Quý III năm 2011, trên quầy sách của các nhà sách xuất hiện tiểu thuyết dã sử của Trần Hoàng Trúc - một nữ tác giả trẻ mới xuất hiện trên văn đàn - với tựa đề “Mặt nạ thâm cung” khiến tôi hiếu kỳ và đã tìm đọc. Cuốn sách hấp dẫn và cuốn hút tôi ngay từ những trang đầu tiên.
Được thể hiện dưới hình thức tiểu thuyết chương hồi, Mặt Nạ Thâm Cung là một đoản thiên tiểu thuyết viết về nơi cung cấm của một triều đại phong kiến phương Đông mà theo giới thiệu của nhà xuất bản thì: “Trong cung điện xa hoa của triều đại phong kiến xa xưa tại một vương quốc phương Đông, ẩn sau vẻ ngoài yên bình, êm ả là bao thủ đoạn, tham vọng ngấm ngầm không ngừng sôi sục giữa những người mang “mặt nạ” với nhau. Và khi mặt nạ rơi xuống thì những sự thật cay nghiệt phũ phàng, những bí mật tăm tối đều bị phơi bày cùng lời vạch trần của vị hoàng đế trước lúc lâm chung…”
Toàn bộ cuốn tiểu thuyết gồm 6 chương, gần 70 hồi được Trần Hoàng Trúc viết công phu, từ ngữ trau chuốt và có hình tượng. Nội dung từng hồi đều có một điểm nhấn riêng với những gút thắt mở hấp dẫn và thú vị khiến người đọc bị cuốn hút vào câu chuyện. Thỉnh thoảng cuối mỗi hồi lại được kết bằng những câu thơ sinh động càng đẩy cảm xúc người đọc lên cao. Đơn cử như ở hồi 11 chương I tác giả kết bằng 2 câu thơ:
Đêm xuân đổi giấc ngàn thu
Âm dương cách biệt tương tư trọn đời
Một sự tương phản gây ấn tượng: “đêm xuân” đổi “giấc ngàn thu” mà chỉ những ai đã đọc mới hiểu ẩn ý đằng sau nó. Hay ở một đoạn khác, trong hồi 13 chương I được kết bằng 2 câu thơ:
Loan phòng lạnh lẽo gối chăn
Tân nương nhỏ lệ ánh trăng bẽ bàng
Những vần thơ đầy cảm xúc khiến người đọc không khỏi buồn lây theo tâm trạng của nhân vật.
Nhân vật đậm nét trong tiểu thuyết là hoàng tử Lê Anh và mối tình của chàng với Uyển My - một thị nữ trong cung - là một mối tình tuyệt đẹp nhưng ngắn ngủi sẽ khiến người đọc thương cảm khi gấp sách lại.
Điểm nhấn nổi bật của Mặt Nạ Thâm Cung là thông điệp chính của tác phẩm bật lên trong phần cuối - một triết lý mang đầy màu sắc thiền mà tác giả muốn gởi gắm đến người đọc, tôi xin được trích như sau: “Đôi khi con người ta sống hết cuộc đời mới nhận ra tất cả những hỷ, nộ, ái, ố, sân si đều như những cơn gió thoảng qua, như những thứ gia vị cho cuộc sống không đơn điệu tẻ nhạt. Đến lúc ra đi tất cả sẽ chỉ là phù du, hư ảo, chẳng còn gì trong tay ngoài hành trang là tình cảm của người ở lại. Thế mà khi còn sống con người lại bị cuốn theo vòng xoáy của sân si, hận thù, phiền muộn. Cứ mãi làm nô lệ cho những thứ cảm xúc hủy diệt trái tim ấy. Để rồi quay quắt, khổ sở tưởng không thể nào vượt qua được, đến lúc sực tỉnh thì đã quá muộn màng”.
Tuy thể hiện dưới hình thức tiểu thuyết chương hồi với lối kể chuyện truyền thống như thuyết thoại nhân ngày trước kể chuyện Tam quốc, Mặt Nạ Thâm Cung vẫn ẩn hiện phong cách viết hiện đại với cách bố cục khá lạ. Đây phải chăng là một cách thể nghiệm đương đại, tạo dấu ấn riêng của Trần Hoàng Trúc? Kết cấu cuối truyện đầy bất ngờ, kịch tính và giàu nhân văn. Ấn tượng đọng lại là hai câu thơ khá ý nghĩa:
Đời như giấc mộng kê vàng
Đến khi sực tỉnh bàng hoàng, trăm năm.
Đọc sách không muốn khép lại, hình như tác giả còn bỏ lửng cho một tập II nữa chăng?
Nghề văn là một nghề gian nan mà chỉ những ai thực sự tâm huyết, đam mê mới có thể bền chí mà theo đuổi. Qua cuốn tiểu thuyết đầu tay của một nhà văn trẻ viết trong một năm tròn với hơn 370 trang, bố cục chặt chẽ, lời văn đỉnh đạc, tôi có thể cảm nhận được sự tâm huyết ấy. Tôi chỉ bình, chứ không phê. Với tôi, cuốn sách gây hồi hộp ngay từ đầu “mở cửa ra là thấy núi ngay” như bút pháp của thơ Đường, từ ngay câu phá đề đã muốn đọc cả bài. Thành công của “Mặt nạ thâm cung” là ở chỗ ấy.
Nguồn Tạp chí Thế Giới Mới số 960