Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.174
123.149.207
 
Chùm truyện ngụ ngôn nho nhỏ
Phạm Phù sa

CHIẾC GHẾ  VÀ CÁI PHONG BÌ

 

Tại một công ty. Giám đốc đi vắng, cửa phòng im ỉm , không gian lặng ngắt như tờ, tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo tường làm cho bầu không khí như nặng nề hơn.  Anh phong bì liền bò ra khỏi ngăn kéo vươn vai hể hả phá tan tĩnh lặng:

- Hề hề, ngủ một giấc dài quá đã, đời mình sao sướng thế này không biết .

Ghế lên tiếng rên rỉ thân phận:

- Anh đúng là tốt số, chả bù tôi suốt ngày cứ bị chủ đưa cái bàn tọa đè lên mặt, thường xuyên bị hít hà ba cái mùi “ô nhiễm môi trường” không chịu nổi, còn những lúc không vui ông ta  lại “dằn mặt” làm tôi muốn gãy xương luôn. Cái thân hình bảy, tám chục ký ấy, anh hình dung thử xem…Ôi chà.!

- Thì thế mới là cái duyên, cái số chứ anh bạn! hà hà…có phải muốn mà được đâu. Này nhé, nói cho anh thèm nhé, tôi được các ông chủ cưng như cưng trứng, ai ai cũng trọng vọng, thường được dự những cuộc tiệc tùng long trọng, tao nhân mặc khách, đại gia… hai tay lễ mễ nâng tôi đặt ngồi trên đĩa đàng hoàng cơ đấy, anh làm sao mà bì được tôi ? Còn anh, sinh ra là để cho người ta ngồi lên, giày xéo. Ráng chịu thôi, có chi mà than thở hả anh bạn ?- Phong bì hùng hồn khoe. Chạm tự ái, ghế ta mới phản biện:

- Ừ thì anh cao số, nhưng anh đừng quên rằng tuổi thọ tôi cao hơn anh đấy, dẫu có cực chút, nhưng tôi đã tọa vị ở đây mấy năm rồi. Chỗ của tôi là bất khả xâm phạm, cả công ty này đố cha nào dám đặt đít vô. Anh tu mười kiếp có được như tôi không? Tên tôi gắn liền với chức danh giám đốc. Này, người ta coi trọng cái “ghế” lắm đấy nhé, còn anh, anh là cái thá gì ?

Phong bì cười ha hả, vỗ cái bụng phinh phính căng tròn:

- Anh nói mắc cười quá, không nhờ tôi thì làm gì anh vào được đây ? tự hào quá đáng rồi đó anh bạn ơi .

- Bốc phét ! Này nhé, để bố cho hay nhé, ông chủ lệnh cho nhân viên rước bố về đây đấy. Cả lũ chạy sốt vó ra tận thành phố lớn, lục tung mấy chục cửa hàng bự mới chọn được đấy. Không phải hàng xịn không đời nào lọt vô được đâu con ạ. - Ghế gân cổ cãi .

- Ôi, anh đúng là óc đậu hũ. Anh mà biết gì, tôi đây mới có quyền quyết định, nghe rõ chưa? .Chỗ ngồi của giám đốc do tôi quyết từ trên dĩa kia anh bạn khốn khổ ạ !- Phong bì hăng máu chứng minh.

Chị lịch bàn đang thiu thiu ngủ, bực mình:

- Này, ồn ào quá đi. Hai anh có ai hơn ai đâu mà cãi .Chỉ côi và chú đồng hồ tường kia là biết tường tận nhất. Đây, ông chủ viết lên đầy mặt tôi đây, để tôi đọc cho mà nghe này - Hắng giọng đọc:

- “10 giờ sáng nay cho thay ghế mới. 10 giờ 15 cùng H…đi shopping”

Phong bì nghe thấy vậy nhìn lên đồng hồ khoái chí cười to.

- Ha ha…Vậy là anh chỉ còn dăm phút nữa là phải vào nhà kho cho mối mọt nó xực rồi, Còn lớn tiếng nữa thôi ? Còn tôi, lại được vi vu đây đó. Ha ha…!

 

Ghế ôm mặt khóc nức nở. Đúng lúc đó cửa mở , giám đốc băm bổ lại bàn, không ngồi, không nói một lời, mở ngăn kéo lấy phong bao, móc ruột cho vào túi, vò nát chiếc phong bì liệng vào sọt rác rồi vội vã đi ra, cửa đóng sầm.

Căn phòng lúc này tuyệt không một tiếng cười, chỉ còn những tiếng rên khẽ, tức tửi,  đau đớn xen lẫn trong giọng ngâm khe khẽ của chị lịch bàn:

- Cười người chớ vội cười lâu /

 cười người thoắt trước, thoắt sau người cười !

 

 

CHIẾC ÁO VÀ NHÀ TU

 

Xưa, ở phương Đông có một nước phồn thịnh rất tôn sùng đạo phật. Tại đây đạo phật là quốc đạo.

Tại một vùng rừng núi xa xôi có anh thanh niên lưng dài vai rộng nhưng tính lại siêng ăn biếng làm. Cha mẹ già yếu mất đi, không còn ai có thể nuôi nấng nương nhờ. Sau khi tiêu hết chỗ dành dụm của mẹ cha, anh ta nghĩ cách kiếm chỗ nương thân, đi lang thang khắp đó đây, đến bữa, anh tạt vào những ngôi chùa độ nhật.

Sau chuỗi ngày lang thang vô định như thế, anh nhận ra ở đâu các nhà sư cũng được trọng vọng, bèn nảy ra ý định giả dạng nhà sư. Một đêm đến xin ở trọ tại một ngôi chùa, sáng sớm hôm sau anh dậy thật sớm trước giờ nhà chùa công phu sáng và lẻn vào hậu liêu lấy trộm chiếc áo cà sa của phương trượng rồi ra đi thật xa.

Quả thật, sau khi xuống tóc cải trang nhà sư ôm bình bát đi khắp nơi, anh không phải canh đến giờ cúng thí thực để đến chùa thọ trai nữa . Lâu lâu thèm đồ mặn, anh kiếm thêm cải thiện bằng cách tìm đến các miếu thổ địa thành hoàng.

Một hôm , nghe dân làng kháo nhau ngày mai ở làng bên có một đám cúng lớn cầu siêu độ vong nhân tại đình làng, anh nhớ nằm lòng. Hôm sau, đúng giờ anh tìm đến.

Buổi lễ đang diễn ra trọng thị thì bất ngờ nhà sư chủ trì lễ cúng bỗng trúng gió phải đưa vào cấp cứu. Trước tình thế đó, quan huyện chẳng biết làm sao. Bởi lẽ để chủ trì buổi lễ này phải là những nhà sư có hàm phẩm đạo hạnh cao, cỡ đại đức, thượng tọa; mà những vị này mới được mặc phẩm phục cà sa. Cho người đi mời sư chùa khác đến thì phải đợi lâu, đường xa và còn phải có thời gian chuẩn bị, vả lại chắc gì đã có các sư ở chùa ? và nếu có thì chẳng biết các sư có bận việc gì không. Đang lúng túng than ngắn thở dài thì viên quan huyện chợt thấy phía dưới có bóng một nhà sư, lúc ấy anh làm biếng cũng vừa đến. Ông ta mừng như bắt được vàng, vội cho quân lính mời vào, khẩn khoản xin “đại sư” vì việc chung mà tiếp tục đăng đàn chủ lễ kẻo hỏng đại sự. Các vị bô lão, các quan lớn nhỏ đồng thanh tha thiết mời đaị sư chiếu cố , quả thật trời phật thương mới xui “thầy ” đến đúng lúc làm phúc cho dân làng .

Tái mặt vì sự cố chết người. Dở khóc dở cười trước tình thế éo le. Từ chối thì không thể, mà nhận lời thì chết như chơi, bởi lẽ anh còn không thuộc lấy một câu kinh làm sao đảm đương được chuyện to tát như vậy. Anh nghĩ bụng : Phải tìm cách chuồn thôi ! . Nhà sư bất đắc dĩ liền giả bộ hăng hái nhận lời, nhưng viện lý do vì đột ngột quá chưa có sự chuẩn bị, đi đường bụi bẩn dơ dáy nên xin chờ anh ra một nhà dân ngoài xóm để tắm rửa “tẩy trần” xong sẽ trở lại.

Nghe thấy thế, lớn nhỏ đều cho là hợp lý và bỏ bụng mừng. Mãi không thấy nhà sư trở lại, quan huyện cho người đi tìm thì hỡi ơi, chỉ thấy trong buồng tắm tại một ngôi nhà nọ bộ cà sa bỏ lại, còn vị đại sư đã cao chạy xa bay.

Về phần anh thanh niên làm biếng nọ, sau khi “thoát hiểm” với bộ trang phục phụ nữ cải trang, anh lẩm bẩm mãi một câu “ Chiếc áo không làm nên nhà sư”.

                                                                                               

 RÁC

 

Buổi tối. Bố, mẹ và con trai ngồi trước tivi xem chuyên mục khoa học và đời sống.

Bố: - Thấy chưa? đừng coi thường rác nghe không,“rác là tài nguyên quý giá” đó. Người ta dùng rác để làm ra bao nhiêu là điều có lợi cho cuộc sống.

Mẹ : - Rác mà còn ích lợi thế đấy, chẳng hơn mày là thứ bỏ đi. Tiếng là thư ký tòa soạn một tòa báo lớn mà chẳng viết được bài nào - Mẹ ném ánh mắt về phía con trai, chì chiết.

Con : ( Cười hể hả ) – Bố Mẹ à, “thứ bỏ đi” đôi khi còn hơn cả chính phẩm nữa đấy. Năm ngoái con đoạt giải nhất cuộc thi thơ toàn thành phố là cũng nhờ “tái chế ” từ rác đấy thôi !

Bố: - Ồ tệ thật, sẽ còn tệ hại hơn nếu cái thùng rác biết đi này mà có ai đó lại dùng để tái chế ra một cái gì đó !!!

Phạm Phù sa
Số lần đọc: 1737
Ngày đăng: 30.11.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dưới Bóng Cây Xoan Trà - Xuân Tuynh
Cô Giáo Ăn Cơm Bằng Muỗng - Hồ Việt Khuê
Buồn Một Mình - Lê Văn Thiện
Những Mảnh Vỡ (28) - Nguyễn Thị Hậu
Gió Chướng *** - Võ Xuân Phương
Sông Trăng - Lưu Quang Minh
Mưa trong vườn nhà cô Françoise - Nguyễn Nghiệp Nhượng
Phía Sau Một Con Người - Bùi Anh Tâm
Tình muộn - Huỳnh Văn Úc
Đêm và mặt trời - Phạm Phương