« … Một vật mong manh được giữ lại trên một vực thẳm nhờ những sợi dây vô hình của hy vọng ».
Đó là câu mở đầu và cũng là câu kết trong cuốn tiểu thuyết Le Boujoum (Thái Huyền)[1]của văn sỹ Cung Giũ Nguyên. Le Boujoum ra đời trong một hoàn cảnh hết sức lạ thường : tác giả người Việt gốc Hoa, tác phẩm được viết bằng Pháp ngữ và được xuất bản tại Hoa kỳ. Khi nghiên cứu tác phẩm dưới khía cạnh xuất xứ thì chỉ cần lướt qua những yếu tố trên cũng đủ thấy tính độc đáo của nó.
Nhưng Le Boujoum hay Thái Huyền nghĩa là gì ? Trong những phương pháp tiếp cận tiểu thuyết, tựa đề của tác phẩm thường gợi cho ta cái nhìn tổng quát về nội dung mà tác giả muốn diễn đạt, dù đó là một câu truyện hoàn toàn hư cấu hay đó là một thực tế ở đời. Tựa đề Le Boujoum hay Thái Huyền một cách nào đó đã « vô tình » làm cho tác phẩm trở nên xa lạ với công chúng, vì xét về mặt ngôn từ, đó là những phạm trù không hiện hữu trong từ điển tiếng Pháp và tiếng Việt. Nếu như độc giả có tìm chất vấn ý nghĩa của chúng thì cũng chỉ nhận được lời giải đáp vô thưởng vô phạt : « Đó là cái bạn đọc, cái bạn thấy ! ». Một chiến thuật của trò tung hứng ngôn từ chăng ?
« Đọc » Le Boujoum không giống như đọc Nhân tình thế thái (1931), Nợ văn chương (1934) hay Kẻ thừa tự của ông Nam Hải (Le Fils de la Baleine) (1956). Bởi vì ngôn ngữ của Le Boujoum là thứ ngôn ngữ đã được mã hóa mà độc giả cần phải có một thứ chìa khoá để giải mã nó trong từng con chữ, trong mỗi mệnh đề, từ trang này đến trang khác của tiểu thuyết. Đó phải chăng là dụng ý của tác giả ?
Đúng vậy, nếu cuộc đời của Amdo - nhân vật chính trong truyện - nổi trôi giữa những sự kiện, những bối cảnh nghịch lí, khó hiểu và hầu như không thể giải thích được, thì ngôn ngữ của Le Boujoum là hình ảnh đưa người đọc nhận biết cái trừu tượng và cái phi lí nơi mảnh đời phiêu dạt của nhân vật. Qua hình ảnh số phận Amdo, chúng tôi muốn được ghi nhận một vài ý tưởng về thân phận con người nói chung mà rất có thể Cung Giũ Nguyên, qua Le Boujoum, muốn nhắn nhủ chúng ta bằng cách hãy tỉnh ngộ nhìn lại chính mình trong một thế giới đầy nghịch lí và buồn tẻ.
Le Boujoum đương nhiên không phải là tác phẩm triết luận mà là một tác phẩm văn chương. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn nó dưới giác độ triết lí, chúng ta sẽ thấy nơi đó một nguyên lí thực tại nào đó về số phận con người và về bản căn của một thế giới vô thường, nơi mà cái « Huyền » là Tuyệt đối, là căn nguyên của tất cả.
Chúng tôi không nhằm bàn luận sâu sắc về các quan niệm khác nhau về số phận, hoặc tranh cãi có hay không cái gọi là số phận (le destin), và theo lẽ thường, mỗi người có cách nhìn riêng về chính cuộc đời của mình. Đối với những người theo trường phái Khắc kỷ (Jansénisme) thì chính số phận dẫn con người đến cái chết không thể cưỡng lại được. Con người không có một thứ tự do nào cả, vì đã được ấn định vào một sinh mệnh và theo một nhân phẩm nào đó. Trước những biến cố xảy ra, dù lớn hay nhỏ, con người không thể vượt qua được. Như vậy, những ai nhìn cuộc đời như số phận đã định sẵn, họ chẳng cần cố gắng tìm cách để thay đổi cuộc sống mà chỉ chờ đợi cái chết như là cứu cánh của đời mình. Cách nhìn của triết học Hy Lạp cũng cho rằng số phận là sự sắp đặt vĩnh viễn, phi nhân cách, là quy luật của các biến cố trong cuộc sống mà ngay cả các thần linh cũng không cưỡng được. Vì vậy, mọi hy vọng thoát khỏi số phận đều vô nghĩa. Tuy nhiên, khác với phái Khắc Kỷ, triết lý Hy Lạp tin rằng trong chính cái số phận còn có một thứ « tự do ». Thứ tự do này có thể cho phép con người làm thay đổi các biến cố xảy đến, và trong một mức độ nào đó, làm giảm nhẹ hậu qủa của chúng.
Trở về với Le Boujoum, hình ảnh Amdo là điển hình cho các nhân vị hiện hữu, anh ta đã chứng kiến được những đổi thay của chính mình trước những biến cố kinh hoàng khó hiểu trong những năm tháng phiêu dạt của cuộc đời : những đổi thay này biểu hiện trên cả chiều kích tâm lí lẫn thể lí. Sau biến cố động đất kinh hoàng xảy ra tại nơi anh làm việc - phỏng đoán hay tưởng tượng - Amdo sống trong cảnh lang thang và được gán cho cái tên là đại úy Bloke, chiến sĩ anh hùng của dân tộc « Củ Chàm » (Indigos). Chính cái cái tên Bloke này đã khiến Amdo trở thành một trong số dân « Củ Chàm » bị lính lê dương thuộc dân tộc « Củ Nghệ » (Safrans) bắt đi đày. Sống trong trại tù Feritaoun, Amdo đã làm quen với những tù nhân đấu tranh cho dân nghèo và lẽ công bình. Họ đã dệt nên tình huynh đệ thân tín, chia sẻ cơm áo và lí tưởng trong những lúc khắc nghiệt. Sau những ngày gian khổ, Amdo được đưa về làm Triều thần bên cạnh Hoàng tử Đá Bọt (Pierre Ponce), tiếp theo trở thành Thượng thư Nội giám, và cuối cùng làm Tướng quốc của Triều đình « Củ Nghệ », đỉnh cao của quyền uy và danh dự, để rồi cuối cùng lại hóa thành kẻ lang thang một mình giữa biển đời gian khổ. Một kiếp luân hồi !
Nêu lên những sự kiện trên để thấy rằng đó chỉ là một sự chuyển biến tâm lí trong một con người : « Là sự kế tiếp của những tình trạng này khác của tiềm thức, tiền thức, vô thức cá nhân, vô thức gia đình, vô thức cộng đồng, […], [và cuối cùng] tình trạng của ý thức »[2]. Tính trạng manh nha của ý thức đã giúp con người tỉnh ngộ để suy gẫm về sự hiện hữu của mình. Tình trạng của ý thức cho thấy con người đang phải « đương đầu với vấn đề cuộc sống và cái chết ». «Con người ý thức » cũng đã nhận biết được rằng, cuộc sống là một « đầu mối luôn luôn phải có đối ứng tất yếu là đầu mối kia »[3], nghĩa là cái chết. Như vậy bánh xe duyên kiếp hay số phận không ngớt xoay vần từ đầu mối này sang đầu mối kia. Nó đã vần xoay trong chuỗi những biến cố kinh hoàng của Amdo. Với những kinh nghiệm chua xót từ những biến cố ác liệt đó, Amdo, con người ý thức, đã không tìm lối trốn thoát mà vẫn « ở lại » vị trí của mình để khẳng định niềm tin vào chính mình :
« Và nếu phải trải qua một kinh nghiệm khác nữa, thì, mặc kệ, chẳng còn gì có thể làm tôi ngạc nhiên, dù đó là sự phối hợp giữa thiên đàng với địa ngục, […], kể cả sự ám ảnh của Thái Huyền, của điều cảm nhận mà không giải thích được, của bâng khuâng về ý nghĩa dệt bằng vô nghĩa » (Et s’il faut connaître une nouvelle expérience, eh bien, tant pis, rien ne me surprend plus, même le mariage du ciel et de l’enfer, […], même la hantise du Boujoum, de ce qui se sent et ne s’explique pas, de cette obsession du sens tissé de non-sens)[4].
Và như vậy, những nỗi kinh hoàng đã không còn là điều gây sợ hãi đối với Amdo nữa. Nhất là khi anh ý thức rằng : « (Con người) như một vật mong manh được giữ lại trên một vực thẳm nhờ những sợi dây vô hình của hy vọng … » ((L’homme) en tant que fragile objet, retenu au-dessus d’un gouffre, par les fils abstraits de l’espérance…)[5].
Hy vọng nơi đâu ? Hy vọng vào điều gì ? Và có lí do nào để hy vọng ? Đó cũng là những câu hỏi mà Amdo đã tự chất vấn mình để rồi đi tìm lời giải đáp phù hợp nhất. Lời giải đáp chỉ có thể tìm được trong chính thực tại giữa con người với con người. Tình yêu và tình liên đới là những sợi dây hy vọng làm cho cuộc sống của anh có ý nghĩa hơn. Tình yêu của anh dành cho nàng Domicella biệt tích trở thành bất hủ, anh đã nhờ văn tự của Calame, một người bạn, để thổ lộ tình yêu đó. Tình huynh đệ được nhắc đến như một yếu tố vô cùng cần thiết. Vì chính nó đã giúp Amdo thoát khỏi những biến cố kinh hoàng và dẫn anh về miền ý thức. Ngoài Dani, Pergorain, Brogpa, Jubel, thì Calame, anh chàng chắp bút, là bạn thân còn lại, đã làm thức tỉnh Amdo, kẻ bơi lội trong cánh đồng thất vọng và buồn tẻ vì thiếu sự đối thoại của con người.
Le Boujoum vừa là thứ ngôn ngữ diễn tả cái thực tại vừa là thứ ngôn ngữ của thế giới vô thường. Thực tại, vì nó nhắc đến những điều tất yếu trong cuộc sống con người : sự chiến đấu giữa tốt và xấu, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa thiện và ác ; nó cũng nói lên cái số phận của con người bị quên lãng và đang phập phồng lo sợ trong vực thẳm trần gian với những phấn đấu để tìm lại sự sống và tự do.
Thế giới vô thường, vì Le Boujoum gián tiếp nhắc nhở rằng : mọi sự của trần gian cần phải trở về đúng chỗ của chúng. Thực vậy, qua cảm nghiệm của cuộc đời, tác giả của Le Boujoum đã chứng kiến nhiều những phi lí, những huyễn hoặc. Nhà văn đã cố gắng bình tĩnh tìm cách siêu thoát trong tâm hồn mình, để khám phá chân lí cuộc sống, cái mỏng manh của cuộc sống như sợi dây có hai đầu mối, cần có sự nâng đỡ của bàn tay vô hình là cái « Huyền Tuyệt đối », là nguồn gốc và căn nguyên của sự hiện hữu.
Như vậy, con người có thể xem các biến cố trong cuộc đời như là những bất ngờ phi lí hay như số phận phải gánh chịu. Cách nhìn đó chỉ có thể đến, hoặc từ con người vô thức, không phải « con người thật », hoặc từ con người tự phụ, kiêu căng. Hình ảnh « con người » như thế đã biểu hiện rõ nhất khi Amdo có địa vị và quyền lực trong tay, điều dẫn đến sự từ chối tình huynh đệ và cuối cùng là sự giết hại chính những người bạn thân của mình. Nhưng trên hết tất cả, khi « con người ý thức » trỗi dậy, Amdo đã biết mình là ai, biết nhìn nhận những hành động của mình để tìm cách trở về đúng với « vị trí » và nguồn gốc của mình./.
[1] Tiểu thuyết Le Boujoum được viết bằng tiếng Pháp, bản thảo hoàn tất năm 1980, nhưng đến năm 2002 mới được chính thức xuất bản tại Texas-Hoa Kỳ, do Cunggiunguyen Center ấn hành. Năm 1994, tác phẩm được chính tác giả chuyển ngữ dưới nhan đề Thái huyền, nhưng bản Việt ngữ này chỉ dừng lại ở phần I của tiểu thuyết.
[2] Xem Thái huyền, tr. XII.