Có thể khẳng định, nhân tố trung tâm của đời sống văn học chính là tác phẩm. Sự tồn tại và bản chất của nó là vấn đề mà mọi hệ thống lý thuyết văn học đều quan tâm lý giải. Quan niệm thế nào là tác phẩm văn học, điều ấy có lẽ là câu hỏi của mọi thời, mọi trường phái mỹ học. Trả lời câu hỏi này là vấn đề không đơn giản với mọi nền lý luận phê bình văn học, trong đó có lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam. Vậy ta hãy xem lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam quan niệm như thế nào về tác phẩm văn học. Bởi vì, bản chất và phương thức tồn tại của tác phẩm văn học là những vấn đề được đặt ra và giải đáp khác nhau từ những điểm nhìn không giống nhau trong hệ thống lý thuyết văn học từ truyền thống đến hiện đại. Vấn đề này cũng thể hiện rõ trong quan niệm về tác phẩm văn học của các nhà lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam.
1. Tác phẩm từ điểm nhìn lý luận văn học truyền thống
Từ điểm nhìn của lý luận văn học truyền thống, tác phẩm văn học chủ yếu được tiếp cận từ quan hệ với hiện thực và tác giả nên trong công trình Văn học và tiểu thuyết, Doãn Quốc Sỹ cho rằng mỗi tác phẩm là một cơ cấu, một kiến trúc. Đây là giá trị nội tại của tác phẩm và phải lấy chính những yếu tính văn chương mà định giá văn chương. Đó là "cốt truyện, nhân vật, bối cảnh, ý nghĩa tượng trưng của truyện, lời văn giọng văn của truyện. Tất cả châu tuần lại làm nên tác phẩm như một toàn thể bất khả phân. Giá trị nội tại của tác phẩm như trên hẳn phải là sự phong phú, phong phú mà cô đọng, phong phú mà chặt chẽ ” [1]. Đây cũng là quan niệm của Tuệ Sỹ khi ông cho rằng: “Một tác phẩm xứng đáng “phải khởi lên từ cảm hứng thực tại; vì rằng, ngay qua đó, người ta sẽ thấy một cách như thực đâu là tiếng nói của thực tại và đâu là tiếng nói của lòng người: thực tại tức là lòng người. Và cũng từ đó, người ta sẽ tìm thấy đâu là khát vọng sâu xa đang ẩn kín trong lòng người. Một tác phẩm mà không đủ sức chấn động lòng người để mở ra một thế giới như vậy không thể xứng danh là một tác phẩm văn học” [2] .
Không chỉ nhìn tác phẩm văn học từ quan hệ với hiện thực và tác giả như Doãn Quốc Sỹ và Tuệ Sỹ, một số nhà lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam còn nhìn tác phẩm từ đặc trưng về phương thức phản ánh của văn học. Họ cho rằng tác phẩm văn học phải là một công trình nghệ thuật, muốn hiểu tác phẩm phải trên cơ sở của yếu tính văn chương. Đó cũng là quan niệm của Lữ Phương: “Một tác phẩm văn chương trước hết phải là một công trình nghệ thuật. Mệnh đề xác quyết này có giá trị của một cơ sở nền móng để cho mọi kiến trúc văn học - sáng tác hoặc lý luận - lập ước được vững bền. Bởi cái tính cách nghệ thuật này sẽ xác nhận cho ta biết đó là một tác phẩm văn chương chứ không phải đó là một khúc bánh mì để ăn, lời nói để sai khiến hoặc bất cứ một vật gì khác” [3]. Đây cũng là quan niệm của Tam Ích: “Một tác phẩm văn chương phải là một sản phẩm của nghệ thuật; cái câu chuyện trong nội dung nó lắt nhắt thôi. Nhưng nếu bút pháp tài tình, thì đó là một nghệ phẩm” [4].
Như vậy, qua các ý kiến trên, ta thấy dù ở góc nhìn nào, quan niệm của các tác giả, vẫn xem xét tác phẩm từ điểm nhìn của lý luận văn học truyền thống. Nghĩa là họ chỉ tiếp cận tác phẩm trong mối quan hệ với hiện thực và tác giả mà chưa thấy được tính chất mở của tác phẩm văn học với tư cách là một văn bản trong một cấu trúc ngôn ngữ động, có giá trị tạo nghĩa từ sự tiếp nhận của người đọc. Vì vậy, quan niệm trên vẫn chưa tiếp cận với quan điểm lý luận văn học hiện đại của thế giới, nên cần được bổ sung bằng một quan niệm khác. Đó là quan niệm tác phẩm từ điểm nhìn của lý luận văn học hiện đại.
2. Tác phẩm từ điểm nhìn lý luận văn học hiện đại
Có thể nói, lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam là nền lý luận phê bình đa phức. Đó là nền lý luận phê bình đan xen nhiều quan điểm, nhiều trường phái, nhiều khuynh hướng, cả truyền thống lẫn hiện đại, cả Đông lẫn Tây phương. Vì thế trong tư duy lý luận về tác phẩm của lý luận văn học ở đô thị miền Nam, bên cạnh quan niệm tác phẩm từ điểm nhìn truyền thống, người ta còn thấy có quan niệm tác phẩm từ điểm nhìn của lý luận văn học hiện đại. Khác với quan niệm của lý luận văn học truyền thống nhìn tác phẩm như một cái gì khép kín trong quan hệ với hiện thực và tác giả, ở đây tác phẩm văn học được xem như một kết cấu mở. “Tác phẩm không là một cái gì được đóng khung: nó mở ra những chân trời. Tác phẩm không là sự sống đã đạt tới cùng đích: nó là sự đang trở thành không ngừng nghỉ. Văn chương là một hy vọng”( Huỳnh Phan Anh ) [5] và “Tác phẩm là khả thể, vô số những khả thể. Nó mở ra vô cùng. Nó hứa hẹn vô số chiều hướng, vô số vóc dáng. Nó là bước đường không ngừng nghỉ. Nó biến cái giới hạn thành cái vô hạn.” [6]. Vì là một kết cấu mở nên theo Nguyễn Văn Trung: “Tác phẩm là một tiếng gọi và nó thành công khi được đáp lại, nghĩa là khi gây được một cảm thông nơi người tiếp nhận nó” [7]
Như vậy, trong quan niệm của các nhà lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam, tính chất mở của tác phẩm văn học, gắn liền với sự tiếp nhận của người đọc. Người đọc chính là người nối dài cuộc đời của tác phẩm đến vô cùng, là cơ sở để biến cái “hữu hạn” của tác phẩm thành cái “vô hạn”. Do đó, tác phẩm văn học là chiếc cầu nối giữa nhà văn và người đọc. Nói như Nhật Tiến: “Tác phẩm bao giờ cũng là một gạch nối liền thế giới tâm tư của người đọc đối với người viết. Nếu tác phẩm không phản ảnh đầy đủ nếp sống, cảm nghĩ và giải tỏa được sự băn khoăn chất chứa trong lòng độc giả thì vai trò của tác phẩm đâu còn được tồn tại” [8].Và vì vậy, với lý thuyết tiếp nhận hiện đại, người đọc đã trở thành đồng sáng tạo với nhà văn. Chính họ là người thổi hồn vào những con chữ lạnh lùng để hóa thân chúng thành những tác phẩm nghệ thuật. Vì theo Nguyễn văn Trung: “khi đọc một tác phẩm văn chương ta phải xây dựng tác phẩm trong tinh thần của ta, cuốn truyện tập thơ kia trong thư viện ... tủ sách xếp cạnh, trăm nghìn những cuốn sách không có dấu gì bề ngoài chứng tỏ nó là tác phẩm nghệ thuật. Nó chỉ là tác phẩm nghệ thuật khi ta cầm lấy đọc và cấu tạo lại, dựng lại vũ trụ nghệ thuật, mà tác giả là người đầu tiên dựng nên trong trí óc của họ” [9]. Còn Huỳnh Phan Anh thì cho rằng: “Tác phẩm văn chương là một đứa con đi hoang trong cuộc đời và một ngày nào đó, người cha sẽ không nhìn ra ở nó những đường nét sáng tạo nguyên thủy của chính mình. Thưởng ngoạn không còn là một hành vi thụ động của ý thức trà dư tửu hậu, nó còn là hành động chiếm hữu đối tượng thưởng ngoạn.” [10].
Thật vậy, khi lý luận văn học hiện đại nhận thức rằng tác phẩm văn học không chỉ mang tính hiện thực mà còn mang tính ký hiệu thì vấn đề ngôn ngữ trong tác phẩm văn học đã trở thành một vấn đề có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình sáng tạo của nhà văn cũng như quá trình tiếp nhận của người đọc. Vì vậy, kết cấu mở của tác phẩm văn học trong quan niệm của các nhà lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam theo quan niệm lý luận hiện đại không chỉ có nguyên nhân từ sự tiếp nhận của người đọc mà còn có cơ sở từ đặc trưng ngôn ngữ của tác phẩm. Bởi vì theo Nguyễn Văn Trung: “Tác phẩm, khi đã hoàn thành đối với tác giả, tách rời tác giả, trở thành một sự vật độc lập và tuy bên trong nó vẫn chuyên chở một ý nghĩa, lời gửi nào đó của tác giả, đối với độc giả bây giờ nó cũng chỉ còn là một hệ thống tín hiệu mà bản chất là hàm hồ, nghĩa là có thể chuyên chở nhiều ý nghĩa khác mà người đọc, nhà phê bình có thể giao cho nó.” [11]. Như vậy, trong quan niệm của mình, Nguyễn Văn Trung đã nhận ra tính chất mở của tác phẩm văn học từ phương diện ngôn ngữ, như một hệ thống ký hiệu. Chính điều này tạo nên đặc trưng của ngôn ngữ tác phẩm văn học với tính chất là trung tâm tạo nghĩa. “Tác phẩm chỉ là văn chương khi nhà văn sử dụng ngôn ngữ ám chỉ. Đã hẳn nếu người ta muốn sự rõ rệt, hiển nhiên ngôn ngữ ám chỉ sẽ là một thiếu sót mơ hồ, nhưng văn chương lại không thể có được nếu người ta muốn cái sáng sủa, rõ rệt, hoàn tất. Cho nên, cái có vẻ thiết sót, mơ hồ của ngôn ngữ ám chỉ chính là nền tảng của văn chương, làm cho có thể có văn chương” [12]. Chính vì vậy, tác phẩm văn học bao giờ cũng đa nghĩa, đa trị, nên việc một tác phẩm văn học được đọc và hiểu theo nhiều cách khác nhau cũng là chuyện bình thường trong đời sống văn học.
Như vậy, việc nhận thức tác phẩm từ điểm nhìn lý luận truyền thống, đến điểm nhìn của lý luận văn học hiện đại đã cho thấy sự phát triển trong tư duy lý luận ở đô thị miền Nam. Đây là một đóng góp đáng ghi nhận. Song điều khiếm khuyết ở đây là họ chưa xác lập được hệ thống lý thuyết về tác phẩm văn học từ điểm nhìn của mỹ học tiếp nhận với những luận điểm khoa học có tính khái quát như các công trình viết về lý thuyết tiếp nhận của chúng ta hiện nay và cũng không nêu ra được thuật ngữ “văn bản văn học”, mà gọi là “tác phẩm văn học". Những giới hạn này là điều tất yếu, có thể từ nhiều nguyên nhân, trong đó không loại trừ nguyên nhân do sự hạn chế về tính hiện đại của các tư liệu mà họ sử dụng lúc đó so với hiện nay. Mặc dù vậy, những vấn đề lý thuyết về quan niệm tác phẩm văn học của lý luận văn học ở đô thị miền Nam cũng có những đóng góp nhất định vào hệ thống lý thuyết về tác phẩm văn học trong lý luận văn học dân tộc. Đồng thời, cũng thức nhận cho chúng ta nhiều vấn đề lý luận để tiếp tục tìm hiểu, khám phá nhằm hoàn thiện hệ thống quan niệm về tác phẩm văn học, một trong những vấn đề trọng tâm của lý luận văn học trong quan hệ với nhà văn và người đọc.
Chú thích;
(1) Doãn Quốc Sỹ, Văn học và tiểu thuyết, Nxb Sáng Tạo, Sài Gòn, 1972, tr.280.
(2) Tuệ Sỹ, “Dẫn vào thế giới văn học Phật giáo”, Tư tưởng số 1/1973, tr.18.
(3) Lữ Phương, “Tìm hiểu tác phẩm văn chương”, Tin văn số 2/1966, tr.14.
(4) Tam Ích, “Vấn đề văn chương tân duy nhiên ở Việt Nam”, Khởi hành số 16/1969, tr.6
(8) Nhật Tiến, Câu chuyện văn chương, Nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1969, tr. 91.
(9), (12) Nguyễn Văn Trung, Lược khảo văn học tập 1, Nxb Nam Sơn, Sài Gòn, 1963, tr. 82, 93.
(5), (6), (10) Huỳnh Phan Anh, Văn chương và kinh nghiệm hư vô, Nxb Hoàng Đông Phương, Sài Gòn, 1968, tr.85, 171, 44.
(7) Nguyễn Văn Trung, Nhận định II, Nam Sơn xuất bản, Sài Gòn 1964, tr.24.
(11) Nguyễn Văn Trung, Lược khảo văn học tập 3, Nxb Nam Sơn, Sài Gòn, 1968, tr.350.