Báo Người Việt ở California vừa phát hành ấn phẩm "Bí mật Việt Nam qua hồ sơ Wikileaks", lập kỷ lục về phát hành với trên 1.000 bản bán hết ngay trong ngày đầu tiên. Với công trình bày của Nguyên Việt và sức biên tập của Khôi Nguyên, quyển sách tạo được sức thu hút đồng nhất từ trang đầu đến trang cuối. Những vệt tối in màu đậm đánh dấu chỗ có dòng nhận định quan trọng được chắt lọc từ công điện gốc tạo điểm nhấn xen kẽ với ảnh thời sự để minh họa dựng thành bức tranh tổng thể nhịp nhàng với nhiều loại chất giọng đa dạng của các cây bút chính trị xã hội quen thuộc trong tòa soạn báo Người Việt. Công sức đó cũng tạo được ủng hộ từ các doanh nghiệp mua trang quảng cáo, đặc biệt là văn phòng luật sư Nguyễn Hoàng Duyên ở bìa cuối, hay Phở Tàu Bay và Bún Nguyễn Huệ danh tiếng.
Mở đầu với câu hỏi đánh giá lượng tài liệu mật được công bố có phải là tin tình báo hay không, người biên tập khẳng định "thông tin trong những công điện này không thuộc loại tin tình báo". Thực vậy, các đánh giá ngoại giao còn quan trọng hơn tin tình báo, vì chính là những phân tích chiến lược góp phần tạo ra chính sách của Hoa Kỳ với Việt Nam. Quyển sách không chỉ đơn giản là tuyển tập các bài dịch công điện sang tiếng Việt mà được các cây bút cừ khôi của Người Việt diễn dịch và bổ sung thông tin tham khảo để quay trở lại góc 360 độ ban đầu, để người Việt Nam có thể nhìn lại chính bản thân mình qua con mắt của các nhà ngoại giao người Mỹ. Muốn biết bà Hillary Clinton, đương kim ngoại trưởng Hoa Kỳ, thực sự biết gì và nghĩ gì về Việt Nam, thì chỉ cần đọc bài giải thích của Hà Giang về câu chuyện cái bàn trong buổi Diễn Đàn Phụ Nữ mà bà tổ chức ở Hà Nội hồi cuối năm 2000 trong vai trò đệ nhất phu nhân. Tòa đại sứ Hoa Kỳ khi đó "đã phải liệt kê từng chi tiết một,[...] kể cả hình dáng của cái bàn được dùng tại diễn đàn. [...] Sau bao ngày tranh cãi, bên bà Clinton bực bội muốn hủy bỏ luôn diễn đàn, thì mới khám phá ra rằng hình dáng cái bàn là quan trọng vì Việt Nam không muốn đệ nhất phu nhân được ngồi giữa ở ghế chủ tọa mà chỉ được ngồi song song với một viên chức của nhà nước". Đọc tiếp phần kết luận thì độc giả sẽ hiểu liệu đương kim ngoại trưởng Mỹ có tin những gì mà các vị lãnh đạo Việt Nam sẽ nói với bà trong các cuộc gặp cấp cao hay không.
Tòa đại sứ Mỹ luôn biết, kể cả những đều vặt vãnh nhất ở Việt Nam, như công điện về "Sex ở Hà Nội" hồi 2002 do Triệu Phong khai thác. Cách tòa đại sứ không xa là "trung tâm giải trí" được trang trí như là "nhà chứa kiểu cổ điển" với số vốn đầu tư "lên đến nhiều triệu Mỹ kim. [...] Điểm hấp dẫn ở đây là các cô làm massage sẵn sàng ra ngoài đi chơi với khách. [...] Họ tìm đến nhà nghỉ có khắp thành phố và ngày càng có nhiều ở vùng đồng quê. [...] Nhà nghỉ có cho thuê phòng theo giờ, chừng 7 đô la mỗi giờ. [...] Dịch vụ tình dục ngắn hạn giá từ 100.000 đồng trở lên. Người Việt gọi việc đi ăn vụng này là ăn phở. [...] Thăm dò cho thấy nhiều ông mỗi tuần đi ăn phở một lần." Bên cạnh các khuyến cáo về HIV/AIDS thì tòa đại sứ còn không quên nhắc khách du lịch "nên tránh xa các nhà vệ sinh công cộng".
Và tòa đại sứ Mỹ cũng biết rất rõ về thái độ của các quan chức Mỹ trong mỗi chuyến công du sang Việt Nam. Trong một bản tin mà Đỗ Dzũng quan tâm, thứ trưởng công an Việt Nam Nguyễn Văn Hưởng từng cám ơn giám đốc FBI Robert S. Mueller "về những thông tin mà FBI chuyển qua hồi tháng trước về cuộc điều tra vụ ông Nguyễn Hữu Chánh và những cộng sự viên tình nghi đặt bom các cơ sở ngoại giao Việt Nam". Công điện về chuyến viếng thăm bí mật của thượng nghị sĩ Jim Webb tới Nghĩa trang quân đội Biên Hòa trong chuyến đi Việt Nam năm 2008 cũng được Vũ Quí Hạo Nhiên đặc biệt để mắt tới: "Một nhóm người, có thể là nhân viên nghĩa trang hoặc là an ninh theo dõi, lặng lẽ đi theo đoàn nhưng không can thiệp." Họ biết sức ép của Hoa Kỳ có thể đi đến đâu. Công điện mà Nam Phương khai thác từ phúc trình của đại sứ Michalak sau hai chuyến vào tù thăm Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân nói "kể cả ngoại trưởng Condoleezza Rice áp lực với ngoại trưởng Phạm Gia Khiêm khi ông tháp tùng chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới Hoa Thịnh Đốn hồi tháng 7 năm 2007 [thì...] cả hai vẫn phải ở đến hết hạn tù chứ không được ân xá một ngày nào".
Quan trọng nhất, các công điện cho thấy tòa đại sứ Mỹ tại Việt Nam hoạt động như thế nào, liên lạc với các quan chức Việt Nam ra làm sao, xử lý thông tin cách chi trong vụ "Việt Tân vào tù thăm bạn, xôn xao Ngoại giao đoàn" hồi 2008. Trong vòng 48 tiếng kể từ khi họ vào trại giam của Tổng cục An ninh trên đường Nguyễn Văn Cừ ở Sài Gòn đòi thăm nuôi 4 đảng viên Việt Tân cho đến khi bị trục xuất ra khỏi Việt Nam, nhân viên các tòa đại sứ có liên quan đã phải liên tục trao đổi và theo dõi tình hình, đồng thời đại sứ Michael Michalak phải gọi điện cho thứ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh, còn phó đại sứ Jonathan M. Aloisi gọi điện cho vụ trưởng Nguyễn Bá Hùng. Có những vụ như giải tán khiếu kiện của người Khmer Krom ở An Giang đầu tháng Tư 2008 bị tổ chức chính trị đòi quyền tự chủ KKF (Khmer Kampuchea-Krom Federation) phản đối kịch liệt, tòa đại sứ Mỹ "không bày tỏ phản ứng, nhưng im lặng không có nghĩa là không quan tâm, [...và] đã gửi người đi kiểm chứng [... mối] liên quan giữa hai vụ người Khmer bị bắt và tổ chức KKF". Có vẻ như câu chuyện Hòa Hảo và các tôn giáo khác ở Việt Nam cũng nằm trong số các vấn đề được các nhà ngoại giao Mỹ quan tâm đặc biệt, nhưng BBT Người Việt đã hẹn lại vào tập hai, chúng ta cùng phải chịu khó chờ tới lần xuất bản sau vậy.
Bí Mật Việt Nam qua hồ sơ Wikileaks do nhật báo Người Việt phát hành ngày 15.XI.2011, giá bìa 15USD cho 344 trang sách được trình bày chặt chẽ, gồm cả phần tra cứu và hướng dẫn cách đọc cùng đường link tới công điện gốc trên trang mạng Wikileaks.org, có thể liên lạc mua trên mạng ở trang nhà của báo tại địa chỉ http://nguoi-viet.com, nơi cũng đang có sẵn một số chương sách.