Quyển sách chia làm ba phần. Nguyên tác của nó là ba quyển. Phần đầu nói về tháng Tư đến tháng Sáu của năm 1Q84. Phần thứ nhì từ tháng Bảy đến tháng Chín. Câu chuyện mở đầu bằng hai nhánh, theo dõi hai nhân vật Tongen và Aomame. Phần 3 của 1Q84 nói về khoảng thời gian từ tháng Mười đến tháng Mười Hai sẽ đề cập sau.Tongen là một nhà văn chưa có tác phẩm xuất bản nhưng Komatsu, người chủ biên tờ báo Tongen đang viết thuê, nhận ra tiềm lực của anh nên mời anh sửa tác phẩm của Fuka-Eri, dự thi tác phẩm đầu tay, nội dung hay, độc đáo nhưng cách viết không mạch lạc. Tongen hoàn thành nhiệm vụ, tác phẩm được giải thưởng, và là sách bán chạy nhiều tuần lễ. Trở nên nổi tiếng Fuka-Eri đột nhiên biến mất. Giới báo chí đào xới quá khứ của cô, biết cha cô thành lập giáo phái Sakigake, biết cha mẹ cô biến mất. Nhà cầm quyền chú ý đến giáo phái Sakigake và cho người vào trang trại của giáo phái này để khám xét. Trong lúc Tongen hoang mang lo lắng dùm cho số phận của Eri thì Ushikawa, người phụ trách một hội đồng nghệ thuật, đề nghị tài trợ Tongen để anh xuất bản quyển truyện dài anh đang viết. Điều này thật kỳ lạ vì chỉ có Eri, Tongen, và Kyoko Yasuda, người đàn bà có chồng là tình nhân của Tongen, biết anh đang viết quyển tiểu thuyết này. Đồng thời Tongen cũng nhận được cú điện thoại của chồng của Kyoko. Anh chồng cho biết là cô vợ không còn có thể đến gặp Tongen. Trong cách nói có ẩn ý làm Tongen suy nghĩ không biết việc gì đã xảy ra cho người đàn bà lớn hơn anh mười tuổi này. Tongen 29 tuổi. vóc dáng cao lớn, dạy toán, và viết văn. Ngày còn bé, lúc mười tuổi, Tongen có bảo vệ một cô bé rất gầy và rất cao khi các học sinh cùng lớp bắt nạt cô bé. Có một hôm cô bé ấy đến cầm tay Tongen và nhìn vào mắt Tongen mà chẳng nói gì, sau đó cô bé biến mất. Cô bé ấy là con của một gia đình rất tin vào tôn giáo, sống khổ hạnh. Từ đó thỉnh thoảng Tongen lại nghĩ đến cô bé ấy.Aomame nhận được tin nàng sẽ phải đi giết gã “Lãnh Tụ” của giáo phái Sakigake. Nàng nhờ Tamaru, người bảo vệ của bà nhà giàu, mua giúp một khẩu súng đề phòng nếu lỡ nàng có bị bắt nàng sẽ tự sát. Aomame từ khi xuống cầu thang của những người làm việc ở xa lộ có cảm giác mình đang sống trong một thế giới khác, thế giới của 1Q84 chứ không phải 1984. Trong thế giới này nàng thấy có hai mặt trăng, một là mặt trăng bình thường, và một mặt trăng nhỏ hơn màu xanh lá cây đi cùng với mặt trăng bình thường. Kể từ khi làm bạn với Ayumi, dù biết cô này là nữ cảnh sát, còn mình là kẻ giết mướn, cô vẫn có cảm tình với Ayumi. Cô nhờ Ayumi đào sâu tin tức của giáo phái Sakigake và Ayumi cho biết trong quá khứ cô đã từng bị xâm phạm cơ thể. Cô cũng có người quen làm việc trong giáo phái Sakigake và hứa sẽ giúp tin tức thêm. Trước khi đi gặp lãnh tụ của Sakigake, Aomame đọc báo thấy Ayumi bị giết chết, thân thể trần truồng, tay bị còng, mồm bị nhét giẻ trong một khách sạn. Như đã nói ở những blog trước, Ayumi và Aomame có thói quen đi tìm đàn ông ở các bar rượu để giải tỏa những cơn thèm muốn của thể xác. Ở trang 358, hai nhánh của câu truyện Tongen và Aomame bắt đầu nhập lại khi Murakami bộc lộ Aomame là cô bé học trò gầy gò bạn học của Tongen ngày xưa. Kể từ khi chia tay với Tongen, Aomame thầm yêu và vẫn còn yêu cho đến hai mươi năm sau. Nàng không muốn đi tìm Tongen nhưng vẫn hy vọng có ngày tình cờ gặp lại chàng. Bà nhà giàu đã dàn xếp thành công cho Aomame gặp “Lãnh Tụ”. Gã đàn ông này là một người cao lớn dị thường. Hắn ta bị một chứng bệnh đặc biệt là các bắp thịt của hắn trở nên cứng và làm đau đớn dị thường. Khi trở bệnh bộ phận sinh dục của hắn cũng trở nên cứng hằng mấy giờ đồng hồ rất đau nhức tuy hắn chẳng khát khao tình dục. Người ta tôn sùng hắn như một giáo chủ và bắt ba cô bé dưới mười tuổi chưa có kinh nguyệt phải giao cấu với hắn để “lấy giống” của lãnh tụ. Dĩ nhiên là không thành công vì các cô còn bé quá làm sao có con cho được. Ở đây tác giả mở ra một nghi vấn, liệu lãnh tụ có đáng bị giết hay không hay do một người nào khác chủ trương việc này và tại sao. Aomame có giết gã không, và nàng có thể thoát hay không. Aomame dấu súng, mang cây ice pick giết người vào gặp lãnh tụ trót lọt dù phải qua cuộc lục soát và canh gác của cận vệ.Cô bé Eri không bị bắt cóc. Cô trốn đi theo chủ mưu của giáo sư Takayuki để cảnh sát và báo chí tìm kiếm trong trang trại Sakigake tông tích cha mẹ cô, và bây giờ mang đồ đến ở với Tongen.Tôi vừa đọc xong 1Q84. Muốn viết vài dòng về nó nhưng ngồi mãi mà không viết được, vì lười. Trong phần trước tôi tò mò không biết Aomame có giết Lãnh Tụ, tên là Tamotsu Fukada, hay không? Aomame lưỡng lự mãi rồi cũng giết Tamotsu. Từ lúc toan tính giết cho đến lúc thật sự giết là một quá trình thật dài, như Võ Đông Sơ trước khi chết vì bị tên bắn phải hát sáu câu vọng cổ mùi rệu Trời ơi bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn… rồi mới chết. Cái quá trình phân vân của Aomame khá hấp dẫn nếu độc giả có kiên nhẫn và thích đọc những suy tư về tôn giáo, đạo đức, và tâm lý. Murakami qua đối thoại của Aomame với Tamotsu đã đề cấp đến những vấn đề thuộc lãnh vực bóng tối và ánh sáng, tốt và xấu, phải và trái, đạo đức và độc ác, trời và quỷ. Aomame trước khi giết Lãnh Tụ đã khóc mùi mẫn dù từ đầu quyển sách tôi thấy nàng thuộc loại máu lạnh. Khi cô chuẩn bị giết Lãnh Tụ ngoài trời sấm động dù không mưa. Tóm lại Aomame vẫn giết Tamotsu nhưng lý do giết không còn là lý do ban đầu. Sẽ có độc giả thích sự thay đổi này. Tamotsu Fukada là bố của nhà văn Fuka-Eri, người viết tác phẩm Air Chrysalis, tên thật của cô là Eriko Fukada.
Phần 3 của 1Q84 nói về khoảng thời gian từ tháng Mười đến tháng Mười Hai của năm 1Q84. Đây là phần tôi đọc rất nhanh, lật trang liền liền, cho mau hết. Có nhiều trang tôi chỉ liếc sơ sơ. Phần này diễn tiến rất chậm. Aomame trốn tôn giáo Sakigake sau khi giết lãnh tụ của họ. Tengo vào nhà dưỡng lão đọc sách cho ông bố bị hôn mê. Anh đọc mà không biết ông bố có nghe không. Suốt đời Tengo không yêu thương bố, đến lúc ông hôn mê mới tìm để hỏi về mẹ của mình, có lẽ Murakami muốn cho độc giả thấy cuộc sống của người già ở Nhật cũng giống với cuộc sống người già của Mỹ, cuộc đời lúc xế chiều là chuỗi ngày cô độc, chết dần mòn trong căn phòng nhỏ trong một thành phố nhỏ, thành phố và căn phòng cũng hấp hối theo buổi chiều. Gã Toshiharu Ushikawa, người phụ trách công việc điều tra của giáo phái Sakigake, ẩn núp trong căn hộ gần nhà Tengo và cũng rất gần nơi Aomame đang lẩn trốn để theo dõi Tengo. Cô bé Fuka-Eri ở trong căn hộ của Tengo để lẩn trốn cảnh sát. Nếu 330 trang của phần ba được cô đọng còn lại chừng 100 trang thì sẽ giữ được sự chú ý của độc giả lười đọc như tôi.Nếu độc giả rất yêu thích Rừng Na Uy, Con Chim Máy (Wind-up Bird Chronicle) của Murakami và đã hết lòng chờ tác phẩm mới này, độc giả có thể thất vọng vì những lý do như sau:Murakami viết nhiều về tình dục nhưng quyển này thì chẳng khác mấy quyển kia. Nhân vật chính, phái nam, thường là một anh hiền, tốt bụng, tưng tửng, ít nói, không bao giờ phải chinh phục phụ nữ. Anh ta chỉ có mặt, tháp tùng họ, rồi tự động họ dụ dỗ anh ta, làm tình với anh ta, và những cuộc làm tình thường vô vị chẳng có mê đắm hay có ý nghĩa. Họ làm tình không vì yêu. Với Aomame làm tình là để giải tỏa căng thẳng tâm trí sau khi giết người. Tôi không để ý sau khi gặp lại Tongen cuộc yêu đương thân xác của hai người như thế nào vì lúc ấy tôi đã chán (vì nó dài quá) quyển sách đến cùng cực. Còn Tongen thì khỏi phải nói. Murakami biến anh ta thành một thứ giáo chủ thứ hai của giáo phái Sakigake, bắp thịt cứng, không di động, không thèm muốn xác thịt, chỉ thụ động để Eriko (nhà văn) và cô y tá Kumi Adachi (làm việc trong viện dưỡng lão) "hiếp dâm" anh.Nếu Murakami muốn chinh phục độc giả nữ bằng mối tình của Aomame và Tongen thì phải nói ông là nhà viết tiểu thuyết tình cảm nhàm chán vô cùng. Nếu đem so ông với Danielle Steel hay Nicholas Sparks thì ông không bằng. Ông không thể thuyết phục tôi. Hai người suốt hai mươi năm không hề cố ý tìm nhau, chưa hề nói yêu nhau, chỉ nắm tay một lần lúc mười tuổi, gặp lại nhau sau hai mươi năm, chưa lần nào ngủ với nhau mà nàng đã báo cho chàng biết cái bào thai trong bụng nàng là của chàng mà chàng vẫn tin thì quả là chuyện thế này chỉ có thể xảy ra ở thế giới 1Q84. Còn nếu đem so về mức độ lắt léo, gay cấn, hồi hộp, của truyện trinh thám thì 1Q84 không thể so với Mật Mã DeVinci, hay the Name of the Rose, cũng như một số truyện của Grisham, King, hay Scott Turow.Murakami đưa ra một thế giới mới lạ 1Q84, làm độc giả so sánh với thế giới 1984 của Orwell. Trong thế giới của Orwell, con người bị rình rập, sống trong sợ hãi, không thể bày tỏ lòng yêu thương. Trong thế giới của 1Q84 có hai mặt trăng, có “little people”. Nếu người ta sợ hãi những Big Brothers của Orwell thì little people của Murakami không gây được ấn tượng mạnh. Sự xuất hiện của những người tí hon này quá ít, quá mờ nhạt, hành động của họ cũng chẳng có gì thật là phi thường, không tạo được cảm giác sợ hãi hay khiếp phục. Các anh lớn có hành vi như công an trong chế độ độc tài. Còn những người tí hon thì ở một cõi nào đó chỉ xuất hiện qua mồm người chết. Khi họ xuất hiện họ rút tơ trong không gian dệt thành một cái kén trong đó có cái xác phụ (dohta) của một người sống (maza). Trong suốt quyển truyện hành động ghê gớm nhất của những người tí hon này là giết một con chó. Tất cả những huyền bí, pháp thuật đều chẳng đưa đến đâu. Sakigake chỉ là một tổ chức mờ ám, giàu có nhưng chẳng khôn ngoan hay độc ác bằng Mafia. Người của tổ chức này bị lường gạt, bị qua mặt dễ dàng mà chẳng làm gì được ai. Người điều tra của họ bị một anh quản gia của một bà nhà giàu giết dễ dàng và họ lại phải mang cái xác ấy đi thủ tiêu. Lãnh Tụ của tôn giáo này bị giết mà sau khi họ tìm kiếm nữ sát thủ mấy tháng trời không ra cuối cùng họ phải tuyên bố giáo chủ của họ thật sự muốn chết nhờ tay của nữ sát thủ vì thế họ sẽ không truy tầm để giết Aomame. Murakami nêu ra một vài vấn đề của xã hội là nạn hành hạ phụ nữ và hiếp dâm trẻ em nhưng cách ông xây dựng truyện không có lập luận rõ rệt. Nhân vật Tamotsu Fukada, bị bà nhà giàu, Shizue Ogata (mãi đến trang 667 Murakami mới tiết lộ tên bà) lên án tử hình vì Tamotsu đã hiếp dâm ba cô bé dưới mười tuổi. Aomame tin lời bà nên đi giết Tamotsu. Ở đây Murakami có thể nêu lên vấn đề là chúng ta, người dân trong chế độ dân chủ có luật pháp hẳn hoi, có quyền xử tử người như thế không, tuy nhiên ông đã không nêu lên vấn đề này. Trái lại, Murakami biện hộ cho Tamotsu biến ông ta thành một người phi thường. Giáo chủ Tamotsu không thật sự hiếp dâm, vì ông ta bị bệnh cứng bắp thịt, không thể di chuyển, toàn thân bất động, không có ham muốn tình dục. Các cô bé dưới mười tuổi chủ động cuộc giao hợp để được có con với giáo chủ. Những cô bé này cũng không phải là người thật mà chỉ là hiện thân của người được dệt bằng air chrysalis. Cái nét đặc biệt hư hư thật thật chúng ta thường bắt gặp trong truyện của Murakami như The Town of Cats, Crabs, The Kidney-Shaped Stone, Man-Eating Cats, hoặc là A Shinagawa Monkey không hiện rõ nét trong 1Q84 làm cho tác phẩm có vẻ dị đoan mê tín.Có một truyện ngắn lồng trong truyện dài 1Q84 tên là The Town of Cats ông đã đăng trên The New Yorker. Trong truyện ngắn này có một anh chàng đi xe lửa, lạc vào một thành phố nhỏ ở lại qua đêm thấy thành phố không có người mà chỉ có mèo. Anh chàng sợ bị mèo phát hiện nên lẩn trốn và hôm sau trở lại bến xe lửa thì xe lửa không ngừng ở bến ấy nữa. Anh không thể trở lại với thế giới của loài người. Cứ tưởng tượng mình đi đến một nơi để tìm thiên đàng, tình yêu, hạnh phúc, thấy nơi ấy không có những thứ mình muốn tìm, rồi chợt nhận ra mình không thể quay về chốn cũ nữa, đáng sợ nhỉ? Truyện này làm tôi có cảm giác như xem một trong những phim của The Twilight Zone. Tôi không có ý xúi bạn đừng đọc 1Q84 đâu nhé. Murakami tung vào quyển 1Q84 rất nhiều viện dẫn giai thoại về văn hóa văn chương Hoa Kỳ rất thu hút người đọc như nhạc jazz, Frazer, Sonny and Cher,có cả Gone With The Wind. Ông cũng tiết lộ quan niệm về nghệ thuật viết văn qua nhân vật Tongen mà các cây bút chưa chuyên nghiệp (như tôi) có thể chiêm nghiệm và rút ra bài học cho mình. Cách viết đối thoại và cách xây dựng nhân vật của ông rất đặc sắc. Tôi viết bài này, một cách drive-by review (điểm sách chớp), vì tôi không đủ can đảm đọc lại 925 trang (quá dài và phần cuối không đủ hấp dẫn) để viết một bài chu đáo.
Ghi chú: Ở Mỹ thường có những cuộc drive-by shooting, các băng đảng lái xe vào vùng địch, bắn chớp nhoáng rồi rút lui, có khi không đúng mục tiêu. Dùng chữ drive by review tôi muốn nhận lỗi là mình viết điểm sách mà chỉ đọc qua tác phẩm một lần, không đủ cẩn trọng khi viết về tác phẩm mới ra lò của một tác giả lừng danh trên thế giới./.