Tưởng nhớ anh Nguyễn Trung Bình
Nhắc về anh, có lẽ cho đến bây giờ, có người nhớ, có người mang máng nhớ, có người à, sực nhớ một nụ cười, một dáng người tròn tròn, ngăm ngăm, một da nâu, một Quảng Nam gộc nói năng ngang tàng, chơi hết mình, sống hết mình… Hai năm, cái quĩ thời gian vừa đủ cho một đứa bé sinh ra, chập chững đi và biết nói, đó cũng là cái quĩ thời gian để con người vừa thành tro bụi, cỏ vừa xanh trên mộ. Có thể là vậy, nhưng những câu thơ thì có đời sống của nó, đôi khi, nó trở nên mạnh mẽ và bắt đầu cuộc chơi của nó…
Sáng, 6h, anh Phùng Tấn Đông gọi điện thoại, dặn tôi: “Hôm nay là ngày giỗ, cũng là ngày mãn khó của Nguyễn Trung Bình, em cố gắng đi sớm nhé, có Trần Tuấn cùng anh em mình lên mộ, hóa tập thơ Người Trẻ Dáng Nâu của Bình…”.
7h, tôi đến nhà mẫu thân anh Bình, lúc này chưa có ai, chỉ có mấy chồng ghế nhựa, mấy chiếc bàn, và bà mẹ già ngồi buồn thiu trước cửa, những người khác trong nhà lo dọn dẹp, nấu nướng, lúi húi mỗi người mỗi việc.
Ghé vào quán cà phê gần nhà ngồi đợi, chừng mươi phút sau thì anh Phùng Tấn Đông chở anh Trần Tuấn đến, trên xe lỉnh kỉnh túi xách và sách. Trần Tuấn cho biết tuyển tập thơ Nguyễn Trung Bình và bạn bè đã hoàn tất, đây là một phần trong số sách của anh Bình. Lẽ ra, tựa của tập thơ là bài của trẻ dáng nâu, lấy nguyên tựa tên bài thơ của anh Bình. Nhưng vì một số bạn bè cứ góp ý, mỗi người một tên, không biết đâu mà chọn, cuối cùng, Trần Tuấn mới cầm đôi dép quai lên, khấn: “Bình ơi, lúc tụi mình là sinh viên, cũng hay chọn tên sách hoặc tên tập thơ theo cách này, bây giờ Bình cho một “keo dép”, nếu sấp ngửa là Bình Đồng ý, mình định lấy tên là Người Trẻ Dáng Nâu để làm tựa!”. Nói xong, anh Tuấn ném đôi dép ra đường, một chiếc sấp, một chiếc ngửa, xem như Bình đã hài lòng, lúc này đã 2h sáng. Mọi người quyết định chọn tên tập thơ như đã “xin keo”.
Trần Tuấn giải thích thêm về ý nghĩa của tên tập thơ: “Người trẻ dáng nâu là chỉ tên tác giả, ám gợi một cuộc đời, một số phận tài hoa nhưng lại bạc mệnh, ra đi quá sớm, mọi ước mơ vẫn còn dang dở… Người Trẻ Dáng Nâu sẽ gợi nhắc trong bạn bè hình ảnh một chàng thi sĩ trẻ Quảng Nam ăn cục nói hòn, sống như đốt đời cùng con chữ, nhiều khát vọng mà cũng nhiều nỗi buồn…”. Nói đến đây, Trần Tuấn và Phùng Tấn Đông đều buồn thiu, chúng tôi cùng nhau lên thăm mộ Nguyễn Trung Bình.
Có thể nói nơi anh nằm an nghỉ là một nơi khá thơ mộng, khu nghĩa trang nằm trên đường dẫn vào cố hương của thi sĩ Bùi Giáng, lưng tựa vào một ngọn đồi, mặt nhìn ra đầm sen hình bán nguyệt, cây cỏ xanh tươi, không khí bàng bạc chút gì đó vừa mềm mại, vừa huyển hoặc, nên thơ, khó tả. Mộ của Nguyễn Trung Bình không lớn lắm nhưng khá xinh, tấm bình phong được ốp sỏi tự nhiên, cứ đúng mỗi chiều thứ Bảy, anh Nguyễn Trung Nam lại chở người mẹ lên thăm Nguyễn Trung Bình, một lần đi là một lần mang theo một viên sỏi cùng một nắm xi măng, gắn viên sỏi lên mộ, thắp vài cây nhang, hai năm, 104 viên cuội xinh gắn lên mộ như một câu chuyện dài, một bài hát ru của người mẹ nhớ con… Một tấm bia có in hình của anh với mắt kính cận, dáng người, thần thái, độ tuổi lúc chụp hình cũng hao hao với Bùi Giáng thời ‘thanh niên thi sĩ’. Có một nét tương ứng nào đó giữa hai người con xứ lụa mần thơ này.
10h, sau khi gia đình cúng vái, cầu siêu cho anh, đến lượt con trai thắp nhang cho cha, tôi khá ấn tượng với cậu bé này, cậu còn rất ngây thơ, con nít, và có chút gì đó rất… Nguyễn Trung Bình khi cậu vừa thắp nhang, vừa nhìn vào tấm ảnh của cha mình và hát ê a: “Dậy đi, dậy đi, nhậu đi, nhậu đi, vui thật là vui, cung thỉnh cung thỉnh…!”. Anh Việt, anh trai của Nguyễn Trung Bình, lúc đầu có vẻ không vui, nhưng rồi nhìn vẻ nặt ngây ngô của cậu bé, không thể nói gì khác ngoài chuyện lắc đầu, cười tủm tỉm.
10h30, Phùng Tấn Đông và Trần Tuấn cầm tập thơ Người Trẻ Dáng Nâu vái trước mộ, rồi không nói không rằng, Trần Tuấn và Phùng Tấn Đông cầm tập thơ, thả vào ngọn lửa đang cháy của khăn tang, điếu văn, những lời trần tình của bạn bè… Trần Tuấn vừa đốt vừa nói: Bình ơi, chính tả tụi mình xem rất kĩ, tin rằng không bị sai, nếu có chi sai sót thì Bình nhớ chỉnh mô-rác lại nhé, đừng buồn tụi này nhé! Chúc Bình đọc thơ vui vẻ!”.
Hóa xong tập thơ, đứng nhìn tro bụi chốc lát rồi lại ra về, lại ăn nhậu, ly vào ly ra say khướt, lại ôn những kỉ niệm của “người trẻ dáng nâu”. Cứ thế, câu chuyện thì còn dài, nhưng đôi khi cũng ngắn ngủi như đời người. Nhưng hơi thơ thì đọng tựa sương mai trên những triền đồi ký ức.
Những ký ức khôn nguôi về một chàng thi sĩ cùng những câu thơ đang chơi đùa, nỉ non tình tự cùng giun dế, cỏ cây và mây ngàn cùng những buổi hoàng hôn nơi đồi sim quê nhà – một quê nhà vĩnh hằng giữa cõi thơ và trí nhớ bạn bè!
Chùm ảnh Tưởng nhớ anh Nguyễn Trung Bình
Con trai của thi sĩ Nguyễn Trung Bình trước mộ cha
Hóa tập thơ Người Trẻ Dáng Nâu gửi về trời cùng Nguyễn thi sĩ..
Người anh trai Nguyễn Trung Việt
Những viên cuội như một bài hát ru của bà mẹ già
Phùng Tấn Đông và Trần Tuấn
Nơi yên nghỉ của một thi sĩ tài hoa...