Tiểu luận của Võ Tấn Cường
Thời bùng nổ thông tin, công nghệ quảng cáo và các phương tiện truyền thông cộng hưởng với nhau tôn xưng những giá trị thật và giả của hàng hóa. Con người hiện đại bị bao phủ, đắm chìm trong cấu trúc của âm thanh, hình ảnh và ngôn ngữ của quảng cáo. Thế giới vô thức của con người bị lấp đầy bởi cái ma mị, dối lừa của quảng cáo. Công nghệ quảng cáo tạo ra nguy cơ hạ thấp phẩm giá con người và đánh đồng con người với hàng hóa, đồ vật. Quảng cáo khuyến dụ, ru ngủ con người trong những nhu cầu của cảm giác nhục thể và sự thỏa mãn xác thịt.
Sự tầm thường đang bủa vây, chi phối không gian sống, không gian văn hóa và tác động đến từng nếp cảm, nếp nghĩ, hành vi của con người. Con người hiện đại chạy theo việc thỏa mãn nhu cầu thông tin, nhu cầu tiêu dùng nhưng lại thường xem nhẹ nhu cầu tâm linh. Sự thờ ơ của một số người đối với thi ca không phải là do thi ca không kịp vận động để thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người. Con người sống thiếu thi ca có thể vẫn khỏe mạnh về thể xác nhưng dễ bị “bại liệt” về linh hồn, trở thành những người bị “mù” về lòng tin. Cái đẹp và cảm xúc thăng hoa của hình tượng, ngôn ngữ bài thơ tác động trực tiếp vào trực giác, vô thức của người đọc. Thông qua sự liên tưởng và tưởng tượng của người đọc, thi ca chắp cánh cho tâm hồn con người hướng về thế giới siêu cảm và cái đẹp lung linh, huyền diệu. Chính điều này sẽ thanh lọc tâm hồn con người, tẩy rửa cảm xúc nhục thể của trần thế, giúp con người thoát khỏi sự bủa vây của cái tầm thường.
Thi ca của một số nhà thơ hiện đại đang bị tầm thường hóa do các nhà thơ hướng suy tưởng, cảm xúc thẩm mỹ vào cái tầm thường dung tục. Quan hệ tính giao, cái tầm thường của cõi trần thế được các nhà thơ đưa vào bài thơ ồ ạt, thiếu sự sàng lọc, thăng hoa đã đẩy thi ca vào nguy cơ tuyệt lộ. Sự tầm thường hóa là căn bệnh của thi ca thời Internet. Thi ca thời Internet mở rộng tận cùng biên độ thẩm mỹ, dung nạp cả cái dung tục, tầm thường và quái dị vào thế giới của cái đẹp. Chúng ta đang cảnh báo về hiện tượng nhập rác - điện - tử nhưng các nhà văn hóa, các nhà phê bình văn học vẫn chưa báo động về hiện tượng rác - thơ. Nhà thơ có thể thử nghiệm mọi phương thức sáng tạo để khám phá bản ngã và vũ trụ nhưng không nên làm tầm thường hóa thi ca bằng thứ thơ - rác. Thơ - rác là thứ thơ phản bội nguyên lý sáng tạo của thi ca và thiên chức của nhà thơ. Thơ - rác xuất hiện trên Internet dẫn đến nguy cơ bào mòn, gây trơ lì cảm xúc thẩm mỹ của con người, khiến con người dễ bị “lãnh cảm” với cái đẹp của nghệ thuật và cuộc sống.
Sự tầm thường hóa còn biểu hiện ở những bài thơ viết theo khuôn mẫu của cái đẹp cổ điển mang cảm xúc nhạt nhẽo và phổ biến. Những bài thơ vô thưởng vô phạt kiểu này không chỉ thủ tiêu tính sáng tạo của nhà thơ mà còn khiến bạn đọc bị bao vây bởi cái tầm thường, trở nên “dị ứng” với những bài thơ đích thực.
Văn xuôi có thể khắc họa cái tầm thường chi phối tâm trạng và cuộc sống của con người. Thi ca chỉ có thể bộc lộ những cảm xúc thăng hoa và cái đẹp lung linh, huyền ảo. Cái tầm thường có nguy cơ phá hủy cái đẹp của nghệ thuật thi ca. Nhà thơ trên con đường sáng tạo đầy cô đơn và nhọc nhằn phải thoát khỏi cái tầm thường để tạo dựng một thế giới siêu cảnh, huyền diệu và hướng con người về thế giới của tình thương, cái đẹp.