Là một trong số những nhà xã hội học Hoa Kỳ đầu tiên công nhận những đóng góp của Các Mác cho ngành, Charles Wright Mills (1916-1962) còn là lý thuyết gia nhiều ảnh hưởng trên thế giới. Tư tưởng của ông tiếp tục được sử dụng làm kim chỉ nam cho nhiều bộ sách nhập môn hay đề cương cho ngành xã hội học[1], còn tác phẩm nổi tiếng phác thảo tư duy xã hội học được tái bản nhiều lần trong vòng 50 năm qua[2].
Mặc dù Mills dùng chữ “mường tượng” (imagination) để khái quát tư tưởng của mình, nhưng ông nhấn mạnh đến việc tư duy này phải giữ vị trí trung tâm trong lý thuyết xã hội, trong công việc và cuộc sống của nhà xã hội học, và cả trong xã hội nữa, cho nên chữ “tư duy” (cũng có thể hiểu là nhân sinh quan) trong tiếng Việt thể hiện rõ hơn quan điểm mà ông đưa ra – tư duy xã hội học (the sociological imagination). Mở đầu quyển sách mà nay đã là kinh điển cho toàn ngành xã hội học, Mills trình bày:
Hôm nay con người thường cảm thấy cuộc sống riêng tư của mình chẳng qua là chuyển từ cái bẫy này sang cái bẫy khác. […] Bên dưới cảm giác bị lọt trong bẫy đó là những thay đổi không liên quan đến cá nhân trong cấu trúc toàn cầu của toàn thể xã hội. Những diễn biến của lịch sử đương đại cũng là những thực tế thành công hay thất bại của mỗi người đàn ông hay đàn bà. […] Cả cuộc sống của một cá nhân lẫn lịch sử của một xã hội đều không thể hiểu riêng biệt mà không hiểu về kia. (Mills 1959:3)
Từ góc nhìn đó, Mills đề nghị nhà xã hội học phải biết “diễn dịch các rắc rối cá nhân thành những vấn đề công cộng” (translate personal troubles into public issues, Mills 2000:187), đồng thời cũng giải thích những biến đổi xã hội ở tầm vĩ mô bằng những trải nghiệm của mỗi cá nhân ở tầm vi mô. Toàn bộ quyển sách của ông được chính ông giải thích là “những cố gắng để giúp thông hiểu tiểu sử cá nhân (biography) và lịch sử, và mối quan hệ của hai vấn đề này trong mối quan hệ đa dạng của các kết cấu xã hội” (Mills 2000:31-32).
Không chỉ dừng lại ở mức xây dựng một hệ thống nhân sinh quan cho riêng những người nghiên cứu xã hội[3], Mills còn muốn các nhà xã hội học sau khi nắm vững được phương pháp tư duy này phải chuyển giao từng bước cho những ai gặp được trong cuộc sống nơi công cộng. Họ phải làm như vậy để đưa giá trị “này trở thành giá trị trung tâm của một xã hội dân chủ” (Mills 2000:187). Nếu trước kia kiến thức vật lý hay nghệ thuật từng là chủ đạo trong những câu chuyện của giới tri thức thì nay, theo Mills, “tư duy xã hội học là phẩm chất cần thiết nhất cho trí tuệ con người” (Mills 2000:13).
Thời Chiến tranh lạnh, khi căng thẳng giữa hai phe Tư bản và Xã hội chủ nghĩa lên cao, Mills vẫn được mời sang thăm và thuyết giảng ở Liên Xô và các nước cộng sản, chủ yếu là nhờ các phân tích xã hội học nhưng từ góc nhìn lịch sử giống như trường phái Mác-xít (Szacki 2003) về xã hội Hoa Kỳ. Fidel Castro đích thân mời ông sang thăm thăm Cuba đểtrò chuyện suốt 4 ngày liền, và tâm sự đã từng nghiên cứu lý thuyết của ông trong thời gian trú ẩn trên núi. Tuy nhiên các lý thuyết nền của Mills phần nào lại thiên về trường phái Max Weber tức là phản Mác-xít cho nên có lẽ vì vậy tư tưởng của ông không được truyền bá rộng trong giới xã hội học các nước xã hội chủ nghĩa như Ba Lan (Mucha 1985). Tại Hoa Kỳ thì nhờ quyển sách về giới lãnh đạo (elite) mà từ một giáo sư đại học bình thường Mills trở thành nhân vật thường xuyên được báo chí săn đón và mô tả từng chi tiết nhỏ, như chỉ thích đeo đồng hồ Rolex, đi xe hơi sản xuất ở châu Âu, và chỉ mua chiếc mô-tô MBW 500 phân khối sau khi sang tận nhà máy thăm dây chuyền sản xuất và tìm hiểu về khả năng của chiếc xe. Nhiều chuyện đồn đại được dựng lên kèm theo đó tạo ra tiếng tăm không chỉ cho ông mà cả các đồng nghiệp khác trong giới giảng viên đại học. Nhưng có một chuyện rất thật là Mills qua đời với món nợ lớn và người vợ thứ ba - một họa sĩ gốc đông Âu thiết kế các bìa sách trước cho ông - phải vay tiền để tổ chức tang lễ.
Tham khảo:
Mucha, Janusz 1985, C.W. Mills, NXB Wiedza Powszechna – Warszawa.
Szacki, Jerzy 2003, [Lịch sử tư tưởng xã hội học] Historia myśli socjologicznej, PWN
Mills, C. W. [1959] 2000, [Mường tượng xã hội học] The Sociological Imagination, Oxford University Press
[1] Ví dụ như quyển sách giáo khoa về các Quan điểm và Trường phái trong xã hội học (Sociology Themes and Perspective) của Michael Haralambos và Martin Holborn, Harper Collins tái bản lần thứ bảy năm 2008.
[3] Trong một đoạn chú thích Mills cho biết thích dùng chữ nghiên cứu xã hội (social study) hơn là khoa học xã hội (social science). Cũng theo ông, tư duy xã hội học không chỉ phát triển riêng trong ngành xã hội học mà như ở nước Anh, ngành xã hội học không có chỗ đứng trung tâm trong môi trường đại học, thì tư duy xã hội học vẫn phát triển mạnh trong ngạch báo chí, văn học và đặc biệt là lịch sử (Mill 2000: chú thích trang 19).