Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.258
123.155.912
 
Gibran: Cuộc đời và tác phẩm
Nguyễn Ước

I. Đôi nét tiểu sử

kahlil gibran là tiểu thuyết gia, họa sĩ, thi sĩ tâm linh với cung giọng ngôn sứ và triết gia theo chủ nghĩa hiện sinh hữu thần. Ông sinh năm 1883 tại làng Bsharri, thuộc vùng núi Miền Bắc Li-băng (Lebanon) vào thời xứ sở ấy còn là một phần của Syria, chịu sự đô hộ khắc nghiệt của Đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ. Nằm sát phía bắc vùng hoạt động chính của Đức Giêsu là Ga-li-lê, mảnh đất Li-băng tuy nhỏ nhưng vang danh với những người con nổi tiếng từ buổi bình minh của nền văn minh. Tuyết nghìn năm phủ trên đỉnh núi và mùa xuân xanh thắm của Li-băng tạo cảm hứng cho vô số văn thi sĩ Kitô giáo.

Và một người con của Li-băng là Kahlil Gibran, cũng được muôn triệu người trên thế giới đánh giá là thiên tài bất tử. Quả thật Gibran là một tác giả tôn giáo và bí nhiệm, tuy chưa được giới học giả hàn lâm trọng vọng nhưng được đại chúng đọc nhiều nhất và được thảo luận rộng rãi nhất trong thế kỷ 20 cũng như sang thế kỷ này, sau khi ông về cõi hằng cửu. Theo thống kê của giới xuất bản sách, Gibran là thi sĩ có số lượng độc giả đông vào hàng thứ ba, chỉ sau Shakespeare và Lão Tử.

Lịch sử gia đình của Gibran bắt nguồn từ cao nguyên Li-băng, vùng núi non xinh đẹp ảnh hưởng lớn lao lên quá trình hình thành con người ông. Thân mẫu Gibran, bà Kamila Rameh, là con của một linh mục thuộc Giáo hội Maronite. Đây là một hội thánh Kitô giáo Đông phương chiếm đa số dân chúng tại Li-băng. Nó phát nguyên từ Syria vào thế kỷ thứ bảy, và tuyên bố có nguồn gốc từ Thánh Maron (qua đời năm 407). Như một ốc đảo giữa biển cả Hồi giáo và các tôn giáo bản địa, Giáo hội Maronite lưu giữ truyền thuyết và nghi lễ cổ đại, kể cả việc sử dụng tiếng Aram trong phụng vụ. Sau những biệt đãi của các đoàn quân Thập tự chinh, Giáo hội Maronite hiệp nhất với Giáo hội Công giáo La Mã kể từ năm 1182 nhưng được quyền tự bổ nhiệm hàng giáo phẩm. Người có gia đình vẫn có thể chịu chức linh mục nhưng một linh mục độc thân khi thụ phong thì không được phép được lập gia đình.

Bà Kamila từng kết hôn một lần; người chồng ấy một mình di cư và qua đời tại Brazil, để lại cho bà một con trai là Peter. Tái giá với ông Khalil Gibran, bà sinh thêm ba người con, Gibran với hai em gái là Mariana và Sultana. Thế nhưng ông Khalil không đủ ý thức trách nhiệm gia trưởng, sống buông mình theo men rượu, chỉ giúp việc thu thuế cho hương chức rồi bị tù vì nhũng lạm khiến toàn gia sản bị tịch thu, cả nhà phải đến ở nhờ thân nhân.

Trong khi đó, quang cảnh sơn cước thôn dã gây cảm hứng cho Gibran. Những con thác chảy xiết, suối nước róc rách, những tảng đá đó đây, rừng cây bách hương nổi tiếng trong Kinh thánh khi được dùng làm cột các đền thờ, những câu chuyện về Kitô giáo từ thời sơ khai còn lưu trong ký ức dân gian, v.v. tất cả để lại dấu ấn thẳm sâu trong linh hồn Gibran và về sau, ghi đậm nét trong văn thi phẩm và họa phẩm của ông. Vì nghèo và trường học ở xa, việc học của Gibran chỉ dựa vào những chuyến viếng thăm đều đặn của các linh mục. Họ dạy ông về tôn giáo, tiếng Aram là ngôn ngữ Đức Giêsu sử dụng và thịnh hành trong thời Tân ước, tiếng A Rập, tiếng Syria và mở mắt cho Gibran về lịch sử và khoa học.

Không giống chồng, bà mẹ của Gibran, một phụ nữ thông minh, mộ đạo, dù ít học vẫn có hoài bão và đức tin mạnh mẽ. Bà một mình đem bốn đứa con gồm Peter, Gibran và hai cô con gái Mariana và Sultana sang Mỹ tìm cuộc sống mới. Người cha vốn không để tâm nhiều tới vợ con, ngần ngại di dân và chấp nhận ở lại quê nhà.

Ngày 25 tháng Sáu năm 1895, năm mẹ con Gibran cập bến Hoa Kỳ. Họ định cư tại mạn nam thành phố Boston trong một khu vực có cộng đồng người Syria và Li-băng đông vào hàng thứ hai sau New York. Bà mẹ, lúc này là gia trưởng, bắt tay ngay vào việc đi bán dạo khăn vải lanh và rượu. Một năm sau, bà dành dụm đủ tiền cho Peter mở một tiệm tạp hóa nhỏ.

Vài tháng sau khi tới Mỹ, Gibran được tới trường, theo học lớp Anh ngữ dành cho trẻ em di dân. Nhờ tham gia sinh hoạt chung, khả năng vẽ và các bức ký họa của Gibran lọt vào mắt một tác viên xã hội tại trung tâm cộng đồng của khu phố, Gibran được giới thiệu cho Fred Holland Day, một họa sĩ và nhiếp ảnh gia cấp tiến của Boston. F.H. Day dùng Gibran làm người mẫu và bắt đầu hướng dẫn cậu về hội họa, văn học và đặt cậu lên điểm xuất phát của con đường nghệ thuật nổi tiếng. Tại cơ sở của Day, Gibran cũng khởi sự chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa tượng trưng, đồng thời xây đắp hoài bão hoạ sĩ tâm linh và thi sĩ ngôn sứ cho tương lai.

Năm 1898, được mẹ và anh chu cấp, Gibran quay lại Li-băng. Sau mấy tuần lễ cấp tốc khắc phục trình độ đọc và viết tiếng A Rập của mình, ông theo học và hoàn tất chương trình căn bản giáo dục A Rập bốn năm tại Minh triết Học đường (College of Al-Hikmah) của Giáo hội Maronite. Ông cũng thường đến trầm tư ở Tu viện Mar-Sarkis hoang phế tại Bsharri như thời còn nhỏ.

Năm 1902 Gibran trở về Hoa Kỳ nhưng cô em gái Sultana đã qua đời bốn tuần trước đó. Qua năm sau, tới lượt mẹ và người anh Peter của ông. Cả ba đều không thoát khỏi bệnh lao phổi, cũng là căn bệnh đeo đuổi Gibran lúc cuối đời. Sau cái chết của mẹ, cô em Mariana bán cửa tiệm, làm thợ may và thay thế bà chăm sóc giúp đỡ Gibran để ông yên tâm theo đuổi cuộc đời văn thi sĩ và hoạ sĩ.

Thiên hướng nghệ thuật dẫn dắt Gibran vào cuộc sống văn hóa của Boston, tỏ cho ông thấy thế giới phong phú của kịch trường, nhà hát và các cuộc triển lãm nghệ thuật. Năm 1904, vào ngày cuối cuộc triển lãm tranh lần thứ nhất của mình. Gibran gặp Mary Elizabeth Haskell, hiệu trưởng một trường nữ cấp tiến tại Boston và thường giúp đỡ cho các nghệ sĩ có tài năng và có nhu cầu. Ba năm sau, Haskell trở thành người bảo trợ mọi mặt cho Gibran, góp phần lớn hình thành sự nghiệp của ông. Chính Haskell tài trợ mọi phí tổn cho chuyến đi Paris năm 1908 của Gibran, trợ cấp mỗi khi ông cần tới trong suốt hai mươi năm về sau và là người duyệt các bản thảo tiếng Anh cho ông. Hai năm ở Paris, Gibran học tập hội họa tại Viện Julien (Académie Julien) và Trường Mỹ thuật Paris (Ecole des Beaux Arts de Paris), đôi khi được sự chỉ bảo của nhà điêu khắc thiên tài Pháp Auguste Rodin (1840-1917) mà ông có họa chân dung. Năm 1911 Gibran về lại Boston, tới năm sau, dọn hẳn lên ở New York và dành trọn thì giờ cho việc vẽ và viết.

Từ năm 1903, Gibran bắt đầu viết các tiểu phẩm đầu tiên bằng tiếng A Rập trong đó có cuốn sách mỏng về âm nhạc Nubthah fi Fan Al-Musiqa (1905) và tập truyện ngắn Linh hồn nổi loạn (1908). Tuy thế, từ năm 1918 trở đi, hầu hết sách xuất bản của ông đều viết bằng tiếng Anh; chúng góp phần vào nỗ lực cách mạng hóa ngôn ngữ thi ca và làm ông trở thành một khuôn mặt nổi tiếng thế giới.

Năm 1920, Gibran là Chủ tịch sáng lập Văn đoàn Arrabitah, một hội văn bút tại New York gồm khoảng 12 thành viên trong đó có các văn thi sĩ A Rập như Mikhail Naimy (1889-1988), Iliya Abu Madi (1889-1957), Naseeb Arida (1887-1946), Nada Haddad (1881-1950) và Ilyas Abu Sabaka (1903-47), v.v. Họ dần dà nổi tiếng khắp thế giới A Rập vì các nỗ lực cách tân văn chương bảo thủ A Rập. Diễn đàn chính của văn đoàn này là tạp chí Al-Mahajar (Người di dân), tờ báo đầu tiên bằng tiếng A Rập tại New York. Những sáng tác phẩm và bài phê bình văn học của họ trên tạp chí này và các tạp chí khác tại Trung Đông đã dọn đường cho một tự do mới trong diễn đạt thi ca.

Trong các văn thi sĩ vừa kể, Gibran trở thành người quan trọng nhất và có ảnh hưởng nhất. Nhưng khác với họ, danh tiếng và ảnh hưởng của ông vượt quá thế giới A Rập. Lúc Gibran còn sống, tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn hai chục ngôn ngữ. Về sau, tại Hoa Kỳ, sách của Gibran bắt đầu tạo ảnh hưởng đặc biệt lên văn hóa đại chúng ở Bắc Mỹ kể từ thập niên 1960.

Ký họa và tranh màu của Gibran, vốn được Auguste Rodin so sánh với thi sĩ và họa sĩ thần bí người Anh William Blake (1757-1827), được triển lãm khắp thế giới. Trong tác phẩm văn học của mình, Gibran thường đề cập tới tinh thần siêu việt, nhưng chủ đề chính trong họa phẩm của ông là những hình người khỏa thân, có khuynh hướng quấn quít nhau. Là người sáng tác dồi dào thơ văn, Gibran tự tay minh họa tác phẩm bằng ký họa, và cho tới nay, chúng được vô số người trên khắp thế giới yêu mến. Họ tìm thấy trong chúng biểu thị cho niềm hứng khởi sâu xa nhất của tâm hồn, tâm trí và tâm linh con người, đầy tinh thần nhân văn và tôn giáo.

Có một sợi chỉ nhân bản và hữu thần xuyên suốt các tác phẩm của Gibran. Nguồn mạch chính trong tư tưởng của Kahlil Gibran là tư tưởng Kitô giáo nhuốm màu sắc đông phương bí nhiệm. Tuy chống lại tinh thần cơ chế của tôn giáo và những khuyết tật của giới tăng lữ nhưng Gibran là con người tôn giáo kiên định. Với lòng mộ đạo sâu xa, ông kính ngưỡng Đức Giêsu như một tấm gương dũng cảm và hy sinh, nhân ái và lạc quan. Ông xem lòng tử tế là chiếc bóng của Thượng đế trong con người. Ông tin vào sự hiệp nhất của các tôn giáo, kêu gọi xóa bỏ tính hợm hĩnh, sự ngược đãi và lạm dụng tôn giáo thường diễn ra trong mọi thời đại. Trong cuốn Đám rước, ông viết, “Đối với con người, tôn giáo giống như cánh đồng, được gieo trồng với hi vọng, được canh tác bởi lòng ngoan đạo, hoặc bị chăm sóc bởi trí óc mông muội sợ lửa hỏa ngục, hoặc bị khai thác bởi những kẻ mạnh nhờ của cải vàng bạc hư không, những kẻ xem tôn giáo như một loại đổi chác để được đáp đền lợi nhuận. Trái tim họ đã chết tuy đang đập, và sản phẩm thu hoạch của họ chỉ toàn cỏ dại mọc hoang trong thung lũng.”

Gibran nghĩ rằng nếu con người sống nhạy cảm, họ sẽ làm chủ được số phận của mình. Ông viết, “Tâm hồn con người kêu cầu giúp đỡ; linh hồn con người kêu nài chúng ta giải phóng; nhưng chúng ta không để ý tới tiếng kêu la của chúng, vì chúng ta không nghe hoặc nghe mà không hiểu. Nhưng người nghe và hiểu thì bị chúng ta gọi là kẻ điên khùng và chúng ta lánh xa y.”

Gibran là một người A Rập yêu quê hương, tha thiết cho đất nước Li-băng được độc lập, dân chúng sống không sợ hãi và có phẩm giá. Trong cuốn Vườn ngôn sứ, ông viết, “Thương thay cho một đất nước tràn đầy đức tin nhưng trống rỗng về tôn giáo. Thương thay cho một dân tộc mặc quần áo nó không dệt, ăn chiếc bánh nó không gặt hái và uống loại rượu không chảy ra từ máy ép rượu của chính nó. Thương thay cho một dân tộc tán dương kẻ dùng vũ lực là anh hùng và cho rằng kẻ xâm chiếm đang lẫy lừng là hào phóng. Thương thay cho một dân tộc chỉ cất cao giọng nói khi đi đưa đám ma, chỉ kiêu hãnh khi chiếc cổ của nó bị đặt giữa thanh gươm và cái thớt. Thương thay cho một dân tộc mà chính khách của nó là chồn cáo, triết gia của nó là kẻ diễn trò tung hứng và nghệ thuật của nó là nghệ thuật chắp vá và mô phỏng. Thương thay cho một dân tộc nghênh đón kẻ cai trị mới của nó với điệu kèn tiếng trống rồi tiễn đưa hắn với tiếng huýt sáo chế giễu, chỉ để lại nghênh đón kẻ khác với tiếng trống điệu kèn. Thương thay cho một dân tộc mà các hiền giả của nó bị điếc hết năm này qua năm khác và những người mạnh mẽ của nó chỉ đang ở trong nôi. Thương thay cho một dân tộc bị chia thành từng mảnh, mỗi mảnh xem mình là một quốc gia."

Văn bản của Gibran đầy dẫy những lối diễn tả và các dụ ngôn được viết theo thể điệu và kiểu mẫu Kinh thánh, đặc biệt sách của các ngôn sứ và Thánh vịnh - một trộn lẫn giữa thơ và văn xuôi. Ông thường cao giọng sứ ngôn khi lên án những thảm họa đang tạo ra dịch bệnh khô kiệt tinh thần và khốn khó vật chất trên quê hương mình cùng hăm dọa toàn thể loài người. Kiểu thức của ông là sự pha trộn của cái đẹp và lòng mộ đạo mà về sau được biết tới như là trường phái Gibran (Gibranism).

Ngôn sứ (The Prophet) là tác phẩm nổi tiếng nhất của Gibran. Cuốn ấy về phong cách, chịu ảnh hưởng của cuốn Thus Sparke Zarathustra (Zarathustra đã nói như thế) của Nietzsche. Nhưng đối cực với Zarathustra, Almustafa của Gibran là một nhân vật tôn giáo, tin vào con người và Thượng đế đồng thời lạc quan trong cuộc sống và tương lai của nhân loại. Ngôn sứ gồm 26 bài thơ xuôi, phát biểu về các vấn đề nhân sinh nhưng với tâm tình của một thi sĩ triết gia hiện sinh hữu thần. Tính tới nay, nó đã được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ và bán được trên 100 triệu ấn bản. Từ thập niên 1960. cuốn Ngôn sứ được xem như một loại kinh thánh hay sách thủ bản cho phong trào phản văn hoá (counter-cultural movement) của giới trẻ Hoa Kỳ và trào lưu Thời đại mới (The New Age). Thậm chí có giáo sĩ Kitô giáo dùng nó trong thánh lễ hôn phối.

Gibran qua đời năm 1931 tại New York vì bệnh xơ gan và lao phổi thời kỳ đầu. Buổi tiễn biệt ông trên bến tàu New York có đủ đại diện của các tôn giáo như Công giáo, Tin Lành, Do Thái giáo, Hồi giáo, v.v. Lễ tang ông tại Boston được tổ chức trang trọng và cảm động theo nghi thức Công giáo ở thánh đường tại Tyler Street. Sau đó, thi hài Gibran đưa về Li-băng, được chính quyền và dân chúng tổ chức liên hoan đón rước. Linh cửu được mang vào Nhà thờ Chánh toà St. George của Giáo hội Maronite tại Beirut với nghi lễ tiếp nhận do Đức Tổng giám mục Ignatius Mobarak chủ tế; sau đó, đem về Bsharri.

Khi còn sống, ước nguyện của Gibran là được vĩnh viễn trở về Bsharri nơi chào đời của mình mà nay đã thành một thị trấn. Cô em Mariana và người bạn tri kỷ Mary Haskell hoàn thành di nguyện ấy bằng cách mua lại Tu viện Mar-Sarkis để an táng ông. Nơi đó hiện nay còn có Nhà Bảo tàng Kahlil Gibran, và trở thành một địa điểm hành hương cho những kẻ ngưỡng mộ Gibran.

 Gibran cũng để lại tất cả tiền tác quyền của mình trong vòng 28 năm cho thị trấn Bsharri dùng vào sinh hoạt công ích. Bên phần mộ ông, người ta thấy có khắc dòng chữ, “Tôi đang sống giống như bạn, và tôi đang đứng cạnh bạn. Hãy nhắm mắt lại và nhìn quanh, bạn sẽ thấy tôi trước mặt bạn . . .”  Bsharri cũng trở thành một địa điểm du lịch của những người đến xứ sở Li-băng vì nó chỉ cách thủ đô Beirut 64 cây số.

Theo di chúc, Gibran để lại cho Mary Haskell tất cả những gì đang có trong xưởng vẽ của ông ở New York. Trong những vật thu thập được, bà khám phá ra các lá thư mình đã gởi cho ông trong suốt hai mươi ba năm. Bỏ qua ý định ban đầu là chấp nhận đốt chúng thể theo lời đề nghị của Barbara Young nhằm thần thánh hóa Kahlil Gibran, bà kết hợp 600 bức thư của đôi bên cùng nhật ký của mình, làm thành cuốn sách viết về con người Kahlil Gibran, có nhan đề Ngôn sứ yêu dấu (The Beloved Prophet) được xuất bản năm 1972. Sau đó, bà trao tất cả di sản của Gibran cho Đại học North Carolina.

Haskell cũng tặng bộ sưu tập cá nhân hơn 100 bức họa của Gibran cho Nhà Bảo tàng Nghệ thuật Telfair tại Georgia. Đó là bộ sưu tập lớn nhất của ông tại Hoa Kỳ, gồm tranh sơn dầu, màu nước, ký họa và các bản thảo viết tay.

Công trạng của Kahlil Gibran được ghi nhận ở nhiều nơi.

Năm 1971, Bộ trưởng Bưu điện và Viễn thông Li-băng cho phát hành con tem mang hình Kahlil Gibran.

Nhà Bảo tàng Gibran được dựng lên ở Bsharri, Li-băng.

Vườn Kahlil Gibran được khánh thành tại Beirut, Li-băng.

Ngày 27 tháng Chín năm 2008, nhân dịp 125 năm ngày sinh của Kahlil Gibran, tai Quebec Canada, mở con đường mang tên Kahlil Gibran

Khu Trượt băng An dưỡng Bách hương (The Cedars Resort Ski) ở Li-băng mở đường trượt băng Gibran Khalil Gibran.

Năm 1990, Vườn Tưởng niệm Gibran được khánh thành ở Thủ đô Washington, Hoa Kỳ.

Tháng Chín năm 2007, tại Brooklyn, New York, khánh thành Quốc tế Học đường Kahlil Gibran (Khalil Gibran International Academy).

Kahlil Gibran được vinh danh ở Bucharest, Romania.

Một tượng đài Kahlil Gibran được dựng lên bằng đá cẩm thạch tại Cuntiba, Brazil.

Các bài thơ và văn của Gibran, bằng tiếng A Rập và tiếng Anh, được nhiều học giả hợp tuyển thành hàng chục cuốn sách có nhan đề khác nhau về tình yêu, tôn giáo, tư tưởng, tâm linh ngôn sứ, v.v. Số sách viết về tiểu sử và tư tưởng của Gibran cũng lên tới hàng chục cuốn.

Tại Việt Nam, tác phẩm của Kahlil Gibran được dịch rải rác tứ thập niên 1970 tới nay với các dịch giả Nguyễn Hữu Hiệu, Đỗ Đình Đồng, Trần Văn Điền, Nguyễn Ngọc Minh, Nguyễn Yến Anh, Trùng Dương, Giả Nghiệm, Trần Văn Phương, Châu Diên, Đỗ Tư Nghĩa, Đăng Quang, v.v. và được độc giả trung niên cũng như thanh niên thuộc nhiều tôn giáo khác nhau đón nhận nồng nhiệt.

 

II. Bộ sách Kalil Gibran,

Nguyễn Ước biên dịch

Gồm 25 cuốn, đã hoàn tất:

1. Gãy cánh uyên ương (The Broken Wings)

2. Ngôn sứ (The Prophet)

3&4. Vườn ngôn sứ & Thần linh trần thế 

(The Garden of the Prophet & The Earth Gods)

5. Tiếng nói Tôn sư  (The Voice of the Master)

6. Trầm tư quán tưởng (Thoughts and Meditations)

7. Nước mắt và nụ cười (A Tear and a Smile)

8. Người yêu cô đơn (Secrets of the Heart)

9. Giêsu Con của Con người (Jesus the Son of Man)

10. Linh hồn nổi loạn (Spirits Rebellious)

11. Tân nương thảo nguyên (Nymphs of the Valley)

12. Gương soi linh hồn (Mirrors of the Soul)

13&14. Đám rước & Thi sĩ

(The Procession & The Poet)

15&16. Gã khùng & Châm ngôn tâm linh

(The Madman & Spiritual Sayings)

17&18 Chuyện người phiêu lãng & Cát biển và bọt sóng

(The Wanderer & Sand anf Foam)

19&20. Kẻ tiền hô & Kịch đời

(The Forerunner & Dramas of Life)

21. Chân dung tự họa (Self-Portrait)

22. Đôi cánh tình yêu (Wings of Love)

23. Đôi cánh tâm linh (Wings of Spirit)

23. Đôi cánh tư tưởng (Wings of Thoughts)

25. Minh triết của Kahlil Gibran (Wisdom of Kahlil Gibran)

Bộ sách trên gồm gần như toàn bộ tác phẩm của Kahlil Gibran; một số do chính Gibran viết bằng tiếng Anh; một số do các dịch giả chuyển ngữ từ tiếng A Rập sang tiếng Anh; một số do các học giả hợp tuyển, nên có nhiều bài trùng nhau. Có thể tìm đọc bản tiếng Anh của chúng được phổ biến miễn phí trên internet. Riêng ba cuốn (14) Thi sĩ, (22) Đôi cánh tình yêu và (23) Đôi cánh tâm linh do tự chúng tôi hợp tuyển.

Ngoài ra, chúng tôi chủ tâm bỏ qua cuốn Thơ xuôi (Prose Poems) do Andrew Ghareed dịch với sự hợp tác và Lời nói đầu của Barbara Young (được xuất bản sau khi Gibran qua đời), vì khi còn sống, Kahlil Gibran tỏ ra không thích các bản dịch ấy. Hầu hết các bài trong Thơ xuôi xuất hiện đầy đủ và rải rác trong những cuốn khác nhưng với bản chuyển ngữ của Anthony R. Ferris và đều được chúng tôi dịch ra Việt ngữ. Chúng tôi gom vài bài còn lại và những văn thi phẩm rời mà chúng tôi sưu tâm được, vào phần đính kèm của cuốn (11) Tân nương thảo nguyên (Nhan đề gốc trong tiếng Anh có nghĩa là Các nữ thần thung lũng)

Do bởi ngày nay, tác phẩm của Gibran không đặt thành vấn đề tác quyền nên có nhiều người sưu tập chúng và hợp tuyển thành nhiều nhan đề sách khác nhau tùy dự án của mỗi người. Chúng tôi cũng không dịch các cuốn đó vì trùng lặp nội dung, kể cả cuốn The Tempests (Cơn bão, 1920) .

Riêng cuốn Gãy cánh uyên ương (The Broken Wings), chúng tôi mượn nhan đề tuyệt vời Uyên ương gãy cánh của dịch giả Nguyễn Ngọc Minh (Nxb Nguồn Sáng, Sàigòn, 1970), chỉ đảo một chữ để tiện phân biệt. Nhân đây, xin cám ơn dịch giả Nguyễn Ngọc Minh.

Nguyễn Ước
Số lần đọc: 4832
Ngày đăng: 21.11.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhân ngày nhà gíao 20 tháng 11: Cuộc tuyển sinh kỳ lạ - Vân Long
Tưởng Nhớ Nhà Văn Võ Phi Hùng: “Đời Có Tên Tụi Mình” - Trần Hữu Dũng
Thái Tuấn 1918-2007 - Đặng Tiến
Vũ Hoàng Chương (1915 - 1976) - Đặng Tiến
100 năm ngày mất Tiểu La Nguyễn Thành (1911-2011): CÒN ĐỌNG LẠI MỘT NHÂN CÁCH ĐẤT QUẢNG - Nguyễn Tam Phù Sa
Chủ bút Bách Khoa - Nhiều Tác Giả
Thảo Trường -1936- 2010 - Đặng Tiến
Trần Mai Châu: làm thơ, dịch thơ và bàn về thơ - Huỳnh Như Phương
Sơn Nam, Việt Nam - Đặng Tiến
Nhà Thơ Nữ Christina Rossetti (1830 –1894) - Đỗ Tư Nghĩa
Cùng một tác giả
Ðạo đức học-1 (tiểu luận)
Ðạo đức học-2 (tiểu luận)
Ðạo đức học-3 (tiểu luận)
Ðôi nét Hồi giáo (tiểu luận)
Ðôi nét Kitô giáo (tiểu luận)
Cứu cánh luận (tiểu luận)
Cứu cánh luận-2 (tiểu luận)
Bàn về Giá trị-2 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -1 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 1 (tiểu luận)
Ấn giáo - 2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 3 (tiểu luận)
Ðám rước- 1 (tiểu luận)
Nụ hôn với quỉ -1 (truyện ngắn)
Nụ hôn với quỉ II (truyện ngắn)
Vua một năm (truyện ngắn)
Minh Triết -1 (triết học)
Minh Triết -2 (triết học)
Những kẻ thờ Satan (truyện ngắn)
Bài giảng trên núi (truyện ngắn)
Cơn bão (truyện ngắn)