Sáng 15.11.2011 tôi nhận tin báo nhà văn Võ Phi Hùng đang rơi vào cơn hôn mê ở bệnh viện Hồng Đức Gò Vấp. Lâu nay tôi biết anh bị nhiễm lao rồi chuyển sang viêm phổi, cứ nghĩ rồi sẽ qua khỏi, nào ngờ lại ngày càng nặng thêm. Tình trạng nguy kịch, anh đang thở oxy qua máy, nhịp sống đếm chậm từng giờ.
Vào lúc 15 giờ 55 phút, ngày 16.11.2011 xe cấp cứu chuyển anh vào bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, đúng 16 giờ tim anh ngừng đập, hưởng dương 63 tuổi.
Anh Phan Văn Sáng (diễn viên chính trong phim Chim phóng sinh do Võ Phi Hùng phóng tác từ truyện ngắn của Nguyễn Hồ) kể lại: “Anh Hùng đòi đưa giấy và viết để bút đàm vì không nói được. Nguệch ngoạc vài nét anh buông bút đấm ngực. Sáng hỏi anh muốn tôi lo phần hậu sự. Hùng ứa nước mắt đấm ngực, ý nói đúng rồi. Sáng hỏi anh còn muốn dặn dò gì nữa không? Lại ú ớ, chảy nước mắt. Sáng nói anh muốn anh Nguyễn Hồ, Đào Anh Dũng đứng ra tổ chức tang lễ. Hùng lại đấm ngực liên tục, chứng tỏ Sáng hiểu đúng lời mình định nói.” .
Chị Quyên bảo: “…Nhiều lần anh ra dấu bảo đưa về nhà để mất vì bệnh viện phí rất cao…Lúc trên xe chuyển sang bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tim anh còn đập, vào phòng hồi sức anh tắt lịm dần, chỉ 5 phút sau thì mất…”.
Cả đời sống lặng lẽ viết, cống hiến tận cùng đến giờ phút cuối cùng ở trần gian Võ Phi Hùng lại muốn nhẹ nhàng ra đi không làm phiền toái đến ai kể cả gia đình, đoàn thể. May mắn quanh anh vẫn còn những tấm lòng chân tình hết lòng chăm sóc, đùm bọc anh là chị Tiến, chị Lộc, anh Sáng, chị Quyên, anh Thi, anh Khang…
Anh viết lách rất sớm, từ trước năm 1975 với bút hiệu Thánh Thu từng có một số truyện đăng trên báo Văn, với lời giới thiệu trang trọng của nhà văn Mai Thảo đánh giá anh như cây bút trẻ đầy triển vọng.
Sau năm 1975 anh là giáo viên bổ túc cho lớp tối ở quận 6, lấy vợ và có hai con, một trai, một gái. Khoảng năm 1978 anh xuất hiện lại với truyện ngắn trên Tuổi Trẻ, Văn Nghệ thành phố…với tên thật Võ Phi Hùng. Có truyện ngắn “Đời có tên tụi mình” đăng báo Xuân Tuổi Trẻ năm 1979, mô tả những số phận dưới đáy xã hội, vươn lên khẳng định vị trí mình với cuộc sống. Gặp nhau bạn hữu vẫn chào anh bằng câu đùa: “ Ê Hùng…đời có tên tụi mình rồi đó!”. Mảng truyện anh viết trước năm 75 là những cuộc tình trắc trở, éo le, của các cô gái đi làm thuê, nhập cư vào thành phố, thấp thoáng đâu đó là bóng dáng của cô tiểu thư mang hai dòng máu Việt – Hoa. Anh thường đạp chiếc xe cà tang lang thang khắp nơi, tánh tình khề khà dễ chịu, ít nói chỉ lặng lẽ góp vài câu trong buổi tiệc chung. Xuất thân từ đứa trẻ mồ côi ở Ban Mê Thuột, được một người phụ nữ nhận làm con nuôi, sau bà má nầy lại xuất cảnh sang Pháp, anh lại lăn lóc vào đời kiếm sống. Tiếp tục anh viết về từng con hẻm, góc phố Sài Gòn, những cuộc đời trẻ bụi đời qua bộ sách “Sống sót vỉa hè” do NXB Kim Đồng tái bản nhiều lần. Gần như chỉ biết kiếm sống bằng nghề viết lách Võ Phi Hùng viết đủ thể loại tùy bút, tản văn, tiểu thuyết, phóng sự…nhưng đọng lại trong lòng độc giả là những truyện ngắn lấp lánh với cái nhình cuộc đời đầy nhân ái. Khán giả đài truyền hình còn nhớ đến những kịch bản nhiều tập gây dấu ấn một thời như Giã từ dĩ vãng,
Chim phóng sinh…
Cuộc đời Võ Phi Hùng có lẽ vận vào ngôi sao xấu, lúc nào cũng hẩm hiu, buồn khổ, rất ít vị ngọt hạnh phúc. Sau khi chia tay với người vợ, anh bán ngôi nhà chung ở quận 6, chia cho hai con, lang thang ở trọ trong những khu phố lao động ở Gò Vấp, kênh Nhiêu Lộc và gần như cắt đứt mọi quan hệ với người khác. Lúc trước, ông Nguyễn Thắng Vu mời anh hợp tác với NXB Kim Đồng, liên hệ hoài không được bèn mua cho anh cái điện thoại di động, vài ngày sau anh vất vào đống quần áo cũ, quên luôn.
Ngay cả lúc anh nằm viện nhiều lần cũng không muốn ai biết để tránh làm phiền bạn hữu, người thân, thế giới riêng được khép chặt lại tối đa đến nghiệt ngã!
Tôi gọi điện, hỏi tình hình của Võ Phi Hùng ở bệnh viện Hồng Đức-Gò Vấp chị T. cho biết: “…mấy lần tưởng anh Hùng đi rồi…Giờ chỉ sống bằng máy thở oxy…”. Liên tục nhiều tin nhắn trái ngược nhau, Hùng đang hấp hối, Hùng tỉnh lại rồi đang chuyển bệnh viện…
Cuối cùng Võ Phi Hùng ra đi thanh thản vào lúc 16 giờ ngày 16.11.2011 tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, trong vòng tay người thân. Tôi nhớ lại những cơn say ứa nước mắt, những ngày lang thang bên nhau trong quán cóc ven đường, lần lượt những bạn hữu ra đi và muốn lập lại câu: “Hùng ơi…Đời có tên tụi mình rồi đó…Sao mà buồn thảm quá!”.