Chị Đạo ra chợ lúc ông già Nhận chưa chợp mắt. Cả đêm thức trắng đánh bài ông đã mỏi. Con bò nhà tám Thị đói cỏ kêu vang. Thằng Bốn trở mình rời chiếc chõng tre mọt ăn rập một chân, nói lờ mờ tỏ ý bực bội đối với giấc ngủ vừa bị phá tan. Con bò rống to hơn, chân đạp vào mấy phiến gỗ hai bên sương âm thanh nghe ồn ào lập dị. Lão tám Thị không ngủ được, vùng dậy vén màn cửa chõ mồm qua nhà chị Đạo rủa ngắn rủa dài. Thằng Bốn chạy vội ra ngoài, vượt hàng rào đến sau vườn khi lỗ tai đã ù, chân bước chập choạng như say rượu len qua mấy gốc mía… Ông già Nhận quai miệng ngáp, vói tay đỡ chiếc điếu sành nhồi thuốc hít một hơi dài. Tiếng lục đục kéo lên bỡi nước phảng phất tiếng bom dội lại từ xã bên kia sông. Hai ngày qua cuộc chiến vẫn chưa ngã ngũ. Đứa nhỏ con chị Đạo choàng dậy hét to lên đòi bú…
Thằng Bốn hiện nơi ngưỡng cửa ăn lan ra phía sau có gió lùa vào ớn lạnh. Cái đầu cúi xuống sợ sệt:
-Từ tối đến giờ không ngủ ông cho con vào nằm một lát. Người mỏi rừ in như gai góc xuyên từ đầu xuống gáy.
Lão Nhận bật ngồi dậy chân hạ xuống nền đất đỏ. Đôi mắt cú vọ nhìn thằng Bốn nẩy lửa. Tay chới với trong không khí nom lộ liễu. Thằng Bốn đứng chết trân, ngó về phía đứa bé đang lên cơn, chân khuyềnh khoàng bước, ngồi xuống nâng nó dậy, cuốn tấm mền len rách lỗ chỗ lê tận cổ ru à ơi. Lão Nhận vươn vai hỏi thằng Bốn “Con Hai đâu rồi? Vừa mờ sáng đã đi lung tung”. Thằng Bốn trả lời không xuôi “Hồi nãy ra chuồng bò đổ cỏ con thấy chị Đạo xách cái giỏ lẽo đẽo theo xa lộ rẽ xuống ngõ mát”. Lão Nhận nói cơ hồ không có ác ý “Con bé khùng đó thế nào cũng có ngày xe cán. Nghe tin chồng nó về nó đeo và lo dai như đỉa”. Thằng Bốn cười nói thực vui “Chị Đaọ xa anh Tản mấy năm rồi, không nhớ sao được bác”. Trời sáng căn nhà bớt tối hơn lúc lũ bò kêu. Tiếng chị Lách rao hàng ngoài ngõ trong văn vắt.
Cửa bật mở. Một người lính Biệt động nhào vào nhà hỏi lờ mờ “Chỗ ni hôm qua bọn nẫu chính qui lọt vào ba bốn thằng đặt pờ-lát-tích giết hơn chục người. Bọn quỉ ấy chưa đi đâu xa. Yêu cầu dân làng khai báo”.
Lão Nhận đột ngột đến cạnh người lính, hỏi trớ lại ấm a ấm ớ.
-Các ông tìm nẫu? Nẫu nó đặt pờ-lát-tích ở đâu?
Người lính bóp mạnh chiếc mũ nâu cũ rích, nói vớt lại câu gì đó in như tỏ ý trách lão già không biết việc công. Rồi lủi thủi bước đi, gót giầy nện mạnh xuống đất nỗi bực tức đang lên cao.
Lão Nhận hút hết bốn điếu thuốc thơm để dành được trong canh bạc hồi đêm. Khói bay lên um nhà, không khí ấm và khô mỏi mệt. Thằng Bốn cười vô tư, đôi gò má nhô cao bóng bẩy gượng gạo với nụ cười không tình cảm. Ngoài lộ người tị nạn chật ních lối đi.
Bụi bay mù trời…
*
Chị Đạo ngồi trước sạp hàng tay mân mê trái táo cọng úa già chờ mụ Sạp trả giá xong xuôi. Chị nhét vội chục bạc vào túi, mắt lơ láo nhìn về phía trụ sở với hy vọng mong manh hiện lên nơi khuôn mặt rũ tối. Những lúc ngồi ôm con cho bú lơ đãng bó lại búi tóc rối rắm chị chẳng thấy nỗi vui dù đứa bé tỏ ra ngoan ngoãn hết sức. Chị Đạo nhớ lại hồi mới cưới anh Tản, bà con làng xóm xúm lại chật đông chúc mừng đôi vợ chồng. Chú Bính uống rượu khoẻ nhất bữa tiệc, luôn mồm bảo vợ chồng chị xứng đôi vừa lứa “sinh con không tướng cũng tá”. Chị Đạo khi ấy chỉ biết vui một mình. Nỗi vui chưa được bao lâu thì anh Tản bị nẫu về dẫn đi. Đêm hôm ấy anh Tản tựa hồ đã đoán ra việc đổ bể hạnh phúc của mình, cầm tay chị Đạo trao cho chị chiếc nhẫn cưới bảo rằng ở nhà sinh đứa nhỏ, cho nó đi học, anh đi có chết mới về. Chị Đạo khóc âm thầm kêu gào đã rát cổ nhưng không ai nghe. Thằng nẫu to đầu nhất đá chị một cái văng ra xa rồi kéo anh Tản đi. Chị nghe lòng mình se lại. Đời chị còn gì ngoài bữa ăn thiếu một người thân, những đêm nằm ngốn nghiến nỗi buồn đắng ngắt.
Ngoài lộ có tiếng ồn ào rất thanh. Bọn nhỏ ùa từ khắp ngả đường, chạy vấp ngã lung tung. Chị Đạo hoảng hốt bước mau ra ngõ. Bụi trước mặt tung lên mờ mịt. Dân địa phương bu quanh chiếc xe để trần trên có gác ống loa xoay đầu lại phía chợ. Thằng Hấn con mụ bán thịt lậu ở sát chợ gặp chị Đạo nói rang rảng “Xe đó mà đi chắc có chuyện lạ”. Chị Đạo hỏi bâng quơ “Sao chú biết rõ?”. Thằng Hấn cười nắc nẻ, điệu cười nhe hàm răng bợn đen bám đầy. “Ngày nào cũng lên trụ sở làm việc. Tôi còn lạ gì những tin tức phát khởi từ đó”. Chị Đạo lùi dần ra sau khi đôi mắt thằng Hấn đã đỏ, giây phút thân mật đã chấm dứt để nhường chỗ cho tình cảm mới dấy động âm thầm. Tiếng nuốt nước miếng ừng ực nghe lạo xạo, mơ hồ. Chị nhìn xuống ngực mình thấy răn cứng lộ liễu hơn bao giờ. Lúc uể oải ngồi xuống chiếc giường tre ọp ẹp kê khập khiễng, chị Đạo đã đề phòng sự va chạm giữa chị và người đàn ông cởi trần nằm trơ trẽn trên đó. Dáng nằm co quắp lại trông khó khăn. Chị thẫn thờ đưa mắt nhìn về phía chiếc xe có người lính nháo nhác đuổi bọn nhỏ đang cố trèo lên sờ mó ống loa như mới thấy một vật lạ. Có nhiều câu chửi bới được vung ra dài dòng lẫn thô tục. Bọn nhỏ đã bớt nghịch ngợm, chúng rời xa chiếc xe vô tư lự. Chị Đạo ngắm chúng tựa hồ ngắm một bảo vật mình đã mất. Hồi còn nhỏ, chị đã lắm chuyện buồn. Chuyến xe đò bò lên rừng đốn củi cướp luôn đời mẹ chị. Bà Nhận chết mất thây bên con suối nước đen lả chả. Dòng nước bây giờ còn đó. Chiếc am nhỏ cất lên bây giờ còn đó. Chị biết bổn phận mình đối với người mẹ già đã xong nhưng sao nỗi buồn vẫn thấy vụt khởi những lúc lão Nhận nhắc đến tên vợ, kể lể dăm ba câu chuyện hồi còn nhỏ qua cái mồm sặc mùi rượu không biểu lộ một tình cảm nào, dù nhỏ nhặt nhất. Hồi ở bìa rừng lúc chưa loạn, chị Đạo đôi lần đang đêm nhớ người mẹ già âm thầm bước ra con suối nước, cây cối khai hoang dưới ánh trăng chỉ còn nổi gô lên vùng đất sần sùi cằn cỗi. Chị đứng trước am dâng lên vài nén hương mua được lúc về chiều. Nét mặt bất thần nom lảo đảo. Chị cảm thấy hơi lạnh bám vào gáy. Khi tưởng tượng ra người mẹ đang ngồi cạnh mình với manh áo máu thấm ướt đỏ hỏn. Chị quay vụt lại khóc ré lên điên điên tỉnh tỉnh chạy qua cổng xã lọt vào nhà.
Người đi chợ xúm lại nhau bàn tán ồn ào. Chị Đạo len lén lại gần xem. Bà Bé miệng nhai tóp tép bã trầu nói lảm nhảm “Nhà thím Lựu đêm qua đánh bạc suốt đêm. Hai thằng nẫu lén vào đặt chất nổ chết hết sạch. Thím Lựu cụt mất đầu xác còn để đó thúi rình…”.
Chị Đạo vội vã dời hàng ba về nhà khi tiếng loa tiếng người ồn ào nói tối nay có pháo kích. Mối ưu tư của chị in như đã bị lấp kín bởi một xáo động tâm hồn nào đó thật nhẹ cũng thật hay. Quán Vạn Thọ cách đó hai ba bước bỗng phát ra tiếng đe doạ chửi bới bằng tay chân. Chị Đạo quay lại sửng sốt thấy trước mặt mình thằng Hấn đang nhe răng cười, mặt đeo chiếc gương to màu đen xám cố che tầm mắt thèm khát giấu sau lưng. Chị bước đi thật mau, rẽ bọn nhỏ đang chơi cút bắt lần về phía trụ sở.
*
Chị Đạo về nhà khi ông già Nhận đã qua bên Phán Tâm gầy sòng tứ sắc. Thằng Bốn ẵm đứa nhỏ rỡn với nó bằng tờ giấy phất trước mặt. Dáng ngồi uể oải nom thằng Bốn có vẻ như đau lâu ngày. Chị Đạo khếp cánh cửa kêu sột. Thằng Bốn nhìn chị vài giây ngơ ngác rồi chợt nói “Ông già Nhận ra chợ tìm chị mới đây”. Chị Đạo hỏi thằng Bốn “Chưa thấy tôi dặn hồi qua sao mà tìm?”. Thằng Bốn cười thật thà “Ông già uống rượu say quên mất cả. Tôi nhắc ổng cũng không nghe. Quật tôi mấy cán chổi suýt bổ nhào”. Chị Đạo nói “Làng nước họ đang lo chạy loạn, ông già vẫn ăn chơi, thật tính kỳ”. Thằng Bốn vuốt ngực hạ cơn suyễn đang kéo lên tận cổ. Chị Đạo đỡ đứa bé đặt lên chiếc chõng tre. Nó bật dậy khó ré lên. “Tôi lại phía bác Sáu hỏi tin tức anh Tản. Ông già có về nói đừng tìm tôi uổng công”. Thằng Bốn nhìn chị Đạo “Hồi hôm nghe động chị có biết gì không?”. Chị Đạo vạch vú cho con bú. Đứa bé đói sữa mút ngấu nghiến. Chị Đạo vỗ mông con quên câu hỏi thằng Bốn. “Má đi đến tối. Có đói cũng ráng mà chịu”. Thằng Bốn cầm cái phất trần phủi những sợi tơ nhỏ giăng ngang cửa. Nó than trời “Ông già đi chị cũng đi. Tôi ở nhà đôi bò chết đói. Lão tám Thị thế nào cũng rủa cha rủa ông”. Chị Đạo nhăn mặt, thở dài “Giỏ cỏ hôm qua cắt đầy ụ. Không lẽ đã hết sao?”. Thằng Bốn lắc đầu kể chuyện hồi sáng. Chị Đạo đặt thằng nhỏ xuống cái chõng tre. Đứa bé xa mẹ khóc ú a ú ớ. Chị Đạo đã ra khỏi nhà, rẽ về phía trụ sở xã với niềm hy vọng nhỏ tiềm tàng trong trí nhớ. Người đàn ông với con mắt đỏ ngầu khao khát vẫn như chờ chị ở xa. Chị Đạo mường tượng lại con suối nước đen ngòm trên dựng cái am nhỏ mà bắt nôn nao muốn khóc. Chị còn niềm an ủi gì đâu ngoài người cha già tay xách bình rượu lược chược bước vào ngõ hẻm đánh bạc suốt đêm. Chị thấy cuộc đời mình tựa hồ như đã chết. Nấm mồ đào sâu trong lòng đất xa tắp kia có lúc loi nhoi dưới đó năm ba cái xác không hồn, thịt bầy nhầy cuốn vào đất.
*
Trụ sở xã bây giờ chỉ còn lại đống tro tàn. Hai bên nhà sập mái lổm ngổm ôm nhau. Khói bốc khét lẹt cuốn lên sống mũi thật khó ngửi. Vài người lính Biệt động ngồi ôm súng gác phía cổng trụ sở uể oải bệt xuống đất, áo quần lốc thốc những vết rách đen đủi. Súng nổ âm thanh nghe chát chúa. Tiếng pháo kích dòn dã nhưng trượt vị trí. Phe bên kia bị đẩy ra khỏi cứ điểm ngay khi đợt tấn công thứ nhất bắt đầu. Những ổ súng đặt trên triền đồi bị phi cơ đồng minh oanh tạc khoá họng lại. Trận tiền chỉ còn diễn ra ở xã bên kia sông. Đêm kinh hoàng đã qua mệt mỏi. Kết quả đưa đến sự tuyên truyền có lợi cho bên thắng. Lính chính phủ sập hai lô cốt chết hơn chục người, nhưng bù lại bên địch xác đen nghịt từ hàng rào phòng thủ trung ương ra đường cái. Dân chúng nghe tin, nỗi vui không lấp được nỗi buồn dai dẳng.
Chị Đạo khóc đã hết nước mắt. Ngôi nhà chỉ còn lại đống gạch vụn với bốn bức tường lởm chởm cản gió. Phía sau chuồng heo nhà tám Thị ông già Nhận ôm thằng nhỏ chết co quắp. Một hố cạnh đó thằng Bốn chết nửa thân hình trồi ra ngoài, chân bị gãy bắn tung những lóng xương lên trên đất nom ghê. Chị Đạo ngồi yên chân cảm thấy tê không đứng nổi. Chị đã gượng mấy lần nhưng sao sức lực quá yếu. Chị mơ hồ thấy mắt mình nhoè đi và trời như đã tối. Khi lão tám Thị đến cạnh chị hỏi chị đã cố nhướng mắt hy vọng níu lấy cái nhìn thấp kém về người quen. Thằng Hấn dắt con mệ Hốn đứng ở xa muốn vào. Mọi người cản nó, sợ nó làm tỉnh với chị Đạo bằng cách kéo xác ông già Nhận ra ngoài. Thằng Hấn thương chị Đạo tiếng tăm ra đến cuối thôn. Nó đi lính Biệt-chính thoát chết về được bình an, cánh tay gãy đến cùi chỏ. Hôm chị Đạo vào nhà bà Hốn bán con bò tơ, chị Đạo tưởng chừng mình với hắn bà con xa gần. Hắn nói bóng nói gió qua hàm răng bịt vàng chìa ra ngoài. Chị Đạo nghe nhàm tai muốn về nhưng sự trả giá kéo dài đồng loã. Thằng Hấn theo chị đến tận cổng. Ông già Nhận uống rượu say gặp ngoài ngõ vác gậy đuổi chạy một mạch chửi lẩm bẩm. Chị Đạo nghĩ đến anh Tản những khi thằng Hấn nhìn chị đôi mắt đục ngầu màu. Thằng Hấn âm thầm coi chị thật gần. Chị coi hắn như ngoài chuyện tình cảm của mình. Anh Tản đi chị ở lại thờ chồng ngày này qua ngày khác mớ tóc đã bạc. Chị vẫn chưa quên người chồng với sự cần cù nào đó, tay ôm bó củi ì ạch vác từ miệt rừng về nhà người lảo đảo muốn ngã. Chị cương quyết rồi. Thằng Hấn, anh Tản không thể là một.
*
Chị Đạo sửa soạn dọn lên tỉnh ở khi ba ngôi mộ cỏ non mọc xanh um, vốn liếng đôi quang gánh lẻo đẻo leo lên xe lủi vào trong như muốn trốn tránh ai. Con bò nhà tám Thị từ khi vắng mặt thằng Bốn đâm ra gầy còm. Những chiều nào thằng Bốn ngồi trên chuồng bò nhìn lũ bò gậm cỏ nhồm nhoàm như in vào óc chúng nó. Lão Tám kêu trời không thấu đem lũ bò bán vung vãi qua một đêm ngủ không chợp mắt. Chị Đạo kiệt sức người rốc lại, đôi gò má nhô cao bám víu chiếc mũi dọc dừa xuôi phẳng. Ngôi nhà giơ xương trơ trẽn đổ nát chứng kiến cuộc đời chị giờ còn đâu. Chị nhìn nó, khóc với nó, thương nó… cười nói ồn ào. Hôm dẫy mả ba ngôi mộ lần đầu, chị Đạo kể lể rất nhiều nhưng nghe hoàn toàn oán trách. Một gia đình ấm cúng ngày xưa bây giờ còn lại đó con chó già điên khùng chạy khắp xóm cắn lung tung. Bốn vách tường lưng chừng gãy xương nằm trơ sương gió.
*
Chị Đạo ngã đầu vào thành xe, mắt ướt át thở mệt mỏi. Bà già ngồi cạnh nói như hét “Bốn thằng con bị nẫu chặt đầu bỏ vào bao mang để giữa nhà, thằng chồng cắn lưỡi tự tử, hay quá là hay”.
Họ nói và nghe toàn những lời chết chóc. Nhưng tôi không thể chết. Thằng Hấn… tôi chết sao? Như ngày nào còn nhỏ tôi mường tượng lúc mình lớn cao với khuôn mặt già dặn buồn cười tôi làm sao bây giờ? Có gì phải nói? Ngôn ngữ thật nhiều nhưng lời nói thiếu thốn. Ông già Nhận, thằng Bốn chết. Chân co quắp lại những lóng xương vụn vặt rời rã, nắm đất sau cùng đẫm sương tôi đắp lên phần mộ cuối cùng tiễn đưa sự sống ám khói. Đã quen thuộc quá: Con đường cái lát đất đỏ kéo dài đến tận bờ mương xoai xoải theo bước chân tôi lấp đầy. Phiện chợ chiều trên tấm phảng ghép tre tươm tất soạn sửa kỹ lưỡng. Tôi ít nhớ nổi tôi là ai. Là phần thân thể nhỏ li ti hay muôn dạng vạn hình. Tôi chỉ còn nhớ con sông đỏ màu máu, đến trong giấc mơ rồi in luôn vào óc. Hiện tại bao trùm tiềm thức tôi vươn lên đã mỏi, trí óc đã khô, sưc đã mòn, mớ tóc dài rối rắm chưa thèm búi, tình cảm đến tầm tay chưa buồn nôn. Tôi ngấu nghiến thời khắc nuốt lọt cổ quqa hàng rào thép gai vây quanh, đen đặc. Quả đạn lửa bốc cháy, căn nhà sập một góc tôi có quyền gì nơi đó? Những lóng tay gõ cửa đời say giấc ngủ về khuya nỗi buồn chồng chất đến sáng “Em ở lại anh đi, lần này có chết mới về”. “Anh không trốn được sao?”. “Chết thì thôi, việc phải đến…”. “Ừ nhỉ! nhưng còn lũ nhỏ, luc nhỏ con chúng ta”. “Bà già khóc mệt bà già. Chồng con bà chết bà ở lại với chính phủ bà già! Chiến tranh nó đáng kể à!”. Lạ. Lạ thật. Tôi hiểu mập mờ rằng mình yếu đuối trên diễn đàn tư tưởng. Thằng Hấn… “Tôi thương chị, chị thương lại tôi được không?”. Không, tôi nhất định rồi!. Chiếc lưng gù bó củi của chồng tôi, tôi quên sao được. Anh Tản, em lên phố ở em về, anh đừng đến. Anh đến nhưng mắt đừng nhoè, đừng xin xỏ em. Em đã coi anh như người chồng muôn đời. Anh Tản. Một chiều nào tay cầm bó hoa cằn khô cả cuống. Em buồn thực nhiều. Êm đềm nhìn trời nhìn anh nước mắt khô đọng lại ướt cả má. Tôi chòng chành theo chuyến xe vượt qua chặng đường nguy hiểm. Những hố mìn nổ thường ngày sâu thăm thẳm. Chợt tỉnh dậy mới biết được đời sẽ vui, ngày tối mù sẽ qua đi. Thành phố còn đó. Mồ mả cha ông còn đó. Tội gì tôi phải đi. Tội gì? Bao giờ tôi quên được. Anh Tản! Em ở lại với anh, em nhất định rồi!
(IV/67)
(Trích tập san VĂN số 125 ngày 1-3-1969).
Thư Ấn Quán