị với nhan sắc của nàng gọi là “cặp lưỡng quyền nhọn hoắt, ấy là cái tướng sát phu”. Nước mắt rơi từng giọt, một lúc sau ướt đầm mặt gối. Ôi khóc được dễ chịu biết bao. Trinh ngủ lúc nào không hay.
Chiều qua, tại giếng nhà chung, mụ Tám Soan, một mụ đàn bà nổi tiếng đa sự, mụ là nhà báo làng, mụ nắm mọi tin tức, có thằng cha đùa, mụ Tám sau nhiều năm là nhà báo tài tử, nay trình độ đã lên chức tổng biên tập báo làng rồi! Lần này, súyt chút nữa, mụ là người đầu tiên khám phá điều bí mật động trời. Khi mụ Tám chặt đầu con cá thu, xối gàu nước, máu cá lai láng, mụ nghe tiếng ọe khan rất to, quay lại thay con Trinh đang ngồi giặt, buông cục xà bong ra, hai tay đầy bọt trắng cố bụm miệng. Trong thời khắc ngắn ngủi đó mụ ta cũng kịp quan sát ba điểm “chiến thuật”trên mặt cô gái. Trước tiên là cặp lông mày. Rất tiếc, đôi mat tinh anh của mụ không nhận thấy được gì bởi cặp lông mày nàng tỉa tót nhỏ như con bún bánh hỏi, kẻ chì đậm đen, không rõ nó có dựng lên hay không ? Mắt mụ chuyển nhanh xuống cổ, xem mạch máu có nhảy phập phồng, kieu phụ nữ có thai không ? Song một lần nữa mụ tỏ ra thất vọng. Trinh mặc cái áo bà ba may theo kiểu mới, ngắn tay cổ cao quá mang tai, giống kiểu áo dài trong những năm sáu mươi, cao gần cả tấc, gài hai ba hạt nút, kiểu nut áo tàu. Chỉ còn lại dấu hiệu khá mơ hồ, khuôn mặt nó hôm nay trông sao đầy lên, sưng sưng, nước da vàng tai tái rất khả nghi. Mụ nhẫm tính:“ Chồng nó chết hồi rằm tháng giêng năm ngóai, tính ra chưa đầy hai năm tròn, ma… Vậy thì... Mụ bưng rổ cá đi về lòng không ngớt phân vân. Chẳng lẽ ?,,, Thằng nào trồng khoai đất này ?...” Và mụ bắt đầu tung tin một cách dè dặt như người làm báo có trác nhiệm : Theo nguồn tin đáng tin cậy thì ...
Một nỗi khổ nữa của Trinh là chỗ ở. Khi lấy chồng cha mẹ chồng cho ra riêng, cất cho cái nhà bằng ván lợp tôn, mỗi bề chỉ có bốn thước ở trước cửa huyện đường. Nàng mở quán, sáng bán cà phê, chiều bán đồ nhậu. Từ khi chồng chết, nơi đây hóa thành câu lạc bộ đàn ông, quán vui vẻ từ chiều đến khuya và cũng vì ba cái chai bia lên men, có thằng nói đùa“ bia lên cơn”, làm bằng tí men với cồn 90 độ pha nước lã, rẻ tiền, mà rất mau “phê” nên từ thằng choai choai đến lão sồn sồn trong xã đều kéo tới tham gia. Phía bên chồng thấy tình hình ngày càng có vẻ xấu đi nhanh chóng, nên cử đứa em chồng tên là Ổi đến ở chung để giám sát hành vi cô chị dâu. Chú Ổi còn là xã đội phó du kích, dưới trướng có mười mấy tên vào du kích để trốn nghĩa vụ quân sự. Ông bà Cả (Cha mẹ chồng của Trinh) nghe tin đồn xấu về nàng dâu quí hóa, chồng chết chưa mãn tang đã “có vấn đề” bèn triệu hồi chú Ổi đại sứ về gấp. Thấy Ổi lấp ló trước sân, ông Cả hét :
- Về nhà sao không vô ? Còn lấp ló gì đó ? Sao mầy ?
Chú Ổi đi vô nhà, ấp úng hỏi :
- Dạ, cha hỏi chuyện gì ?
Ông Cả :
- Chớ tao sai mày chuyện gì không biết sao còn hỏi?
Chú Ổi ấp úng:
- Dạ lâu quá con không nhớ…
Ông Cả:
- Thiên hạ đồn con Trinh có bầu phải không ?
Bà Cả xen vào :
- Làm ơn nói nhỏ, hàng xóm nghe.
Ông Cả hạ giọng :
- Có không ?
Chú Ổi:
- Con không biết.
Ông Cả:
- Trời ơi ! Sai mầy qua bên đó coi ngó, sao không biết ?
Chú Ổi thật thà:
- Dạ để con về coi cái bụng chỉ đã lớn chưa ?
Tội nghiệp chú Ổi, chú vốn thiệt thà, ngày đêm theo đám du kích ăn nhậu, có khi trộm gà trộm chó về liên hoan. Chú không đủ năng lực theo dõi người chị dâu thoắt biến thoắt hiện, tinh quái quá quắt với một bầy đàn ông rậm rật chung quanh.
Ông Cả gắt :
- Tui tính lấy lại cái nhà ...
Bà Cả ngăn :
- Không được đâu, lấy lại nhà nó đem thằng Lắm ( cháu nội) về trả. Cái thằng hoang đàng ngỗ nghịch đó ông với tui chịu sao nỗi ?
- Vì thế mà phương án lấy lại nhà với “Cấm vận” kinh tế đối với Trinh không thực hiện được.
*
Trinh tin chắc lần này “Trở đầu con”, cái thai nó hành ghê quá. Hồi có thai thằng Lắm, Trinh nghe người ta nói, ốm nghén hôi cơm tanh cá, nàng cho là bày đặt thêm. Lần này Trinh mới biết ốm nghén khổ làm sao ! Hôm ở giếng nhà chung thấy mụ Tám Soan rửa cái đầu cá thu, máu loang ra, khó chịu trong người, gắng cầm nhưng trong miệng một thứ nước nhàn nhạt trào ra. Trinh cố giữ nhưng cuối cùng cũng phải ọe khan làm mụ Tám nhìn xoi mói nghi ngờ. Cả tháng sau, mỗi khi động đến cá tôm, Trinh mửa đến mật xanh mật vàng. Đến bữa,Trinh cũng chẳng dám động đến cơm canh, suốt ngày cứ quanh quẩn bên cây khế chua, tay cầm cái sào, tay cầm chén muối ớt. Ăn uống kiểu đó khiến cho Trinh sụt mất hơn tám kí, áo quần mặc rộng rinh.
Đến tháng thứ tư lại có biến chuyển. Trinh đói bụng và thèm ăn suốt ngày. Nàng đi từ đầu chợ đến cuối chợ, gặp thứ gì ăn thứ nấy. Cuối cùng thấy bà già ngồi bán khoai lang luộc, khoai lạnh ngắt, thâm sì, ruồi bu đen, cũng thèm.
Một hôm thằng Lắm ở nhà nấu cơm, ham chơi đá dế để cơm sống, nó lấy đũa gạt lớp trên, tính bỏ cho gà ăn. Trinh tiếc bốc ăn thử, thấy ngon. Từ đó nàng nấu cơm nửa sống nửa chín, báo hại chú Ổi với thằng Lắm phải ăn cơm sống suốt ba tháng. Sau thì nàng tiến thêm một bậc, cứ gạo sống bốc mà nhai. Có lần nàng nằm khóc quay mặt vô vách tường, thấy bức tường loang lỗ có chỗ trơ màu gạch đỏ, thấy ngon, Trinh đưa tay chấm thử bột gạch cho vào miệng, ngon thật. Từ đó mỗi lần đi chợ ngang qua bà già bán đồ gốm, Trinh mua cái om nhỏ về bẻ ra từng miếng ăn như tây đầm nhai kẹo sô cô la,
Thời kì này Trinh lên cân ngó thấy, áo quần chật cả. Lúc đầu đi đâu nàng còn vô buồng đóng cửa lại hì hà hì hục kéo quần jean, tới mông thì chịu, mà có nhờ người kéo lên được thì cũng không thể ngồi xỗm rửa mấy cái phin cà phê, hai đùi cứng như gỗ. Tới tháng thứ sáu, Trinh từ giả hẳn mấy bộ quần áo hiện đại, trở về với quần đen áo bà ba cố hữu.
*
Tình hình mấy “người nam” trong xã Cận Sơn này ngày càng xấu thêm. Mấy người bạn tình đã có thời chung vui với nàng đang lo sốt vó. Mỗi người tự đặt ra cho mình kế sách “mưu sinh thóat hiểm”. Sáu Tấn, chủ nhiệm hợp tác xã, đã từng có giai đọan “ chiếm thế độc canh”, một mình chiếm hữu nàng Trinh nữ, lão nghĩ mình tội nặng nhất, bây giờ lão lo sợ hơn ai cả . Lão này toan đánh bài tẩu mã. Nhân trong huyện có một xuất học trung cấp quản lí, ai cũng ngại về tỉnh học, lão xung phong đi. Lão nghĩ : Xong một năm, nghe ngóng tình hình, thấy yên, mình mò về ngồi lại ghế chủ nhiệm .
Mười Dư, nhà có nuôi mười hai con heo nai, tướng tá lão này khoẻ như trâu, giờ tự khai bệnh ho lao xin về trung tâm chống lao điều trị lâu dài lánh nạn. Tay Khanh, thư kí, chạy đâu ra cái giấy triệt sản hồi tháng mười năm ngóai. Với tờ giấy chứng nhận dỏm nay Khanh tin có thể thóat thân. Anh chàng Long làm công tác thủy lợi, tên thường gọi là Long thủy lợi, xung phong đi làm thủy lợi miền núi lâu dài. Nhân việc này anh được cái giấy khen...Anh Mười, anh Khanh, anh Long, và them mấy lão nữa, đã cùng nhau bàn kế hoạch “phá thế độc canh” của chủ nhiệm Sáu Tấn, sau đó ai cũng chia phần chiến lợi phẩm.
*
Trong số này còn có một nhân vật rất đặc biệt là anh Tình, nhà thơ, tuy thơ anh rất dở song anh là một tâm hồn thơ chính hiệu. Anh là thủ kho vật tư nông nghiệp. Anh chàng này hàng ngày ngồi phát phân bón thuốc trừ sâu, rỗi rảnh làm cả trăm bài thơ tình tặng nàng co phụ. Trong số bạn tình của nàng trinh nữ, chỉ có nhà thơ chịu thiệt thòi hơn cả. “Nói có mặt đèn” anh chỉ được một lần ở gốc cây khế, gần hủ nước cơm, vội vàng, chụp giật, chẳng ra làm sao cả. Nhưng cũng đủ gây cảm hưng để cho nhà thơ đã làm hai mươi tám bài thơ, gọi văn vẻ là nhị thập bát tú, lấy tên tập thơ là “Trái Rụng” để kỉ niệm sự kiện trọng đại ấy.
Trong đầu óc nàng trinh nữ được trang bị cái máy vi tính hiện đại. Trước tình cảnh khó khăn,”Kỉ niệm” lớn rất nhanh trong bụng nàng, mấy người bạn tình lần lượt trốn đi tị nạn. Nàng nhập giữ liệu, kich chuột, Computer cho nàng giải pháp: Chọn nhà thơ làm người ôm chung kỉ niệm ! Trưa đó Trinh đội nón thân chinh đi tìm nhà thơ. Anh ta cảm động vô cùng, sau khi nghe Trinh đổ tất cả trách nhiệm cho anh vì cái lần dưới gốc khế ấy gây ấn tượng mạnh mẽ nhất nên trái đã rụng. Đến nay nó đã nẫy mầm. Trinh nói xong ngừng lại, hồi hợp chờ đợi, mãi không thấy anh Tình nói năng gì, nàng tưởng anh ta kiếm đường thóai thác, ngờ đâu anh hỏi :
- Có bầu hả ?
- Ừ, có bầu, sáu tháng rồi, không phá được nữa, làm sao anh ?
Nhà thơ vốn u mê suy nghĩ chậm chạp, hồi lâu ngậm câm làm Trinh vô cùng hồi hợp. Một lúc sau anh chậm chạp nói:
- Có thì đẻ ra chớ làm sao ?
- Ai nuôi con ?
- Mình.
- Mình là anh với em ?
- Chớ còn ai vô đây nữa ?
Nàng trinh nữ thở phào nhẹ nhỏm, tự nhủ: “ Mô Phật, phúc đức ông bà ! Đã có người ôm chung kỉ niệm !”