Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.114
123.141.816
 
Hoàng Đăng Nhuận, vẫn màu son tươi ấy
Đinh Cường

Chiều trên quê hương tôi

nắng phơi trên màu ngói non tươi

(Trịnh Công Sơn)

 

 

Hoàng Đăng Nhuận

Bửu Chỉ vẽ

 

Thế nào rồi tôi cũng bắt gặp những vết son tươi- màu đỏ vermillon- trên những mái phố, trên nhiều điểm nhỏ li ti  khác nữa trong tranh của Nhuận, cả chữ ký Nhuận cũng hay dùng màu đỏ ấy. Và thời gian, đời sống của một đời người, có lúc đổi thay, người họa sĩ  tài hoa lang bạt đã tạm dừng lại vì một cơn bệnh bất ngờ, tai biến …và lại thời gian, bất chợt mùa hè qua tôi lại về thăm bạn, vui mừng thay thấy những tấm tranh mới được treo lên, và tất nhiên đập vào mắt tôi trước nhất vẫn màu son tươi ấy, màu son trên những mái nhà … lần này có thêm những mảng màu rực sáng hơn, cô con dâu nói: cháu nói ba cháu vẽ tươi hơn ,( Thu Thanh tên người con dâu hiếm có, luôn lo chăm sóc cho Nhuận ) không như ngày xưa : Nhuận từ một thiên nhiên tự do sầu muộn nào phía cỏ cây Đà Lạt trở về chưa hết mùi cô độc. Nhuận lưu tuyến thầm lặng, vẫn cúi sát mặt xuống mảnh đất của mình chăm lo từng kỷ niệm (Thái Bá vân- Hoàng Đăng Nhuận - Sở VHTT Thừa Thiên Huế 1991). Chăm lo kỷ niệm là Nhuận, nhớ không đầu những năm 70, những ngày tháng lang thang Đà Lạt sương mù, có lúc ngồi bán cà phê trên mấy bực tầng cấp trước khu chợ Hoà Bình, như Phạm công Thiện đã đi bán những bài thơ vừa làm xong qua các quán cà phê  ở Geenwich Village thành phố New York thời mới hơn hai muơi tuổi đầy đắm say, đói rả, mộng mị ….Hồi ấy Nhuận chẳng có một chỗ riêng để mà gối đầu và có phải vì vậy chăng nên Nhuận thường đi dưới nền trời quanh năm thường xám màu gió rét, vừa đi vừa phác thảo trong lòng những bức tranh mới …Tình cảm mà tôi và nhiều người khác ở Đà Lạt ở thế kỷ trước dành cho Nhuận dường như từ hai và hơn hai bức tranh của Nhuận . Bức tranh thứ nhất có tên gọi” Đợi chờ.” Ở “Đợi chờ”, tôi còn nhớ một khung cửa, một mặt bàn nghiêng xuống bóng chiều, một người đàn ông nhìn ra khoảng không gian lá vàng và những dấu hiệu bạo tàng của chiến tranh. Đợi chờ gì ? Tôi đã có lần hỏi Nhuận giữa đêm khuya thèm thuốc lá và thèm cà phê, nhưng Nhuận chỉ gượng cười không nói. Bức tranh thứa hai là “ Những người đi mua không khí “, gam màu xám .Khuôn mặt người màu xám. Chai lọ được đựng không khí để đem về nhà thở cũng màu xám. Và có thêm cơn mưa xám ở cuối chân trời, phía sau cửa tiệm bàn không khí.( Lê văn Ngăn –Nghĩ về một họa sĩ còn sống- Tạp chí Sông Hương online ). Cơn mưa xám ở cuối chân trời kia vẫn còn thấp thoáng trong tranh của Nhuận nhiều năm sau này. Là cõi tịch lặng muôn trùng. Có lần  ngồi với Nhuận trước bao lơn cà phê Chiêu Ê  nhìn trận mưa rào buổi trưa, nhắc lại một thời giang hồ cũ, nhắc lại lần Sơn và tôi ghé thăm Nhuận trong căn nhà ở khu Thanh Bồ- Đà Nẵng, căn nhà nằm giữa rừng dừa bên cạnh con lạch thỉnh thoảng có ghe thuyền lui tới . Chỗ ở thanh tịnh như một thảo am, Trịnh Công Sơn nói . Bây giờ thì Nhuận lại lui về thảo am, nơi căn nhà ngói nhỏ mới xây sau này để làm xưởng vẽ, có  bức tường gạch lớn đầy chữ  ký bạn bè  khi ghé  thăm Nhuận ( căn nhà lớn phía trước là quán cà phê- galerie  Chiêu Ê, do vợ chồng người con trai chăm lo, quán nằm trên đường Minh Mạng đi lên phía đồi Thiên An và các lăng tẩm Huế ).

 


Chỗ một người đã tới

sơn dầu trên bố 30 x 40 cm

2011
 

Xê dịch nhiều, thay đổi nhiều nơi làm chỗ vẽ, có thời gian về xa dưới phía Vỹ Dạ, có lẽ thân thiết hơn với Bửu Chỉ ở thời kỳ này. Hai bạn làm chung cuộc triển lãm tại Galerie Vĩnh Lợi Sài Gòn năm 1997. ( Sau đó lại trở thành sui gia ,vui biết bao, khi hay tin cháu MiSa cô con gái út Nhuận thương lắm, hay để ngồi lọt thỏm trong cái ba-ga phía trước chiếc xe đạp mini chở qua thăm tôi trong Thành Nội, nay là vợ cháu Phương con trai đầu của Bửu Chỉ - Tường Vi ).

 

 

Studio Hoàng Đăng Nhuận

Chiêu Ê, Huế

 

Kỷ niệm đáng ghi nhớ  là chuyến đi Paris của Nhuận năm 1990 với hai cuộc triển lãm: tại trụ sở Unesco và tại Nhà Việt Nam vào tháng 6 …”Tôi viết mấy dòng này hôm cuộc triển lãm ở Unesco vừa được khánh thành. Trưng bày được 50 bức tranh giữa kinh đô Pháp, ở một nơi đông đảo nhất dân ngoại quốc tứ xứ, là một hân hạnh rất lớn cho nhà nghệ sĩ. Mặc dầu lễ khánh thành kéo dài hai tiếng đồng hồ, người ra kẻ vào liên tục, lúc bài diễn văn khai mạc và giói thiệu họa sĩ được đọc ra, cũng khoảng trên dưới 80 khán giả bao quanh anh Nhuận để khen ngợi các tác phẩm của anh ...” ( Võ Quang Yến – Hoàng Đăng Nhuận giữa Paris – Đoàn Kết số 425 tháng 7 và 8.1990 ) . Cao Huy Thuần thì nhận xét : “ Bước vào phòng triển lãm ở Unesco người thưởng thức ngợp trong màu tím. Cả một loạt tranh của Nhuận được vẽ bằng màu tím.  Ảnh hưởng của Huế ? Màu của thời gian ? Màu của hoàng hôn ? Màu của bâng khuâng? Có thể là tất cả, và tất cả đã gợi lên một không khí rất Huế, một nỗi buồn man mác của Nam Ai, và màu tím đã khiến cho Nhuân thành công, bởi vì Nhuận đã tạo ra được một nét lạ nơi những hình dáng rất quen của quê hương .( Hoàng Đăng Nhuận - Sở VHTT Thừa thiên Huế 1991)

 

 

Hoàng Đăng Nhuận - Đinh Cường

galerie Chiêu Ê , Huế 2008

 

Quê hương - Huế và Hoàng Đăng Nhuận là một .và nghệ thuật và cuộc đời có là một giấc mộng như lời Nhuận nói: … Nghệ thuật hiện đại cho ta đôi khi cảm tưởng rằng cuộc đời là một giấc mộng và những giấc mộng cũng là một giấc mộng …( Hoàng Đăng Nhuận – Sở VHTT Thừa Thiên Huế 1991) .

 

Là  giấc mộng thôi, như vệt son tượi nơi chiếc ghế kia, bức tĩnh vật mới vẽ mà Nhuận nói rất thích, treo riêng trong phòng mình và đặt tên “ Của một nguời đã tới 2 “ Ai đã ngồi nơi chiếc ghế ấy năm xưa Nhuận ơi .

 

Virginia, 25 Nov. 2011

ảnh Võ Xuân Huy

 

 

Chùm tranh Hoàng Đăng Nhuận

 

 

Phố I

sơn dầu trên bố 30 x 40 cm

2011
 


 

Phố II

sơn dầu trên bố 30x 40 cm

2011

 

Phố III

sơn dầu trên bố 30 x 40 cm

2011
 

 

Phố IV

sơn dầu trên bố 30 x40 cm

2011

 

 

Hoàng Đăng Nhuận

 

Sinh năm 1942 tại Huế

Họa sĩ tự học

Hội viên hội Nghệ Sĩ Tạo Hình Việt nam

 

-1969 Triển lãm tại Nha Trang

-1971  Triển lãm tại Đà Nẵng cùng Tôn Thất Văn , Đinh Cường

-1972  Triển lãm tại Dolce Vita – Saigon cùng Rừng

-1974  Triển lãm tại Đà Lạt cùng Trần Hoài

-1980 Tranh được Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam sưu tập

-1985  Triển lãm cá nhân tại Hà Nội

-1988 Triển lãm cá nhân tại Huế

-1990 Triển lãm cá nhân tại Unesco – Paris

-1997 Triển lãm tại Galerie Vĩnh Lợi – TPHCM cùng Bửu Chỉ  

Đinh Cường
Số lần đọc: 2928
Ngày đăng: 03.12.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ann Phong, Biển. - Đặng Phú Phong
Hội Họa Và Du Tử Lê: Trái Tim Vẽ Tranh - Nguyễn Đức Cung
Ngệ-Thuật Của Hoàng Ngoc Biên The Art Of Hoàng Ngọc Biên - Nguyễn Quỳnh USA
Gặp Gỡ Đà Lạt, Gặp Gỡ Những Mảng Màu - Vũ Nguyên
Để nhớ Bùi Giáng - Đinh Cường
Người ngợm - Lê Thánh Thư
Họa sĩ Phan Ngọc Minh, trước khi cầm cọ đến xứ người: Đem Quá Khứ Đến Tương Lai - Nguyễn Đông Nhật
Tranh Họa Sĩ Mỹ Cy Twombly Vừa Qua Đời - Đinh Cường
Jesus Christ - Lê Thánh Thư
Nhớ Đỗ Toàn Xưa... - Trần Trung Sáng
Cùng một tác giả
Gió (thơ)
Phố lên đèn (hội họa)
Khuya im (thơ)
Bên kia (thơ)