Thơ và Dịch chuyển đường đời là đôi cánh đưa Bùi Huy Phác bươn chải trong cuộc sinh tồn. Đó là cuộc “lữ hành” – cuộc đầy ải của kiếp nhân sinh. Để Thơ của anh trở thành nỗi đượm tình hoài vọng quê hương xứ sở, hoài vọng những phương trời viễn mộng ( Âu, Phi ) của một thời (một đời) đầy nhiễu nhương biến động mà hy vọng càng lớn thì thất vọng càng nhiều. Muốn giầu buôn khó (bán mua các dự án xóa đói giảm nghèo), muốn có buôn vua (buôn chức tước quyền lực tha hồ chiếm đoạt…), còn Bùi Huy Phác một vai gánh “Muối rong” một vai gánh thơ dấn thân sang “Tuyết trắng Vac-sa-va” (Ba Lan), sang Lục địa Đen “ nhỏ nhoi góc chợ chốn này / cát bụi thân ta một hạt ” – một hạt bụi có hồn thi sĩ.
Ở tuổi 74, anh lao vào “chu kỳ mới” với “trời vẫn biếc một màu / đường quang và gió lộng” của một “kẻ lữ hành nặng số / tóc trắng chẳng chịu già” với :
“ lại nguyên sơ giọt đắng
lại nguyên sơ mộng đời ”
với : “một trái tim hóa đá
một đồng hành vô tri…”
với : “Nỗi đau thành điểm hẹn
niềm tin đã tột cùng”…
với : “lại khát khao tiếng gọi
lại một vòng thương đau.”
Đó là một con người đã trải qua “ Bốn mươi năm gió bụi / đã vùi kín mộng xưa ” .
Tố Như xưa chỉ có “ Mười năm gió bụi” để viết nên thiên truyện Kiều bất hủ. Còn Bùi thi nhân ( chưa dám gọi là thi tài ) nhưng cũng đã để lại những vần thơ rớm máu, đượm mồ hôi, sôi trí não, rất thơ : “ ngưỡng ảo huyền nhận biết đến trong ai ?” của cái “ thân này vào xuôi ngược / mới đó vội cỗi cằn ”.
Cuộc lữ hành của Bùi thi nhân như thể đi trong trận đồ mịt mùng của tư tưởng (ý thức hệ, tôn giáo), sự đổ vỡ đảo điên của một thời, giữa một cuộc đời luôn rập rình hiểm họa. Chỗ hay không bù lại được chỗ dở, cái được không thấm gì so với cái mất mát hẫng hụt. Để cho cái thân phận con người “ bảy mươi còn tong tả ngược xuôi / nhớ nhớ quên quên toàn thứ ngược đời / còn bấu víu vào gương thiên cổ” ( như ai đó quen “ ăn mày dĩ vãng ” ) mà “ bỏ cửa nhà mơ cánh én trời mây / ngách chợ trời Tây đứng phân phải trái ” .
Cái bi kịch của Bùi thi nhân là cái lệch pha giữa lý tưởng (viễn mộng) với thực tế đời thường (phũ phàng) :
- đôi gối chớm loãng xương tất khổ
đốt sống lưng đĩa đệm lệch hiểm nghèo.
- con sót bố đã tha hương bao bận
nay vẫn còn xích đạo nắng tiêu hao.
Thơ là người, Thơ là tiếng lòng, là nước mắt của con tim… nó như kiếp thi nhân, muốn dừng mà không thể dừng được :
cuộc nếm trải dĩ cùng vi vạn biến
ngẩn ngơ người hạnh phúc bước phiêu du.
Trái đất (so với vũ trụ) nhỏ nhoi như một cái lồng, như một nhà tù, chạy góc này ra góc kia “ vẫn thế…” anh “ cô biệt nam bán cầu ” để một mình bóc lịch ( “ bóc lịch ” một ẩn ngữ của “ ngồi tù ” ), đây là tù tại gia, tự mình tù mình của cái “cha chịu lửa ngàn trưa / lịch nên trang tri kỷ” của cái “Thân một mảnh nhỏ nhoi,…Ai nói thời gian trôi / tìm đâu ra dấu vết” và “được thấm thía cô đơn / được rơi tự do và mất hút / trong lòng cát” sa mạc Phi châu !
Ở Bùi thi nhân, cuộc đời đã qua 74 năm, lắm phen tưởng như đã tận cùng đáy vực, nhưng bản chất thi nhân là lạc quan, là hoang tưởng, dám xông vào “ cuộc chơi tàn phá / không chấp nhận giữ gìn ” :
… rượu mắng ta lưu manh
rượu mắng ta bần tiện
… không cùng chìm huyễn tưởng
cùng thiêu hủy thân này.
Thật đúng vậy, ở Bùi Huy Phác, Thơ đúng là một cuộc lịch nghiệm. Thơ cất cánh trong bươn chải sinh tồn đến những chân trời viễn mộng để bật lên tiếng nói tâm hồn, tiếng nói thời đại mà anh cùng cả một thế hệ bạn anh đang “ nghiệm ” ?
Chao ôi, cõi Thơ có đến và có đi, để lại một “ vết thời gian ” ( một lịch nghiệm ) của thi nhân – một hạt bụi có hồn – ở Bùi Huy Phác đó là cánh chim Việt ngoài ven trời như “ cánh sóng cứ dạt dào nhường ấy / tóc ai bay… đến tóc cũng lên lời”. Thơ là vậy.
Góc thành Nam Hà Nội, 16-11-2011
MỘT SỐ BÀI TRÍCH TRONG “ CHU KỲ MỚI ” của BÙI HUY PHÁC
CHU KỲ MỚI
Chặng đường nợ áo cơm
Nghĩ mấy ai tự chủ
Một hội sáu mươi năm
Ràng buộc ngần ấy thứ.
Kết thúc một chu kỳ
Dọn gần xong công nợ
Ngẫm về lẽ huyền vi
Gọi chu kỳ mới mở
Chu kỳ mới ngày đầu
Thân thoạt nghe hụt hẫng
Trời vẫn biếc một màu
Đường quang và gió lộng.
Yêu mê các thần đồng
Ngay bước đầu chập chững
Đã tường tận sâu nông
Đã dạt dào thi hứng.
Tay nâng trái tự do
Ấp ủ hương đích thực
Vòm không gian bao la
Khung thời gian câu thúc.
10-5-2007
CUỘC LUÂN HỒI
Kẻ lữ hành nặng số
trắng tóc chẳng chịu già
Con đường tình thật lạ
đeo đẳng chẳng buông tha.
Lối mê cung dẫu khác
nhưng vẫn gọi là đường
trăm ngả dù ngơ ngác
sớm muộn cũng tơ vương.
Dáng ai ngày chập chững
lạ lẫm bước đi đầu
xông xáo hay dò dẫm
khờ khạo khác gì nhau.
Tóc trải đời tóc trắng
trắng lại về tinh khôi
lại nguyên sơ giọt đắng
lại nguyên sơ mộng đời.
Gặp một trang ngựa ngã
sập bẫy đêm viễn di
một trái tim hóa đá
một đồng hành vô tri...
Nỗi đau thành điểm hẹn
niềm tin đã tột cùng
lửa ngàn đời dẫu bén
đâu tỏ được mê cung.
Trắng lại chu kỳ mới
lại mê mải sắc màu
lại khát khao tiếng gọi
lại một vòng thương đau.
8-10-2006
TIẾNG TIÊU
Vào chu kỳ mới ngày lên bảy
chợt nhớ năm xưa cữ tuổi này
Tiếng tiêu nghiệt ngã phiêu bồng ấy
như vừa tức tưởi nấc quanh đây.
Làng không nhiều lắm tài tơ trúc
Người thổi tiêu làng gọi bác Khoan
lực điền, bác chẳng nghề cưa đục
mà mỏ rìu khăn quấn suốt năm.
Thấy cháu say tiêu bà mới kể
sự tình bác phải bịt bên tai.
Giận buồng chuối đói oan khiên thế
lỡ liều thôi, mà nỡ sẻo tai người !
Tiếng tiêu từ ấy đem ma lực
cất lời răn nhủ suốt đời tôi
Máu nhỏ trong thơ trong tơ trúc
mỗi dòng mỗi phách chớ đơn sai.
22-9-2005
ĐÒ NGANG Ở SÔNG YÊN
Đò ngang bến Trún sông Yên
Bên kia cô lái
dạt thuyền bên đây.
Đường chiều
đồng cói
triều đầy,
Có người khách muốn sang đây
cậy đò.
Kìa ai chẳng ngại nước to
vội bơi sang lấy lại đò về bên.
Theo con nước nổi đang lên
từng bè bổi cói dây thuyền chặn ngang
Bóng người chìm giữa mênh mang
gỡ bè bổi, kéo đò sang kịp đường
Đê bên đây thấy vậy
Thương
Để khô
gót
khách dặm trường
qua đây,
Mà ai dầm dãi hao gầy,
Một mình lặn lội trọn ngày
đò ngang.
Xứ Thanh, 29-8-2007