Jaswant Singh (Project-syndicate, Mỹ, 24/10/2011) –Phạm Nguyên Trường dịch
Jaswant Singh, là cựu Bộ trưởng Tài chính, cựu Bộ trưởng Ngoại giao, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, ông còn là tác giả cuốn Jinnah: India – Partition – Independence.
dịch từ project-syndicate.org
NEW DELHI – Ngay cả trong thời đại của những bản tin lan khắp hoàn cầu trong suốt 24 giờ mỗi ngày mà một số sự kiện quan trọng cũng chỉ sáng tỏ sau khi đã có đủ bằng chứng. Một chuyện tương tự như thế đã xảy ra vài tháng trước đây trên vùng biển Nam Hải (South China Sea) [Biển Đông] – và có thể định hình quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước đông dân nhất thế giới – trong tương lai.
Cuối tháng 7, trên đường trở về từ chuyến thăm hữu nghị tới Việt Nam, trong khi đang đi trên vùng biển quốc tế, một tàu chiến của Ấn Độ đã được “cảnh báo” bằng loa phát thanh và khuyên nên “ra khỏi” biển Nam Hải [Biển Đông]. Mặc dù đụng độ hải quân giữa Trung Quốc và các lân bang – đặc biệt là Việt Nam, Nhật Bản và Philippines – không phải là chuyện hiếm, nhưng đây là lần đầu tiên Ấn Độ bị dính vào.
Tại sao Trung Quốc tìm cách cản trở một con tàu đang đi giữa biển khơi? Đây có phải “chỉ là” sự khẳng định vô căn cứ chủ quyền của Trung Quốc trên toàn bộ Nam Hải hay còn là một hành động ác ý hơn nữa?
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc giải thích như sau: “Chúng tôi phản đối sự tham gia của bất kỳ quốc gia nào vào việc khai thác dầu khí trên những vùng biển nằm dưới quyền tài phán của Trung Quốc”. Sau đó, làm như vô tình, ông ta nói thêm: “Chúng tôi hy vọng những nước nằm ngoài khu vực… sẽ tôn trọng và ủng hộ các nước trong khu vực” trong những cố gắng “nhằm giải quyết... những tranh chấp của họ thông qua các cuộc thương lượng tay đôi”.
Chính phủ Ấn Độ phản ứng ngay lập tức: “Sự hợp tác của chúng ta với Việt Nam hay với bất kỳ quốc gia nào khác luôn luôn tuân theo luật pháp, tiêu chuẩn và thỏa ước quốc tế”, và tuyên bố: “Hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng là rất quan trọng”. Thực vậy, các công ty Ấn Độ đã đầu tư khá nhiều và đang tìm cách mở rộng hoạt động của họ trong vùng này.
Mặc dù tuyên bố của Ấn Độ là rất rõ ràng, nhưng những mối ngờ vực cũng vẫn còn. Có phải hai nước chỉ nói về vấn đề là ai sẽ khai thác những nguồn năng lượng chưa được khai thác ở Nam Hải hay chúng ta đang đối mặt với sự khởi đầu của một cuộc đấu tranh nhằm tranh giành khu vực ảnh hưởng?
Muốn tìm câu trả lời cần phải xem xét các tiêu chuẩn của hai nền văn minh trái ngược nhau, tức là những tiêu chuẩn được phản ánh trong những trò chơi trí tuệ mà những nước đó thích. Ấn Độ từ xưa đã thích trò chơi gọi là chaupad (bốn bên), hay shatranj (cờ tướng), tức là những trò chơi hướng tới sự ganh đua, chinh phục và khuất phục. Nhưng Trung Quốc lại có wei qui (trong tiếng Nhật là go – cờ vây), một trò chơi hướng tới bao vây chiến lược. Cách đây nhiều thế kỷ, Tôn Tử đã khuyên: “Cao thủ nhất… không phải là thắng từng trận đánh, mà là đánh bại quân địch mà không cần phải đánh trận nào”.
Báo cáo gần đây của Bộ Quốc phòng Mỹ: “Sự phát triển của lực lượng quân sự và an ninh Trung Quốc” khẳng định rằng: “Chính sách của Trung Quốc trên “vùng biển gần” đã làm cho không chỉ Ấn Độ, mà cả Nhật Bản, Australia, Mỹ và các nước ASEAN lo lắng”. Bộ Quốc phòng Trung Quốc trả lời bằng tuyên bố như sau: “Trung Quốc và Ấn Độ không phải là kẻ thù, không phải là đối thủ, mà là láng giềng và đối tác”.
Thế thì vấn đề là gì? Rõ ràng là Ấn Độ – sau nhiều năm hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực khai thác dầu khí – sẽ không ngấm ngầm chấp nhận yêu sách của Trung Quốc đối với Nam Hải [Biển Đông]. Hơn nữa, ngay khi việc khai thác bắt đầu, một bị vong lục giữa Việt Nam và Ấn Độ sẽ được ký vào cuối năm nay. Có nhiều khả năng là Trung Quốc sẽ phản ứng với những sự kiện đó bằng cách lên án Ấn Độ xâm phạm lãnh hải của họ.
Đối với Ấn Độ, cảm tưởng cho rằng cuộc đấu tranh giành ngôi bá chủ khu vực đang ngày càng gia tăng. Hoạt động của Trung Quốc ở Pakistan và Myanmar, việc Trung Quốc ký thêm nhiều thỏa thuận về hải cảng ở Ấn Độ Dương (gọi là “chuỗi ngọc trai”) và hoạt động gia tăng của hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương đã làm cho bộ máy thu thập tin tức an ninh của Ấn Độ phải dỏng tai lên. Thực vậy, tờ Global Times, một tờ báo chính thức của Trung Quốc, đã thay đổi quan điểm trước đây của họ. Gần đây tờ báo này đã kêu gọi ngăn chặn các kế hoạch về năng lượng của Ấn Độ trong khu vực này. “Lý lẽ có thể được sử dụng trước, nhưng nếu Ấn Độ cứ khăng khăng làm chuyện đó thì Trung Quốc phải sử dụng mọi phương tiện có thể để ngăn chặn... không cho điều đó xảy ra”, tờ báo này viết như thế.
Sau đó cũng bài báo này đã quăng cho Tây Tạng một loạt cáo buộc. “Xã hội Trung Quốc đã và đang phẫn nộ trước việc Ấn Độ can thiệp vào vấn đề Dalai [Lama]”, tờ báo này viết. Họ còn cảnh báo Ấn Độ “phải nhớ” rằng “các hoạt động của họ ở Nam Hải [Biển Đông] sẽ đẩy Trung Quốc đến giới hạn”. Theo tờ Global Times thì: “Trung Quốc hoan nghênh tình hữu nghị giữa Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc đánh giá nó cao hơn tất cả những thứ khác”.
Còn có một thông điệp khái quát hơn, đáng ngại hơn, làm người ta nghi ngờ giọng điệu chính thức của Trung Quốc về hài hòa: “Chúng ta không được để cho thế giới có cảm tưởng rằng Trung Quốc chỉ tập trung phát triển kinh tế, chúng ta cũng không được theo đuổi danh tiếng” của “một siêu cường yêu hòa bình mà chúng ta phải trả giá đắt”.
Henry Kissinger gọi đấy là chính sách đối ngoại “huênh hoang” (triumphalist), mà Ấn Độ phải đối đầu. Kissinger viết trong cuốn sách mới của mình dưới nhan đề On China như sau: “Cách tiếp cận của Trung Quốc với trật tự thế giới khác với hệ thống “cân bằng ngoại giao sức mạnh” của phương Tây”, trước hết là vì Trung Quốc chưa bao giờ “có những giao tiếp bền vững với người khác…” trên cơ sở quan niệm về “sự bình đẳng về chủ quyền của các dân tộc”. Như Kissinger, một người thân Trung Quốc, đã chỉ rõ: “Việc đế chế Trung Hoa phải đứng cao hẳn lên được coi là quy luật của tự nhiên, là ý Trời”.
Có thể Ấn Độ và các quốc gia khác phải đấu tranh với thái độ hống hách của Trung Quốc bằng cách lưu ý đến lời khuyên của Tôn Tử: “Ngăn chặn đối thủ bằng cách làm cho lân bang của đối thủ thành kẻ thù của nó”. Đang khi Trung Quốc giúp đỡ Pakistan, liệu việc Ấn Độ càng ngày càng thân mật với Việt Nam có phải là nước phản đòn trên bàn cờ chiến lược Á châu hay không?
Có thể lắm. Xét cho cùng, sau khi Ấn Độ đã công nhận quyền lợi sống còn của Trung Quốc ở Tây Tạng và Đài Loan, phải có sự đáp lại bằng cách công nhận các quyền lợi quốc gia của Ấn Độ. Trung Quốc phải hiểu rõ rằng mọi cố gắng nhằm thiết lập vòng vây chiến lược với Ấn Độ đều sẽ bị đáp trả. Đấy là đòi hỏi của nền an ninh của dân tộc Ấn Độ. Cho nên kiềm chế và hợp tác cũng đúng đối với cả Trung Quốc nữa.