Hồi còn đi học ở trường làng, tôi mê ông thầy dạy sử. Thầy có tài, kể chuyện đời xửa đời xưa mà như thầy vừa mới thấy ở sân trường. Cả lớp ngửa cổ, nhỏng tai mà nghe. Còn khoảng mười phút cuối tiết, thầy ôm đàn, tập cho chúng tôi hát. Nào là bài “Đất nước Hùng Vương”, bài “Trần Quốc Toản ra quân”, bài “Bạch Đằng giang dậy sóng”, bài “Hội nghị Diên Hồng”, cả bài “Quang Trung chí lớn”. Không hiểu thầy lấy đâu ra nhiều bài hát về lịch sử đến thế. Chúng tôi hát theo, đoạn nào không thuộc thì chế lại. Đi học về, cả đám hát rùm đường.
Sợ chúng tôi chỉ có hát sẽ dễ quên các nhân vật lịch sử, thầy bày ra các trò chơi. Thầy biểu chúng tôi kiếm sáu đoạn tre dài chừng thước rưỡi, sắp dọc sắp ngang rồi buộc lại, cho đứa con gái ngồi lên, tay cầm thanh gươm đóng vai Trưng Trắc, mười hai thằng con trai khiêng đi như một ông voi. Phía bên kia có lớp trưởng to con đóng vai Tô Định, số còn lại làm quân Nam Hán. Voi của Trưng Trắc đi đến đâu, Tô Định và quân Nam Hán phải bỏ chạy. Trưng Trắc vung gươm bên phải, bên trái, miệng hét: “Tiến lên! Tiến lên!”. Còn khi đóng Quang Trung đại phá quân Thanh thì oai hơn. Thằng lớp trưởng hôm trước đóng Tô Định bây giờ đóng Quang Trung, đứng trên voi, chống nạnh, gươm chỉ thẳng về phía trước. Còn phía sau voi thì thầy bắt từng cặp khoanh tay vào nhau, cho đứa con gái ngồi lên, cứ thế voi Quang Trung và đội quân Tây Sơn tiến về đền Ngọc Hồi. Đồn là một đống củi chất ngổn ngang. Khi Quang Trung đến, quân sĩ châm lửa đốt, rồi cứ thế nhảy múa, reo hò.
Cuối năm lớp ba, khi thầy cùng đám học trò của lớp chúng tôi chuẩn bị làm thuyền chiến của Tây Sơn để đánh quân Xiêm thì thầy bị bắt. Thuyền chiến thật giản đơn, chỉ là hai đoạn tre dài hai thước, hai đoạn tre ngắn một thước, buộc các đầu lại thành hình chữ nhật, chúng tôi đứng trong khung tre, một tay vịn thanh tre và một tay giương kiếm bằng tre chỉ dài hơn chiếc đũa bếp, để khi xung trận là di chuyển theo lệnh của thầy. Không ngờ thầy bị địch bắt, trận đánh lớn mà thầy trò chúng tôi mới triển khai đã phải hoãn lại vô thời hạn. Đến giờ lịch sử, chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau, mấy đứa con gái thút thít khóc, ban đầu nho nhỏ, sau tiếng khóc to dần, làm đám con trai cũng khóc lây, rồi cả lớp khóc như một đám ma, cho đến khi thầy hiệu trưởng chạy đến vỗ bàn: “Im, im ngay! Việt Cộng bị bắt thì có gì mà phải khóc! Sẽ có thầy khác dạy thay!”
Đến đầu năm lớp nhì thì tôi ra miền Bắc. Tôi học lớp bốn, giờ lịch sử thầy dạy rất đơn giản, chẳng ai mê môn lịch sử cả. Không còn thầy dạy hay, tôi thấy môn lịch sử như xa xôi lắm. Chuyện đời xưa ai nhắc lại làm gì. Rồi tôi đi bộ đội lúc mới học xong kỳ một của lớp mười. Tổng động viên, thầy cũng lên đường. Thiếu một học kỳ nhà trường cũng cấp giấy tốt nghiệp. Tôi vào chiến trường chỉ sau một tháng huấn luyện. Ba năm sau thì chiến tranh kết thúc, những người lính tốt nghiệp cấp ba muốn rời quân ngũ để thi vào đại học, tôi cũng trong số đó. Không hiểu sao lúc đó tôi lại mê địa chất, muốn phiêu lưu đây đó để tìm mỏ sắt mỏ vàng, muốn biết những tinh vân của vũ trụ, muốn xem chất lỏng ở tâm trái đất là gì. Biết bao điều mới lạ cứ trải ra trước mắt tôi. Ai có tính tò mò sẽ thấy ham. Học chưa hết năm thứ nhất thì các thầy thi nhau vượt biên. Hồi đó dùng từ “phản quốc” cũng tội nghiệp cho các thầy, đồng lương rau cháo. Giáo sư chạy chiếc Honda 67, treo cái tụng bàng bên ghi-đông, chẳng khác gì dân “phe”. Lên đứng lớp, giáo sư dạy qua loa, về nhà mướn xích lô, chở khách cố tình lạng qua cổng trường như một sự chế giễu. Thiếu thầy, khoa địa chuyển lung tung. Tôi chạy sang khoa sử, do có thằng bạn thân học khoa sử. Hình như số phận đã dẫn dắt tôi như thế.
Chương trình trung đại - cận đại do giáo sư Phan Huy Lê giảng, thầy là một trong “tứ trụ triều đình” của sử học Việt Nam. Quả thực tôi mê thầy. Sự điềm đạm, cởi mở và uyên bác của thầy đã cuốn hút tôi. Thầy giảng về trận Rạch Gầm - Xoài Mút diễn ra ngày 20 tháng 1 năm 1785 tại Mỹ Tho, mà tôi hình dung ra trên sông có bảy, tám vạn quân đánh nhau, đánh bằng đại bác, bằng hỏa hổ, cung, kiếm, đánh bằng tài trí của một đội quân tự nguyện “theo chúa Tây Sơn”, một đội quân có vị tướng mà sau này người ta ví là Napoleon Việt Nam, đó là Nguyễn Huệ, con người chỉ có bốn năm mà đánh thắng hai kẻ thù xâm lược (quân Xiêm ở phía Nam và quân Thanh ở phía Bắc). Lịch sử Việt Nam chưa bao giờ đánh giặc ngoại xâm nhanh chóng như thế. Giá mà hồi đó có quay phim, thế hệ sau coi đã mắt biết chừng nào. Nghĩ vậy lại buồn, mình xem “Tam Quốc diễn nghĩa”, họ đánh đấm đâu bằng mình, vậy mà mình chưa có bộ phim lịch sử nào cho ra hồn. Mình cứ khen họ đánh giỏi mà không biết mình giỏi hơn. Mình đánh thắng 50 vạn quân của Tần Thủy Hoàng vào năm 208 trước Công nguyên cơ mà! Đánh xong, An Dương Vương mới cho xây thành Cổ Loa. Năm 938, Ngô Quyền cho quân đóng cọc bịt sắt trên sông Bạch Đằng, diệt và bắt sống hầu hết quân Nam Hán. Lại trên sông Bạch Đằng, năm 1288, Trần Quốc Tuấn cũng cho đóng cọc, máu quân Nguyên loang đỏ cả khúc sông. Ô Mã Nhi và 400 thuyền giặc bị bắt sống, cả ba lần quân Nguyên xâm lược đều bị đánh cho tan tác, để cho Nguyễn Trung Ngạn làm thơ tả người 1ính già của giặc Nguyên thật hay:
“Lính già từng trải mùa chinh chiến
Nghe nói Nam chinh ủ mặt mày”.
Số phận lần nữa lại đẩy tôi về phía sử học. Khi ra trường, do máu me viết lách, tôi xin vào cơ quan báo chí, ngặt nỗi không có nhà ở Sài Gòn, đành chào thua. Tôi về Tiền Giang làm bạn với những tư liệu lịch sử của địa phương. Năm 1984, chuẩn bị kỷ niệm 200 năm chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, cơ quan lịch sử Đảng cử tôi đưa sinh viên khoa Sử của trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh đến Rạch Gầm thu thập tư liệu thực địa. Hóa ra cuộc đời có những điều thật kỳ diệu. Tôi không ngờ được có một ngày đến bên vàm Rạch Gầm để nhìn ra dòng Cửu Long, nơi 200 năm trước, Nguyễn Huệ từng đưa thủy binh, bộ binh và pháo binh đến mai phục, nhử 300 chiến thuyền cùng 5 vạn quân Xiêm đến đoạn sông rộng lớn này, để làm một trận thư hùng, một trận thôi là đập tan tành mộng xâm lăng của vua Xiêm là Ra-Ma I. Ở đoạn sông này có điều gì kỳ lạ, nó vừa hùng vĩ, vừa ẩn chứa thứ gì đó kỳ bí lắm, không sao hiểu được. Đầu tháng chạp, chướng bắt đầu lên, chướng làm những ngọn sóng bạc không ngừng xô đẩy nhau, vùi lấp nhau, xem chừng quyết liệt lắm. Tôi nghĩ, giá như 200 năm trước, không có trận Rạch Gầm này, quân Xiêm chiếm được Gia Định thì chỗ này đây chẳng còn là đất của ông cha mình nữa. Rồi sẽ ra sao trong ý đồ thôn tính của đế quốc Xiêm La?
Ra thế, đoạn sông Tiền từ Rạch Gầm đến Xoài Mút này là Bạch Đằng tống khứ Nguyên - Mông, là Đống Đa tống khứ quân Thanh, là Điện Biên Phủ tống khứ quân Pháp. Những đội quân xâm lược ấy bị giáng một đòn chí tử, không còn dám quay đầu lại.
Hàng ngày, tôi đưa sinh viên đến thăm các bô lão của xã Kim Sơn để khai thác tư liệu dân gian. May mắn cho tôi, có cô Đẹp đang công tác ở Ủy ban sốt sắng dẫn chúng tôi đến bất cứ đâu mà chúng tôi muốn. Tiếp cận được các cụ, tôi mới hay cái xứ Sầm Giang này có rất nhiều chuyện lạ. “Sầm Giang nhơn vật tối đa kỳ”. Nào là cụ Cả Dám xã trưởng, có công trong việc chở lương thực để tiếp tế cho quân Tây Sơn, bị quân Xiêm bắt, cụ đục thuyền để lương thực không rơi vào tay giặc. Cụ chết linh thiêng. Dân Kim Sơn kỵ nói tới tên cụ, sợ cụ quở, vật chết, muốn nói “không dám” thì phải nói “không diếm”. Đi đâu nghe nói “không diếm” là biết ngay đó là dân Kim Sơn. Rồi chuyện “cù lao bay”, hồi đó có một cù lao nổi trước Rạch Gầm, dân Kim Sơn sang trồng khoai. Một ngày kia sấm chớp đùng đùng, sáng ra dân Kim Sơn không thấy cù lao đâu nữa. Vật đổi sao dời trong cổ tích nhanh đến thế. Nhưng phải chăng, có điều gì lạ ở khúc sông này mà Nguyễn Huệ, một thiên tài quân sự tận dụng để tiêu diệt quân Xiêm? Nơi này đây, hai bờ sông Sầm rậm rạp, ngày xưa Nguyễn Huệ đem hàng chục thuyền chiến giấu vào đây để mai phục. Rồi dọc bờ sông Tiền, vẫn là những cây bần cao lớn, những thuyền chiến lớn được trang bị 50, 60 khẩu thần công, hàng trăm súng hỏa hổ, khoảng 700 chiến binh trên một chiến thuyền. Phía trên bờ, cả bờ Tiền Giang, bờ Bến Tre, bờ cù lao Thới Sơn có hàng ngàn đại bác, xưa gọi là “thần công”. Hơn ba vạn quân được Nguyễn Huệ huy động vào một trận đánh chiến lược, hẳn là đánh để tiêu diệt, đánh để kết thúc thắng lợi một cuộc chiến tranh vệ quốc. Thử hình dung khi nhử được 300 chiến thuyền Xiêm vào khúc sông Tiền rộng lớn, hàng ngàn khẩu thần công từ ba bờ nhả đạn. Tiếng gầm của hàng ngàn đại bác đã làm cho quân Xiêm kinh hồn, bạt vía, không biết làm gì để chống đỡ. Đội hình thuyền chiến Xiêm bị rối loạn. Nhưng không chỉ có thế, tiếp đó, mấy trăm chiến thuyền của Nguyễn Huệ xông ra, chặn đầu, khóa đuôi, phóng hỏa hổ vào thuyền chiến Xiêm. Hỏa hổ là thứ vũ khí lợi hại nhất của thời phong kiến, gặp nước nó càng cháy, không cách gì dập tắt. Trận đánh chỉ diễn ra vài tiếng đồng hồ rạng ngày 20.01.1785 mà không một thuyền chiến nào của quân Xiêm không bị bốc cháy. Năm vạn quân thủy bộ chỉ còn vài ngàn bơi được lên bờ, chạy thục mạng về đất Cao Miên.
Có lẽ do tiếng gầm của đại bác mà tên Sầm Giang trở thành tên Rạch Gầm và đối lại, ở Bến Tre có rạch Bà Hét. Người ta nói, trận đó Ông Gầm, Bà Hét dữ dội lắm.
Tháng tám vừa qua, tôi cố sắp xếp thời gian để đi một chuyến ra Bình Định, nơi họ Hồ từ Nghệ An chạy loạn vào đất Tây Sơn và đổi thành họ Nguyễn, để Nguyễn Huệ sinh ra trên vùng đất đồi núi rất đẹp này, một vùng đất nổi tiếng giỏi võ, để người đời truyền tụng câu ca: “Giặc nào vào cũng bỏ thây/ Tây Sơn đất võ biết tay anh hùng”. Thì ra, vùng đất giàu có lâm thổ sản này, vùng đất võ này là nơi sinh của một vị tướng tài của dân tộc. Tôi lên cả vùng Tây Sơn thượng đạo, căn cứ địa của quân Tây Sơn, nay là thị xã An Khê của tỉnh Gia Lai, một thị xã có con sông Ba chảy qua, khiến thị xã tươi mát hẳn lên. Tôi tìm đến những nơi ba anh em Tây Sơn huấn luyện nghĩa binh. Vùng đất bao la với chiều dài khoảng 50Km, rộng khoảng 30Km là nơi gặp gỡ của những con người có chí lớn, nơi hội tụ dũng khí, để hàng vạn trai tráng của nhiều thành phần dân tộc cầm giáo, cầm cung, cầm gươm, cầm súng đứng dưới ngọn cờ đào của nhà Tây Sơn, thề đánh tan chúa Nguyễn, đánh đuổi kẻ xâm lăng để thoát cảnh lầm than.
Và khi quân Xiêm lấy cớ chúa Nguyễn Ánh cầu cứu, tức tốc đem 5 vạn chiến binh sang xâm lược Việt Nam, thì từ Tây Sơn thượng đạo, từ vùng biển Quy Nhơn, quân Tây Sơn vượt biển vào Mỹ Tho để hỏi tội quân xâm lược. Chỉ cần một trận thủy chiến tại Rạch Gầm - Xoài Mút là đế quốc Xiêm La phải nhớ đời, phải “sợ Tây Sơn như sợ cọp”.
Bây giờ, tượng đài chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút uy nghi bên vàm Rạch Gầm. Phải sau 220 năm mới có tượng đài. Chiến tranh và nghèo khổ không tính được phải làm gì cho vị tướng tài ba, cho một thiên tài quân sự, cho một đức vua có tinh thần cải cách. Làm được thế này cũng là một cách tri ơn, một cách viết sử sống động cho các thế hệ sau đọc lại lịch sử của tổ tiên mình khi chưa vào thư viện, một sự minh chứng để cảnh cáo kẻ thù có mưu toan xâm lược.
Từ tượng đài nhìn ra khúc sông rộng, mùa chướng đang về, triệu triệu ngọn sóng đang xô đẩy nhau, dưới ánh bình minh của ngày sắp tết, dòng sông rực lên, tưởng chừng ở đó đang có muôn ngàn cờ xí, có tiếng reo hò của quân Tây Sơn, tiếng reo hò của một đội quân bách chiến bách thắng. Và nghe đâu đó lời chỉ dụ của nhà vua:
“Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.
Tôi lại nhớ ngày xưa, thuở còn học lớp ba trường làng, thầy giáo của tôi bị địch bắt, thầy trò chúng tôi dang dở bài học về trận Rạch Gầm - Xoài Mút, dang dở cuộc tái hiện trận thủy chiến kỳ diệu này. Thầy ơi, nếu như ngày xưa thầy đến được vùng đất này, thấy dòng sông hùng vĩ và kỳ ảo này, thầy sẽ chuẩn bị cho chúng em làm thêm những thứ khác, súng hỏa hổ để thiêu tàu chiến Xiêm chẳng hạn!