Các anh chị em trong sci-edu (trong đó có nhiều giáo sư khả kính ở trong và ngoài nước như GS Nguyễn Đăng Hưng, Gs Nguyễn Văn Tuấn, Gs Hoàng Tụy, TS Lê Đăng Doanh, Gs Nguyễn Huy Lê, Gs Nguyễn Xuân Xanh, nhà văn Nguyên Ngọc…) đã có đọc và cho tôi một số phản hồi . Vì vậy tôi sửa lại tên anh Nguyễn Thế Hùng và thêm vào các Giáo sư khác như đề nghị của Gs Nguyễn Đăng Hưng và Gs Nguyễn Văn Tuấn. Mong anh đăng lại bài đã sửa này.
Cám ơn anh
Nguyễn Đức Hiệp
Mỗi tuần một số, Tạp chí khoa học Nature đều đăng bài bình luận và ý kiến trên trang đầu về các sự kiện quan trọng có liên quan đến nghiên cứu khoa học như cải tổ hệ thống nghiên cứu ở Âu châu, ngân sách nghiên cứu không gian ở Mỹ, tình hình chống bệnh sốt rét trên thế giới, bằng chứng đang xảy ra về sự thay đổi khí hậu.. Tất cả đều là những vấn đề trọng đại trên thế giới liên quan đến khoa học đáng được chú ý và bình luận.
Đặc biệt trong số ngày 20 tháng 10 2011 (1), tạp chí Nature không những đăng bài bình luận trên trang đầu mà còn có một bài phóng sự về sự kiện các học giả Trung Quốc dùng các bài báo khoa học liên quan đến Trung quốc đăng ở các tạp chí khoa học ở nước ngoài, trong đó có các tạp chí nổi tiếng như Nature, Science, Journal of Climate Change, để đăng kèm bản đồ Trung quốc có đường chữ U với 9 đường đứt đoạn (còn được gọi là đường "lưỡi bò") bao gồm hầu hết biển Đông trong các bài báo cáo này.
Bài binh luận trên tạp chí Nature cho rằng:
“Một xu hướng đáng ngại đang xuất hiện, đó là các nhà khoa học Trung Quốc lồng bản đồ đường lưỡi bò vào những bài báo khoa học của họ, với hàm ý nói rằng vùng biển bao bọc bởi 9 đường đứt đoạn là lãnh hải của Trung Quốc. Các nhà khoa học và công dân của các nước lân cận cảm thấy họ bị chọc tức bởi bản đồ đó. Có thể hiểu được sự tức giận của họ, bởi vì những bản đồ đó phần lớn chẳng có liên quan gì đến chủ đề bài báo mà các nhà khoa học Trung Quốc công bố. Việc lồng bản đồ đường lưỡi bò vào bài báo không phải là một phát biểu khoa học - đó là một phát biểu chính trị, và hình như các nhà khoa học Trung Quốc làm việc này theo chỉ thị của Chính phủ Trung Quốc. Đó là một yêu sách về chủ quyền lãnh thổ, và yêu sách này xuất hiện không đúng chỗ”.
“Trong vấn đề này và những tranh chấp quốc tế khác, (tạp chí) Nature có quan điểm là các nhà khoa học nên dựa vào và đứng về khoa học. Các tác giả nên cố hết sức phi chính trị hóa những bài của mình bằng cách tránh các lời bình luận nóng bỏng, các câu phát biểu gây tranh cải, và những khoanh vùng tranh chấp trên bản đồ. Nếu các điều trên không thể tránh được, thí dụ như nếu một bài nghiên cứu về tài nguyên của một quốc gia cần xem xét một đảo nào đó có thụộc vào nghiên cứu không, thì bản đồ có đảo đó nên được ghi là ‘đang tranh chấp’ hay tương tự như vậy. Trong các bài đăng ở Nature, ban biên tập có quyền đăng những ghi chú như vậy nếu tác giả không làm điều đó. Bằng cách tránh những tranh cãi, những nhà nghiên cứu nào không mang chính trị xâm nhiểm vào khoa học của mình sẽ có các cánh cửa hợp tác mở rộng và vì thế mang lại những lợi ích cho những nghiên cứu của mình. Thêm nữa qua điều trên, các nhà nghiên cứu cũng giúp được trong sự giảm bớt căng thẳng chính trị, chỉ ra con đường có lợi cho các bên và làm được một ích lợi ngoại giao.”
Trước đây không lâu ngày 29 tháng 7 2011, khi tạp chí Science đã có đăng một bài của học giả Trung Quốc X. Peng liên quan đến dân số ở Trung Quốc (3), và qua sự phản ảnh của các nhà khoa học Việt Nam, ban biên tập đã có viết chú thích trong số sau ngày 30 tháng 9 2011 (4) là tạp chí Science khi đăng bài có kèm bản đồ Trung Quốc có 9 đường đứt đoạn không có nghĩa là tạp chí Science ủng hộ bản đồ đó và hoàn toàn trung lập trong sự tranh chấp giữa các nước ở biển Đông. Và Science cũng thêm là tạp chí Science ”xem xét lại thủ tục chấp nhận đăng bản đồ để chắc chắn rằng trong tương lai tạp chí Science không bị hiểu lầm là ủng hộ hay đứng về phía nào trong các sự tranh chấp về lãnh thổ”
Lần này bài bình luận trên Nature, tập san khoa học hàng đầu trên thế giới, có kết quả tích cực hơn nhiều, mang đến sự chú ý của cộng đồng khoa học về sự chính trị hóa trong lãnh vực khoa học mà Trung quốc qua các nhà khoa học của họ mang đến. Như vậy là ý định mà Trung quốc định len lỏi mang tuyên bố chủ quyền của mình ở biển Đông qua đường 9-đoạn qua cửa sau để được chấp nhận như sự kiện đã rồi nay đã bị nhiều người biết được và chú ý đến.
Đây là kết quả mà các nhà khoa học Việt Nam có uy tín ở nước ngoài đã phản ảnh viết thư và gởi bài đến các tạp chí chỉ rõ về sự sai trái của chính quyền Trung quốc có ý định mang bản đồ có đường 9-đoạn không đúng với Luật biển của Liên Hiệp quốc (United Nations Convention on the Law of the Sea, UNCLOS) lồng đăng trong các bài ở các tạp chí khoa học với mục tiêu coi như đó là đã có chấp nhận sư việc về chủ quyền của mình ở biển Đông
Bài bình luận trên tạp chí Nature đã hoàn toàn vạch rõ và phá hỏng ý định mang chính trị vào khoa học trên của Trung Quốc. Sự thành công này một phần lớn là do sự hiệp lực chung của các nhà khoa học Việt Nam thông qua các diễn đàn trên mạng như Sci-edu. Khi phó giáo sư Phạm Quang Tuấn (Đại học New South Wales) thông báo trên diễn đàn cho biết về sự kiện bài của tác giả có đường chữ U 9-đoạn được đăng ở Science (3), các nhà khoa học đã lên tiếng là phải phản ảnh sự phi khoa học khi lồng bản đồ có 9 đường đứt đoạn của bài báo này đến tạp chí này. Bài của phó giáo sư Phạm Quang Tuấn, với nhiều chữ ký của các nhà khoa học trong và ngoài nước, gởi tạp chí Science và cùng với các lá thư khác của các nhà khoa học Việt nam như Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Viện nghiên cứu y khoa Garvan, Sydney) và các giáo sư, giảng viên ở Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã có tiếng vang và Science đã phải ghi chú.
Ngoài ra các nhà khoa học khác như Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng (Bỉ), Kỷ sư Nguyễn Hùng (Úc), Giáo sư Lê Văn Út (Phần Lan) cũng đã gởi thư với chữ ký của 57 nhà khoa học trong và ngoài nước trong đó có Giáo sư Hoàng Tụy, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nhà văn Nguyên Ngọc, Giáo Sư Phạm Duy Hiển… đến nhiều tạp chí khoa học khác phản ảnh về bản đồ có 9 đường đứt đoạn, trong đó có tạp chí Nature, một tạp chí khoa học quan trọng nhất trên thế giới.
Lần này khi tạp chí Nature nhận được thư phản đối, sự kiện này và trước đó ở Science đã làm ban biên tập tạp chí Nature tìm hiểu thêm để biết rõ về tình hình tranh chấp ở biển Đông giữa các nước và ý định chính trị hóa trong khoa học của các tác giả người Trung Quốc. Trước đây năm 2010 tạp chí Nature cũng đã đăng bài của tác giả Shilong Piao và đồng nghiệp có kèm bản đồ Trung quốc với 9 đường đứt đoạn (5). Vì thế ban biên tập Nature đã ra bài bình luận mạnh mẽ nhất về vấn đề này và cũng đăng bài tường thuật của phóng viên David Cyranoski.
Phóng viên David Cyranoski (2) đã tiếp xúc và phỏng vấn các nhà khoa học Việt nam như giáo sư Phạm Quang Tuấn và giáo sư Nguyễn Văn Tuấn và sau đó đã viết một bài trong cùng số đăng ở Nature đúc kết về hiện tình tranh chấp ở biển Đông gồm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và sự kiện bản đồ TQ có đường 9-đoạn bao gồm hầu hết biển Đông đã được các nhà khoa học Trung quốc (qua sự bắt buộc của chính quyền Trung quốc) phải dùng khi bản đồ được đính kèm trong các bài gởi đăng ở các tạp chí khoa học.
Kết quả của sự cố gắng của các nhà khoa học Việt Nam ở trong và ngoài nước cho thấy sự hữu hiệu của một xã hội công dân khi người dân, như các nhà khoa học đã chung sức hành động, tự mình đứng ra làm thay vì trông mong hay chờ đợi vào sự hành động của chính phủ trong những vấn đề liên quan đến xã hội và đất nước.
Tham khảo
-
Unchartered territory, Nature, 20 October 2011, Vol. 478, page 285.
-
David Cyranoski, Angry words over East Asian seas, 20 October 2011, Vol. 478, pp. 293-294.
-
Peng, X., China’s demographic history and future challenges, Science, 333, 29 July 2011, pp. 581-587
-
Bradford, M., Science, 333, 30 September 2011, pp. 1824.
-
Piao, S., et al., The impacts of climate change on water resources and agriculture in China, Nature, Vol. 467, 2010, pp. 43-51