Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.197
123.151.217
 
Cái Gia Gia Là…Cái Nhà!
Vương Trung Hiếu

A. Đọc bài “Cái gia gia chẳng là… cái gì cả!” của nhà nghiên cứu An Chi trên Văn chương Việt tôi thấy có vài điểm cần trao đổi, vì vấn đề này liên quan đến một bài thơ nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan. Ông An Chi viết: “Hai câu 5 và 6 trong bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan vẫn được các nhà nghiên cứu và các nhà biên soạn có uy tín ghi là: Nhớ nước đau lòng con quốc quốc / Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”. Ông khẳng định một cách dứt khoát rằng “cái gia gia… là một cấu trúc hoàn toàn vô nghĩa.”; “ba tiếng cuối của câu 5 (con X X) và ba tiếng cuối của câu 6 (cái Y Y) trong bài thơ tạo thành hai ngữ danh từ chỉ hai giống chim”; “con trong câu 5 thì đau lòng vì nhớ nước còn con trong câu 6 thì mỏi miệng vì thương nhà. Vậy thì con trong câu 6 là con gì? Thưa đó là con đa đa”. Sau một đoạn dài dẫn chứng về ngữ âm, ông đề nghị nên viết:

 

Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc

Thương nhà mỏi miệng cái đa đa

 

Ông An Chi cho rằng “con cuốc cuốc” là chim  cuốc và “cái đa đa” là chim đa đa, song tôi lại nghĩ khác đôi chút. Về điều này tôi sẽ bàn sau, còn bây giờ xin nói về cách dùng từ của ông An Chi.

 

- Thứ nhất, cách dùng từ  “giống” để nói về hai loại chim kể trên chỉ là cách gọi thông thường trong dân gian, chứ không phải là cách gọi khoa học. “Chim cuốc” và “chim đa đa” ở đây cần xác định là hai loài chim chứ không phải hai giống chim. Bởi vì, có năm bảy giống chim cuốc, chim đa đa trên thế giới, mỗi giống lại có một số loài và vài loài chỉ phân bố ở những châu lục khác, hoàn toàn không xuất hiện ở Việt Nam. Do đó, cách gọi chung là giống sẽ không chính xác. Trong sinh học, khái niệm “giống” (tiếng La tinh: số ít genus, số nhiều genera) là một đơn vị phân loại, dùng để chỉ một hoặc một nhóm loài có kiểu hình tương tự và mối quan hệ tiến hóa gần gũi với nhau. Tên khoa học của một loài bất kỳ thường có hai chữ in nghiêng: chữ thứ nhất là tên giống (hay chi) viết hoa, chữ thứ hai dùng để chỉ một đặc điểm nổi bật của loài. Thí dụ: giống chim cuốc (còn gọi là chim cu cu, chèo chẹo hay bắt cô trói cột tùy theo loài.), giống này có khoảng 16 loài trở lên (Cuculus crassirostris, Cuculus sparverioides,; Cuculus varius, Cuculus vagans, Cuculus fugax, Cuculus pectoralis, Cuculus solitarius…). Trong trường hợp tên loài có thêm chữ thứ ba thì đó là thường từ chỉ tên người đã phát hiện và mô tả loài chim ấy đầu tiên.

 

- Thứ hai, ông An Chi phản đối cách viết “cái gia gia” và cho rằng cụm từ này là “cấu trúc hoàn toàn vô nghĩa”. Vậy, thưa ông, nếu viết là “cái đa đa” như đề nghị của ông thì có dễ hiểu hơn không? Xin thưa là không. Nếu viết là “chim đa đa” hay “con đa đa”, người đọc có thể hiểu ngay đó là một loài chim, còn khi viết “cái đa đa” thì khó mà hiểu nó là cái gì, chứ đừng nói đến nghĩa của một loài chim.

 

B. Trong bài, ông An Chi không đồng ý quan điểm của Nguyễn Quảng Tuân vì học giả này cho rằng “quốc quốc” và “gia gia” chỉ là một cách chơi chữ. Còn khi Nguyễn Quảng Tuân đề nghị hai câu luận trong bài Qua Đèo Ngang tức cảnh của Bà Huyện Thanh Quan nên chép là “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc / Thương nhà mỏi miệng cái gia gia” thì ông An Chi cũng không đồng ý rồi cho rằng nên viết là “con cuốc cuốc, cái đa đa”. Cách viết này đã chính xác chưa? Chúng ta biết rằng bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan viết bằng chữ nôm, hiện nay bài thơ này có bốn, năm dị bản chữ Nôm, còn dịch sang tiếng Việt hiện đại thì có bảy, tám bản trở lên. Hai câu thơ trên trích từ một bản dịch tiếng Việt đã rất nổi tiếng, nhiều người biết, được sử dụng trong sách giáo khoa trung học từ nhiều năm nay.Tôi cho rằng viết như thế là chấp nhận được, tuy nhiên cũng đề xuất thêm một cách hiểu khác. Theo cách giải thích thông thường (không tính biệt lệ), “con” là từ thường dùng để chỉ một vật chuyển dịch được, còn “cái” là từ thường dùng để chỉ một vật không chuyển dịch được. “Con quốc” là con cuốc, khi viết “con quốc quốc” là sử dụng thủ pháp điệp từ để làm tròn số chữ và cũng là cách tạo vần cho câu, ngoài ra cũng là cách để đối với chữ “gia gia” ở câu dưới. Tôi đồng ý rằng “con quốc quốc” ở đây chính là con cuốc, một cách mượn âm quốc quốc (國 國) để nói đến nghĩa bóng là “nước” (quốc gia). Còn khi viết “cái gia gia” là nói về chim đa đa (đọc “gia gia” thành “da da” hoặc “đa đa”) với nghĩa bóng là cái nhà để đối lại với “quốc quốc”. Tại sao tôi nghĩ như thế, để hiểu rõ hơn về điều này, chúng ta khảo sát hai câu trong bài “Đèo Ngang tức cảnh” (Hoành giáp tức cảnh -橫 岬 即 景), trích từ  “Thiên Tinh Lữ Xá thu tập” - 千 星 旅 舍 收 集, 2011 (Wikipedia tiếng Việt):  

懷 國 杜 鵑 啼 國 國

思 家 鷓 鴣 鳴 家 家

Âm Hán Việt:

Hoài quốc đỗ quyên đề quốc quốc

Tư gia giá cô minh gia gia

 

Nghĩa:

Nhớ nước đỗ quyên kêu quốc quốc,

Thương nhà chim ngói gọi gia gia.

Người dịch đã nhận thức rất rõ trong câu thứ nhất nói về chim Đỗ Quyên, còn trong câu thứ hai nói về chim quốc nên mới viết “杜 鵑 啼 國 國” (Hoài quốc đỗ quyên đề quốc quốc) và “鷓 鴣 鳴 家 家” (Tư gia giá cô minh gia gia).


Đỗ quyên” (杜 鵑) trong câu thứ nhất có nghĩa là “con chim quyên, chim quốc hay chim cuốc. Trong bài “Độ Hoài hữu cảm Văn Thừa Tướng” ( ) Nguyễn Du viết: “Ai trung xúc xứ minh kim thạch / Oán huyết quy thời hóa đỗ quyên (哀衷觸處鳴金石, 怨血歸時化杜鵑) có nghĩa là “Nỗi thương cảm thốt ra chỗ nào đều reo tiếng vàng tiếng đá / Máu oán hận lúc trở về hóa thành chim quốc”. Cái từ “Văn thừa tướng” mà Nguyễn Du nhắc đến chính là Văn Thiên Tường (文天祥,1236-1282), người giữ chức Thừa Tướng trong triều Nam Tống (南宋), còn “Hoài” là sông Hoài thuộc phần đất hai tỉnh An Huy (安徽) và Giang Tô (江蘇). Khi bị người Kim đánh bại, nước Tống phải cầu hòa bằng cách cắt đất dâng nạp cho người Kim và lấy sông Hoài làm ranh giới (phía Bắc sông Hoài trở lên thuộc về nước Kim, còn từ phía Nam trở xuống thì thuộc về nhà Tống). Vì quá đau buồn trước cảnh chia cắt đó, Văn Thiên Tường đã viết: “Tòng kim biệt khước Giang Nam lộ / Hòa tác đề quyên đái huyết quy”(從今別卻江南路 / 化作啼鵑帶血歸) có nghĩa là “ Từ nay cách biệt Giang Nam / Khi trở về sẽ thành con chim cuốc kêu ra máu”.


Trong quyển Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển, “Đỗ Quyên” còn có tên là Tử tuấn, Dương tước, Oán điểu chu yên… Ngoài ra nó còn hai tên khác có nguồn gốc từ điển tích Trung Hoa, đó là tử quy (子規) và đỗ vũ (杜宇).


Riêng về từ “giá cô” (鷓鴣) hay “chá cô” trong câu thứ hai chính là danh từ, nằm trong bộ điểu (鳥),  có nghĩa là chim ngói,  đa đa hay gà gô, một loài chim có tên khoa học là Francolinus pintadeanus,  thuộc giống Francolinus, họ Trĩ. Trước đây có khoảng 40 loài chim đa đa thuộc giống này, nhưng ngày nay người ta đã tách ra, xếp chúng vào những giống khác. Có 5 loài đa đa phân bố ở châu Á (loài ở đây phân bố tại Việt Nam, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Myanma, Philippin và Thái Lan), những loài còn lại đều cư trú tại châu Phi. Theo Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn (漢越辭典摘引), loài chim này có thân to như chim cưu (鳩), đỉnh đầu màu tía, lưng xám tro, mỏ đỏ, bụng vàng, chân đỏ thẫm, đậu thành đàn trên đất, làm tổ trong hang hốc đất. Trong Bản Thảo Cương Mục, loài chim này còn được gọi là Việt trĩ.


Động từ “啼” (đề) trong câu thứ nhất thuộc bộ Khẩu (口), có nghĩa là “kêu” hoặc “kêu khóc”. Thí dụ, trong bài Ngẫu đề (偶題), Nguyễn Du viết “Thập khẩu đề cơ Hoành Lĩnh bắc” ( 十口啼饑橫嶺北) có nghĩa là “ Mười miệng kêu đói ở phía bắc Hoành Sơn”. Còn động từ “鳴” (minh) trong câu thứ hai thuộc bộ Điểu (鳥), có nghĩa là “kêu, gáy, hót, rống” (chim thú, côn trùng). Thí dụ: “Viên minh” (猿鳴) có nghĩa là “vượn kêu”; “kê minh” (雞鳴) là “gà gáy”.

 

Trong cụm từ “đề quốc quốc”, chữ “quốc” () là danh từ, nằm trong bộ Vi (囗), có nghĩa là “nước, có dân, có chủ quyền”. Thí dụ: Trung quốc (中國), Mỹ quốc (美國). Còn từ “gia” () là danh từ, nằm trong bộ miên (宀), có nghĩa là “nhà (chỗ ở)”. Thí dụ: hồi gia (), tức “trở về nhà”. Từ “quốc” và “gia” trong hai câu thơ trên chính là từ “quốc” và “gia” trong Nhớ nước đau lòng con quốc quốc / Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”. GS. TS. Nguyễn Ngọc San (1) cho biết, trong những dị bản chữ Nôm hiện nay của bài Qua Đèo Ngang,  từ “quốc” được viết là 蟈 hay 돐, còn “gia” thì viết giống nhau, cách viết “quốc” hay “cuốc” là do người phiên âm. Theo ông “Đa đa có thể biến âm thành DA DA, giống như các trường hợp sau: Đình → Dừng; Đao → Dao; Đốc (tâm) → Dốc (lòng); Đẩy → Dẩy ... Giữ DA DA và GIA GIA không có gì khác nhau vì lúc này đã có sự xoá nhãn giữa đối lập D > < GI. Phiên là DA DA hay GIA GIA là do người phiên âm, và cũng để phô tài chơi chữ của tác giả”.

 

C. Trong một lần vào mạng Internet tôi tình cờ phát hiện ra bài “Từ “mèo hóa cáo” đến “gà hóa quốc” của ông An Chi, đăng trên tạp chí Người đô thị, trong đó có bàn về từ cuốc, vì thế tôi xin phép trao đổi luôn ở đây. Ông An Chi viết : “Đỗ quyên 杜鵑 là tên một loài chim thuộc họ Cuculidae mà tên khoa học là Eudynamys scolopacea, tức chim tu hú, chứ không phải là con cuốc, như nhiều người đã hiểu nhầm”.Trong Từ điển Truyện Kiều (Nxb KHXH, Hà Nội, 1974), Đào Duy Anh đã giảng chữ quyên này một cách hoàn toàn chính xác: “Chim đỗ quyên vốn là chim tu hú, hay kêu về mùa hè. Ở nước ta nhiều người lộn nó với chim cuốc cũng kêu về mùa hè, do tiếng nó kêu “quốc quốc” mà liên hệ với điển Vọng-đế chết hóa thành chim đỗ quyên”. (tr. 322). Ông An Chi dựa vào từ điển của học giả Đào Duy Anh để nhận định như thế. Thoạt nhìn, cụ Đào Duy Anh nói quá có lý, tuy nhiên, trên thực tế, chim tu hú thuộc giống Eudynamys, họ Cuculidae (họ cu cu); còn chim Đỗ Quyên lại thuộc giống Cuculus, họ Cuculidae, có tên khoa học là Cuculus poliocephalus.  Trong tiếng Hán chim tu hú chính là “táo quyên” (噪鹃) (2), với từ “quyên” (鹃) là cách viết giản thể của  chữ quyên ( 鵑) trong đỗ quyên. Tóm lại, hai loài chim tu hú và đỗ quyên cùng họ nhưng khác giống, cộng với từ “quyên” giống nhau giữa táo quyên và đỗ quyên nên học giả Đào Duy Anh mới giảng lầm, dẫn tới việc ông An Chi… “trật đường ray” theo. Vậy, chắc chắn rằng đỗ quyên không phải là chim tu hú, mà chính là chim quốc (chim cuốc) như đã trình bày ở trên. Điều này có thể tìm thấy trong nhiều quyển từ điển chữ Hán hay Hán – Việt, thí dụ như Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn, Từ điển Thiền Chửu…

 

Xét về tên khoa học của chim tu hú, ông An Chi đã nói đúng là Eudynamys scolopacea, tuy nhiên đây chỉ mới là tên của một loài chim tu hú, chính xác hơn thì nên gọi là “chim tu hú châu Á” hay “chim cu cu châu Á”... Nếu gọi chung là chim tu hú, cần phải dùng khái niệm rộng hơn, đó là từ chỉ giống “Eudynamys”, bởi vì trong giống này, ngoài loài ông An Chi đã nêu, còn có loài  Eudynamys melanorhynchus, Eudynamys orientalis, Eudynamys (orientalis) cyanocephalus và Eudynamys taitensis.

 

Kế tiếp, ông An Chi nhận định: “loài cuốc hiện có tại Việt Nam thì tiếng Hán lại gọi là khổ ác điểu â ¹, đầy đủ hơn thì là bạch hung khổ ác điểu ? ¹ â ¹ , lấy ý từ tiếng Anh white-breasted waterhen (tiếng Pháp là râle à poitrine blanche). Tên khoa học của nó là Amaurornis phoenicurus. Và một lần nữa ông An Chi khẳng định “cuốc và đỗ quyên (tức tu hú) là hai loài hoàn toàn khác nhau”. Con “ác điểu” mà ông An Chi nói chính là con cuốc ngực trắng, một loài chim nước thuộc họ Gà nước (Rallidae), người Trung Quốc còn gọi là “Bạch phúc ương kê” (白腹秧雞), tức loại gà nước bụng trắng. Tên khoa học của loài cuốc này viết đầy đủ phải là : Amaurornis phoenicurus chinensis (Boddaert). Có lẽ ông An Chi nghĩ rằng ở Việt Nam chỉ có loài cuốc này nên mạnh dạn khẳng định “cuốc và đỗ quyên (tức tu hú) là hai loài hoàn toàn khác nhau”. Trên thực tế, tại Việt Nam còn có những loài chim cuốc khác: “cuốc nâu” (tên khoa học là Porzana paykullii); đỗ quyên, còn gọi là tiểu đỗ quyên hay cu cu nhỏ, có tên khoa học là Cuculus poliocephalus, thuộc giống Cuculus, họ Cuculidae – một loài mà nhiều văn bản Trung Quốc đã đề cập tới. Ở Việt Nam, chim cuốc còn được gọi bằng những cái tên khác, đó là cu cu, chèo chẹo, bắt cô trói cột. Những loài này cũng thuộc giống Cuculus, thí dụ như cu cu (Cuculus canorus), cu cu phương đông (Cuculus saturatus), chèo chẹo lớn (Cuculus sparverioides), bắt cô trói cột (Cuculus micropterus)…Từ những dẫn chứng này, tôi xin phép nhắc lại: “đỗ quyên chính là chim cuốc chứ không phải là chim tu hú”.

 

Lời kết: Việc phân tích từ ngữ của bài Qua đèo Ngang mà dựa vào văn bản dịch sang tiếng Việt hiện nay có thể khó thuyết phục, vì có mỗi người có quan điểm riêng. Hy vọng rằng trong tương lai, có công trình nghiên cứu bài thơ này qua các bản chữ Nôm, một công trình xuất sắc, nhận định chính xác, đủ sức thuyết phục mọi người. Mong lắm thay!  

 

Chú thích:

(1) Thử bàn về vấn đề phiên Nôm, GS. TS. Nguyễn Ngọc San, Trường Đại học Sư phạm, Hà Nội
Hội nghị Quốc tế về chữ Nôm 12,13-11-2004. Thư viện Quốc gia Việt Nam – Hà Nội.

(2) (学名:Eudynamys scolopacea)

为杜鹃科噪鹃属的鸟类,俗名鸟、鬼郭公、哥好雀、婆好。分布于印度、斯里兰卡、南太平洋诸岛、台湾岛以及中国大陆的自四川东向秦岭至淮河、长江口及这范围以南大陆、海南等地,一般活动于居民点附近树木茂盛的地方、从山地的大森林至丘陵以及村边的疏林都有踪迹。该物种的模式产地在孟加拉国。(Wikipedia).

 

Vương Trung Hiếu
Số lần đọc: 4242
Ngày đăng: 27.10.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tạp chí khoa học Nature lên tiếng về sự chính trị hóa trong khoa học qua đường chữ U 9 đoạn ở Biển Đông - Nguyễn Đức Hiệp
Lời Cuối Cùng Thưa Với Ông An Chi ! - Hà văn Thùy
Một phần ba ông Gia Cát - An Chi
Viết khi đọc: Đạp Chân Vào Bầu Trời(1) của Nguyễn Viện - Nguyễn Hồng Nhung
Quán Văn ra mắt văn học nghệ thuật số 001 ngày 15-10-2011. - Nhiều Tác Giả
Hợp chất hữu cơ tạo nên Hiến pháp Mỹ - Lê Hải*
Một thoáng Việt Nam giữa lòng châu Âu - Lê Hải*
Lục bát Phạm Xuân Trường - Đặng Văn Sinh
Câu Chuyện Củ Những Cánh Lá - Hào Vũ
Cuộc Trải Nghiệm Của Hành Trình Cách Viết, Cách Đọc Mới. - Trần Hữu Dũng
Cùng một tác giả