“Thật phiền. Hôm nay cái hạch của ông tấy sưng hơn nhiều. Tôi nghĩ phải mổ. Nhất định phải mổ. Ông muốn sao ?. Tôi hiểu ông lắm chứ. Ông sợ chết phải không. Tại sao ông không nói thế. À. Ra ông không thể quyết định thái độ được. Nhưng tôi hỏi ông nhé. Ông cho phép. Vâng. Ông đã cho phép. Vậy thì tôi cần biết là ông có tin ở khả năng chúng tôi không?. Riêng tôi, tôi có thể nói thẳng với ông rằng, ông phải mổ cái hạch này. Không thể lâu hơn được. Tôi không đặt hy vọng ở sự may mắn của ông. Ông cười đấy ư. Có thể tôi lầm. Thật ra tôi không lầm. Lần thứ hai tôi có thể nói thẳng với ông, mụn nhọt đã nhẽo ướt và lở loét rồi. Không còn gì để nói thêm nữa. Ông còn đủ một đêm suy nghĩ. Thừa chán thì giờ. Ông không nói gì nữa sao. Sớm mai, khi mặt trời bắt đầu mọc ở phía này, viên y sĩ đưa tay về hướng cửa sổ trông ra biển, người ta sẽ đưa ông xuống phòng mổ. Ông còn đủ bình tĩnh chứ. Ông có nghe thấy tôi nói gì không. Ban đêm sắp xuống rồi đấy.Mặt trời lặn nửa biển”.
“Bác sĩ. Tôi muốn nói một câu với người. Nhưng chắc chắn không phải là tôi nói về mặt trời sắp lặn. Ông tin tôi chứ. Tôi nói tại sao ông nhất định mổ xẻ tôi. Tôi không muốn mổ. Tôi chưa muốn chết bây giờ. Phải để tôi sống và thả tôi ra. Tôi muống nghe tiếng súng nổ. Tôi muốn nhìn những mảnh đạn trái phá văng lên từ các đồn bóp địch. Tôi muốn được la hét chửi thề. Tôi muốn được mục kích những xác chết ngã gục. Những đầu những chân tay văng đi. Rồi máu đỏ lòm tung tóe. Tôi phải giết hết con người thù nghịch để được cười hả hê. Vâng, ông đừng nói nữa. Tôi chán ghét tất cả. Tôi không bằng lòng cho ông mổ xẻ thân thể tôi. Có nhiều cách để làm tôi sống lại. Tại sao ông không nghĩ thế?. Ông nhất định khoắng mũi dao vào thân thể tôi như một con vật. Ông đã từng thí nghiệm ở những loài trùn đất hèn mọn. Thưa ông, tôi không phải là loài trùn đất. Tôi là người. Tôi là người ông nghe rõ chứ?. Ông ngạc nhiên lắm sao?. Tôi không thể nằm im mà không la lên rằng, đừng giết tôi, đừng mổ nát thân thể tôi. Không, không, nhất định tôi không mổ. Tôi không mổ…”.
“Ông đừng giận. Tôi không ưa ai giận tôi cả, ông bảo tôi ngạc nhiên?. Không, không phải thế. Tôi chỉ có ngạc nhiên và la lớn với bệnh nhân bướng bỉnh lần thứ nhất của tôi. Ông không phải người bệnh nhân thứ nhất đó. Ông nghe tôi nói chứ. Được, ông phải bình tĩnh. Điều mà tôi cần xác định lại với ông là tôi không phải là kẻ giết người như ông nói và tôi cũng chưa từng nghĩ bệnh nhân của tôi là một loại côn trùng để tôi làm thí nghiệm giải phẫu. Tôi có thể giết những côn trùng đó để giúp việc nghiên cứu. Ông khoan nói. Vâng, nếu những con vật thí nghiệm đó có ích cho cuộc giải phẫu của tôi, có thể đánh đổi được tính mạng một con người, thì cần bao nhiêu con, tôi cũng giết. Ông không nói gì ?. Và có thể nói bất cứ cái gì ông muốn. Tôi cho phép như thế. Nhất là tôi không muốn con bệnh của tôi còn bận tâm và nghi ngờ việc làm của tôi. Vâng, ông cứ nói. Tôi không giận …”.
“Không, không thể nói gì nữa. Bác sĩ không giận gì tôi?. Tại sao tôi không thể bình tĩnh hơn một chút?.
Như thế là quá khích đấy có phải không bác sĩ?. Tại sao buổi chiều nay tôi thấy cái hạch tấy sưng lạ. Mụn nhọt nhão nát ra rồi. Nó bắt đầu có mủ và vi trùng. Đau đớn chẳng thể chịu hơn được. Mổ thôi…”.
2.
Mặt trời mọc. Sóng biển táp chầm chậm vào bờ đá. Tôi chưa bao giờ có cảm giác đau đớn như ban đêm nằm nghe tiếng mình thở. Có lúc tôi sờ tay vào đầu mụn nhọt sưng tấy thì thấy đau đớn vô cùng. Bóng tối dầy đặc. Tôi muốn gọi một người, nhiều người về ôm lấy tôi cho nhẹ bớt niềm đau. Nhưng chẳng thể còn có ai nữa mà gọi. Có một lần tôi chợt ngẩng lên bức tường xần xùi lởm chởm, ở đó tôi nom thấy bức tượng Chúa treo thân trên gióng gỗ, cúi nhìn tôi. Tôi cho là vô ích nếu có cất lên tiếng nói nữa. Tôi không tin tưởng gì với ai cả. Đêm đến. Tôi cứ nằm ngửa nhìn các góc tường trắng mà buồn. Và, khi nghĩ đến cái ung nhọt, thì thân thể tôi lại đau đớn vô cùng. Bây giờ, tôi kêu gào mặt trời mọc lên để nhiều người hiện diện trước cơn đau khủng khiếp này của tôi. Tôi bấu hai tay trên thành giường nhoài về phía cửa sổ.
Tôi thấy bầu trời mây đen xé dần. Có nhiều khoảng trắng hé dần. Tôi nhìn dài theo bãi cát. Bóng tối còn khép kín. Chẳng thể đếm thấy một gộp đá xẫm đen, nhưng con hâu biển hung hãn. Kinh nghiệm những đêm nằm úp mặt vào bàn tay, tôi thấy nếu cứ đếm lần tiếng sóng phả vào bờ, mạnh lớn nhiều lên là lúc mặt trời sắp mọc. Mặt trời mọc thì thường có sóng lớn. Và bây giờ thì sóng lớn có ngọn.
Tôi nằm vật ra giường, nhắm mắt lại nhức nhối. Tôi đếm thấy vòng bánh xe, có thể là mang bệnh nhân đi mổ, lăn chầm chậm ngoài hành lang. Cái xe đó ngừng lại trước cửa phòng tôi. Tôi được đặt nằm thẳng trên cỗ xe, mở mắt nhìn trần nhà vôi trắng theo vòng bánh chạy. Tôi không nói với ai. Tôi không trả lời dù có người hỏi. Đó là điều trái hẳn với ý nghĩ của tôi ban đêm. Tôi còn phải coi họ là những vật thể không cần bận tâm chú ý đến. Tôi có thể cắt đứt tiếng thở và nhắm mắt khước từ mọi vật nếu cái ung nhọt rách vỡ. Tôi cảm thấy lo lắng và buồn khi nghe thấy những vòng bánh xe ngừng dần lại. Tại sao ngừng dần. Không thể quay thêm một vòng nữa, nhưng quay thêm mà làm gì, vô ích.
Lần thứ hai, thân thể tôi được vất lên mặt bàn sắt lạnh tê buốt. Tôi chóa mắt vì ngọn đèn gắn trên trần. Người ta cởi bỏ quần áo tôi ra và phủ lên người tôi tấm vải trắng. Tôi nghĩ đến thân phận những con giun nhẽo ướt. Những con giun đó chúng có buồn nôn trước cái cảnh này không. Chúng có dẫy dụa trước mũi dao nhọn khoắng nát thân thể chúng không ?. Nào ai có biết được nếu chẳng là những con giun đất ấy. Nhưng bây giờ, tôi là con giun đất nhỏ nhoi. Tôi có nên kiêu hãnh được vất thân thể trên cái mặt bàn này không. Tôi có thể bình tĩnh để nghĩ đến con heo nằm trên bàn thịt nơi lò sát sinh. Người đàn ông cởi trần cầm con dao nhọn, dơ cao lên và thúc mạnh vào cổ con vật. Nó giẫy hết sức để kêu gào nhưng chỉ tỏ thêm sự đau đớn. Tôi có phải con heo khốn nạn đó không ?. Và người đồ tể vô danh là tên y sĩ này ?. Tôi tin rằng mình đã nghĩ lầm nhiều quá. Lần cuối cùng, trước khi mũi dao mổ khoét sâu vào cái hạch của tôi, tôi có đủ thì giờ để đặt một bàn tay vào đó. Tôi nắn hai ngón tay vào cục cứng nổi hòn cảm thấy nhức nhối lạ kỳ. Tôi sờ thấy hình viên đạn mà lâu nay tôi đã không còn nhớ đến nó. Vậy chỗ này, dưới làn da xẹp mỏng viên đạn đã lẩn sâu trốn nằm trong đó. Những viên đạn này ở đâu đến và tại sao có ?. Tôi nhớ sau cuộc chạm súng ở Đồng Tháp, tiểu đoàn tôi bị tiêu diệt gần hết, tôi nhủi vào rừng và bị trúng đạn. Tôi mang vết thương trốn về thành phố. Mấy tháng đầu nó mưng mủ đau nhức không sao chịu nổi. Nhưng rồi sau đó, tôi nhận thấy nó bớt đau và mụn nhọt lở loét cũng khô se. Tôi không nghĩ đến việc mổ lấy viên đạn ra nữa. Sự có mặt của nó trong thân thể tôi chẳng có hại gì. Nó muốn được thế vì nó đã tìm được nơi đắc ý nhất. Tôi cho là mụn nhọt đã đóng sẹo, da đã thay lớp, rồi đây viên đạn đó sẽ rữa mòn, sẽ tiêu tan vào thân thể tôi như một món ăn. Đêm đến, tôi tìm đường trốn ra thành phố. Tôi muốn liên lạc với Trung Đoàn của tôi. Nhưng tôi chưa vượt qua khu vực kiểm soát thì bị lính gác phát hiện bắt được. Người Ta giải tôi về BTL Sư Đoàn đóng ở vùng biển. Ở đấy tôi bị giam giữ. Tôi vượt ngục và bị bắn lúc bò qua hàng giào giây kẽm gai.
3.
Khi tên lính gác đi hút khu hành lang, người tù thứ nhất nói tiếp:
“Tôi nghĩ đêm nay không thoát được thì nguy đấy. Bây giờ đã xâm xẩm tối rồi. Đêm không trăng. Trời có sương muối. Nhưng anh nghĩ gì bây giờ. Thái độ ?. Phải quyết định đi mới được. Anh tính toán nhiều quá. Ở trường hợp này thì không có tính toán gì hết trọi. Liều lĩnh có khi lại là điều hay. Anh có cho như vậy là đúng không ?.”
Gã đàn ông thứ hai ngồi ngả lưng vào vách ván đưa con mắt nhìn về phía người bạn. Tiếng nói chậm và đều:
“Tôi không có ý kiến gì. Tôi muốn được theo anh. Mình không thể ngồi đây qua nhiều ngày để chờ cái chết nó tìm đến. Trước hay sau, tụi nó cũng bắn bỏ mình. Tôi nghĩ, nếu đêm nay có cuộc tấn công vào đồn thì hay biết mấy. Nhưng có gì để chắc chắn về điều đó có phải thế không anh. Những thất bại liên tiếp vừa qua, cánh bên mình không chừng đã lủi xa vùng đất này rồi. Tệ thật. Chiến tranh mười mấy năm, rút lại chỉ thấy đầy những xác người chết. Vô ích nhỉ ”.
Trận gió hú dài qua khu hành lang cuốn băng tiếng nói thì thào của người tù thứ hai. Mưa rắc xuống mái tôn. Lâu. Dễ thật lâu mới có người tù cất tiếng:
“Rồi. Mưa rồi nhé. Anh có thấy không ?. Khoảng sân tối phía trước kia, anh phải nhớ có một lô cốt. Chúng gài mìn lung tung. Những khu bãi trống thường dễ mắc. Sao ?. Im lặng mãi hả. Ngủ rồi chắc”.
Có tiếng ngáp gió. Một bàn tay quơ lên chấn song sắt. Tiếng kẻng rộ lên từ mấy đồn canh. Có tiếng súng và tiếng xe di chuyển nặng trong đêm. Người tù thứ nhất ngồi bật dậy:
“Đêm nay động chắc. Anh có nghe thấy gì không. Đó. Tiếng xe xích sắt xê dịch. Chúng nó hành quân vùng nào thế nhỉ. Không biết bây giờ là mấy giờ rồi”.
Không có tiếng đáp. Bên ngoài con đường đổ xuống dốc núi, tiếng động cơ vẫn ầm ì từng chập. Đêm đặc bóng tối. Chốc chốc lại có tiếng còi ré lên. Tiếng người quát nghe rõ mồn một. Hai người tù xích lại gần chấn song sắt, nhìn ra khu sân cỏ, thấy những hình lô cốt phản chiếu lên nền trời, những vòng rào dây kẽm gai xoắn xít như rễ cây leo. Cánh cổng trại đã khép lại khi chiếc xe cuối đã lọt ra ngoài. Họ ngồi im lặng tiếp tục trong bóng tối. Đột nhiên có tiếng nổ lớn. Rồi tiếp đó là những tràng súng nổ ròn.
“Tụi nó bị kích rồi”.
Người tù thứ hai định cất tiếng, nhưng nghĩ sao lại lặng im. Ngoài hành lang có tiếng người đi lại gần. Hai người lính tay cầm súng, rọi đèn “pin” đang từ con đường từ lô cốt mò mẫm đi về phía họ. Đến ngang dẫy phòng giam, họ ngừng lại đứng lặng lẽ châm lửa hút thuốc.
Một người nói:
“Ván bạc buổi tối đen quá. Tao nướng sạch bách túi tiền. Mẹ nó chứ. Kỳ này đi phép chắc không còn một xu dính túi”.
“Đi phép làm cứt gì. Về trong đó, tao thấy thiên hạ sống phây phây mà hận. Mày tính tụi mình ở cái vùng khỉ ho cò gáy này chiến đấu cho tụi nó ăn chơi hả. Tụi nó nhậu nhẹt thả cửa, chơi gái thả cửa, chửi bới thả cửa. Nhìn vào bộ mặt tụi nó tao chỉ muốn nhổ đờm cho bõ tức”.
“Thôi mày. Bất mãn làm gì. Tao bỏ hết mọi chuyện để khỏi bận tâm. Mày đâu có biết nỗi buồn của tao. Cái thành phố đó tao thù ghét hết kiếp này. Tao đi đánh giặc ở ngoài này để con vợ tao bỏ tao đi lấy thằng chồng khác. Con đàn bà thối tha dâm dật đó nghe đâu bây giờ cũng bị thằng khốn kiếp đó bỏ rơi rồi. Như vậy là đáng đời”.
“Vậy mày để yên cho thằng khốn đó sao”.
“Yên hả. Yên sao được. Tao thề có dịp gặp được nó, tao sẽ cho nó đi tầu suốt để rửa hận”.
“Nếu là tao, tao không cho nó đi tầu suốt như mày nói. Nó chết, nó yên phận. Mày không chết, mày bị tù thiệt thân. Sao mày không nghĩ đến cách đơn giản nhất là thiến mẹ cái của nó đi có phải hơn không. Thiến rồi, nó có sống cũng chỉ là kẻ vô tích sự”.
Có tiếng đạn trái phá nổ ở xa. Hai người lính bước dọc theo dẫy hành lang. Tiếng hát buồn của một người bỏ lại đằng sau. Một người văng tiếng chửi thề.
“Bắt đầu thôi. Như vậy kể cũng đã chậm rồi”.
Không có tiếng đáp. Bóng một người tù đu thân lên cây xà, luồn người qua bờ tường rồi rớt xuống bên kia hàng rào. Ngoài kia, vùng bóng tối đầy những rình mò của chết chóc. Những con mắt mở rộng nhìn thẳng vào bóng đêm. Những mũi súng hờm sẵn. Những ngón tay tì sẵn trên cây cò chờ đợi. Đạn sẽ bắn đi. Tiếng nổ. Tiếng hét. Và rồi vẫn chỉ là những im lặng bưng bít. Bây giờ, tên bị bắn đã nằm sấp bụng trên khoảng đất ngầy ngụa bùn của một con suối. Hắn nằm như thế với một viên đạn ghim ở sau lưng.
4.
“Bác sĩ, tôi muốn nói. Dù ông chẳng muốn nghe tôi. Nhưng tôi vẫn muốn nói. Ông đã gắp được đầu viên đạn ra chưa. Tôi không cảm thấy đau đớn lắm. Ông cứ mổ. Được. Ông cứ mổ. Tôi có đủ sáng suốt để nói chuyện với ông. Tôi có làm phiền gì ông không. Thôi. Chẳng nên phí thuốc mê mà làm gì. Tôi không đau lắm. Ông cứ tự nhiên. Sao ?. Ông thấy vết thương ra sao ?. Ông đã chạm vào viên đạn rồi chứ. Nhẹ thôi. Có thể ông đã thúc quá mạnh chạm vào xương tôi. Ông không giận nó chứ. Quân vậy mà bướng bỉnh vô cùng. Tôi …tôi hơi mệt”.
“Ông nên bằng lòng với hiện tại. Có lẽ thúc mạnh con dao chút nữa, thêm chút nữa sẽ đụng đến viên đạn. Tôi đã nhẹ tay nhiều lắm. Nếu ông khai sớm hơn, tôi tin chắc ông đã tránh khỏi việc mổ xẻ này. Tôi biết ông không có tài liệu. Tại sao lại phải để lâu đầu đạn trong thân thể. Ông đau chứ. Tôi biết ông cố gắng khá nhiều. Thêm một chút được không”.
“Ông cứ tiếp tục. Tôi nghĩ ông đã thắng tôi. Bên ông đã thắng chúng tôi. Tại sao chúng tôi đã không ý thức được việc cầm súng bắn giết đồng loại tôi. Tôi có nên tự hào chúng tôi đã vượt qua sông qua đường mòn để xâm nhập vào vùng đất của các ông không nhỉ ?. Tôi biết ông không giận chúng tôi. Ông hiểu tôi muốn nói gì chứ. Ông hiểu tôi muốn nói gì chứ. Như thế là hơi đau đấy. Ông có thể nhẹ hơn một chút được không ?. Vẫn chưa thể tìm thấy viên đạn để gắp nó ra được sao. Không nên kéo dài thời gian hơn nữa. Tôi thấy mệt nhiều. Nhưng tôi tin rằng ông sẽ thắng. Tôi tin ông sẽ thắng”.
Tôi nghe thấy tiếng sóng biển phả vào bờ. Mặt trời lên cao. Tôi nghĩ là mặt trời đang lên cao. Có tiếng kêu của đàn ó trên nóc nhà. Tôi tin rằng chúng không thể nhìn thấy thân thể tôi. Tiếng động cơ của một chiếc máy bay đang liệng vòng trên thành phố. Và tiếng kèn rạng đông của trại lính trên sườn đồi. Tôi thấy vết thương càng lúc càng nhức nhối đau buốt.
“Sao ?. Ông vẫn có thể nghe tôi nói đấy chứ. Tôi có làm ông đau hơn không ?. Cố thêm một chút được chứ. Như thế là tôi đã gắp được đầu viên đạn. Nó đây. Nó đã đầu hàng. Ông không bằng lòng về điều đó hay sao. Ông cứ nói. Nếu như ông muốn nói”.
“Vâng. Tôi nói đây bác sĩ. Tôi nghĩ rằng tôi sắp chết. Tôi không chết vì căn bệnh tôi đang chịu đựng. Nhưng tôi chết vì sự trả thù của những người gây ra cuộc chiến này. Tôi không có gì để phàn nàn cả. Cứ việc bắn bỏ. Bác sĩ có phiền gì không. Như thế là ông đã thắng. Tôi đã nói là ông sẽ thắng”.
Có tiếng sóng lớn táp ầm vào bờ. Tôi không còn nhìn thấy gì cả. Cả những bức tường màu vôi trắng kia. Cả khuôn mặt của của vị y sĩ. Hình như có tiếng của bốn cái bánh xe lăn dọc trên cái hành lang. Trên cái hành lang …
5.
Cái xe nhà binh ở cánh cửa sau có mang hình một cái thập tự sơn màu đỏ chạy gầm gừ trên con đường có những vòng rào dây thép gai rẽ vào cửa bệnh viện rồi từ từ đỗ lại. Tôi mở mắt nhìn lên trần nhà. Tôi dơ tay bắt tay những người hiện diện ở quanh tôi. Tôi nói cám ơn tất cả những ai đã tận tình giúp đỡ tôi trong những ngày tôi ở trong bệnh xá. Khi người ta mở cánh cửa sau xe, tôi lên ngồi ở hàng băng gỗ. Tôi ngả lưng tựa vào thành gỗ. Tôi nghe thấy tiếng vỏ lốp xiết trên đường. Mắt tôi có thể nhìn qua khung kính cửa để thấy con đường vòng chạy dài xuống bãi cát khi xe đang leo dốc. Tôi thấy ở dưới bờ cát trắng có những bóng người đang chơi đùa với sóng biển. Sóng ào ạt lớp trước lớp sau kéo vào bờ.
Tôi đưa mắt nhìn sang người ngồi bên cạnh. Thấy tôi nhìn, anh ta khẽ mỉm cười. Bỏ bàn tay vào túi áo, anh lấy bao thuốc lá, rút ra một điếu rồi mời tôi. Tôi nhận điếu thuốc rồi đưa đầu điếu thuốc để anh ta mồi lửa. Hít dài một hơi, tôi nói:
“Anh đưa tôi về trại. Tôi biết mình hết điều may mắn rồi. Đã lâu tôi không được ngồi hút thuốc và nói chuyện như thế này. Chúng tôi hành quân liên miên, chui nhủi như chuột. Các anh nghĩ gì về chúng tôi. Các anh có phiền vì chúng tôi là những kẻ hiếu thắng. Đêm qua có tiếng súng lớn nổ.
Nghe quá gần. Súng các anh im ắng. Các anh không cần bắn. Tôi biết lắm chứ”.
“Bọn nó tính đánh úp đồn”.
“Anh bảo chúng nó vất súng đi và đầu hàng cho rồi. Chiến tranh này không còn gì để kéo dài thêm nữa. Tôi biết các anh rồi sẽ thắng. Tôi đã chán đánh nhau rồi. Phải bỏ hàng ngũ rồi lấy súng bắn cho nát nhừ đất đai để cắm xuống đó hạt lúa để lúa mọc thành cây. Súng đạn chỉ là một vật bẩn thỉu. Hãy vất chúng đi hơn là dùng đến chúng”.
Xe đi vào hẻm núi. Vách đá màu xám và cao. Tôi tiếp tục câu chuyện nói về biển. Thành phố hồi tôi còn nhỏ tôi ở đó. Đêm đến có những cỗ xe bò chở cá vào khu chợ. Tiếng lục lạc khua vang. Con đường hẹp và bẩn. Những lái cá thường ngồi nhậu nhẹt tới khuya để đợi xe lửa chở hàng về tỉnh. Nghe tôi nói về biển, người lính trẻ ngẩng mặt lên nhìn, đưa mắt nhìn tôi tiếp lời:
“Biển tháng này mang màu xám tối. Ông có tin như vậy là có bão không?”.
“Tôi không tin. Trời có nhiều diều hâu. Dễ chừng chúng vỡ tổ”.
Tay đưa lên, làm một động tác theo thói quen cố hữu khi nói chuyện, rồi cảm thấy dư thừa, tôi lại rút lại, rồi bàn tay đặt lên đùi ở vị thế cũ.
“Chưa hẳn như thế đâu ông bạn. Biển vào tháng này, diều hâu giao hợp thường bay quẩn trên bầu trời. Ông không thấy chúng tỏa rộng đôi cánh, liệng vòng vòng như một ngày lễ hội hay sao. Chúng bay đen cả một khoảng trời. Tiếng chúng kêu nghe mà lạnh. Nhiều khi tôi phải bịt tai lại để khỏi nghe thấy tiếng chúng kêu. Tôi ghét chúng. Ông ngủ đấy à. Có lẽ đêm qua ông gác”.
Người lính nghe tôi nói thì ngồi thẳng người, đầu khẽ lắc. Rồi đưa tay móc bao thuốc ở trong túi, anh ta lấy ra một điếu, bật lửa, đốt.
“Không. Tôi không buồn ngủ. Ông cứ nói tiếp đi”.
“Vâng. Tôi cứ mang ý nghĩ rằng, những con vật hôi hám đó thường tranh cướp nhau chỉ vì một con cái. Chúng đánh nhau thật dữ dội. Nhiều khi chúng rớt cả xuống mặt đất nhưng vẫn không buông nhau ra. Nhất định phải giết đồng đội mình để chiếm đoạt con cái. Tôi không có ý nhục mạ chúng vì chúng chỉ là những con vật sống vô xã hội. Mà không có xã hội thì làm gì có luật lệ. Cho nên chúng loạn. Tôi nghĩ rằng những giáo điều tín ngưỡng là điều cần thiết. Vất bỏ đi hết thì con người chẳng còn có chỗ bám víu để dựa vào đó mà ý thức về cuộc sống này sống ra làm sao. Người thích sống cuộc sống vô tổ chức thường không chấp nhận mình là một con tầu bám cố định và chạy theo chiều dài của một thiết lộ. Đó là tính vị kỷ để chạy theo sự thỏa mãn cá tính của bản thân họ. Nhưng khi bàn tay đã dính vào tội lỗi thì bọn họ lại là kẻ hèn hạ đầu hàng trước nhất. Điều này tôi hoàn toàn không đồng ý. Ông muốn nói. Vâng. Ông muốn nói tôi là người có máu cộng sản. Đúng vậy. Nhưng đó là ngày hôm qua. Tôi muốn nhấn mạnh là ngày hôm qua mà không phải là ngày hôm nay. Tại sao lại như vậy. Tôi đã đứng trong hàng ngũ của khối đông đó hơn mười mấy năm và đã cầm súng để trong hơn mười mấy năm, tôi đã bắn không biết bao nhiêu là viên đạn. Ông nhìn vào bàn tay tôi đây. Bàn tay của một kẻ giết người không cần biết ý thức việc mình làm. Và như thế, tôi có nên phàn nàn hay nhìn nhận đó là điều tội lỗi đáng xỉ nhục. Tôi đồng ý nếu ông nói người cộng sản không bao giờ đặt để và coi trọng vào các giáo điều của mọi tôn giáo. Vì thế họ chịu gò bó ép mình như một con tầu chạy trên đường sắt mà không muốn thay đổi hay làm khác được. Tôi đã nhìn ra điều đó nên tôi đã thay đổi tư tưởng để chống lại họ cũng như đặt họ ở vào trường hợp của những con diều hâu.
Hình như tôi đã đi quá xa vấn đề. Tôi đang nói về những con diều hâu có phải đúng thế không ông. Vâng. Những con diều hâu thường quá tin vào đôi cánh của chúng và một khoảng trời bao la rộng rãi. Chúng là bọn làm phách và tự mãn thái quá. Đó. Ông có nghe thấy tiếng chúng cọ mỏ và tiếng kêu của chúng hay không. Đồ khốn kiếp cút đi. Tôi muốn phả đạn vào lũ mọi đen hôi hám đó. Không thể chịu đựng hơn được. Hãy tóm cổ chúng. Hãy xích chúng bằng những cái vòng sắt. Hãy lôi cổ chúng đến những ngôi nhà thờ. Phải bổ vào đầu lũ vô thần này những lời trong kinh thánh. Ông không biết, đã có lần tôi đứng úp mặt vào bức tường của một ngôi giáo đường ở một thành phố đổ nát, tôi khóc. Tôi khóc vì tôi đã là một tín đồ chối bỏ đạo khi tôi nhận cầm súng để lao vào cuộc chiến. Tôi đã phỉ báng những vị cha đáng kính, đã nhục mạ những vị linh mục khả ái, và đã nhả đạn bắn vào khu nhà nguyện làm chết những con chiên đang cầu kinh vô tội. Chúa đã phạt tôi. Ông hãy nhìn kỹ vào bàn tay tôi. Bàn tay mang dấu vết của tỳ vết tội lỗi không thể và không có cách gì gột rửa cho sạch được. Ông có tin tôi nói những điều như thế hay không?. Tôi nghĩ nếu mỗi chấm sao trên trời là một ngôi nhà thờ, mỗi con người là một tín đồ của Chúa, thì địa ngục chỉ là một từ ngữ vô nghĩa và không có thực. Nhưng thật buồn ông ạ. Ban đêm khi những ngôi nhà thờ xuất hiện thì cũng là lúc những con ác điểu đã trốn khỏi bầu trời. Lũ khốn đó là một bọn cứng đầu bất trị ông nghĩ tôi nói như thế có đúng không”.
Người lính chỉ ngồi im lặng. Thân thể lắc lư đong đưa theo cái xe đang chạy trên một sườn núi, lúc nghiêng qua bên này, lúc đảo qua bên kia. Đó là một con đường dốc đèo hẹp. Tôi hút điếu thuốc thứ hai. Điếu thuốc được người lính đưa khi tôi ngỏ ý xin. Trong cái im lặng váng vất của buổi trưa mùa hè, tôi còn nghe rõ tiếng sóng đập vào bờ đá ở phía dưới bên cạnh đường xe chạy. Bây giờ, xe bắt đầu chạy vào thành phố, nơi có trại lính ở trước mặt. Tiếng hát của người tài xế cất lên. Thân xe lắc lư theo nhịp nhẩy của bốn cái bánh lăn trên con đường gập ghềnh. Tôi nhìn lại phía sau thấy bụi mù chẳng còn nom thấy biển ở đâu nữa. Người lính hút thuốc phả khói bay tạt vào mặt tôi vừa nói:
“Rồi ông sẽ được tha. Ông không phải là kẻ thù của chúng tôi. Tôi tin điều tôi nhận xét là đúng. Chúng tôi thề sẽ chống đến cùng những kẻ phản bội quê hương, phản bội dân tộc. Nhận định chính xác để nói: tất cả, dù là thù nghịch, đều là anh em. Chúng ta có cùng một dòng máu, một truyền thống, một quá khứ, một xứ sở, đó là mẫu số chung để giải quyết mọi vấn đề. Chúng ta không cần mất thì giờ đi tìm một chủ nghĩa nào khác. Bởi vì chẳng có một chủ nghĩa nào tốt đẹp hơn là sự tự do của chính chúng ta được bảo vệ. Bảo vệ như thế có nghĩa là cái tự do mà chúng ta có sẽ không một ai có quyền nhân danh để tước đoạt hay có quyền bóp chết nếu họ biết tôn trọng chúng ta. Vâng. Điều tôi nghĩ đơn giản chỉ có vậy. Còn ông, ông có cùng quan niệm như tôi hay không. Tôi biết chắc và tin rằng ông sẽ được tha. Khi đó ông sẽ làm gì nốt cuộc đời còn lại của ông?”.
Tôi cúi đầu nhìn xuống đôi giầy vải tôi mang. Tôi cảm thấy vừa buồn vừa xót xa khi nghe người lính trẻ hỏi. Người hỏi vẫn kiên nhẫn ngồi chờ câu trả lời. Vòng bánh xe vẫn lăn tròn. Con đường mỗi lúc mỗi ngắn lại. Nhà cửa cái hiện ra thay thế cái đã lùi lại phía sau rồi biến mất.
“Tôi thù ghét chiến tranh. Tôi ghê tởm những lần đụng trận thấy xác người chết. Nếu được thả, điều duy nhất tôi chọn chắc chắn là sống một cuộc sống thật bình thường. Tôi thích có một căn nhà nhỏ vừa đủ để ở. Tôi ao ước được sống ở vùng biển hay trên một cao nguyên. Tôi là người trầm tính. Sự tĩnh mịch ở một nơi vắng vẻ là điều tôi muốn. Ở đó, tôi sẽ ngồi để ghi chép lại tất cả những gì xẩy ra trong quá khứ. Tôi là một nhà văn. Chiến tranh đẩy tôi vào cuộc chém giết phi lý. Tinh thần tôi bị tước đoạt. Thể xác tôi không còn sở hữu thuộc về tôi. Dự định tương lai như những quả bong bóng nước chập chờn trước mắt rồi cái trước cái sau thi nhau vỡ. Nhiều năm qua, tôi đã mất tất cả. Bây giờ chắc cũng chẳng còn gì cần để làm. Buổi chiều ngồi hút ống vố nhìn những con hâu biển bay liệng trên không. Buổi tối trời thường có những con ruồi xanh bay quẩn đi tìm những cục phân mục. Nếu tôi được thả, tôi sẽ về đó để ngồi một mình trong im lặng, cũng có thể là nhìn lại quãng đời mình đã trải qua, cũng có thể là kiểm điểm những điều gì mình đã sai phạm. Vậy là đủ. Nếu được, vâng, xin ông cho tôi thêm một điếu thuốc”.
Người lính áp giải chìa bao thuốc ra. Rồi anh ta bật lửa cho tôi mồi. Tôi nhìn ra phía cửa sổ, phà khói. Xe qua một trạm kiểm soát ở cổng trại rồi ngừng hẳn lại. Người tài xế thôi không còn hát nữa. Ông ta mở cửa rồi nhẩy xuống. Tôi nói một mình “chắc đã tới”. Không có ai trả lời câu hỏi của tôi. Cần gì phải trả lời với một câu hỏi như thế bao giờ. Đúng vậy./.
(trích trong tuyển tập truyện ngắn TRONG THÀNH PHỐ - NGOÀI MẶT TRẬN, xuất bản trước năm 1975 tại Sàigòn, giấy phép số 177/BTLC/BC3/XB ký ngày 31-1-1966).
Thư Ấn Quán