Nền kinh tế "bao cấp" chết, kịch nghệ không là thứ ưu tiên nên hệ thống các đoàn kịch nói "quốc doanh" ở hệ thống tỉnh thành cũng "băng hà". Lâm Đồng, một trong những địa phương duy nhất ở Tây Nguyên và miền Trung có một đoàn kịch nói uy tín như thế, từng lẫy lừng vào hơn hai mươi năm trước. Và đoàn kịch nói ấy tan rã không một giấy khai tử, khiến các kịch sĩ xứ lạnh biến mất, dạt trôi đây đó, nhập vào cảnh đời chụp hình dạo, đi làm vườn, kẻ khác pha chế rượu cho các sàn nhảy, làm tuyên truyền cổ động, dân bán buôn ở chợ... Bỗng một ngày của hai mươi năm sau, họ nhớ... kịch quay quắt, và...
Suốt hai tháng nay, những ai quan tâm đến kịch nghệ ở xứ sở hào hoa Đà Lạt luôn tìm đến ngôi biệt thự Pháp cổ xưa ở số 2 Nguyễn Du để xem một "đoàn" kịch bỗng dưng ... xuất hiện. Trong gian phòng chừng chục mét vuông, mấy tượng gỗ ai đó để nhờ nơi căn biệt thự được mang ra dựng tạo không gian sân khấu; các kịch sĩ tập kịch mê đắm, rất ngọt, chuyên nghiệp; với tay đạo diễn luôn tay múa máy, giậm chân, và la ó; diễn viên diễn xuất, người khác nhắc lời thoại, âm nhạc êm vang, tất cả như sống trong đời sống của một đoàn kịch thực thụ, không ai thèm để ý gì ngoài đường kia.
Nữ diễn viên Nguyễn Xuân Chi và nam diễn viên Kendy Huy trong một lớp diễn của vở kịch đầu tiên của những người Thèm kịch sót lại ở phố núi Đà Lạt
PHỤC SINH KỊCH NGHỆ VỚI TÚI KHÔNG TIỀN, “ĐOÀN” KHÔNG NGƯỜI
Đạo diễn Lương Mạnh Hùng vì bị "kịch nhập", trong cơn mê say trách nhiệm mà la ó diễn viên, chứ sòng phẳng mà nói ông chả có quyền gì mệnh lệnh hay la hét họ_những diễn viên. Ngay ông Hùng cũng chả trả họ đồng bạc lương nào cả ( mà ông Hùng cũng nào có lương, thù lao!), cũng chẳng ai giao ông cái quyền điều khiển những người đang tham gia, thậm chí đơn giản như ông cũng không thể nói cho họ biết sau mỗi buổi kịch rã rời kia thứ họ sẽ bỏ vào bụng cho khỏi đói là cái gì. Từ nỗi thèm kịch, họ tự nhiên tụ lại, dưới vai trò gây men, kết nối, liên lạc, nói chung là như "kiến trúc sư trưởng" của "Đoàn" kịch không tên này là anh chàng Bảo vệ ở Hội văn nghệ Lâm Đồng Trần Phạm Lợi. Người ta thấy, những ngày đầu bỗng trở lại với kịch họ mua cơm hộp để ăn sau mỗi buổi diễn. Ăn thế có vẻ không đảm bảo sức khoẻ, những ngày sau họ bèn tổ chức nấu ăn ngay tại "doanh trại" để làm kịch được chuyên nghiệp, tập trung. Trần Phạm Lợi_một người từng học Đại học sân khấu chính qui ở Hà Nội, không Đảng, nhưng từng là phó Đoàn phụ trách chuyên môn ở Đoàn kịch nói Lâm Đồng một thời. Tự dưng thành "chủ xị" của nhóm kịch nên Trần Phạm Lợi hàng ngày vừa coi ngó trụ sở Hội văn nghệ vừa diễn kịch ở vai Thi sĩ trong một vở đang tập, vừa lo đi chợ, đổ gạo vào nồi, lặt rau, xắt thịt, mua hoa trái nhang khói về cúng tổ( Sân khấu)... Vì mê kịch, nhiều ngày lu bu với kịch, Lợi không về nhà, vợ hờn trách: "... Đi luôn đi, kịch với kiết. Mắc mớ gì ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Tự dưng trở nên man man, khùng khùng !...". Cứ thế, nhiều tuần nay, Lợi "tha" cả mắm, muối, bột ngột... của vợ xuống để lo từng bữa ăn trưa, tối cho anh em kịch sĩ. Nhiều lúc tôi thấy Lợi đang diễn, phải bỏ ngang đi vớt rau ra khỏi nồi, vì chỉ có mỗi một cái nồi cho các chức năng kho cá, luột rau, nấu canh... Lợi cũng nghèo như tất cả nhóm người đang tham gia xới lại hoạt động sân khấu kịch nói chuyên nghiệp ở Lâm Đồng.
*
Cái nồi nấu ăn thì do cô thủ quĩ ở Hội văn nghệ địa phương cho nhóm kịch mượn; cái giường xếp cho ông đạo diễn sân khấu ngủ về đêm là của vị Tổng biên tập Tạp chí Langbian vác đến cho mượn. Đạo diễn sân khấu Lương Mạnh Hùng thì ở tận huyện Đức Trọng cách Đà Lạt 30km_người hàng ngày phụ vợ bán vải ở chợ Tùng Nghĩa, và từng là đạo diễn chính của Đoàn kịch nói Lâm Đồng mấy chục năm trước. Anh lên xuống Đà Lạt bằng xe máy để làm kịch. Anh chàng cử nhân Luật Huy Phong với nghề chính là cắm hoa thuê và săn tìm đá phong thuỷ bán thành diễn viên nam chính của nhóm kịch lãng tử. Còn hoạ sĩ thiết kế sân khấu lại là anh chàng hoạ sĩ sáng tác tranh nay hàng ngày đang phụ vợ bán thịt heo ở chợ Đà Lạt Nguyễn Đăng Lộc. Lo âm thanh là anh chàng Xuân Minh cử nhân Đại học Văn hoá hiện hàng ngày làm rẫy ở tận huyện Lâm Hà, cách Đà Lạt 70 cây số. Cô cử nhân Luật Nguyễn Xuân Chi đang là phóng viên cho tạp chí Pháp Lý của Hội Luật Gia VN tại Đà Lạt. Và diễn viên trẻ nhất, là cô nàng 21 tuổi Uyên Thao vừa tốt nghiệp Văn khoa trường CĐSP Đà Lạt và đang là phát thanh viên tập sự của Đài Truyền thanh truyền hình Đà Lạt... Mỗi người một con đường mưu sinh, nên mỗi buổi tập trung về Đà Lạt để diễn kịch hàn lâm sau hơn 20 năm kịch nghệ biến mất khỏi Đà Lạt là một sự thu vén, quẫy đạp ngoạn mục lên mọi thứ đời thường. Nhìn người ta làm nghệ thuật trong cảnh "không tuyệt đối" đó, nhiều người xúc động đã rằng: "còn kham khổ, tảo tần hơn cả thời "Bao cấp". Nội chứng kiến cảnh anh hoạ sĩ gầy nhom chỉ biết đi bộ Nguyễn Đăng Lộc, hàng ngày tìm đến đấy để vừa vẽ thiết kế sân khấu, vừa kiêm thợ mộc, thợ sơn_đóng các vật dựng cảnh trí_ mà thấy thương, thấy đời vẫn còn đẹp, vẫn còn đó người làm nghệ thuật thật thanh tao, trong ngần.
TÀI TỬ. VÀ TỰ ĐÒI HỎI...
Cũng khó mà không nể phục tình yêu kịch tha thiết của họ, như anh chàng lo phần âm thanh là Phạm Sơn Minh cố với mang theo cho được thiết bị ghi âm để chọn âm thanh đưa vào kịch giữa lúc phải chạy lên bệnh viện khi vừa nghe cậu con trai mình bị gãy tay phải bó bột. Ngay diễn viên nam chính Huy Phong, có bữa cũng mang nước mắm đến góp vào cuộc "tái sinh" kịch này. Huy Phong_lấy kịch danh là Kendy Phong bảo: " Bỗng dưng kịch sống dậy trong tôi những ngày qua. Có khi đang diễn mà rưng rưng khi cứ nghĩ sân khấu đã quay về, nghề nghiệp thiêng liêng lên tiếng. Tưởng nó đã "chết" luôn từ những năm 1990 rồi chứ_mà thực ra tôi quên sân khấu luôn rồi!". Cô nàng Nguyễn Xuân Chi bảo chứng kiến cảm xúc với kịch của mấy "Chú" mà cô "nhiễm" vào tự nhiên, thấy "như thể mình gắn bó với kịch nghệ từ thuở nào xa lắm", dù nay mới là lần đầu đến với kịch nói. Nữ trí thức tốt nghiệp trường Luật này hân hoan: " ...Giờ mới biết kịch là một cuộc chơi thật sang trọng, trí tuệ, và lành mạnh. Ước gì được chơi mãi với nó". Hoạ sĩ tranh sơn dầu Nguyễn Đăng Lộc sốt sắng ra tay chuẩn bị không gian sân khấu cho nhóm kịch nhiều lần hồn nhiên: "... Làm(thiết kế sân khấu) để nay mai được xem kịch_xem kịch mà không phải mất tiền, sướng thế !". Nhìn vẻ mặt non tươi và phơi phới của cô gái trẻ lần đầu bước vào thế giới kịch nói hàn lâm Uyên Thao mỗi khi diễn càng tin vào cơn khát kịch luôn âm ỉ ở Đà Lạt. Uyên Thao như mở lòng: " Lâu nay em ước được diễn kịch trước đám đông, được thả lòng trong thế giới kịch trường, được phân thân, nhập vai... khác với đời thật của mình; nhưng không biết gửi cơn thèm khát ấy vào chỗ nào. Gặp nhóm chơi kịch lãng tử này, em như cá gặp nước....". Hoạ sĩ Nguyễn Đăng Lộc cho rằng: "Một xứ văn minh, trung tâm du lịch quốc tế danh tiếng như Đà Lạt nhưng lại "đói" kịch là kỳ lạ_ Tại sao kịch vẫn còn là một thứ xa xỉ, và xa vời với "tiểu Paris"_Đà Lạt đến thế!?". Vậy đó, nhưng đạo diễn sân khấu Lương Mạnh Hùng cứ bảo: " ...Chơi lãng tử vẫn cứ sang trọng trong nghệ thuật. Những ngày qua chẳng có gì là khổ cực, lam lũ cả_thế mới thú vị. Cứ tiếp tục lối chơi tài tử này tôi chơi, còn khắc khe, bắt bẻ... như ngày nào tôi chẳng thể "yêu lại" sân khấu nổi đâu". Hùng rằng, anh ngán tới cổ thứ kịch "cúng cụ", và kịch " 5, 10, 15(phút)"_ để tuyên truyền sinh đẻ kế hoạch, an toàn giao thông, tiêm vaccin cho trẻ dưới 6 tuổi, an ninh xóm phố, ngày kỷ niệm, lễ lạt..._ từ lâu lắm rồi, thứ kịch diễn mà không cần biết người dân có rung động, có lưu lại trong tim công chúng không. Đó là lý do nhóm các anh quyết chỉ làm kịch "thật", kịch hàn lâm, kinh điển, làm sân khấu đúng nghĩa. " Thà đui mà giữ đạo nhà" chứ không đổ công sức, thời gian, và cảm xúc vào kịch vô bổ, dựng xong diễn một hai lần rồi cất vào "rương" hoặc vứt vào sọt rác mà không ai tiếc nuối, kể cả đạo diễn. Quan điểm chung của cả nhóm là có kịch bản nào đáp ứng được cảm xúc, vì nghệ thuật thật sự, thì dựng; không cần số lượng, mà cũng không ai có thể ép dựng, ép diễn, hay dựng-diễn vì tiền, dựng để kinh doanh, hoặc phục vụ cho việc nịnh bợ, "làm sang" cho cơ quan, đơn vị, tổ chức nọ kia. Gần hai tháng trôi qua, họ tự lo dinh dưỡng cho những buổi kịch cũng như mọi "cơ sở hạ tầng" khác của một "Đoàn kịch" tài tử, vì ngoài hai triệu đồng xem như "động viên" của một nhà soạn kịch ở Nha Trang, một triệu đồng của một Nhà thơ ở Đà Lạt, nhuận bút cái tranh bìa trên Tạp chí văn nghệ Langbian của một hoạ sĩ phương xa... họ chẳng có mạnh thường quân nào ra tay tài trợ cả. Nhưng hàng ngày vẫn dựng kịch, vẫn diễn, niềm mê say vẫn chảy, lan toả ra ngoài căn biệt thự cổ kia...
*
Có vẻ như họ là những người lãng mạn cuối cùng của nghệ thuật sân khấu hàn lâm ở nơi từng xuất hiện Ban kịch Thụ Nhân nổi tiếng một thời, trước 1975, và với Đoàn kịch nói Lâm Đồng sau này từng làm mưa làm gió ở các đô thị Nam Trung Bộ và Tây Nguyên như Nha Trang, Phan Thiết, Qui Nhơn, Phan Rang, Bảo Lộc, Buôn Ma Thuột, và từng tính chuyện vượt đèo Hải Vân để "Bắc tiến"... Lần tái sinh này để phiêu lãng với kịch, nên họ làm sân khấu một cách trong sáng, phục sinh lại kịch ở đất kịch nghệ Đà Lạt thật tự nhiên, nhẹ nhàng, như giỡn, mà không ai tác động, hay chỉ đạo.
Một lớp diễn của vở kịch họ đang dựng trong ảnh là diễn viên cựu trào Trần Phạm Lợi và Kendy Phong
SÂN KHẤU Ở ĐÂU ?
Họ bảo, họ có thể dựng vở, tập kịch ở bất cứ chỗ nào, kể cả ra rừng thông Đà Lạt kia. Đạo diễn Hùng nói, anh ước kịch nói sẽ xuất hiện hàng tuần ở thành phố du lịch Đà Lạt sang trọng(nhưng không có nổi một Nhà hát, hay một sân khấu kịch nghệ bé con). Cứ thế, mỗi cuối tuần các anh đưa kịch ra diễn cho du khách lẫn người dân xứ lạnh. Tâm huyết là có, tài hoa là có, con người có thể qui tụ, không tiền không gạo vẫn dựng ra kịch, nhưng sẽ mang nó ra diễn ở đâu đây khi mà ngay cả cái rạp chiếu bóng Giải phóng Chính quyền cũng đã bán cho người ta đập đi xây khách sạn, rạp Ngọc Lan đập bỏ để thêm phòng cho khách sạn mới, và rạp cuối cùng còn lại là rạp "3 tháng 4" cũng sắp cho phá đi để lấy mặt bằng... Có người chọc nhóm kịch tài tử trên rằng: " thì các ông...đưa ra rừng thông mà diễn!". Khổ nỗi rừng thông nội đô nào ở Đà Lạt giờ đây cũng đã bị "gả" sạch, gả cho Nhà đầu tư xây cất resort, xây biệt thự..., đều đã giăng rào lại cả. Có người lại giới thiệu với nhóm kịch biến Hội trường trường ĐH.Đà Lạt, sảnh phòng khách của khách sạn Palace, hoặc Hội trường Đài PTTH tỉnh Lâm Đồng thành sân khấu kịch. Phải quẫy đạp để tìm chỗ diễn chứ, vở kịch đầu tiên dựng sắp xong rồi ? Lại anh chàng bảo vệ ở Hội Văn Nghệ Lâm Đồng, "khấu sĩ" Trần Phạm Lợi chống cằm lên bao sân: " Yên tâm đi. Bí quá chúng ta tìm đến nhờ không gian của Hội trường Đài PTTH Lâm Đồng... để diễn. Miễn được diễn là sướng rồi!". Nhóm kịch cử người gặp ông Phó Chủ tịch Thường trực hiện đang phụ trách Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng Lê Công nhờ Hội này làm bà đỡ, để họ được diễn kịch hợp pháp, và vở kịch đến được công chúng. Ông Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ "Ok", trên cơ sở lấy điểm tựa là... "Câu lạc bộ Sân khấu" trực thuộc hội_ Hội Văn nghệ duy nhất trong cả nước có kiểu Câu lạc bộ thế này. Đạo diễn Lương Mạnh Hùng_ một người Tốt nghiệp trường Sân khấu Điện ảnh Tp.HCM:".... Chúng tôi được diễn kịch của chúng tôi, tác phẩm của chúng tôi, còn Câu lạc bộ sân khấu kia thuộc cơ quan nào cũng chẳng thành vấn đề ! Không "đất" diễn thì chúng tôi cứ mang những vở kịch của mình đi, chỗ nào thích kịch thật sự thì gọi chúng tôi đến diễn vậy_ chắc chắn vẫn còn người thích kịch ở xứ này". Tỏ vẻ bền tâm và trỗi dậy niềm tin, ông đạo diễn sân khấu nổi tiếng nhất cao nguyên từ cái thời mọi hoạt động văn nghệ đều mang tính “quốc doanh” trần tình: "Chúng tôi có thể chỉ diễn cho một nhóm du khách mà chúng tôi thấy họ "xứng đáng để được xem kịch", diễn ngay trong một gian phòng khách sạn...".
*
Những lúc đến tòa biệt thự Pháp cổ đó, tôi thích nhìn cảnh nhóm người họ yêu kịch nói. Nghe họ trò chuyện với nhau những lúc nghỉ xả hơi, tôi nhận ra họ còn sợ khi kịch… dựng xong mất. Dựng xong không lẽ mang cất vào rương ? Mà không chỉ “đất” diễn, họ nói với nhau rằng: tìm đâu ra cái micro để đeo vào cổ thoại khi diễn trên sân khấu; về những tấm nẹp tre đi mót của đám học trò ở các trường học cắm trại bỏ đi nhặt về làm băng rôn; về giấy phép để công diễn; về giấy đâu để in làm thư mời cánh Quan chức đi xem kịch một ngày nào ra mắt; và cả sự bắn tiếng dọa của đây đó cho số phận vở kịch đầu tiên nếu như nó không được đưa ra diễn thẩm định xét duyệt trước; về những tấm băng rôn giới thiệu kịch coi chừng “đụng” băng rôn tuyên truyền cho Festival hoa_ở Đà Lạt bây giờ cứ hai năm người ta tổ chức Festival Hoa một lần… Đà Lạt giờ là vậy đó, bỗng dưng cũng ưa bề nổi, chăm lo và chú tâm cho bề nổi, văn hóa ăn xổi; thích văn hóa lễ lạt hơn là văn hóa hàn lâm, có chiều sâu, văn hóa kinh điển phổ quát của cả nhân loại… Cho dù diễn ra không đấy một tuần rồi rút, nhưng mà lễ hội hoa thì được truyền hình trực tiếp… Ngày xưa Đà Lạt điền đạm hơn, mọi thứ sâu hơn, không hung hăng, người phương xa lên thường cảm hơn là nhìn, và có nhìn cũng là để cảm chứ không phải để… sợ, vui hứng thoáng chốc.
Chuyện làm phát triển văn hoá là việc của Chính quyền; khởi xướng, thúc đẩy, nâng đỡ hình thành nền kịch nghệ cho xứ sở là việc của ngành VH-TT-DL địa phương, nhưng ở Lâm Đồng bỗng dưng nó được "tái sinh", sốc lại từ nơi một nhóm người thèm kịch. Không ai nhớ kịch, thì họ_những "khấu sĩ" lỡ vận_ nhớ vậy!
*
Không sao, muôn đời văn hóa vẫn là thứ do nhân dân tạo ra, làm đọng lại. Hãy chờ xem sao, mùa Đông này, những con người mê kịch nghệ ấy sẽ xuất hiện. Vở kịch họ dựng sắp hoàn tất đầu tiên là vở chính kịch hàn lâm, nghiêm túc, dài 65 phút, có tên " Ngộ Nhận", kể câu chuyền về Thế giới sinh động thật bay bổng dễ thương, hiện sinh mà viễn mộng, thanh tao mà phù du của những người bị nghệ thuật lưu đày, với hình ảnh người Thi sĩ, Văn sĩ, những Nữ thư ký đánh máy mê văn chương kiểu cổ xưa, những nàng diễn viên sân khấu xu thời, cơ hội, lả lơi... Họ bảo, chỉ cần ba triệu đồng thôi, ngần ấy cũng chắc chiu để lo được chừng nào hay chừng đấy về "hạ tầng cơ sở" cho cái sân khấu để vở diễn ra mắt bá tánh ngay vào những ngày tới, sau hơn 20 năm kịch nói biến mất khỏi thành phố trí thức và nghệ thuật Đà Lạt. Không có “hạ tầng” thì diễn “mộc” à_ sân khâu mà không âm thanh, ánh sáng, hóa trang…?
Chợt tôi nhớ ra rằng, xứ Đà Lạt hoa lệ, “Tiểu Paris” này từng là trung tâm phát động phong trào kịch nghệ trong đời sống dân chúng ở miền Nam Việt Nam trước 1975, trước cả Sài Gòn. Ở phố núi này từng hình thành Ban kịch Thụ Nhân_ trong Viện Đại học Đà Lạt, rồi Đà Lạt yêu kịch nổi tiếng cả miền Nam, nơi đã ươm mầm cho những cái tên lớn của làng văn nghệ sau này như: Lê Cung Bắc, Vũ Khắc Khoan, Phạm Thùy Nhân, Ngu Yên, Nguyễn Đức Quang... Và sau ngày thống nhất, năm 1979, đất này lại là một trong vài địa phương hiếm hoi ở phía Nam có Kịch nói chuyên nghiệp: xuất hiện Đoàn Kịch nói Lâm Đồng_thuộc sở VHTT Lâm Đồng_, và đến những năm đầu 1990 thì tự dưng giải tán mà không có lý do. Thời điểm đó, họ từng dàn dựng những vở đồ sộ của Lưu Quang Vũ, Sỹ Hanh, Ngọc Tranh, Phạm Kim Anh, Văn Biển, Doãn Hoàng Giang, cùng của nhiều Kịch tác gia nước ngoài như Liên Xô, Bungari, Rumani...
Nhưng ngày nay thì biết đâu, có khi rồi chính họ, những người si mê kịch rơi rớt lại, mỗi người của nhóm thèm kịch quái lạ kia, cũng phải góp vào vài trăm ngàn để làm sân khấu cho chính mình thôi. Và nên nhớ, “Đoàn kịch” này cũng không có tên để gọi./.