Sự vận hành và quản lý các nhà máy xay lúa
Vào năm 1923, trọng lượng lúa xay trong 24 tiếng chạy trong các nhà máy xay lúa ở Chợ Lớn như sau
Sản xuất gạo (tấn) từ các nhà máy xay lúa của Pháp ở Chợ Lớn (1)
Rizeries d'Extrême-Orient:
Usine Orient 650
Rizerie des Jonques 500
Rizeries Tong-Wo 1200
Rizerie Ban-Hong-Guan 1000
Distilleries de l'Indochine 640
Tổng cộng 3990 tấn
(trong vài tháng sau có thêm nhà máy của Société des Rizeries du Pacifique với công xuất 600 tấn, nâng tổng số gạo là 4550 tấn).
Hình 3 – Nhà máy xay lúa Tong Wo có công xuất lớn nhất của công ty Société des rizeries d’Extrême-Orient ở bến Bình Đông (quai des Jonques, bến Bình Đông, không phải Canal des Poteries tức rạch Lò Gốm như chú thích trong hình).
Nếu cộng với sản lượng (tấn) của cả nhà máy Pháp, Hoa kiều và Việt thì như sau
Nhà máy Pháp 3990
Nhà máy Hoa:
Ban-Aik-Guan 500
Guan-Hong-Sen (6) 400
Ngy-Cheong-Seng 550
Yée-Chéong(5) 1000
Quach Dam (Lo-Gom) 250
Ban-Sooan-An 750
Nam Loong (7) 700
Sam-Hing 250
Quach-Dam (Chanh Hung) 250
Cộng với tất cả các nhà máy nhỏ khác của người Hoa và Việt 2500
Tổng cộng 11140 tấn
(chú thích: Quai des Jonques ngày nay là Bến Bình Đông)
Như vậy vào năm 1923, số lượng lúa xay mỗi ngày (chạy 24 tiếng) là 11140 tấn và dự tính đầu năm 1924, với số nhà máy đang xây dựng vào hoạt động, thì mỗi ngày sẽ xay được 11700 tấn chạy trong 24 tiếng. Dĩ nhiên không phải ngày nào trong năm cũng đều chạy. Trung bình thì 200 ngày mỗi năm hoạt động xay lúa, còn lại là lúc để bảo trì máy và nghỉ khi không có lúa xay.
Theo danh sách các nhà máy ở trên vào năm 1923, ta có thể thấy nhà máy Orient và nhà máy Ban-Hong-Guan ở thời điểm này nằm trong 4 nhà máy của công ty Pháp Rizeries d'Extrême-Orient. Nhà máy “Rizerie des Jonques” ở số 203 bến Bình Đông (quai des Jonques) trước là nhà máy Ban-Teck Guan (Vạn Đức Nguyên) của Singapore cũng thuộc về cùng công ty Pháp như trên ít nhất là từ năm 1918 hay trước đó vì trong Niên giám 1918 có ghi “Rizerie des Jonques” có tên trước là Ban-teck Guan (6). Các nhà thương gia Singapore cũng còn một nhà máy Ban-Teck Guan khác ở bến Bình Đông, số 122 quai des Jonques.
Nhà máy Sam Hing là của ông Sam Hing. Ông là bang trưởng của Bang Quảng Đông ở Chợ Lớn, năm 1881 ông được cấp giấy phép xây cất nhà trên đường Cây Mai (Nguyễn Trãi ngày nay), xem Bulletin Oficiel de la Cochinchine Francaise, Sept. 1881, no. 9, pp. 379). Ông Sam Hing và Quách Đàm là người Hoa sinh trưởng trong Chợ Lớn. Nhà máy của ông Sam Hing và hai nhà máy của ông Quách Đàm có công xuất bằng phân nửa hay một phần tư công xuất các nhà máy khác.
Nhà máy xay lúa Bang-aik-Guan (Vạn Ích Nguyên) và Ban-Hong-Guan là của ông Tja Ma Yeng (Tạ Mã Điền) tục danh là Má Chín Dảnh (19) (alias Ta Ma Diên), Ông sinh năm 1862 ở Batavia (Java) và mất năm 1940 ở đường Mai Sơn (trên đường này có chùa Mai Sơn tự), Chợ Lớn và được chôn ở nghĩa địa Minh Đức ở Phú Thọ (5). Ông là người Peranakan (Baba) gốc Phúc Kiến từ Java đến Chợ Lớn làm ăn vào năm 1885.
Trong giai đoạn đầu ông lập công ty buôn bán gạo “Ban Guan” (Vạn Nguyên), gia nhập quốc tịch Pháp năm 1905 và sau đó mua lại một nhà máy xay lúa chạy bằng hơi nước của một công ty Pháp (của ông Andrew Spooner trước kia) sắp sửa phải đóng cửa. Ông đặt lại tên nhà máy là Ban Aik Guan Steam Rice Mill Co. Ltd. Ông xuất khẩu gạo qua công ty của ông là “Hock Guan Hong”. Ngoài ra ông còn sở hữu hai tàu vận tải hơi nước và rất nhiều nhà cửa ở Saigon và Chợ Lớn (2). Bốn người con trai của ông, theo Tây học, Tạ Thanh Thuyền, Tạ Thanh Tông, Tạ Thanh Hảo và Tạ Thanh Tri cũng đều tham gia vào lãnh vực thương mại.
Sau đó Tạ Mã Điền thấy nhà máy Ban Aik Guan Steam Rice Mill vẫn còn nhỏ. Để phát triển thêm, ông mua đất ở dọc bến Bình Đông và xây một nhà máy lớn hơn trang bị với máy xay lúa mới và đặt tên nhà máy mới này là “Ban Hong Guan”. Ông còn có cơ sở mua bán lúa và nhà máy xay lúa nhỏ ở 231 quai de Mytho (6).
Ông là người thành lập trường tiểu học Min-Zhang (Minh Dương) ở Chợ Lớn và trường trung học Pháp Hoa (Lycée Franco-Chinois), sau này gọi là trường Bác Ái (ngày nay là Cao đẳng Sư Phạm). Ông là bang trưởng bang Phúc Kiến. Ông và ông Ngo-Chung-Hoan (giám đốc nhà máy xay lúa Vạn Đức Nguyên) là hội viên của Hội Đồng thành phố Chợ Lớn và Hội hưu trí “La Maison Retraite” (Asile des vieilards et des infirmes, thành lập ngày 27/11/1902 với F. Drouhet, thị trưởng Chợ Lớn, là chủ tịch). Ngoài ra ông còn là hội viên của “Association Nguyen Van Chi Pour la protection des aveugles asiatiques de Cochinchine” (thành lập ngày 12/4/1905) mà trong Hội đồng quản trị của hội này có ông Rodier (Phó soái Nam kỳ) là chủ tịch danh dự, F. Drouhet, thị trưởng Chợ Lớn là chủ tịch, ông Quách Đàm, nghị viên thành phố Chợ Lớn là phó chủ tịch, và ông Tạ Mã Điền, Luu-Luc (cựu nghị viên thành phố, giám đốc nhà máy xay lúa Nam Long)(6). Các ông Quách Đàm, Tạ Mã Điền, Ngo-Chung-Hoan và Luu-Luc đều là những thương gia lúa gạo ở Chợ Lớn.
Nhà máy xay xát lúa Ban-Soon-An (Vạn Thuận An) hay Ban Joo Guan (Vạn Dụ-Nguyên) (21) ở bến Trần Văn Kiểu (quai de Mytho) là của người Hoa từ Singapore, Penang và Malacca (còn gọi là người Baba hay Peranakan). Năm 1905 quản lý nhà máy là ông Tan Ho Seng (gốc Phúc Kiến) (21), và theo niên giám Đông Dương năm 1907 (4), ông Tan Ho Seng vẫn còn là quản lý nhà máy này và luôn cả nhà máy xay lúa Ban-teck Guan et Cie (công ty Vạn Đức Nguyên) ở bến Bình Đông (quai des Jonques).
Theo tư liệu của “Bulletin de la société des études indochinoises” năm 1915 (số 67) thì ông Tan-Kiong-Hong, của nhà máy Ban-teck Guan (Vạn Đức Nguyên) là hội viên của hội. Báo “The Straits Times” ở Singapore ngày 22 tháng 5 1931 (26) cho biết ông Tan Kiong Hong là người sanh ra ở Singapore và gởi từ Saigon tiền đóng góp giúp quỷ tiền cho những người thất nghiệp ở Singapore. Như vậy có thể khẳng định nhà máy Ban-teck Guan (Vạn Đức Nguyên) là do người Baba ở Singapore thành lập và điều hành. Hai ông họ Trần này (Tan Ho Seng và Tan Kiong Song) cũng có thể có liên hệ họ hàng với nhau.
Engelberg (2) cho rằng mặc dầu Saigon là cảng lớn nhất ở Đông Dương nhưng Chợ Lớn là “thủ đô lúa gạo”, là cơ sở tạo ra sự thịnh vượng cho cả Đông Dương. Vào năm 1913, có 10 nhà máy xay lúa hoạt động ở Chợ Lớn, trong đó có 8 nhà máy là của người Hoa và 2 nhà máy là của công ty Đức-Pháp Speidel Cie. Đến năm 1931, thì có khoảng 75 nhà máy xay lúa ở Chợ Lớn, trong đó có 3 nhà máy là của người Âu, số còn lại là của người Hoa; 8 trong số các nhà máy này có sản lượng sản xuất mỗi ngày là 1800 tấn. Những trung tâm khác có nhà máy xay lúa là Long Xuyên, Cần Thơ, Rạch Giá và Sóc Trăng. Trong khi đó ở Hải Phòng năm 1913 chỉ có hai nhà máy xay lúa do người Âu làm chủ nhưng đến năm 1931 thì thuộc vào công ty người Hoa, và hai nhà máy này cung cấp đủ gạo cho toàn Bắc kỳ.
Hình 4 – Lúa được thuyền chở từ các tỉnh miền Tây đến Chợ Lớn, đổ vào bao và chất trước nhà máy trước khi được xay ra gạo.
Vào năm 1921, gạo và các sản phẩm từ gạo chiếm 62% giá trị xuất khẩu từ Đông Dương, kế đó là cá (6.8%), cao su (4.4%) và than đá (3.4%). Năm 1928, trước khi có khủng hoảng kinh tế năm 1929, giá trị xuất khẩu gạo tăng lên 68%, cá giảm xuống 4.6%; than đá vẫn ở mức 3.4% và cao su giảm xuống còn 3.5%. Trong thập niên 1920, giá trị xuất khẩu của lúa gạo giao động từ mức thấp 56.6% năm 1923 đến cao 68.2% năm 1926 (2) (Xem Niên giám thống kê, Annuaire statistique de l'Indochine (1913 à 1922) (Hanoi: Imperimerie d'Extrême-Orient 1927), vol. 1, pp. 13–22; vol. 2 (1931), pp. 23–29; and vol 4 (1933), pp. 115–201.
Theo bảng báo cáo lên Hội đồng chính phủ, toàn quyền Đông Dương năm 1927 (28) cho biết trong vòng hai năm qua (1925-1926) số lượng máy xay lúa ở thành phố Chợ Lớn gần như tăng gấp đôi. Tổng cộng cho đến năm 1927 là công xuất hơn 13000 CV (mã lực) và có thể sản xuất mỗi năm 2,900,000 tấn, mặc dầu thì con số xuất khẩu trung bình mỗi năm trong các năm vừa qua không vượt quá 1,300,000 tấn. Rất nhiều nhu cầu mở nhà máy mới đang được chú ý đến.
Người Hoa đã xây bảy nhà máy nhỏ trong năm 1925 và ba (trong đó có một nhà máy lơn) trong năm 1926, Tuy vậy có ba nhà máy khác đã phá sản. Người Việt Nam cuối cùng cũng đã có bốn nhà máy nhỏ năm 1925 và ba nhà máy năm 1926. Ngoài ra có nhu cầu rất lớn mở các nhà máy xay lúa mới chạy bằng động cơ điện hay bằng gas đã được nhận thấy trong các năm gần đây.
Trừ hai nhà máy "Ban-hong-Guan" (Vạn hồng nguyên) và “Ban-teck-guan" (Vạn Đức Nguyên) đã không hoạt động trong năm 1926, tổng số ngày hoạt động trong năm của các nhà máy khác không đạt quá trung bình trong các năm trước. Thống kê số ngày hoạt động trong năm 1926 và 1927 (từ 1 tháng 1 đến 31 tháng 12) như sau (28)
Nhà máy
|
Số ngày hoạt động trong năm 1926
|
Số ngày hoạt động trong năm 1927
|
Ban-aik-Guan (Vạn Ích Nguyên)
|
269
|
260
|
Man-chéong-Guan (Vạn Xương Nguyên) hay Nam Long
|
269
|
260
|
Ban-soan-An (Vạn Thuận An) hay Ban-joo-Guan (Vạn Dụ Nguyên)
|
160
|
177
|
Distilleries francaise
|
294
|
287
|
Truong-hiệp
|
117
|
186
|
Thông-Mau
|
134
|
257
|
Sing-hinh-Tai
|
26
|
150
|
Thanh-Hue
|
116
|
95
|
Tong-Wo
|
198
|
172
|
Yée-Chéong (Di Xương)
|
283
|
287
|
Orient
|
283
|
276
|
Guan-hong-Seng
|
192
|
205
|
Tan-lanh-Dong
|
138
|
|
Nhuan-Duc
|
176
|
280
|
Vuong-Xuong
|
176
|
|
Tay-Nam
|
168
|
267
|
Cũng nên chú ý là các nhà máy chỉ chạy mạnh nhất vào dịp mùa xuất khẩu gạo vào các tháng ba, tư, năm, sáu, bảy và tám. Trong những tháng khác thì các nhà máy hoạt động không thường trực, đây là cũng lúc mà các nhà máy ngừng nghỉ để có thể dùng các nhà máy nhỏ chạy bằng động cơ điện, vì chi phí thiết lập và vận hành chúng không cao nên giá gạo thành rẽ hơn. Năm 1928 thì đã có quá nhiều nhà máy hơn nhu cầu. Năm 1928 cũng là năm chợ mới (Bình Tây) được khánh thành mở rộng hoạt động thương mại của thành phố Chợ Lớn.
Nguồn lúa từ Cam Bốt qua thành phố Phnom Penh cũng là nguồn quan trọng cho các nhà máy xay lúa ở Chợ Lớn và xuất khẩu qua cảng Saigon. Năm 1921, Cam Bốt thâu gặt được 650,000 tấn lúa. Trong đó có khoảng 214,000 tấn lúa và 6000 tấn gạo được xuất khẩu qua Nam kỳ mà 190,000 tấn là được chuyên chở qua đường sông nằm hầu hết trong tay người Hoa.
Trong khoảng thời gian này, người Hoa là những người đóng thuế nhiều nhất ở Nam Kỳ. Năm 1911, ngân sách Nam kỳ là khoảng 5.3 triệu đồng (piastres), trong đó 1.4 triệu đồng (hơn một phần tư) là tiền thuế cá nhân từ những người Hoa, mặc dầu họ chiếm chỉ có 4% dân số ở Nam kỳ.
Trong xã hội người Hoa, một nhóm nhỏ nhà buôn giàu có và mại bản đứng dẫn đầu. Đa số họ là những người Hoa đã định cư lâu và thành công như gia đình Phúc Kiến Hui Bon Hoa (chú Hỏa), Quách Đàm (Triều Châu), Vĩnh Sanh Chung (Triều Châu), Vương Thái (Quảng Đông) và Tạ Mã Điền (Tja Ma Yeng., nguời Hoa từ Java gốc Phúc Kiến). Một số trong họ đã hợp tác với người Pháp từ những năm đầu, làm thầu xây dựng hay tiếp tế cho chính quyền và quân đội Pháp, hay sau đó làm đại diện thương mại cho các ngân hàng Pháp hay nước ngoài và phát triển trong lãnh vực thương mại có nhiều lợi nhận như lúa gạo qua hệ thống thâu mua lúa ở các tỉnh miền Nam và Cam Bốt (2). Năm 1927, Quách Đàm là một trong hai thương gia gạo có thế lực nhất ở Chợ Lớn. Ông là chủ công ty buôn bán gạo và xay lúa Thông Hiệp và bốn tàu biển chạy bằng hơi nước. Ông xây dựng chợ Bình Tây, vào quốc tịch Pháp và được huy chương “Chevalier de la Légion d’Honneur”. Khi ông mất (1927), con của ông là Quách Khôi thay thế ông quản lý công ty. Vĩnh Sanh Chung ở Saigon làm chủ hai tàu chuyên chở hàng hóa giữa Saigon và thương cảng Sán Đầu (Swatow) ở Quảng Đông, Trung Quốc.
Ngoài ra còn có các đại diện thương mại người Hoa trong vùng Đông Nam Á. Hai đại diện thương mại Hoa kiều gốc Hồng Kông quan trọng ở Saigon trong năm 1927 là Hoàng Lâm Hing (Wong Lam Hing) và Diệp Bách Hành (Yip Pak Heng (葉栢行) (2). Họ là giám đốc chi nhánh Saigon của ngân hàng Bank of East Asia Ltd. Diệp Bách Hành cũng là đại diện thương mại cho ngân hàng Banque de l’Indochine. Ban điều giám đốc điều hành chi nhánh Saigon của Bank of East China gồm có Tank Ke (đại diện thương mại của ngân hàng Chartered Bank of India and Australia Ltd), Tang Tang Huan (đại diện thương mại ngân hàng Banque Franco-chinoise), Ngo Khon hay Ngo Chi Hung (đại diện Banque de Saigon), Du Xuong (đại diện ngân hàng Nhật Yokohama Specie Bank) và Chuan Le (đại diện ngân hàng Hongkong and Shanghai Banking Corporation).
Theo tư liệu tài chánh của ngân hàng HSBC (Hong Kong Shanghai Banking Corporation) có chi nhánh ở Hải Phòng và Saigon thì các công ty gia đình Ban Hong Guan, Guan Hong Whatt, Ngy Cheong Seng, và Yeu Cheong Yam trong giai đoạn từ 1897 đến 1929 sở hữu khoảng ba phần tư các nhà máy xay xát lúa ở Saigon và hầu như hoàn toàn hệ thống chuyên chở lúa trên sông rạch (24).
Phản ứng của người Việt về vị trí thương mại người Hoa và Pháp trong nền kinh tế
Qua sự thành công của người Hoa ở thương trường và công nghệ đầu thế kỷ 20, ông Gilbert Trần Chánh Chiếu người cùng sáng lập tờ báo “Nông Cổ Mín Đàm” năm 1901 và tờ “Lục Tỉnh Tân Văn” (1907) phát động phong trào cuộc Minh Tân (cuộc là công cuộc, Minh Tân là minh đức, tân dân) cổ xúy người Việt Nam tham gia thương mại, kỷ nghệ cạnh tranh với người Hoa, Pháp và Ấn từ năm 1905 (29).
Năm 1908 ông cùng nhiều người Việt giàu có và khá giả mà đa số là điền chủ và công chức ở khắp Nam kỳ Lục tỉnh lập ra công ty Nam kỳ Minh Tân Công nghệ tại Saigon với điều lệ gần giống như các công ty Pháp. Nam kỳ Minh Tân công nghệ lập ra các xưởng dệt, da, xà bông, khách sạn (Minh Tân ở Mỹ Tho, Nam Trung ở Saigon) mướn và dạy các người Việt trẻ làm công nghệ, thương mại. Nhiều tổ chức khác hưởng ứng phong trào, trong đó có ông Nguyễn An Khương (cha của Nguyễn An Ninh) mở Chiêu Nam lầu ở đường Charner (đường Kinh lấp nay là Nguyễn Huệ) cho người Việt Nam, hai lầu dưới là tiệm ăn, ở trên là khách sạn.
Tờ “Lục Tỉnh Tân Văn” kêu gọi cạnh tranh thương mại và công nghệ và luôn cả phong trào tảy chay hàng quán, hàng hóa người Hoa gọi là “tảy chay Chi-noa”. Minh Tân cổ vũ người Việt bỏ thói hư tật xấu hay quan liêu không kiên nhẫn trong thương trường (29):
“Người Huê kiều rất nhẫn nại, tiết kiệm từng xu, lúc đi bổ hàng (mua hàng hóa) thì đích than bơi xuồng, đạp xe máy, tới chợ thì ít ăn uống, lúc ở tiệm gặp khách vào mua một hai xu, người chủ vẫn sẵn sàng buông đũa để bán. Người Việt ít tiết kiệm, ăn xài to khi ra chợ, tánh tình lại quan liêu”
Và diễn tả cảnh sinh hoạt của người Hoa ở Chợ Lớn như sau (29):
“Người Thanh ở đó dư muôn
Làm ăn nghề nghiệp như nguồn nước sung
Kẻ nghèo lãnh việc làm công,
Người giàu giúp sức không lòng ghét nghi.
Trước sau tin cậy phải nghì,
Chẳng hề tham lạm, chẳng khi ngại tình.
Hùn nhau thương mãi kinh dinh,
Thường niên tính sổ phân minh vốn lời.
Nước Nam nhơn tánh ở đời,
Ghét người thắng kỷ, sợ người hóa nghi.
Vậy nên các hảng công ty,
Nhát gan nhỏ bụng, ít khi lập thành.”
(Nam kỳ phong tục… trg. 42)
Sau thế chiến thứ nhất, hai sự kiện chính trị có ảnh hưởng đến người Hoa ở Nam kỳ: phong trào tẩy chay hàng quán người Hoa lần hai năm 1919 và sự kiện Candelier (‘Affaire Candelier’) năm 1924 (2).
Phong trào tẩy chay lần hai mua hàng ở các cửa tiệm, hàng quán do người Hoa làm chủ ở Saigon-Chợ Lớn giống như các cuộc tẩy chay chống Nhật và chống Anh xảy ra ở Trung quốc vào cùng thời gian. Những người Việt Nam lãnh đạo phong trào chẩy tay này và trước đó đa số cũng là những người có học thuộc gia đình khá giả hoặc giàu có như điền chủ, thương gia lúa gạo, chủ khách sạn… Các ông Nguyễn Phan Long, Bùi Quang Chiêu… đều là có ruộng đất lớn hay xuất thân từ gia đình địa chủ giàu lên qua sự phát hưng của nền kinh tế dựa vào lúa gạo ở Nam Kỳ. Như Sơn Nam đã viết (18) rất nhiều gia đình chủ ruộng lúa giàu có ở miền Nam đã gởi các con đi du học ở Pháp, tất cả họ sau đó hoặc là thành tài trở thành kỷ sư, bác sĩ, luật sư, những nhà yêu nước hay trở thành những “công tử” ăn chơi như trong dân gian thường biết.
Nguyên do khởi đầu của phong trào tẩy chay là qua một sự kiện xảy ra ở một quán cà phê ở Saigon. Chủ tiệm là một người Hoa tăng giá cà phê từ 2 centimes (xu) lên 3 centimes (xu). Các tờ báo, nhất là tờ “Tribune Indigène” (Diễn đàn bản sứ) của Nguyễn Phú Khai, một kỷ sư học ở Pháp về nước năm 1915, khởi động phong trào tẩy chay thương mại người Hoa. Trước đó ông Nguyễn Phú Khai đã không thành công trong sự cạnh tranh với các nhà máy xay lúa của người Hoa ở Mỹ Tho. Tờ báo tiếng Pháp “Tribune Indigene” là tờ báo lập ra qua sự hợp tác của Nguyễn Phú Khai với ông Bùi Quang Chiêu, một điền chủ khá giả có vợ là con gái của một gia đình người Hoa giàu có ở Chợ Lớn (sau này hai ông Nguyễn Phú Khai và Bùi Quang Chiêu cũng là những người trụ cột thành lập ra Đảng Lập Hiến, Parti Constitutionalist). Sau khi một nhóm người Hoa biểu tình trước trụ sở tờ báo “Tribune Indigène” và đập phá, thì phong trào tẩy chay lan từ Nam kỳ đi khắp Đông Dương, nhất là ở Hà Nội, trước khi toàn quyền Monguillet cuối cùng phải có biện pháp hạn chế lại.
Phong trào tẩy chay này không có ích và đạt được kết quả quan trọng gì là một bài học cho tất cả mọi người, kể cả người Việt và Hoa, mà sau này qua sự kiện Candelier (”Affaire Candelier”) họ đều thấm nhuần và do đó đã xử lý khác đi. Năm 1924, Văn phòng cảng Saigon, một bộ phận của chính quyền thống đốc Nam kỳ Maurice Cognacq, muốn cho thuê trong hai mươi năm lợi nhuận thuế cảng, cộng với sự độc quyền chuyên chở gạo và ngô ở cảng Saigon cho tổ hợp thương mại Pháp Homberg-Candelier. Ông Cognacq đưa ra hai lý do: thu hút vốn để phát triển cảng và phá vỡ được sự độc quyền của các thương gia lúa gạo người Hoa ở cảng Saigon.
Khi được đưa ra biểu quyết ở Hội đồng Quản hạt (Conseil Colonial), đa số các đại biểu Pháp ủng hộ, chỉ có bốn đại biểu Pháp (những hội viện cạnh tranh của Phòng Thương mại Saigon) và ba đại biểu người Việt chống lại. Hai trong số ba đại biểu người Việt này là ông Nguyễn Tấn Dược và Nguyễn Phan Long, sau đó mở ra chiến dịch vận động chống lại sự độc quyền này, nhất là trên hai tờ báo tiếng Pháp của Đảng lập Hiến, là tờ “Tribune Indigène” (Diễn đàn bản sứ) và tờ “Echo Annamite” (Tiếng vọng An Nam).
Hai tờ báo này phản đối quyết định của Cognacq cho Homberg-Candelier thuê độc quyền này là tham nhũng, không phải có mục đích tốt đẹp phá vỡ độc quyền thương mại của người Hoa chi hết, bằng cách vạch rõ ra là sự độc quyền chuyên chở gạo và ngô ở cảng Saigon là thực sự không có. Thêm nữa ông Nguyễn Phan Long cũng cho rằng người Việt nên học và bắt chước người Hoa trong thương trường thay vì chống lại họ. Điều này cho thấy một số người Việt đã học hỏi được kinh nghiệm sau cuộc tảy chay người Hoa vào năm 1919.
Ủy ban Cộng hòa Cấp tiến và Xã hội ở Nam kỳ có ra tờ báo “Bulletin du Comité Republicain radical et radical soialiste de Cochinchine”. Họ là nhóm người Pháp cấp tiến theo lý tưởng cộng hòa và xã hội (6). Chiến dịch chống độc quyền của Candelier-Homberg kết hợp bốn nhóm lợi ích khác nhau. Phía Pháp có hai nhóm: các thương kỷ nghệ gia tranh nhau; và nhóm đối lập chính trị với chính quyền, nhất là các luật sư và hội viên của nhóm Xã hội cách tả hay Cộng hòa Saigon, chống lại chính sách thiên vị đặc quyền và các phương pháp cai trị cứng rắn của Cognacq, và cũng nhân dịp này dùng chiến dịch để có thể chiếm được các ghế trong Hội đồng quản hạt và Hội đồng thành phố Saigon.
Về phía người Việt là những người yêu nước thế hệ đầu, bất bạo động và đối lập xây dựng cải tiến chế độ thực dân. Họ phát khởi chiến dịch để tranh đấu cho quyền con người và xã hội, đặc biệt là thúc đẩy Pháp hoàn thành các lời hứa trong thế chiến thứ nhất là cho người Việt có nhiều trách nhiệm hơn trong điều hành trong chính quyền liên quan đến quyền lợi người bản sứ. Và cuối cùng là phía người Hoa gồm cộng đồng thương gia và Quốc Dân đảng đại diện cho Trung Quốc đã dùng chiến dịch chống độc quyền Homberg-Candelier cho mục đích thương mại và chính trị riêng của họ.
Chiến dịch được khởi đầu khi tất cả các đại diện chính của đảng Lập hiến được mời đến dự một bửa tiệc ở Chợ Lớn. Tại đây nghiệp đoàn buôn bán lúa gạo không chính thức ở Nam kỳ và một ủy ban của những thương gia lúa gạo và mễ cốc (Comité des Céréales) thuộc Phòng thương mại Trung quốc (Chinese Chamber of Commerce), hứa sẽ tài trợ tài chính cho chiến dịch. Khi chiến dịch vận động chống Candelier xảy ra. Phòng Thương mại Trung quốc không ra mặt, đứng sau nhưng đã bỏ ra một số tiền lớn 80000 đồng (piastres) để gởi luật sư tiến bộ người Pháp và người tranh đấu cho nhân quyền, ông Paul Monin, đi sang Paris để tiếp xúc với các chính trị gia ở chính quốc và tranh đấu hủy bỏ sắc luật của Cognac. Hội viên của Phòng thương mại cũng đã bỏ ra 20000 piastres để trợ cấp các tờ báo của người Việt Nam để tiếp tục đấu tranh.
Trong cuộc vận động chống sắc luật cho độc quyền nhóm Homberg-Candelier, ngày 11 tháng 12 năm 1923, Saigon chứng kiến một buổi mít-tinh chính trị công khai đầu tiên khi 380 người Pháp và Việt gặp gỡ để thiết lập một Ủy ban để phối hợp cuộc tranh đấu, dưới sự lãnh đạo của ba luật sư Pháp (Monin, Dubreulin, và Bazié) và ông Nguyễn Phan Long. Sau cuộc hội thảo chính trị đầu tiên này là nhiều họp mặt kế tiếp và ngay cả các cuộc biểu tình trong nhiều tháng sau đó. Khi luật sư Monin trở về sau chuyến đi Paris thành công, 200 người, kể cả các học trò trung học và thư ký người Việt, biểu tình ở Saigon, phản đối và la ó trước trụ sở của sở an ninh mật vụ, La Sûreté mà nhiều người rất thù ghét.
Đây là cuộc biểu tình chính trị đầu tiên được biết ở Saigon, sau đó có nhiều phản đối, biểu tình và ngay cả kêu gọi đình công đã xảy ra. Điều này cho ta thấy chiến dịch Candelier, được hổ trợ tài chính từ thương gia lúa gạo người Hoa, là chất xúc tác biến sự bất bình rất phổ thông lúc bấy giờ trong quần chúng về sự hạn chế trong cải tổ của chính quyền thuộc địa sau chiến tranh thế giới thứ nhất, và sự thất vọng vào sự thay đổi hòa binh, thành những hành động yêu nước ra mặt.
Sau cuộc vận động chống Candelier này, những người Việt Nam trẻ tiến bộ đã đi vào một hướng khác mà ít người Hoa muốn đi theo, bởi vì khi hoạt động ra mặt chống thực dân thì chính quyền Pháp sẽ bắt và đuổi họ dễ dàng ra khỏi xứ, vì họ là những người ngoại quốc. Tuy vậy không có nghĩa là họ hoàn toàn không hoạt động chính trị. Khi Pháp bắt đầu cởi mở ít đàn áp lại sau thế chiến thứ nhất, hoạt động chính trị của người Hoa lại bắt đầu, dưới sự hổ trợ và khuyến khích của đại diện chính phủ Quốc Dân Đảng Trung quốc ở Saigon-Chợ Lớn.
Trong một cuộc đàn áp những nhà ái quốc Việt Nam ở Saigon năm 1926, trong đó các ông Nguyễn An Ninh và ông Lâm Hiệp Châu bị bắt vào ngày 24 tháng 3 1926 (cùng ngày cụ Phan Chu Trinh mất ở khách sạn Chiêu Nam lầu, Saigon), một số người Hoa hoạt động chính trị cũng bị bắt cùng lúc vì có liên hệ hỗ trợ lẫn nhau giữa họ và các nhà ái quốc Việt Nam. Nguyễn An Ninh vào tù nhưng bốn đảng viên Quốc Dân đảng người Hoa đã từng hoạt động với luật sư Monin trong chiến dịch Candelier thì bị trục xuất ra khỏi Đông Dương, một người không bị trục xuất là vì có gốc Minh hương.
Cùng ngày 4 tháng 4 1926, ngày đám tang lớn nhất Saigon tiễn cụ Phan Chu Trinh thì cũng là ngày bốn người Hoa bị trục xuất cũng được cộng đồng người Hoa ra tiễn đưa long trọng ở trước trụ sở Messageries Maritimes (bến Nhà Rồng). Hơn một ngàn người Hoa có mặt trong đó có đại diện của nhiều công đoàn (thợ mộc, thợ máy, nhân viên nhà hàng, người giúp việc nhà, nghệ sĩ ca hát, cu li và thư ký thương mại) và một đoàn đại biểu học sinh người Hoa, cả trai lẫn gái.
Như vậy là ngày 4 tháng 4 năm 1926, khi cả Saigon tê liệt, công chức người Việt tự nghĩ làm, cửa tiệm hàng quán tự đóng cửa để tỏ thương tiếc và nhiều người đi tiễn nhà chí sĩ Phan Chu Trinh, ngày mà báo chí Pháp ngữ ở Saigon gọi là ngày người Việt nam thức tỉnh thì ở Chợ Lớn hầu như cũng đóng cửa, mọi giới xôn xao đi tiễn bốn nhà hoạt động chính trị người Hoa bị Pháp trục xuất ở bến Nhà Rồng. Đây là cuộc biểu tình chính trị đầu tiên của người Hoa ở Nam kỳ. Như vậy cuộc tranh đấu lúa gạo qua sự kiên Candelier đã nối kết sự liên hệ cách mạng chính trị đầu tiên giữa người Việt và người Hoa ở Saigon-Chợ Lớn.
Kinh tế lúa gạo trong giai đoạn sau khủng hoảng kinh tế: 1930-1945
Dưới thời nhà Nguyễn, để giải quyết vấn đề an ninh lương thực tránh nạn đói có thể xảy ra ở các miền đất nước, triều đình cho thiết lập các kho dự trữ lúa, gạo ở mỗi tỉnh để phòng những năm thất mùa đói kém. Thất mùa thường là do hạn hán hay bão lụt gây ra.
Để giải quyết vấn đề an ninh thực phẩm, dưới thời Pháp thuộc, người Pháp cho là các kho dự trữ lương thực thường kém hiệu quả kinh tế, không giữ lương thực được lâu. Theo họ chỉ những vùng mật độ quá đông dân, nhất là vùng bắc Trung kỳ và Bắc kỳ như Thanh Hóa, Nghệ An thì thường dễ bị nạn đói, và vì thế nên cần có hệ thống giao thông đường sắt và đường bộ hữu hiệu để chuyên chở lương thực từ những nơi khác đến khi cần, tăng cường biện pháp thông nước qua kinh đào để tăng diện tích canh tác, và dùng hệ thống đa canh. Tuy vậy nạn đói vẫn xảy ra ở các tỉnh Nghệ An và Hà Tỉnh vào các năm 1930-1931, một phần là do hệ quả của cuộc khủng hoảng kinh tế sau năm 1929.
Hình 5 – Gạo trong bao (sau khi lúa đã được xay) được phu khuân vác mang xuống ghe đến cảng Saigon để xuất khẩu hay phân phối các nơi khác.
Khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ năm 1929 cho đến năm 1933 làm giá gạo xuống thấp, sản xuất và xuất khẩu gạo giảm mạnh. Không chỉ nhiều nhà nông, thương gia lúa gạo bị phá sản mà đời sống của mọi tầng lớp trong xã hội bị ảnh hưởng nặng nề. Đời sống đều cơ cực. Nạn đói xảy ra ở hai tỉnh miền trung, Nghệ An và Hà Tỉnh năm 1930-1931.
Giá gạo ở thị trường gạo vào tháng 1/1933 so sánh với giá tháng 2/1928 như sau (đồng piastres/mỗi 100kg):
Năm 1933 năm 1928
Gạo loại 1 (25% tấm): 4.30 9.96
Gạo loại 2 (qualité japon, 40% tấm): 4.14 9.31
Gạo loại 3 (qualité java, 50/55% tấm): 3.92 8.65
Gạo cargo 3.63 7.00
(nguồn (10): Chambre de Commerce de Saigon, Bulletin Bi-mensuel, 19 Fevrier 1918, 15 Fevrier 1928 61e Année và 15 Janvier, 1933, 66e Année)
Hình 6 – Lượng xuất khẩu gạo từ cảng Saigon (theo thống kê của Chambre de Commerce de Saigon (10))
Thị trường gạo xuất khẩu từ Saigon-Chợ Lớn chính theo thứ tự (1913-1923) là Pháp, Trung quốc, Hồng Kông, Indonesia (Hà Lan), Mã Lai, Singapore (Strait Settlements), Nhật, Châu Âu, Mỹ. Hệ quả ở các năm sau của sự khủng hoảng kinh tế (1929) là nhiều thương gia người Hoa buôn bán lúa gạo và chủ nhà máy bị phá sản và sau thập niên 1930, vị trí người Hoa trên thị trường kinh tế lúa gạo không còn hoàn toàn chi phối như trước nữa. Ông Vương Hồng Sển nói về tình hình của ông Quách Đàm như sau (19):
“Về sau, Đàm giàu quá, xoay qua đứng bảo lãnh (avaliser) cho con nợ nhà băng "Đông Dương Ngân Hàng". Mỗi lần xin chữ ký bảo chứng, phải chịu cho Đàm một huê hồng đã quy định trước. Dè đâu gặp năm kinh tế khủng hoảng, các nhà buôn vỡ nợ không đủ sức trả bạc vay, nhà băng phát mãi sự sản, lôi kép nhà họ Quách sụp đổ theo luôn.”
Với giá gạo giảm mạnh và thuế má nặng nề, hệ quả là sự biểu tình nổi loạn của nông dân và sự tấn công vào chế độ Pháp thuộc do đảng cộng sản khuyến khích hay tổ chức trong các năm 1931-1932. Đúng thực rằng người Pháp đã mở mang trồng các loại cây trồng hay nông sản xuất khẩu như cao su, thuốc lá, cà phê, ...nhưng họ củng không quên sự cần thiết của các loại thực phẩm cho trường hợp khẩn trương như các năm 1931-1932, bằng các biện pháp thích hợp trong cách thức đa canh của nông dân thay vì độc canh như trước để tránh nạn đói và an ninh lương thực được bảo đảm (3). Tuy vậy vẫn không tránh được những tình huống như hệ quả của cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra.
Hình 7 - Thuyền chở lúa xuống nhà máy ở Chợ Lớn – ô nhiểm không khí là do đốt vỏ trấu để chạy máy hơi nước xay lúa.
Hồi phục sau cuộc khủng hoảng kinh tế, từ năm 1932 đến 1935, xuất khẩu từ cảng Saigon tăng dần từ 961209 tấn năm 1931 đến 1718013 tấn năm 1935. Thị trường chính là Pháp, các thuộc địa Pháp, Hồng Kông, Trung Quốc, châu Âu, Singgapore, Java trong khi thị trường Nhật không hồi phục được như trước lúc khủng hoảng (109810 tấn năm 1928 nhưng chỉ 2137 tấn năm 1935 và 46252 tấn năm 1936). Năm 1934, trị giá gạo xuất khẩu là 36% tổng giá trị xuất khẩu của toàn Đông Dương (3).
Năm 1937, lượng gạo xuất khẩu từ Đông Dương giảm do hạn hán ở nhiều nơi (bắc kỳ, Trung, Lào), chính phủ Leon Blum của Mặt trận Bình dân (Front Populaire) nghiêm cấm xuất khẩu từ Lào và giới hạn xuất khẩu từ cảng Saigon để dùng gạo cho các vùng khác ở Đông Dương.
Tuy nhiên từ tháng 10, 1938, giá cạo bắt đầu xuống. Từ tháng 9 đến tháng 12 1938, giá gạo ở Saigon giảm 30% và giá lúa giảm 40%. Những nguyên nhân gây sự sụt giá này là lúa từ vụ trúng mùa năm 1938 đổ nhiều vào Saigon-Chợ Lớn khi mà Pháp và các nước sản xuất lúa gạo cũng trúng mùa và nhu cầu từ thị trường Trung quốc giảm do chiến tranh Trung-Nhật xảy ra. Đồng thời giá cả sinh hoạt tăng nhiều trong quí 4 năm 1938, ảnh hưởng mọi tầng lớp, nhất là giai cấp công nhân không kể sự phá giá đồng tiền piastres (Đông Dương) vào tháng 9 năm 1936 (3).
Hình 8 – Giá gạo xuất khẩu hạng 1 trên mỗi 100kg (10). Giá gạo cao nhất sau thế chiến thứ 1 (1919) và tụt mạnh sau khủng hoảng kinh tế thế giới (1929-1930).
Trong buổi họp của Hội đồng Kinh lý tài Đông Dương tháng 11 năm 1938, do giá gạo lên xuống bất thường và có lúc quá thấp, ông Trương Văn Bền đưa ra đề nghị thành lập một quỷ bồi thường giá gạo cho nông dân và những nhà sản xuất lúa gạo (giống như quỷ bồi thường giá cao su) khi giá gạo xuống quá thấp. Quỉ lấy từ tiền thuế bội thu trên giá xuất khẩu gạo khi giá gạo cao (trên 1 đồng mỗi giạ lúa). Đề nghị của ông được mang ra biểu quyết với sự hổ trợ của ông Bùi Quang Chiêu và được chấp đa số trong Hội đồng chấp thuận (8).
Sau cuộc khủng hoảng xáo động thị trường gạo năm 1937, lượng gạo sản xuất ở Đông Dương (kể cả xuất khẩu, tiêu thụ trong Đông Dương và dự trữ) tăng lên 1,650,000 tấn vào năm 1939, và giảm còn 1,500,000 tấn năm 1940. Năm 1940 cũng đánh dấu sự gián đoạn của các thị trường xuất khẩu truyền thống từ Saigon-Chợ Lớn.
Do chiến tranh xảy ra ở Trung Quốc và Âu châu, thị trường Hồng Kông, Trung quốc (Thượng Hải) bị mất. Đường thủy nối Pháp và các thuộc địa với Việt Nam biến mất. Năm 1940, Nhật nhảy vào thị trường lúa gạo ở Đông Dương, thu thập xuất khẩu hầu hết lúa gạo chở đi trên tàu của họ 500000 tấn về Nhật và các lãnh thổ Nhật chiếm đóng. Nhật cũng hưởng lợi qua sự thôn tính xác nhập vào Thái Lan vào tháng ba năm 1941 tỉnh Battambang của Cam Bốt, một tỉnh sản xuất nhiều lúa gạo, làm cho Đông Dương thuộc Pháp mất đi khoảng 500000 tấn lúa trong các năm 1941-1946, đó là chưa kể số lượng gạo mà quân đội chiếm đóng Nhật đến Đông Dương tiêu thụ hay lấy đi.
Thêm nữa vào ngày 6 tháng năm 1941, qua thỏa thuận thương mại với chính quyền Vichy, Nhật được nhận qua hợp đồng hơn một triệu tấn gạo mỗi năm từ Đông Dương. Số lượng này càng tăng khi chiến tranh thế giới thứ hai mở rộng, đó cũng là lúc mà gạo bị trưng dụng dưới áp lực kể cả bắt buộc phải giao gạo bằng vũ lực không cần đến tình hình của thị trường hay nhu cầu của dân chúng địa phương (3). Đây cũng là nguyên nhân chính xảy ra nạn đói năm Ất dậu 1945 ở miền bắc Việt Nam.
Chú thích
(5) Đây có thể là nhà máy của ông Trương Bật Sĩ (Cheong Fatt Tze (1840-1916), 張弼士), một thương gia giàu có người Hoa gốc Hẹ ở Penang (Malaysia), được mênh danh là ‘Rockfeller of the East’. Biệt thự to lớn xây theo kiến trúc cổ truyền Trung Hoa của ông ở Penang nay là di tích được bảo tồn và được nhiều du khách đến viếng thăm của thành phố Penang sau khi được đưa vào danh sách Di sản Thế giới. Theo Niên giám 1933 (7), thì có ghi công ty tàu biển Yee-Cheong mỗi tuần 2 lần đi từ Singapore đến Sán Đầu (Swatow, Quảng Đông), đều ghé Saigon. Năm 1903, trên bố cáo trang 1 trên tờ báo “The Straits Times” (23 December 1903) ở Singapore, ông Chan Ban (con của ông Chan Choon, một thương gia ở vùng Straits Settlements) đang làm ở nhà máy xay xát gạo Yee-Chong ở Chợ Lớn đăng tìm tin tức thân nhân đã mất liên lạc của một người Hoa Singapore quen của cha ông lúc làm việc ở Hồng Kông, Macao (20). Điều này chứng tỏ những người Hoa từ Straits Settlements (Singapore, Penang, Malacca) vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 đã đến Chợ Lớn buôn bán, sản xuất lúa gạo. Và chủ nhà máy Yee-Cheong là người Hoa từ vùng này, rất có thể là của ông Trương Bật Sĩ.
(6) Nhà máy Guan-Hong-Sen, ở bến Bình Đông (quai des Jonques) còn có thể có tên là nhà máy Seng Guan (Thành Nguyên). Li Tana (21) có liệt kê Seng Guan Rice Mill cùng với nhà máy Kim Hong Seng. Nhà máy này của người Baba (Peranakan) có kỷ sư người Anh làm việc. Đây có thể là nhà máy của công ty Thành Hạnh (Chin Seng) của ông Trần Kim Chung (Tan Kim Ching), một đại thương gia (“Kapitan Cina”) ở Singapore lập ra vào cuối thế kỷ 19.
(7) Nhà máy xay lúa Nam Long có lẽ là của người Hoa từ Hồng Kông. Báo South China Morning Post ở Hồng Kông năm 1921 có đăng về vụ tranh chấp qua ngân hang HSBC (HongKong Shanghai Banking Corporation) giữa Kung Yuen và người quản lý kế nhiệm của nhà máy Nam Long sau khi ông quản lý Lau Luk (Lau Tse Tsun) mất (21). Theo tạp chí “Bulletin la Société des études indochinoises de Saigon” (1915, No. 67) thì người thành lập “Maison” Nam Long là To-duong-San.
(8) Kan-Hong Seng (Kiến Phương Thành) hay Kim-Hong Seng còn có tên là Ngy-Cheong Seng (21). Đây cũng có thể là nhà máy ông Trần Kim Chung (Singapore) xây vào năm 1886.
Tham khảo
-
La revue du Pacifique, 1923/07(A2,N7)-1923/12(A2,N12), pp. 501-502
-
Thomas Engelbert, Chinese Politics in Colonial Saigon (1919–1936): The Case of the Guomindang, Chinese Southern Diaspora Studies, Volume 4, 2010.
(3) Geoffrey Gunn, The Great Vietnamese Famine of 1944-45 Revisited, The Asia-Pacific Journal, http://japanfocus.org/-Geoffrey-Gunn/3483
-
Annuaire administratif de l'Indochine. 1937, Impr. d'Extrême-Orient (Hanoï), 1937, pp. 244
-
Li Tana, The Tomb Inscription of Tjia Mah Yen, a Hokkien Businessman of French Cochinchina, Chinese Southern Diaspora Studies, Volume 4, 2010.
-
Annuaire général de l'Indo-Chine française ["puis" de l'Indochine], Publisher : Hanoi, 1905, 1906, 1907, 1910 (pp. 583), 1914 (pp. 453-455), 1918.
-
Annuaire complet (européen et indigène) de toute l'Indochine, commerce, industrie, plantations, mines, adresses particulières... : Indochine, adresses, 1ère année 1933-1934 / éditeurs madame L. Lacroix-Sommé, messieurs R. J. Dickson et A. J. Burtschy, impr. A. Portail (Saigon), 1933.
-
Recueil des procès-verbaux des séances plénières du Grand Conseil des intérêts économiques et financiers de l'Indochine: session ordinaire de 1938, Grand conseil économique et financier de l'Indochine, Impr. de Le-Van-Tan (Hanoï), 1929-1939, pp. 242-244.
-
Annuaire de la Cochinchine française 1865, Saigon,1865-1888.
-
Bulletin bi-mensuel (de la Chambre de commerce de Saïgon), 20 Juin 1881, 25 Janvier 1890, 5 Juillet 1900, 19 Fevrier 1918, 21 Mai 1924, 2 Janvier 1923, 15 Fevrier 1928, 15 Janvier 1933, Saigon
-
Louis Imbert, La Cochinchine au seuil du XXe siècle, Impr. de J. Durand (Bordeaux), 1900.
-
Pierre Passerat de la Chapelle, L’industrie du decorticage du riz en basse-cochinchine, Bulletin de la Société des études indochinoises de Saigon, Imprimerie L. Ménard, 1901, pp. 49-85.
-
Guillaume Capus, Le riz d’indochine, Annales de Geographie, 1918, Vol. 27, No. 145, pp.25-42.
-
Annuaire complet (européen et indigène) de toute l'Indochine, commerce, industrie, plantations, mines, adresses particulières: Indochine, adresses, 1ère année 1933-1934 / éditeurs madame L. Lacroix-Sommé, messieurs R. J. Dickson et A. J. Burtschy, impr. A. Portail (Saigon), 1933
(15) Le Khuong Ninh, Investment of Rice Mills in Vietnam, The Role of Financial Market Imperfections and Uncertainty, http://www.economicswebinstitute.org/essays/investviet.pdf
-
Albert Naud, L'exportation des grands produits agricoles indochinois, Annales de Géographie, 1930, Volume 39, Numéro 217, pp. 50-60.
-
Annuaire général de l'Indo-Chine française, 1901, 1923.
-
Sơn Nam, Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Nxb Trẻ 1997
-
Vương Hồng Sển, Saigon năm xưa, Nxb Tp Hồ Chí Minh, 1991.
(20) The Straits Times, 23 December 1903, http://newspapers.nl.sg/Digitised/Article/straitstimes19031223.2.2.4.aspx
-
Li Tana, 尋找法屬越南南方的華人米商 (Tầm trào Pháp thuộc Việt Nam nam phương đích Hoa nhân mễ thương), Chinese Southern Diaspora Studies, Vol. 4, 2010, http://csds.anu.edu.au/volume_4_2010/20-5C_CSDS_2010_Tana_Li.pdf
-
Julia Martinez, Chinese rice trade and shipping from the North Vietnamese port of Hai Phong, Chinese Southern Diaspora Studies, Vol. 1, 2007, http://csds.anu.edu.au/volume_1_2007/Martinez.pdf
(23) Rajeswary Ampalavanar Brown, Bank archives and research on Chinese business communities in Indo-China, South China Research Resource Station Newsletter, 15/7/2001, http://ihome.ust.hk/~schina/PDF/news24.pdf
(24) The Straits Times, 3 September 1915, ‘Saigon Rice Mills Sold”, trang 6, http://newspapers.nl.sg/Digitised/Article/straitstimes19150903.2.36.aspx
-
Claudine Salmon, Tạ Trọng Hiệp, De Batavia à Saigon: notes de voyage d’un marchand chinois (1890), Archipel, 1994, Vol. 47, pp. 155-191
(26) The Straits Times, 22 May 1931, http://newspapers.nl.sg/Digitised/Article/straitstimes19310522.2.17.aspx
(27) Nguyễn Đức Hiệp, Singapore-Saigon-Hong Kong: Quan hệ thương mại người Hoa từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/singapore-saigon-hong-kong/
-
Rapports au Conseil de gouvernement, session ordinaire 1927, 1928, 1929 / Gouvernement général de l'Indo-Chine, Impr. d'Extrême-Orient (Hanoï), 1927, 1928, 1929
-
Sơn Nam, Phong trào Duy Tân ở Bắc Trung Nam, Miền Nam đầu thế kỷ 20 – Thiên Địa Hội và Cuộc Minh Tân, Nxb Trẻ 2003