Ai đã từng sống ở khu tập thể, trong thời bao cấp, đã từng chắt chiu từng đồng để sống, để cải thiện cuộc sống, để mua gà, chia xẻ từng miếng ăn để nuôi gà dành ăn tết, thì khi mất gà mới thấm thía cái đau của nó, cái đau vừa tức, vừa tiếc. Thế mà thấy giáo Võ Xuân Hoàng đã mất con gà cồ vào giữa tháng 11 âm lịch.
Con gà cồ này được nuôi bất đắc dĩ. Số là cô giáo Nguyễn Thị Hồng vợ thầy, chưa có việc gì làm thêm, bèn rủ một cô bạn cũng giáo viên đi mua bán gà.
Hôm ấy phiên chợ Cây Da đúng vào ngày chủ nhật, hai cô hùn tiền, đi thật sớm, đón các ngả đường quê vào thị trấn để mua gà, bốn con gà giò, một cồ ba mái với giá một ngàn năm chục đồng, suốt cả buổi chợ thay nhau ngồi bán, chưa có người nào trả đến ngàn đồng. Hai cô bèn đem gà về chia nhau nuôi, khó quá, cô bạn đang ở chung với gia đình chồng, sợ bà mẹ chồng chửi, nên cô Hồng đành lấy cả.
- Bốn con gà này có một ngàn năm mươi đồng, rẻ chứ anh.
- Ừ, rẻ!
- Vậy mà cả buổi chợ chẳng có người nào trả đến một ngàn mới tức chứ.
- Thì thôi, mình nuôi vậy
Chiều hôm đó một con gà mái cù rụ, thầy Hoàng với sự gợi ý của thằng con lớn là thằng Quí: làm thịt, thế là cả nhà được “liên hoan” một bữa thịt gà. Gần năm nay thầy Hoàng mới được ăn lại bữa thịt gà, thầy thấy cũng thích, gia đình thầy thường chỉ thưởng thức món thịt gà vào dịp tết, thế mà hôm nay bỗng dưng thầy được ăn thịt gà, hỏi thầy không thích sao được! mà thực tế thầy chỉ gặm xương gà là chính, thấy hai thằng con nhìn dĩa thịt gà mà se lòng, cô Hồng vợ thầy tinh ý có gắp bỏ cho thầy một miếng thịt, đang ăn thằng Quí bỗng phát hiện la lớn – con gà sao chỉ có một cái cánh hả má? Cô Hồng đỏ mặt nói lảng nó lộn đâu đó. Tối hôm đó sau khi hai đứa đã ngủ, cô Hồng gọi thầy Hoàng đưa cái cánh mà khi chiều cô đã giấu.
Còn lại ba con, tối đó cô Hồng quyết định đem bán cho một phụ huynh làm nghề bán cháo gà, nhưng thằng Quí và thằng Vinh nằng nặc giữ lại con gà cồ để nuôi, cả hai rất thích đá gà, vợ chồng thầy vốn chiều con nên giữ lại con gà cồ để nuôi, hơn nữa thằng Quí xung phong sẽ bớt mỗi bữa một ít cơm cho gà, thằng Vinh nghe anh nói cũng chia xẻ với anh phần cơm của mình để muôi gà. Thế là chú gà cồ được giữ lại, riêng thầy Hoàng còn nghĩ, nếu con gà cồ có mệnh hệ nào thì cả nhà lại được bữa thịt gà!
Cúc cu mấy tháng, con gà cồ lớn nhanh, phát mã, tiếng gáy vang xa cả xóm. Đến lúc anh chàng theo mái chạy rông khắp nơi, vợ chồng thầy lo sợ mất gà, nên cứ xẩm tối là tìm về nhốt.
- Thế mà gà nhà thầy lại mất.
Đùng một cái! Chiều hôm đấy con gà cồ nhà thầy không về. Cả nhà túa ra đi tìm khắp – đến hơn tám giờ - không thấy; đành chịu mất thôi, vừa tiếc vừa tức. Cơm chiều chưa nấu, thằng Quí, thằng Vinh vừa đói vừa tiếc gà nhì nhằng với nhau.
Tối hôm đó vợ chồng thầy khó ngủ, tháng gần tết năm nay lạnh, cái lạnh se da mặt, nổi da gà khắp người, cứ trằn trọc chờ gà gáy, tiếng gáy gà nhà thầy nghe lâu quen, nó kéo dài âm cuối nghe ồ ồ dễ nhận. Vợ chồng thầy quyết định thức chờ nghe tiếng gà gáy để tìm gà.
Khu tập thể im ắng lạ thường, trong phòng hai đứa con đã ngủ, thầy mặc thêm chiếc áo phi-la-két cũ ngoài chiếc áo len không tay mà vẫn thấy lạnh, bên ngoài chắc lạnh lắm, chỉ nghe tiếng gió lùa qua các tàu dừa.
Ngồi chờ lâu mỏi mệt, vợ chồng thầy tựa vào tường thiu thiểu ngủ.
- Có tiếng gà gáy!
Vợ chồng thầy tỉnh ngủ, lắng nghe, xung quanh vẫn im lặng, mơ chăng? Thầy xem đồng hồ 1 giờ kém 15 phút, cô Hồng chắc lưỡi
- Chắc gà gáy đầu!
Thầy Hoàng mỉm cười, - Em có biết chuyện gà gáy đầu không? Ngày xưa có chàng rể mới, cha vợ dặn khi thấy gà gáy đầu thì sang phụ lợp dùm nhà cho mát. Anh chàng cẩn thận, về nhà bắt con gà cồ nhốt, tối đó thắp đèn ngồi chờ, chờ mãi, gà gáy hết đợt này đến đợt khác, hết con này đến con khác, đến sáng bạch ra, mặt trời cao hơn sào, chạy sang nhà vợ, thấy nhà lợp nơn nửa, hỗn hễn nói
- Con thức suốt đêm, nhìn, mà không thấy gà gáy đầu, chỉ thấy nó gáy mỏ thôi!
Bên ngoài tiếng gió thổi lùa qua hàng dừa nghe ào ào.
- Tiếng gà gáy, thật xa - Hai vợ chồng lắng nghe . . .
- Tiếng gà lại gáy - Hồng chép miệng – hình như không phải! chung quanh im lặng – thằng Vinh mớ ngủ ú ớ, ngồi dậy khóc, Hồng chạy lại dỗ con.
- Tiếng gà gáy! - Hồng bật dậy, mừng rỡ - Đấy, hình như nó gáy . . .
Thằng Vinh thút thít, ngủ tiếp. Hồng kéo mền đắp hai con, lại ngồi gần cửa lắng nghe. Tiếng gà đã gáy nhiều nơi, rải rác. Hai người lắng nghe, phân tích, xác định hướng gà gáy.
- Hình như trước cổng trường.
- Đúng đấy, anh cũng nghe hướng đó, Hồng xem lại hai con, lấy thêm chiếc áo khoác bằng tít-kê nhuộm đen cũ kỹ mặc ngoài, Hoàng kéo cao cổ áo phi-la-két rách hai cùi tay, nhẹ nhàng mở cửa ra ngoài, Hồng đi theo.
Đêm tối như bịt mặt, cái lạnh ùa vào đột ngột làm Hoàng nhảy mũi, thầy lấy chai dầu gió con sóc xoa mũi, thái dương rồi đưa vợ, bảo xoa để chống cảm lạnh. Lúc sau, quen dần bóng tối, với lối đi quen thuộc, vợ chồng thầy ra cổng phụ khu tập thể, lần theo đường luồng ra đường nhựa, con đường nhựa rộng lớn, đen hơn đêm, vạch một đường dài sẫm suốt từ cầu Trường Úc lên ngã tư, rộng vắng, gió thênh thang thổi thốc theo mặt đường, đã lạnh giờ thêm buốt da mặt. Hồng nép vào chồng để tìm cái ấm! tìm điểm tựa cho cuộc sống khó khăn này.
Tiếng gáy im bặt, chỉ có gió rít, hai vợ chồng thầy ngồi lên tảng đá trước cổng trường, chờ. Hoàng vấn thuốc hút
- Hồng này! Hồ sơ xin đất của mình hình như đã lên tới huyện rồi.
- Còn lô đất ở khu Trường Úc thì sao?
- Nghĩ mà tức cười, gần 40 tuổi mà còn khờ. Hồ sơ xin đất của mình nơi Trường Úc thuộc loại sớm nhất, hình như là thứ tự nộp số 3, chờ mãi, chờ mãi, khi thấy chú Quảng làm ở lương thực nộp đơn sau mình xa - chính anh nói chú ấy làm hồ sơ xin chớ ai! Làm nhà, anh lên phòng nhà đất hỏi, em biết anh chàng cán bộ nhà đất trả lời sao không.
- Trả lời sao?
- Sao thầy không thường xuyên đến nhắc! bây giờ thì hết đất rồi. Anh nói lại – Sao khi tôi đến nộp đơn, anh nói thầy về chờ, huyện sẽ họp xét theo thứ tự nộp, diện của thầy là phải được quá đi chớ, thầy yên chí, khi nào có em gởi giấy báo. Em biết anh cán bộ trả lời sao không?
- Không!
- Nói thì vậy, nhưng ở đây nhiều việc quá, ai thường xuyên đến nhắc thì mới xét.
- Em biết không! Nó đang học bổ túc anh đấy, cứ tưởng nó nghĩ đến mình nhớ cho, té ra là vậy,
- Anh lúc nào cũng nguyên tắc, tình nghĩa.
- Vậy, mới nói mình khờ
Tiếng gà lại gáy, rất gần, Hồng mừng rỡ - nó đấy anh, tiếng gáy nó kéo dài, âm cuối ồ ồ đấy. Hai vợ chồng đi nhẹ, lần tới sát hàng rào nhà bác Huề, đối diện cổng trường.
- Tiếng gà lại gáy
Nhất định nó ngủ trên cây xa-bô-chê này, Hồng cả quyết đưa tay chỉ, Hoàng căng mắt nhìn, chỉ một màu đen kịt, một lùm cây đen kịt. Tiếng động cơ của một chiếc xe chạy sớm vang đến, rồi luồng ánh sáng mờ, sáng dần, rồi òa sáng, lợi dụng ánh sáng đèn xe, Hoàng nhìn rách lùm cây, thấy một khối đen nằm thỏm trong các chùm lá đen chen chúc.
- Chắc nó đấy em ạ, chỉ có gà của mình ngủ lang mới ngủ trên cây.
- Làm sao vào vườn! trời còn sớm quá.
- Đành ngồi chờ, canh vậy,
- Hay là anh ngồi canh, em về nhà trông chừng con một chút, rồi chạy ra,
- Cũng được!
Càng về sáng trời càng lạnh, vài chiếc xe đi sớm chạy vụt qua, gà đã gáy ran khắp nơi. Phía đông bắt đầu ửng, ánh sáng mờ mờ, bác Huề dậy sớm ra vườn, thầy Hoàng gọi khẽ
- Bác ơi!
- Ai đấy?
- Cháu, thầy Hoàng đây
- Có chuyện gì vậy
- Cháu có con gà cồ theo mái, ngủ lang, hình như nó ngủ trên cây xa-bô-chê của bác.
- Có con gà cồ của ông Hoạch máy gạo cũng thường ngủ trên cây đó.
- Cháu nghe tiếng gáy, đúng là gà của cháu đấy. Hồng ra lúc nào, đứng bên cạnh, mượn cái đèn soi lên, đúng là con gà của mình, Hoàng rón rén rướn người lên chụp mạnh, hụt, con gà bay ào ra ngoài đường, trời mờ mờ, vợ chồng thầy vây bắt, con gà chạy xuống hướng Trường Úc. Trời sáng dần, đúng là con gà cồ của thầy, con gà tía với dáng chạy chắc nịch, nó lại chạy vào nhà anh Hoạch, vòng ra sau vườn. Vợ chồng thầy chui rào đuổi theo, tiếng chó sủa vang, chị Hoạch nấu cơm sớm, bước ra vây dùm, nó lách mình qua mấy bụi mía, chạy vào bụi bí, chui rào qua nhà bên, rồi vào vườn nhà chị Vân y tá, Hồng quay lại đường nhựa để chận đầu, Hoàng chui rào đuổi theo, vài con chó chạy theo sủa inh ỏi.
Gần 6giờ 30phút sáng, chưa bắt được, chú gà quen đường chạy vào nhà ông Hoạch, té ra là gà của ông Hoạch.
Thế là con gà cồ của vợ chồng thầy Hoàng mất thật. Sau này nghe chuyện, một anh bạn nói – Có một con gà mà hai vợ chồng ông, thức tìm tới 3 đêm liền, thì làm sao xin đất cất nhà ở cái huyện này được!