Trần Tuấn (tổng hợp)
Thứ ba 6/12/2011 lúc 9 giờ tại Cafe Bros 213 Nguyễn Văn Thủ, Đa Kao,q 1; sẽ ra mắt tuyển tập "Người trẻ dáng nâu" của Nguyễn Trung Bình; Sách do Trần Tuấn & Phùng Tấn Đông thực hiện; đã ra mắt tại Huế và Đà Nẵng. Ở SaiGon do Vũ Trọng Quang tổ chức ra mắt. Anh em có mặt như một nén nhang tưởng nhớ Nguyễn Trung Bình.
VCV
... “Lâu lắm rồi, một lần ngồi uống rượu với tôi và Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Trung Bình đã hỏi tôi: bạn bè ở xa thì nhìn nhau qua cái gì? Tôi đáp: trường hợp mấy thằng mình thì nên nhìn nhau qua thơ.
Tôi nhìn bạn tôi, Nguyễn Trung Bình, qua thơ, một cách tin cậy. Đơn giản vì tôi biết Nguyễn Trung Bình là người trung thực với thơ. Bình sống nghĩa hiệp, bặm bụi, nhưng lãng đãng. Và thơ Bình y chang vậy. Tuyệt không có sự giữ ý, không có những thu vén nhỏ nhen trong thơ của Bình. Dường như chỉ có sự cuộn xiết của tình bạn và tình yêu, hai thứ tình cảm căn bản, trong sáng nhất của con người, là thắng thế trong thơ bạn tôi. Thế nhưng đọc kỹ vẫn thấy có gì đó rất cô đơn ở từng con chữ của Bình. Cái hương vị cô đơn phảng phất qua hình ảnh, qua ý nghĩ, qua nhịp trầm nhát gừng của thơ. Cảm tưởng như ngay cả khi hứng khởi về hạnh phúc dâng cao nhất, cô đơn vẫn lẳng lặng tỏa hương trong Nguyễn Trung Bình.
Thượng đế cho các nhà thơ cảm hứng để có cơ hội nhìn mặt sự vĩnh cửu, nhưng bù lại, ông ta lấy đi sức khỏe và tuổi thọ của họ. Đôi khi đem thơ của Bình ra đọc và thấy Bình đang ở bên cạnh mình, dù bạn đã quá xa...”
Nhà thơ Nguyễn Bình Phương, người bạn chí thân của Bình (người cũng có một cái tên với Bình như cặp bài trùng số học) đã viết như vậy, khi hay tin bạn mình ra đi. Tác giả của “Những đứa trẻ chết già”, “Trí nhớ suy tàn” đã nhận chân chính xác GIỌNG thơ bạn mình chỉ bằng 3 từ: Tình bạn – Tình yêu và sự Cô đơn. Chúng ta có thể thấy điều đó từ những bài thơ đầu tiên, cho đến bài thơ cuối cùng của Bình.
Về tính cách con người Nguyễn Trung Bình hệ lụy đến thơ của anh, Lê Trung Việt, cựu sinh viên Huế sau Bình mấy khóa, cùng đồng hương Duy Xuyên, cùng ở dãy ký túc xá 27 Nguyễn Huệ - Huế thời ấy (nay đang làm báo, làm văn ở Quảng Nam), kể: “Tôi nhớ hoài đêm đó ở ký túc xá, Bình ở đâu về, máu me đầy người. Bạn bè trong phòng hoảng hốt. Truy ra mới biết anh yêu chị Khuê khoa ngoại ngữ nhưng chị không đáp lại. Buồn quá, anh cắt ngón tay. Bài thơ “Em là con chim bé nhỏ” ra đời từ đó. Đây có thể là trò nông nổi, nhưng với những người như Bình, nó đã lộ ra một đường dẫn về sự va đập tổn thương tâm lý”. Từ chuyện này, Việt rút ra một điều: “Nguyễn Trung Bình đã chọn cho mình một cách sống khác là dấn thân làm điều mình thích. Theo tôi biết thời trung học, Bình là người cẩn nghiêm, cũng hội hè đoàn thể nền nếp, nhưng vào đại học là khác ngay. Môi trường đó đã xô anh vào một phương trời khác, khi những phát hiện về sự vô lý trong cõi sống buộc anh phải đối diện và trả lời”.
Phùng Tấn Đông nhận thấy: “Ở ngoài đời và trong trang viết, Nguyễn Trung Bình là kẻ thường trực gây hấn, gây hấn với sự tầm thường, nhạt nhẽo, gây hấn với sự giả danh để tồn tại với sự mòn nhàm, gây hấn với những “huyền thoại” già cỗi … Nguyễn Trung Bình là người thèm đi “đôi giày gió” của Rimbaud, nhiều những dự định buôn bán kiếm tiền để được đi, được xê dịch như thời đi buôn mây ở rừng Nà Thao, Tiên Phước để viết “Cho đêm mưa núi”. Rốt “tiền mất tật mang”, lãi chăng là nỗi buồn dằng dặc”.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhớ lại: “Trong nhiều bạn bè anh em của tôi ở xứ Quảng, có hai người mang cái tên khác lạ đáng nhớ. Đó là Nguyễn Trung Bình và Trương Duy Nhất. Khi lần đầu tiên tôi bước lên bục giảng Văn khoa Đại học Tổng hợp Huế thì Duy Nhất K7 đã ra trường, còn Trung Bình K11 đang học. Tôi biết Bình từ đấy. Thực tình tôi không phải đi dạy đúng nghĩa, chỉ là nhân có chuyến công tác qua Huế dừng chân nên anh em giảng viên trong khoa Văn mời lên trò chuyện, trao đổi một hai buổi cùng sinh viên về các vấn đề thời sự văn học, như là một kiểu ngoại khóa. Hay đi cùng các thầy Hồ Thế Hà, Phạm Phú Phong là những bạn chơi, bạn nhậu của tôi, nên với tôi Bình và một vài bạn khác cùng lứa nhanh chóng trở thành quen biết. Trước còn xưng thầy trò, sau ra là anh em… Trở lại chuyện của Bình và phim Xích lô (1995). Vẫn ở căn phòng 9 mét vuông của tôi tại 20 Lý Thái Tổ (Hà Nội), Bình đã dẫn Trần Anh Hùng và Lương Triều Vỹ đến. Hùng-Bình-Vỹ ngồi trên chiếc giường đôi choán gần hết diện tích nhỏ hẹp căn phòng, thả chân xuống sàn, tôi ngồi trên một chiếc ghế tựa, chúng tôi nói lan man mọi chuyện. Sau đó là những tháng ngày bận rộn tất bật của Bình cùng với đoàn làm phim. Bình tham gia viết lời thoại cho kịch bản của Hùng và đã đưa kịch bản tôi đọc. Sau này khi phim công chiếu và đoạt giải Sư tử vàng ở Liên hoan phim Venise (Italia). Gần đây, một vài cán bộ an ninh văn hóa mới lên tiếng về việc ai đã cản trở và ngăn cấm phát hành phim Xích lô, một tác phẩm điện ảnh duy nhất của Việt Nam được giải chính thức cao nhất tại một liên hoan phim quốc tế tính cho đến nay”.
Nhà thơ Văn Công Hùng – một người anh lớp Văn khóa 1 ĐHTH Huế, ấn tượng với những góc cạnh đặc biệt của Bình với văn chương: “Bình rất hiền, nhưng khi uống vào thì lại rất... dữ. Nhất là ai đó trong bàn mà vô tình nói xấu... văn chương. Trong lớp văn ở đại học Tổng hợp Huế của Bình, sau này có rất nhiều nhà báo chức sắc và tài như Hồng Hạnh giờ là phó Tổng biên tập Báo Thừa Thiên Huế, Minh Tự, Trưởng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Huế, Hoàng Thái, Phó phòng thời sự Đài Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng... nhưng Bình vẫn luôn tự hào: Cả lớp có mỗi tớ làm văn chương, mà là văn chương thứ thiệt ! Hồng Hạnh kể có lần vào Sài Gòn gặp Bình, Bình ôm đến một chồng tạp chí nói đọc đi, có thơ Hạnh đó. Hạnh đọc thấy tên nhưng... không phải thơ mình. Thì ra Bình làm thơ ký tên Hạnh rồi... đưa in. Tôi biết rằng, bây giờ mỗi khi ngồi với nhau, chả cứ lớp Bình, mà cả các khóa khác, các thầy cô nữa, vẫn nhắc đến Bình với tất cả mọi chiều của tính cách anh chàng nửa như ngựa bất kham nửa lừ đừ như từ ngày rằm ấy, như một hiện tượng, một cá thể thi sĩ góc cạnh sống hết mình và cũng lãng mạn hết mình”.
Nhà phê bình văn học Phạm Phú Phong – người thầy của Bình, kể về những “tài lẻ” của Bình: “Khi tình cờ xem chương trình Quảng Nam - Hành trình di sản trực tiếp trên trên truyền hình VTV1, vợ tôi xem cho đến hết, để có cái nhìn so sánh với chương trình festival Huế, cuối chương trình thấy xuất hiện màn ca múa bài Những đứa trẻ dáng nâu và tổng đạo diễn là Nguyễn Trung Bình. “Huế nhiều nhân tài như thế - vợ tôi nhận xét - mà đợt festival nào cũng phải mời Nghệ sĩ nhân dân Phạm Thị Thành hoặc một nhân vật tầm cỡ tương đương làm tổng đạo diễn, còn ở quê anh, chỉ cần cậu học trò Nguyễn Trung Bình của anh là đủ (tôi cười hết cỡ vòm miệng một cách sung sướng, nhưng kịp nghe hết câu cuối lại thấy tủi thân). Em nghĩ, đời người chỉ cần một lần đóng góp cho quê hương như Bình là đủ. Anh xem, anh đã làm được như Bình chưa ?”...
Về những ngày tháng cuối đời, thầy Phạm Phú Phong không quên một kỷ niệm: “Câu chuyện bên ly bia đang mặn mòi như thế mà dường như Bình chẳng hề để ý. Bình vốn là người cũng thích nhấm nháp quá khứ lắm, nhưng lần này dường như lúc nào cũng vội vã, như muốn lao về phía tương lai. Chưa uống được bao nhiêu chai, Bình đưa sáng kiến thuê taxi đi Quảng Trị chơi, thế là gửi xe máy lại cho quán, ba thầy trò nhảy taxi dông ra Quảng Trị, một cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng, Bình đọc nhiều thơ của mình kèm với lời Bình tếu táo của Nguyễn Xớn, mãi đến chiều hôm sau mới trở về lại Huế. Tôi không ngờ đó lại là chuyến đi Huế và Quảng Trị cuối cùng của Bình. Anh bị bệnh gan đã giai đoạn cuối nhưng giấu tôi”.
Cuộc đời nhiều biến động, đầy xô dạt và ngắn ngủi của Nguyễn Trung Bình đã khắc sâu ấn chứng lên thơ anh. Phạm Xuân Nguyên nhận ra điều ấy: “Bình là người yêu thơ và có năng khiếu thơ. Trong Bình thơ tiềm ẩn và luôn đòi được bùng ra với sự đổi mới, cách tân. Theo chỗ tôi biết, ba nhà thơ được Bình quý trọng và học tập là Phùng Tấn Đông, Nguyễn Lương Ngọc và Nguyễn Bình Phương. Đông ở Hội An, Bình quen biết từ trước. Ngọc và Phương ở Hà Nội, Bình gặp sau, nhưng khi đã gặp rồi là “bám nhau” mật thiết. Mỗi lần ra Hà Nội, Bình đều luôn tìm gặp Ngọc và Phương. Thơ Bình buồn, buồn đến quạnh hiu, da diết. Nhưng thơ đó cũng sáng trong và đẹp, đẹp đến buồn bã”.
Thơ Nguyễn Trung Bình có 2 bước chuyển đặc biệt quan trọng. Những bước ngoặt ấy xảy ra vào thời điểm 2 lần Bình trực diện với cái chết. Lần thứ nhất, đó là sự ra đời của tập thơ “Bài của trẻ dáng nâu” - tập thơ riêng đầu tiên, cũng là tập thơ Bình nhìn thấy cuối cùng khi còn sống. Như nhà thơ Lý Đợi – một bạn thân của Bình, khẳng định: “Tháng 5-1996 tại TP.HCM, trong những ngày bệnh nặng, nằm viện, Nguyễn Trung Bình đã viết nên bài thơ quan trọng nhất đời mình và sau này in trong tập thơ cùng tên: Bài của trẻ dáng nâu (NXB Văn nghệ TP.HCM, 1996)”. Phạm Xuân Nguyên đánh giá: “Tập thơ riêng duy nhất của Bình khi còn sống, Bài của trẻ dáng nâu, là một tập thơ ấn tượng”. Cùng chung là nhận xét của nhà thơ Văn Công Hùng: “Thời Bình, tập Trẻ dáng nâu là một tập lạ. Thơ hồi ấy phần lớn là phẳng lặng, Bình nổi lên như một thi sĩ trẻ chịu khó cách tân, tìm tòi và lập ngôn hiện đại. Khi ấy nhắc đến thơ trẻ Việt Nam là có Nguyễn Trung Bình. Mà ngay bây giờ, khi ngồi đọc lại, thấy Bình cấu tứ và sử dụng hình ảnh từ thời ấy rất mới và tươi chữ. ...”.
Bước ngoặt dữ dội thứ 2, cũng là cuối cùng của đời Bình, là ngày tháng của những năm 2009, khi Bình trở lại bạo bệnh. Những ngày tháng cuối đời, Bình ào ạt viết trong tâm thế dữ dội, khác lạ, một loại thơ rất lạ, trần sì đô thị, đọc lên vừa nghe vị nhám sạm của lốc bụi đô thành, vừa có vị mặn của nước mắt cô độc. Mấy chục bài thơ Bình viết gấp ruổi trong những ngày cuối cùng đó, sau được NXB Lao Động – nơi Bình công tác – in cũng gấp gáp và hoàn thành chỉ vài ngày sau khi Bình mất. Tập thơ mang cái tên đơn giản “Thơ Nguyễn Trung Bình”.
Về tập thơ này, Phạm Phú Phong nhận xét: “Như một sự thúc giục của bản mệnh một người mang căn bệnh hiểm nghèo, lúc này thơ Bình luôn buông nhịp nhanh một cách vội vã, nhiều khi còn gián cách đảo nhịp một cách bất ngờ hoặc gấp gáp kéo nhau xếp hàng như hiện tượng domino trong những câu thơ xuôi không xuống hàng nhưng có gián cách: “không có gì xảy ra phố đang chảy vào ngày / ngày đang chảy vào phận người các kiểu / các kiểu đều chung một lối về là cái chết sao người ta cứ giành giật nó từng giây trông mà thương quá là thương” (Phố ngày em đi). Câu thơ chạm vào cái chết như một lời tiên cảm với một thái độ chấp nhận và ít nhiều có sự thanh thản, đón chờ”.
Nhà thơ Trần Hữu Dũng – một thi sĩ tâm giao với Bình tại Sài Gòn suốt gần 16 năm, viết: “Những ngày cuối năm 2009, anh sống nội tâm, lặng lẽ của một người chất chứa quá nhiều tâm tư nặng trĩu về cuộc sống mà không biết chia sẻ cùng ai:
này thả/ nắp chai bật lên từ đổ vỡ/ làm gì có hải đăng chỉ đường cho con tàu anh/ lạc lối/ hãy bỏ lại / những con đường nhựa nóng/ nắng không đủ oi bức
mặt trời nung ánh mắt /va chạm/ vỡ / sóng lan về những phía xa ít đau và trắng rưng/rưng !…(Khúc lặng)
Giọt nước mắt đàn ông rơi đau đớn, lì lợm, hệt như hồi chuông ngân hay giọt mưa đêm:
còn ai để nhớ / mưa như nước mắt đàn ông / rơi/ lì lợm…/ mưa không biết mình phải đi đâu mưa rơi vào / mắt nâu mưa rơi…(Khúc mưa)
Tập thơ nầy mang giọng điệu khác hẳn tập Bài của trẻ dáng nâu, sử dụng tối đa thể thơ tự do, thơ văn xuôi, gần như dòng chảy độc thoại nội tâm đau đớn, báo báo hiệu cái chết sắp đến mà anh bình tĩnh đón nhận.
Đọc thơ vấp phải những lời tắc nghẽn, cơn mê đổ vỡ, giấc mơ bấn loạn như lạc vào mê cung sâu thẳm không dò lối ra. Toàn tập thơ là những dòng ý tưởng đan xen tạo nên bức tranh-hiện-thực-hỗn-độn-đa-sắc khiến người đọc bàng hoàng, đau đớn khôn nguôi”.
Nhà thơ Phùng Tấn Đông nhận ra: “Những câu thơ của Bình, kể cả những câu thơ của những nhân vật của Bình – trong lời thoại phim – đã chạm đến cái đẹp của sự hòa trộn trong tương phản giữa đớn đau và hoan lạc, thơ mộng và bẩn thỉu, sự thực và ảo tưởng, bản gốc và bản sao, ngẫu nhiên và mặc định, định dạng và phi định dạng…”
Một người bạn cùng lớp Văn K11 với Bình đang ngồi đây, nhà thơ Nguyễn Hồng Hạnh. Trong bài viết “Một ru-bic thơ đã ngừng xoay” (có in trong tuyển tập này), đã có cái nhìn thấu cảm về Bình và thơ Bình: “Đọc thơ Bình, trước đây và bây giờ, nếu có thể ví von, thì tôi nghĩ, đó cũng là một bức tranh theo trường phái lập thể, hiện đại. Nó có vẻ gì đó gần với cách của Võ Xuân Huy khi thực hiện loạt tranh sơn mài trong Ba biến thể. Nhưng thơ Bình, trong một chiều rơi khác, lại làm người ta dễ cảm nhận, dễ thảng thốt, dễ đau đớn và cũng dễ tổn thương với/sau những gì mà mình đã đọc được, đã chiêm cảm được và đồng hành được với những gập ghềnh, với những dằn vặt, với những ký tự mang vẻ ngụ ngôn, lại vừa có vẻ gì đó thấp thững của một dáng người trong hành trình đơn độc”. Hôm nay, chúng ta ngồi đây trong ngày mưa chớm đông của Huế, để tưởng nhớ một người bạn, trong những người bạn từng một thời khoác áo Văn khoa Huế đã ra đi. Những Nguyễn Trung Bình, Nguyễn Xuân Hoàng, xa hơn nữa là những Lê Viết Tường, Phạm Xuân Vinh …
Chúng ta là những con người luôn cô đơn, cô độc, theo một nghĩa nào đó. Chúng ta cần có nhau. Và để tự an ủi nhau, như cách nói của nhà thơ phố núi Văn Công Hùng khi viết về Nguyễn Trung Bình: “Chúng ta là nòi thi sĩ, chúng ta còn có thơ để lại. Cái dáng nâu của Bình vẫn phơ phất đâu đây” …
Đọc thêm
http://vanchuongviet.org/index.php?comp=thutin&action=detail&id=115