Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.083
123.198.876
 
Phương Hoài Tâm - Nghệ sĩ miệt vườn mặc áo lính
Huỳnh Anh
(Một vài cảm nhận qua tập Ca cổ “THƯƠNG QUÁ MIỆT VƯỜN” của cố soạn giả Phương Hoài Tâm)

 

Anh đi trong hiện tại, một hiện tại đầy sắc xanh miệt vườn và hương thơm của hoa trái. Nhưng chiếc bóng đổ phía sau của anh vẫn còn hiện rõ màu đỏ của khói lửa chiến tranh với bao nỗi đau thương, bao điều oanh liệt. Và anh vẫn nhìn rõ khoảng trời xanh phía trước bằng trái tim rực cháy niềm tin của người lính hôm nào. Phải! Quá khứ, hiện tại và tương lai cùng đan xen, hòa quyện nhau tạo nên sự rung động khi mãnh liệt, lúc dịu dàng trong từng cung bậc tâm hồn của người nghệ sĩ.

 

Đó chính là cảm nhận đầu tiên của người đọc khi xem qua tập ca cổ “Thương quá miệt vườn” của cố soạn giả Phương Hoài Tâm do Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang xuất bản. Tuyển tập giới thiệu 37 bài ca cổ trong số hằng trăm tác phẩm của anh sáng tác trong suốt hơn 30 năm cầm bút. Ba mảng đề tài lớn gắn với từng giai đoạn của cuộc đời anh là: Tình yêu của người lính trong chiến tranh, tình yêu miệt vườn - cụ thể là miệt vườn Cái Bè - quê hương anh và tình yêu cuộc sống với muôn vàn nét đẹp, trong đó nét đẹp của tình yêu lứa đôi đã được anh tô đậm bằng những ca từ rất ngọt ngào.

 

Hình tượng người lính trong kháng chiến đã được Phương Hoài Tâm khắc họa đậm nét bằng những chi tiết rất thực, những rung động chỉ có được khi người cầm bút đã từng thực sự khoác áo lính cùng hòa nhập vào cuộc chiến đấu chống Mỹ vĩ đại của cả dân tộc. Đó là những con người vừa hào hùng, vừa bình dị và lãng mạn. Khi đất nước cần, người lính gác bỏ tất cả vác súng ra đi. Họ xem đó là một hành động hết sức bình thường, giặc tới thì đánh, không có gì phải suy nghĩ, đắn đo:

 

“Súng nổ tiền phương chiến trường đang mong đợi, xếp mảnh ni-lông khăn rằn quấn vội khoác súng lên vai con tiếp bước quân hành...”

                                                                                         (Gởi mẹ tình con)

 

Trong sự bình dị, cái dữ dội đã toát lên, thể hiện ý chí bất khuất của người lính trước kẻ thù. Và những hình ảnh thân thương, quen thuộc như mảnh ni-lông, chiếc khăn rằn... phải chăng đã gợi nhớ trong lòng người đọc, người nghe về cuộc sống thiếu thốn, gian nan của người chiến sĩ giải phóng quân ngày nào?

 

Nhưng người lính ở Phương Hoài Tâm đâu chỉ có sắt thép và máu lửa. Mấy ai thấu được nỗi nhớ thương đang âm ỉ trong lòng người chiến sĩ lúc xa nhà. Họ đã nhớ gì?

 

Với một ngôn ngữ đầy chất thơ, Phương Hoài Tâm đã hé mở:

 

“Con chào đời lớn lên nhờ sữa mẹ,

Mưa gió trở trời má san sẻ niềm vui

Trở lại làng xưa lòng thương nhớ bùi ngùi

Bao ký ức dâng tràn theo nước mắt...”

(Gởi mẹ tình con)

 

Có lúc nỗi nhớ thật bình dị nhưng không kém phần da diết:

“Cũng bữa cơm với cá rô đồng rau tai tượng...”

(Gởi mẹ tình con)

 

Từng tên đất quê hương cứ hiện ra, canh cánh bên lòng người lính Phương Hoài Tâm trên bước đường hành quân:

 

“Năm Thôn yêu thương, Ngũ Hiệp vấn vương

Bà Huyện, Bà Đăng, Long Đức, Tân Châu, Cồn Tròn

Gắn bó yêu thương làm ăn lam lũ

Đất mãi bồi mà ta vẫn làm thuê?!”                                           

(Con sẽ về)

 

Và nỗi nhớ thương càng lai láng trong lòng tác giả mỗi khi có dịp về ngang vùng đất quê hương:

 

“Ngày về đây, thương nhớ thương trào dâng nỗi nhớ

Thương nhớ con kinh, ngày đêm tải hàng

Nhịp dầm theo tiếng ai giã bàng?”

(Gởi mẹ tình con)

 

Ôi! Cái tiếng giã bàng sao mà thân thương yêu dấu đã gợi trong lòng người nghe bao niềm thương nhớ da diết với tình đất, tình quê! Đặc biệt, điệu, Lý Đêm trăng đã chen vào giữa câu đàn láy vọng cổ tạo nên một biến tấu đầy hiệu quả âm nhạc làm cho tình cảm người nghe chuyển từ u hoài sang rộn rã, nôn nao...

 

Soạn giả Phương Hoài Tâm cũng đã dành nhiều bài ca để ca ngợi những người anh hùng cụ thể đã đổ máu xương để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Với những người chiến sĩ gang thép của trận Ấp Bắc, anh viết:

 

“Ngọn gió Đông Xuân còn rưng rưng giọt sương buổi sớm, tiếng thét xung    phong làm quân thù kinh tởm thế giới reo vui mừng chiến thắng anh hùng...”

(Ký ức đời trai)

 

Hình ảnh mượt mà của “ngọn lúa Đông Xuân” và hình ảnh “quân thù kinh tởm” đã đối lập nhau làm nổi bật sự hung hãn, tàn bạo của kẻ thù.

 

Với nhạc sĩ Hoàng Việt, người con yêu của đất Cái Bè đã hy sinh trong kháng chiến, Phương Hoài Tâm viết:

 

“Như chiếc lá vẫn còn xanh

Cho quê hương anh vang khúc hát

Chiếc lá dẫu có bạc màu

Cũng trở vào lòng đất cho cây lá mãi còn xanh...”

(Nhớ về anh)

 

Ở đây, từ ngữ ca cổ và chất thơ đã quyện hòa nhau, tạo nên sự rung động vừa bay bổng vừa sâu lắng.

 

Mấy mươi năm khoác áo lính đi khắp các chiến trường đã tạo cho Phương Hoài Tâm một vốn sống quý báu. Những hình ảnh đơn sơ, gần gũi như bông lục bình, cây bần, chiếc xuồng, mái dầm, con xẻo, cây cầu tre, dòng sông, bến nước... cùng những chi tiết rất thực trong kháng chiến đã được Phương Hoài Tâm sử dụng đúng lúc, đúng chỗ làm nổi bật trong sáng tác anh hình ảnh người lính không chút cường điệu, giả tạo. Và phải chăng cái thực đó đã tạo nên hiệu quả cao trong tác phẩm của anh!?

 

Gắn liền với đề tài người lính, hình tượng người mẹ cũng đã chiếm một vị trí quan trọng trong sáng tác của Phương Hoài Tâm. Đó là những người mẹ cố giấu những giọt nước mắt vào lòng, sẵn sàng tiễn chồng con lên đường khi đất nước lên tiếng gọi:

 

“Buổi tiễn con đi âm thầm lặng lẽ, với chiếc xuồng con mái dầm thả nhẹ, rẽ nước sang sông cho kịp chuyến quân hành...”

(Con sẽ về)

 

Và đây là tình cảm của tác giả:

“Trong đêm tối mịt mù con thương lắm mẹ ơi, chân con bước mà nhớ từng lời mẹ dạy...”

(Con sẽ về)

 

Không chút màu mè, không tô vẽ ngôn từ, không gò ép bởi chữ đàn, tình cảm ấy cứ len nhẹ vào lòng người tạo cảm xúc len lén, rưng rưng...

 

Ở một khuôn ca khác, tác giả viết:

 

“Mẹ vẫn bám quê hương như cây bần bám đất, giữa vòng dây lũ giặc hung tàn...”

 

Hoặc:

 

“Cây bần cũng nghiêng âm thầm lặng lẽ, đom đóm lập lòe soi  lối mẹ bơi...”

(Con sẽ về)

 

Biện pháp tu từ ẩn dụ và nhân hóa sử dụng ở đây rất có hiệu quả. Tính văn học của ca từ đã góp phần tạo cảm xúc sâu lắng cho người đọc. Đặc biệt khi hòa vào tiếng nhạc ngũ âm của bài vọng cổ, hiệu quả lời ca càng được đẩy lên cao hơn.

 

Mảng đề tài thứ hai như đã nêu, đó là tình yêu quê hương miệt vườn Cái Bè cây lành trái ngọt, mảnh đất mà tác giả đã gắn bó đến cuối đời. Một loạt tác phẩm viết về miệt vườn đã ra đời như: Cái Bè trăm mến ngàn thương, Hương chanh, Hương nhãn, Hương xoài, v.v... đã tạo được thêm dấu ấn mới trong sáng tác của Phương Hoài Tâm. Người miệt vườn được khắc họa trong tác phẩm của anh là những con người hiền hòa mộc mạc và bình dị. Quanh năm họ xắn đất, móc mương, bồi đất, vun phân... cho cây trái oằn say. Bàn tay lam lũ nhưng tâm hồn người miệt vườn vô cùng phóng khoáng, vui vẻ và hiếu khách.

 

Ta hãy nghe những lời ca ngọt ngào như chính vị ngọt của cây trái Cái Bè. Trong bài “Hương chanh” anh viết:

 

“Nhưng xoài ba mùa mưa cũng chưa qua chanh giấy, vì muốn sống nghề vườn nên anh mới tới đây...”

 

Trái với chất trẻ trung, vui nhộn trong “Hương chanh”, tình cảm của tác giả đối với cuộc sống miệt vườn trong bài “Hương xoài” đằm thắm và trang trọng hơn:

 

“Công chăm sóc vun trồng tái tạo của ông cha, cho cây xanh lá trái căng tràn nhựa sống. Nỗi nôn nao những ngày vắng bóng, anh đợi mùa về để gặp xoài  cát trắng”.

 

Cho đến “Hương nhãn” thì cách thể hiện lại nghiêng về phương pháp ẩn dụ, hơi lẳng lơ nhưng lại duyên dáng, hữu tình:

 

“Ai xuôi con ong lấy mật bông bên ấy, đem phấn đem hương sang bông nhãn bên nầy...”

 

Hoặc:

 

“Cô dâu hai má hồng hồng,

Em đi theo chồng mùa nhãn chín quê hương...”

 

Với một bút pháp đa dạng sử dụng riêng cho từng bài nên dù đi vào một đề tài, tác phẩm của Phương Hoài Tâm không bị trùng lắp và nhàm chán. Thêm vào đó, anh đã sử dụng những bản vắn hoặc các bài Lý để gài đầu hoặc chen vào giữa bài vọng cổ làm thay đổi sắc thái âm thanh, vừa phù hợp cho việc diễn đạt nội dung từng lúc, vừa tăng sức hấp dẫn cho bài ca.

 

Mảng sáng tác thứ ba của Phương Hoài Tâm là những bài nói về tình yêu cuộc sống, tình cảm lứa đôi, đạo thầy trò, nghĩa vợ chồng, thế thái nhân tình... Đề tài nầy không chiếm nhiều trong sáng tác của anh nhưng cũng đã để lại cho người đọc, người nghe nhiều ấn tượng sâu sắc như các bài: Bụi phấn, Qua cầu hát lý xa nhau, Nợ duyên, Phận nghèo, Phận lục bình... Mỗi sáng tác của anh mang một dáng vẻ, màu sắc riêng góp phần tích cực vào phong trào đàn ca cổ nhạc đang ngày càng lan toả khắp nơi.

 

Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang xuất bản tập ca cổ “Thương Quá Miệt Vườn” của cố soạn giả Phương Hoài Tâm như một nén hương lòng, thay mặt cho những người mộ điệu tri âm tri kỷ trong phong trào ca cổ gởi đến anh. Đây cũng là việc làm ghi nhân sự lao động nghệ thuật miệt mài và nghiêm túc của anh - một người nghệ sĩ miệt vườn mặc áo lính - tài hoa đã sớm ra đi...

Huỳnh Anh
Số lần đọc: 2389
Ngày đăng: 24.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đờn ca tài tử Nam Bộ: Hồn muôn năm cũ, bây giờ ở đây - Khuyết danh
"Vua" vọng cổ Viễn Châu - Người khai sinh "tân cổ giao duyên" - Khuyết danh
Tìm hiểu về bản vọng cổ - Phục Lư
Ru em tình chị - Nguyễn Chi
Nghe vọng cổ trên sông - Đoàn Phú Vinh
Về thăm lại sóc Bom-Bo - Huỳnh Anh
Lý Cái Mơn - Khuyết danh
Tình anh bán chiếu - Viễn Châu
Dạ cổ hoài lang - Sáu Lầu