Trong quá trình thực hiện luận văn thạc sĩ với đề tài "Truyện dân gian về ma ở đồng bằng sông Cửu Long", tôi đã góp nhặt được trong dân gian nhiều mẫu truyện về ma giàu giá trị văn hóa được hình thành từ thời khai hoang mở cõi, qua quá trình phát triển cho đến ngày nay. Là người con của quê hương, tôi thiết nghĩ cần phải chia sẻ với mọi người để cùng nhau gìn giữ một trong những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của người xưa.
Trích thư Anh Đặng Phú Quốc
Cô Gái Đẹp Trong Ngôi Nhà Hoang
Người kể: Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, 63 tuổi
Số nhà 198, Ấp Chiến Thắng, xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang
Hồi đó, lúc giáp tết, công việc nhà nông rảnh rang, những người nông dân ở vùng Phụng Hiệp thường rủ nhau qua miệt Cổ Cò cắt lúa mướn. Họ đi thành từng nhóm vài người, đem theo lưỡi hái, giồng gặt và vài bộ đồ. Đi bộ ngày này qua ngày khác, vừa đi vừa nhận công, hết mùa gặt họ lại về, đó cũng là khi tết vừa đến. Mỗi chuyến đi, có thể họ đem về cho vợ con được vài bộ quần áo mới, vài món quà từ phương xa, nhưng cái họ được nhiều nhất có lẽ là những niềm vui trên những vùng đất mới: họ đi cho thỏa cái mộng phiêu lưu vốn dĩ tồn tại trong tâm hồn nhiều người Nam Bộ.
Thời đó, ông nội tôi cũng là một người trong bọn họ. Ông thường kể cho con cháu nghe một câu chuyện mang màu sắc hoang đường, nhưng ông luôn khẳng định đó là câu chuyện có thật, nó ám ảnh ông rất nhiều mà vì nó, ông đã bỏ cái mộng được phiêu lưu nơi những vùng đất lạ.
Thời đó, theo lời ông nội, ông còn là một chàng trai trẻ, mới ngoài 20. Mùa đông năm ấy, ông tôi xin phép ông cố, cùng ba người đàn ông trong xóm đi gặt mướn. Với ông, chuyến đi giống như một chuyến du lịch dài ngày. Tuy nhiên, vụ mùa năm đó ở Cổ Cò lúa thất, ruộng đồng xơ xác, người dân sở tại không ai thèm mướn người cắt. Những vùng lân cận cũng không khá gì hơn. Cơm gói và số tiền ít ỏi đem theo đã cạn, bốn người rơi vào cảnh đói khát vất vả. Cuối cùng, họ quyết định trở về.
Trên đường về, họ cắt đường đi tắt để tiết kiệm thời gian. Lúc này, mái nhà đối với họ là niềm khao khát đến trong từng giấc chiêm bao trong những giấc ngủ ngắn ngủi, mỏi mệt và đầy mộng mị. Vậy mà đường về dường như càng đi thì lại càng xa! Thôn xóm lùi lại sau lưng, họ không bắt gặp bóng dáng của một ngôi nhà nào cả, thành ra, đến nước uống cũng trở nên thiếu thốn, nói gì đến cơm ăn.
Một ngày kia, khi bóng chiều đã đổ, sau một ngày băng đường vất vả, họ nhìn thấy khói bay lên từ một rặng cây xa. Cả bốn người vui mừng không sao tả xiết. Sợi khói mỏng manh đủ sức giục bước chân họ nhanh hơn, mỗi người đều thấy mình như khỏe hơn, vui hơn vì đã trông thấy một niềm hy vọng rất gần.
Sau khi đi qua một khu vườn rộng đầy cây ăn trái cổ thụ nhưng hoang phế, trước mặt họ là một ngôi biệt thự rộng lớn, nhưng hoàn toàn vắng người. Bên hiên nhà, có một khạp nước phủ đầy rêu, nước rất trong. Sau khi đã gọi vài tiếng nhưng không có ai trả lời, họ đánh bạo cầm gáo lên uống. Nước ngọt nhưng có vị tanh tanh, họ nghĩ đó là mùi của rêu. Mọi người ngồi đợi trước sân phủ đầy rêu và cỏ, vì họ chắc rằng trong nhà có người, bởi sợi khói vẫn còn bay ra từ mái nhà sau. Một lúc lâu sau, một cô gái tuổi chừng mười tám, đôi mươi từ trong nhà bước ra. Nhan sắc của cô làm cả nhóm phải giật mình! Da trắng, tóc dài, mắt long lanh, gương mặt vô cùng rạng rỡ và tươi tắn. Ông tôi nói chưa bao giờ, kể cả khi đã sống đến hơn 80 tuổi, ông thấy được một người đẹp như vậy. Cô gái mỉm cười nhẹ nhàng hỏi bốn người có việc gì, sao lại đi qua đây. Qua câu chuyện, người con gái đẹp tỏ ra rất đúng mực và chân tình. Theo cô, vùng này đã nhiều năm đói kém nên không có ai lai vãng, người bản xứ cũng đã dọn đi nơi khác, nhưng cô không thể đi do mộ của cha mẹ cô vẫn còn đây, đi sợ không ai hương khói. Cô cũng tỏ ra ái náy bởi cửa nhà lâu rồi không dọn dẹp, vì cô chỉ có một thân một mình lại tay yếu chân mềm, ngày trước những việc này đã có người ăn kẻ ở…
Sau đó, khi biết đoàn người lỡ đường đang đói, cô vội vàng cáo từ để vào bếp làm cơm. Thấy cô gái xinh đẹp, nói năng duyên dáng, lại thật thà hào phóng, cả bốn người ai cũng có cảm tình. Ông nội tôi còn nghĩ thế nào cũng sẽ có ngày ông trở về đây để được gặp mặt và đền ơn cô gái… Hay trong trái tim ông còn rộn ràng một điều gì khác?...
Cô gái vào nhà một lúc thì nghe tiếng “xèo xèo” cùng mùi tỏi phi mỡ thơm lừng. Bụng đang đói, lại nghe thấy mùi thơm của thức ăn ngon, làm cho bốn cái bụng cùng sôi dữ dội. Nhưng đợi mãi, vẫn chỉ nghe tiếng “xèo xèo” mà không thấy thức ăn được mang lên. Ba người đi chung đã thiếp đi trên bộ đi-văng đầy bụi. Ông nội tôi không ngủ được, phần vì cái mùi thơm đậm đà kia, phần vì nhan sắc của cô gái, một phần rất lớn là vì cái bụng quá cồn cào vì đói. Tiềng “xèo xèo” vẫn đều đều vang lên, băng qua những căn phòng dài, đến tai những người khách lỡ đường tội nghiệp… Tính tò mò của thời trai trẻ chiến thắng cái lịch sự, ông nhẹ nhàng đi xuống bếp, theo hướng mà cô gái đã đi. Tiếng “xèo xèo” nghe gần hơn, rõ hơn… Bỗng ông chết điếng người khi nhìn thấy cảnh tượng vô cùng rùng rợn: cô gái xinh đẹp lúc nãy đâu không thấy, trước mắt ông là một con quỷ thật sự với gương mặt gớm ghiết, tóc xõa rối bù đang đưa cái lưỡi dài liếm qua liếm lại trên cái chảo nóng. Ông hét lên một tiếng rồi chạy thật nhanh trong khả năng có thể lên nhà trước. Ba người bạn giật mình choàng tỉnh, ông kêu “Chạy!”, họ không hiểu gì, nhưng nhìn gương mặt của ông, họ vụt chạy theo. Không dám ngoái lại, nhưng tiếng thét, tiếng hú phía sau cho biết họ đang bị đuổi theo. Họ chạy với tất cả sức lực không biết từ đâu mà ra. Trong đầu họ chỉ có một từ “chạy”! Gai góc, cây cối, lao sậy trên đường không cản nổi bước chân họ. Đến khi trời tối hẳn, họ nhìn thấy ánh đèn đầu tiên, cũng là lúc chân họ khụy xuống và ngất đi…
Khi tỉnh dậy, họ thấy có nhiều người xúm xít bên cạnh. Người chắc lưỡi, kẻ xuýt xoa. Họ được uống nước cháo và lao khăn nóng. Và câu chuyện về ma nữ dần dần được tái hiện qua lời kể của những người dân nơi đây.
Trước đây, gia đình ông chủ Ngôn giàu nhất vùng này. Ruộng vườn cò bay thẳng cánh, dinh thự lộng lẫy uy nghi, kẻ ăn người ở ra vào đông đúc… Ông bà chỉ có một người con. Tuy hiếm hoi, nhưng cô gái thật sự là một bông hoa xinh đẹp nhất trong vùng. Nhiều người mới thoáng thấy một lần đã thầm thương trộm nhớ. Quan chủ tỉnh lúc bấy giờ đã đánh tiếng kết thông gia. Ông bà chủ Ngôn rất vui mừng, hãnh diện với họ hàng.
Thế nhưng, oái oăm thay, cô tiểu thư lại phải lòng một tên đầy tớ trong nhà. Anh này quê ở Tiền Giang, cũng xuất thân gia giáo, cha vốn theo học chữ nho, nhưng mất sớm, đến đời anh thì trắng tay. Mẹ lại mất, anh đi tha hương, ngày kia, ghé vào xóm này, trời xui đất khiến thế nào, anh lại xin vào làm thuê cho ông chủ Ngôn, rồi sau đó đem lòng yêu cô chủ. Thành thật mà nói, trông họ rất đẹp đôi, bởi anh cũng khôi ngô, lại là người có học, chỉ có tội là nghèo…
Ngày cưới gần kề, nhưng thấy con gái mặt ủ mày chao, ông chủ sinh nghi, tìm hiểu sự tình mới biết sự thật. Ông Ngôn vô cùng tức giận, đánh anh đầy tớ một trận nên thân. Ông cấm tiệt từ đây về sau không được đến gần con gái ông nữa. Anh đầy tớ biết phận, muốn ra đi, nhưng tình yêu cứ níu chân anh lại… Rồi sau một lần hẹn hò với cô chủ, anh bỗng dưng biến mất, không để lại một dấu vết gì cả.
Cô gái đâm ra nửa tỉnh nửa mê. Ông Ngôn phải đưa con lên Sài Gòn trị bịnh một thời gian dài mới khỏi. Nhưng từ đó, cô luôn u buồn… Một ngày kia, người làm đào đất cạnh bờ sông bỗng bắt gặp một bộ xương, trong túi kẻ xấu số vẫn còn một cây lược mang tên cô gái. Tin đến tai cô, cô chỉ ngồi lặng lẽ, không nói gì. Nhưng đêm đó, cô treo cổ lên cây xoài sau nhà, không để lại một lá thư hay một lời nhắn gửi nào cả. Ông chủ Ngôn lồng lên như người điên dại, ôm xác con gái, đấm ngực mình thùm thụp. Bà chủ Ngôn thì nằm trên gường suốt mấy tháng ròng không dậy được. Vì quá thương con, ông bà không chôn cất cô gái mà đặt cô vào trong quan tài, để trong căn phòng cô đã từng sống.
Mới đầu mọi việc vẫn bình thường, nhưng khoảng ba tháng sau thì gà vịt trong nhà bắt đầu mất vô cớ. Sau đó là đến heo, chó… Ban đầu còn kín đáo, nhưng càng về sau, mới chạng vạng, nhiều người đã nhìn thấy cái bóng trắng thướt tha bay trong vườn nhà, sau đó là tiếng kêu la tuyệt vọng của những con vật… Vài năm sau, khi ông bà mất đi vì đau buồn, cũng là lúc vài người trong xóm mất tích… Nỗi sợ hãi bao trùm khắp xóm nhỏ này. Và mọi người quyết định dọn đi, thỉnh thoảng có một vài người trở về xóm cũ, và cũng có vài người đi không trở lại. Từ đó, không bao giờ họ còn dám quay về nơi xưa nữa.
Bao giờ cũng vậy, kể xong câu chuyện, ông nội tôi trở nên trầm ngâm. Ông nói: Ở đời, ma quỷ phần lớn là do con người làm ra mà thôi. Có lẽ ông muốn nói đến cách cư xử của ông chủ Ngôn đối với hôn nhân của con gái chăng?
Đua Với Quỷ
Người kể: Bà Nguyễn Thị Cẩm, ấp 8,
xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang
Thưở còn con gái bà Khéo là một người con gái xinh đẹp, không ít trai làng để mắt và mơ ước được cưới về làm vợ, trong số những chàng trai ấy có không ít những người giàu có nhưng cô vẫn không mảy may để ý đến bởi cô nghĩ rằng chuyện hôn nhân cô không có quyền quyết định mà tất cả phải do cha mẹ cô xếp đặt. Một hôm, có một gia đình cũng thuộc dạng khá giả ở kinh cây Dầu, Gò Quao, Kiên Giang sang hỏi cưới. Sau khi tìm hiểu khá kĩ về gia đình người chồng tương lai của con gái mình cha mẹ của cô quyết định gả cô về bên ấy, bởi đó là một gia đình rất mực gia giáo.
Về nhà chồng, cô khéo rất giỏi giang, chăm sóc chu đáo cho mọi người trong nhà nên rất được thương mến. Trong đó có cậu Tư Thành, một người đàn ông nổi tiếng gan dạ trong làng đã kể cho bà nghe nhiều câu chuyện về vùng đất hoang vu nơi đây, một trong những câu chuyện đó mà đến giờ bà vẫn còn rợn óc mỗi khi nhắc lại. Chuyện kể rằng, Cậu Tư Thành (theo cách gọi của bà Khéo) được mọi người trong làng tôn cho biệt danh là người không biết sợ mặc dù ở khu vực này có rất nhiều câu chuyện kể về ma trong rất dữ tợn. Một hôm, cậu Tư xuống chợ chơi đến khoảng một giờ khuya mới cáo từ mọi người ra về. Khi cậu Tư chào mọi người thì họ hết mực can ngăn và bảo với Cậu Tư rằng: Trên đường về cậu phải đi qua một nơi mà từ trước đến giờ không ai dám đi qua vào ban đêm cả, bởi nơi đó đã từng xảy ra những câu chuyện rùng rợn về những con ma hiện hình. Cậu Tư trả lời họ một cách chắt nịch: Từ nhỏ đến lớn tôi chưa hề biết sợ ma là gì. Dù vậy, mọi người cũng dùng dằng không cho về, nhưng với sự kiên quyết với của cậu người ta đành để cậu ra đi.
Từ biệt mọi người ra về, cậu Tư thông thả đi trong lòng thanh thản và chẳng nghĩ gì đến lời nói của những người ban nãy. Đi đến một đoạn vắng nơi mà những người bạn của cậu cảnh báo, vẫn không thấy gì lạ, cậu càng củng cố niềm tin trong mình. Đi thêm độ một trăm mét, hình như cậu thấy có bóng người đi trước mặt nhưng trông rất lạ hình như hai chân không chạm đất, cậu Tư nghĩ trong lòng: Chắc đây là bóng ma mà họ đã cảnh báo mình đây chứ gì? Xoàn thôi – cậu nghĩ bụng. Cậu Tư vẫn bình tĩnh bước đi, bóng trắng kia cũng đều đều di chuyển mà không có biểu hiện gì, đi độ vài chục mét nữa bóng trắng kia lẫn khuất, không còn thấy gì, cậu Tư cười thầm: Cái ghê rợn mà họ nói chỉ đơn giản thôi à? Suy nghĩ vừa dứt, một tiếng động thật lớn trên những ngọn cây, liền sau đó là vật gì rơi xuống “bịt” làm rung rinh mặt đất dưới chân cậu Tư, dù rất gan dạ nhưng cậu Tư không khỏi giật mình. Lúc đầu cậu Tư nghĩ chắc là trái gì đó rụng, nhưng cậu cũng tò mò bật quẹt lên soi vào vật trước mặt xem là gì. Thật bất ngờ, trong ánh sáng lờ mờ của chiếc hộp quẹt, hiện lên một cảnh tượng hãi hùng, trước mặt cậu Thành là một cái chân người đầy máu và đang cử động. Thoáng giật mình, nhưng do bản chất gan dạ của mình cậu Tư Thành cũng kịp trấn tĩnh và thét lên: Thử xem chúng mày làm gì được tao? Nói xong, cậu Tư tiếp tục đi. Bước thêm độ chục bước, lại thêm một cái chân giống hệt lúc nãy rơi xuống, cậu Tư vẫn xem như không có gì xảy ra và vẫn tiến về phía trước. Một cái tay, lại thêm một cái tay nữa rơi xuống, cậu Tư vẫn mỉm cười đầy thách thức. Bình tĩnh đi thêm vài bước, âm thanh của một giọng cười ghê rợn được cất lên vang vọng cả một khúc đường. Âm thanh ấy làm cho óc cụt chạy rần rần nơi sống lưng của cậu Tư. Tiếng cười vẫn văng vẳng và ngày càng gần hơn, trong thoáng chốc xuất hiện trước mặt cậu Tư là cái đầu đầy máu me. Chưa hết bất ngờ, cậu tư còn lắng nghe mồn một những tiếng chạy lịch bịt xung quanh mình. Và thật khủng khiếp; hai cánh tay và hai cái chân lúc nãy từ từ ghép lại thành một cơ thể đầy máu me, điều đặc biệt là chiếc đầu lúc mọc ra hai chiếc răng nanh dài cả tấc đang trợn mắt chằm chằm nhìn cậu Tư. Hắn giơ tay lên vồ tới định chụp lấy người đối nó, nhưng không kịp, cậu Tư đã vụt chạy khi hắn chưa kịp thực hiện ý đồ. Lúc này cậu Tư cấm đầu chạy, không một lần dám quay đầu lại trong khi ở phía sau con quỷ cũng cố đuổi theo hòng tóm lấy người chạy phía trước. Bán sống, bán chết chạy được độ vài cây số cậu Tư phát hiện ra một căn nhà lá đơn sơ đang thắp ngọn đèn leo lét, lập tức cậu lủi vào nhà và ngất xỉu. Mọi người trong nhà không hiểu chuyện gì đã xảy ra nhưng cũng hết lòng chăm sóc cứu chữa. Họ đúc cho cậu Tư từng muỗng nước một, độ vài tiếng sau cậu Tư mới tỉnh hẳn nhưng hình như vẫn chưa hoàn hồn. Mọi người dù rất nóng lòng nhưng cũng đợi đến khi cậu Tư hoàn toàn bình thường trở lại họ mới hỏi đầu đuôi câu chuyện. Cậu Tư từ từ thuật lại cho họ nghe, sau khi nghe xong, mọi người cùng nhau bảo rằng: Anh gan thật đoạn đường đó từ trước đến giờ chưa ai dám qua vào ban đêm cả.