Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.125
123.140.132
 
“Thông Điệp Lọ Lem”
Vũ Ngọc Anh

Cách đây mấy năm đã một lần rộ lên chuyện Tấm Cám vì SGK sinh ra hai cô Tấm khác nhau làm thầy cô, học trò lúng túng...Bộ GD khó thở...giờ cơn bão Tấm Cám "lại nòm" !

 

Chuyện cổ tích Lọ Lem được rất nhiều chủng tộc trên thế giới kể dưới nhiều chi tiết khác nhau nhưng vẫn giữ được nguyên mẫu cấu trúc của câu chuyện: mẹ ghẻ độc ác với con chồng và cô con gái (con ghẻ) đó sau bao truân chuyên cũng sẽ được lên ngôi hoàng hậu…một đời vinh hoa phú quí.

 

Giáo sư ngôn ngữ học Nguyễn Khắc Ngữ viết: “Rất nhiều nước thế thế giới đã có những cổ tích tương tự như truyện “Tấm Cám” của ta. Với những phương tiện ít ỏi tôi chỉ có thể nêu ra các nước: Trung hoa, Ai lao, Chàm, Cao-miên, Ấn độ, Ba-tư, Anh, Pháp và Đức đã có truyện này ghi trên giấy trắng mực đen rồi.” [“Văn Hóa nguyệt san số 44 tháng 9 năm 1959 – tr.1100-1104]. Còn Giáo sư Lê Xuân Khoa trong “Nhập Môn Triết Học Ấn Độ”- [Trung Tâm Học Liêu xb. Năm 1965] cũng cho biết các nhà nghiên cứu liệt kê trên 260 truyện “Lọ Lem”.

 

“ Thật sự là khó có thể thống kê hết đã từng có bao nhiêu phiên bản Tro Bếp [Lọ Lem] trên toàn thế giới, ta chỉ có thể biết rằng mức độ phổ biến của câu chuyện này cực kỳ rộng lớn, từ đất Nga xa xôi đến VN mưa rào, xuyên qua Trung Đông sa mạc, tràn xuống cả Châu Phi nóng nực. Không đâu là không có “Tro Bếp”, hầu như không dân tộc nào là không có ít nhất một phiên bản như thế cho mình. Chỉ riêng Việt Nam thôi người ta đã tìm ra ít nhất 35 phiên bản. Theo một cuốn sách cũ mà tôi quên mất tựa đề, truyện “Tro Bếp” có tổng cộng ít nhất 200 phiên bản trên toàn thế giới ( 200 hay 2000 tui không còn nhớ rõ, phải chi tôi tìm lại được cuốn ấy, chỉ còn nhớ tác giả hình như là Đinh Gia Khánh.). Đó là chưa tính đến những truyện được phóng tác từ motip này, ví dụ như bộ phim Lọ Lem lừng danh của Want Disney hay câu chuyện Tro Bếp của Andescen viết lại.” [ Yevon Tham Đốc http://lichsuvn.info/forum/showthread.php?t=10029]

 

Motif được xem như một mẫu loại điển hình có tính phổ quát đã trở thành biểu tượng như một “mô thức”; cho nên cái motif Lọ Lem này dầu được kể dưới bất cứ cấu trúc nào cũng cùng mẫu số chung là một “bài học khuyến cáo về đạo lý làm người trong xã hội mang tính nhân bản và kèm theo một “thông điệp”:kẻ ác làm rối tung mọi sự nhưng lại bắt người cô thế phải tự giải quyết lấy.”

 

Thần thoại, cổ tích đều nằm trong thể loại ngụ ngôn như một đồng tiền có hai mặt, như một tảng băng có hai phần: phần nổi và phần chìm (không phải là 2 mặt đối nghịch mà bổ sung cho nhau…làm nên giá trị của câu chuyện). Mặt nổi được văn bản xác định và mặt chìm chính là cái thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm mà Ngô Thừa Ân trong TDK gọi là “ngoại tượng bao bì” và “công án tỷ ngữ” mà trong văn học thì “ý tại, ngôn ngoại”.

“Ý tưởng” là cái hiển nghĩa [ý], còn “thông điệp” là cái “ẩn ngữ” [ngôn]

 

Thông điệp là cái ẩn dụ trong tác phẩm và nó nằm ngoài văn bản hay nói một cách khác là nó nằm giữa các chữ tức bên kia lăng kính của phép tỷ ngữ trong ẩn dụ của ngụ ngôn = “2 in 1”. Ngô Thừa Ân thường hỏi: “Có hiểu được ngầm ý của ta không ?”. “Cái ngầm ý” chính là nỗi lòng mà tác giả muốn gửi gắm qua cái thông điệp nằm ẩn trong “công án”. Và người đọc có bổn phận “bóc vỏ” để thấy cái “hạt” nằm bên trong chở ta thưởng thức để tác giả không đau lòng mà bảo rằng uổng phí miệng phiền lưỡi khô !

 

Tùy vào thực tế của từng chủng tộc với nến văn minh và văn hóa riêng nên câu chuyện được kể mang đậm bản sắc dân tộc của nó. Những nước chăn nuôi thì lông và laine (len = sợi chỉ) được dùng cho việc làm rối tung để người bị hại gở…và không gở được ! Còn các nước nông nghiệp trồng lúa và hoa màu thì thóc và đậu được trộn lộn…vô phương nhặt ra từng loại !

 

“THÔNG ĐIỆP LỌ LEM” này người xưa muốn gửi gắm điều gì ? “Chính kẻ quyền thế làm rối tung mọi sự mọi việc nhưng lại bắt người cô thế bị áp bức phải giải quyết cái hổn độn đó”.

Ngay trong câu chuyện Tấm Cám này chúng ta không tìm ra cái quyền thế ác độc nằm trong triều chính – “kẻ quyền thế” - mà hiện ra sự công bằng và đầy tính nhân bản của Vua. Nếu cần gắng cho “phong kiến” cái xấu, cái ác thì không thiếu gì cách mà tác giả có thể lồng vào câu chuyện. Nhưng trong Tấm Cám cũng như các truyện Lọ Lem khác trên thế giới chúng ta không tìm ra điều ấy. Vậy “kẻ quyền thế” này là “Ai ?

 

Truyện không nói đến ! Nó nằm ngoài cái “ngoại tượng bao bì” – ngoài cái “ý tại”, mà nó ẩn trong “công án tỷ ngữ” tức “ngôn ngoại”…ngoài văn bản.

 

Cái ẩn dụ trong ngụ ngôn nằm ở thể tỷ; thế mà ta đã giải mã cái mớ hổn độn các sợi chỉ rối  nùi và thóc đậu lộn hầm bà làng kia chưa ?

 

Ngày xửa…ngày xưa: hai cái thế lực khắc nghiệt nhất đối với dân chúng là: 1) Tôn giáo (giai cấp tăng lữ) và 2) Triều đình. Đây là hai tập cấp (caste: ở nền văn hóa này) hay hai giai cấp (classe: ở mộ nền văn hóa khác) là hòn đá tảng của nhân loại thời ấy.

 

Một so sánh rất thú vị mà nhà ngôn ngữ học Nguyễn Khắc Ngữ dẫn chứng “Tấm Cám là ta mượn của Chàm hay Chàm mượn của ta”. [sd trên] – “Khác với Việt-nam, xét các chuyện cổ Chàm ta thấy:

- Các chuyện này thường không kiên nể thần thánh, các nhân vật trong truyện dám đùa cả với thần thánh, đánh lừa cả thần thánh.

Thí dụ: Chà-lúc, Chà-lắc và ngay trong truyện Hu-lé và Dong [Tấm Cám]. Dong (Tấm) đã nói dối là có lời Phật dạy để đánh lừa Hu-lé (Cám).

 

Từ đó dẫn Nguyễn Khắc Ngữ đến kết luận: “Với những điều kể trên Tấm không thể là nhân vật điển hình trong cổ tích Việt-nam.”“Nhưng nhân vật ấy  hợp với tính chất cổ tích Chàm” [sd.tr.1103]

 

Việt Nam ta thì có vừa gì: “Muốn cũng cố chế độ phong kiến, duy trì chế độ bóc lột, bọn thống trị phải thi hành chính sách ngu dân. Một mặt chúng hạn chế việc học, một mặt chúng tuyên truyền tôn giáo, nhằm phát triển sự ngu muội và mê tín trong dân gian, làm nhụt chí đấu tranh của nhân dân, cố làm cho nhân dân yên trí địa chủ giàu là tại số, nhân dân nghèo cũng là tại số:

 

Số giàu mang đến dững dưng,

Lọ là con mắt tráo trưng mới giàu.

 

Sự gieo rắc mê tín ấy của giai cấp phong kiến thống trị trong dân gian đã có hiệu quả một phần nào, nhưng không phải người nào cũng bị ru ngủ và bị mê hoặc. Bọn đội lốt tu hành, vẫn bị nhân dân vạch mặt và phỉ nhổ. Hãy đọc những câu ca dao sau này:

 

Na mô một bồ dao găm,

Một trăm giáo mác,

Một vác dao bầu,

Một xâu thịt chó.

 

Có những kẻ ban ngày lần tràng hạt, ban đêm đi ăn cướp, lại có kẻ giả vờ đi quyên giáo để thừa cơ chủ nhà đi vắng thì ăn trộm ngay giữa ban ngày:

 

Người ta đi giáo tiền, giáo gạo,

Tiểu tôi đi giáo áo, giáo nồi,

Nhà nào công đức thì thôi,

Nhà nào đi vắng, tiểu tôi giáo bò…

 

Trong thời phong kiến suy tàn, đạo Phật, công cụ tuyên truyền của phong kiến , cũng ngày một suy vi, một số đông chùa chiền đã hóa ra những nơi tạm lánh chân của bọn trai tứ chiến gái giang hồ, cho nên mới có những câu:

Na mô bồ tát bồ hòn,

Ông sư bà vãi cuộn tròn lấy nhau.

 

Đến những kẻ làm môi giới cho chùa, làm giàu cho bọn đội lốt tu hành bằng cách khuyên nhủ người ta cúng lễ, như bọn thầy bói, thầy số, nhân dân cũng nhận thấy mánh khóa lừa bịp của chúng và giễu chúng bằng những lời mỉa mai:

 

Quẻ này có động,

Nhà này có quái trong nhà

Có con chó đực cắn ra đằng mồm.

Nhà bà có con chó đen,

Người lạ nó cắn, người quen nó mừng.

Nhà bà có cái cối xay,

Bốn chân xuống đất, ngõng ngay lên trời…

 

Trong thời phong kiến, đại đa số nhân dân bị thất học, do đó đôi khi họ cũng bùi tai nghe những lời mê hoặc, những lời dụ dỗ quàng xiên của giai cấp phong kiến thống trị và bọn tay sai của chúng. Người nông dân Việt Nam thời xưa mình trần thân trụi, bị áp bức bóc lột đủ điều, nên họ chỉ còn cách cầu Trời khẩn Phật phù hộ cho họ được đỡ khổ. Nhiều lúc họ cũng đã thấy Trời Phật bất lực trong sự giúp đỡ họ và họ cũng đã nhiều phen oán Trời, trách Phật.”

[Vũ Ngọc Phan - “Tục Ngữ Ca dao Dân Ca Việt Nam” – tr.446,447,448 – xb. Khoa Học Xã Hội – HÀ NỘI – 1997]

 

Còn bà Hồ Xuân Hương nữa:

 

Sư hổ mang

 

Chẳng phải Ngô, chẳng phải ta,

Đầu thì trọc lóc, áo không tà,

Oản dâng trước mặt dăm ba phẩm,

Vãi núp sau lưng sáu bảy bà.

Khi cảnh, khi tiu, khi chũm chọe,

Giọng hì, giọng hỉ, giọng hi ha.

Tu lâu có lẽ lên sư cụ,

Ngắt nghỏe tòa sen nọ đó là.

 

Sư bị ong đốt

 

Nào nón tu lờ, nào mũ thâm.

Đi đâu không đội để ong châm ?

Đầu sư há phải gì…bà cốt.

Bà ngọ con ong bé cái nhầm.

 

Kiếp tu hành

 

Cái kiếp tu hành nặng đá đeo,

Vị gì một chút tẻo tèo teo,

Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc

Trái gió cho nên phải lộn lèo.

 

Chùa Quán Sứ

 

Quán Sứ sao mà cảnh vắng teo,

Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo ?

Chày kình, tiểu để suông không đấm,

Tràng hạt, vãi lần đếm lại đeo.

Sáng banh không kẻ khua tang mít,

Trưa trật nào ai móc kẽ rêu.

Cha kiếp đường tu sao lắt léo,

Cảnh buồn thêm chán nợ tình đeo.

[Nguyễn Lộc: “Thơ Hồ Xuân Huong” – tr.29 và 32,33 – xb. Văn Học Hà Nội – 1987]

 

Giáo lý / triết lý của họ “rối nùi” không biết đâu mà gở cho ra mối ! Nhất là “họ” nói một đàng mà làm một nẻo…biết theo đàng nào ? Cái thói “dư chữ” của họ như một thứ hỏa mù đưa ta lạc vào mê cung không lối thoát.

 

Thay vì phải lựa từng hạt thóc ra khỏi đống đậu hủ lốn…phải gở từng mối chỉ rối nùi kia thì câu chuyện thần thoại Hy Lạp dạy cho ta một cách đơn giản nhất để giải thể cái hổn độn đó. Một tướng quân công thành…nhưng thành ấy có lời nguyền: nếu muốn chiếm thành thì phải tháo từng nút thắt của một sợi dây thừng dài. Tướng quân ấy nghe vậy liền lấy thanh gươm chặt phăng dây thừng và xua quân vào chiếm thành một cách gọn gàng. [truyện đọc khá lâu không biết nó nằm trong sách nào – xin cáo lỗi và xin được đính chính]. Câu chuyện muốn nhắn gởi: - cái vấn đề của nó không phải là từng mắc xích, từng nút thắt mà chính là cái dây thừng. Giải quyết cái đại thể chứ không phải giải quyết cái tiểu tiết !

 

Chuyện cô Tấm ngày xưa nhân hậu hay ác ôn không phải là “vấn đề” của tác phẩm cho nên tác giả này thì kiến thiết một cô Tấm hiền lành, tác giả khác thì cấu trúc ra một cô Tấm độc ác cho nên “vấn đề đạo lý” nghiêng ngả muôn chiều.

 

có cần thiết phải “ép” cô Tấm phải hiền lành nhân hậu ? Chuyện Tấm trả thù một cách dã man hai mẹ con bà Dì ghẻ không phải là chuyện đạo lý mà là chuyện tâm lý bình thường của nhân loại trong tác phẩm…đôi khi nó còn được xem là hợp lô-gíc.

 

Nếu phân tích cặn kẽ thì chúng ta thấy hành động trả thù của Tám là kết quả của hàng loạt tình tiết đau đớn mà Tấm phải hứng chịu liền trước và kể cả sự chi phối bởi dòng suy nghĩ xã hội đương thời.

 

“Chẳng hạn truyện nhấn mạnh Tấm bị Cám và mẹ ghẻ giết đến bốn lần. Đầu tiên Tấm bị Cám và mẹ ghẻ chặt cây cau cho ngã xuống chết hóa thành vàng anh thì bị Cám bắt cho mèo ăn. Khi hóa thành cây xoan đào thì bị chặt làm khung cửi. Khung cửi lại bị đốt đi khi Cám nghe thấy tiếng Tấm “kẽo cà kẽo kẹt”.

 

“Theo tôn giáo và tín ngưỡng phương Đông khi chết thì sẽ đầu thai chuyển thế. Và nếu chết oan thì lại có thể hóa thành quỷ dữ. Thử hỏi nếu bị hãm hại và giết chết đến bốn lần thì Tấm có còn “hiền lành” nữa không?” Nguyễn Văn Toàn (Huế) http://tuoitre.vn/Giao-duc/464738/Co-can-thiet-sua-truyen-Tam-Cam.html

 

Truyền thông trong nước dẫn lời Giáo sư Phong Lê, Nguyên trưởng Viện Văn học Việt Nam lý giải sự tồn tại nghìn năm trong lịch sử của truyện cổ tích Tấm Cám vì ứng xử của triết lý dân gian là ác đến đâu tả đến đó là tương xứng, không có gì phản cảm.” [Tranh cãi về cổ tích Tấm Cám - BBC.  thứ sáu, 11 tháng 11.2011]

 

Cái điều cực kỳ quan trọng không phải là “Tấm Cám” được đưa vào sách giáo khoa mà là ca tụng sự nhân hậu, hiền lành của cô Tấm ngày xưa ấy !

 

Tìm đâu ra sự nhân hậu ? Tìm riết lại gặp cái dã man !

 

Tội nghiệp cho anh học trò họ Trịnh viết tặng Hồng Nhung “Cô Tấm ngày xưa” !!! Nếu là “Cô Tấm ngày nay trong Văn lớp 10 cải biên ở phiên bản mới” thì được.

 

Vũ Ngọc Anh
Số lần đọc: 2840
Ngày đăng: 23.11.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đa Đoan - Nguyễn Càn Tử
Từ Hài Cú Nhật Bản, Lục Bát Ba Câu Nguyễn Tôn Nhan, Ý Niệm Rời Về Haiku Việt Của Chu Ngạn Thư - Ngô Nguyên Nghiễm
Văn chương gì thì gì, nhưng trước hết… - Đặng Phú Quốc
Cảm Nhận Tây Du Ký - Vũ Ngọc Anh
Góp Một Lời Bàn Về Kết Truyện Tấm- Cám - Phạm Phù sa
Về bài “Ngoại cảm trong đời sống người Việt” - Hà văn Thùy
Kính gửi: Đoàn chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Nga - Hà văn Thùy
Trở về với bản gốc thơ nôm Hồ Xuân Hương - Nguyễn Khôi
Trả Về Bản Gốc Chinh Phụ Ngâm - Do Đoàn ThỊ Điểm Dịch - Nguyễn Khôi
Cái Gia Gia Là…Cái Nhà! - Vương Trung Hiếu
Cùng một tác giả
Đặng Phùng Quân (truyện ngắn)
Cánh hoa vô ưu (tạp văn)
Đánh giặc (đối thoại)
Ta đi tìm Mình (tạp văn)
Thư mở...cho mầy (đối thoại)
Trái Cấm (tiểu luận)
“ Ừ ” (đối thoại)
Ngôn Pháp (nghệ thuật)
TomTom (tạp văn)
Chạy Mất Dép (tạp văn)
Thú tủi nhục (tạp văn)
Hóa văn (tạp văn)
Trái Cấm (tạp văn)
Vô ngôn sư (tiểu luận)
VÀNG và LỬA (tiểu luận)
Chuyện con tim (truyện ngắn)