Từ bờ biển La Gi (Bình Thuận) nhìn thấy đảo nhỏ Hòn Bà tựa như một con rùa khổng lồ đang chồm lên sóng hướng về phương nam. Đầu rùa là một tảng đá lớn nằm lẻ loi cạnh chân đảo. Rùa là một trong bốn mô hình hình tượng hoàn chỉnh của thuyết phong thủy (rồng, phượng, rùa, hổ) và “kim quy trấn khẩu” ngay của biển La Gi có thể luận ra cái thế hội tụ của sự che chắn và an lành. Cửa biển sông Dinh có mùa lúc lở lúc bồi làm cho xóm chài Phước Lộc lao đao và tàu thuyền ra vào bị mắc cạn dù đã có kè biển dang tay dài gần cây số nhưng nghề biển ở đây vẫn được coi là tiềm lực nhất nhì của tỉnh. Từ cảng cá, đi thuyền máy ra đảo khoảng 30 phút nhưng phải loay hoay chuyển qua chiếc thúng chai mới vào được bờ. Chân đảo ngổn ngang đá tảng chồng chất lên nhau chỉ dè sẻn được một bãi cát trắng tinh rộng khoảng sân nhà làm nơi cập bến. Trong đất liền giáp biển là địa hình bằng phẳng nằm cách xa núi nhưng ngoài biển chỉ khoảng hai cây số lại đột ngột nổi lên hòn đảo hàng hàng lớp đá mới lạ lùng. Nhưng được giải nghĩa vì sao khi biết rằng dưới đáy biển ở đó là một dải rạn đá bí ẩn như bài vè thủy trình của những các lái ghe bầu ngày xưa nằm lòng. “Sóng ào ào buồm dương ba cạnh/ Chạy một hồi tỏ rạn La Gi/ Hòn Bà, rạn Gõ một khi/ Ngoài khơi rạn Đập, trong ni rạn Hồ…”. Cho nên biển La Gi nổi tiếng nhiều cá, đặc biệt là loài cá ở rạn như hồng, mú, kẽm, đỏ dạ…và cua ghẹ, ốc sò nhờ bởi chốn ẩn náu êm ả để sinh trưởng bầy đàn.
Đứng trên đảo Hòn Bà mới nhận ra ở đây đá nhiều hơn đất, nhưng cây cối, lùm bụi rậm rịt một màu xanh quanh năm. Những cây trôm cổ thụ cho chùm quả gấc đỏ khép nép dưới tán lá như hoa nở. Lưng đảo phía hướng khơi phải thường xuyên chống chỏi với gió biển dập dồn nên những cây phong ba cỏ vẻ xác xơ nhưng vẫn vương mình rắn rỏi. Trước miếu thờ bà Thiên y A na bây giờ rất khó hình dung được cái khung cảnh của thời hoang sơ. Từ xa xưa, khối đá tự nhiên có dáng hình thiên nữ bán thân, mặt trông ra biển khơi nhưng về sau do ngư dân tôn tạo, lập miếu phụng thờ đã làm thay đổi khá nhiều. Mấy cội bồ đề có bộ rễ khổ hạnh bấu víu vào đá tảng đầy rêu phong và quạch kín lên nhau như giấu tuổi già hàng trăm năm. Nhìn vào Đồi Dương vẫn là một dải rừng dương liễu xanh ngát nối với khu thị tứ chen chúc mái phố của cảng biển La Gi. Nhưng khi chiều xuống, nhìn ra biển rộng xa xa là ngọn hải đăng Khe Gà sừng sững trên màu xanh của biển càng thấy Hòn Bà khắc khoải cô đơn hơn. Ở đây chỉ có gió mặn mòi se sắc nhưng khi lùa vào hốc đá, lùm cây lại trở nên thê thiết đến chạnh lòng làm cho tiếng chim càng về khuya nghe ríu rít mỏng mảnh như sương. Mặt bằng trên đảo Hòn Bà chỉ rộng chưa đến một sào đất, bao quanh là vách đá nghiêng nghiêng càng có cảm giác hòn đảo đang chòng chành giữa sóng biển. Chân đảo phía bờ đất liền thuộc vùng êm ả, ít sóng to nên có được một bãi đá được bày ra muôn hình muôn vẻ, thật sự là một kỳ quan như có sự ưu ái ban tặng của thiên nhiên. Vào mùa bấc thổi, biển động mạnh thì lưng đảo phía nam này trở thành tấm chắn sóng gió cho những con thuyền chờ dịu cơn nước để trở về bến cảng. Ngồi trên đá tảng có thể nhìn thấy từng đàn cá thảnh thơi bơi lội qua màn nước trong xanh để nghĩ đến một bảo tàng sinh vật biển thu nhỏ ở đây.
Miếu thờ nguyên mẫu nữ thần Poh Nagar, tôn vinh là Bà mẹ xứ sở được tạo nên từ bọt biển và mây trời thành tiên giáng thế làm nên bờ cõi Chiêm Thành theo tín ngưỡng của người Chăm. Cùng tục thờ Bà, người Việt gọi là Thiên Y A na- Bà Chúa Ngọc nhưng truyền thuyết về khúc kỳ nam biến thành nữ thần ở xứ Đại An lại có tính thần bí khác hơn và được nhà Nguyễn xếp nữ thần vào bậc thượng đẳng. Tuy nhiên, ngoài tượng thờ chính ở Hòn Bà không có bất cứ biểu thị hình tượng nào khác trong trang trí, chạm khắc như thường thấy ở các tháp, đền thờ nữ thần Thiên y A na. Việc cúng lễ Bà hàng năm vào ngày 23 tháng 3 âm lịch cũng do ngư dân vùng biển địa phương thực hiện theo tục lệ cổ truyền người Việt. Điều mà ít người để ý là sự tích Hòn Bà hoàn toàn không có gì liên quan đến tượng nữ thần Thiên y A na được coi như bà chúa đảo đang thờ. Sự tích Hòn Bà được dẫn dắt bởi câu chuyện tình của đôi vợ chồng thuở hồng hoang sống trên vùng đất yên bình rồi xảy ra chuyện phủ phàng, ghen giận đành phải chịu cảnh ly tan, ngang trái. Từ đó, đất liền bỗng nhiên tách ra thành một hòn đảo nhỏ lặng lẽ giữa mênh mông trời biển. Trên đảo, ngoài đền thờ Thiên y A na bề thế, nghiêm trang còn có tượng Phật Bà Quan Âm theo kiểu thờ vọng bắt nguồn từ tích Chúa Ba Diệu Thiện trong tín ngưỡng Phật giáo, có ảnh hưởng lớn trong đời sống của người dân vùng biển. Cạnh bên có miếu thờ Chàng Râu, theo người Chăm là một chức sắc hoàng tộc được vua Chăm trao quyền cai quản một vùng đất. Ngư dân vốn giản đơn trong ý niệm tâm linh, đâu cũng là chốn nơi thiêng liêng có thể gửi gắm ước nguyện tìm về sự che chỡ, an lành. Cho nên đảo không lập chùa nhưng cũng có Phật và còn có am thờ ông Cai ngay đầu con đường trên hai trăm bậc dẫn lên đảo. Đó là một thương lái có hành động sàm sỡ ngang tàng nhưng được Bà bao dung tha tội và trở thành ông cai giữ đảo trung thành.
Vùng đất biển từ miền Trung xuôi vào Nam, cũng có nhiều địa danh hòn Bà, chùa Bà, dinh Bà ở một số nơi…nhưng không hẵn xuất phát từ sự tích hoặc thờ cúng Thánh mẫu Thiên y A na. Điều đó cho thấy rất rõ sự kết hợp trong tín ngưỡng thờ Poh Nagar của người Chăm và tục thờ Mẫu của người Việt từ lâu còn đậm dấu dọc dài bước đường khai mở đất đai. Nhưng với Hòn Bà ở La Gi, không những có ưu thế của một cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời lại còn độc đáo ở chỗ là có một truyền thuyết dân gian không bị pha lẫn như thường gặp, mang bản sắc rất riêng của một chuyện tình đầy tính ly kỳ và lãng mạn thấm đẫm tâm hồn Việt.