Hannah Beech / Dharamsala
Time, 10/10/2011
http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,2095608-1,00.html
Cõi siêu nhiên Màn sương che phủ đồn binh trong vùng núi Dharamsala, mái nhà của Dalai Lama và những người Tây Tạng lưu đầy như ông.
Ảnh: Sumit Dayal cho TIME
Ông chưa bao giờ đến Tây Tạng, chưa bao giờ hít thở bầu không khí loãng của cao nguyên, cũng chưa bao giờ quay bánh xe luân hồi trong bóng tối của những thiền viện lớn. Thế nhưng hôm 8 tháng Tám, Lobsang Sangay đã tuyên thệ nhận chức đứng đầu chính phủ lưu vong Tây Tạng. Sinh ra trong một trại tị nạn ở Ấn Độ và được giáo dục ở Hoa Kỳ, Sangay không giữ một tấm hộ chiếu hay một quốc tịch nào, chỉ có một giấy thông hành. Ông biểu lộ một nỗi hoài nhớ cố hương về một nơi mà trong tâm trí của những người ngoại quốc nó giống như một nơi ẩn náu ở thế giới bên kia, còn trong tâm trí những người Tây Tạng nó giống như một tổ quốc bị chiếm đóng. "Giống như tất cả những người lưu vong chúng tôi, tôi không bao giờ cảm thấy yên ổn chừng nào chưa đến được Tây Tạng," ông nói khi chúng tôi gặp nhau ở Dharamsala, một khu định cư nhếch nhác ở dưới chân dãy núi Hymalaya của Ấn Độ, nơi cộng đồng tị nạn Tây Tạng kết thành một khối từ năm thập kỷ nay. "Vấn đề là: làm thế nào chúng tôi đến được đó?"
Lễ nhậm chức Kalon Tripa (Thủ Tướng) của Sangay đến vào một thời điểm khắc nghiệt đối với Tây Tạng – cả đối với 4,5 triệu người Tây Tạng đang sống bên trong Trung Hoa và khoảng 150.000 người đã chọn con đường lưu vong. Những người tị nạn trẻ tuổi đã bầu Sangay lên ngôi đang đặt vấn đề về sự cam kết từ lâu trong phong trào của họ là phản kháng bất bạo động, trong khi một cuộc đàn áp thẳng tay của các lực lượng an ninh Trung Hoa đã không dập tắt được bất bình bên trong Tây Tạng.
Không giống như những chiến dịch chống đối trong những năm 1950 và 1980, làn sóng mới những cuộc biểu tình đã bùng lên khắp nơi trên cao nguyên Tây Tạng, từ nơi mà Trung Hoa gọi là Khu Tự trị Tây Tạng đến những phần đất mà dân cư chủ yếu là người Tạng thuộc các tỉnh Tứ Xuyên, Thanh Hải, và Vân Nam. Bắc Kinh thường xuyên đổ lỗi cho nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng Dalai Lama, về sự bất ổn chính trị trên cao nguyên này. Nhưng nhiều người Tây Tạng cãi rằng người được giải Nobel Hòa bình (tức Dalai Lama) thật ra đã ngăn ngừa không để xảy ra nổi dậy bạo lực trong vùng này. "Ở Tây Tạng bây giờ có quá nhiều phẫn nộ; chỉ vì Đức Lạt ma mà nhân dân không nổi dậy đó thôi," Tsering Migyur, một phó thư ký nói tiếng quan thoại trong văn phòng Dalai Lama ở Dharamsala nói. Migyur chắc là biết điều này. Trong nhiều thập kỷ ông đã là sĩ quan cao cấp cho cảnh sát và tình báo quân đội Trung Hoa ở Lhasa, phục vụ như một liên lạc vỉên người thiểu số. Tuy nhiên năm 2000 ông đã đào thoát sang Dharamsala. "Trung Hoa tin rằng một khi Dalai Lama chết, phong trào sẽ mất sức mạnh," Migyur nói. "Nhưng Dalai Lama thật sự là người bạn tốt nhất của Trung Hoa bởi vì thế hệ sau sẽ không dễ dãi như thế."
Mảnh đất rộng lớn này đã tàn tạ đi trong trạng thái chính trị lơ lửng kể từ những năm 1950, khi các lực lượng vũ trang cọng sản Trung Hoa bắt đầu tiến quân vào. Năm năm sau, lẽ ra qui phục những lãnh chúa vô thần thì Dala Lama lại đào thoát trên lưng ngựa qua dãy Himalaya sang sống lưu vong ở Dharamsala. Chuyến đi của ông hối hả chuyển những người Tây Tạng di cư đến Ấn Độ, nước này cho họ một nơi ẩn náu kéo dài nhiều thế hệ. Kể từ đó, một tu sĩ năm 4 tuổi được coi là hiện thân thứ 14 của một vị bồ tát Tây Tạng, đã bị Bắc Kinh chửi rủa, gọi ông là "một con sói trong chiếc áo choàng thầy tu."
Sáu mươi năm can thiệp của chế độ cộng sản đã làm được rất ít để dập tắt cuộc kháng cự của người dân Tây Tạng, những người tin rằng đất đai của họ thực tế là độc lập khi Trung Hoa xâm lược. (Bắc Kinh vẫn khăng khăng nói rằng Tây Tạng đã là bộ phận của Trung Hoa trong nhiều thế kỷ). Trung Hoa đã đem lại hiện đại hóa - đường sá, đường sắt, các nhà máy điện – cho Tây Tạng nhưng các mối quan hệ giữa cộng đồng người đa số Hán tộc của nước này và những người Tây Tạng đã xấu đi trong những năm gần đây. Một lượng người Hán di cư ồ ạt đến Tây Tạng đe dọa tràn ngập về văn hóa và kinh tế mảnh đất cao nguyên dân cư thưa thớt nhưng giàu có về tài nguyên này, gợi lên nỗi lo sợ rằng người Tây Tạng sẽ trở thành một dân tộc thiểu số ngay trên chính mảnh đất của mình. "Chúng tôi không thể kéo dài cuộc chiến đấu của chúng tôi hết thế hệ này sang thế hệ khác" Ogyen Trinley Dorje, vị Karmapa hay vị cao tăng thứ ba trong Phật giáo Tây Tạng nói; ông đã đào thoát khỏi Tây Tạng từ năm 14 tuổi và đã sống ở Dharamsala từ năm 2000. "Nếu văn hóa của chúng tôi mất, tôn giáo của chúng tôi mất, cho dù có giành lại được độc lập, thì có ích gì?"
Hôm nay, không gian toàn cầu đối với mọi người bị Bắc Kinh coi như một kẻ thù đã co lại khi các chính phủ và các tập đoàn kinh tế tranh giành nhau để làm vừa lòng cường quốc Trung Hoa đang lớn lên. Với những chuyến du hành không mệt mỏi khắp thế giới, vẻ vui tươi hoạt bát và cam kết bất bạo động, Dalai Lama đã một tay cứu Tây Tạng khỏi đống rác của những cuộc đấu tranh sắc tộc tăm tối. "Tây Tạng tự do" vẫn chỉ là cuộc thập tự chinh thanh lịch hợp mốt đáng cho Hollywood để ý. Nhưng Dalai Lama dù còn tráng kiện, nay đã 76 tuổi rồi. Trong khi người dân Tây Tạng tin rằng ông sẽ đầu thai, những cuộc tranh cãi về đứa bé nào sẽ là vị Dalai Lama kế tiếp chắc chắn sẽ nổ ra giữa những người lưu vong mộ đạo ở Dharamsala và những chính khách ở Bắc Kinh. Cũng cần có thời gian để cho vị Dalai Lama sắp tới lớn lên – trừ khi vị lãnh tụ tâm linh hiện tại đi một bước chưa có tiền lệ, là chấm dứt luôn con đường kế vị cùng với ông, một khả năng mà ông đã nêu lên trong một tuyên bố vào ngày 24 tháng Chín.
Để bảo vệ cộng đồng của mình trong cái thời bất trắc này, Dalai Lama đã phân chia rạch ròi cái không thể phân chia kể từ năm 1642: tinh thần tâm linh và những bổn phận thế tục của cương vị ông. Tháng Ba năm nay Dalai Lama đã loan báo việc ông từ bỏ công việc chính trị đối với một nghị viện buồn chán ở Dharamsala. Tháng sau Sangay, một sinh viên tốt nghiệp Trường Luật Đại Học Harvard, người đã viết luận văn tiến sĩ về chính phủ lưu vong, được bầu làm Kalon Tripa mới. Tờ Nhân dân Nhật báo, cái loa tuyên truyền của Trung Hoa, nói Sangay là một "phần tử khủng bố sẵn sàng để cầm quyền."
2
Xung đột cũ, phẫn nộ mới
Nhiều năm nay, Dalai Lama đã nhấn mạnh rằng ông chỉ muốn một nền tự trị đúng nghĩa chứ không đòi độc tập hoàn toàn cho Tây Tạng, - một quan điểm mà ông gọi là "trung đạo." Nhiều năm đàm phán giữa Bắc Kinh và Dharamsala không đi đến được một tiếng nói chung nào. Tôi chưa bao giờ gặp một người Tây Tạng nào biểu lộ một tâm trạng gì khác hơn là ngưỡng mộ Dalai Lama như một lãnh tụ tinh thần. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người Tây Tạng thấy những cố gắng nhân nhượng hòa bình với Bắc Kinh của ông là vô hiệu và thậm chí phản tác dụng. Một doanh nhân ở Lhasa tôi không thể nêu tên nói một điều gần như dị giáo vào những lỗ tai quen nghe ca ngợi mỗi lời Dalai Lama phát biểu "Ngài không sống ở Lhasa, ngài không hiểu. Thương lượng chẳng ích gì. Trung Hoa không bao giờ cho chúng tôi tự do trừ khi chúng tôi vùng dậy."
Căm phẫn và thất vọng sôi lên năm 2008 khi những cuộc biểu tình lên đến cực điểm trong những cuộc đụng độ chết người xảy ra giữa những người Tây Tạng và những dân di cư người Hán và một cuộc đàn áp đẫm máu của các lực lượng an ninh Trung Hoa. Từ khi bạo động, hàng trăm người Tây Tạng đã bị bắt giam, binh lính Trung Hoa đi tuần trên khu vực. Căng thẳng vẫn rất cao. Gần một tháng trôi qua mà không có bất bình nào trong tu viện biệt lập hay trong trại giam
Ngày 28 tháng Chín hai nhà sư tuổi thiếu niên từ một vùng dân tộc Tạng thiểu số tỉnh Tứ Xuyên tự thiêu để phản đối những hạn chế cấm đoán tôn giáo. Đó không phải là lần đầu tiên. Gần tu viện của Dalai Lama ở Dharamsala có một đài kỷ niệm màu đen mảnh khảnh gọi là Đài Liệt sĩ Quốc gia Tây Tạng. Gần đây, bệ tượng được đắp chân dung Tsewang Norbu, một vị sư lực lưỡng đeo kính đen. Ngày 51 tháng Tám, vị sư 29 tuổi này, cũng từ Tứ Xuyên đến, đã châm lửa tự thiêu. Khi cháy đến gần chết, Norbu hô các khẩu hiện đòi tự do cho Tây Tạng.
Những cuộc hy sinh, ít nhất là cuộc thứ tư trong năm nay của một nhà sư Tây Tạng ở Tứ Xuyên, có thể dường như một mâu thuẫn. Cuộc sống trên mảnh đất bao la này đã được cải thiện nhiều về kinh tế, trước khi những người cộng sản chiếm đóng, hàng xuất khẩu chủ yếu là đuôi bò Tây Tạng dùng làm râu ông già Noel ở Mỹ. Một số người Tây Tạng mới đến mà tôi gặp ở Dharamsala thừa nhận rằng mức sống ở quê nhà khá hơn ở vùng chân núi Ấn Độ tàn tạ này, với những con đường mòn lún và những khách du lịch tóc uốn lọn dài. Ngay cả khí hậu cũng khó thích nghi cho những người trên độ cao này: những bức điêu khắc bằng bơ bò tạng chảy tan ra dưới cái nóng của Dharamsala.
Mỗi năm hàng trăm người Tây Tạng bất chấp bắt bớ hay cái rét cắt da cắt thịt vượt dãy Himalaya đi vào vùng tị nạn. Ngày nay ở Tây Tạng, kỷ niệm ngày sinh Dalai Lama hay tải từ trên mạng xuống một bức ảnh của ông là sẵn sàng bước chân vào tù. Các sinh viên Tây Tạng phải tham gia những khóa học giáo dục lòng yêu nước, và các công chức Tây Tạng không được công khai thực hành tín ngưỡng của mình. Sau tất cả những năm này, Tây Tạng do cộng sản cai trị chưa bao giờ có một bí thư đảng, chức vụ cao cấp nhât ở địa phương, là người Tạng. "Ý tưởng về con đường trung lập là tuyệt vời, nhưng với chính phủ Trung Hoa ngày nay, ý tưởng ấy không cách gì thực hiện được," Tenpa Dhargyal một thanh niên Tây Tạng 30 tuổi nói, anh bị vào tù hai lần ở Trung Hoa vì những hoạt động ủng hộ Tây Tạng và sau đó trốn thoát sang Dharamsala. "Khi tôi ra khỏi tù lần thứ nhất năm 2006, người ta lấy làm lạ tại sao tôi phí đời tôi vào cuộc đấu tranh này. Nhưng khi tôi ra tù lần thứ hai năm 2008, thái độ của giới trẻ Tây Tạng đã thay đổi. Họ hiểu rằng tất cả chúng tôi cần phải sát cánh đấu tranh."
Việc Đức Dalai Lama cam kết phản kháng trong hòa bình đã đặt phong trào Tây Tạng trên một nền tảng đạo đức cao cả, và đã thu hút sự quan tâm của quốc tế. Bây giờ những người Tây Tạng trẻ tuổi sinh ra trong lưu đày, họp mặt tại những quán café ở Dharamsala để thảo luận về những cuộc cách mạng đang diễn ra ở Trung Đông và Bắc Phi. Người ta phân tích tại sao Nam Sudan và Đông Timor giành được độc lập. "Cho đến khi nền độc lập diễn ra trên những địa phương này, nhân dân ở đó có thể đã nói "Ồ, tự do là điều không thể," Tenzin Jigdal giám đốc chương trình Sinh viên vì Tây Tạng Tự do nói. "Nhưng điều đó đã xảy ra vì nhân dân đã hiến dâng cuộc sống của họ cho cuộc đấu tranh này. Cuộc kháng chiến của chúng tôi về cơ bản vẫn là bất bạo động, nhưng chúng tôi không thể nào xét đoán những người Tây Tạng đang sống bên trong Tây Tạng vì họ phải đối mặt với đàn áp của Trung Hoa."
Kalon Tripa Sangay bước đi một con đường lắt léo. Là một người trẻ tuổi, ông là một thành viên lãnh đạo của Đại hội Thanh niên Tây Tạng, một nhóm ủng hộ nền độc lập đang lớn lên, có cơ sở ở Dharamsala, mà Nhân Dân Nhật Báo của Trung Hoa đã coi là một "tổ chức khủng bố thuần túy." Nay ông đại diện cho một chính phủ lưu vong cam kết trung lập, Sangay đã đưa ra một lập trường đứng về lý thì hay nhưng về mặt chính trị thì không thỏa mãn. "Tôi nói rằng Tây Tạng về mặt lịch sử là độc lập và chúng tôi có quyền tự quyết," ông nói. "Nhưng về thực tế tôi không đòi độc lập." Nhiều người Tây Tạng lưu vong coi đây là một lập trường giữ chỗ. "Khi Dalai Lama ra đi, cuộc chiến đấu vẫn tiếp tục, bởi vì nó là cuộc đấu tranh của một dân tộc," Tổng Thư ký Đại hội Thanh niên Tây Tạng Tenzin Chokey nói. "Việc thúc đẩy sự nghiệp độc lập tiến lên là tùy thuộc vào nhân dân Tây Tạng. Nó là mục đích của chúng tôi."
3
Thế hệ kế tiếp có thể làm được gì, ngoài việc cố làm một trận đấu bốc lửa, phô trương và vô ích? Một cuộc đấu tranh sát phạt sẽ tước đi của phong trào ánh hào quang đạo đức của nó. Ngoài ra, người Tây Tạng không có lực lượng quân đội. Những cuộc biểu tình phản đối được báo chí chú ý, nhưng mọi hành động bất phục tùng sẽ gây ra một cuộc đàn áp thẳng tay. Hàng trăm thày tu đã bị đẩy ra khỏi những tu viện nơi có những vị sư sãi tuẫn tiết, và ba người đã bị tù vì cái mà các nhà cầm quyền Trung Hoa gán cho vai trò của họ trong "những cuộc giết người có chủ tâm." Ngay cả ở Dharamsala nơi nền kinh tế địa phương phụ thuộc vào thương mại hóa của Phong Trào Tây Tạng Tự do, từ những chiếc côc uống cà phê và những mảnh dán đến những đồ pha lê tân thời có xuất xứ đáng ngờ Tây Tạng – một thái độ hư vô đang thịnh hành. Một bài hát vui nhộn của ban nhạc rock Tây Tạng JJI Exile Brothers tên gọi "Tiếng sấm trong đền" có những ca từ như sau "Các nhà sư mang súng/ Chim đại bàng trong đám mây đen/ những con chuột đang chạy trốn." Tôi đến gặp ba anh em của ban nhạc này trong một căn phòng không có cửa sổ với hàng chữ CỨU LẤY TÂY TẠNG được xịt bằng sơn trên tường. Họ tràn ngập trong nỗi lo âu hiện sinh, và đang rất say. "Âm nhạc là vũ khí duy nhất của chúng tôi," tay ghi ta Tenzin Jigme nói. "Tây Tạng không có tự do, và chúng tôi không thuộc về Ấn Độ. Chúng tôi chỉ còn có thể hát ca ngợi cuộc cách mạng của chúng tôi"
Một chiến lược ngăn chặn
Tây Tạng có thể là nơi xa xôi hẻo lánh, nhưng nó cũng bị kẹp giữa hai cường quốc hạt nhân công khai. Tất cả, từ thực dân Anh đến Ấn Độ và Trung Hoa đều đã cố gắng sử dụng khu vực Himalaya như một vùng đệm. Một cuộc chiến ủy nhiệm đang diễn ra ở Nepal, nước này có một cộng đồng người Tạng lưu vong khoảng 20.000 người. (Phần lớn những người Tây Tạng tị nạn hướng tới Ấn Độ thì đầu tiên phải đi qua Nepal.) "Trong khi phần còn lại của thế giới không chú ý, thì Nepal đang trượt nhanh vào quỹ đạo của Bắc Kinh," Sangay nói. "Trung Hoa nói nó không can thiệp vào công việc nội bộ của những nước khác, nhưng ở Nepal nạn nhân là những người Tây Tạng."
Đầu năm nay, nhân sinh nhật một vị sư chức sắc cao cấp của Tây Tạng mà Bắc Kinh không công nhận, tôi đến thăm Bodhnath, tháp cốt Tây Tạng khổng lồ ở Kathmandu, thủ đô Nepal. Buổi chiều hôm ấy người dân địa phương bị cấm không được thờ cúng, và khu vực đó đầy an ninh trang bị chống bạo động. Tôi lặn vào trong một đám cưới, tại đó một toán các nhà hoạt động của Câu lạc bộ Thanh niên Tây Tạng đang chúc tụng bằng trà sữa yak (bò Tây Tạng). Họ kể với tôi rằng năm 2008 Trung Hoa đã ép Nepal phải kiềm chế những người mà Bắc Kinh gọi là "những kẻ chia rẽ Tây Tạng." Người Tây Tạng ở Nepal bây giờ có nguy cơ bị bắt vì mặc áo thun mang dòng chữ CỨU LẤY TÂY TẠNG. Những nhân viên mật vụ Trung Hoa đã vào lãnh thổ Nepal để bắt những người tị nạn Tây Tạng. Mọi người lo lắng về bọn chỉ điểm. Giữa cảnh vui vẻ náo nhiệt của đám cưới, một người phụ nữ Tây Tạng nhoài người lên và xin viết điều gì đó vào sổ tay của tôi: "Một người đàn ông ngồi [cạnh anh] đang nhìn anh chằm chằm và cố nghe câu chuyện của anh." Không ai biết anh ta. Anh ta là mật vụ chăng?
Vào tháng Tám, thủ trưởng an ninh Trung Hoa Zhou Yongkang viếng thăm Kathmandu và sau đó lại xảy ra thêm một cuộc đàn áp thẳng tay nữa. Đại diện của Dalai Lama ở Nepal bị bắt. Trước khi đi, Zhou hứa gần 50 triệu $ cho Nepal. Trung Hoa đã giúp đất nước nằm sâu trong lục địa này xây dựng đường sắt, đập và cầu. "Nepal là một nước nghèo, và nó cần tiền từ Trung Hoa," Gaden Tashi, một phóng viên đài phát thanh người Tây Tạng ở Kathmandu nói. "Những người Tây Tạng ở đây là một nguồn tài nguyên thiên nhiên mà Nepal có thể biếu Trung Hoa." Và khi ảnh hưởng ôn hòa của Dalai Lama đã hết, Tashi đoán sự phẫn nộ của người dân Tây Tạng ở địa phương sẽ bùng nổ. "Chẳng cần đến nhiều thời gian cho tất cả người Tây Tạng ở Nepal biến thành quá khích" anh cảnh báo. Sẽ là một chương mới, chương bạo lực."
Quân đội Trung Hoa đang đóng chặt biên giới Tây Tạng với Nepal. Mặc dù thế năm ngoái khoảng 800 người Tây Tạng đã đến được Dharamsala. Một buổi sáng tôi đến thăm Trung tâm Đón tiếp người Tây Tạng, nơi chính phủ lưu vong đang sắp xếp cho 43 người tị nạn mới đến. Nhiều trẻ em được gửi đi một mình với người dẫn đường được trả công, trong đó có bé Tsekyi Lhamo 9 tuổi, mẹ em muốn em được giáo dục theo lối Tây Tạng mà ở nhà không có. "Em hứa chăm học để làm cho mẹ em tự hào" cô bé nói, mắt chớp chớp rớm lệ. Lhamo cho tôi xem tất cả những thứ mà mẹ em cho em để đi đường: một túi vải buộc dây, một áo khoác mầu xanh có mũ trùm đầu, hai tấm ảnh gia đình, tờ giấy gói bánh bích qui mà em đã ăn hết trong khi cật lực leo núi. Bao giờ em lại về gặp mẹ em, tôi hỏi. "Khi em lớn lên" cô bé trả lời. "Khi đó em sẽ trở lại Tây Tạng." Cô bé có thể biết, như những thế hệ người Tạng trước cô đã biết, rằng đó là một con đường dài dằng dặc./.