(Nhân đọc Những con chim của bóng tối - Thơ Phạm Tấn Hầu, NXB Văn học,10.2011).
Không ai có thể nhìn thấy “những con chim của bóng tối” được Chỉ có thể nghe những tiếng vụt cánh. Và những tiếng chim. Đó là ánh sáng của bóng tối. Không, không phải ánh sáng mà là cái bóng trải rộng của chiều hôm muốn lấn sâu vào dêm. Đó là không – gian – sống của người, của nỗi cô đơn dằng dặc và sự khát khao vượt thoát khỏi chính nó. Đó cũng là con đường của con người: Chúng ta đi quá vào bóng đêm / Để nghe một tiếng nói khác / Đang muốn lột bỏ / Những ngôn từ tối tăm…
Có thể lột bỏ được ngôn ngữ không? Vừa được, vừa không.
Để làm gì? Dẻ đem sự thật của đời sống ra trình bày dưới một ánh sáng khác, không quen thuộc. Để chống lại sự chia đôi bản thể, vốn là nguyên nhân của niềm cô đơn muôn thuở. Hành trình vủa con người là cuộc đi tìm lại cái bản thể đã bị chẻ chia trong định mệnh phân ly: “Tôi đi tìm huyền thoại tình yêu / Em đi tìm tự do cho tiếng hát” (Tiếng kêu đó). Ấy là một cuộc tìm kiếm thất bại, bởi vì, thế giới này mãi mãi là một “nỗi lạc loài của chiều hôm không bờ bến”. Nhưng, ý nghĩa của con - đường - cuộc - đi không phải là đích đến, mà chính ở sự dấn bước: hạnh phúc chính đau khổ. Như thế, con đường không còn là lối đi cụ thể của những trang sử ghi chép, mà, lịch sử lại chính là những huyền thoại. Hay, lịch sử, trong những yếu tố gốc của nó, sẽ hiện ra chân thực hơn và đầy cảm xúc hơn dưới ánh sáng của những nét ghi mờ ảo: “Và tiếng hát ta / Vang đi / Thanh bình trong lời chim / Những con chim ăn mía ăn trái thanh trà / Ăn mùa dâu đất / Ăn hết cả trái tim ta / Để tình yêu /Luôn được trở về / Trong màu huyền thoại mới (Những con chim Ca lăng ở phương Nam).
Tiếng hát những con chim của bóng tối còn muốn đánh thức người đọc đang ngủ quên trong những giấc - mơ - bay - lên khỏi thực tại bằng cách trưng bày ra tất cả những sù sì đắng lòng của cuộc sống hằng ngày. Đó là một hiện thực được hình tượng hóa và khái quát hóa qua ẩn dụ “những đội quân bán rong / những đoàn xiếc đói tuồng / những người cố bơm đầy hơi / thành những tượng đài” (Khoảng trống trên đường phố). Hiện thực đó không chỉ là sự thật của một xứ sở riêng biệt nào mà chính là số phận của con người trong kỷ nguyên này, nơi mà giữa “đại lộ quay cuồng / chẳng hiểu vì sao /đông đúc mà lạnh nhạt” (Sài Gòn của một người bạn cũ), nơi ấy, giữa “tiếng thét gào của đường phố / chẳng thể tìm ra / một cánh cổng, chiếc vé tàu của mình”. Đó là đất của một thời đại mà niềm hy vọng chỉ còn lại như một khoảng trống trên đường phố cho nỗi cô đơn úp mặt khóc.
Vậy thì, trước sự khốn cùng đang bày ra trong mọi ngõ ngách của cuộc sống, trách nhiệm của thi sĩ sẽ hiện ra ở đâu, nếu còn có thể nói đến điều này? Tiếng trả lời: Từ bóng tối. Là “những chữ đứng dậy và ra đi / như chìu ý một cơn mưa / như trái cây trong chiều hôm / đang mong manh chiếu sáng” (Quyển sách của P.). Với Phạm Tấn Hầu, đó là sự hoán chuyển những ý - nghĩa - bên - trong thành những sự thật mà lại không quan tâm đến tính phổ biến của những chân lý đã được làm sẵn. Đó chính là sự nỗ lực vươn tới đám đông: “với tiếng nói của cánh tay / căng cứng ra / trong lần gắng sức / làm gãy đổ / sự im lặng / trên đồi / Golgotha” (Vây quanh những ngôn từ). Và, trách nhiệm ấy, lại cũng chính là số mệnh của nhà thơ: nỗ lực đạt đến một thực tại mà đến khi khẽ chạm được vào cái chéo áo của nó, giấc mơ ấy lại vụt bay đi, để con người lại phải tiếp tục nuôi dưỡng những cơn mơ khác trong cuộc truy tìm ý nghĩa của Dòng Sống như W. Whitman từng hiển lộ: “Tôi bắt đầu nhìn thấy một ít hay không thấy gì trong những chữ / tất cả hòa trộn trong sự bày tỏ / ý nghĩa không lời của đất”.
Để làm gì?
Giản dị thôi: Không sống phí hoài. Dù đời của mỗi cá nhân chỉ là một chớp mắt: “cho giấc mơ tôi có rõ ràng khuôn mặt / được nâng lên từ bọt sóng nát tan” (Không đề).
*
Câu hỏi cuối (lẽ ra, có - thể - phải - là câu hỏi đầu tiên): Những con chim của bóng tối sinh ra từ đâu và bây giờ ở đâu?
Trả lời (cũng có thể gọi là lời - nhắn - gửi): Đã - từ - rất - lâu, khi con người biết đặt ra những câu hỏi. Và, tiếng hát của chúng sẽ không bao giờ tắt, khi niềm hy - vọng - đớn - đau của người vẫn còn. Đó cũng là lý do tồn tại của nghệ thuật, như một hình bóng thân yêu mà xa lạ trên con đường ngắn ngủi ngui ngút của cuộc tồn sinh.
11.2011