Những tiền đề
của triết học truyền thống
Theo các tác phẩm cổ điển, "triết học bắt nguồn ở Milet vào thế kỷ thứ 6 trước công nguyên" [1].
Khi nêu lên lối suy nghĩ phổ cập nầy của người Tây phương qua các thế kỷ, G. Gusdorf ngạc nhiên về lối nhận định còn mơ hồ, thiếu kiểm chứng:
" Như thế thì trước thế kỷ thứ 6 không có gì xảy ra hay sao, và những nơi khác ngoài Milet thì sao?" [2].
Nhưng, mỗi lần đối đầu với những xã hội văn minh khác, những nếp suy tư khác mình, thì như để biện minh cho nền tảng suy tư triết học truyền thống Hy-lạp Tây phương, người ta vội đưa ra một đặc tính phổ quát như một đặc quyền đương nhiên của truyền thống ấy về sở đắc chân lý nhằm tuyển lựa, thanh lọc mọi yếu tố dị biệt. Nhưng liệu Tây phương hóa được đồng hóa với một tiến trình phổ biến chân lý cho mọi dân tộc theo một mẫu mực riêng của mình như thế, thực sự có một cơ sở nào vững chắc để xác minh không? Cho đến nay, người ta thường dựa vào thực tế lớn mạnh của Tây phương về đủ mọi mặt trên các phần đất của thế giới để mặc nhiên nhìn nhận tính phổ quát nầy, nhưng sự kiến hiệu của sức mạnh bên ngoài trong một giai đoạn của lịch sử nhân loại có phải là một tiêu chuẩn tất yếu để định giá tư tưởng và triết học không?
Kỳ thực ngay khi nêu danh Socrate như một mấu móc khởi nguyên cho lịch sử của triết học truyền thống, thì người ta đã chứng kiến một thực tế ngược lại quan điểm nầy: Socrate được đánh giá là người tiền phong đưa chân lý từ trời xuống nơi tâm hồn của con người, Socrate đó đã không phải là người ở bên lề của một xã hội lịch sử lấy sự kiến hiệu của hành động thay cho suy tư khám phá chân lý hay sao? Socrate đã không bị những quyền lực xã hội chính thức lên án tử hình, và đồng thời lại được truyền thống triết học tuyên dương là con người xem ra như thua cuộc trước phán đoán của xã hội lịch sử đương thời, nhưng đã chiến thắng trong chân lý hay sao?
Nhưng Socrate chết cho chân lý và đi ngược với trào lưu lịch sử đó đã bị truyền thống triết học lãng quên; người ta chỉ còn biết đến một Socrate được giản lược vào nhân vật đề cao lý trí vạn năng của con người trong sự hiểu biết về chính mình, cũng như thần thánh và vũ trụ bên ngoài:
" Lịch sử triết học, được đồng hóa với kỷ nguyên Socrate, tự cho mình có phận vụ tập hợp những hình ảnh của những ai đã đặt vấn đề triết học như Socrate và khai triển vấn đề theo đúng các phương pháp tương tự như phương pháp của ông. Nên khởi đầu cũng đã là hoàn tất. Bắt đầu với Socrate, thì chấm dứt cùng với ông ấy; người ta thu hẹp toàn bộ tư tưởng nhân loại vào mấy bức tường của một truyền thống. Tên của Khổng Tử sẽ không được nhắc đến, kể cả tên của Đức Phật - và tên của Đức Giêsu chỉ được nêu lên qua ngõ ngách của một lối biến thể, gọi tên là học thuyết Socrate Kitô giáo. Emile Bréhier nói rõ ràng như thế nầy: Nếu không có sự trung gian của Socrate, không có triết học Kitô giáo (Histore de la Philosophie T.I., trang 494) " [3].
Socrate đã được tôn vinh là khởi đầu và là điểm chấm dứt của triết học vì triết học chỉ được hiểu là sự "hiểu biết".
"Hiểu biết" được rút ra từ câu châm ngôn ghi trước mặt tiền đền thờ Delphes "Người ơi hãy tự biết mình", mà Socrate nhắc lại như tóm kết về sự khôn ngoan mà ông truyền bá; nhưng nội dung của nó đã không được hiểu trong toàn bộ tương quan giữa câu nầy và cảm nhận riêng của Socrate:
"Người ơi hãy tự biết mình"
"Và tôi, Socrate tôi tự thú là điều tôi biết duy nhất chính là tôi không biết gì cả" [4].
Thực ra cái mới nơi Socrate là lấy chính cuộc đời, cảm hứng và kinh nghiệm của mình để diễn tả nỗi khắc khoải nơi tâm hồn con người hướng về chân lý thay cho lối diễn tả bằng thi ca, huyền thoại và bi kịch trước đó của Hy-lạp. Kinh nghiệm thiết thân nầy đi kèm với một lối nói thông thường của những đối thoại, giao tiếp hằng ngày của con người trong cuộc sống thực tế. Nhưng hình thức trình bày mới nầy không mảy may xoá bỏ hay lờ đi những thảm kịch cam go của thân phận làm người; một thân phận bị thúc bách bởi lời mời gọi ý thức về bản tính chân thật của mình, đồng thời lại cảm nhận một giới hạn không vượt qua nổi.
Vượt lên trên hình thức diễn tả trước thời ông, Socrate đã dám cập nhật bi kịch làm người từng được trình bày ở đằng xa, trong huyền thoại và lối diễn tả có tính cách quần chúng về sân khấu, bi kịch, để đưa vào hiện sinh và ngôn ngữ của mỗi người, và cụ thể là của cuộc đời ông.
Tuy thế, F. Nietzsche đã nêu lên một Socrate mơ mộng ngây ngô chủ trương lấy sự hiểu biết của mình để xác minh nền tảng chân lý như một vật có sẵn trong tầm tay, một Socrate đã chấm dứt truyền thống bi kịch Hy-lạp... Nhận định như thế phải chăng còn câu chấp về hình thức diễn đạt hoặc giả không muốn biết đến một Socrate nào khác ngoài hình ảnh giản lược của truyền thống triết học gán cho Socrate!
Truyền thống triết học Tây phương, mặc dù vẫn có trong tay những tài liệu nầy về Socrate (phần lớn qua các tác phẩm của Platon), nhưng lạ thay mỗi lần nhắc lại Socrate như bậc thầy khai sáng ra triết học thì người ta lại chuyển ông thành một nhân vật trong bài thơ về Hữu thể của Parménide.
Phần mở đầu của bài thơ ấy hầu như diễn tả tóm gọn nội dung mà truyền thống Tây phương gán cho Socrate:
"Những con ngựa cái chở tôi, đã dẫn tôi viễn du theo đúng như những gì mà lòng tôi có thể mong ước, vì chúng đưa tôi qua con đường phong phú của mạc khải thần thánh; con đường xuyên qua cái thị thành, dẫn lối kẻ hiểu biết " [5].
Tư tưởng ví như một giấc mơ, vuợt lên trên thân phận con người trong thời gian - không gian, để đi vào cảnh vực của chân lý mở toang ra cho con người.
Từ trong chân trời mới đó, từ nay triết học mở ra, đặt nền trên một xác quyết:
"Suy tư và hữu thể chính là đồng nhất" [6].
"Hiểu biết" được gọi là suy tư triết học khi đặt nền sự suy tư đó trên sự am tường tiên thiên rằng "suy tư và hữu thể chính là đồng nhất thể", và con người nắm được khả năng quán triệt sự đồng nhất nầy.
Đó là hai tiền đề căn bản thiết định bản chất và tiến trình của triết học Tây phương giải minh câu nói của G. Gusdorf: người ta khởi đầu với Socrate, thì cũng chấm dứt với ông. Thực ra chính trong bài thơ của Parménide cũng đã có một câu tương tự:
"Mọi sự đến với tôi là một, từ nơi đó tôi khởi đầu, và cũng chính nơi ấy tôi sẽ trở về lại"[7].
Nói một cách khác
"tất yếu rằng điều có thể suy tư và nói lên được, điều đó phải là hữu thể" [8].
Xuyên qua lịch sử triết học Tây phương và ảnh hưởng của lối thiết định bản chất và tư tưởng con người khởi từ các tiền đề được xem là tất yếu và không cần xét lại nầy, đã có nhiều phương cách để khai triển về hai lãnh vực suy tư và hữu thể; và từ đó có những hình thức diễn đạt khác nhau.
Nhưng tiêu chuẩn có thể đánh giá chân lý của triết học là làm sao tìm được sự tương hợp giữa suy tư, đối tượng của suy tư (hữu thể) và phương cách diễn đạt, tiền kiến rằng cả ba là một nhất thể.
Chúng ta không liệt kê ra đây những diễn tiến của lối suy tư triết học nầy qua nhiều thời đại lịch sử, rất đa tạp với những hệ thống và tên gọi khác nhau. Nhưng cuộc viễn du có qua "bao nhiêu thị thành", nghĩa là xuyên qua bao hệ thống khác nhau thì hai tiền đề trên vẫn là tiêu chuẩn để xác minh tên gọi của chúng.
Và câu hỏi đáng làm ta suy nghĩ vào thời đại của chúng ta là tại sao có sự đào thải triết học đồng thời với sự xuất hiện của khoa học.
Thông thường người ta tránh né trả lời trực tiếp vào nội dung của thắc mắc về sự đào thải bộ môn và sinh hoạt triết học, hoặc về sự quên lãng tính cách nền tảng tối thượng của suy tư triết học được đồng hóa với yếu tính của con người, mà chỉ nhắc lại sự phân biệt có tính cách truyền thống giữa triết học và khoa học dựa vào đối tượng riêng của mỗi bộ môn. Khoa học được hạn chế vào các đối tượng hữu hình, có thể nói thuộc trật tự thiên nhiên, vật chất, còn triết học có đối tượng là "con người suy tư", hiểu biết được nguyên lý của các sự vật [9].
Thực ra sự phân biệt đó không còn ăn khớp với diễn tiến sinh hoạt của khoa học ngày nay. Một mặt những sinh hoạt được xem là phần đất riêng của triết học truyền thống đều chuyển dần qua lãnh vực của khoa học, được gọi chung một cách như đã quen thuộc là khoa học nhân văn, ngay cả bộ môn gọi là khoa học tôn giáo. Và trong viễn tượng đó, người ta không hiểu tại sao triết học còn tự nhận rằng sự hiểu biết các nguyên lý của các sự vật là phần đất riêng của mình, trong lúc khoa học còn tiến hóa và truy tìm về nguồn gốc của vũ trụ, cũng như của sinh vật người?
Vào những năm tháng chúng ta đang sống, trước những khó khăn của xã hội mà người ta đánh giá là do hậu quả của phát triển và áp dụng không ý thức của các bộ môn khoa học, đặc biệt là khoa học kỹ thuật, thì tưởng chừng như có sự xét lại tận căn về một cái gì bất ổn sâu xa hơn. Nhưng sự thể không xảy ra như thế. Khi gặp những hậu quả còn hạn chế và tiêu cực của một ngành khoa học nầy, thì một nền khoa học khác lại phát sinh để tìm phương thức giải quyết. Nếu có nguy cơ nguyên tử, ô nhiễm môi sinh, thì có khoa học môi sinh đáp ứng nhu cầu điều chỉnh...
Người ta một lần nữa lại phân biệt sinh hoạt thuần túy khoa học và tâm thức con người lấy khoa học làm nền tảng cho toàn bộ suy tư và hành động của con người. Nói cách khác phải phân biệt khoa học và khoa học chủ nghĩa. Phần sau nầy được xếp là thuộc về một tư duy thuần triết lý.
Nhưng tại sao một triết thuyết lại chối từ bản chất triết học của mình? Và tại sao sinh hoạt triết học truyền thống không đủ sinh lực để biện minh cho sự tồn tại của mình trong tâm thức của con người thời đại chúng ta?
F. Nietzsche diễn tả tình trạng nầy là "Sa mạc lớn dần". Và để giải thích câu nói bóng bảy nầy, M. Heidegger khi chân nhận suy tư là sinh lực của con người, thì khẳng định không tương nhượng rằng: "Khoa học không suy tư gì cả " [10]. Và còn hơn thế nữa, truyền thống triết học, trong đó chủ nghĩa khoa học là một bước đường cuối cùng, tự đồng hóa sinh hoạt của mình như là một nỗ lực suy tư cao độ và nền tảng, thì thực sự nó cũng chưa từng suy tư bao giờ:
" Điều đáng làm ta suy tư hơn cả trong thời đại đang thúc đẩy chúng ta suy tư, thời đại hôm nay của chúng ta, đó là chúng ta chưa từng suy tư "[11].
Thời đại đáng làm ta suy tư vì triết học tự nhận là suy tư đang tự hủy chính mình, cống hiến cho chúng ta một dấu chỉ để truy tìm bước sa sẩy căn nguyên của sự đồng hóa nầy, đồng thời để đặt lại vấn đề về bản chất uyên nguyên của suy tư gắn liền với thân phận con người.
[1] G. Gusdorf, Traité de Métaphysique, ed Armand Colin, Paris, 1956, trg. 7.
[4] PLATON, Apologie 21b, 23b.
[9] Xem A. G. Baumgarten, Metaphysica 11e éd. (1743) : "Siêu hình học là bộ môn chứa đựng những nền tảng tối thượng về sự vật do sự hiểu biết của con người".
[10] M. Heidegger, Qu'appelle-t-on penser? Trad A. Becker et G.Granel, PUF 1ère éd 1959 - 4è éd, 1983, tr. 26.