Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.249
123.160.770
 
Đà Lạt, bảy năm trước
Nguyễn Nhật Duật

Phải trở lên Đà Lạt. Từ mấy năm nay tôi đã bao nhiêu bận nhắc nhở mình điều đó mà, lần lữa mãi, vẫn không thực hiện được niềm mong ước. Tìm lại khung cảnh cũ của thành phố cao nguyên quen thuộc -hơn nữa : thân yêu - ở đó tôi đã sống những ngày tháng xô dồn háo hức. Hãy thăm viếng, hãy nhìn ngắm một lần mới những gì đã cũ, đang dần dần chìm khuất hay chỉ còn như những dư ảnh nhạt nhòa của ngày tháng cũ.

 

Bây giờ thì trở lên Đà Lạt là một nhu cầu khẩn thiết đối với tôi. Tôi đã chịu hết nổi những nhàm chán nối tiếp, những bực bội liên tục ở đây. Ở đây, Saigon, tôi đã mất hết hay gần hết những liên lạc thiết tha, chỉ còn rớt lại một mớ những hệ lụy vướng vít nhức nhối tê điếng. Tôi nghe đau nhói nơi cuống tim trong những buổi chiều hoang mang nắng quái, ngồi lặng lẽ một mình bên chiếc bàn làm việc, hai mắt tôi mở lớn trống rỗng, nhớ đến những khuôn mặt và những công việc vẫn ám ảnh mình mỗi ngày, mỗi đêm...Không, không tiếp tục được nữa, những ngày ở Saigon. Phải rời xa cái không khí choáng ngợp này ít nhất một tuần lễ. Ngồi với Loan trong một quán nước đường Lê Lợi, tôi cho nàng biết là tôi sắp đi Đà Lạt. Loan gật đầu tán thưởng :

 

"Nghỉ hè, anh đi đổi gió là phải". Không, tôi không đi đổi gió. Mà thôi, tách bạch làm gì nhỉ ? Tôi đã muốn rủ Loan cùng đi, nhưng nhìn nàng ngồi ăn những muổng kem hạnh nhân với vẻ thỏa mãn, nỗi thích thú rạng rỡ trên nét mặt mịn màng, trong đôi mắt tinh quái, tôi lại bỏ rơi ý định. Tôi đi một mình. Loan, cô thiếu nữ mảnh khảnh, duyên dáng, lúc nào cũng sẵn sàng choàng tay ra ôm lấy cuộc sống ồn ào náo động, lúc nào cũng muốn tắm mình trong cái ánh nắng chói chan của miền nhiệt đới, vốn chẳng thích để tâm hồn được lắng đọng lấy một giây. Làm sao tôi có thể mong nàng chia xẻ với tôi nỗi chán ngán hôm nay ? Tôi đã gặp nàng chẳng khác nào trong một cơn gió thoảng tình cờ và tự nhiên hết sức. Như một ngụm bia đã uống. Tôi chỉ có thể yêu nàng trong những lúc nhàn rỗi. Những lúc đó tôi buông trôi đời tôi cho cái sức sống ồ ạt của nàng cuốn đi, một cách êm đềm và sảng khoái. Bây giờ thì không thể được. Bây giờ là kết đọng của những giờ phút lê thê đã trải dài mãi ra nỗi uể oải nơi tâm hồn nghẹn cứng và thân xác rã rời này. Thử hỏi tôi còn cố bám làm gì nữanhững giờ phút ở đây ?

 

"A !", hắn reo lên, tiếng reo cố hữu mỗi khi hắn gặp tôi. Tiếng reo, tiếng reo ấy, thinh âm trống rỗng mở hoác ra từ miệng hắn, tôi nghe mỗi sáng, mỗi chiều. Tiếng  reo làm ra vẻ thiết tha, làm ra vẻ vui mừng, lặp đi lặp lại mãi sự nhạt nhẽo trông thấy  của tâm hồn hắn. Tôi đi guốc trong bụng hắn. Tôi đã ngấy. Chiều nay, đang lúi húi sắp sửa va ly để đi Đà Lạt, tôi vội ngẩng đầu lên để nhìn thấy hắn đến bên mình với tiếng reo "a !". Mà sao tôi vẫn ngạc nhiên ngẩng đầu lên được dù tôi đã nghe đến bùng nhùng cả hai tai cái tiếng reo đó ? Tôi chợt nhận ra, một cách thấm thía, rằng mình vẫn luôn luôn bắt gặp được những cái mới lạ lặt vặt thừa thãi đó. Những cái mới lạ lỉnh kỉnh không đâu vào đâu, chúng làm cho ta ngẩn ngơ trong giây phút rồi lại mỉm cười với cái trật tự chai lì đã tạo ra chúng ở trong thành phố nhốn nháo này.

 

Hắn ngồi xuống cạnh tôi, hỏi vài câu lăng nhăng, rồi im bặt. Lúc sau, hắn dở một  cái gói giấy báo và khoe mấy cuốn sách cũ vừa mua được với giá hời. Một cuốn dạy xã giao, một cuốn về khoa chiêm tinh và một cuốn sử ký nước Nga. Hắn nói lèm bèm về mỗi cuốn sách đó, những lời xuýt xoa mừng rỡ vì hắn được dịp mở rộng thêm  cái kiến thức vốn đã rất bừa bộn của hắn - bừa bộn đến nỗi đã có một dạo hắn bị mọi người trong nhóm kêu là thằng điên, người ta bảo là hắn ngộ chữ, thấy sạp hàng sách là sà ngay vào lục lọi, rồi khi mua được cuốn nào hắn liền nắm ngay lấy tay một người quen mặt để khoe, để lải nhải cả giờ đồng hồ, với những "phát giác ghê gớm" (lời hắn) mà cuốn sách đem lại cho hắn về "cõi đời bao la và phức tạp này" (vẫn lời hắn). Những người làm nạn nhân đầu tiên của hắn thì còn cười được. Những người càng về sau, gần đây, càng phải nhăn nhó khổ sở khi bị hắn níu kéo như thế.

 

Làm sao được, hắn là một con đỉa, một con đỉa khát chữ, mà chữ trong thiên hạ thì  bạt ngàn, nên hắn hút mãi và mãi mê tiêu hóa bằng cách phun vào mặt mỗi người hắn gặp. Người ta đành chịu trận. Cho qua đi, rồi cố tìm cách tránh hắn. Nhiều lúc hắn lấy làm khoái trá nhìn một người quen nghiêng đầu chào hắn một cách trang trọng. Lòng tự tin quá lớn đã không cho hắn thấy được rằng người ta chỉ chào hắn như thế để rồi có thể dễ lảng xa hắn ngay, tránh sự vồn vã khả dĩ giúp hắn ràng được người ta vào câu chuyện muôn thủa của hắn. Thế mà tôi không mấy khi tránh được hắn. Ở trong cùng xóm, "lại đều là người học thức với nhau" (lời hắn), tôi chạm mặt hắn hoài hoài mỗi sáng sắp đi đâu, mỗi trưa về nhà nghỉ và mỗi chiều mới dứt khỏi công việc của một ngày. Bởi đó là ba thời khắc trùng hợp của tôi với hắn. Khổ quá, làm sao được. Tại tôi đã trở thành phễu, dù là phễu rỉ, để hắn rót vào đủ thứ chuyện. Thậm chí, gần đây, tỏ ra là người trí thức ưu thời mẫn thế, hắn lại mở màn cho một tấn kịch nói mới : bình luận thời cuộc, biểu diễn kiến thức quân sự của hắn về những trận chiến sôi bỏng của đất nước. Bằng đủ giọng hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục, hắn đã nhấn mạnh về tầm quan trọng quyết định của của cuộc phấn đấu ngấm ngầm gay go giữa ba bốn phía, về "cái kịch tính thiết yếu của cuộc diện đầy hứa hẹn kỳ thú này" (lời hắn). Trong những câu chuyện "mới mẻ" đó, thỉnh thoảng hắn la lên : "Hỡi ơi ! Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy; Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười ! Mộng ảo thoáng qua đó thôi ! Cuộc diện hôm nay chỉ là một cơn mộng ảo ! Cái thực sẽ chỉ hiện ra trong mười hay hai mươi năm nữa anh ạ !" Cái giọng cảm khái đó đôi lúc quá bi thảm như giọng một nhà ái quốc lão thành, đã vài phen làm tôi phải xót xa. Hắn là hậu thân của Cao Bá Quát thật chăng. Lắm lúc mình cũng đâm ra nghi ngờ cả sự nghi ngờ của mình nữa. Dáng vẻ của hắn bi thương mà tha thiết quá ! Tôi ái ngại và càng muốn "kính nhi viễn chi" đối với hắn.

 

Từ mấy tuần nay, kể ra, tôi đã gặp khá nhiều những tay bình luận gia cừ khôi bậc nhất về thời cuộc vào cỡ hắn. Những câu bình luận, giải thích, cứ xoắn lấy ý nghĩa ngấm ngầm như những tấm thảm lót dưới lời tuyên bố của các lãnh tụ mọi phía, phô bày trước sự "chiêm ngưỡng sững sờ" của tôi những bộ óc thông minh mẫn tiệp có tài năng tuyệt đỉnh là cấu tạo được những tập hợp ý nghĩa vượt lên trên và ra ngoài mọi dữ kiện nhãn tiền của cuộc chiến thê thảm này, những tập hợp ý nghĩa tự chúng đầy đủ cho chúng, không cần một sự kiện cụ thể nào biện minh chúng vẫn có giá trị tự tại như thường.. Những lời bình luận tự đầy đủ cho chính mình, vâng, như những đám cưới hoan hỉ tột cùng vẫn được tổ chức tưng bừng tại các nhà hàng lớn ở cái thủ đô Sàigòn bình thản và xô bồ này. Thì vẫn thế, vâng vẫn thế, có sao đâu, người ta bảo vậy. "...". Còn ở đây, Sàigòn bên cạnh những bộ óc mẫn tiệp đầy niềm tin vững chắc ở tương lai, vẫn có những trái tim rộn rã nhịp vui thanh xuân chào đón ái tình lên ngôi trên hoa miện. Ô hay ! Lại cứ phải thắc mắc hay sao ! Khi mọi người đều có trách nhiệm thì có riêng ai phải lãnh trách nhiệm đâu !

 

Thế là, với chàng thanh niên trí thức láng giềng, với thời cuộc, với những bình luận gia xa-lông và với những đám cưới tưng bừng, lay lắt trước mắt tôi trong một buổi chiều đang dẫn dắt hình ảnh lung linh của Sàigòn muôn mặt làm tôi váng vất cả đầu óc. Tôi xin lỗi hắn, người trí thức lộng ngôn đã phiền rộn tôi cả tiếng đồng hồ, bây giờ tôi phải ra ngoài phố mua vài món đồ lặt vặt còn thiếu, trước khi trời kịp tối sầm. Để sáng mai có thể lên đường sớm. Sớm dời khỏi những dáng vẻ không chịu được của Sàigòn.

 

Đà Lạt, bảy năm trước tôi đã sống ở đó. Những buổi sáng mùa xuân tung chăn trở dậy, sương mờ còn bao phủ những đồi những lũng, trắng xóa, trông thật mát mắt. Gió lùa qua khe cửa sổ, lành lạnh khí xuân thế là tôi mơ màng nhớ tới những ngày thơ ấu rét lạnh ở núi rừng Tuyên Quang ở Thái Nguyên, những ngày đứa bé là tôi phủ mình bằng lớp áo bông dầy xù, đội trên đầu một chiếc mũ nồi bằng dạ tím. ngồi thu mình nép sát vào một bên cánh cửa, nhìn ra những núi những rừng trùng trùng điệp điệp Tuyên Quang, những đồi cỏ tế sừng sững, Thái Nguyên, nhìn ra con đường tráng nhựa dẫn về một chân đồi xa mờ mịt, có những hố sâu từ hai bên ra đến giữa mặt đường, tạo thành những lối đi chữ chi đen nhánh, ngoằn ngoèo như một con trường xà đang vặn mình giữa những hố đất màu nâu.

 

Đà Lạt, những rừng thông cao vút, mùi nhựa thông thơm gắt xô tôi về với kỷ niệm những ngày sống ở Thái Nguyên đầy rừng thông cao ngất, những rừng thông mênh mông ở đó tôi đã chơi đùa với lũ bạn tha phương trong những tháng dài chạy loạn.

 

 

 

Đà Lạt, những đêm sương tỏa ngất trời, những ngọn đèn vàng rải rác khắp nơi trong phố, trông thấy từ đồi Lữ Quán Thanh Niên như những ngọn hải đăng và mình tận hưởng cái ảo giác kỳ thú đang sống trong một biển sương bềnh bồng.

 

Đà Lạt, những đêm đi bộ từ Viện Đại Học, băng qua thành phố, xuống phía Hồ Xuân Hương, đi dọc theo bờ hồ lướt sang bên kia, leo dốc lên đường Trần Hưng Đạo rộng thênh thang. Rồi ghé một quán nước, uống một chai bia, nhai những hạt đậu phọng giòn tan thích thú. Tìm lấy hơi ấm trong đêm huyền hoặc dưới ánh đèn màu âm u chớp nháy từng hồi kỳ quặc, nửa đêm, về, những bước chân rời rã chơi trò đuổi bắt mệt mỏi với bóng mình khi đổ về phía trước, khi ngã về phía sau, khi chếch phải, khi nghiêng trái dưới những ngọn đèn đường chiếu sáng trên mấy lối ngoặt quẹo. Bước trở về phòng, chân có nhừ cũng phải nện vội trên mặt đường, lướt mình trong gió khuya lồng lộng, nghe cái lạnh thắm mãi vào da thịt, thấy ngẩn ngơ cho nếp sống hoang đàng và lắm lúc chợt thương rất đỗi vu vơ cho những kẻ dạ hành lẻ loi, nhất là lại thất tình, trên quãng đường này.

 

Đà lạt, những buổi xế trưa buồn tênh ngồi một mình trong quán vắng, mắt bâng quơ nhìn về phía con dốc đổ từ khu Hòa Bình xuống mạn hồ. Thành phố chợt phơi ra cái vẻ đìu hiu của một miền vừa bị bỏ trống. Tia mắt lơ đãng chợt thu tụ tinh lực, và phóng theo, và gắn chặt vào một bóng dáng uyển chuyển đang lướt đi trên con dốc. Ô ! ngực em như đồi sương làn suối, anh muốn gục đầu làm ngụm vội cho cơn khát si mê. Người con gái xa lạ, thoáng qua, có vẻ mềm mại giống Thủy. Thủy, năm mười bảy tuổi, đã giận dỗi gia đình và bỏ lên Đà Lạt. Ở Sàigòn, tôi vốn đã biết nàng từ lúc nàng mới mười hai tuổi. Gặp lại Thủy ở Đà Lạt giữa lúc niên học đã hết, tự do bay nhảy, tôi dẫn nàng đi chơi khắp nơi. Đôi mắt Thủy tròn và đen láy, ngây thơ lạ lùng. Bộ ngực mới nảy nở phập phồng duới lớp áo len đen đã gợi bao nhiêu là thèm muốn của bọn con trai ở đó.

 

Không hiểu sao lúc đó tôi lại có một thái độ lãng mạn là coi Thủy vừa như một đứa em gái bé bỏng, vừa như một người yêu mới mẻ hoàn toàn. Thủy thật hồn nhiên, vô tư lự, bất cần mọi sự. Nàng đi phố và vào quán cà phê với lúc nào cũng nép sát vào tôi mà vẫn không suồng sã. Nàng cao dong dỏng, dáng thon nhẹ nhàng, bước chân nhảy nhót trên hè phố, làm cho tôi cũng vui lây niềm vui luôn luôn vô cớ của nàng. Đi ăn với tôi ở một quán cơm bình dân, nàng - vốn con nhà giàu có, quen ăn sang trọng - cứ tấm tắc khen mãi món canh rau cải nấu với thịt nạc rất đơn giản và nàng ăn hơn ba bát cơm đầy trông thật ngon lành và tự nhiên không chê được. Đó, bữa cơm đầu tiên Thủy ăn với tôi. Và tôi thành thực cảm động. Tôi muốn giữ nàng ở nhà người bạn khá thân với tôi, nhưng nàng phản đối ầm ĩ. Nàng đòi tôi thuê phòng khách sạn cho nàng ở. Nàng sẽ trả tiền phòng nếu tôi không đủ tiền, nhưng phải chính tôi đi thuê cho nàng. Tôi lại một lần nữa thành thật cảm động. Thế rồi, liền ba buổi trưa và ba buổi tối, chúng tôi ôm ghì nhau thật chặc và ngủ yên bên nhau. Nghĩa là chỉ ôm ghì nhau mà ngủ với nhau, thật hồn nhiên, không làm gì khác. Tôi không gạ gẫm Thủy mà Thủy cũng không khiêu khích hay mời gọi tôi. Hai chúng tôi không kẻ nào nhìn người kia bằng một tia mắt thầm lén ám muội nào. Luôn luôn thẳng thắn và tha thiết một cách thần thánh. Sau ba ngày Thủy ở Đà Lạt, chị nàng tìm đến nơi, gặp nàng đứng trước cửa rạp Hòa Bình trong khi tôi đang lấy vé ở quầy phía trong. Bà chị lôi ngay đứa em về. Hình như bà ấy không thấy tôi. Thủy cũng không "khai" ra tôi. Nàng rất bình thản mà vẫn cứ hồn nhiên như chẳng hề có giận dỗi gì gia đình. Sau này, tôi cứ ngẩn ngơ mãi, không hiểu sao trong ba ngày sống với nàng tôi lại có thể thánh thiện kỳ lạ đến thế được ! Quả thực tôi không hiểu được tôi của ba ngày đó. Bây giờ tôi thấy tiếc, rất đỗi nuối tiếc và cũng có một chút thú vị. Nhưng tiếc nhiều hơn, bởi tôi được biết rằng hơn một tháng sau khi bị bà chị bắt về Sàigòn, Thủy đã thất thân với một tên hàng xóm hèn mạt. Nàng không hối tiếc gì hết. Hỡi ơi ! Tôi là một tên Don Quichotte trong ái tình, chỉ phấn đấu cho những lý tưởng hão, rõ nhảm ! Nhảm quá !

 

Thế nên, Đà Lạt hơn là một tưởng nhớ, còn là một tiếc nuối cho tôi. Tôi còn yêu Thủy, tôi thương nàng và tôi ngậm ngùi cho nàng, cho tôi. Từ bảy năm nay, đời nàng trôi nổi, bây giờ Thủy đã có ba đứa con với ba người đàn ông khác nhau. Nàng bị dụ dỗ cho có con rồi bị bỏ rơi sau khi bị bòn hết tiền, mấy lần như thế, hỡi ơi ! Nàng vẫn ngây thơ để bị đánh lừa, nàng không ham gì quá đáng, nàng chỉ muốn sống không lo nghĩ, không bận bịu. Bây giờ nàng nuôi ba đứa con một cách yên phận. Ba hôm trước đây, tôi có vô tình đi cùng một người bạn ghé quán nước do nàng làm chủ ở Sàigòn, tôi thấy đôi mắt nàng vẫn tròn và vẫn đen lay láy như xưa. Nhan sắc của nàng còn đậm đà hơn trước nữa, nhưng vẻ mặt vẫn hồn nhiên một vẻ cố hữu. Nàng nhìn tôi chăm chú trong giây lát và, lúc đem cà phê ra cho tôi, nàng chợt lưỡng lự rồi khẽ gọi "anh !", một tiếng rất nhẹ nhàng nhưng rất rõ, tiếng gọi được thốt ra bằng cái giọng kim trong suốt của Thủy làm tôi bồi hồi. Nhưng người bạn tôi ngồi đó và tên chồng hờ của nàng đang đứng gần quầy hàng trông ra phía bàn tôi, nàng còn nói gì được nữa và tôi, tôi biết nói gì ?

 

Tôi buồn quá; tôi phải dời khỏi Sàigòn ngay sáng ngày mai mới được. Làm sao tôi có thể quên nổi hết những phiền lụy, những chán ngán, những ray rứt mà tôi đang phải sống ở Sàigòn này ? Phải không nhìn thấy tên cuồng chữ rỡm đời ít ngày cho đỡ nhức, phải ngừng nghe lải nhải chuyện thời cuộc đầu Ngô mình Sở của hắn và những người cỡ hắn thì mình mới nhẹ nhõm được. Và phải xa cái hình ảnh của Thủy ở Sàigòn bây giờ, phải tìm lại được cái dư ảnh của Thủy hồi nàng mới mười bảy tuổi ôm tôi ngủ rất đỗi hồn nhiên. Phải nhìn lại núi sừng sững, rừng bát ngát, đồi cao lũng thấp đầy cỏ xanh mát rượi, phải tản bộ trên bờ hồ, để xa cái không khí Sàigòn đầy bụi độc này. Phải đi. Phải trở lên Đà Lạt sáng mai. Tôi sẽ đi một mình, hoàn toàn một mình.

 

Nhưng liệu bây giờ Đà Lạt có còn được như bảy năm về trước không ? Nghe nói đã thay đổi, đã xấu đi, đã bẩn đi nhiều lắm rồi thì phải ? "..." Thế thì còn gì nữa ? Hỡi ơi ! tôi cứ đuổi bắt mãi dĩ vãng, từ người đã qua cho đến cảnh không còn nữa, tới bao giờ ? Tới bao giờ, cũng không biết nữa ! Tôi chỉ còn thấy tôi đóng vai một con tàu điên trong đêm giông bão, bánh xe ghì lấy đường sắt - cuộc đời. Con tàu tiếp tục lao mình tìm về quá khứ thăm thẳm, mịt mờ, hoang vắng. Linh hồn thét nghẹn trong đầu máy òa vỡ, bùng tan hiện tại. Biết bao giờ con tàu ngừng đi, để tôi bám lấy man dại của tình yêu như một người sắp chìm xuống biển. Ở Sàigòn chỉ có cho tôi sự ràng buộc, bây giờ. Thôi ngày mai, trên chuyến máy bay sớm nhất, tôi sẽ đi Đà Lạt vậy; dù sao, còn hơn cứ ở đây mãi mãi. Phải đi tìm lại trong gió mát, trong nắng nhẹ, trong sương mờ cái bóng tâm tưởng tha thiết ở một quá khứ hoang mang tình mới lớn của Thủy.

 

(Văn 207 ngày 1-8-1972).

Thư Ấn Quán

Nguyễn Nhật Duật
Số lần đọc: 1500
Ngày đăng: 17.11.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nước Sẽ Chảy Qua Đồi - Ngô Văn Cư
Giấc mơ cô bán trứng - Lưu Thuỷ Hương
Cần Phải Thí Con Đầm - Vũ Anh Tuấn
Ông ngoại - Huỳnh Văn Úc
Hoa Mai Nở Muộn - Võ Xuân Phương
thần thoại - Hoàng Chính
Chảy Đi Sông Ơi - Mai Văn Ro
Thư từ Tuy Hoà - Cảnh Cửu
Kẻ đầu hàng - Nguyễn Trung Dũng
Người kẻ biểu ngữ - Lê Tất Điều
Cùng một tác giả