Một sáng mùa đông, cha tôi ngồi trước hiên nhà sưởi nắng. Gương mặt cha đăm chiêu như đang hướng về cõi xa xăm của ký ức. Lát sau, cha bước vào nhà, lục tìm trong ngăn tủ và lấy ra một chiếc hộp sắt tây. Cha mở nắp hộp và lật đi lật lại từng tấm ảnh trắng đen đã ố vàng và những chiếc huy chương bạc màu. Tôi hỏi: “Cha làm gì vậy?”. Cha tôi đáp: “Cha lấy những tấm ảnh này và mấy tấm huy chương đem phơi nắng”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Cha nói gì? Đem phơi nắng hả? Nó đâu có… lạnh đâu mà cha phải… phơi nắng?”.
Cha tôi trầm ngâm một lát rồi bảo: “Đó là những tấm ảnh của cha và đồng đội thời chiến tranh. Dù nó đã cũ nhưng đối với cha nó rất quý giá. Kỷ niệm đẹp và đáng nhớ thì cũng cần phải gợi nhớ và phải ôn lại con ạ!…”. Tôi hỏi: “Cha phơi nắng những kỷ vật thời chiến tranh là dịp để nhớ lại, để làm cho kỉ niệm luôn sống với thời gian?”. Cha tôi trầm tư đáp: “Đúng vậy con ạ! Kỷ niệm dù đẹp cũng cần phải… sưởi ấm nó bằng tình cảm, bằng nỗi nhớ của trái tim. Chính vì vậy cha đem nó ra phơi nắng. Cha sợ nó bị… mốc meo theo thời gian cùng với sự lãng quên của tuổi già…”.
Tôi chợt nghe đâu đây vang lên tiếng trống múa lân, tiếng loa truyền thanh thông tin về lễ công nhận khu phố văn hóa. Cha tôi vẫn ngồi lật từng tấm ảnh, từng tấm huy chương xếp ngay ngắn giữa vạt nắng trước hiên nhà. Lát sau, cha bảo: “Có những kỷ niệm không thể lãng quên con ạ. Nếu vô tình lãng quên người ta sẽ trở thành một kẻ vô ơn, bạc bẽo. Lát nữa, nhân dịp khánh thành khu sinh hoạt văn hóa của khóm, người ta có mời cha nói chuyện truyền thống…”
Tôi ngồi lặng yên ngắm nhìn từng hình ảnh, từng kỷ vật của cha. Tôi lục tìm trong ký ức của mình để xem có những kỷ vật nào cần phải đem ra để… phơi nắng.