Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
883
123.196.946
 
Sông Đà - bài thơ của Quang Dũng thành kỉ vật kháng chiến tại Bảo tàng tỉnh Hòa Bình
Bùi Phương Thảo

Con đường lên thành phố Hòa Bình đã quen thuộc với tôi như về một quê mới của mình. Thân thương và trĩu nặng trên từng bánh xe lăn, những cảm xúc luôn trào dâng trong tôi mỗi khi qua một địa danh gợi nhắc tới bước chân hành quân của đoàn Tây Tiến năm nào.

 

 

Bút tích bài thơ Sông Đà  

 

Mặc cho tiếng nói cười trò chuyện trên xe như pháo rang của cô Như Việt ( em gái liệt sĩ Như Trang- một chiến sĩ trung đoàn 52Tây Tiến  ), hào hứng kể lại những kỉ niệm của gia đình , về người anh trai của mình. Chuyện gì rồi cũng quay lại đề tài lính Tây Tiến với hồi ức về những trận đánh giặc,những gian khó, hi sinh … Loang loáng ngoài khuôn cửa kính đã thấy màu xanh sẫm chập trùng của núi đồi vùng Tây Bắc, những ngôi nhà ngói thấp lè tè xen lẫn nhà sàn nhấp nhô.. mờ ảo khói bếp, thanh bình quá! Mấy đám trẻ con bồng bế gọi nhau về nhà khi bóng chiều đang xuống dần . Thỉnh thoảng , chúng tôi lại nghe tiếng nói nhỏ nhẹ hưởng ứng câu chuyện của bác Quang Thường , người cao tuổi nhất đoàn (nguyên là trung đoàn phó trung đoàn 52 Tây Tiến  ) , bác nói nhỏ nhưng khi nói với bác, chúng tôi phải nói rất to vì bác bị nặng tai. Có lúc nghe xong một câu nói, bác lại cười rất sảng khoái , y như khi bác còn là một chiến sĩ Tây Tiến tráng kiện vậy. Mái tóc và hàng lông mày bạc trắng rung rung , đuôi mắt nheo lại thật hóm hỉnh… khiến tôi chạnh lòng liên tưởng tới hình ảnh cha mình. Sinh thời , cha tôi chưa tham gia một ngày nào với ban liên lạc CCB Tây Tiến - Vì ban liên lạc thành lập năm 1987, lúc đó cha tôi đã mang bệnh tai biến nặng nằm một chỗ rồi- chỉ có những người bạn văn chương và chiến đấu cùng đơn vị Tây Tiến năng nổ đến thăm cha, mang lại một niềm hạnh phúc lớn trong chuỗi ngày cuối đời của cha tôi. Tôi chắc chắn như vậy bởi tôi hiểu được trong trái tim nhân hậu của mình, cha tôi đã dành một phần lớn tình cảm thật sâu sắc cho Tây Tiến. Một duyên phận như trời định , tên gọi của một trung đoàn đã được cha tôi đặt tên cho bài thơ xuất thần viết ra từ nỗi nhớ - Nhớ Tây Tiến -  Bài thơ mà sau này , trải qua bao nhiêu thăng trầm vẫn tồn tại trong lòng nhiều thế hệ độc giả và gắn bó như hình với bóng trong sự nghiệp thi ca của cha tôi.

 

 

Hai thế hệ chiến sĩ : anh Bùi Quang Thuận ( con trai nhà thơ Quang Dũng- CCB chống Mĩ ) và ông Quang Thường ( CCB Tây Tiến).

 

Đi qua vài cái ổ gà, chắc phải là gà tây vì sóc nảy cả người lên, chiếc xe 16 chỗ dường như rộng ra vì sau những cú lắc đi lắc lại như vậy ai cũng bị xê dịch chỗ ngồi. Tiếng nói chuyện tạm ngừng giây lát, rồi anh Nguyễn Mạnh Hải- con trai bác Bằng ( nguyên là một Đại đội trưởng của trung đoàn 52 Tây Tiến) quay sang nói với tôi: “bài thơ Tây Tiến của bố em đã giúp cho mọi người hiểu biết về  đơn vị bộ đội Tây Tiến nhiều hơn”. Tôi vẫn nhớ có lần được nghe bác Xuân Sâm ( một người rất gắn bó với cha tôi, nguyên là chính trị viên đại đội) kể lại, khi bác hỏi cha tôi tâm đắc nhất bài thơ nào của mình, cha tôi đã nói : “Tôi tâm đắc nhất là bài Tây Tiến ”.Vâng, và tôi- cô con gái út của tác giả bài thơ ấy- đã đến với các bác, các cô, chú là những CCB Tây Tiến bằng cả tấm lòng qua chính sức thuyết phục của Tây Tiến.

  

Chuyến đi lên Hòa Bình lần này, ban liên lạc Tây Tiến ( giờ đã bổ sung thêm mấy người con và em của CCB Tây Tiến, để làm gậy chống cho các bác CCB nay đã cao tuổi)  mang theo một món quà tặng cho bảo tàng tỉnh Hòa Bình nhân dịp khánh thành và dự lễ kỉ niệm 125 năm thành lập tỉnh . Món quà tặng của ban liên lạc Tây Tiến sẽ tặng bảo tàng tỉnh Hòa Bình là một tấm pano khổ lớn ( tấm pano được anh Nguyễn Phú Cương - em rể một CCB Tây Tiến tất bật hoàn thành cho kịp chuyến đi ) trình bày hình ảnh các chiến sĩ Tây Tiến, những công trình bia, tượng đài kỉ niệm Tây Tiến …trang trọng nhất là hình ảnh đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng bức thư  thời kì 1947- thành lập trung đoàn – cạnh đó là hình ảnh nhà thơ Quang Dũng cùng toàn bộ bài thơ Tây Tiến. Đây sẽ là những tư liệu có ý nghĩa lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hiện tại và mai sau. Một chuyến đi mang ý nghĩa như vậy nên tôi cũng gấp rút  chuẩn bị một tặng phẩm của gia đình, góp phần làm phong phú thêm cho kỉ vật kháng chiến của bảo tàng tỉnh Hòa Bình đúng vào dịp kỉ niệm trọng đại của tỉnh. Đó là bài thơ “Sông Đà” cha tôi sáng tác năm 1952 vào ngày Hòa Bình hoàn toàn giải phóng. Tôi nhớ tới bài thơ này vì đã đọc nhiều lần bản bút tích đã mờ, đôi chỗ  nhòe nét mực , giấy đã ố vàng qua thời gian trong quá trình chuẩn bị tài liệu cho tuyển tập thơ Quang Dũng . Bài thơ nhắc tới nhiều địa danh ở Hòa Bình, những gian khó, hi sinh , tinh thần dũng cảm và niềm vui chiến thắng của quân và dân tỉnh Hòa Bình trong cuộc kháng chiến không cân sức với giặc Pháp. Đọng lại ở cuối bài là cảm nhận những giây phút thanh bình sau chiến tranh với câu thơ đẹp như một bức họa :‘ Lại một mùa hoa bừng nở rộ / Sông Đà hoa gạo mến yêu sao”. Bài thơ được nhà thư pháp Lâm Ngọc Hiếu ở Tỉnh Sơn Tây  nhận lời sau khi nghe tôi nêu lí do và ý tưởng của mình. Dù đang rất bận , anh đã dành 5 giờ đồng hồ để trình bày toàn bộ bài thơ với 40 câu trên giấy dó bằng kiểu chữ gothic và bồi lên mành trúc, một trình bày lạ và đẹp, lại bền với thời gian. Anh Hiếu bộc bạch với tôi : “ anh rất yêu mến nhà thơ Quang Dũng nên mới nhận lời trong thời gian gấp thế, bài Sông Đà ra đời đến nay được 60 năm và bức mành thơ anh làm cũng có độ bền tương xứng như vậy. Đó cũng là một cách bày tỏ tình cảm của anh đối với nhà thơ Quang Dũng”.Tôi thực sự vui và cảm động khi trong thời tiết mưa gió , bức mành trúc dài 2.5m, trên đó chép bài thơ Sông Đà của cha tôi được một người bạn của nhà thư pháp mang lên tận khách sạn ở Hòa Bình, nơi cả ban liên lạc Tây tiến vừa dừng chân sau một chặng đường dài. Không tả hết sự xúc động khi mấy bác cháu cùng trải bức mành và chiêm ngưỡng bài thơ. Từng nét chữ viết đều tăm tắp, trăm nét như một, bài thơ được mọi người nhẩm đọc từng dòng với những tâm trạng khác nhau. Nó gợi nhắc tới bao nhiêu kỉ niệm trong lòng những người CCB Tây Tiến. Bài thơ đã được trao tặng cho bảo tàng Hòa Bình ngay trong tối hôm ấy trước sự chứng  kiến của ban liên lạc Tây Tiến , giám đốc Bảo tàng và lãnh đạo tỉnh hòa Bình. Sau này, dù Sông Đà được trưng bày ở vị trí nào của Hòa Bình ( trong bảo tàng hay phòng khách ủy ban tỉnh… ) thì nó cũng đã về đúng bến đỗ. Một bến đỗ bình yên giữa lòng thành phố Hòa Bình, là một chứng tích lịch sử giúp cho các thế hệ sau này thêm hiểu và yêu thành phố của mình, thành phố xinh đẹp miền Tây Bắc tổ quốc.

 

 

Trao tặng kỉ vật cho bảo tàng Hòa Bình( từ trái sang: Bà Minh Việt - em CCBTT,  Bà Thi- giám đốc bảo tàng Hòa Bình, Bùi Phương Thảo - con gái nhà thơ Quang Dũng  và Bùi Quang Thuận- con trai nhà thơ Quang Dũng)

 

Nắng nhạt nhưng cũng đủ xua tan lớp sương mù buổi sáng còn uốn lượn trên các chóp núi. Không gian quang đãng, thơm mùi cây cỏ, tiếng bùng boong ..của đoàn cồng chiêng trong ngày đại lễ vang âm cả núi rừng, râm ran cả lồng ngực du khách. Đoàn diễu hành khai mạc lễ hội cồng chiêng hơn 1000 nghệ nhân, trong trang phục truyền thống của người Mường như một dòng sông hiền dịu,duyên dáng , phô bày nét độc đáo cuốn hút của dân tộc mình.

  

Mấy bác cháu chúng tôi tạm biệt Hòa Bình cùng con đường mang tên Tây Tiến. Tạm biệt Sông Đà. Bất giác, tôi thò mặt ra ngoài cửa xe và hít  thật sâu thứ không khí trong vắt của một sáng Tây Bắc.  

                                                                        

10- 2011

 

Bùi Phương Thảo
Số lần đọc: 3647
Ngày đăng: 24.11.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kỉ niệm hai năm ra đi của người trẻ dáng nâu, một tập thơ, một đời người… - Liêu Thái
Hà Nội 40 Năm Xa / ngày 4 tháng 10 năm 1995... - Thế Phong
Hòn Bà, nỗi buồn xanh - Phan Chính
Một Nửa Sự Thật - Nguyễn Thị Hậu
Giọt Lệ Trên Đồi Tương Sơn - Nguyễn Hàng Tình
Khoảnh Khắc Mùa Thu Paris -3 - Lữ Quỳnh
Chùa Thầy - Nguyễn Quỳnh USA
Khoảnh Khắc Mùa Thu Paris -2 - Lữ Quỳnh
Xứ Lạng Có Ai Lên Cùng - Minh Nguyễn
Ra mắt số 1 Tạp chí văn chương QUÁN VĂN - Nhiều Tác Giả