Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.245
123.161.124
 
Mùa Xuân, Lại (*) Đọc Thơ Xuân Của Hoàng Đế Trần Nhân Tông (1258 – 1308)
Phan Thành Khương

Trần Nhân Tông là một vị anh hùng dân tộc, người đã cùng vua cha (Trần Thánh Tông) hai lần đánh tan đội quân xâm lược  sừng sỏ Nguyên Mông. Trần Nhân Tông cũng là một vị chân tu, một Thiền sư, người đã sang lập ra thiền phái Trúc Lâm. Vì thế, Trần Nhân Tông được người đời xưng tụng là Phật Hoàng (Vua Phật). Và, Trần Nhân Tông lại cũng là một nhà thơ, một thi sĩ, có một hồn thơ trong sáng, thanh cao. Hồn thơ đó luôn hướng về Chân, Thiện, Mĩ,  luôn hướng đến sự hoàn thiện và tự hoàn thiện.

 

Nhân dịp đầu xuân Nhâm Thìn và đầu năm mới 2012, chúng ta hãy cùng đọc lại, cùng thưởng thức đôi vần thơ xuân của vị Hoàng đế - Thiền sư – Thi sĩ này.

 

“Chim có tổ, người có tông” (Tục ngữ). Đầu xuân, nhà thơ Trần Nhân Tông đã đến viếng Chiêu Lăng, lăng mộ của Trần Thái Tông (1218 – 1277), vị vua đầu tiên của triều đại nhà Trần và là ông nội của nhà thơ. Bằng một bài thơ 5 chữ 4 dòng (ngũ ngôn tuyệt cú) hết sức vắn gọn,  nhà thơ đã khắc họa khung cảnh uy nghi, rực rỡ của khu lăng mộ và hoài niệm của  người cựu chiến binh đã từng tham gia đánh đuổi giặc Nguyên Mông lần thứ nhất (1257). Bài thơ đã cho chúng ta thấy được ý thức về nguồn cội và sự gắn bó với cội nguồn, với cha ông, của hoàng đế - thiền sư – thi sĩ Trần Nhân Tông, Sự uy nghi, rực rỡ của khu lăng mộ cũng cho phép chúng ta hình dung được sự uy nghi, rực rỡ của triều đại nhà Trần.  Câu chuyện của người lính già tóc bạc cũng chính là hào khí Đông A (hào khí nhà Trần), hào khí Đại Việt.

 

Nguyên tác:

 

 

Phiên âm:

 

Xuân nhật yết Chiêu Lăng

 

Tì hổ thiên môn túc,

Y quan thất phẩm thông;

Bạch đầu quân sĩ tại,

Vãng vãng thuyết Nguyên Phong (1).

 

Dịch thơ:

 

Ngày xuân, viếng Chiêu Lăng

 

Gấu cọp nghìn cửa đứng,

Áo mão bảy màu chen;

Người lính già tóc bạc

Chuyện Nguyên Phong mãi khen.

(Phan Thành Khương dịch)

 

Tiếp theo là một bài thơ 5 chữ 4 dòng (ngũ ngôn tuyệt cú) khác, bài “Trên hồ Động Thiên” (2).

 

Nguyên tác:

 

 

Phiên âm:

 

Động Thiên hồ thượng

 

Động Thiên hồ thượng cảnh,

Hoa thảo giảm xuân dung;

Thượng Đế liên sầu tịch,

Thái thanh thì nhất chung.

 

Dịch thơ:

 

Trên hồ Động Thiên

 

Cảnh trên hồ Động Thiên,

Hoa cỏ kém xuân tươi;

Thượng Đế thương vắng vẻ,

Giữa trời tiếng chuông rơi.

(Phan Thành Khương dịch)

 

Đây là một bài thơ lạ. Hoa cỏ kém vẻ xuân, kém vẻ xanh tươi có thể vì mùa xuân tuy đã về nhưng cái giá rét vẫn còn nấn ná, chưa chịu ra đi. Nhưng từ đó, từ sự kém tươi tắn của hoa cỏ mà bảo “Thượng Đế thương vắng vẻ, Giữa trời tiếng chuông rơi” thì thật lạ, thật độc đáo! Vâng, tiếng chuông vang ngân, ấm cúng có thể xua tan cái tịch mịch, u buồn. Nhưng đấy là một tiếng chuông chùa, tiếng chuông của một thiền sư, một thiền sinh chứ nào phải của Thượng Đế? Bài thơ đã biểu hiện một sự giao hòa, sự liên thông kì diệu giữa ba thực thể Trời - Đất - Người.

 

Và, để kết thúc, chúng ta đọc thêm một bài thơ nữa, bài “Xuân muộn”(“Xuân vãn”).

 

Nguyên tác:

 

 

Phiên âm:

 

Xuân vãn

 

Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,

Nhất xuân tâm tại bách hoa trung;

Như kim kham (khám) phá đông hoàng diện,

Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.

 

Dịch thơ:

 

Xuân muộn

 

Tuổi trẻ chưa tường không với sắc,

Lòng xuân mãi vướng với trăm hoa;

Nay đà hiểu hết được lẽ thật,

Bình thản ngồi trông bóng xuân qua.

(Phan Thành Khương dịch)

 

Đây là một bài thơ 7 chữ 4 dòng (thất ngôn tuyệt cú). Bài thơ đã đúc kết một quá trình nhận thức – hành động của nhà thơ nói riêng, của một con người nói chung. Tuổi trẻ chưa hiểu được “sắc”, “không”, chưa hiểu được qui luật khắc nghiệt của cuộc sống nên cứ mải mê theo đuổi những ảo ảnh; bây giờ, khi đã nắm bắt được qui luật, khi đã hiểu thấu được lẽ đời, nhà thơ bình thản, an nhiên trước mọi đổi thay, còn mất. Phật giáo thường nói đến từ “vô thường”. Đó là một từ ghép Hán Việt, Vô = không, thường = luôn luôn, mãi mãi. Vận động là qui luật của tự nhiên, của xã hội, của cuộc sống, của tất cả. Bởi thế,  “vô thường” là một hệ quả tất yếu . Ta muốn “mãi mãi”, “muôn năm”, “vạn tuế”, “bất diệt” … nhưng  như thế là ta vẫn còn ấu trĩ, trẻ con.

 

Thơ xuân của Trần Nhân Tông là tấm lòng xuân, tâm hồn xuân của một vị Hoàng đế anh minh, yêu Nước thương Dân sâu sắc, của một vị Thiền sư hiểu rõ lẽ Đời lẽ Đạo, của một Thi sĩ tài hoa, tinh tế. Thơ xuân Trần Nhân Tông, vì thế, có khả năng thanh lọc, nâng đỡ tâm hồn người đọc chúng ta. Trần Nhân Tông là một vị Hoàng đế, một Con Người thật sự vĩ đại.

 

Ninh Thuận, 30-11-2011

 

Chú thích:

 

(*) Mời đọc “Mùa xuân, đọc thơ xuân của Hoàng đế Trần Nhân Tông” (trên Net).

(1) Nguyên Phong = niên hiệu của Trần Thái Tông từ năm 1251 đến năm 1258.

(2) hồ Động Thiên = chưa rõ hồ này ở địa phương nào.

 

Phan Thành Khương
Số lần đọc: 2191
Ngày đăng: 09.12.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nối Cầu Vòng - Huỳnh Lê Nhật Tấn
Nghe Út Trà Ôn Ca “Tình Anh Bán Chiếu” /Vùng Sâu Quê Tôi - Nguyễn Trung Nguyên
Nguyễn Trung Bình không còn nhậu quán 81. - Trần Hữu Dũng
Đêm - Trần Thiên Thị
Mười năm /Gió Lay /Vầng trán - Võ Chân Cửu
Gió đại dương & vỏ ốc - Trần Hạ Tháp
Lời Thề Hoàng Sa - Trần Ngọc Tuấn
Mùa Vọng - Hồ Ngạc Ngữ
Chiếc giá vẽ bỏ không - Đinh Cường
Những Con Đường /Tự Do /Những Con Người - Nguyễn Đông Nhật